Thursday, 28 November 2019

CHÚNG CON SẴN SÀNG RỒI!



Năm phụng vụ 2019 đã khép lại qua việc cử hành trọng thể Lễ Chúa Giê-su Ki-tô, Vua vũ trụ vào Chúa Nhật tuần qua. Song song với việc cử hành các nghi thức phụng vụ của ngày lễ, chúng ta đã hạ quyết tâm đầu phục Vua Giê-su và sẽ làm mọi cách cho vương quyền của Thiên Chúa mau đến, để muôn dân muôn nước quì gối và tôn vinh Người là Chúa, là Vua của mọi tâm hồn.

Thực tế, đó vẫn chỉ là ước mơ. Ngày mà muôn dân qui tụ dưới chân của Vua Tình yêu sẽ đến, nhưng vẫn chưa biết khi nào. Vì thế, chúng ta không ngồi ỳ ra đó mà trông chờ; nhưng là mong đợi với niềm hy vọng bằng chính cuộc sống dấn thân phục vụ và yêu thương để khi nào Người đến chúng ta đã sẵn sàng.

Đó cũng là tinh thần của Mùa vọng. Chuẩn bị sẵn sàng để kỷ niệm việc Chúa đến lần thứ nhất trong Lễ Giáng Sinh và cũng chuẩn bị để gặp Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời mình nữa; để khi Chúa đến lần thứ hai trong quang lâm, chúng ta đã sẵn sàng. Trong tinh thần đó, sứ điệp của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng này nhắc nhở chúng ta hướng về ‘Ngày của Chúa’ đến lần sau cùng. Đây là vấn đề của đức tin. Chúng ta tin Người sẽ đến, còn đến như thế nào thì không ai biết, chỉ mình Thiên Chúa biết thôi.

Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, với kiểu nói minh họa, Thánh sử Mát-thêu đã thuật lại trận lụt kinh hoàng xẩy ra dưới thời ông No-ê. Nhưng ở đây có một chi tiết quan trọng mà chúng ta cần lưu tâm, đó là không có sự phán xét về mặt đạo đức để coi trận lụt như là án phạt mà Thiên Chúa dành cho những người sống cùng thời với ông No-ê. Điều mà bản văn muốn nhấn mạnh là: Cuộc sống của con người vẫn tự nhiên, họ vẫn ăn, vẫn uống, vẫn làm lụng vất vả, sinh hoạt như mọi ngày, chẳng có chi tiết nào nói đến cuộc sống đồi trụy hay sa đọa cả, chẳng có một dấu hiệu nào báo về ngày cùng tận cả. Trong bối cảnh bình thường như thế, cuộc chung thẩm sẽ bất ngờ xẩy ra.

Những câu nói kế tiếp trong bài Tin Mừng sẽ làm cho ngày chung thẩm xẩy ra một cách bất ngờ hơn. Bất ngờ đến độ hai người đang làm việc ngoài đồng thế mà một sẽ được cất đi, người kia bị bỏ lại. Việc này cũng xẩy ra cho hai người phụ nữ đang kéo cối xay trong nhà, một bà được đem đi và bà kia bị rớt lại. Các chi tiết này giúp cho chúng ta nhận ra rằng dù làm việc trong nhà hay ngoài đồng, phán quyết chung thẩm của Thiên Chúa dành cho họ, không lệ thuộc không gian hay thời gian và cũng không dựa trên các hoạt động hay việc làm của họ. Thiên Chúa hoàn toàn tự do làm chủ việc làm của Người. Tuy nhiên, những kẻ được đem đi có thể ám chỉ đến việc họ đã được cứu; bởi vị họ là những người đã tin và can đảm tuyên xưng Đức Chúa là Đấng Cứu Tinh của họ.

Sau đó là hình ảnh kẻ trộm. Kiểu mô tả này hơi khác lạ và khó hình dung. Bởi vì kinh nghiệm bị kẻ trộm đột nhập vào nhà vẫn là một trong các kinh nghiệm đáng sợ. Tôi còn nhớ câu chuyện trộm đột nhập vào nhà mà tôi đã trải nghiệm khi còn ở quê nhà. Vào một ngày nọ, tôi đang chăm chú làm bài tập trên gác, bỗng nghe có tiếng động phát ra từ tầng dưới. Thoạt tiên, tôi nghĩ rằng mẹ đi chợ đã về. Tôi vội vàng leo xuống cầu thang xuống thẳng nhà bếp, nơi vừa phát ra tiếng động. Mẹ đâu chẳng thấy chỉ thấy một người khách không mời mà đến đang đứng đó. Nghe thấy tiếng động, ông ta lao thẳng ra ngoài và biến mất. Tôi khám phá ra ô kính ở của sổ nhà bếp đã bị đập vỡ.

Tuy người khách lạ đó chưa thu hoạch được gì. Nhưng tôi thì khiếp sợ và không dám ở nhà một mình trong một thời gian khá dài. Với cảm nghiệm cá nhân như thế thì ai dám nghĩ đến việc mong kẻ trộm đến. Vì thế, hình ảnh kẻ trộm được dùng ở đây như một kiểu nói có ý nhấn mạnh đến sứ điệp là hãy sẵn sàng vì Chúa sẽ đến vào lúc chúng ta không ngờ nhất.

Thưa anh chị em,

Đó là lời cảnh báo rất thực tế vì không ai trong chúng ta biết ngày và giờ nào Chúa đến cả. Người sẽ đến bất thình lình. Tại chỗ khác, Đức Giê-su khuyên bảo chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Bởi vì, nếu không tỉnh thức và cầu nguyện thì lòng chúng ta sẽ gặp nguy cơ và trở thành chai đá. Rồi những lo âu thái quá trong cuộc sống khiến cho đời sống của chúng ta bị quay như chong chóng và mất phương hướng, hay vì quá bận tâm đến thế trần và vật chất khiến chúng ta quên đi mục tiêu và các ưu tiên trong cuộc sống.

Thái độ sẵn sàng và tỉnh thức là những đức tính cần thiết mà người tín hữu phải luyện tập. Muốn đạt được điều này, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất,  rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn.

Đó chính là chương trình, dự án mà chúng ta cần hành động trong Mùa Vọng này.  Đây là thời kỳ hồng ân. Đó là thời điểm để chúng ta xét mình, làm cho cuộc sống bớt bị ràng buộc và trở thành nhẹ nhàng hơn, tập sống buông bỏ không bị dính bén để cho lòng mình được nhẹ nhàng thanh thản chờ đợi Ngày Chúa đến. Ngày nào cũng là ngày của Chúa. Ngày nào cũng là dịp thuận tiện để Chúa đến. Vì thế, sẵn sàng trong kinh nguyện và việc làm là cách thức chuẩn bị tốt nhất. Qua đó con người gặp Chúa, mà càng gặp lại càng yêu và càng yêu lại càng nhớ và chỉ muốn gặp mãi. Nếu không thực hiện được như thế thì cuộc sống con người giống như cá thiếu nuớc, con người thiếu dưỡng khí.

Như vậy, tỉnh thức và cầu nguyện là khí cụ để con người luôn sẵn sàng gặp Chúa và gặp nhau. Vì thế, đừng ngủ mê nhưng hãy sẵn sàng. Đức Chúa đang đứng ngoài cửa, Người gõ và chờ đợi chúng ta mở cửa đón tiếp Người. Người hằng ước ao được dùng bữa tối với chúng ta. Đó là điều Người mong đợi. Vậy còn chần chờ gì nữa, hãy mở cửa lòng để Chúa ngự đến. Nhất là qua các bữa tiệc tạ ơn, bữa ăn lòng mến, những cuộc gặp gỡ thân tình để làm thế nào mà mọi người đều có thể lớn lên khi gặp được con người thật của nhau trong Chúa.

Ngày nay, như thời của ông No-ê, có biết bao trận hồng thuỷ trong cuộc đời chúng ta và trên thế giới... Và, sống giữa nền văn hóa của sự vô cảm và sợ hãi thì ra đây là cơ hội mà chúng ta phải chộp lấy để thi hành bổn phận và trách nhiệm của người môn đệ. Hãy làm sống lại con người thật của mình, để Thiên Chúa hiện diện và sinh ra trong lòng mọi người. Trong mọi nơi, mọi lúc chúng ta được mời gọi hãy sẵn sàng, vì Thiên Chúa đến để hiện diện trong mọi giây mọi phút của cuộc sống mình và tha nhân. Đây là cơ hội, là dịp thuận tiện để chúng ta nghĩ và thực hiện các điều đó! Đúng thật, tất cả đều là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho Ngày gặp Chúa và anh em, cho đến khi Chúa vinh hiển ngự đến lần sau cùng. Còn hiện nay, trong lúc này, chúng ta hãy nói ‘Ma-ra-na-tha, Lậy Chúa xin hãy đến,’ vì chúng con sẵn sàng rồi. Amen!



No comments:

Post a Comment