Mới hôm nào mà nay tôi đã được xếp
vào hạng U70. Nhìn vào con số bẩy mươi mà run sợ, thế mà tôi vẫn thấy mình cứ
như là một đứa trẻ và nghiệm lại thấy mình vẫn chưa làm được gì hết! Sau tuổi
sáu mươi đã được coi như là hưởng thọ; vì thế tôi tự xếp mình vào loại già,
nhưng nếu so với các thành viên khác trong cộng đoàn tôi đang sống, thì mình vẫn
là người trẻ nhất.
Già rồi nên thích ôn lại chuyện
cũ, cho dù trong quá khứ đã xẩy ra quá nhiều chuyện mà tôi chỉ muốn được quên
đi cho yên bình. Nhưng nếu nhìn về tương lai thì thấy gì? Phải chăng là những
tháng ngày trong nhà dưỡng lão hay bịnh viện và sau cùng là nghĩa trang đang chờ
đón mình. Bi quan quá! Nhưng đó là thực tế mà chắc hẳn tôi chạy đâu cũng không
thoát. Các vị trưởng thượng đã từ từ rủ nhau ra đi, bạn bè cũng đã lên đường,
mình không có lý do gì để tháo lui hay trốn chạy.
Chuyện cũ muốn ôn lại hôm nay
cũng không phải của tôi. Đó là những mẩu tâm tình mà tôi đã nghe từ các bậc tiền
bối kể lại. Với hiệp định Geneva, chia đôi chiến tuyến và đặt Việt Nam thành 2
miền Nam và Bắc. Bố mẹ tôi theo đoàn người ra đi vào miền Nam. Các cụ ra đi với
tâm trạng mong chờ ngày hồi hương. Đi đâu cũng chỉ mong về nhà. Thế mà, thêm một
lần ra đi nữa mà ngôi nhà ở miền Bắc của các cụ vẫn chỉ là những ký ức trong
lòng và là ước mơ không thành tựu.
Thay vào đó là ngôi nhà vĩnh cửu.
Niềm hạnh phúc được ở trong nhà Cha đã thuộc về các cụ và những anh em đi trước.
Họ ra đi với trọn vẹn niềm tin vào Đấng đã ban cho họ niềm hy vọng là họ không
chết nữa, sự chết không thể làm chủ và vây hãm được các ngài. Các ngài đã tin
rằng Thiên Chúa đã săn sóc họ khi còn sống, thì không có lý do gì mà Thiên Chúa
lại bỏ rơi khi họ đã về nhà, tổ ấm của yêu thương, bình an, hoan lạc và niềm
vui, nơi đó sẽ không còn hận thù và đau khổ, không còn phân ly và xa cách,
không còn thời gian và nơi chốn chỉ có trường cửu và vĩnh hằng. Họ được bao phủ
bởi yêu thương và hiệp nhất.
Ngày cùng tận
của đời người như thế thì có gì đáng sợ đâu.
Ngày cùng tận
sẽ đến với từng người. Không ai tránh thoát. Nhưng, đó không phải là chủ đề chính
mà Phụng vụ Lời Chúa nhắm đến hôm nay. Trong những ngày này, phụng vụ Lời
Chúa hướng về sự cùng tận của thế giới, ngày mà con người thường gọi là ngày tận
thế.
Chúng ta không nên bàn luận hay
tiên đoán khi nào ngày đó sẽ đến. Tuy nhiên, mỗi khi thấy những biến cố hay các tai ương xẩy ra
trên thế giới như: động đất, lũ lụt, chiến tranh thì không thiếu những người
tín hữu vội vàng chạy theo các lời tiên đoán và ám chỉ các biến cố đó là các dấu
hiệu báo trước ngày tận thế sắp xẩy ra.
Các lối suy đoán như thế đã từng xẩy ra trong lịch sử. Mỗi một
giai đoạn người ta lại có các kiểu đoán khác nhau. Và chưa ai tiên đoán đúng cả.
Quả đúng như Lời Chúa nói hôm nay rằng hãy coi chừng các tiên tri giả. Và, chúng
ta hãy nhớ tại một chỗ khác Chúa đã xác định thật rõ ràng như sau: “Còn về ngày
đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con
Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”. Đó là việc của Thiên Chúa.
Chính vì thế, những gì mà Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng
ta chuẩn bị sống tốt ngay lúc này. Còn khi nào Chúa đến thì để Chúa lo.
Thưa anh chị em,
Khi Thánh Lu-ca viết diễn từ quang
lâm, và bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là một phần của diễn từ, thì các tín
hữu sơ khai đã chứng kiến cảnh đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Họ tin rằng đền
thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, trung tâm sinh hoạt tôn giáo, mà
nay đã thành bình địa thì còn hy vọng gì nữa. Để hỗ trợ cho lối suy nghĩ này,
chúng ta thử tưởng tượng rằng nếu một ngày nào đó Đế Đô Vatican bị sụp đổ thì
niềm tin của những người tín hữu nhiệt thành và dựa vào truyền thống sẽ bị lung
lay đến độ nào?
Quả thật, biến cố kinh hoàng này
đã khiến cho niềm tin của các tín hữu tiên khởi bị lung lay đến tận xương tủy. Thiên
Chúa ở đâu? Tại sao Ngài không can thiệp để bảo vệ đền thờ và bộc lộ lòng quan
tâm của Ngài dành cho dân mà Ngài đã tuyển chọn? Phải chăng, đây là thời gian
hay ngày của Chúa? Họ phải làm gì để đón đợi ngày này đây? Và có khi nào đó là
những dấu hiệu báo cho chúng ta biết ngày đó sắp xảy ra chăng?
Diễn từ quang lâm mà Thánh Lu-ca
trình bầy hôm nay như là một lời nhắc cho chúng ta nhớ rằng việc đền thờ
Giê-ru-sa-lem bị tàn phá được Đức Giê-su dự đoán đã xẩy ra. Đó không phải là dấu
hiệu tiên báo ngày chung cục cho bằng do bàn tay của con người đã phá hủy nó.
Chúng ta hãy nhớ rằng Nước Thiên Chúa được thiết lập nơi bản thân và sứ vụ của
Đức Giê-su chứ không bị lệ thuộc bởi việc xây dựng các cơ sở vật chất do bàn
tay con người đóng góp.
Bên cạnh đó, Đức Giê-su còn nói
cho những kẻ theo Người biết rằng không chỉ có đền thờ đã bị tàn phá mà sẽ còn
nhiều tai ương và hoạn nạn xẩy đến cho thế giới này nữa... Một thế giới vẫn còn
nhiều bất ổn, bạo động, chiến tranh, khủng bố, các tai ương như thiên tai, động
đất và lũ lụt vẫn xẩy ra.
Cho dù tất cả các biến cố nói
trên và các hiện tượng kinh hoàng khác ập xuống trên mặt đất cũng không làm chúng
ta phải hoảng sợ. Đức Giê-su đã quả quyết rằng những sự việc đó sẽ xẩy ra trước,
nhưng đó cũng không phải là các điềm báo nói về ngày chung cục đâu.
Ngoài ra, các người theo Chúa còn
bị bách hại, bị ngược đãi và bị giam cầm, thậm chí còn bị những người thân
trong gia đình bắt nộp. Nhưng, tất cả các điều đó không làm cho chúng ta phải
hoang mang hay lo sợ; trái lại chúng ta hãy xử dụng các hoàn cảnh ngặt nghèo
như là những cơ hội để loan báo Tin Mừng cho những ai đang có lối sống thù địch
với Tin Mừng.
Sống trong tư thế của kẻ đã sẵn
sàng trong hoạt động để loan báo Tin Mừng là thái độ sống tích cực của người
tín hữu đã sẵn sàng đón chào Chúa. Quả thật, chúng ta được mời gọi để đón nhận mọi
biến cố xẩy đến trên thế giới này bằng một niềm hy vọng. Chúng ta được mời gọi
trung kiên với Chúa và tìm mọi cơ hội để làm chứng nhân cho niềm tin và niềm
trung kiên của chúng ta giữa lòng thế giới mà chúng ta đang sống. Tất cả là bối
cảnh mà chúng ta được mời gọi để làm chứng cho Đức Ki-tô giữa lòng thế giới và
ngay ở trong lòng của những kẻ thù địch với mình.
Như vậy, việc Thiên Chúa đến trễ hay
đến sớm không phải là việc mà chúng ta cần quan tâm hay lo lắng. Tất cả mọi biến
cố đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Người. Đức Giê-su muốn chúng ta có nhiều
thời gian để chuẩn bị cho thật tốt, nhất là biết dùng thời gian đang sống để
công bố cho mọi người biết về Tin Mừng của Thiên Chúa.
Vì thế, hãy kiên tâm vì mạng sống
của chúng ta đã được Thiên Chúa coi sóc. Hãy một lòng tin tưởng vào lời hứa của
Thiên Chúa là chăm sóc cho chúng ta. Và, với sức mạnh của lời Chúa hứa, chúng
ta hiên ngang dấn bước theo Người và để lại mọi sự, kể cả ngày sau cùng, cho
Người lo liệu. Tạ ơn Chúa. Amen!
No comments:
Post a Comment