Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội chúng ta long trọng mừng
lễ Chúa Ki-tô, Vua vũ trụ. Đây cũng là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ
2018. Trong năm qua chúng ta đã chứng kiến bao điều kỳ diệu xẩy đến cho mỗi cá
nhân, từng gia đình, cộng đoàn giáo xứ và toàn thế giới. Mỗi giây phút diệu kỳ,
từng sự việc xẩy đến trong năm qua đều dẫn chúng ta đến đỉnh điểm của ngày Lễ
hôm nay, ngày mà theo ước nguyện, muôn dân muôn nước sẽ đầu phục, quì gối, bái lậy
và tuyên xưng Đức Chúa là Vua, Chúa tể của mọi tạo vật, Chúa của mỗi cá nhân và
của toàn thể nhân loại này.
Không giống như các chế độ quân chủ, sản sinh ra các vị lãnh
đạo độc tài lạm dụng uy quyền đã xuất hiện và biến mất trên thế giới; Chúa
Ki-tô Vua chúng ta, với khí cụ hy sinh, tình yêu và phục vụ, sẽ trị vì mãi mãi
qua muôn thế hệ. Tuy là như thế, nhưng đây cũng là dịp để chúng ta ngồi xuống
mà nhìn lại ý nghĩa điều mà chúng ta tuyên xưng: Đức Giê-su Ki-tô là Vua, là
Chúa của chúng ta.
Đâu là vương quốc của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Hẳn
anh chị em còn nhớ, sau khi Chúa bị bắt và trao nộp cho quan chức thời đó.
Trong cuộc thẩm vấn, quan tổng trấn Phi-la-tô đã hỏi Người rằng: “Ông có phải
là vua dân Do thái không?” Trong câu trả lời, dù Đức Giê-su đã không nói trực
tiếp đến ngôi vị của Người, nhưng cũng hé mở cho Phi-la-tô và chúng ta biết về
vương quyền và vương quốc của Người. Đó không phải là một thể chế thuộc về thế
gian này. Và những người thuộc về thế gian này không có quyền gì trên Người.
Ngay quyền bính mà quan tổng trấn Phi-la-tô đang hành xử cũng không thuộc về
ông nếu Thiên Chúa không ban cho ông ta.
Quả thật, như Lời Chúa đã phán: “Nước Ta không thuộc về chốn
này.” Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu chứng thực rằng Nước của Người chắc chắn
không thuộc về thế giới này. Vương quyền của Chúa không phải là một cái bẫy quyền
lực, uy nghi hay sự giàu có như các vua chúa trần gian ra sức dùng mọi cách để
chiếm giữ và bảo vệ cho bằng được dù phải hy sinh những kẻ thuộc về họ. Đức
Giê-su cũng kiên quyết loại bỏ mọi phương thức bạo lực và lạm dụng quyền bính
như các vua chúa thế trần đã thực hiện.
Không giống như các cuộc lên ngôi của vua chúa trần gian, Đức
Giê-su đã đăng quang vương vị bằng cái chết trên Thập Giá, đó chính là đỉnh cao
sứ vụ mà Đức Giê-su đem đến để bộc lộ tình yêu của Người dành cho toàn dân. Cái
chết thảm thương của Đức Giê-su dưới bàn tay của những kẻ đô hộ khiến chúng ta
không thể nào tin Người thuộc về dòng dõi của bậc đế vương, hậu duệ của vua
Đa-vít. Ngoài ra, Đức Giê-su đã chết như một tội nhân thì làm sao Người có thể giải
phóng Ít-ra-en ra khỏi ách nô lệ của đế quốc Ro-ma được.
Và, trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Lu-ca đã mô tả thật xuất
sắc về việc lên ngôi của Đức Giê-su, vua tình yêu. Người không đăng quang như
các vị vua chúa trần gian, mà bị ‘treo lên’ giữa hai tên gian phi. Đây là câu
chuyện bị đóng đinh. Quyền lực của sự dữ được biểu lộ qua việc lên án Đức
Giê-su của hàng ngũ lãnh đạo về phần đời cũng như trong đạo. Nhưng, trong bối cảnh
mà người ta tưởng như là đã thắng trận và Đức Giê-su là kẻ bại trận, thì Người lại
chính thức được công bố là vua dân Do
Thái.
Hành động sai trái của những kẻ cầm quyền để kết tội Đức
Giê-su lại có tác dụng làm cho chương trình của Thiên Chúa được hoàn thành. Những
người tự nhận mình là đạo gốc không nhìn ra. Trong khi đó, những kẻ bị liệt vào
hàng tội nhân, nhận ra sự vô tội của Đức Chúa rồi van xin Người thương xót thì
được cứu độ. Chính trong giây phút đó, Đức Giê-su đã dùng vương quyền mà ban ân
sủng cho anh được trở nên thành viên trong Nước của Người. ‘Hôm
nay’ không phải ngày mai. Ngay bây giờ, ngay lúc này anh đuợc ở trên thiên đàng
với Chúa. Thiên đàng ở đây không phải là nơi chốn, nhưng là tình trạng hiệp nhất
hòan hảo giữa Chúa và anh. Anh đã đạt đuợc cảnh giới hiệp thông này qua việc
anh nhận ra sự hèn yếu của bản thân mà nuơng tựa trọn vẹn vào Chúa. Trong mối
dây hiệp nhất, anh lĩnh nhận ơn tha thứ trong ngày lập quốc của Vua Giê-su.
Vậy, chuyện mà chúng ta cần nói với nhau là Đức Giê-su là vua
như thế nào?
Các tín hữu tiên khởi đã nhìn nhận và gọi Đức Giê-su là vua,
là Chúa của họ và tin rằng vương quốc mà Người đã thiết lập hoàn toàn khác với
các thể chế của trần gian. Đó là sự hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa với
Đa-vít. Chúa Giê-su là vua, là người lãnh đạo và duy nhất chỉ mình Người mới biết
cách chỉ cho họ con đường đến và về với Chúa Cha. Đức Giê-su đã không dùng các
giải pháp chính trị hay quân sự như vua Đa-vít để thống nhất đất nước, mà là
tình yêu và sự chết.
Tình yêu của Vua Giê-su được diễn tả qua việc hiến dâng trên
Thập Giá là đích điểm của các lời dậy bảo của Chúa, đã được chia sẻ trong các bài
giảng của Người, đó là sự rộng lượng, tấm lòng quảng đại, ơn tha thứ, lòng quan
tâm chăm sóc người nghèo, chữa lành bệnh tật cho kẻ bị đau ốm và kêu gọi những
người tội lỗi ăn năn. Người không chỉ ban một học thuyết, cho dù học thuyết về
tình yêu; nhưng Người đã khai mở con đường yêu thương. Con đường hay lối sống
yêu thương này đã xuất phát từ kinh nghiệm mà Đức Giê-su đã trải nghiệm với Cha
của Người, và bất cứ ai tin và sống theo Tin Mừng của Đức Giê-su đã rao giảng đều
có một trải nghiệm giống như thế. Đây là điều khiến nhiều Kitô hữu sơ khai tin
rằng Chúa Giê-su thực sự là vị vua được mong đợi từ lâu của họ. Chúa Giê-su,
vua chiến thắng đã dẫn chúng ta, không đi đến một chiến thắng trần thế thoáng
qua mà là vinh quang của cuộc sống vĩnh cửu.
Chúa Giê-su chết để nói lên tinh thần vâng phục của Người đối
với Chúa Cha. Đây cũng là lúc Người làm chứng cho nhân loại biết rằng Người yêu
thương và tín nhiệm Cha đến dường nào. Người ta lầm tưởng là Chúa đã thua cuộc;
nhưng ngược lại, qua mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su đã bộc lộ lòng tín thác vô
song vào Thiên Chúa khi dám hứa ban Nước của Người cho người có lòng hối cải
đang chịu đóng đinh chung với Người.
Đức Giê-su đã
không chịu lùi bước, Người đã chiến đấu. Tuy vậy, trước mắt họ hình như Đức
Giê-su là người thua cuộc, thất bại. Nhưng, qua sự vâng phục Thiên Chúa đã siêu
tôn Người. Đức Giê-su đã được Chúa Cha tôn vinh là Vua, là Chúa của muôn dân
muôn nuớc. Qua tấm lòng hiếu kính và vâng phục, Người đã sửa lại những lỗi lầm để
ban ơn cứu độ, không chỉ cho tên gian phi, mà cho toàn thể nhân loại, trong đó
có anh, có chị và mỗi người chúng ta.
Như vậy, khi
chúng ta tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là vua là Chúa là lúc chúng ta đầu phục
Người. Thật vậy, vinh dự và trách nhiệm tham gia vào công cuộc mở mang Nước
Thiên Chúa đã được trao ban ngay lúc chúng ta lĩnh nhận bí tích Thánh Tẩy, để
làm con Chúa. Vì thế, hãy
chọn Đức Kitô là Vua, là Chúa và bước đi theo Người, vì chỉ nhờ Người, với Người
và trong Người chúng ta sẽ tìm được sự sống viên mãn. Muốn được như
vậy, chúng ta cần tựa vào Chúa. Người chính là nguồn năng lực duy nhất giúp
chúng ta tiếp tục sống và làm chứng cho thế giới nhận ra Chúa là Vua trên hết
các vua, là Chúa trên hết các chúa. Amen!
Kogarah
14.11.2019
No comments:
Post a Comment