Những dòng suy niệm về Lễ Thánh Gia năm nay được gửi đến anh
chị em trong dư âm của những ngày Đại Lễ mừng sinh nhật Chúa. Trong tâm tình
hân hoan của tuần bát nhật mừng biến cố ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta,’ chúng tôi
xin gửi đến quí cụ, quí ông bà và anh chị em lời nguyện chúc bình an. Ước mong
niềm vui và ân huệ của Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, được ứng
nghiệm trong cuộc sống của chúng mình.
Thật ra, chúng ta nhận ra rằng giữa hai lễ: Giáng Sinh và Thánh
Gia có một sự đồng điệu và bổ túc cho nhau. Trong Lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng
và kỷ niệm cuộc thăm viếng lần thứ nhất của Thiên Chúa, Đấng đã đến để chia sẻ
kiếp người với chúng ta; Người không chỉ chia sẻ một chút ít; nhưng chia sẻ
toàn diện, kể cả thử thách; chỉ có một điều khác là trước các thử thách thì con
người bị thất bại và sa ngã, còn Đức Chúa thì chiến thắng và vượt qua.
Đến trong kiếp người, Đức Giê-su cũng cần có một gia đình. Và
Lễ Thánh Gia là lễ mừng gia đình của Đức Giê-su theo nghĩa hẹp và cũng là lễ của
mỗi gia đình chúng ta khi đã có Đức Chúa vừa là chủ vừa là thành viên. Trước
khi suy niệm bài Tin Mừng của Lễ Thánh Gia năm nay, trong đó Thánh sử đã kể lại
việc Thánh Giu-se đưa vợ mình là bà Ma-ria-a và hài nhi Giê-su trốn cơn lùng
bách và ý định giết hại con trẻ của vua Hê-rô-đê. Chủ ý của Hội Thánh khi dùng
bài Tin Mừng này trong Lễ Thánh Gia là muốn chúng ta suy niệm một cách rất thực
tế về những gì đã xẩy ra trong gia đình của Đức Giê-su, chứ không phải là một mẫu
mực lý tưởng của một gia đình nào đó mà chúng ta không thể noi gương bắt chước
được.
Đức Giê-su đã sinh ra
và đến trong gia đình có một người cha và người mẹ chưa hoàn hảo như các bức
tranh mà người ta vẽ về gia đình Thánh Gia đâu. Các thử thách và muôn vàn khó
khăn vẫn bao vây các ngài. Tuy nhiên, các ngài đều nhận ra được một điều là họ
được sinh ra và sai đến trong trần gian này để thuộc về nhau. Trước khi học để
biết điều này họ cần học để biết rằng họ phải thuộc về Chúa và thi hành ý muốn
của Thiên Chúa trước.
Vì thế, việc cần làm là chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại một
vài thử thách mà Đức Ma-ri-a đã phải đối diện kể từ khi đón nhận bào thai
Giê-su vào trong dạ của mình. Dù việc thụ thai của Người do quyền năng của
Thánh Linh; nhưng việc sinh hạ, cho dù diệu kỳ, lại rất bình thường. Người được
sinh ra trong một gia đình có cha là Giu-se và mẹ mang tên Maria. Ngay lúc hài
nhi Giê-su chỉ là một bào thai nhỏ bé trong cung lòng, Mẹ đã là người lữ hành, đon
đả từ giã nơi chôn nhau cắt rốn vội vã đi lên miền sơn cước thăm bà chị họ của
ngài tên là Ê-li-sa bét. Mẹ đã ở đó cho đến lúc bà Ê-li-sa-bét sinh hạ Gio-an Tẩy
giả rồi trở về nhà. Chúng ta không biết Mẹ ở quê nhà được bao lâu, lại phải lên
đường về quê chồng tại Bê-lem, miền Giu-đê để đăng ký theo lệnh của hoàng đế
Au-gút-tô. Tuy có Giu-se, chồng mình đi cùng, nhưng lần đi này hai mẹ con vất vả
hơn. Cho đến lúc này, ngoài việc tay xách nách mang, bụng mẹ đã lớn khiến cho việc
di chuyển trở thành khó khăn và vất vả hơn.
Tuy sự khổ cực này đổ xuống trên thân mình Mẹ, nhưng không vì thế mà
không ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ khỏe thì con mới an lành.
Chúng ta chưa biết phúc khí mà Đức Giê-su đem lại cho Mẹ Người
sau này như thế nào; nhưng chúng ta chỉ biết từ ngày đón nhận và vâng phục thánh
ý của Thiên Chúa, cuộc sống của Mẹ đã thay đổi, phải ra khỏi mình để đi đến tha
nhân tại nơi họ đang sống. Mẹ bị bao phủ bởi các nỗi thống khổ. Các điều này rất
phù hợp với lời tiên đoán của cụ Si-mê-ôn về cuộc đời của Mẹ như đang có một lưỡi
gươm từ từ đâm vào tâm hồn Mẹ vậy.
Tuy các Thánh Sử đã mô tả việc giáng sinh của Đức Giê-su với
nhiều tình tiết rất thánh thiêng để nói lên sự can thiệp từ trời, như sự hiện
diện của sứ thần hòa chung với ánh sáng được tỏ hiện hợp với tiếng đàn ca xướng
hát của các thiên binh từ trời phái xuống. Nhưng tất cả các điều này cũng không
làm mất đi tình trạng khó nghèo và bần hàn trong việc sinh ra Đức Giê-su. Bố mẹ
Người đang trên đường lữ hành, không tìm ra chỗ ở, đã lấy trời làm nhà, máng cỏ
làm nệm, còn may là cha mẹ của Người còn có tấm tã để bọc và che thân hài nhi.
Các thử thách như thế không chỉ kết thúc với câu chuyện sinh nở mà còn tiếp diễn
bởi hành trình tỵ nạn sang Ai cập mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng của
ngày Lễ hôm nay.
Nhìn lại hoàn cảnh thực tế và dựa trên kinh nghiệm của những
ai đã từng đi tỵ nạn hay di chuyển từ nơi này sang nơi khác với một em nhỏ vừa
sinh ra còn nằm trong tã. Không dễ dàng. Đầy trắc trở. Đó là chưa kể đến việc Ma-ri-a
chịu thai vẫn còn là một mối bận tâm mà Giu-se chưa thể nào vượt qua được.
Giu-se vẫn bị ám ảnh bởi đã có ý nghĩ lìa bỏ Maria một cách kín đáo. Giu-se vẫn
biết rằng hoàn cảnh và kinh nghiệm mà anh được mời gọi để vượt qua rất cá biệt,
anh không thể tâm sự với ai khác, ngoài Maria, người vợ cũng đang phải đối diện
với các thử thách như anh!
Dựa trên kinh nghiệm của chúng ta, những người đã từng thuộc
về một gia đình. Chúng ta nhận ra rằng thật là diễm phúc khi được đón nhận và
trưởng thành trong bầu khí của gia đình. Đây chính là một ân phúc tuyệt vời mà
Thiên Chúa ban cho. Khi nói như thế, chúng ta cũng không chối cãi các thử
thách, các bất đồng, hiểu lầm, va chạm được gây ra bởi những người trong cùng
huyết thống. Nói chung, các mâu thuẫn và khó khăn vẫn hiện diện trong cuộc sống
của một gia đình mà mọi người được mời gọi để vượt qua.
Tất cả đều được mời gọi để đối diện với các khó khăn. Chúng
ta còn được mời sống thế nào để duy trì sự hiệp nhất và yêu thương khi mọi
thành viên trong gia đình mang những bản tính khác nhau, theo đúng câu mà chúng
ta được nghe: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.” Không chỉ có thế, chúng ta cần
giúp nhau để thăng hoa nhân cách của mình mà không làm cho các thành viên khác
bị thiệt thòi.
Sau khi nói như thế, giờ đây chúng ta thử tìm ra một số kinh
nghiệm sống trong gia đình Thánh Gia để làm gương và trở thành một gia đình
gương mẫu cho mọi gia đình.
Việc đầu tiên là niềm tin mà Giu-se đã dành cho Ma-ri-a. Sau
khi được mộng báo về việc mang thai của Ma-ri-a là do quyền năng tác động của
Chúa Thánh Thần, Giu-se đã hết mực tin tưởng lời chia sẻ của vợ mình, không
chút nghi ngại đã đón vợ về nhà.
Tiếp theo là sự vâng phục của Giu-se đưa gia đình trốn sang
Ai cập. Và sau này cũng theo lịnh của sứ thần mà đem gia đình trở về Na-za-rét.
Nói chung là sau bốn lần được mộng báo, Giu-se đã vâng theo lời sứ thần truyền
mà thi hành. Khi thi hành việc này, Giu-se đã thể hiện trách nhiệm của một người
cha, bảo vệ con của ông bà.
Và tất cả các việc mà Giu-se làm để bảo vệ Đức Giê-su đều xuất
hiện trong giai đoạn ấu thơ của Người. Phải chăng với các chi tiết này, Thánh sử
đã muốn cho chúng ta hiểu rằng sự xuất hiện của Đức Giê-su mở ra một khúc quanh
thật quan trọng trong dòng lịch sử, và tất cả những ai có liên hệ đến cuộc sống
của Người đều được quan tâm. Vì thế, vai trò và chức năng của Thánh Giu-se không
phải là một con người được đặt ra làm bù nhìn; nhưng Ngài chu toàn trách nhiệm
trong cương vị của một người cha của Đức Giê-su và để cho kế hoach của Thiên
Chúa được thực hiện.
Qua các điểm nay chúng ta học được bài học là muốn đón nhận
và vâng theo Thánh ý của Thiên Chúa thì các thành viên trong gia đình phải có
con tim mở rộng đón nhận ý Chúa và tin tưởng vào nhau.
Sau niềm tín thác vào Chúa và niềm tin nơi nhau là việc khuyến
khích và giúp nhau thực hiện ý Chúa. Trong tiệc cưới tại Ca-na, Đức Ma-ri-a đã
không ngần ngại nói với những việc giúp việc làm theo ý Đức Giê-su. Mẹ tin con
và không tranh công với con. Trong tất cả các câu chuyện xẩy ra trong các sinh
hoạt của gia đình Thánh gia, chúng ta khám phá ra rằng mọi thành viên không bao
giờ tranh giành sự chú ý, luôn chấp nhận lui về phía sau để giúp nhau thành
toàn. Bài học từ bỏ -kenosis- vì ich lợi của người khác được áp dụng một cách
triệt để trong sinh hoạt của Thánh Gia Thất.
Và sau cùng là sự hiện diện thành tín trọn đời với nhau. Một
gia đình được phát triển đến mức thành toàn khi mọi người không có ý định loại
bỏ nhau. Dù gặp bao nhiêu thử thách, gia đình chỉ còn là gia đình khi mọi người
luôn sát cánh và hỗ trợ nhau. Chúng ta thấy rõ điều này trong cách hiện diện của
Mẹ Maria. Mẹ đã có mặt ở mọi thời điểm trong cuộc sống của Đức Giê-su, từ khi
được sinh ra cho đến lúc Người trút hơi thở để trao ban sự sống mới cho Mẹ và
gia đình nhân loại mà người môn đệ Chúa yêu thương là đại diện. Mẹ đã hiện diện
trong lúc con được tôn vinh cũng như giây phút bi thương nhất.
Tóm lại, Thánh Gia Thất đã dậy chúng ta một chân lý đó chính
là mọi thành viên trong gia đình chỉ thuộc về nhau khi họ thuộc về Chúa và mọi
người đều mong ước thi hành ý định của Thiên Chúa. Xin cho mọi người trong gia đình chúng ta biết
quên mình vì ích lợi của người khác mà làm vinh danh Chúa. Amen!
No comments:
Post a Comment