Hôm nay là Lễ
Hiển Linh. Lễ mừng việc Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Bài Tin Mừng hôm nay
kể lại cuộc hành trình tìm kiếm của ba vua, đại diện cho muôn dân muôn nước đến
để triều bái Vua dân Do Thái. Tuy nhiên, căn cứ vào các giải thích của các nhà
chú giải Thánh Kinh, chúng ta được biết chẳng có vua chúa trần gian nào đến bái
thờ hài nhi Giêsu hết, ngoại trừ Vua Hê-rô-đê, sau khi bị lừa đã ra lịnh tiêu
diệt hài nhi Giê-su, bằng cách sai người đi giết các trẻ em trong vùng Bê-lem
và lân cận, từ hai tuổi trở xuống!
Vậy, ai là những
người đã đến từ Phương Đông để tôn thờ Hài Nhi? Họ là các nhà chiêm tinh,
chuyên nghiên cứu thiên văn và nhìn ngắm sao trời để đoán ra vận mạng của môt số
người nổi tiếng. Tuy hành trình và mục tiêu kiếm tìm của họ đáng cho chúng ta
ngưỡng mộ và noi gương. Nhưng việc hệ trọng mà Thánh sử muốn ghi lại không phải
là con đường tìm kiếm của các nhà chiêm tinh; nhưng đó là sứ điệp Thiên Chúa làm
người và việc tỏ bầy cho muôn dân biết về sự thật này là điều quan trọng mà
chúng ta cần ghi nhớ.
Vì thế, trong
lễ Hiển Linh, chúng ta nhận ra chiều kích tràn đầy của việc Giáng Sinh. Giáng
Sinh dù thế nào vẫn chỉ là cuộc viếng thăm của Thiên Chúa dành cho dân Ít-ra-en,
dân riêng của Ngài. Với Lễ Hiển Linh, mầu nhiệm đó đạt đến mức toàn diện. Thiên
Chúa sinh ra làm người và tỏ mình cho muôn dân muôn nuớc, dĩ nhiên bao gồm cả
chúng ta nữa. Việc tỏ mình là sáng kiến của Thiên Chúa, không ai có thể yêu cầu
hay buộc Ngài phải làm chuyện đó. Sáng kiến này phát sinh từ kho tàng ân huệ của
Thiên Chúa.
Tuy nhiên, con đường tìm kiếm của các nhà
chiêm tinh cũng đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Họ đã không nhận ra sự xuất hiện
của Thiên Chúa bằng truyền thống, hay tìm ra Chúa qua mớ giáo lý kinh điển do
cha ông truyền lại. Thiên Chúa đã đến trong hoàn cảnh, lối sống và khả năng
chuyên môn của họ. Ngài đã xuất hiện ngay trong tầm nhận biết của họ. Họ là các
nhà chuyên môn nghiên cứu về các vì sao, biết về nhiệm vụ, cách vận chuyển và ý
nghĩa của các vì sao. Thiên Chúa đã dùng các vì sao để mời gọi họ lên đường.
Các vì sao giống như những ý tưởng giúp cho họ định hướng và lên đường. Tất cả
chỉ là những dấu chỉ nói lên một sự thật bên trong là họ khao khát tìm kiếm
Thiên Chúa để thỏa mãn nỗi ước mong của họ. Thật vậy, chính niềm khao khát này
thúc đẩy họ tìm kiếm và trong lúc kiếm tìm thì họ lại được thôi thúc cho đến
khi thành toàn.
Nói thì như
thế, nhưng hành trình tìm kiếm của họ không dễ dàng. Dù có ngôi sao dẫn đuờng,
nhưng ngôi sao lại có lúc ẩn lúc hiện. Cũng có lúc các ông bị mất dấu; không phải
do các ông đi lạc; nhưng ngôi sao không xuất hiện thì biết lối nào để đi. Trong
hoàn cảnh đó, họ không hề thất vọng; tiếp tục tìm kiếm bằng cách dò hỏi những
ai đã đuợc tiên báo về sự xuất hiện của con trẻ Giê-su. Đó là các thượng tế và
kinh sư của đạo Do Thái, dân riêng của Chúa; nắm giữ trong đầu các lời loan báo
của các ngôn sứ về nơi chốn của vị lãnh tụ, đấng chăn dắt dân của Thiên Chúa sẽ
ra đời. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó biết theo kinh điển mà không hề cất
bước đi tìm nên cái biết của họ đã chẳng giúp gì cho họ. Vua Hê-rô-đê cũng biết;
nhưng điều mà vua biết không đem vua lại gần Chúa; trái lại cái biết đó lại là
nguyên nhân đem đến cho vua nỗi lo sợ. Phát sinh từ nỗi sợ hãi hoang tưởng, sợ
mất quyền hành; vua đã tìm cách tiêu diệt bằng cách giết lầm hơn bỏ sót, ông ta
đã giết hết những ai là mầm mống đe doạ sẽ lật đổ ngai vàng của ông.
Việc Hiển
Linh khởi đầu qua việc sinh ra của Hài nhi Giê-su và trở nên trọn vẹn khi Đức
Giê-su đã cho đi tận cùng cuộc sống của mình. Chính việc cho đi và tự hiến sau
cùng của Người lại là cuộc tỏ mình huy hoàng nhất về chân tuớng đích thật của
Người qua biến cố Phục Sinh. Vào ngày đó, con người của Đức Giêsu được bao phủ
trọn vẹn thần tính của Thiên Chúa. Và chính nhờ ơn Phục Sinh mà chúng ta nhận
ra thần tính của Đức Chúa. Các môn đệ là nhân chứng về cuộc Hiển Linh Phục
Sinh. Niềm tin của chúng ta hôm nay cũng dựa vào lời chứng của các tín hữu tiên
khởi; đó chính là: Thiên Chúa đã tỏ mình
trong thân phận con người của Đức Giêsu, Người đã ở
giữa chúng tôi và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người từ Chúa Cha mà đến.
Như vậy, qua
trình thuật Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân muôn nước biết rằng: với
Chúa không ai là người ngoài cuộc hết. Tất cả đều được mời gọi đón nhận và làm
chứng về ơn cứu độ. Ai ai cũng đựợc diễm phúc làm con của Ngài. Ai ai cũng đuợc
mời gọi sống để tỏ bầy sự hiện diện của Thiên Chúa. Và một khi đã gặp gỡ Thiên
Chúa, con người có nhiệm vụ loan báo và làm cho cuộc gặp gỡ đó trở thành hiện thực trong hành trình niềm tin
và cách sống đạo của chúng ta. Đây chính là hồng ân và sứ mạng mà Thiên Chúa đã
trao ban cho chúng ta.
Thưa anh chị
em,
Vẫn biết rằng
Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta là một hồng ân được tặng ban nhưng không và là
sáng kiến của Thiên Chúa; nhưng việc Thiên Chúa tỏ mình không làm cho vinh
quang của Thiên Chúa được tỏa sáng hơn, mà là vì lợi ích của chúng ta. Ánh sáng
vẫn có đó, nhưng một khi con người cứ nhắm mắt lại thì ánh sáng dù có cũng như
không. Vì thế, việc tìm kiếm Chúa, dù trong thân phận của hài nhi Giê-su hay
trong thân xác của một Đức Chúa Phục Sinh, đều là nỗi khát vọng của con người.
Muốn được thỏa mãn và đạt được khát vọng này, chúng ta phải đi tìm.
Nói đến chuyện
tìm kiếm khiến tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và các môn đệ đầu tiên.
Người đã hỏi họ rằng “các ông tìm gì?” Thật là một điều ngạc nhiên cho chúng ta
khi nghe họ hỏi lại: “Thầy ở đâu?” Câu hỏi của họ có thể diễn giải rộng như Thầy
ở đâu để chúng tôi có thể tiếp cận và chia sẻ cuộc sống với Thầy? Đứng trước
yêu cầu chính đáng của họ, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ;
Người lại mời họ “Hãy đến mà xem”. Chúa không chỉ cho họ đi đến đâu và xem cái
gì? Người chỉ nói “Hãy đến mà xem”. Một lời mời gọi thách thức niềm tin của họ.
Họ tin Thiên Chúa sẽ dẫn họ đi đến chỗ Thiên Chúa muốn và xem điều Thiên Chúa tỏ
bầy. Có nghĩa là Người mời gọi họ tín thác vào lối sống của Người mà họ sẽ được
xem thấy. Họ cần dấn thân, chia sẻ cuộc sống và buớc đi với Người, cùng Nguời
đi trên các nẻo đường khác mà đến với mọi người, qua đó họ sẽ được xem thấy
Chúa.
Cách thức mời
gọi như thế lại được tìm thấy trong hành trình tìm kiếm của các nhà chiêm tinh
trong bài Tin Mừng mà chúng ta nghe hôm nay. Họ đã được dẫn đường chỉ lối không
chỉ bằng ánh sao lúc ẩn lúc hiện; nhưng còn qua miệng của Vua Hê-rô-đê: người
đã toan tính hãm hại Chúa. Thiên Chúa hay thật, dùng cả người tính hãm hại con
mình để dẫn lối chỉ đường cho người khác!
Có trăm
phương nghìn cách Thiên Chúa dùng để nói với con người. Mỗi người là một cá thể
riêng biệt. Và có bao nhiêu cá thể thì có bấy nhiêu cách qua đó Thiên chúa
không ngừng dùng để tiếp cận với ta. Và có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu vì
sao Thiên Chúa dùng để soi dẫn mở đường cho ta nhận biết và vâng nghe tiếng Ngài.
Tóm lại,
Thiên Chúa thăm viếng và nói với chúng ta bằng tiếng nói của người con, Đức
Giê-su. Lời của Người không ép buộc ai, và những ai đã nghe lời Chúa thì không
thể cưỡng lại ý Chúa được. Một cách đặc biệt, qua mầu nhiệm Nhập Thể, và để tỏ mình
ra, Thiên Chúa, một cách khiêm tốn, ẩn mình trong những từ ngữ và tiếng nói của
con người. Không ai có thể nghe được Thiên Chúa nếu người ấy tự khép mình lại,
xa lánh những người khác, chọn một cuộc sống đơn độc.
Sống với Đức
Giêsu, chia sẻ mối thâm tình của Người sẽ đem đến cho ta niềm vui, để rồi lại đến
lượt chúng ta là những chứng nhân mời gọi người ta đến chia vui với mình. Vẫn
biết bổn phận của người môn đệ là như thế, nhưng liệu chúng ta có dám nói với
những người trong cộng đoàn, xóm giáo, gia đình của chúng ta là hãy đến mà xem
cuộc sống ‘tỏ mình’ của chúng ta rồi qua đó họ sẽ thấy Chúa không? Thật sự, đây
là một thách đố cho chúng ta là các môn đệ của Chúa, không phân biệt giáo sĩ,
tu sĩ hay giáo dân. Tất cả đều đuợc mời gọi để sống thân tình với Chúa và đủ
can đảm để tuyên xưng với nhau rằng “Hãy đến mà xem lối sống biểu lộ tình
thương của chúng tôi dành cho nhau đến dường nào.”
No comments:
Post a Comment