Cuối tuần
này, những người tín hữu Việt Nam cùng nhau đón mừng năm mới âm lịch: Xuân Canh
Tý. Một năm cũ Kỷ Hợi đã qua đi với bao hồng ân. Chúng ta hân hoan long trọng đón
chào năm mới Canh Tý bằng tâm tình Tạ Ơn và Phó Thác. Và một trong những hồng
ân cao trọng đó là được trở nên những người môn đệ của Chúa. Đây không phải là
điều chúng ta kêu xin, mà trước tiên được tuyển chọn bởi sự quan phòng của Chúa
Tình Yêu.
Với nghĩa vụ
của người được chọn, chúng ta cùng nhau nhớ lại sứ điệp mà Đức Giê-su đã loan
báo khi bắt đầu thi hành sứ vụ rao giảng mà chúng ta được nghe trong bài Tin Mừng
của Chúa Nhật thứ ba thường niên, vào cuối tuần này, đó là “anh em hãy sám hối,
vì Nước Trời đã đến gần.”
Hãy sám hối
không chỉ để sửa một sai lỗi nào đó mà là thay đối cách sống, đổi mới cách nhìn
để đón nhận Nước Trời làm gia nghiệp, sống và tuân phục bản hiến chương mà Đức
Giê-su công bố trong các mối phúc thật mà chúng ta được nghe trong giây phút linh thiêng và trang trọng
giữa năm cũ và mới, giữa phút giây chuyển tiếp, giao lưu giữa hồng ân của năm
cũ Kỷ Hợi và ân huệ trong năm mới Canh Tý này. Giao Thừa là thế!
Và, trong
giây phút thánh thiêng này còn gì ích lợi hơn bằng việc chúng ta cùng nhau cử
hành Thánh Lễ với các ý nguyện: Tạ Ơn và Xin Ơn. Hai ý nguyện này tưởng chừng
như là hai, nhưng thật ra được nối kết với nhau như một: trong Chúa chúng ta đi
tìm một ý lực sống cho năm mới này.
Trước hết,
chúng ta không chỉ tạ ơn về những hồng ân mà Thiên Chúa, đấng làm chủ đất trời
đã ban cho chúng ta trong năm qua. Nhưng ngay cả những thất bại, những bất hạnh,
đắng cay đã xẩy ra trong năm cũ cũng là những cơ hội giúp ta gạn lọc và chọn lựa
những gì thích hợp với cuộc sống hơn. Nói tóm lại, khi vui cũng như lúc buồn,
khi hạnh phúc cũng như lúc đau khổ đều là những cơ hội để chúng ta tạ ơn, vì tất
cả đều là hồng ân!
Sau đó, với
tâm tình tạ ơn này chúng ta quên đi những khắc khoải, ưu tư, phiền muộn của năm
cũ Kỷ Hợi, để bắt đầu năm mới Canh Tý bằng sự kết hợp với Chúa Xuân mà xin Ngài
ban phúc lành cho ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng và bạn bè thân hữu được tràn đầy
hạnh phúc, làm ăn phát tài và nhất là được ơn lắng nghe và làm theo Ý Chúa thì
đã quá đủ cho nhau rồi .
Việc cầu mong
cho nhau được hạnh phúc là điều thiện hảo, tốt lành. Đó là hành trang giúp
chúng ta đạt được niềm vui của những người con cái của Cha trên trời. Thiên
Chúa đã chúc lành cho chúng ta, còn chúng ta không mau mau ra đi mà chúc tuổi
nhau. Tuy nhiên, thật đáng buồn vì việc chúc phúc này đôi khi đã được thực hiện
như là một thói quen, kiểu xã giao ‘ông cho đi bà cho lại’. Và như thế thì việc
chúng ta làm cũng chẳng có gì mới lạ. Miệng thì nói lời chúc phúc nhưng mấy ai
trong chúng ta vui với hạnh phúc của người khác! Và chưa vui với niềm vui và hạnh
phúc của tha nhân thì nói chi đến việc đem hạnh phúc đến cho họ.
Biết như thế,
nên ngay ngày đầu năm, Mẹ Giáo hội, trong bài đọc một đã dâng lên lời cầu: Nguyện
xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em. Được Thiên Chúa chúc phúc là điều
tốt, nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta còn được mời gọi để đem lời chúc phúc đó cho
tha nhân. Muốn được như thế, chúng ta cần ôn lại bài học về ‘Tám mối phúc thật’
mà Chúa dậy chúng ta trong bài Tin Mừng của Thánh lễ đêm Giao Thừa hàng năm. Đó
không chỉ là những huấn lịnh hay lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nhưng đó là lối sống
mà Chúa muốn chúng ta chọn để sống trong năm nay.
Các mối phúc
của Chúa không phải là điều dễ chấp nhận. Thật chuớng tai và thua thiệt. Tôi
xin chia sẻ cho anh em vài kinh nghiệm sống đã được thu lượm:
Ai cũng mong
giầu có thì Chúa lại phán: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó.” Nghèo khó để
biết mình và biết được những gì chúng ta đang có là ân huệ của Chúa. Biết để tập
sống giầu bằng cách chia sẻ cho nhau mà ca ngợi Chúa.
Vì không chịu
nổi việc cấm cách, bị theo dõi, bắt bớ; nên tôi mới liều chết để sang đây. Thế
mà Chúa lại nói: “Phúc cho các con khi bị bắt bớ”. Việc đón nhận niềm hạnh phúc
khi bị bắt bớ vì Danh Chúa là một ân huệ thật đặc biệt, không phải ai ai cũng
được diễm phúc chết vì đạo đâu. Ngay cả các bậc vị vọng trong nước cũng mấy ai
có được ơn này.
Ngày hôm nay
người ta bắt và cấm đạo một cách tinh vi hơn. Một trong những phương thức có thể
đang được áp dụng là ‘vỗ cho béo, nuôi cho rửng mỡ’ để ngủ quên trên nhung lụa
và quên đi vai trò ngôn sứ. Thử thách này cũng xuất hiện tại các nước bên này.
Còn tôi, khi
sang tới bên này tôi không dám góp ý hay lạm bàn về cách hành xử của các đấng
các bậc tại quê nhà nữa. Tôi tin tưởng, với ý ngay lành, các ngài đang thực hiện
trách vụ được trao phó; đôi khi cách hành xử của các ngài không phù hợp với lối
suy nghĩ của tôi, của anh, chị hay bất kỳ ai khác thì cũng là lẽ thường tình.
Vì môi trường và lối sống đã ảnh hưởng trên cách suy tư của tôi. Và tôi cũng tự
hỏi mình rằng mình có quyền gì để yêu cầu người khác phải làm theo ý mình; ngay
khi chính mình lại chưa làm được! Hoặc, Chúa có đặt tôi làm quan án để phê phán
việc làm của người khác đâu! Hơn thế nữa, nếu tôi sống trong hoàn cảnh của các
ngài, có lẽ tôi cũng ‘hợp tác’ và ‘cộng tác’ một cách tích cực hơn để phát triển
và giương cao ngọn cờ đạo giáo.
Sống hiền từ
là chấp nhận phần thua về mình. Thoạt đầu chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu vì người
ta sẽ lấn tới, nhưng lâu dần chính sự hiền từ đó sẽ làm cho người ta thay đổi thái
độ và đem lại hiệu quả lâu bền. Chúa đã hiền từ và tha thứ cho chúng ta thì việc
đối xử nhân hậu với nhau cũng là phúc lành của Chúa thôi, có phải là của chúng
ta đâu!
Tất cả những
mối phúc trong ‘Tám mối phúc thật’ là những gì Chúa đã sống. Chúa Giêsu, không
trình bầy một lý thuyết về hạnh phúc, mà muốn chia sẻ cho chúng ta chính kinh
nghiệm sống của Ngài. Nói chung, tám mối phúc thật xét theo nội dung cũng chỉ
là mối phúc duy nhất: Phúc cho ai có lối sống như Chúa Giêsu.
Trong tâm
tình đó, Mẹ Hội Thánh ưu tư và ước muốn cho con cái mình được hạnh phúc. Và hạnh
phúc đích thật chỉ có thể có được khi chúng ta biết rập khuân theo lối sống của
Chúa. Vì thế, trong Chúa chúng ta đến với nhau, để mỗi giây mỗi phút chúng ta
là nguồn hạnh phúc cho nhau. Để rồi, cho dù mùa xuân của trời đất có qua đi
nhưng mùa xuân trong lòng anh chị em vẫn triển nở không ngừng.
Sau cùng,
nhân dịp Xuân về, thay cho lời chúc tuổi, chúng tôi trân trọng gửi đến anh chị
em lời nguyện mà tôi không còn nhớ xuất xứ ở đâu nữa. Việc quên xuất xứ này
không đáng khích lệ; nhưng tôi hy vọng rằng chúng ta được biến đổi khi cùng nhau
dâng lên Chúa các lời nguyện này:
“Lậy Chúa, đã bao năm con nài
xin sức khoẻ, để con có sức mà làm những việc vĩ đại và hoành tráng; Ngài lại
cho đau yếu, để con biết mình yếu đuối.
Con cầu khấn giàu có, để con hạnh
phúc; Ngài lại ban nghèo khó, để con khôn ngoan chọn lựa sự giầu có của Thiên
Chúa.
Con cầu xin thế lực, để được
người đời tôn vinh; Ngài lại cho yếu hèn, để con biết cậy nhờ Chúa.
Con van nài mọi sự, để con sống
hưởng thụ; Ngài lại cho sự sống, để con vui hưởng mọi sự.
Con chẳng được ban những điều
con nài xin; nhưng lại được tất cả những gì con đang mong chờ.
Và bất kể đời con ra sao; những
ước nguyện thầm kín của con Ngài vẫn ban.
Như vậy, con đã được chúc phúc
và đời sống con thật phong phú giữa muôn người.”
Chúng con xin
dâng lời tạ ơn vì Thiên Chúa hằng quan tâm đến chúng con, ngay cả trước khi
chúng con khấn xin.
Nguyện xin
Ngài thánh hóa và gìn giữ bản thân chúng ta được vẹn toàn và không có gì đáng
trách trong mọi ngày của cuộc sống, nhất là trong năm mới Canh Tý 2020 này.
No comments:
Post a Comment