Trong cuộc sống,
có những cuộc gặp gỡ để lại các dấu ấn và những kỷ niệm khó quên. Cũng có những
biến cố khiến chúng ta phải đưa ra quyết định, dù đi theo hướng nào cũng đòi hỏi
sự hy sinh và một khi đã chọn lựa rồi thì chúng ta phải toàn tâm toàn ý mà chu
toàn cho khỏi lỡ việc. Nói chung, tất cả mọi sự kiện hay những dịp tao ngộ luôn
là lời mời gọi hay là dấu chỉ giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Thánh An Phong
được sinh ra và lớn lên trong một gia đình quí tộc. Năm 17 tuổi, ngài đã đạt được
hai tước vị: tiến sĩ giáo luật và tiến sĩ dân luật. Sau đó, Ngài hành nghề trạng
sư. Một trạng sư trẻ, nổi tiếng và hầu như chưa thua một vụ kiện tụng nào. Cho
đến một ngày kia, trong một vụ kiện, An Phong đã nắm chắc phần thắng trong tay;
nhưng ai ngờ kết quả hoàn toàn trái ngược, thân chủ của ngài bị xử thua, bởi vì
vụ kiện đã được quyết định bởi vị thẩm phán trước khi phiên tòa bắt đầu.
Sau khi thua
cuộc, theo như sử liệu ghi lại, An Phong đã tự nhốt mình 3 ngày trong phòng.
Sau đó, ngài đi thăm các bịnh nhân mang các chứng bịnh nan không có thuốc chữa
như bịnh Si-da ngày nay. Trong thời gian phục vụ các bịnh nhân, An Phong nhận
được ánh sáng của Thiên Chúa trong một thị kiến yêu cầu ngài từ bỏ con đường
vinh hoa của thế gian để phục vụ Hội Thánh và vinh quang của Thiên Chúa.
Như vậy biến
cố thua kiện được coi như một dấu chỉ mở đầu cho một hành trình tìm kiếm Thiên
Chúa của An Phong. Từ dấu chỉ đầu tiên như ngôi sao dẫn đường đó, An Phong nhận
ra một sự thật là Thiên Chúa đang chờ ngài. Ngài đã lên đường tìm kiếm, không
chỉ qua việc sống thân mật với Thiên Chúa mà thôi, mà còn nhìn thấy Chúa qua việc phục vụ bịnh
nhân nữa. Tất cả nói lên nỗ lực tìm kiếm để đi đến một quyết định thay đổi cuộc
sống của Ngài. Ngài đã hiến thân phục vụ Hội Thánh và sau này qua việc gặp gỡ
dân nghèo tại Scala, An Phong, lúc đó đã là một linh mục, tiến thêm một bước
quan trọng khác, không chỉ làm thay đổi đời ngài mà còn làm thay đổi bao thế hệ
con cháu của ngài sau này nữa, đó là việc thành lập một Hội Dòng chuyên lo việc
rao giảng và phục vụ người nghèo, đó là Dòng Chúa Cứu Thế. Nói gì thì nói, việc
thua kiện vẫn là biến cố đầu tiên đánh động và làm thay đổi vận mạng của Cha
Thánh An Phong.
Cuộc đời của
chúng ta cũng thế, đã có những cuộc gặp gỡ để lại dấu ấn và những kỷ niệm khó
phai mờ. Lại có những người nhận ra hướng đi mà Thiên Chúa muốn họ thực hiện chỉ
sau một lần tĩnh tâm. Đã là con người, chúng ta sẽ phải đối diện với những khoảnh
khắc như thế. Dù cho tiến trình tìm kiếm và biện phân khó khăn và dài đến đâu,
chúng ta cũng cần có quyết định sao cho phù hợp với lối sống của chúng ta.
Một người đàn
ông đã lập gia đình, lại vô tình gặp phải một mối quan hệ với bạn đồng nghiệp tại
nơi làm việc khiến cho mối tình chung thủy mà anh đã hứa với vợ anh có thể bị
đe dọa. Trong giây phút đó, anh biết mình sẽ phải làm gì để làm chứng cho lời hứa
mà đem lại hạnh phúc cho gia đình của mình.
Lại có một
nam tu sĩ kia, sau khi đã tuyên khấn và đi thực tế để học thêm kinh nghiệm cho
đời tu. Trong thời gian đó, thầy đã gặp một cô thiếu nữ đang cần sự giúp đỡ. Và
dĩ nhiên, với một con tim nhậy cảm, tấm lòng chạnh thương trước những khó khăn
mà cô đang gặp phải, thầy tận tâm lo lắng cho cô. Cho đến một hôm kia, thầy nhận
ra rằng mối quan hệ của họ không còn thuần túy là mối liên hệ giữa một hướng dẫn
viên và một người đang cần được hướng dẫn nữa. Mối quan hệ, tuy chưa có gì là
sai trái, nhưng dường như đã hơi vượt qua ranh giới. Thầy hồi tâm và biết mình
cần phải làm gì. Thầy cần có quyết định!
Hầu hết tất cả mọi quyết định đều đòi hỏi lòng hy sinh. Tuy
nhiên, chúng ta vẫn hy vọng rằng quyết định và sự hy sinh của chúng ta dành cho
nhau sẽ đem đến hạnh phúc và giá trị lâu bền. Chúng ta hướng về tương lai và
mong chờ nhiều cơ hội mới sẽ diễn ra với những giải pháp thật tốt đẹp đang chờ
đợi. Như vậy, thời gian này cũng thật thú vị. Đó là thời gian của sự khởi đầu mới.
Đức Giê-su cũng đã trải qua kinh nghiệm này. Trong
cuộc đời của Người thì biến cố lĩnh nhận phép rửa hôm nay đánh dấu một bước ngoặt
lớn. Nó có thể được coi như là sự kiện kết thúc quãng đời ẩn dật và báo trước
cuộc sống công khai của Người.
Anh chị em
thân mến,
Trong thời
gian qua chúng ta đã mừng kính mầu nhiệm “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” qua thân
phận của một hài nhi trong Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh. Ngày hôm nay, qua việc
dìm mình trong nước tại dòng sông Gióc-đan, Đức Giê-su hoàn toàn đi vào thế giới
của chúng ta. Người hòa nhập và lớp tội nhân và nên một giữa chúng ta. Giữa Người
và chúng ta không có một rào cản nào. Đức Giê-su không chôn mình trong hoang địa,
không xa lánh thế trần, nhưng là người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Qua hành động
dìm mình vào trong nước hôm nay, Đức Giê-su đã chứng tỏ cho chúng ta thấy tình
thương và sự hiệp thông mà Người đem đến. Đức Giê-su đã nên một với con người,
và mời gọi chúng ta trở thành một với Người, trong cùng một phép rửa mà Người sẽ
trải qua và ban cho chúng ta sau này.
Biến cố Đức
Giê-su đón nhận phép rửa bởi Gio-an tẩy giả hôm nay không phải là bí tích rửa tội
mà Đức Giê-su có ý định thành lập bởi máu của Người, đem đến cho chúng ta ơn
tha tội. Phép rửa của Gio-an giục lòng sám hối. Chính vì điểm này, sẽ có một
vài ý nghĩ cho rằng tại sao Đức Giê-su lại đón nhận phép rửa. Việc này chỉ dành
cho những người tội lỗi thôi. Cho dù Đức Giê-su đã trở thành người phàm giống
chúng ta mọi sự, hẳn nhiên ngoại trừ tội lỗi. Không có tội thì tại sao Đức
Giê-su lại để cho Gio-an tẩy giả rửa. Đó cũng là suy nghĩ của Gio-an tẩy giả.
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã đưa ra câu trả lời thật đơn giản
như sau: hãy cứ làm như thế để ‘giữ trọn đức công chính.’
Sau khi đón
nhận phép rửa bởi Gio-an, và lúc Người vừa bước từ dưới nước lên thì tầng trời
mở ra, Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống và ngự xuống trên Người và những người
chung quanh. Và chính bởi quyền năng của Thánh Linh mà Người đã đem nền công chính
đích thực của Thiên Chúa xuống cho nhân loại qua sứ vụ của Người. Thời đại của
ân sủng được khai mạc. Con người được tặng ban những ơn cần thiết. Như một phàm
nhân, Đức Giê-su đã phục hồi phẩm giá của con người. Mọi người đều được tôn trọng
và đối xử thật công bằng. Ai ai cũng cảm nhận được tình yêu và sự tha thứ của
Thiên Chúa. Một nền hòa bình vĩnh cửu được hiển trị nói lên triều đại công chính
của Thiên Chúa đã hiện diện nơi sứ vụ mà Đức Giê-su khai mạc qua phép rửa của
Gio-an hôm nay.
Cử hành lễ
Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay còn là cơ hội để ta suy tư về chính ơn thanh tẩy
mà ta lĩnh nhận. Đây không là nghi thức công nhận ta trở thành người theo Chúa.
Nhưng, là khởi đầu của một hành trình trải dài trong cuộc sống. Trong bí tích rửa tội chúng ta được mời gọi bước
vào một hành trình không có đoạn kết. Phép rửa mời gọi ta dấn bước theo chân
Chúa. Vì thế, chúng ta quyết tâm canh tân, làm mới điều chúng ta tin và mạnh dạn
làm chứng hành trình theo Chúa của chúng ta. Có nghĩa là trên hành trình đó,
chúng ta chỉ mong ước thưc hiện ý Chúa mà thôi.
Tóm lại, theo
Chúa, hợp tác với Chúa trong việc đem tin vui đến cho người khác là sứ vụ mà
chúng ta cần được hâm nóng trong Thánh lễ chịu phép rửa hôm nay, đánh dấu ngày
khai mạc sứ vụ của Đức Giê-su, Đấng đã đến dìm mình dưới nước của dòng sông
Gióc-đan để kéo chúng ta lên và bước đi với sứ vụ của Người luôn mãi. Amen!
No comments:
Post a Comment