Thursday, 27 February 2020

VỚI CHÚA TA CÙNG CHIẾN ĐẤU!



“Quyến rũ, cám dỗ, sa ngã, bất trung rồi bội phản” là những khẩu hiệu quảng cáo cho một cuốn phim sắp trình chiếu trong tuần này? Thưa không. Đó là một cách quảng cáo và thu hút sự chú ý của người khác về nội dung của các bài đọc được trích dẫn vào Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay năm 2020 này.

Bài đọc 1 được trích trong sách Sáng thế Ký, mô tả việc sa vào cạm bẫy của A-dong và E-và. Cạm bẩy không được được giăng ra bởi Thiên Chúa hay một loại thụ tạo nào ngang hàng với con người; nhưng lại do bởi con rắn, tượng trưng cho quyền lực của sự dữ.

Nhật xét đầu tiên là A-dong và E-và không nhất thiết phải là những nhân vật có thật trong lịch sử. Chúng ta cần phân biệt các sự kiện có thật và sự thật hay tính chất đích thực của nó. Sự kiện thì diễn tả một sự việc đã xẩy ra, hoặc nói về nhân vật nào đó trong lịch sử. Nhưng ‘sự thật trọn vẹn’ chưa hẳn được diễn tả trong ‘sự kiện’ đó. Còn ‘sự thật’, nhất là sự thật về tôn giáo và bản chất con người vốn được ẩn dấu dưới lớp ‘sự kiện’, và được diễn tả qua các hình ảnh và biểu tượng để nói lên sự thật của vấn đề. Điều thú vị mà chúng ta cần phám phá là ý nghĩa của sự thật được ẩn dấu trong cách trình bày bằng ngôn ngữ biểu tượng hay các hình ảnh mà các tác giả đưa ra.

Trở lại truyện tích sáng tạo, nhất là trích đoạn nói về việc sa ngã của A-dong và E-và, các tác giả chuyển cho chúng ta một ‘sự thật’ hơn là trình bày một ‘sự kiện’. Thật vậy, cách hành sử, thái độ sống và hoàn cảnh của A-dong và E-và thật đến độ, nếu cần phải so sánh thì chúng ta có thể nói rằng: chúng ta là những A-dong và E-và trong mọi thời đại, sẵn sàng sa vào cạm bẫy bằng cách tự làm chủ cuộc sống mình và tự tách mình ra khỏi mối dây quan hệ với Thiên Chúa. 

Giả như con rắn nói dối thì chúng ta dễ nhận ra cạm bẫy và sa lánh chúng; nhưng ở đây con rắn đã nói thật nên bà E-và và con người qua mọi thời đại mới tự động chui vào lưới vì chất ngọt của tên cám dỗ giăng ra. Bằng cách thức này, con rắn gieo vào lòng ông bà nguyên tổ sự ngờ vực, khiêu khích và mời gọi ông bà tham gia vào một cuộc phiêu lưu do họ làm chủ, mà không cần đến Thiên Chúa. Mọi sự sẽ khá hơn nếu ông bà hái và ăn trái cây giữa vườn này. Quả là hấp dẫn và giản đơn.

Thật thú vị, họ không chết sau khi ăn trái cấm. Họ nhận ra sự thật đã xẩy ra đúng theo lời dụ dỗ của con rắn là họ trở nên khôn ngoan, biết rõ trắng đen, biết mình trần truồng và trơ trụi. Tự mình sắp xếp, tự mình xây dựng chân tướng và vị trí là những thử thách mà không chỉ có ông bà nguyên tổ đã trải qua, mà con người qua mọi thời đại vẫn còn đang phải chống trả với các thử thách này.

Thật vậy, nếu nhờ biện phân mà nhận ra cơn cám dỗ thì chúng ta có thể dễ chống đỡ hơn; nhưng các thử thách lại quá thật với con người, rồi nhiều lúc chúng ta lại bị lầm tưởng đó là ý Chúa nữa cho đến lúc nhận ra sự thật trơ trụi mời biết là đã sa vào bẫy được giăng ra bởi quyền lực của sự ác.

Đến bài đọc hai, Thánh Phao-lô chia sẻ suy tư của ngài về sứ vụ của Đức Giê-su như một “A-dong mới,” một A-dong chiến thắng và vượt qua mọi cạm bẫy để làm gương cho chúng ta; đó là những gì chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng. Thánh Mát-Thêu thuật lại các cơn cám dỗ mà Đức Giê-su phải trải qua trong hoang địa. Tuy Đức Giê-su đã vượt qua và chiến thắng các thử thách để bước vào giai đoạn công khai rao giảng và loan truyền sứ vụ của Người; nhưng không phải vì thế mà các cám dỗ đó biến mất; tất cả vẫn hiện diện như lời Thánh Lu-ca nói ma quỷ chờ cơ hội để tiếp tục cám dỗ Người. Cuối cùng và cũng là đích điểm các cám dỗ mà Đức Giê-su phải đối diện và vượt qua là Satan, quyền lực chống đối Thiên Chúa.

Dưới cái nhìn bao quát thì các thử thách mà Đức Giê-su phải đương đầu đều qui về căn tính của Đức Chúa, về mối quan hệ giữa Người với Thiên Chúa bằng lối đặt câu hỏi có tính khiêu khích: “Nếu ông là Con Thiên Chúa.” Có nghĩa là làm sao ông biết mình là Con Thiên Chúa. Biến đá thành của ăn và làm theo lời đề nghị của ‘tên cám dỗ’ thì sự thật sẽ được phơi bầy và không ai còn nghi ngờ về chân tướng của Người nữa. Và một điều chắc chắn là qua đó Đức Chúa sẽ biết rõ mình là ai!

Thật vậy, Đức Giê-su biết rõ chân tướng làm Con Thiên Chúa của mình; đó là điều mà Chúa Cha đã công bố trong ngày Đức Giê-su đón nhận phép rửa bên bờ song Gióc-đan. Khi vừa ở dưới nước bước lên thì tiếng Chúa Cha đã phán “Này là Con yêu dấu của Ta.” Thế mà, hôm nay ‘tên cám dỗ’ lại muốn gieo vào trong lòng Chúa tính nghi ngờ và lối nói khích bác: Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy chứng minh bằng cách làm theo đề nghị của chúng đưa ra.

A-dong và E-và sa vào cạm bẫy làm theo ý chúng. Còn Đức Giê-su đã không làm như thế. Người đi tìm ý của Cha Người để tỏ bầy cho nhân loại biết về mối quan hệ Cha Con của Thiên Chúa và Người. Đức Giê-su là người con yêu dấu và chỉ thực hiện ý muốn của Cha, không tìm và làm theo ý riêng; vì thế Người đã quay lưng lại với lời cám dỗ. Và bằng các cách thức khác nhau, Đức Giê-su đã bộc lộ niềm tin tưởng tuyệt đối của Người vào Thiên Chúa, Cha Người.

Là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su chấp nhận tất cả mọi sự từ Thiên Chúa, Cha của Người và chỉ từ Cha mà thôi. Cuộc sống của Người bao gồm cả sứ vụ mà Người thi hành. Tất cả đều xuất phát từ Cha, nên Người phải lệ thuộc vào Ngài; không tự động biến đá thành bánh theo ý mình. Vẫn biết bánh là của ăn thì cần thiết cho việc nuôi dưỡng cơ thể; nhưng sự sống của con người hoàn toàn không chỉ lệ thuộc vào của ăn mà thôi. Nói như thế, có nghĩa là cho dù phải đói khát, Người vẫn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ lo cho Người, Cha Người sẽ cung cấp lương thực nuôi dưỡng Người. Phần Người hãy lo tìm kiếm và thực hiện ý Cha trước.

Anh chị em đừng quên rằng Đức Giê-su đã thể hiện quyền năng của Thiên Chúa trong phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi dưỡng cho những kẻ đi theo Người. Đó là việc làm bộc lộ lòng yêu thương và sự quan tâm của Chúa dành cho những ai thuộc về Người. Đức Giê-su không tự động làm phép lạ theo lời khích bác của kẻ khác để bộc lộ “cái tôi –ta đây” cho người khác khen tặng.

Hôm nay, khi suy niệm về các cuộc cám dỗ mà Đức Giê-su đã trải qua, chúng ta nên can đảm nhìn nhận rằng Đức Chúa con bị thử thách phương chi là chúng ta. Thử thách là điều không thể thiếu vắng trong đời sống của các kẻ tin nói riêng và đời sống cộng thể nói chung. Và, bằng vào sức mình, không một ai trong chúng ta có thể tránh thoát được các cạm bẫy của ma quỷ hay các quyền lực của sự dữ ẩn núp duới các chiêu bài khác nhau để lôi kéo chúng ta đi ngược lại Ý Chúa. Cạm bẫy đó xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh của cuộc sống.

Có một điều mà chúng ta nên nhìn nhận rằng không ai là người hoàn hảo. Chúng ta có thể giỏi mặt này nhưng lại yếu kém mặt khác. Phàm ai đã có sở trường thì sẽ có sở đoản. Những điều này giúp chúng ta nhận ra sự hèn yếu của thân phận làm người mà cần sự trợ giúp.

Trong thời gian gần đây, nhờ sống chung với các cha giáo, nay đã về hưu, tôi mới khám phá ra điều này. Khi còn trẻ các ngài là những con người khôn ngoan, nhiều vị đã nắm giữ các nhiệm vụ thật quan trọng trong việc hướng dẫn và lãnh đạo người khác, bao nhiêu phương án đã được đưa ra và thi hành bởi sự lãnh đạo khôn ngoan và tài ba của các ngài; thế mà những việc cơ bản để chăm sóc bản thân như cột dây giầy hay mang đôi vớ thì các ngài lại mù tịt.

Không ai là người hoàn hảo. Có một khoảng trống trong cuộc sống mà chúng ta phải nỗ lực để lấp đầy. A-dong và E-và đã lầm tưởng họ có thể lấp đầy khoảng trống, lỗ hổng trong cuộc sống bằng trái cây ở giữa vườn. Vậy mà sau khi ăn thì cuộc sống của họ lại càng trống rỗng hơn; điều mà họ nhìn ra cũng chỉ là nỗi cơ đơn, tránh né nhau và tránh né Thiên Chúa. Điều này vẫn còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Đã nhiều người lầm tưởng và tìm cách lấp đầy khoảng trống bằng nỗ lực đánh bóng chân tướng của mình bằng các phương tiện như ráng tậu cho được một chiếc xe mới, một ngôi nhà đẹp khang trang xứng hợp với vị trí ông kia bà nọ của họ. Nhưng sau những lầm than, hy sinh và vất vả để có được những điều này, sự trống vắng và nỗi cô đơn vẫn còn. Không ai có thể lấp đầy nỗi cô đơn và khoảng vắng đó trong cuộc đời mình ngoại trừ Chúa, như tâm tình mà Thánh Au-gút-ti-nô đã chia sẻ: “Tâm hồn chúng con luôn khăc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”

Để cho mình đủ sức đối diện với muôn ngàn thử thách trong cuộc sống, chúng ta nên nhận ra sự giới hạn của chính bản thân. Nhận ra không phải để cầu xin Chúa cất đi các giới hạn; cho bằng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các ước muốn và nhu cầu của chính mình; giúp cho chúng ta can đảm đối diện với các thử thách trong niềm xác tín vào sức mạnh cần thiết của ơn Chúa như lời Thánh Phao-lô đã cảm nhận khi xưa “Ơn Ta thì đủ cho con.”

Với ơn Chúa, chúng ta sẽ vượt qua các thử thách như Chúa đã trải qua hôm nay. Trong tâm tình đó chúng ta hiên ngang bước vào Mùa Chay năm 2020 để đối diện và vượt qua các thử thách trong cuộc sống. Amen!


Tuesday, 25 February 2020

LUẬT TRỌN HẢO: TÌNH YÊU



Tuần này, chúng ta tiếp tục lắng nghe giáo huấn của Đức Giê-su trong Bài Giảng trên Núi với hai phân đoạn thật khó khăn trong việc áp dụng vào cuộc sống. Làm sao chúng ta có thể đưa má bên trái cho người ta vả, trong khi má bên phải còn bị đau bởi cú vả trước. Tha thứ cho những ai gây ra các điều tác hại đã khó, phương chi còn phải yêu những kẻ ngược đãi mình là điều khó gấp bội. Thế mà đó lại là những huấn lịnh mà Đức Giê-su muốn chúng ta thực hành hôm nay.

Quả thật là khó khăn trên con đường hoàn thiện như Đức Giê-su đã yêu cầu. Việc nên hoàn thiện mà Đức Chúa yêu cầu hôm nay không dựa vào việc chu toàn lề luật mà là sống theo tiêu chuẩn mà Thiên Chúa đặt để; đó là nên hoàn thiện theo gương của Cha trên trời. Như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng, cho đến cuối hành trình của cuộc sống, người tín hữu vẫn còn bỊ chất vấn để thay đổi, để làm mới cuộc sống mình sao cho phù hợp với các yêu cầu mà Đức Giê-su đưa ra trong các bài Tin Mừng mà chúng ta nghe trong Bài Giảng trên Núi. Trách nhiệm của chúng ta là sống như con cái của Cha trên trời, môn đệ của Đức Ki-tô và thực hành những lời huấn giáo của Người một cách tốt hat.

Như vậy, trong mọi giây mọi phút của cuộc sống chúng ta được mời gọi hoàn thành một cách hoàn hảo những yêu sách của Tin Mừng, đó là thực hiện giới răn yêu thương một cách trọn vẹn nhất, có nghĩa là chúng ta, không chỉ yêu thương những người lân cận, mà là tất cả mọi người, nhất là những kẻ bách hại và làm nhiều điều tổn hại đến chúng ta.

Muốn thực hiện được các điều này, chúng ta phải ý thức rằng tình yêu là động lực thúc đẩy mọi hành vi của con người. Và tất cả mọi người đều là người thân của ta. Việc nhìn nhận này không lệ thuộc vào mối quan hệ mà người đó dành cho chúng ta, cho bằng khi yêu kẻ thù là lúc chúng ta nhìn người đó như một thành phần của cuộc sống của chúng ta. Không có họ, tính cộng đoàn, mối dây hiệp thông hình như không được trọn vẹn. Sự hoàn hảo chỉ tìm thấy trong tình yêu của chúng ta dành cho mọi người, không có sự khác biệt; tất cả đều là anh chị em với nhau.

Trên thực tế, cuộc sống của chúng ta rất tệ trong lãnh vực này. Chúng ta có khuynh hướng chỉ yêu những người có chung một cái nhìn, một lối suy nghĩ và một cách thức hành động giống như mình; ngoài ra đều là khách lạ và có thể là kẻ thù nữa. Ở đây, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta bỏ luôn quyền được tự vệ, từ chối mọi cách đối kháng, cũng chẳng kháng cự và thậm chí còn đồng ý đi xa hơn mức độ giới hạn mà đối phương đề ra nữa. Làm sao chúng ta có thể thực hiện được các điều này!

Một điều mà chúng ta cần nhìn ra là khả năng thực hiện điều Đức Giê-su dậy bảo hôm nay hoàn toàn tùy thuộc vào sự kết hiệp giữa ta và Chúa, có nghĩa là Chúa làm trong ta thì ta mới nên hoàn thiện được. Đức Giê-su đã không ban cho chúng ta một mớ lý thuyết suông hay một cẩm nang, cho dù đó là ‘khuôn vàng thước ngọc’ chỉ đạo cuộc sống của môn đệ. Nhưng chính Đức Giê-su đã thể hiện trong cuộc sống và sứ vụ của Người các huấn lịnh trong Bài Giảng trên Núi này.

Thật vậy, đời sống người tín hữu là sự tham dự vào sứ mạng và con người của Đức Giê-su. Chính Thần khí và sức sống của Đức Ki-tô hoạt động và thúc đẩy để chúng ta sống đúng tinh thần của Chúa hơn. Nơi Đức Giê-su mọi mầm mống gây ra chia rẽ được liên kết lại với nhau. Mọi thù hận được hòa giải trong bản thân Người. Chỉ trong Chúa, con người mới tìm được sức mạnh để tha cho nhau, không còn coi nhau như kẻ thù và sự tha thứ sẽ đạt đến mức trọn hảo như lòng Chúa mong muốn.

Như vậy, tất cả đều là chi thể trong một thân thể duy nhất là Đức Ki-tô. Và chỉ có trong Người, với Người, các lịnh truyền trong bài Tin Mừng hôm nay mới được thi hành một cách triệt để và đạt đến ý nghĩa trọn lành của nó. Amen!

Thursday, 13 February 2020

CÕI LÒNG CHỈ ĐẠO LỀ LUẬT



Đức Giê-su đã mở đầu Bài Giảng trên Núi bằng việc loan báo các mối Phúc dành cho những ai đã được mời gọi để chọn Nước Trời làm gia nghiệp. Dù cho hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, thậm chí cần phải đánh đổi cả mạng sống thì vai trò nhân chứng về Nước Thiên Chúa vẫn dành cho họ là những kẻ đã được Thiên Chúa chúc phúc. Họ được chúc phúc không phải vì được trao ban cho một cuộc sống sung túc và đầy thuận lợi cho bằng thi hành sứ mạng là muối cho đời và làm ánh sáng cho nhân loại. Và, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su tiếp tục quảng diễn về các việc làm cụ thể mà người môn đệ, công dân của Nước Trời cần thi hành.

Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng những lịnh truyền của Đức Giê-su hôm nay giúp chúng ta thiết lập và xây dựng mối dây tương quan giữa người và người theo đúng tinh thần của Chúa hơn. Người không đến để bãi bỏ lề luật và sự hướng dẫn của các ngôn sứ; nhưng Người hoàn thành và kiện toàn nó. Điều mà Đức Giê-su quan tâm ở đây không phải là sống rập khuôn theo các tập tục hay các khoản luật đã bị áp dụng cứng ngắc, đôi khi mất đi mối tương quan giữa người với người. Đức Giêsu quan tâm đến sự thay đổi của trái tim, thiết lập một lối sống mới tập trung vào Thiên Chúa. Lối sống này đem lại cho con người sự công chính không dựa trên lề luật, nhưng được xuất phát từ mối quan hệ giữa Thiên Chúa và ta. Từ đó, Đức Giê-su yêu cầu sự công chính của các môn đệ phải vượt trên sự công chính của những người thuộc nhóm Biệt Phái và các ông kinh sư thì mới vào được Nước Trời. Một cách cụ thể, Đức Giê-su yêu cầu các ông phải kiện toàn các điều như: đừng giận ghét, chớ ngoại tình, đừng ly dị và đừng thề thốt.

Đừng giận ghét: Trong cuộc sống, chúng ta không được phép giết người, mà ngay cả việc giận dữ, nóng giận cũng không được chấp nhận. Dường như các hành vi giết người được xuất phát bởi sự tức giận, như những câu chuyện mà các cô các cậu trẻ tuổi thố lộ trên các báo chí và các trang mạng xã hội. Điều này làm tôi nhớ lại kinh nghiệm mà tôi đã ghi nhận được trong khi làm việc tại các trại giam tại tiểu bang Victoria. Thoạt tiên, tôi vô cùng ngỡ ngàng trước vẻ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn của một số tù nhân đã phạm tội giết người. Tôi không thể hiểu tại sao họ có thể giết người được. Sau này, qua nhiều lần tiếp xúc, tôi mới nhận ra được một điều là hình như họ không kiểm soát và kềm chế được cơn nóng giận. Và tất cả các việc làm xẩy ra trong lúc tức giận đều đem lại những kết quả không lường trước được. Cha ông chúng ta đã có câu nói “giận hóa mất khôn!”

Để giúp chúng ta đối phó và diệt trừ tận căn mối nguy hiểm này, Đức Giê-su thúc dục chúng ta cần phải có biện pháp dứt khoát để đối phó với việc giận dữ. Bởi vì nó sẽ trở lại và gây nhiều hậu quả tai hại hơn. Người còn mời gọi chúng ta không chỉ đối diện với việc chúng ta giận ai mà là ai giận chúng ta thì chúng ta cũng cần đi bước trước đến để làm hòa với họ rồi sau đó tiếp tục tế lễ. Thật ra, chúng ta không thể giải thích và áp dụng điều Đức Giê-su nói ở đây theo nghĩa đen. Ai mà lại để lễ vật tại đền thờ rồi đi mấy ngày đường trở về làm hòa với anh em, đến khi trở lại thì của lễ có còn nguyên vẹn hay là đã bị hư thối mất rồi!

Phải quan tâm đến việc hòa giải và thay đổi cách sống rồi mới nói đến việc tế lễ. Tính cộng đoàn, tình anh em cùng một Cha trên trời được thiết lập và củng cố bằng đời sống. Như vậy, mối quan hệ hiệp nhất, yêu thương và tha thứ giữa người và người là điều mà Đức Giê-su muốn cho các công dân của Nước Thiên Chúa áp dụng trong cuộc sống. Đây là hành động của những con người đã được đổi mới và chỉ có ai được Chúa chúc phúc mới có thể làm được yêu cầu này. Yêu thương nhau là giới lịnh căn bản của người môn đệ, công dân của Nước Trời.

Chớ ngoại tình: Tương tự như vậy, khi nói đến ngoại tình, chúng ta phải đối phó với bất cứ điều gì khơi dậy lòng ham muốn, hành vi chiếm đoạt để thỏa mãn nhu cầu cá nhân hơn là việc tôn trọng và yêu thương mà chúng ta dành cho nhau. Xã hội hôm nay cho chúng ta đầy đủ dữ kiện, với những mẩu chuyện đang hiện ra nhan nhản trong các trang mạng làm chúng ta lo sợ; lại chưa kể đến sự tiến bộ vượt bực, ngoài tầm kiểm soát do các máy ‘điện thoại thông minh-smartphones’ đem đến. Người ta dùng nó để ‘chài mồi-grooming’. Hầu như nếu thiếu cảnh giác thì chúng ta sẽ dễ dàng đi lạc lối.

Giống như cách giải quyết mỗi khi nổi cơn giận dữ, ở đây Đức Giê-su truyền chúng ta cần đối diện với hiểm nguy này và có thái độ dứt khoát. Anh chị em hãy nhớ lại kiểu trình bầy của tác giả sách Sáng Thế khi trình bầy tiến trình dụ dỗ, sự tác động và ảnh hưởng trên E-và: Trước tiên nhìn thì khoái, sau đó thèm thuồng và nghĩ đến nó cảm thấy tưng tưng, bèn hái xuống và rủ chồng cùng ăn. Trình tự đó cũng được ám chỉ ở đây, nhìn người nữ với tâm hồn trong sạch và tôn trọng thì không sao, nhưng nhìn với vẻ thèm thuồng, chảy rãi ra là dấu hiệu không tốt cần phải đối phó và được điều trị đúng cách. Bởi vì từ cái nhìn như thế dẫn đến hành động chẳng xa bao nhiêu. Vì thế, Đức Giê-su yêu cầu khi Người dùng ngôn ngữ móc nó ra, chặt nó xuống hay cắt nó đi. Tất cả kiểu dùng chỉ nói đến yêu cầu dứt khoát mà Đức Giê-su muốn người môn đệ phải thi hành.

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên phân tích quá tỉ mỉ để tìm ra điều gì được phép làm, điều nào không được phép hay cái gì nặng cái gì nhẹ. Cuối cùng chúng ta sẽ trở thành những con người sống vị luật, làm theo luật. Vấn đề quan trọng mà Đức Giê-su muốn cho các môn đệ của Người phải có, đó là sự thay đổi của con tim, hướng về Chúa để thanh luyện lối suy nghĩ, sửa lại cách nhìn, điều chỉnh ý hướng và ước muốn sao cho mọi sự được trong sạch như Lời chúc phúc của Đức Giê-su: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch.”

Đừng ly dị và đừng thề thốt: Về vấn đề ly dị, Đức Giê-su không truyền dậy một ngoại lệ. Một cuộc hôn nhân bất hợp pháp, dù chiếu theo luật, vẫn không được coi là cuộc hôn nhân thì đâu cần nói đến việc ly dị. Khi nhắc lại khoản luật này, Đức Giê-su không nói về tính hợp pháp của hôn nhân cho bằng đưa con người đi về ý định ban đầu của Thiên Chúa, nơi đó nói đến việc kết hợp, cam kết và gắn bó trọn đời bên nhau trong cuộc sống vợ chồng. Chung thủy vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng của hôn nhân. Vì thế, chúng ta hãy nối điều dậy bảo đừng ly dị này với việc đừng thề thốt sẽ tìm ra ý muốn của Đức Giê-su, Người muốn các môn đệ, nam và nữ, đàn ông cũng như đàn bà, phải sống chính trực, trung thành với lời thề hứa. Họ không cần thề hứa rằng đang nói sự thật vì cuộc sống của họ là bằng chứng của sự thật mà họ không cần phải hứa nữa. Họ nên tôn trọng và cam kết sống chung thủy với người khác một cách bình đẳng. Họ không được phép coi người nữ là sở hữu, rồi muốn bỏ hay giữ tùy theo ý muốn của họ. Tất cả đều là con cái của Cha trên trời, là môn đệ của Đức Ki-tô và là công dân của Nước Thiên Chúa.

Tóm lại, trong các phân đoạn của Bài Giảng trên Núi hôm nay, Đức Giê-su truyền ban các giáo huấn, tuy mới mẻ, nhưng Đức Giê-su không có ý chống lại các tập tục đã được gầy dựng bởi truyền thống tiền nhân và các lời dậy bảo của các ngôn sứ. Người cũng không đến để phá hủy hệ thống luật lệ; trái lại kiện toàn và đưa chúng trở về với ý nghĩa nguyên thủy; có nghĩa là đem các khoản luật trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Tất cả các lề luật và việc thi hành phải được xuất phát từ trong tâm hồn của người môn đệ. Cõi lòng là nơi quyết định cho các hành vi tôn giáo và con người được mời gọi cố gắng hoàn thiện theo mẫu mực của Đấng mà chúng ta yêu mến.

Trong tình yêu thì không còn khoản luật nào trở thành gánh nặng nữa. Và dựa trên kinh nghiệm và cách thế chúng ta đối xử với nhau thì có ai lại đi so bì và tính toán thua thiệt với người mình yêu bao giờ. Đó cũng là điều cần được áp dụng trong cuộc sống của các kẻ tin. Ước mong mối dây liên kết giữa ta với người được mãi bền chặt và thăng hoa trong mối tương giao với Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng hoàn thiện và muốn cho mọi người được trọn lành như Ngài. Amen!

Thursday, 6 February 2020

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG ĐỂ LÀM GÌ?



Trong các câu cuối của phần loan báo Tám mối Phúc, Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh đến hoàn cảnh của các tín hữu thời tiên khởi. Họ đang bị cấm cách, bắt bớ, xỉ nhục và vu khống; nên vì thế trong cộng đoàn đã có những kẻ tháo lui và trốn chạy. Với bối cảnh như thế, Đức Giê-su trấn an và nhắc cho họ biết rằng hoàn cảnh họ đang trải qua là một ân phúc mà không mấy ai có diễm phúc trải qua.

Nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, chúng ta nhận ra một điều là Hội Thánh được sinh sôi nẩy nở và sinh nhiều hoa lợi trong các hoàn cảnh cấm cách và bị bắt bớ. Và những ai bền chí và trung kiên nên nhớ rằng họ được kêu gọi để là muối cho đời thêm mặn nồng và ánh sáng soi dẫn những kẻ lầm đường lạc lối biết hướng mà quay về. Chúng ta không được mời gọi để có một cuộc sống sung túc, thuận lợi và dư tràn ân phúc theo như các tiêu chuẩn của thế gian. Điều Đức Giê-su mời gọi chúng ta hôm nay không chỉ là một vài gương sáng hay hy sinh từ bỏ một vài điều gì đó trong cuộc sống, mà là một cuộc sống đổi mới có sức ảnh hưởng khiến người khác phải thay đổi.

Muối và ánh sáng là hai hình ảnh mà Đức Giê-su dùng để nói lên ước vọng của Người dành cho các môn đệ. Muối và ánh sáng không tự nó tồn tại. Cả hai vật dụng này được tạo thành và được dùng theo ý muốn của người đã tạo ra chúng. Có lẽ ngày nay chúng ta coi thường muối và ánh sáng. Nhưng nếu chúng ta đặt mình trong bối cảnh trước khi ông Ê-đi-son phát minh ra ánh sáng của dòng điện thì chúng ta mới biết ánh sáng quí trọng dường bao. Thật ra, chúng ta nên nhớ rằng vũ trụ và mọi vật sinh sống ở trần gian này đã và đang được nuôi dưỡng bới ánh sáng của mặt trời như thế nào. Chúng ta không thể tưởng tượng được những gì sẽ xẩy ra khi ánh sáng mặt trời không tỏa ánh sáng trên mặt đất này nữa! Mọi sự có thể đi đến cùng tận.

Trong trình thuật kể lại việc tạo dựng, việc đầu tiên của Thiên Chúa làm là tạo ra ánh sáng. Ánh sáng thật quan trọng đối với Ngài. Đức Giê-su đã nhiều lần tỏ bầy rằng chính Người là ánh sáng. Và trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su truyền ban nhiệm vụ và vinh dự cao cả đó cho các môn đệ khi phán dậy rằng: “Chính anh (chị) em là ánh sáng cho trần gian.”

Đây là một lịnh truyền thật trọng đại, chúng ta chỉ có thể thực hiện được bổn phận này khi tiếp nhận nguồn ánh sáng từ Đấng đã tạo ra ánh sáng. Tự bản thân chúng ta không tạo ra ánh sáng. Ánh sáng phát sinh từ Chúa và được chiếu giải qua việc làm của chúng ta để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời.

Chúa nói rất rõ rằng ánh sáng của chúng ta phải được chiếu giải. Người nhấn mạnh đến lịnh truyền bằng động từ ‘PHẢI’, chứ không phải là việc làm theo hứng, thích thì làm còn không thích thì thôi. Nhiệm vụ này được trao ban cho những kẻ mới đón nhận các mối phúc làm gia nghiệp thì PHẢI có bổn phận san sẻ vinh dự cao quí này cho nhân loại.

Đức Giê-su tiếp tục lịnh truyền bằng cách dùng hình ảnh rất quen thuộc mà dân chúng thường áp dụng trong cuộc sống ngày thường. Thời của Đức Giê-su làm gì có điện, để khi cần có ánh sáng chỉ cần mở công tắc thì ánh sáng sẽ chiếu tỏa mọi nơi trong phòng. Thay vào đó, họ đốt đèn để phát ra ánh sáng. Dựa trên kinh nghiệm của cuộc sống, Đức Giê-su khẳng định không ai đốt đèn cho có ánh sáng, rồi sau đó để đèn (dầu) dưới cái thùng rồi úp lại, như thế ánh sáng của đèn làm sao chiếu tỏa cho mọi nơi trong nhà, chưa kể đèn có thể bị tắt vì thiếu không khí!

Qua việc xử dụng hình ảnh với lời khuyến cáo như thế, Đức Giê-su muốn nhắc nhở rằng ánh sáng đã được đốt lên, trao ban và hiện diện trong cuộc sống của người môn đệ. Nhưng chính cách sống của chúng ta làm cho phạm vi mà ánh sáng có thể chiếu tỏa bị thu gọn lại, như việc để đèn dưới đáy thùng vậy.

Trên thực tế, việc để đèn ở dưới thùng vẫn còn hiện diện qua cuộc sống thiếu niềm tin, mất đi niềm hy vọng vào sự can thiệp và trao ban ánh sáng nơi chúng ta. Trái lại chúng ta lại về hùa với đêm đen, với những ý nghĩ tiêu cực làm giảm độ sáng của ánh vinh quang mà Thiên Chúa đặt để trong cuộc sống của người môn đệ. Chúng ta hãy xác tín rằng không có ai, một mặt theo Chúa, mặt khác lại trao năng lượng, thời giờ, sức mạnh và gia tài cho những thứ cản mức chiếu tỏa của ánh sáng mà Thiên Chúa đã đặt để trong cuộc sống của người môn đệ. Chúng ta cần biện phân để nhận ra các loại thùng nào có thể cản ánh sáng; đối diện và tìm cách loại trừ nó bằng cách để đèn trên giá chiếu soi mọi nơi. Nhờ đó, ánh sáng sẽ loại trừ và xua tan bóng tối. 

Còn về muối thì sao?

Muối được đánh giá cao trong thế giới ngày xưa. Tôi được nghe kể lại, đã có thời người ta coi muối như hàng hiếm, hàng quốc cấm. Vì thế, có nhiều người đi bán muối, ai lọt thì giầu còn ai bị bắt thì bị xử tử; từ đó mới có cụm từ ‘đi bán muối’ để ám chỉ những người qua cố.

Muối được sử dụng như một loại gia vị, chất bảo quản, chất khử trùng và được xem như là một thành phần của lễ vật trong các nghi thức tiến dâng; ngoài ra muối còn được dùng như là một đơn vị trao đổi.

Những người sống cùng thời với Đức Giê-su đã coi muối là vật quí hiếm và rất thông dụng trong cuộc sống. Họ còn dùng muối để hòa trộn với phân bón làm cho thủa đất tốt hơn, sinh nhiều hoa lợi hơn. Cho đến nay, muối được dùng để ướp làm cho thực phẩm khỏi bị ôi, giữ cho thức ăn tươi lâu hơn. Muối còn được dùng làm giảm cơn đau răng, đau cổ họng, v.v…

Tuy nhiên, vị mặn nằm ngay trong muối. Muối không có độ nhạt. Đã ngậm muối thì chúng ta sẽ cảm thấy vị mặn trong miệng. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói đến vị nhạt của muối bao giờ. Nhưng nếu chúng ta dùng quá liều lượng sẽ ảnh hưởng đến thực phẩm và sức khỏe. Ngày nay, bác sĩ thường khuyên những bịnh nhân bị bịnh cao huyết áp hãy ăn nhạt hơn, vì độ mặn có thể làm tăng huyết áp.

Khi dùng hình ảnh muối để ám chỉ đến thân phận của người môn đệ, Đức Giê-su nhắc chúng ta nhớ bổn phận của mình là đem thêm mùi vị cho đời thêm mặn nồng hơn. Nói khác đi, chúng ta là những dụng cụ, các chất xúc tác mà Thiên Chúa dùng để làm cho hương vị của đời sống nhân loại thêm mặn mà và nồng ấm hơn. Một cách cụ thể, chúng ta được mời gọi đem niềm vui và sự an hòa đến cho những ai đang sống trong sầu khổ, đem bình an đến cho những người có cuộc sống đang bị xáo trộn, đem lại ý nghĩa tích cực cho những ai đang chán nản và bi quan. Nói tóm lại, sự hiện diện của chúng ta sẽ mang lại điều tốt nhất cho xã hội mà chúng ta đang sống trong mọi tình huống.

Để kết thúc phần suy niệm của bài Tin Mừng nói về muối và ánh sáng mà người môn đệ của Đức Ki-tô cần đem đến cho thế giới hôm nay, chúng ta cùng nghe một trong muôn ngàn truyện tích về đời sống gương sáng của Mẹ Thánh Tê-rê-sa thành Calcutta và các nữ tu của mẹ đang miệt mài đem đến cho thế giới buồn tẻ ngày nay những mặn nồng của tình người môn đệ. Truyện kể như sau:

Vào một ngày kia, có một người đàn ông trung niên đến thăm nhà của Mẹ Thánh Tê-rê-sa dựng nên cho những người nghèo và những người sắp chết ở Calcutta. Ông ta vào nhà và chứng kiến cảnh các nữ tu đang chăm sóc cho một số người sắp chết, mà các sơ mang về từ các vỉa hè và lề đường. Trong số đó, có một người đàn ông được khiêng về từ máng xối, thân mình của ông ta đầy lở loét. Các nữ tu không hề để ý đến sự hiện diện của người khách lạ đang chăm chú theo dõi các việc làm của họ. Ông khách nhà ta chăm chú nhìn cử chỉ của một sơ trong nhóm các sơ đang phục vụ trong căn nhà đó. Ông thấy sự dịu dàng của chị nữ tu này khi săn sóc cho bịnh nhân. Ông nhìn ra nụ cười của sơ khi rửa và băng bó các vết thương hôi thối trên thân xác của người đàn ông đang hấp hối đó. Ông ta không bỏ qua một chi tiết hay một hành động nào của vị nữ tu đó. Tất cả đều phát xuất từ con tim của một con người chỉ biết quan tâm và sống cho người khác.

Sau khi chứng kiến các việc làm của các sơ, ông quay sang Mẹ Thánh Tê-re-sa và thưa rằng: Thưa Mẹ, khi đến thăm Mẹ, tôi hoàn tòan không tin vào Thiên Chúa, trái tim của con chứa đầy thù hận. Nhưng bây giờ tôi đã thấy và tôi đã tin. Ông đã thấy tình yêu của Thiên Chúa được chiếu sáng qua các cử chỉ vô cùng trìu mến và mặn nồng mà các nữ tư của Mẹ Thánh đã làm. Thưa Mẹ, giờ này con tin!
Giống như vậy, chúng ta hãy để cho ánh sáng của Chúa chiếu tỏa trong các việc làm của chúng ta, để mỗi người, mỗi việc làm của chúng ta trở thành muối và là chất xúc tác làm cho đời thêm vị nồng thắm của tình Chúa hơn. Amen!