Trong các câu
cuối của phần loan báo Tám mối Phúc, Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh đến hoàn cảnh
của các tín hữu thời tiên khởi. Họ đang bị cấm cách, bắt bớ, xỉ nhục và vu khống;
nên vì thế trong cộng đoàn đã có những kẻ tháo lui và trốn chạy. Với bối cảnh
như thế, Đức Giê-su trấn an và nhắc cho họ biết rằng hoàn cảnh họ đang trải qua
là một ân phúc mà không mấy ai có diễm phúc trải qua.
Nhìn lại lịch
sử của Hội Thánh, chúng ta nhận ra một điều là Hội Thánh được sinh sôi nẩy nở
và sinh nhiều hoa lợi trong các hoàn cảnh cấm cách và bị bắt bớ. Và những ai bền
chí và trung kiên nên nhớ rằng họ được kêu gọi để là muối cho đời thêm mặn nồng
và ánh sáng soi dẫn những kẻ lầm đường lạc lối biết hướng mà quay về. Chúng ta
không được mời gọi để có một cuộc sống sung túc, thuận lợi và dư tràn ân phúc
theo như các tiêu chuẩn của thế gian. Điều Đức Giê-su mời gọi chúng ta hôm nay
không chỉ là một vài gương sáng hay hy sinh từ bỏ một vài điều gì đó trong cuộc
sống, mà là một cuộc sống đổi mới có sức ảnh hưởng khiến người khác phải thay đổi.
Muối và ánh
sáng là hai hình ảnh mà Đức Giê-su dùng để nói lên ước vọng của Người dành cho
các môn đệ. Muối và ánh sáng không tự nó tồn tại. Cả hai vật dụng này được tạo
thành và được dùng theo ý muốn của người đã tạo ra chúng. Có lẽ ngày nay chúng
ta coi thường muối và ánh sáng. Nhưng nếu chúng ta đặt mình trong bối cảnh trước
khi ông Ê-đi-son phát minh ra ánh sáng của dòng điện thì chúng ta mới biết ánh
sáng quí trọng dường bao. Thật ra, chúng ta nên nhớ rằng vũ trụ và mọi vật sinh
sống ở trần gian này đã và đang được nuôi dưỡng bới ánh sáng của mặt trời như
thế nào. Chúng ta không thể tưởng tượng được những gì sẽ xẩy ra khi ánh sáng mặt
trời không tỏa ánh sáng trên mặt đất này nữa! Mọi sự có thể đi đến cùng tận.
Trong trình
thuật kể lại việc tạo dựng, việc đầu tiên của Thiên Chúa làm là tạo ra ánh
sáng. Ánh sáng thật quan trọng đối với Ngài. Đức Giê-su đã nhiều lần tỏ bầy rằng
chính Người là ánh sáng. Và trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su truyền ban
nhiệm vụ và vinh dự cao cả đó cho các môn đệ khi phán dậy rằng: “Chính anh (chị)
em là ánh sáng cho trần gian.”
Đây là một lịnh
truyền thật trọng đại, chúng ta chỉ có thể thực hiện được bổn phận này khi tiếp
nhận nguồn ánh sáng từ Đấng đã tạo ra ánh sáng. Tự bản thân chúng ta không tạo
ra ánh sáng. Ánh sáng phát sinh từ Chúa và được chiếu giải qua việc làm của
chúng ta để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời.
Chúa nói rất
rõ rằng ánh sáng của chúng ta phải được chiếu giải. Người nhấn mạnh đến lịnh truyền
bằng động từ ‘PHẢI’, chứ không phải là việc làm theo hứng, thích thì làm còn
không thích thì thôi. Nhiệm vụ này được trao ban cho những kẻ mới đón nhận các
mối phúc làm gia nghiệp thì PHẢI có bổn phận san sẻ vinh dự cao quí này cho
nhân loại.
Đức Giê-su tiếp
tục lịnh truyền bằng cách dùng hình ảnh rất quen thuộc mà dân chúng thường áp dụng
trong cuộc sống ngày thường. Thời của Đức Giê-su làm gì có điện, để khi cần có
ánh sáng chỉ cần mở công tắc thì ánh sáng sẽ chiếu tỏa mọi nơi trong phòng.
Thay vào đó, họ đốt đèn để phát ra ánh sáng. Dựa trên kinh nghiệm của cuộc sống,
Đức Giê-su khẳng định không ai đốt đèn cho có ánh sáng, rồi sau đó để đèn (dầu)
dưới cái thùng rồi úp lại, như thế ánh sáng của đèn làm sao chiếu tỏa cho mọi
nơi trong nhà, chưa kể đèn có thể bị tắt vì thiếu không khí!
Qua việc xử dụng
hình ảnh với lời khuyến cáo như thế, Đức Giê-su muốn nhắc nhở rằng ánh sáng đã
được đốt lên, trao ban và hiện diện trong cuộc sống của người môn đệ. Nhưng
chính cách sống của chúng ta làm cho phạm vi mà ánh sáng có thể chiếu tỏa bị
thu gọn lại, như việc để đèn dưới đáy thùng vậy.
Trên thực tế,
việc để đèn ở dưới thùng vẫn còn hiện diện qua cuộc sống thiếu niềm tin, mất đi
niềm hy vọng vào sự can thiệp và trao ban ánh sáng nơi chúng ta. Trái lại chúng
ta lại về hùa với đêm đen, với những ý nghĩ tiêu cực làm giảm độ sáng của ánh
vinh quang mà Thiên Chúa đặt để trong cuộc sống của người môn đệ. Chúng ta hãy
xác tín rằng không có ai, một mặt theo Chúa, mặt khác lại trao năng lượng, thời
giờ, sức mạnh và gia tài cho những thứ cản mức chiếu tỏa của ánh sáng mà Thiên
Chúa đã đặt để trong cuộc sống của người môn đệ. Chúng ta cần biện phân để nhận
ra các loại thùng nào có thể cản ánh sáng; đối diện và tìm cách loại trừ nó bằng
cách để đèn trên giá chiếu soi mọi nơi. Nhờ đó, ánh sáng sẽ loại trừ và xua tan
bóng tối.
Còn về muối
thì sao?
Muối được
đánh giá cao trong thế giới ngày xưa. Tôi được nghe kể lại, đã có thời người ta
coi muối như hàng hiếm, hàng quốc cấm. Vì thế, có nhiều người đi bán muối, ai lọt
thì giầu còn ai bị bắt thì bị xử tử; từ đó mới có cụm từ ‘đi bán muối’ để ám chỉ
những người qua cố.
Muối được sử
dụng như một loại gia vị, chất bảo quản, chất khử trùng và được xem như là một
thành phần của lễ vật trong các nghi thức tiến dâng; ngoài ra muối còn được dùng
như là một đơn vị trao đổi.
Những người sống
cùng thời với Đức Giê-su đã coi muối là vật quí hiếm và rất thông dụng trong cuộc
sống. Họ còn dùng muối để hòa trộn với phân bón làm cho thủa đất tốt hơn, sinh
nhiều hoa lợi hơn. Cho đến nay, muối được dùng để ướp làm cho thực phẩm khỏi bị
ôi, giữ cho thức ăn tươi lâu hơn. Muối còn được dùng làm giảm cơn đau răng, đau
cổ họng, v.v…
Tuy nhiên, vị
mặn nằm ngay trong muối. Muối không có độ nhạt. Đã ngậm muối thì chúng ta sẽ cảm
thấy vị mặn trong miệng. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói đến vị nhạt của muối bao
giờ. Nhưng nếu chúng ta dùng quá liều lượng sẽ ảnh hưởng đến thực phẩm và sức
khỏe. Ngày nay, bác sĩ thường khuyên những bịnh nhân bị bịnh cao huyết áp hãy
ăn nhạt hơn, vì độ mặn có thể làm tăng huyết áp.
Khi dùng hình
ảnh muối để ám chỉ đến thân phận của người môn đệ, Đức Giê-su nhắc chúng ta nhớ
bổn phận của mình là đem thêm mùi vị cho đời thêm mặn nồng hơn. Nói khác đi, chúng
ta là những dụng cụ, các chất xúc tác mà Thiên Chúa dùng để làm cho hương vị của
đời sống nhân loại thêm mặn mà và nồng ấm hơn. Một cách cụ thể, chúng ta được mời
gọi đem niềm vui và sự an hòa đến cho những ai đang sống trong sầu khổ, đem
bình an đến cho những người có cuộc sống đang bị xáo trộn, đem lại ý nghĩa tích
cực cho những ai đang chán nản và bi quan. Nói tóm lại, sự hiện diện của chúng
ta sẽ mang lại điều tốt nhất cho xã hội mà chúng ta đang sống trong mọi tình huống.
Để kết thúc
phần suy niệm của bài Tin Mừng nói về muối và ánh sáng mà người môn đệ của Đức
Ki-tô cần đem đến cho thế giới hôm nay, chúng ta cùng nghe một trong muôn ngàn
truyện tích về đời sống gương sáng của Mẹ Thánh Tê-rê-sa thành Calcutta và các
nữ tu của mẹ đang miệt mài đem đến cho thế giới buồn tẻ ngày nay những mặn nồng
của tình người môn đệ. Truyện kể như sau:
Vào một ngày
kia, có một người đàn ông trung niên đến thăm nhà của Mẹ Thánh Tê-rê-sa dựng
nên cho những người nghèo và những người sắp chết ở Calcutta. Ông ta vào nhà và
chứng kiến cảnh các nữ tu đang chăm sóc cho một số người sắp chết, mà các sơ
mang về từ các vỉa hè và lề đường. Trong số đó, có một người đàn ông được
khiêng về từ máng xối, thân mình của ông ta đầy lở loét. Các nữ tu không hề để
ý đến sự hiện diện của người khách lạ đang chăm chú theo dõi các việc làm của họ.
Ông khách nhà ta chăm chú nhìn cử chỉ của một sơ trong nhóm các sơ đang phục vụ
trong căn nhà đó. Ông thấy sự dịu dàng của chị nữ tu này khi săn sóc cho bịnh
nhân. Ông nhìn ra nụ cười của sơ khi rửa và băng bó các vết thương hôi thối
trên thân xác của người đàn ông đang hấp hối đó. Ông ta không bỏ qua một chi tiết
hay một hành động nào của vị nữ tu đó. Tất cả đều phát xuất từ con tim của một
con người chỉ biết quan tâm và sống cho người khác.
Sau khi chứng
kiến các việc làm của các sơ, ông quay sang Mẹ Thánh Tê-re-sa và thưa rằng: Thưa
Mẹ, khi đến thăm Mẹ, tôi hoàn tòan không tin vào Thiên Chúa, trái tim của con
chứa đầy thù hận. Nhưng bây giờ tôi đã thấy và tôi đã tin. Ông đã thấy tình yêu
của Thiên Chúa được chiếu sáng qua các cử chỉ vô cùng trìu mến và mặn nồng mà
các nữ tư của Mẹ Thánh đã làm. Thưa Mẹ, giờ này con tin!
Giống như vậy,
chúng ta hãy để cho ánh sáng của Chúa chiếu tỏa trong các việc làm của chúng
ta, để mỗi người, mỗi việc làm của chúng ta trở thành muối và là chất xúc tác
làm cho đời thêm vị nồng thắm của tình Chúa hơn. Amen!
No comments:
Post a Comment