Đức Giê-su đã
mở đầu Bài Giảng trên Núi bằng việc loan báo các mối Phúc dành cho những ai đã
được mời gọi để chọn Nước Trời làm gia nghiệp. Dù cho hoàn cảnh có khó khăn đến
đâu, thậm chí cần phải đánh đổi cả mạng sống thì vai trò nhân chứng về Nước
Thiên Chúa vẫn dành cho họ là những kẻ đã được Thiên Chúa chúc phúc. Họ được
chúc phúc không phải vì được trao ban cho một cuộc sống sung túc và đầy thuận lợi
cho bằng thi hành sứ mạng là muối cho đời và làm ánh sáng cho nhân loại. Và, trong
bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su tiếp tục quảng diễn về các việc làm cụ thể mà
người môn đệ, công dân của Nước Trời cần thi hành.
Trước hết,
chúng ta phải nhìn nhận rằng những lịnh truyền của Đức Giê-su hôm nay giúp
chúng ta thiết lập và xây dựng mối dây tương quan giữa người và người theo đúng
tinh thần của Chúa hơn. Người không đến để bãi bỏ lề luật và sự hướng dẫn của
các ngôn sứ; nhưng Người hoàn thành và kiện toàn nó. Điều mà Đức Giê-su quan
tâm ở đây không phải là sống rập khuôn theo các tập tục hay các khoản luật đã bị
áp dụng cứng ngắc, đôi khi mất đi mối tương quan giữa người với người. Đức Giêsu
quan tâm đến sự thay đổi của trái tim, thiết lập một lối sống mới tập trung vào
Thiên Chúa. Lối sống này đem lại cho con người sự công chính không dựa trên lề
luật, nhưng được xuất phát từ mối quan hệ giữa Thiên Chúa và ta. Từ đó, Đức
Giê-su yêu cầu sự công chính của các môn đệ phải vượt trên sự công chính của những
người thuộc nhóm Biệt Phái và các ông kinh sư thì mới vào được Nước Trời. Một
cách cụ thể, Đức Giê-su yêu cầu các ông phải kiện toàn các điều như: đừng giận
ghét, chớ ngoại tình, đừng ly dị và đừng thề thốt.
Đừng giận ghét: Trong cuộc
sống, chúng ta không được phép giết người, mà ngay cả việc giận dữ, nóng giận
cũng không được chấp nhận. Dường như các hành vi giết người được xuất phát bởi
sự tức giận, như những câu chuyện mà các cô các cậu trẻ tuổi thố lộ trên các
báo chí và các trang mạng xã hội. Điều này làm tôi nhớ lại kinh nghiệm mà tôi
đã ghi nhận được trong khi làm việc tại các trại giam tại tiểu bang Victoria.
Thoạt tiên, tôi vô cùng ngỡ ngàng trước vẻ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn của một
số tù nhân đã phạm tội giết người. Tôi không thể hiểu tại sao họ có thể giết
người được. Sau này, qua nhiều lần tiếp xúc, tôi mới nhận ra được một điều là hình
như họ không kiểm soát và kềm chế được cơn nóng giận. Và tất cả các việc làm xẩy
ra trong lúc tức giận đều đem lại những kết quả không lường trước được. Cha ông
chúng ta đã có câu nói “giận hóa mất khôn!”
Để giúp chúng
ta đối phó và diệt trừ tận căn mối nguy hiểm này, Đức Giê-su thúc dục chúng ta
cần phải có biện pháp dứt khoát để đối phó với việc giận dữ. Bởi vì nó sẽ trở lại
và gây nhiều hậu quả tai hại hơn. Người còn mời gọi chúng ta không chỉ đối diện
với việc chúng ta giận ai mà là ai giận chúng ta thì chúng ta cũng cần đi bước
trước đến để làm hòa với họ rồi sau đó tiếp tục tế lễ. Thật ra, chúng ta không
thể giải thích và áp dụng điều Đức Giê-su nói ở đây theo nghĩa đen. Ai mà lại để
lễ vật tại đền thờ rồi đi mấy ngày đường trở về làm hòa với anh em, đến khi trở
lại thì của lễ có còn nguyên vẹn hay là đã bị hư thối mất rồi!
Phải quan tâm
đến việc hòa giải và thay đổi cách sống rồi mới nói đến việc tế lễ. Tính cộng
đoàn, tình anh em cùng một Cha trên trời được thiết lập và củng cố bằng đời sống.
Như vậy, mối quan hệ hiệp nhất, yêu thương và tha thứ giữa người và người là điều
mà Đức Giê-su muốn cho các công dân của Nước Thiên Chúa áp dụng trong cuộc sống.
Đây là hành động của những con người đã được đổi mới và chỉ có ai được Chúa
chúc phúc mới có thể làm được yêu cầu này. Yêu thương nhau là giới lịnh căn bản
của người môn đệ, công dân của Nước Trời.
Chớ ngoại tình: Tương tự như
vậy, khi nói đến ngoại tình, chúng ta phải đối phó với bất cứ điều gì khơi dậy lòng
ham muốn, hành vi chiếm đoạt để thỏa mãn nhu cầu cá nhân hơn là việc tôn trọng
và yêu thương mà chúng ta dành cho nhau. Xã hội hôm nay cho chúng ta đầy đủ dữ
kiện, với những mẩu chuyện đang hiện ra nhan nhản trong các trang mạng làm
chúng ta lo sợ; lại chưa kể đến sự tiến bộ vượt bực, ngoài tầm kiểm soát do các
máy ‘điện thoại thông minh-smartphones’ đem đến. Người ta dùng nó để ‘chài mồi-grooming’.
Hầu như nếu thiếu cảnh giác thì chúng ta sẽ dễ dàng đi lạc lối.
Giống như cách
giải quyết mỗi khi nổi cơn giận dữ, ở đây Đức Giê-su truyền chúng ta cần đối diện
với hiểm nguy này và có thái độ dứt khoát. Anh chị em hãy nhớ lại kiểu trình bầy
của tác giả sách Sáng Thế khi trình bầy tiến trình dụ dỗ, sự tác động và ảnh hưởng
trên E-và: Trước tiên nhìn thì khoái, sau đó thèm thuồng và nghĩ đến nó cảm thấy
tưng tưng, bèn hái xuống và rủ chồng cùng ăn. Trình tự đó cũng được ám chỉ ở
đây, nhìn người nữ với tâm hồn trong sạch và tôn trọng thì không sao, nhưng
nhìn với vẻ thèm thuồng, chảy rãi ra là dấu hiệu không tốt cần phải đối phó và
được điều trị đúng cách. Bởi vì từ cái nhìn như thế dẫn đến hành động chẳng xa
bao nhiêu. Vì thế, Đức Giê-su yêu cầu khi Người dùng ngôn ngữ móc nó ra, chặt
nó xuống hay cắt nó đi. Tất cả kiểu dùng chỉ nói đến yêu cầu dứt khoát mà Đức Giê-su
muốn người môn đệ phải thi hành.
Tuy nhiên
chúng ta cũng không nên phân tích quá tỉ mỉ để tìm ra điều gì được phép làm, điều
nào không được phép hay cái gì nặng cái gì nhẹ. Cuối cùng chúng ta sẽ trở thành
những con người sống vị luật, làm theo luật. Vấn đề quan trọng mà Đức Giê-su muốn
cho các môn đệ của Người phải có, đó là sự thay đổi của con tim, hướng về Chúa
để thanh luyện lối suy nghĩ, sửa lại cách nhìn, điều chỉnh ý hướng và ước muốn
sao cho mọi sự được trong sạch như Lời chúc phúc của Đức Giê-su: “Phúc cho ai
có tâm hồn trong sạch.”
Đừng ly dị và đừng thề thốt: Về
vấn đề ly dị, Đức Giê-su không truyền dậy một ngoại lệ. Một cuộc hôn nhân bất hợp
pháp, dù chiếu theo luật, vẫn không được coi là cuộc hôn nhân thì đâu cần nói đến
việc ly dị. Khi nhắc lại khoản luật này, Đức Giê-su không nói về tính hợp pháp
của hôn nhân cho bằng đưa con người đi về ý định ban đầu của Thiên Chúa, nơi đó
nói đến việc kết hợp, cam kết và gắn bó trọn đời bên nhau trong cuộc sống vợ chồng.
Chung thủy vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng của hôn nhân. Vì thế, chúng ta hãy
nối điều dậy bảo đừng ly dị này với việc đừng thề thốt sẽ tìm ra ý muốn của Đức
Giê-su, Người muốn các môn đệ, nam và nữ, đàn ông cũng như đàn bà, phải sống
chính trực, trung thành với lời thề hứa. Họ không cần thề hứa rằng đang nói sự
thật vì cuộc sống của họ là bằng chứng của sự thật mà họ không cần phải hứa nữa.
Họ nên tôn trọng và cam kết sống chung thủy với người khác một cách bình đẳng.
Họ không được phép coi người nữ là sở hữu, rồi muốn bỏ hay giữ tùy theo ý muốn
của họ. Tất cả đều là con cái của Cha trên trời, là môn đệ của Đức Ki-tô và là
công dân của Nước Thiên Chúa.
Tóm lại, trong
các phân đoạn của Bài Giảng trên Núi hôm nay, Đức Giê-su truyền ban các giáo huấn,
tuy mới mẻ, nhưng Đức Giê-su không có ý chống lại các tập tục đã được gầy dựng
bởi truyền thống tiền nhân và các lời dậy bảo của các ngôn sứ. Người cũng không
đến để phá hủy hệ thống luật lệ; trái lại kiện toàn và đưa chúng trở về với ý
nghĩa nguyên thủy; có nghĩa là đem các khoản luật trở về với ý định ban đầu của
Thiên Chúa. Tất cả các lề luật và việc thi hành phải được xuất phát từ trong
tâm hồn của người môn đệ. Cõi lòng là nơi quyết định cho các hành vi tôn giáo
và con người được mời gọi cố gắng hoàn thiện theo mẫu mực của Đấng mà chúng ta yêu
mến.
Trong tình
yêu thì không còn khoản luật nào trở thành gánh nặng nữa. Và dựa trên kinh nghiệm
và cách thế chúng ta đối xử với nhau thì có ai lại đi so bì và tính toán thua
thiệt với người mình yêu bao giờ. Đó cũng là điều cần được áp dụng trong cuộc sống
của các kẻ tin. Ước mong mối dây liên kết giữa ta với người được mãi bền chặt
và thăng hoa trong mối tương giao với Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng hoàn thiện
và muốn cho mọi người được trọn lành như Ngài. Amen!
No comments:
Post a Comment