Wednesday, 25 March 2020

DÙ SỐNG HAY CHẾT, CHÚNG TA ĐỀU THUỘC VỀ CHÚA.



Hầu hết các Kitô hữu, thậm chí nhiều người ngoài Kitô giáo, đều biết câu chuyện Đức Giê-su hồi sinh La-da-rô như được kể trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Bài Tin Mừng này thường được công bố vào các dịp lễ cầu hồn và an táng, cho nên khá quen thuộc với mỗi người chúng ta

Chúng ta thường nghe nói đến phản ứng của những người theo Chúa, tâm tư của các môn đệ và bà con thân thuộc của Đức Giê-su, rất ít khi chúng ta nghe đến cụm từ ‘bạn của Đức Giê-su.’ Hôm nay trong bài Tin Mừng, Thánh Gio-an đã giới thiệu gia đình của ba chị em, bao gồm cô Mác-ta, cô em gái tên là Ma-ri-a, người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa và người em trai tên là La-da-rô. Họ là những người bạn thân của Đức Giê-su, sống ở thị trấn Bê-ta-ni-a, gần Giê-ru-sa-lem.

Câu chuyện được bắt đầu bởi việc em trai của hai cô là La-da-rô bị đau. Nhưng họ không trực tiếp đi báo tin cho Đức Giê-su mà lại nhờ người chuyển tin hộ. Họ không nói chú em trai của họ tên là La-da-rô bị bệnh. Thay vào đó họ nói người bạn mà Chúa yêu thương đang bị bệnh. Qua cách nói này chúng ta thấy tình cảm sâu sắc mà Đức Giêsu dành cho gia đình La-da-rô. Và nếu chúng ta áp dụng cách xử dụng các nhân vật mà chúng ta thường thấy trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an, thì mỗi người trong chúng ta cũng có thể nhận mình là La-da-rô, miễn là chúng ta không từ chối tình bạn và lòng mến mà Chúa dành cho chúng ta.

Tuy nhiên, cách hành xử của Đức Giê-su khi được báo tin làm chúng ta ngạc nhiên. Căn cứ vào tình bạn và lòng thương mến mà Đức Giê-su dành cho gia đình của ba chị em này, cứ như lẽ thường mà nói thì khi vừa nhận được tin, Người sẽ lập tức lên đường ngay. Nhưng, Người xem ra dửng dung mà còn thản nhiên phán rằng bịnh này không làm ông chết đâu, nhưng là dịp mà vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện và Con Thiên Chúa được tôn vinh.

Đối chiếu với hoàn cảnh hiện tại của thế giới, chúng ta sẽ nghĩ sao nếu có người tự nhận mình là sứ giả của Thiên Chúa đến và nói rằng đại dịch CORONA không làm cho chúng ta chết mà là dịp để Thiên Chúa được tôn vinh? Phản ứng của chúng ta thế nào? Nào ai trong chúng ta sẽ không nói người đó phạm thượng và đáng bị ăn đòn!

Tuy nhiên chúng ta vẫn nhớ rằng, Tin Mừng theo thánh Gio-an chứa đầy các biểu tượng. Các nhân vật trong các dấu lạ thường được mô tả để mời gọi chúng ta bước vào các trình thuật để khám phá ra sự thật được tiềm ẩn đằng sau các dấu lạ. Bởi vì, hầu như các dấu lạ trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an không dừng lại ở sự kỳ diệu cho bằng dẫn đưa chúng ta đi đến một ý nghĩa sâu xa hơn. Hơn thế nữa, chẳng mấy người trong hàng ngũ các môn đệ và những người theo Đức Giê-su, lúc Người còn sinh thời, có thể tức khắc thấu hiểu Lời Người phán dậy, cho đến khi Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết.

Trở về bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đợi thêm vài ngày rồi mới đi Bê-ta-ni-a. Khi đến nơi, Đức Giê-su đã phải đối mặt với kiểu vừa hờn dỗi vừa tin tưởng của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a khi họ cùng nói như sau: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” Chúng con đã báo tin cho Thầy biết về tình trạng sức khỏe của La-da-rô thế mà giờ này Thầy mới đến; giả như Thầy đến ngay thì em con đã không chết. Tuy nhiên, con biết Thiên Chúa có bao giờ từ chối lời cầu xin của Thầy bao giờ. Vừa hờn dỗi vì quá đau khổ về sự mất mát người em thân yêu, mặt khác cô lại tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi Đức Giê-su. Bản tính con người thời nào cũng thế!

Sau đó Đức Giê-su được hai cô đưa đến ngôi mộ, có đám đông đi theo Người. Đến chỗ chôn cất La-da-rô, Người xúc động và đã khóc. Sau đó, Đức Giê-su yêu cầu họ đem phiến đá chắn cửa mộ đi và sau khi hòn đá được lăn đi, Đức Giê-su lên tiếng gọi ‘La-da-rô, ra đây!’ Lập tức, La-da-rô trỗi dậy, bước ra khỏi mộ. Trong khi đi ra, tay và chân còn bị trói bằng dải vải và mặt còn phủ khăn. Và Đức Giêsu ra lịnh cởi trói cho anh ta và để anh ta đi. Câu chuyện chỉ có thế!

Mặc dầu câu chuyện được kết thúc bởi việc Đức Giê-su ra lịnh cởi trói cho La-da-rô và để anh ta đi. Nhưng chúng ta biết rõ rằng sau này La-da-rô rồi cũng chết.

Thưa anh chị em,

Trong mấy tuần vừa qua, chúng ta đã được nghe tường thuật về các cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-a, qua câu chuyện đó, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết Người là nước truờng sinh, ai đến với Người sẽ không khát nữa. Bởi vì, khi gặp gỡ Đức Giê-su mọi nỗi khát vọng của con người đều được Đức Giê-su lấp đầy và họ sẽ không còn khao khát thêm điều gì nữa. Sau đó, trong cuộc gặp gỡ với người mù từ thủa mới sinh, Đức Giê-su làm cho ông ta nhìn thấy. Việc làm này khẳng định điều Người đã phán ‘Ta là ánh sáng thế gian.’ Ánh sáng chiếu soi và dẫn con người đến sự sống.

Các cuộc gặp gỡ này nhắc nhở cho chúng ta nhớ lại các kinh nghiệm thực tế trong cuộc đời mình và Chúa. Đến và gặp gỡ Chúa là những trải nghiệm trong cuộc sống của những kẻ tin. Đó là những kinh nghiệm thực tế, không dựa vào sách vở hay kiến thức. Nhưng là cuộc gặp gỡ bằng xuơng bằng thịt giữa những người khao khát và yêu mến lấp đầy sự thiếu thốn của nhau.

Hôm nay qua dấu lạ làm cho La-da-rô hồi sinh, Đức Giê-su muốn nhắn gửi chúng ta một sứ điệp là chúng ta không cần chờ đến ngày sống lại mới nhận ra vinh quang của Thiên Chúa, mà ngay lúc này, trong giây phút này, Chúa đã là sự sống và sự sống lại của chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết rằng sự chết là kẻ thù cuối cùng mà chúng ta cần chiến đấu và triệt hạ. Và chỉ có Chúa, Đấng chiến thắng và đè bẹp sự chết mới giúp chúng ta đạt được điều đó. Vì thế, trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là điều mà Chúa nói với Martha “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?”

Tôi tin! Nhưng trong cuộc sống, tôi phải thể hiện niềm tin đó như thế nào.

Khi dấn thân vào cuộc sống theo chân Đức Giê-su là lúc chúng ta được mời gọi đi con đường hẹp, con đường chết đi cho ‘cái tôi’, chết đi cho ý riêng, chết đi cho tính ích kỷ, rồi ra đi để quan tâm và lo lắng cho người khác. Nói chung, chúng ta được gọi ra từ ngôi mộ để bước ra cuộc sống tự do của những người làm con Thiên Chúa.

Vấn đề chính yếu, đối với chúng ta là những người theo chân Chúa, trước hết không phải là việc chúng ta sẽ ra khỏi mồ một ngày kia, mà ngay từ bây giờ, chúng ta đuợc mời gọi đi từ sự chết sang sự sống bằng một đức tin gắn bó vào bản thân Đức Giêsu.

Tin vào sự sống lại không chỉ là việc nhìn nhận những gì sẽ xẩy đến cho cá nhân mình sau khi chết. Nhưng đó là điều cần được thể hiện ngay trong cuộc sống này. Niềm tin vào sự sống lại đòi buộc chúng ta phải chọn lựa một cách sống phù hợp với niềm tin đó ngay trong lúc này. Không cần phải chờ đến sau khi chết. Có nghĩa là, tôi phải tìm chỗ tựa bảo đảm đưa tôi đến cuộc sống vĩnh cửu. Hôm nay điểm tựa ấy được giới thiệu: Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Nhờ tin vào Người, tôi nhận thấy cái chết không còn là một sức mạnh làm tôi phải thất vọng nữa. Tuy đó là định mệnh bi đát mà con người phải gánh chịu. Nhưng chết lúc đó chỉ có tính cách tạm thời và đó là cửa ngõ đưa tôi vào cuộc sống vĩnh cửu.

Trên thực tế, chúng ta vẫn nhìn thấy và nhận ra bao dấu chỉ cho thấy sự chết đang tìm cách lan tràn, nhưng sự sống vẫn mạnh mẽ vươn lên. Ở đâu tội lỗi tràn đầy thì ân sủng gia tăng gấp bội.

Dựa vào mình, sống theo tính ích kỷ và kiêu ngạo, con người sẽ rơi vào thất vọng khi đối diện với những giới hạn của thân phận thọ tạo. Đức Giêsu mời gọi chúng ta vượt qua những giới hạn này. Nhờ sức mạnh của Thánh Linh, chúng ta can đảm buớc ra khỏi ngôi mộ đã chôn mình, cởi bỏ những thứ ràng buộc đã trói buộc mình, trỗi dậy, bước ra và đi lo cho người khác. Chúng ta còn biết rằng lối sống quảng đại và lo cho nhau là cách thức chúng ta làm chứng cho nhận lọai biết chúng ta thuộc về Chúa, chứ không thuộc về ai khác. Mà đã thuộc về Chúa thì làm gì còn chết; dù sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa. Thuộc về Chúa là lối sống hy sinh, cho đi trong yêu thuơng. Đó là con đường dẫn chúng ta đến sự sống muôn đời. Uớc mong mỗi người chúng ta biết áp dụng cách thức đó vào trong cuộc sống để cùng bước đi với Chúa vào Giê-ru-sa-lem, hoàn tất ý định của Cha mà cứu độ chúng ta. Amen!

No comments:

Post a Comment