Thursday, 27 August 2020

HY SINH DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC

 


Kính thưa anh chị em,

Tôi có người bạn rất thân. Chúng tôi thường nói chuyện, tâm sự, chia sẻ cho nhau về nhiều lãnh vực trong cuộc sống, đời cũng như đạo. Qua những buổi nói chuyện với anh, tôi rút ra được nhiều bài học thật ích lợi cho cuộc sống mình hơn. Anh còn mở mắt cho tôi nhận ra những điều mà bản thân tôi chưa nhận ra. Quả thật, anh xứng đáng là một vị thầy, người hướng dẫn hơn là một người bạn.

Tôi còn nhớ, sau mỗi buổi nói chuyện, anh thường đùa và hỏi tôi rằng: “Cậu có biết tại sao tôi lại có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống một cách khôn ngoan như thế không?” Ngạc nhiên trước câu hỏi của anh, tò mò tôi muốn biết thì lần nào cũng vậy, anh đều có câu trả lời giống nhau, đúng hơn là một cụm từ ngắn gọn, đó là “đau khổ”. Anh giải thích rằng hầu hết mọi sự anh học được trong cuộc sống đều học được qua đau khổ. Tôi ngạc nhiên khi nghe anh trả lời như thế, nhưng sau nhiều lần nghe một câu trả lời giống nhau, tôi mới nghiệm ra rằng anh nói thật. Đó là sứ điệp mà Đức Giê-su muốn gửi đến cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong bài Tin Mừng tuần trước, chúng ta đã được nghe tuyên tín của Phê-rô. Đức Giê-su khen ông là người có phúc vì đã đón nhận mạc khải từ Thiên Chúa để nhận biết căn tính của Đức Giê-su. Theo sau, đó là việc Đức Giêsu bổ nhiệm và trao năng quyền cho Phêrô. Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi được Chúa cho biết là Người phải đi lên Giêrusalem để chịu đau khổ và bị giết thì Phêrô lại ngăn cản. Lòng của Phêrô thật tốt, ông lo lắng và không muốn Thầy bị đau khổ. Ông nghĩ rằng Thầy là Chúa, và ông vừa được Thầy tấn phong để làm ‘đá tảng’ thay mặt Thầy; thế mà Thầy mình bị đau khổ, rồi bị giết chết thì ông và nhóm mười hai biết nương tựa vào ai đây! Nghe đến đâu lòng ông xốn xang đến đó. Vì thế, ông đã lên tiếng ngăn cản ý định của Thầy. Nhưng ông đâu biết rằng ý tưởng và suy nghĩ của ông hòan tòan sai với ý định của Thiên Chúa, cho nên đã bị Chúa khiển trách “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Nói khác đi, Phê-rô đang cố gắng bảo vệ luận án của ông. Ông muốn Đức Giê-su trở thành một phần trong lối suy nghĩ của ông hơn là ông là một phần trong dự án của Người. Thật ra, Phê-rô cũng không đáng trách cứ. Ông mới được Đức Giê-su cho phép đi trên biển, mới chứng kiến việc Đức Giê-su làm cho bánh hóa nhiều để nuôi dân, mới hơn nữa là việc ông chứng kiến việc Đức Giê-su chữa cho cô con gái của người đàn bà Ca-na-an khỏi bị quỷ ám. Đức Giê-su mà ông biết là một con người đầy quyền năng như thế thì làm sao ông có thể chấp nhận cảnh Đức Giê-su chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các kinh sư và các thương tế gây ra; rồi lại còn bị giết chết nữa. Điều này không thể nào xẩy ra với Người được.  

Điều này có thể xẩy đến cho chúng ta. Chúng ta tin và theo Chúa theo nhu cầu và lợi ích riêng của chính mình. Đã có đôi lúc chúng ta muốn Đức Giê-su hỗ trợ cho các việc làm, các dự án của chúng ta hơn là hy sinh để tuân theo ý Người. Phê-rô trả lời đúng khi tuyên xưng Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; nhưng ông ta lại hiểu sai về sứ mạng của Đấng Mê-si-a. Chúng ta không chỉ một lần mà nhiều lần đã có những sai lầm như thế!

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta không thể nào hiểu được điều mình tuyên xưng “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên  Chúa hằng sống, cho đến khi chúng ta từ bỏ chính mình, đồng lòng vác Thập Giá và đi theo Người. Thập giá có thể không nằm trong dự án hay trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của mình. Thập giá như lời mời gọi chúng ta thay đổi hướng đi sao cho phù hợp với ý định của Thiên Chúa hơn. Chúa không ban cho chúng ta cây Thập Giá để chúng ta phải gánh chịu. Những gánh nặng, khó khăn, mất mát, khổ đau, thất vọng mà chúng ta gặp hằng ngày có thể là các hoàn cảnh của cuộc sống. Những người không hề biết thập giá là gì cũng đang phải đối diện với các hoàn cảnh nói trên. Tuy nhiên, đối với các tín hữu thì thập giá không bao giờ là những lời an ủi hay động viên chúng ta tiếp tục sống đau khổ. Thật ra, qua thập giá cuộc sống của chúng ta được biến đổi và thăng hoa hơn.

Từ chối con đường Thập Giá mà Đức Giê-su loan báo hôm nay giống như lời thỉnh cầu xin Chúa hãy để con yên, đừng động đến con, đừng yêu cầu con thay đổi. Các điều này có ý nghĩa là chúng ta vui vẻ chấp nhận cuộc sống hiện tại, cho dù bị tục hóa. Nhưng Chúa muốn chúng ta nhiều hơn thế. Con đường tìm kiếm hạnh phúc cho dù gian nan đến đâu mà không có Chúa đồng hành thì có ích gì!

Từ bỏ không phải là bỏ mặc và coi thường mạng sống mình, hay là việc áp dụng lối sống khổ chế, ghét mình, coi thường thân xác mình như một số người có quan niệm đó là nguồn gốc của sự tội… nên cần phải đánh như kiểu đánh tội ở thủa xưa… Từ bỏ là hy sinh và hy sinh không phải là việc dễ làm. Hy sinh đòi buộc chúng ta phải từ bỏ, mất mát. Và một khi mất đi những gì thuộc về mình lại là lúc chúng ta tìm lại được nó trong nguồn hạnh phúc của sự cho đi. Điều duy nhất làm cho hy sinh có giá trị vững bền và giúp mình sống thoải mái khi cho đi, đó chính là tình yêu.  Thật ra, từ bỏ chính mình vì yêu. Yêu Chúa không chỉ bằng lời nói hay hành động nhất thời; nó đòi hỏi chúng ta phải trung thành theo Chúa đến tận cùng của con đuờng Thập giá. Như vậy, khi chúng ta từ bỏ chính mình, vác thập giá và theo chân Chúa là lúc chúng ta sẵn sàng trao quyền làm chủ, quyền lãnh đạo, trao tay lái cuộc đời của chúng ta cho Chúa.

Sau cùng, qua bài học của Chúa dành cho Phêrô hôm nay, chúng ta, khi tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa là lúc chúng ta đặt cuộc sống mình dưới quyền chỉ huy, quyền lãnh đạo vào bàn tay của vị Chúa đó. Có nghĩa là lúc đó chúng ta không còn sống cho mình nữa, chấp nhận lối sống từ bỏ. Bỏ mình, vui lòng đón nhận đau khổ, vác Thập giá để theo Thầy… Tất cả những điều đó không còn là các điều kiện mà Chúa đòi hỏi các môn đệ; nhưng thật ra chính các yếu tố đó cấu tạo nên cuộc sống của môn đệ. Và một khi chúng ta không thực hành việc bỏ mình, tránh né đau khổ và không sẵn sàng vác Thập giá thì chúng ta không còn là môn đệ chân chính của Chúa nữa. Vì thế, hãy luôn nhớ con đường mà Chúa dọn cho chúng ta hôm nay. Hiệp nhất và nên một với Đấng mà chúng ta tuyên xưng để từ bỏ và vác thập giá theo chân Người luôn mãi. Cầu cho mọi người tìm được nguồn vui và hạnh phúc trên con đường từ bỏ, hy sinh và trao ban cho nhau như Chúa đã dâng hiến chính mình cho nhân loại. Amen!

Tuesday, 18 August 2020

CÒN BẠN, BẠN NÓI ĐỨC GIÊ-SU LÀ AI?

 


Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ hai lần. Lần thứ nhất mang tính thăm dò dư luận, Đức Giê-su hỏi các ông đã nghe người ta nói Con Người là ai? Con Người ở đây ám chỉ đến tước hiệu và sứ mạng của Đấng Mesia, Đấng được Thiên Chúa sai đến. Sau đó, Đức Giê-su trực tiếp hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Nhận định của dư luận hay dân chúng về Đức Giê-su khác nhau. Người thì bảo Đức Giê-su là Gio-an Tẩy Giả, kẻ khác lại nói Người là ông Ê-li-a hay Giê-rê-mi-a hay một vị ngôn sứ nào đó. Ngày hôm nay chúng ta cũng có thể tìm thấy những câu trả lời về căn tính của Đức Giê-su như sau: Đức Giê-su là Thiên Chúa, Người là Chúa, Người là Con Thiên Chúa, Người là lẽ sống cuộc đời tôi, Người là Thầy, là Đường dẫn tôi đến sự sống, v.v…

Câu trả lời nào cũng đúng. Vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, chúng ta vô cùng cảm kích khi tìm được câu trả lời của câu hỏi “Đức Giê-su là ai?” qua Giáo Hội, qua sự giảng dậy của các linh mục, thầy cô, bạn hữu, từ nhóm cầu nguyện hay từ trong các sinh hoạt mục vụ mà chúng ta tham gia, v.v… Nhưng, có bao giờ chúng ta dám đặt vấn đề rằng những câu trả lời mà chúng ta tìm được có đem lại ích lợi gì cho cuộc sống của chúng ta chưa? Dường như, Đức Giê-su không muốn nghe chúng ta thuyết trình hay bảo vệ một tiểu luận thần học về câu hỏi Đức Giê-su là ai, cho bằng hãy làm chứng cho người khác biết rằng Chúa là ai trong cuộc sống, phụng vụ cũng như ngày thường, của mình.

Đây không phải là câu hỏi dễ dàng. Không ai có thể trả lời câu hỏi “Đức Giê-su là ai?” thay cho người khác. Mỗi người phải có câu trả lời cho riêng mình. Cuộc sống của chúng ta là bối cảnh cho câu trả lời mà Đức Giê-su nêu ra hôm nay. Sau đây là vài gợi ý:

Chúng ta nói Đức Giê-su là ai sau cái chết của George Floyd và nạn kỳ thị chủng tộc càng ngày càng gia tăng trên thế giới. Người binh vực sắc dân nào: da trắng hay da mầu?

Chúng ta bảo Đức Giê-su là ai khi chứng kiến cảnh thảm sát tại Beirut, bên Li băng vừa qua?

Chúng ta nói Đức Giê-su là ai khi cả thế giới đang bị đe dọa bởi nạn đại dịch do Covid-19 gây ra? Đức Giê-su là ai và ở đâu mà lại để cho đại dịch cướp đi sinh mạng bao kẻ vô tội như thế!

Chúng ta nói Đức Giê-su là ai và đang ở đâu khi những người tỵ nạn vẫn bị từ chối, khi tiếng kêu của những nạn nhân bị đàn áp vì bạo lực trong gia đình và xã hội vẫn chưa được ai quan tâm và binh vực.

Chúng ta nói Đức Giê-su là ai khi người thân của chúng ta qua đời, còn chúng ta phải từ biệt qua tấm kiếng cách ly? Người là ai khi cuộc sống của chúng ta đang đối diện với bão tố, bị màn đêm bao phủ, không tìm được lối thoát!

Chúng ta có thể có muôn vàn câu trả lời dựa trên sách vở và kiến thức về Đức Giêsu, nhưng tất cả những câu trả lời đó sẽ đem lại gì cho chúng ta? Hãy nhìn lại cuộc sống của mình.

Kính thưa anh chị em,

Đức Giêsu là ai? Tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này không phải là việc dễ dàng. Hiểu theo một nghĩa nào đó, chúng ta không thể nào có được câu trả lời rõ ràng một lần và mãi mãi. Chúng ta luôn bị chất vấn bởi câu hỏi “Đức Giê-su là ai?”Có thể, trong suốt cuộc sống, chúng ta cũng chỉ thấy mờ mờ mà thôi. Chúng ta không tìm ra câu trả lời bằng lý trí, nhưng bằng trái tim.

Con người không tìm kiếm để biết về Chúa, nhưng để biết Chúa, biết một cách thâm sâu và trọn vẹn. Điều biết này dắt đưa chúng ta đi vào mối quan hệ mật thiết với Chúa hơn. Và chính trong mối quan hệ sâu xa với Chúa mà chúng ta nhìn ra mình rõ hơn. Và một khi nhận ra căn tính đích thực của mình, là lúc chúng ta càng biết Đức Giê-su trọn vẹn hơn. Con tim của ta đã bị Đức Giê-su chiếm đoạt thế nào thì cuộc sống sẽ làm nhân chứng cho Đức Ki-tô như thế.

Để minh họa cho suy niệm nói trên, chúng ta cùng theo dõi câu chuyện sau.

Trong một lớp giáo lý, dựa vào bài Tin Mừng hôm nay, ma-sơ mới hỏi các em: Còn các con nói Đức Giêsu là ai? Cả lớp nhao nhao, có cháu nói Nguời là Thiên Chúa, cháu khác lại nói là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa… v.v. Gom chung lại thì các cháu nói đúng như văn bản mà chúng ta tuyên xưng với nhau trong các Thánh Lễ Chúa Nhật.

Trong lúc đó, Ma-sơ để ý thấy một bé trai ngồi ở góc lớp, im lặng, mắt nhìn ra cửa sổ, đăm đăm như có chuyện gì khó giải quyết. Sơ đến gần, chăm chú nhìn cháu rồi một lần nữa nhắc lại câu hỏi. Cháu thẫn thờ trả lời: Thưa sơ, con không biết! Con chỉ biết là hiện nay em con đang bị ốm, trong nhà không có tiền để mua thuốc. Ba con là lính xa nhà, hiện đang đóng quân ở một vùng rất xa. Mẹ thì chạy ngược chạy xuôi ngòai chợ… Nếu Đức Giêsu là Chúa thì sao Người không săn sóc cho em con.

Ma-sơ và cả lớp ngạc nhiên truớc câu trả lời của bạn mình. Chẳng ai biết làm gì! Sau cùng, bà sơ nhà ta lấy ra một túi nhỏ, tự mình bỏ vào đó vài đồng cắc và chuyền túi đó cho cả lớp… rồi trao cho em để mua thuốc cho em mình.

Qua việc làm như thế, chúng ta sẽ trả lời vấn nạn Đức Giêsu là ai? Câu trả lời không bằng lý trí hay văn tự nhưng bằng cuộc sống. Nhưng trên thực tế lại không được như thế. Đã nhiều lần chúng ta khám phá ra sự khác biệt giữa Đức Giê-su mà chúng ta tôn thờ trong các nghi thức phụng vụ khác xa với Đức Giê-su trong cuộc sống thường nhật. Đức Giê-su không thay đổi. Nhưng sự thay đổi phát sinh từ chúng ta, không có sự hiệp nhất và tương đồng giữa điều chúng ta tuyên xưng và cuộc sống. Khi viết ra các điều này, tôi hoàn toàn tôn trọng sự chọn lựa câu trả lời và lối sống của anh chị em. Riêng bản thân, tôi phải nhìn nhận một điều, quả thật rất khó khăn để sống được điều mà chúng ta tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Kính thưa anh chị em,

Phê-rô khi xưa cũng thế. Với bản tính bộc trực, ông đã tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Nhưng lúc bấy giờ, Phêrô vẫn chưa hiểu hết về Thầy mình. Tuy nhiên, để có thể tuyên xưng như thế, Phê-rô cũng đã nhận được hồng ân như Chúa nói: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc…”

Quả thật, ngay lúc này, Phê-rô cũng không biết rõ căn tính và sứ mạng của Thầy mình phải chu toàn. Bởi vì, ngay sau đó, khi Đức Giêsu nói cho các ông biết con đuờng mà Con Thiên Chúa phải đi thì Phêrô lại ngăn cản Người. Lòng của Phêrô thật tốt, ông lo lắng và không muốn Thầy bị đau khổ. Nhưng ông đâu biết rằng ý tưởng và suy nghĩ của ông hòan tòan sai với ý định của Thiên Chúa. Rồi trên đường Thuơng Khó, Phêrô đã chối Thầy đến ba lần… Tuy nhiên, Phêrô cũng là người đã bộc lộ tình yêu và lòng mến dành cho Thầy…

Nói chung, Phêrô là một con người bộc trực, thẳng thắn, có sao nói vậy, không che đậy, không tính tóan hơn thiệt như các bạn của ông , đã có lần tìm cách trèo lên chỗ cao hơn… Ông tự nhận mình là người tội lỗi… Chính vì thế mà Chúa lại tín nhiệm ông hơn. Những giới hạn của Phêrô chính là điều khiến ông trở nên gần gũi hơn với Đức Giêsu. Chính vì nhận ra mình còn khiếm khuyết và tội lỗi, nên Phê-rô đã nhận ra một điều là muốn đứng vững và hoàn tất nhiệm vụ thì ông phải lệ thuộc và gắn bó vào Thầy mình, Chúa Giêsu Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Phê-rô không tự mình là đá tảng. Chính Chúa làm ông trở thành đá tảng; và Người sẽ xây cất công trình như Lời Người phán “anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”

Tóm lại, Kê-pha, tảng đá ấy sẽ trở nên vô hiệu nếu không lệ thuộc và gắn bó mật thiết với Chúa.

Vì thế, việc chọn Phêrô làm đá tảng là việc của Chúa. Còn ông, ông biết rõ nhiệm vụ của mình, và nhiệm vụ đó chỉ tác dụng khi lệ thuộc vào Chúa. Còn chúng ta, chúng ta cũng đuợc mời gọi để biết Đức Giê-su là ai. Chính Người là viên đá góc tường để chúng ta dựa, từ viên đá góc này Người mời gọi chúng ta trở thành đá tảng cho nhau, cho con cái, cho người thân và cho tất cả những ai muốn tìm chỗ dựa. Do đó, như Phêrô, chúng ta cũng nên biết rằng tảng đá không do mình đặt, nhưng người đặt là Chúa. Nên việc lệ thuộc vào Chúa là việc quan trọng hàng đầu mà chúng ta cần làm. Có như thế, mình mới trở thành chỗ dựa vững chãi cho người khác, bằng không sẽ sụp đổ tan tành. Cầu xin cho chúng ta nhận được phúc lành đó. Amen!

Thursday, 13 August 2020

CUỘC GẶP GỠ KỲ DIỆU!


Bài Tin Mừng hôm nay kể lại trên đường đến Tia và Xi-đon, Đức Giê-su đã gặp người phụ nữ Ca-na-an, từ trong vùng đất dành cho dân ngoại đi ra. Bà nài xin Chúa chữa cho con gái bà khỏi bị quỷ ám. Cuối câu chuyện, chúng ta biết là cô con gái bà đã được khỏi bịnh, nhưng giữa lời cầu xin của bà và việc chữa lành của Đức Giê-su là những lời đối thoại thật khó nghe từ Chúa.

Dựa vào kinh nghiệm trong cuộc sống, có nhiều yếu tố tạo ra sự khoảng cách giữa người với người, như sự khác biệt về mầu da, chủng tộc, tín ngưỡng, v.v… Tuy nhiên, một khi chúng ta không để cho các yếu tố này chi phối mà đến với nhau bằng ‘chất người’, tôn trọng sự khác biệt của nhau, cố gắng khám phá những điều tích cực của nhau, đến với nhau bằng sự chân thành thì cơ hội gặp gỡ nhau rất cao.

Quả thật các điều này đã được thể hiện thật đậm nét qua những lời đối thoại giữa người phụ nữ Ca-na-an và Đức Chúa. Bà đã cho Đức Giê-su nhận ra sự cao quí trong thân phận con người, bà và con gái của bà xứng đáng hơn những mảnh vụn từ trên bàn rơi xuống. Lòng kiên trì và tình thương của bà dành cho cô con gái đã thay đổi ý định của Đức Giê-su. Lời van xin rất cương quyết của bà khiến cho Đức Giê-su nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn. Thiên Chúa là Cha chung. Mọi người, không phân biệt chủng tộc, mầu da, tín ngưỡng … đều xứng đáng và trân quí trước mặt Thiên Chúa. Nhiệm vụ của Đức Giê-su, theo ý định của Thiên Chúa, Cha Người, là cứu độ muôn dân, chứ không chỉ dành riêng cho dân Ít-ra-en mà thôi.

Quả thật, bài Tin mừng này không chỉ nhấn mạnh đến việc chữa lành của Đức Giêsu; và cũng không chỉ đề cao niềm tin của người phụ nữ Ca-na-an, mà còn làm nổi bật sứ mạng cứu độ muôn dân của Chúa. Hẳn anh chị em còn nhớ, truớc khi về Trời, Đức Giêsu đã nói rõ ý định của Người qua việc truyền lệnh cho các Tông đồ làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,…Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28:19-20) Do đó, trình thuật này có thể đóng vai trò tiên báo cho chúng ta biết ý định ban phát ơn cứu độ cho muôn dân của Thiên Chúa.

Thưa anh chị em,

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Ca-na-an trong bài Tin mừng hôm nay quả thật kỳ diệu. Cả hai nhân vật trong trình thuật đều ‘khát khao’ tìm cách lấp đầy uớc muốn của nhau. Trong khi đó các môn đệ lại không nhận ra nhu cầu của Thầy mình, cũng như không nhìn ra nỗi đau khổ của người phụ nữ Ca-na-an khi yêu cầu Chúa nói bà ấy đi về. Để thấy rõ sứ điệp của bài Tin Mừng, chúng ta hãy tìm hiểu về:

Người phụ nữ Ca-na-an. Bà đã làm một hành động mà ít ai dám làm. Vì là dân ngọai và có thể được coi như kẻ thù của dân Ít-ra-en, và cho dù bà không bị lệ thuộc bởi các tập tục và luật lệ của tiền nhân. Nhưng chắc bà đã đuợc nghe hay đã biết về thân phận của Đấng mà bà sẽ cầu xin. Vì thế bà đã dám công khai đến gặp Đức Giêsu. Cho dù biết bao nhiêu người dị nghị về việc bà dám lên tiếng công khai với một nam nhân giữa chốn đông người. Việc làm của bà không phải là hành vi hay cử chỉ của một phụ nữ đoan chính thời đó. Bà sẵn sàng đón nhận những lời chỉ trích và khinh khi từ kẻ khác, thậm chị các lời phê bình này có thể xuất phát từ môi miệng của những người trong nhóm của bà. Bà không còn thời gian để nghĩ đến những điều mà chúng ta vừa nói ở trên. Ngay lúc gặp Đức Giê-su, bà chỉ nghĩ được một điều duy nhất là tìm đến người sẽ chữa cho con bà khỏi bịnh. Chỉ có Tình yêu mới là động lực thúc đẩy bà vuợt qua mọi trở ngại.

Hòan cảnh của bà thật nghèo nàn. Bà cần giúp đỡ. Điều bà cầu xin nói lên tâm tư của một người mẹ, sẵn sàng làm tất cả mọi sự cho con mình. Cô con gái đó là nguồn vui, lẽ sống và là mọi sự của bà. Thế mà giờ đây, cô bị bịnh nan y, như bị quỉ ám. Bà cần làm tất cả cho con bà. Tình yêu, lòng thuơng xót của bà dành cho cô ta thúc đẩy bà vuợt qua mọi ranh giới.

Bà biết mình đâu được hưởng những đặc ân dành cho dân Is-ra-el. Tuy nhiên, trong lòng một cơn khát vô bờ bến. Tuy phận là phận của người ngọai giáo, nhưng bà lại xưng hô với Đức Giêsu theo cách của người Do Thái thưa chuyện với Đức Mêsia, kêu cu rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít”. Dù thế, lời cầu xin của bà vẫn không được Chúa đáp nhận; cho đến khi bà đã tôn thờ Đức Giêsu như người ta bái lạy Thiên Chúa. Niềm xác tín của bà thật vĩ đại, dù là chó con, bà cũng được ăn những mảnh vụn từ trên bàn của chủ rơi xuống.

Còn Đức Giêsu thì sao? Người đến để thi hành ý định của Thiên Chúa. Tuy nhiên, với thân phận của một con người, Người cũng bị giới hạn về phong tục, địa dư, bối cảnh mà Người đã đuợc sai đến. Người có đuợc sai đến vẫn là cho dân Is-ra-el truớc hết.

Cho dù là như thế, chúng ta cũng không hài lòng về thái độ của Đức Giêsu. Người thinh lặng và xem ra coi thuờng lời van xin của người phụ nữ Ca-na-an. Thật ra, không hẳn là như thế. Bởi vì, khi mô tả và trình bầy Đức Giêsu như thế, Thánh sử muốn đưa chúng ta đi từ ngạc nhiên, có thể gọi là bất đồng về thái độ của Chúa… Nhưng, khi gặp đuợc lòng kiên định và xác tín của bà; Chúa lại có cơ hội phá tung và quét sạch mọi cấm kỵ, mọi qui uớc, mọi lề luật do ‘tính bè phái’ của con người (nhỏ nhen, ích kỷ) tạo ra.

Quả thật cũng không sai khi chúng ta cho rằng nhờ vào sự kiên trì pha chút bướng bỉnh người phụ nữ Ca-na-an này mà Đức Giêsu đã có cơ hội bộc lộ chân tuớng đích thật của Đấng Thiên Sai; Đấng đuợc sai đến không chỉ dành cho người Do Thái mà thôi. Người đến để đem nguồn vui và ơn cứu độ cho muôn dân.

Sau cùng, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, còn một nhóm người nữa. Họ là các môn đệ tượng trưng cho mỗi người chúng ta. Chỉ vì quyền lợi riêng, chỉ muốn đuợc bình an, cho dù là giả tạo, nên đã xin Chúa bảo bà ấy đi để khỏi bị quấy rầy. Chúng ta đã gặp lời yêu cầu này trong trong phép lạ bánh hóa nhiều, khi các môn đệ không nhìn thấu nhu cầu của dân chúng mà chỉ biết đến quyền lợi của phe nhóm mình, muốn giữ lấy Đức Giê-su cho các mục tiêu mà họ đang đeo đuổi. 

Thưa anh chị em,

Khi nghe câu chuyện này, chúng ta dễ nhận ra thân phận mình trong thân phận của người phụ nữ Ca-na-an. Cũng như bà, chúng ta chạy đến với Chúa để xin ơn, cho dù là ơn cứu độ. Nhưng, chúng ta đã kiên tâm như bà hôm nay chưa? Và thay vì xin cho nhu cầu của riêng mình; chúng ta có quảng đại trong lời cầu, xin cho những người đuợc Chúa gửi đến trong vòng tay yêu thuơng của chúng ta hay chưa? Không ai có thể trả lời các câu hỏi nêu trên thay cho chúng ta!

Muốn đạt đuợc nguyện uớc này, chúng ta cần có một trái tim quảng đại và nhậy cảm trước các nhu cầu thể chất và tinh thần của tha nhân mà chúng ta thuờng gặp. Họ không chỉ là những người đồng đạo, cùng chia sẻ một tín ngưỡng, cùng chung một quan điểm với chúng ta. Thật ra, còn có nhiều người mà chúng ta liệt họ vào ‘phe khác’; nhưng họ lại có lối sống và niềm tin mãnh liệt hơn chúng ta. Họ xứng đáng đón nhận phần ăn từ trên bàn của chủ, như chúng ta.  Nhưng, đã nhiều lần, chỉ vì óc bè phái, tinh thần thủ cựu, khư khư ôm giữ truyền thống và tục lệ mà chúng ta đã ngăn cản họ đồng bàn và cùng chia sẻ hồng ân với mình. Chúng ta còn tự nhốt mình vào pháo đài của giai cấp rồi tự cao tự đại, kiêu căng cho rằng chỉ có mình mới là kẻ xứng đáng rồi khinh chê người khác. Thật ra, không ai trong chúng ta lại không có một chút ‘huyết thống’ với những người mà chúng ta gọi là dân ngọai. Thế mà lại lên mặt vênh váo ra vẻ ta đây, giở giọng đạo đức giả, tôn kính Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng thì lại xa Chúa. (Mt 15:7-9)

Hãy nhớ rằng: tình yêu dành cho cô con gái, sự bình thản nhưng cương quyết pha một chút bướng bỉnh của người phụ nữ Ca-na-an hôm nay đã tạo nên một cơ hội mà Đức Giêsu đã dùng để bộc lộ Tình Thương phổ quát của Thiên Chúa. Cũng thế, những ‘lũ chó con’ mà chúng ta gặp trong cuộc sống không là những trở ngại, mà còn là cơ hội để chúng ta nhận ra sự phong phú của Thiên Chúa, Đấng không chỉ họat động nơi các kẻ tin mà còn âm thầm tác động nơi ‘lũ chó con’ để tất cả muôn dân đều đuợc cứu độ. Amen!

 

Thursday, 6 August 2020

ĐỪNG SỢ, HÃY TIN VÀO THẦY

Truớc khi suy ngẫm về trình thuật Tin Mừng hôm nay, tôi mời gọi anh chị em cùng ôn lại hành trình vượt biển năm nào. Đối với tôi, biến cố ra đi tìm sự sống qua cõi chết vẫn là một sự cố kinh hòang mà tôi không thế nào quên được. Trong chuyến vượt biên vào năm 1982, thuyền của chúng tôi đã bị mắc kẹt trong cơn bão (thật ra là gần cuối cơn bão). Chúng tôi đã trải qua những giây phút thật hỏang sợ. Hầu như tất cả đều bất lực trước sự tàn phá của thiên nhiên.
 
Có khoảng chừng tám mươi người trên tầu. Ngọai trừ gia đình chủ tầu, tài công là những người quen biết nhau từ trước; còn chúng tôi hòan tòan xa lạ đối với nhau. Một số gốc Công giáo; những người khác theo Phật giáo và còn một số là tín đồ của các giáo phái như Cao Đài… Nói chung, trong giây phút nguy hiểm đó, tất cả chúng tôi không cần biết mình thuộc tôn giáo nào nữa. Tất cả đều qui huớng về Đấng Chí Tôn, Đấng Tạo Hóa để cầu xin. Chỗ này lần hạt cầu nguyện, chỗ kia niệm kinh Nam Mô. Chúng tôi cùng chia sẻ một niềm tin vào Đấng Tạo Dựng và điều khiển vũ trụ. Chúng tôi tin rằng chỉ có sức mạnh tối cao từ Đấng Tạo Hóa, Đấng có thể cứu chúng tôi khỏi cơn gian nan đầy nguy hiểm này.
 
Thời gian cứ thế trôi qua. Sóng biển vẫn tiếp tục gầm thét như muốn ăn tươi nuốt sống chúng tôi vào lòng biển. Tất cả đều quá mệt mỏi và đuối sức đến độ ngay cả lời cầu nguyện cũng im dần. Tất cả đều chờ đợi sự chộp bắt của Thần Chết.
 
Thật may mắn, sau đó cơn bão đã suy yếu dần. Thuyền của chúng tôi tiếp tục lênh đênh trên biển cả. Năm ngày sau, chúng tôi được sự hướng dẫn của các nhân viên trên dàn khoan dầu, con thuyền từ từ đến đảo Ku-ku, một trong những hòn đảo rất quen thuộc đối với các thuyền nhân tạm cư tại các trại tỵ nạn bên In-đô.
 
Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng không có ai trong chúng ta còn đủ can đảm để đi trên biển trong hoàn cảnh như thế! Và, cho đến hôm nay, mỗi lần đi dạo trên bờ biển, nhất là vào buổi tối, đứng nhìn sự bao la và cũng rất đáng sợ của biển cả, cảm giác sợ hãi vẫn ám ảnh. Tôi nhận ra cuộc vượt biên ra đi tìm sự sống trong cái chết của chúng ta quả thật đáng sợ; và việc đến được bến bờ tự do quả thật diệu kỳ, chỉ còn biết coi đó là hồng ân mà thôi.
 
Thưa anh chị em,
 
Như anh chị em đã biết, đối với những người sống cùng thời với Chúa Giêsu. Họ tin rằng, sự kết hợp của biển cả và bão tố là biểu tượng của sự tàn phá và hỗn loạn; nó đe doạ sự tồn tại của con người. Và, tại một số nền văn hoá cổ đại, người ta vẫn tin rằng bão tố là biểu tượng của thần dữ, tàn phá và tạo nguy hiểm cho chúng sinh.
Trong khi đó, Tin Mừng hôm nay đã trình bầy Đức Giêsu đi trên biển và làm cho sóng gió yên lặng. Thánh sử không nhắm đến việc Đức Giêsu làm phép lạ cho bằng nhấn mạnh đến quyền năng tái tạo của Người. Chúa có quyền trên sóng gió biển cả, có quyền trên các thế lực có thể hủy họai thế giới. Người đem đến sự bình an bằng cách khơi khơi đi trên mặt biển.
 
Không chỉ như thế, Người còn cho phép Phêrô và mỗi nguời chúng ta có thể làm được như thế. Phêrô nhẹ nhàng đi trên mặt biển khi nhìn và tin vào Chúa. Đến lúc ông chú tâm vào giông tố, sóng gió, không tập trung vào sự hiện diện của Chúa thì ông bắt đầu bị chìm. Phêrô đã quên điều Chúa nói “hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Đó chính là sứ điệp mà Chúa muốn gửi đến cho chúng ta.
 
Thực tế, sợ hãi, lo sợ gắn liền với cuộc sống của con người; nó cứ quấn lấy mình. Đã làm người thì không ai trong chúng ta có thể thoát được một vài lần kinh sợ. Nó làm cho chúng ta mất bình an, sống lo âu. Vì biết tầm nguy hiểm và những tác hại của nỗi sợ hãi nên Chúa nói “hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”
 
Thế mà, chúng ta vẫn sợ, sợ mọi thứ và cũng có lúc không biết mình sợ gì nữa. Dường như sự lo âu và sợ hãi gắn liền với cuộc sống của con người. Trong lúc âu lo và sợ hãi đó, chúng ta không còn nhìn thấy được gì. Cuộc sống dường như được bao phủ bởi màn đêm, chỉ còn nhìn thấy chung quanh đâu cũng là nguy hiểm, cho dù xoay xở thế nào cũng không đi ra khỏi vùng xoáy đó. Bước ra khỏi tầu sẽ bị chết đuối. Ở lại trong tầu thì bị sóng dập.
 
Thưa anh chị em,
 
Vấn đề không dừng lại ở cách chọn lựa của chúng ta để đối diện với những khó khăn nhất thời. Việc quan trọng mà Đức Giê-su muốn đặt ra cho chúng ta hôm nay là mời Người lên thuyền và trao tay lái để Người điều khiển. Giống như kết quả đã được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay là khi Đức Giê-su lên thuyền thì sóng gió ngừng, biển lại an bình và nguy cơ để tầu bị đắm không còn nữa.
 
Đây là một trong các chủ đề chính mà cộng đoàn của Thánh Mát-thêu sẵn sàng tuyên xưng. Khi ngự đến trong cung lòng của Mẹ mình, Đức Giê-su đã được gọi là ‘Emanuel’ có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và trước khi về cùng Cha, Đức Giê-su đã hứa sẽ cùng với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Nói như thế, thì chúng ta cảm thấy vô cùng may mắn, vì dù trong hoàn cảnh nào, cho dù cuộc sống có khó khăn và gian nan đến đâu thì Chúa vẫn không bỏ rơi chúng ta. Người vẫn hiện diện và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
 
Như vậy, sứ điệp mà bài Tin Mừng hôm nay đến thật đúng lúc. Nó sẽ giúp chúng ta sống tin tưởng hơn để đối diện với các khó khăn do đại dịch gây ra. Thiên Chúa vẫn ở cùng chúng ta. Đấng đang hiện diện với chúng ta trong mọi cảnh huống. Hãy tin rằng chúng ta được Chúa yêu thuơng. Chúa yêu ta vô bờ bến. Tay Chúa vẫn dang rộng để chờ đợi và nắm bắt ta khi ta bắt đầu chìm. Đừng sợ, nhưng hãy tin.
 
Thật vậy, con người chỉ thắng được các nỗi sợ hãi nhờ tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã nhẹ nhàng đi trên mặt biển vì Tin vào quyền năng của Thiên Chúa lúc nào cũng họat động trong Người và với Người. Người đã không ngã gục vì sợ hãi mà đã đi tới cùng theo ý định của Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ được như thế. Hãy tin và mời Chúa lên con thuyền cuộc đời và trao tay lái cho Người vì Người sẽ điều khiển và lèo lái con thuyền của chúng ta đến bến bờ bình an. Amen!