Kính thưa anh
chị em,
Tôi có người bạn
rất thân. Chúng tôi thường nói chuyện, tâm sự, chia sẻ cho nhau về nhiều lãnh vực
trong cuộc sống, đời cũng như đạo. Qua những buổi nói chuyện với anh, tôi rút
ra được nhiều bài học thật ích lợi cho cuộc sống mình hơn. Anh còn mở mắt cho
tôi nhận ra những điều mà bản thân tôi chưa nhận ra. Quả thật, anh xứng đáng là
một vị thầy, người hướng dẫn hơn là một người bạn.
Tôi còn nhớ,
sau mỗi buổi nói chuyện, anh thường đùa và hỏi tôi rằng: “Cậu có biết tại sao
tôi lại có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống một cách khôn ngoan như thế
không?” Ngạc nhiên trước câu hỏi của anh, tò mò tôi muốn biết thì lần nào cũng
vậy, anh đều có câu trả lời giống nhau, đúng hơn là một cụm từ ngắn gọn, đó là
“đau khổ”. Anh giải thích rằng hầu hết mọi sự anh học được trong cuộc sống đều
học được qua đau khổ. Tôi ngạc nhiên khi nghe anh trả lời như thế, nhưng sau
nhiều lần nghe một câu trả lời giống nhau, tôi mới nghiệm ra rằng anh nói thật.
Đó là sứ điệp mà Đức Giê-su muốn gửi đến cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm
nay.
Trong bài Tin
Mừng tuần trước, chúng ta đã được nghe tuyên tín của Phê-rô. Đức Giê-su khen
ông là người có phúc vì đã đón nhận mạc khải từ Thiên Chúa để nhận biết căn tính
của Đức Giê-su. Theo sau, đó là việc Đức Giêsu bổ nhiệm và trao năng quyền cho
Phêrô. Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi được Chúa cho biết là Người
phải đi lên Giêrusalem để chịu đau khổ và bị giết thì Phêrô lại ngăn cản. Lòng
của Phêrô thật tốt, ông lo lắng và không muốn Thầy bị đau khổ. Ông nghĩ rằng Thầy
là Chúa, và ông vừa được Thầy tấn phong để làm ‘đá tảng’ thay mặt Thầy; thế mà
Thầy mình bị đau khổ, rồi bị giết chết thì ông và nhóm mười hai biết nương tựa
vào ai đây! Nghe đến đâu lòng ông xốn xang đến đó. Vì thế, ông đã lên tiếng
ngăn cản ý định của Thầy. Nhưng ông đâu biết rằng ý tưởng và suy nghĩ của ông
hòan tòan sai với ý định của Thiên Chúa, cho nên đã bị Chúa khiển trách
“Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải
là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Nói khác đi,
Phê-rô đang cố gắng bảo vệ luận án của ông. Ông muốn Đức Giê-su trở thành một
phần trong lối suy nghĩ của ông hơn là ông là một phần trong dự án của Người. Thật
ra, Phê-rô cũng không đáng trách cứ. Ông mới được Đức Giê-su cho phép đi trên
biển, mới chứng kiến việc Đức Giê-su làm cho bánh hóa nhiều để nuôi dân, mới
hơn nữa là việc ông chứng kiến việc Đức Giê-su chữa cho cô con gái của người
đàn bà Ca-na-an khỏi bị quỷ ám. Đức Giê-su mà ông biết là một con người đầy quyền
năng như thế thì làm sao ông có thể chấp nhận cảnh Đức Giê-su chịu nhiều đau khổ
do các kỳ mục, các kinh sư và các thương tế gây ra; rồi lại còn bị giết chết nữa.
Điều này không thể nào xẩy ra với Người được.
Điều này có thể
xẩy đến cho chúng ta. Chúng ta tin và theo Chúa theo nhu cầu và lợi ích riêng của
chính mình. Đã có đôi lúc chúng ta muốn Đức Giê-su hỗ trợ cho các việc làm, các
dự án của chúng ta hơn là hy sinh để tuân theo ý Người. Phê-rô trả lời đúng khi
tuyên xưng Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; nhưng ông ta lại hiểu sai về sứ
mạng của Đấng Mê-si-a. Chúng ta không chỉ một lần mà nhiều lần đã có những sai
lầm như thế!
Kính thưa anh
chị em,
Chúng ta không
thể nào hiểu được điều mình tuyên xưng “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, cho đến khi chúng ta từ bỏ
chính mình, đồng lòng vác Thập Giá và đi theo Người. Thập giá có thể không nằm
trong dự án hay trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của mình. Thập giá như lời mời
gọi chúng ta thay đổi hướng đi sao cho phù hợp với ý định của Thiên Chúa hơn.
Chúa không ban cho chúng ta cây Thập Giá để chúng ta phải gánh chịu. Những gánh
nặng, khó khăn, mất mát, khổ đau, thất vọng mà chúng ta gặp hằng ngày có thể là
các hoàn cảnh của cuộc sống. Những người không hề biết thập giá là gì cũng đang
phải đối diện với các hoàn cảnh nói trên. Tuy nhiên, đối với các tín hữu thì thập
giá không bao giờ là những lời an ủi hay động viên chúng ta tiếp tục sống đau
khổ. Thật ra, qua thập giá cuộc sống của chúng ta được biến đổi và thăng hoa
hơn.
Từ chối con đường
Thập Giá mà Đức Giê-su loan báo hôm nay giống như lời thỉnh cầu xin Chúa hãy để
con yên, đừng động đến con, đừng yêu cầu con thay đổi. Các điều này có ý nghĩa
là chúng ta vui vẻ chấp nhận cuộc sống hiện tại, cho dù bị tục hóa. Nhưng Chúa
muốn chúng ta nhiều hơn thế. Con đường tìm kiếm hạnh phúc cho dù gian nan đến đâu
mà không có Chúa đồng hành thì có ích gì!
Từ bỏ không phải là bỏ mặc và coi thường
mạng sống mình, hay là việc áp dụng lối sống khổ chế, ghét mình, coi thường
thân xác mình như một số người có quan niệm đó là nguồn gốc của sự tội… nên cần
phải đánh như kiểu đánh tội ở thủa xưa… Từ bỏ là hy sinh và hy sinh không phải
là việc dễ làm. Hy sinh đòi buộc chúng ta phải từ bỏ, mất mát. Và một khi mất
đi những gì thuộc về mình lại là lúc chúng ta tìm lại được nó trong nguồn hạnh
phúc của sự cho đi. Điều duy nhất làm cho hy sinh có giá trị vững bền và giúp
mình sống thoải mái khi cho đi, đó chính là tình yêu. Thật ra, từ bỏ chính mình vì yêu. Yêu Chúa
không chỉ bằng lời nói hay hành động nhất thời; nó đòi hỏi chúng ta phải trung
thành theo Chúa đến tận cùng của con đuờng Thập giá. Như vậy, khi chúng ta từ bỏ
chính mình, vác thập giá và theo chân Chúa là lúc chúng ta sẵn sàng trao quyền
làm chủ, quyền lãnh đạo, trao tay lái cuộc đời của chúng ta cho Chúa.
Sau cùng, qua bài học của Chúa dành
cho Phêrô hôm nay, chúng ta, khi tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Kitô, là Con
Thiên Chúa là lúc chúng ta đặt cuộc sống mình dưới quyền chỉ huy, quyền lãnh đạo
vào bàn tay của vị Chúa đó. Có nghĩa là lúc đó chúng ta không còn sống cho mình
nữa, chấp nhận lối sống từ bỏ. Bỏ mình, vui lòng đón nhận đau khổ, vác Thập giá
để theo Thầy… Tất cả những điều đó không còn là các điều kiện mà Chúa đòi hỏi
các môn đệ; nhưng thật ra chính các yếu tố đó cấu tạo nên cuộc sống của môn đệ.
Và một khi chúng ta không thực hành việc bỏ mình, tránh né đau khổ và không sẵn
sàng vác Thập giá thì chúng ta không còn là môn đệ chân chính của Chúa nữa. Vì
thế, hãy luôn nhớ con đường mà Chúa dọn cho chúng ta hôm nay. Hiệp nhất và nên
một với Đấng mà chúng ta tuyên xưng để từ bỏ và vác thập giá theo chân Người
luôn mãi. Cầu cho mọi người tìm được nguồn vui và hạnh phúc trên con đường từ bỏ,
hy sinh và trao ban cho nhau như Chúa đã dâng hiến chính mình cho nhân loại.
Amen!
No comments:
Post a Comment