Tuesday, 18 August 2020

CÒN BẠN, BẠN NÓI ĐỨC GIÊ-SU LÀ AI?

 


Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ hai lần. Lần thứ nhất mang tính thăm dò dư luận, Đức Giê-su hỏi các ông đã nghe người ta nói Con Người là ai? Con Người ở đây ám chỉ đến tước hiệu và sứ mạng của Đấng Mesia, Đấng được Thiên Chúa sai đến. Sau đó, Đức Giê-su trực tiếp hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Nhận định của dư luận hay dân chúng về Đức Giê-su khác nhau. Người thì bảo Đức Giê-su là Gio-an Tẩy Giả, kẻ khác lại nói Người là ông Ê-li-a hay Giê-rê-mi-a hay một vị ngôn sứ nào đó. Ngày hôm nay chúng ta cũng có thể tìm thấy những câu trả lời về căn tính của Đức Giê-su như sau: Đức Giê-su là Thiên Chúa, Người là Chúa, Người là Con Thiên Chúa, Người là lẽ sống cuộc đời tôi, Người là Thầy, là Đường dẫn tôi đến sự sống, v.v…

Câu trả lời nào cũng đúng. Vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, chúng ta vô cùng cảm kích khi tìm được câu trả lời của câu hỏi “Đức Giê-su là ai?” qua Giáo Hội, qua sự giảng dậy của các linh mục, thầy cô, bạn hữu, từ nhóm cầu nguyện hay từ trong các sinh hoạt mục vụ mà chúng ta tham gia, v.v… Nhưng, có bao giờ chúng ta dám đặt vấn đề rằng những câu trả lời mà chúng ta tìm được có đem lại ích lợi gì cho cuộc sống của chúng ta chưa? Dường như, Đức Giê-su không muốn nghe chúng ta thuyết trình hay bảo vệ một tiểu luận thần học về câu hỏi Đức Giê-su là ai, cho bằng hãy làm chứng cho người khác biết rằng Chúa là ai trong cuộc sống, phụng vụ cũng như ngày thường, của mình.

Đây không phải là câu hỏi dễ dàng. Không ai có thể trả lời câu hỏi “Đức Giê-su là ai?” thay cho người khác. Mỗi người phải có câu trả lời cho riêng mình. Cuộc sống của chúng ta là bối cảnh cho câu trả lời mà Đức Giê-su nêu ra hôm nay. Sau đây là vài gợi ý:

Chúng ta nói Đức Giê-su là ai sau cái chết của George Floyd và nạn kỳ thị chủng tộc càng ngày càng gia tăng trên thế giới. Người binh vực sắc dân nào: da trắng hay da mầu?

Chúng ta bảo Đức Giê-su là ai khi chứng kiến cảnh thảm sát tại Beirut, bên Li băng vừa qua?

Chúng ta nói Đức Giê-su là ai khi cả thế giới đang bị đe dọa bởi nạn đại dịch do Covid-19 gây ra? Đức Giê-su là ai và ở đâu mà lại để cho đại dịch cướp đi sinh mạng bao kẻ vô tội như thế!

Chúng ta nói Đức Giê-su là ai và đang ở đâu khi những người tỵ nạn vẫn bị từ chối, khi tiếng kêu của những nạn nhân bị đàn áp vì bạo lực trong gia đình và xã hội vẫn chưa được ai quan tâm và binh vực.

Chúng ta nói Đức Giê-su là ai khi người thân của chúng ta qua đời, còn chúng ta phải từ biệt qua tấm kiếng cách ly? Người là ai khi cuộc sống của chúng ta đang đối diện với bão tố, bị màn đêm bao phủ, không tìm được lối thoát!

Chúng ta có thể có muôn vàn câu trả lời dựa trên sách vở và kiến thức về Đức Giêsu, nhưng tất cả những câu trả lời đó sẽ đem lại gì cho chúng ta? Hãy nhìn lại cuộc sống của mình.

Kính thưa anh chị em,

Đức Giêsu là ai? Tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này không phải là việc dễ dàng. Hiểu theo một nghĩa nào đó, chúng ta không thể nào có được câu trả lời rõ ràng một lần và mãi mãi. Chúng ta luôn bị chất vấn bởi câu hỏi “Đức Giê-su là ai?”Có thể, trong suốt cuộc sống, chúng ta cũng chỉ thấy mờ mờ mà thôi. Chúng ta không tìm ra câu trả lời bằng lý trí, nhưng bằng trái tim.

Con người không tìm kiếm để biết về Chúa, nhưng để biết Chúa, biết một cách thâm sâu và trọn vẹn. Điều biết này dắt đưa chúng ta đi vào mối quan hệ mật thiết với Chúa hơn. Và chính trong mối quan hệ sâu xa với Chúa mà chúng ta nhìn ra mình rõ hơn. Và một khi nhận ra căn tính đích thực của mình, là lúc chúng ta càng biết Đức Giê-su trọn vẹn hơn. Con tim của ta đã bị Đức Giê-su chiếm đoạt thế nào thì cuộc sống sẽ làm nhân chứng cho Đức Ki-tô như thế.

Để minh họa cho suy niệm nói trên, chúng ta cùng theo dõi câu chuyện sau.

Trong một lớp giáo lý, dựa vào bài Tin Mừng hôm nay, ma-sơ mới hỏi các em: Còn các con nói Đức Giêsu là ai? Cả lớp nhao nhao, có cháu nói Nguời là Thiên Chúa, cháu khác lại nói là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa… v.v. Gom chung lại thì các cháu nói đúng như văn bản mà chúng ta tuyên xưng với nhau trong các Thánh Lễ Chúa Nhật.

Trong lúc đó, Ma-sơ để ý thấy một bé trai ngồi ở góc lớp, im lặng, mắt nhìn ra cửa sổ, đăm đăm như có chuyện gì khó giải quyết. Sơ đến gần, chăm chú nhìn cháu rồi một lần nữa nhắc lại câu hỏi. Cháu thẫn thờ trả lời: Thưa sơ, con không biết! Con chỉ biết là hiện nay em con đang bị ốm, trong nhà không có tiền để mua thuốc. Ba con là lính xa nhà, hiện đang đóng quân ở một vùng rất xa. Mẹ thì chạy ngược chạy xuôi ngòai chợ… Nếu Đức Giêsu là Chúa thì sao Người không săn sóc cho em con.

Ma-sơ và cả lớp ngạc nhiên truớc câu trả lời của bạn mình. Chẳng ai biết làm gì! Sau cùng, bà sơ nhà ta lấy ra một túi nhỏ, tự mình bỏ vào đó vài đồng cắc và chuyền túi đó cho cả lớp… rồi trao cho em để mua thuốc cho em mình.

Qua việc làm như thế, chúng ta sẽ trả lời vấn nạn Đức Giêsu là ai? Câu trả lời không bằng lý trí hay văn tự nhưng bằng cuộc sống. Nhưng trên thực tế lại không được như thế. Đã nhiều lần chúng ta khám phá ra sự khác biệt giữa Đức Giê-su mà chúng ta tôn thờ trong các nghi thức phụng vụ khác xa với Đức Giê-su trong cuộc sống thường nhật. Đức Giê-su không thay đổi. Nhưng sự thay đổi phát sinh từ chúng ta, không có sự hiệp nhất và tương đồng giữa điều chúng ta tuyên xưng và cuộc sống. Khi viết ra các điều này, tôi hoàn toàn tôn trọng sự chọn lựa câu trả lời và lối sống của anh chị em. Riêng bản thân, tôi phải nhìn nhận một điều, quả thật rất khó khăn để sống được điều mà chúng ta tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Kính thưa anh chị em,

Phê-rô khi xưa cũng thế. Với bản tính bộc trực, ông đã tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Nhưng lúc bấy giờ, Phêrô vẫn chưa hiểu hết về Thầy mình. Tuy nhiên, để có thể tuyên xưng như thế, Phê-rô cũng đã nhận được hồng ân như Chúa nói: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc…”

Quả thật, ngay lúc này, Phê-rô cũng không biết rõ căn tính và sứ mạng của Thầy mình phải chu toàn. Bởi vì, ngay sau đó, khi Đức Giêsu nói cho các ông biết con đuờng mà Con Thiên Chúa phải đi thì Phêrô lại ngăn cản Người. Lòng của Phêrô thật tốt, ông lo lắng và không muốn Thầy bị đau khổ. Nhưng ông đâu biết rằng ý tưởng và suy nghĩ của ông hòan tòan sai với ý định của Thiên Chúa. Rồi trên đường Thuơng Khó, Phêrô đã chối Thầy đến ba lần… Tuy nhiên, Phêrô cũng là người đã bộc lộ tình yêu và lòng mến dành cho Thầy…

Nói chung, Phêrô là một con người bộc trực, thẳng thắn, có sao nói vậy, không che đậy, không tính tóan hơn thiệt như các bạn của ông , đã có lần tìm cách trèo lên chỗ cao hơn… Ông tự nhận mình là người tội lỗi… Chính vì thế mà Chúa lại tín nhiệm ông hơn. Những giới hạn của Phêrô chính là điều khiến ông trở nên gần gũi hơn với Đức Giêsu. Chính vì nhận ra mình còn khiếm khuyết và tội lỗi, nên Phê-rô đã nhận ra một điều là muốn đứng vững và hoàn tất nhiệm vụ thì ông phải lệ thuộc và gắn bó vào Thầy mình, Chúa Giêsu Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Phê-rô không tự mình là đá tảng. Chính Chúa làm ông trở thành đá tảng; và Người sẽ xây cất công trình như Lời Người phán “anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”

Tóm lại, Kê-pha, tảng đá ấy sẽ trở nên vô hiệu nếu không lệ thuộc và gắn bó mật thiết với Chúa.

Vì thế, việc chọn Phêrô làm đá tảng là việc của Chúa. Còn ông, ông biết rõ nhiệm vụ của mình, và nhiệm vụ đó chỉ tác dụng khi lệ thuộc vào Chúa. Còn chúng ta, chúng ta cũng đuợc mời gọi để biết Đức Giê-su là ai. Chính Người là viên đá góc tường để chúng ta dựa, từ viên đá góc này Người mời gọi chúng ta trở thành đá tảng cho nhau, cho con cái, cho người thân và cho tất cả những ai muốn tìm chỗ dựa. Do đó, như Phêrô, chúng ta cũng nên biết rằng tảng đá không do mình đặt, nhưng người đặt là Chúa. Nên việc lệ thuộc vào Chúa là việc quan trọng hàng đầu mà chúng ta cần làm. Có như thế, mình mới trở thành chỗ dựa vững chãi cho người khác, bằng không sẽ sụp đổ tan tành. Cầu xin cho chúng ta nhận được phúc lành đó. Amen!

No comments:

Post a Comment