Anh chị em thân mến,
Trong dụ ngôn hôm nay, Ðức Giêsu cho chúng ta thấy hai lối sống đối
nghịch của hai người con. Cả hai người con, chẳng cậu nào làm vui lòng cha mình
hết. Cậu thứ nhất, trước tiên không vâng lời huấn lịnh của Cha, nhưng sau đó cậu
thay đổi. Đó là điều then chốt mà con người cần thực hiện, đó là sự thay đổi.
Chúng ta có thể nhiều lần nói không, nhưng sau cùng điều mà Thiên Chúa mong đợi
vẫn là lời ‘xin vâng’ quả cảm và trung thành với chữ CÓ cho đến hết cuộc sống. Sự
hoán cải và thay đổi này phải được xuất phát từ tâm hồn. Sự thay đổi đó bao giờ
cũng phản chiếu một lượng ân sủng dồi dào của Thiên Chúa mà họ đã nhận được.
Nói cách khác, chính kinh nghiệm được yêu thương đã khiến họ hoán cải để tuy nhiều
lần đã trả lời không mà nay biến thành hành động vâng phục cho đến trọn đời.
Còn hình ảnh cậu thứ hai ám chỉ đến lớp người miệng thì dạ dạ,
vâng vâng nhưng cuộc sống thì có những cử chỉ ngược lại. Họ là những người,
ngay từ đầu chưa bao giờ cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa
trao ban, cho nên tâm hồn và cử chỉ của họ hoàn toàn xa với ý định của Thiên
Chúa.
Nhìn lại trong cuộc sống, đã bao nhiêu lần chúng ta miệng thưa có
mà việc làm thì không, giả như có làm thì cũng làm vì thói quen hay a dua hay
vì lời khen của kẻ khác hay thậm chí làm để mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình.
Nói khác đi, chúng ta sống như những con rối để cho người khác thao túng và lôi
đi. Còn việc chúng ta nói không với Chúa thì nhiều lắm. Chúa vẫn kiên nhẫn chờ
đợi sự thay đổi để những lời nói không của chúng ta được biến thành những cử chỉ
và hành động tuân phục của chúng ta với Ngài.
Nói chung cả hai hình ảnh đối nghịch đó cũng hiện diện trong cuộc
sống của chúng ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa mong muốn dù nói có hay không thì quyết
định của chúng ta luôn xuất phát từ trong cõi lòng của mọi người. Thiên Chúa
luôn kiên tâm chờ đợi và quả quyết rằng tình yêu và lòng thương xót của Thiên
Chúa sẽ giúp con người thay đổi, biến ‘không’ thành ‘có.’
Và theo Thánh Matthew, thì sự đối nghịch đó đang hiện diện như hai
người con trong một gia đình của Thiên Chúa qua các sinh hoạt trong cộng đoàn của
Ngài: Một bên là quí vị có chức tước được xếp vào ngũ của những người lãnh đạo,
còn bên kia là những người nghèo khổ bị bỏ rơi và bị những người lãnh đạo xếp
vào hạng những ngươi tội lỗi.
Mở đầu bài Tin Mừng, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ
lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao?” Như vậy, truyện kể hôm nay truớc
tiên nhắm đến những người lãnh đạo. Họ hãnh diện về lối sống mẫu mực của họ. Họ
chủ trương rằng những gì mà họ đang có như tiền tài, danh vọng, vị trí trong cộng
đoàn là phần thuởng và dấu chỉ mà Thiên Chúa trao ban để tưởng thưởng cho các
việc lành phúc đức và lối sống chu tòan lề luật của họ. Và, với lối sống tuân
phục mọi điều khoản trong lề luật dậy bảo thì họ đã trở thành gương sáng cho
nguời khác; đâu cần phải thay đổi.
Theo quan niệm và mẫu mực sống đạo của họ thì người cần đuợc thay
đổi là chính Đức Giê-su. Người tự xưng mình là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa
mà chẳng hề tuân theo luật lệ và các tập tục của cha ông dậy bảo thì nói ai
tin; do đó theo quan niệm của họ thì Đức Giê-su cần noi guơng họ!
Nhưng Đức Giê-su đã phản đối lối sống vụ luật, dựa vào hình thức của
họ và xác định rằng: Trong vương quốc của Người, những người thu thuế, hạng tội
lỗi mà họ đã khai trừ ra khỏi cộng đoàn lại là những người chọn lựa đúng. Đám
dân đen ít học này đã mở lòng ra để đón nhận lời rao giảng của Thánh Gioan tẩy
giả và của Chúa, hối cải và trở về đường ngay nẻo chính. Còn họ thì không, cố
giữ và ôm chặt lấy truyền thống để bảo đảm cho ngai vàng và nguồn lợi của họ.
Anh chị em thân mến,
Thay đổi cách sống không phải là việc dễ dàng! Nếu có cơ hội, anh
hay chị hãy nghiệm lại trong cách sống, chúng ta đã thay đổi đuợc gì! Giả như,
nếu có thì cũng chỉ là các thay đổi đem lại lợi ích cho bản thân và gia đình
mình. Mới đây, tôi gặp lại gia đình người bạn, sau bao năm xa cách, đời sống của
anh chị khá giả và sung túc hơn xưa. Tuy nhiên, cuộc sống mà họ đang thụ huởng
cũng phải trả một giá rất đắt và thật chua xót. Anh chị biết điều đó và thản
nhiên chia sẻ rằng: Xin cha thông cảm cho cuộc sống của gia đình tôi. Sống đạo
trong hoàn cảnh của chúng tôi là điều một điều thật khó khăn; vì nếu phải thay
đổi lối sống sao cho phù hợp với niềm tin thì cuộc sống của chúng tôi sẽ khó
khăn hơn, sẽ nghèo lắm. (Hoàn cảnh và lời chia sẻ của gia đình này giống với hoàn
cảnh của nhiều nguời trong chúng ta)
Theo tôi, điều đáng quí, đáng trân trọng là sự thành thật khi họ chia
sẻ. Anh chị biết điều cần làm. Anh chị còn biết nỗi yếu đuối của bản thân. Hy vọng,
một ngày nào đó, với ơn Chúa, anh chị can đảm thực hiện điều mà anh chị xác
tín. Ước nguyện của tôi chỉ có thế!
Thái độ của hai người con trong câu chuyện hôm nay nhắc nhở thêm
cho tôi một hiện tượng đang xẩy ra cho các gia đình công giáo. Quí vi phụ huynh
thường hay than phiền về việc các cháu bê trễ trong việc tham dự các nghi lễ phụng
tự. Các cháu ít hay hầu như không đọc kinh sáng tối! Các cháu cũng ít tham dự
các Thánh Lễ Chúa nhật; nếu có tham dự thì may ra một năm được l hay 2 lần. Nói
đến ‘lễ buộc’ thì các cháu phản ứng khá gay gắt như ‘xã hội hôm nay, làm gì còn
việc ép buộc. Tự nguyện mới có giá trị, tham dự chỉ vì bị bắt buộc thì còn có
ích lợi gì!’
Tôi thông cảm cho các nỗi lo âu của quí phụ huynh. Tôi cũng không
bàn bạc về những suy nghĩ của các cháu là đúng hay sai? Vẫn biết lo lắng cho tương
lai của con cái là bổn phận và ước mơ của cha mẹ. Nhưng, điều chúng ta lo có
thay đổi gì trong cuộc sống của các cháu! Nhiều khi, chúng ta lo quá, lo đến mức
làm mất đi niềm tin nơi các cháu. Điều đó có ích lợi cho các cháu hay không?
Tôi lại đuợc nghe quí phụ huynh kể lại việc các cháu tham gia các
đoàn bác ái, các nhóm y tế … đi đến các nuớc nghèo thăm hỏi, cứu trợ và làm các
việc thiện nguyện hầu giúp đỡ và xoa dịu các vết thuơng của những nguời thiếu
may mắn hơn con cái của quí vị. Một điều đáng quí và đáng ngưỡng mộ là tiền vé
máy bay và những khoản chi tiêu cần thiết cho chuyến đi thiện nguyện cũng do
bàn tay của các cháu làm và để dành.
Việc làm tông đồ của các cháu thật đang khích lệ và tán thuởng. Phải
chăng các cháu là những người con đã trả lời không với kiểu sống nhàm chán của
lề luật, những nghi thức máy móc của các nghi lễ và lối sống đạo hoành tráng và
phô truơng thanh thế của chúng ta. Việc làm của các cháu thực tế và phù hợp với
tấm lòng của các cháu: lo và quan tâm cho kẻ khác. Các cháu có thể là hạng người,
tuy miệng nói KHÔNG, cuối cùng lại làm CÓ; từ bỏ để bước ra ‘ngoài đồng’ làm
các việc tông đồ giúp đỡ những kẻ khốn cùng.
Lắng nghe, đón nhận Tin Mừng rồi hối cải ra ngoài đồng thực hiện ý
Chúa là tiến trình cần theo. Còn nếu chỉ biết dựa vào công nghiệp, hệ thống lề
luật mà đòi thuởng công thì quả giống như người con chỉ biết nói vâng vâng dạ dạ,
còn lòng đã bị đóng kín. Lòng đã đầy ‘CÁI TÔI’ thì còn chỗ nào trống để mở ra
cho tha nhân và làm thế nào đón nhận đuợc Tin Mừng. Trong khi đó, bọn dân đen
ít học, có thể là nạn nhân của hệ thống giáo điều mà hàng ngũ lãnh đạo đặt ra, tuy
nghèo nàn và thiếu thốn tất cả; nhưng lại dễ mở lòng ra để đón nhận Chúa và Tin
Vui cứu độ của Thiên Chúa.
Ðức Giêsu không có cái nhìn như chúng ta. Người yêu thương những
người tội lỗi biết sám hối trở về. Người thường nói: "Ta không đến để kêu
gọi những người công chính mà là người tội lỗi. Và không phải bất cứ ai thưa với
Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là cầm chắc vé vào Nước Trời cả đâu! Chỉ có ai thực
hiện ý muốn của Thiên Chúa mới được vào Nước Trời mà thôi. Người kiên tâm chờ đợi
và hy vọng chúng ta hối cải. Dù đã nói KHÔNG nhiều lần, nhưng chỉ cần một lần
thưa CÓ và cố gắng thể hiện trong cuộc sống thì cũng thật xứng đáng để được cứu
độ.
Như vậy, việc sống đạo và chu toàn Thánh ý của Thiên Chúa không chỉ
dựa vào lời nói; nhưng bằng hành động. Một trong những việc làm quan trọng mà
chúng ta cần thực hiện là nhận biết chính mình, sửa đổi để lệ thuộc vào quyền
năng của Thiên Chúa. Đây chính là hồng ân. Chỉ có hồng ân và tin vui của Chúa mới
giúp con người thay đổi. Amen!