Tuesday, 8 September 2020

THA LÀ THA CHÚNG MÌNH THA NHIỀU.

 

Vào chiều tối Thứ Bẩy, ngày 1 tháng 2 năm 2020 vừa qua, tại thị trấn Oatlands, thành phố Parramatta, phía Tây Sydney. Một ông tài xế đã uống rượu quá chén, không kiểm soát được tay lái nên đã đâm vào đám trẻ em đang đi trên vệ đường khiến cho ba em nhỏ của gia đình Abdallah, Anthony lớn nhất 13 tuổi, Angelina 12 tuổi và Sienna, em nhỏ nhất mới được 8 tuổi bị chết thảm; cô em họ, Veronique Sakr cũng bị chết tức tưởi trong vụ tại nạn đó.

Tin này đã gây chấn động cả nước Úc. Ai nghe xong cũng bộc lộ sự tức giận vì hành vi mà ông tài xế đã vi phạm. Tuy nhiên lời tuyên bố của bà mẹ thật duyên dáng khiến cho chúng ta phải sửng sốt. Chị Leila Abdallah đã nói: “Từ tận đáy lòng, tôi sẵn sàng tha thứ cho người gây ra tai nạn. Tôi không ghét anh.” Trong lúc đó, Daniel chồng của chị, cha của ba em nhỏ, trong nước mắt thổn thức nói: “Các con của chúng tôi đã đến một nơi tốt hơn!”

Trong lúc suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ lại vụ tai nạn nói trên, nhất là lời tuyên xưng của người mẹ. Chị đã trở thành tấm gương sáng với một con tim thật vĩ đại khi tha cho kẻ được coi là đã giết ba người con của chị. Tôi càng cảm phục hơn khi nghe chị nói thêm rằng chị có thể làm được như thế vì chị và gia đình luôn có mối quan hệ thân mật với Thiên Chúa, Đấng mà chị tôn thờ và mến yêu.

Thưa anh chị em,

Tha thứ là chủ đề mà chúng ta cùng nhau suy niệm hôm nay. Tha thứ cần được phổ biến, quảng bá và áp dụng một cách qui mô và rộng rãi trong mọi tầng lớp của xã hội mọi thời. Hơn bao giờ hết, con người ngày hôm nay cần tha thứ cho các lỗi lầm của nhau, và chúng ta sẽ được gì khi tha thứ cho các sai lỗi của nhau.

Tha thứ là một trong các môn học mà chúng ta đã học từ thủa ấu thơ, bây giờ đang học và sẽ còn học cho đến hết đời. Khi còn nhỏ, chúng ta dễ dàng tha thứ cho nhau. Trẻ con nô đùa nghịch ngợm đụng đến nhau là chuyện thường tình. Đau quá, nổi nóng chỉ muốn quại vào mặt nhau. Nhưng khi nghe thấy tiếng “tôi xin lỗi” từ trong miệng của bạn phát ra thì chúng ta sẽ nguôi cơn giận và sẵn sàng đáp trả “không sao hết, tôi tha thứ cho cậu.” Thế là huề cả làng.

Quả thật, lối hành xử trẻ con như thế lại được Đức Giê-su khen thưởng khi yêu cầu các môn đệ phải có lối sống của con trẻ, Người phán: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18: 3) 

Đến khi lớn lên, học khôn đủ thứ. Nhưng chỉ có việc tha thứ là học mãi không xong, càng cố gắng càng thấy mình ngu. Học mãi mà vẫn chưa thực hiện được. Vẫn biết, càng lớn càng thấy cuộc sống càng phức tạp hơn và phải chăng chỉ vì ích kỷ và thích làm chủ nên khó tha thứ? Chúng ta có biết đâu khi tha cho tha nhân là tha cho chính mình. Giận hờn và ghen ghét chỉ làm cho mình thêm đau khổ. Đã bao nhiêu đêm mất ngủ, trằn trọc chỉ vì giận hờn và ghen ghét; chưa kể có người còn tính trăm phuơng nghìn kế để trả thù và triệt hạ nhau.

Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng, việc tha thứ rất tốt cho người ban phát nó, tha thứ cho kẻ hại mình sẽ làm giảm bớt cơn tức giận, ít nguy cơ bị trầm cảm, không còn lo lắng và sợ hãi. Hiệu quả này còn mang lại lợi ích cho hệ thống miễn dịch và tim mạch nữa. Thật vậy, một khi đã tha cho họ rồi lòng sẽ cảm thấy thật thư thái và bình an. Tất cả đều là người thân, tay trong tay dắt nhau đi, còn gì hoan lạc và vui thú hơn điều mà chúng ta đang thụ hưởng.

Thưc tế, cuộc sống không dễ dàng một chút nào. Chừng ta dễ bị tổn thương, về tinh thần cũng như thể xác. Và khi chúng ta hay người mà chúng ta yêu thương bị tổn thương thì việc tha thứ thường là điều mà chúng ta ít nghĩ tới. Chúng ta đòi quyền được lắng nghe, được bồi thường hay đòi sự thông cảm của những ai có trách nhiệm. Tuy nhiên, tất cả chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng là tha thứ cho chính mình và tha cho kẻ làm mình bị tổn hại

Chắc chắn về mặt lý thuyết, chúng ta nghe vô số các hướng dẫn cụ thể để tha thứ, nhưng khi bắt đầu áp dụng vào cuộc sống thì chúng ta lại chùn bước. Bởi vì chúng ta chưa biết tha thứ và cũng chẳng biết bắt đầu tha thứ như thế nào.

Đó cũng là điều mà Phê-rô hỏi Đức Giê-su trong phần mở đầu bài Tin Mừng hôm nay. Không đợi câu trả lời của Thầy mình, Phê-rô lau chau và ra vẻ ta đây đã gợi ý rằng có phải bẩy lần không? Gợi ý của Phê-rô khi dùng con số bẩy không phải là tình cờ, đó là con số biểu thị sự hoàn hảo. Phê-rô không chỉ muốn được khen là trả lời đúng, mà còn muốn được số điểm tuyệt đối từ Đức Giê-su nữa. Nhưng Đức Giê-su cũng thật hài hước khi trả lời cho Phê-rô biết rằng tuy con số bẩy thật hoàn hảo, nhưng quá ít, phải là bẩy mươi lần bẩy cơ! Mức độ hoàn hảo của Đức Giê-su buộc Phê-rô hôm nay vượt quá mức hoàn hảo mà ông đề ra. Có nghĩa là hoàn hảo lôi kéo và mời gọi hoàn hảo tiếp theo. Có nghĩa là tha thứ liên tục, tha thứ là điều không thể đếm được, tha vô hạn định, tha liên miên, tha không ngừng, tha cho đến hết đời, tha tuyệt đối!

Quá khó, thảo nào, chúng ta chưa làm được và gặp nhiều khó khăn khi tha thứ. Tuy nhiên, chúng ta tìm ra câu trả lời từ trong câu chuyện nói về người mắc nợ không có lòng thương xót hôm nay. Truyện kể như sau: Có một người giúp việc kia nợ ông chủ mười ngàn nén vàng, một khoản nợ mà ông ta và gia đình có làm lụng cả đời cũng không sao trả hết. Thế mà với cử chỉ sấp mình van xin lòng nhân từ hay thương xót của ông chủ mà ông đã được tha và không phải trả nợ nữa.

Thế mà, vừa từ trong nhà chủ bước ra, ông gặp người bạn chỉ thiếu nợ ông một trăm quan tiền. Một khoản nợ quá nhỏ so với mười ngàn nén vàng mà ông vừa được chủ tha. Thế mà, không cần hỏi thăm và cũng không tìm hiểu nguyên do, anh liền tóm cổ người bạn đòi trả nợ. Người bạn của anh cũng nằm trong hoàn cảnh giống như anh là không có gì để trả nợ. Nhưng bạn anh chỉ xin hoãn lại, chứ không xin tha bổng, rồi anh ta sẽ trả hết. Nhưng anh ta không chịu, cứ tống bạn mình vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Đã bị tống vào ngục thì làm sao có cơ hội trả xong nợ, kết quả sẽ chết rục tù mà nợ vẫn còn.

Thấy sự việc xẩy ra như thế, các bạn của anh ta mới trình sự kiên cho ông chủ. Chủ gọi anh đến và trao cho anh đúng án phạt mà anh đã áp dụng cho người mắc nợ anh. Sau cùng, trong phần kết luận, Đức Giê-su đã nói: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18:35)

Như vậy qua câu chuyện này, Đức Giê-su trách những ai đã được tha thứ mà không biết tha thứ cho đồng loại mình. Tha thứ là việc làm chứ không chỉ bằng lời nói. Tha thứ không chỉ là điều kiện để được tha thứ mà là hành vi chia sẻ tình yêu, lòng thương xót và việc tha thứ của Thiên Chúa. Còn hơn thế nữa, khi tha cho nhau là lúc chúng ta làm chứng và tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa, Cha trên trời, Đấng hằng quan tâm, săn sóc và sẵn lòng tha thứ, ngay cả trước khi chúng ta van xin Người.

Thể hiện lòng thương xót qua việc tha thứ cho nhau vì chính mình dã được tha trước. Đó chính là chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay, không phải việc tha bao nhiêu lần. Tha thứ là hiệu quả của lòng thương xót mà Thiên Chúa đặt trong con tim của mỗi người, đó là hành vi phát nguồn từ Thiên Chúa. Và đó là nét đặc trưng mà người môn đệ của Chúa Ki-tô cần thể hiện. Nói khác đi, tha thứ phải là lối sống của người môn đệ.

Sau cùng, mỗi thành viên trong gia đình của Thiên Chúa nên nhớ rằng: những gì chúng ta đang thụ hưởng hoàn toàn phát sinh từ lượng ân sủng vô biên của Thiên Chúa. Nhất là, trong lúc chúng ta còn là tội nhân mà Thiên Chúa đã không ngần ngại sai Con duy nhất của Ngài đến tự hiến, xóa bỏ món nợ, một món nợ mà thế gian không bao giờ có thể trả được.

Vì thế, chúng ta phải tha cho nhau và đó là hiệu quả của việc Thiên Chúa tha cho chúng ta. Còn việc không tha thứ cho nhau không được chấp nhận trong sinh hoạt của người tín hữu. Món nợ mà chúng ta gây ra cho nhau hẳn nhiên không thể nào so được với món nợ mà Thiên Chúa đã tha bổng cho chúng ta.

Sau cùng, tuy biết tha thứ không phải là việc dễ làm, nhưng chúng ta phải làm. Đó là trọng tâm mà sứ điệp Tin Mừng hôm nay đòi hỏi. Tha thứ sẽ dẫn chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa. Càng tha càng thiếu, tha bao nhiêu thiếu bấy nhiêu và càng thiếu càng cần đến ân huệ của Thiên Chúa để tha thứ cho nhau hơn.

Cầu cho anh chị em biết tha thứ như gương sáng của chị Leila Abdallah khi tha cho kẻ đã gây ra cái chết cho ba người con của chị. Hy vọng lời tuyên xưng của chị Leila Abdallah: “Từ tận đáy lòng, tôi sẵn sàng tha thứ cho người gây ra tai nạn. Tôi không ghét anh” sẽ là lối cư xử của chúng ta dành cho nhau. Amen!

No comments:

Post a Comment