Friday, 12 February 2021

TRONG CHÚA, PHONG CÙI CÓ LÀ HỒNG ÂN?


Ông bà và anh chị em thân mến,

Mỗi năm, nhân dịp xuân về; Mẹ Hội Thánh Việt Nam mời gọi chúng ta dành vài ngày đầu năm để dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn, cầu bình an cho năm mới, kính nhớ tiên nhân và dâng lên Chúa mọi tâm nguyện của chúng ta. Trong tâm tình đó chúng ta cũng đến với nhau bằng những lời chúc thật ngọt ngào và dễ thương. Người nào cũng cầu cho nhau được hạnh phúc và bình an. Trong giây phút này, tôi xin anh chị em cùng ngồi xuống tìm ra sứ điệp mà Chúa Kitô nhắn gửi chúng ta qua những lời cầu chúc mà chúng ta cùng đón nhận trong những ngày đầu năm.

Làm thế nào để cho lời chúc của chúng ta thành hiện thực và sống động; trong khi đó thế giới và môi trường mà chúng ta đang sống vẫn còn bị đe dọa bởi nạn đại dịch do Covid-19 gây ra. Còn biết bao người đang sống đau khổ, cô thân, cô thế và thiếu may mắn. Hạnh phúc và an bình chỉ có thể có nếu chúng ta biết thay đổi lối sống, biết hoán cải và để Chúa đổi mới chúng ta thành những tín hữu trưởng thành, khôn ngoan trong các công tác phục vụ tha nhân.

Ngày mùng hai, chúng ta nhớ đến các bậc tiền nhân bằng lòng hiếu kính. Ngay khi các ngài còn sống mà chúng ta không thể hiện đạo hiếu thì việc cầu kinh và xin lễ sau khi các ngài chết sẽ đem lại ich lợi gì? Đến lúc đó mới hoán cải và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục thì có quá trễ không?

Sang ngày mùng 3 chúng ta xin ơn thánh hóa công ăn việc làm. Thiên Chúa viếng thăm dân Người trong những công việc của cuộc sống thường ngày. Người mời gọi chúng ta tham gia công trình sáng tạo và thánh hóa thế giới, bằng cách làm tốt những gì đã được ủy thác để phục vụ cuộc sống và con người.

Một cách cụ thể hơn, phụng vụ Lời Chúa tuần này trình bầy Đức Giê-su là Đấng có quyền trên các tai ương và dịch bệnh. Người không chỉ chữa cho người bị phong cùi được khỏi bịnh mà còn nối kết ông với các thành viên khác trong gia đình của Người. Trong tâm tình đó, chúng ta cũng cầu chúc cho nhau, trong năm mới Tân Sửu 2021 này, biết trở thành tác nhân của Thiên Chúa trong việc hàn gắn các thương tích mà anh em chúng ta đang phải gánh chịu.

Anh chị em thân mến,

Để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm trong mùa đại dịch do Covid-19 gây ra, các nhà lãnh đạo dân sự lúc thì khuyên, khi khác lại ra lịnh cho dân chúng phải tuân giữ lịnh giãn cách xã hội. Điều này đã tạo ra một ảnh hưởng tiêu cực khác là chúng ta e ngại khi tiếp xúc với nhau. Thậm chí khi đi ra đường chúng ta còn né tránh nhường đường cho nhau. Thoáng nhìn qua thì cử chỉ đó có vẻ lịch sự, nhưng thật ra là chúng ta sợ bị lây nhiễm. Không biết tình trạng này cứ kéo dài và giả như con người chưa tìm được giải pháp hữu hiệu thì việc tiếp xúc cá nhân còn được duy trì hay là khoảng cách giữa chúng ta cứ xa dần cho đến khi con người tự cô lập nhau!

Đó cũng là cách thức mà con người sống cùng thời với Đức Giê-su đã cư xử với những ai bị bịnh phong cùi. Họ phải sống cô lập, không được phép tiếp xúc với ai. Bất cứ ai chạm đến họ đều bị coi là ô uế. Thậm chí khi đi ra ngoài, họ phải lên tiếng báo cho những người chung quanh biết để mà tránh né.

Với hoàn cảnh cuộc sống của những ai bị phong cùi như thế, chúng ta có thể nhận ra được nỗi đau khổ về tinh thần cũng như thể xác của họ. Họ không còn được đối xử như một con người, bị ngược đãi và coi như thành phần cùi hủi của xã hội nói gì đến yêu thương. Ai trong chúng ta khi gặp họ mà lại không né tránh, sợ bị lây! Trong hoàn cảnh đó, họ không còn gì để mất, thế mà họ không nổi loạn đã là may mắn cho chúng ta lắm rồi!

Ngoài lối cư xử thiếu tình bác ái như đã nói ở trên, theo lề thói của công đoàn Do Thái, họ còn bị coi là những người bị Chúa phạt, họ không được phép lên Đền thờ Giêrusalem, và nếu có được tham dự lễ nghi phụng vụ, họ phải ở trong một căn phòng đặc biệt dành riêng cho họ. Họ bị đối xử như người ngoài luồng.

Trong hoàn cảnh như thế, tôi ngạc nhiên khi người bị phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay dám liều lĩnh đến gặp Đức Giê-su. Thái độ liều lĩnh này của ông kèm theo lời cầu khẩn, không mang tính ép buộc, ông nói “nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Khi nói “nếu Chúa muốn”, ông biểu lộ thái độ tin tưởng vào Đức Giê-su. Ông tin rằng Đấng đang hiện diện trước mặt ông là người có đầy uy quyền làm cho ông được sống. Tiếp cận Đức Giê-su là gặp gỡ Đấng trả lại vinh dự làm người cho ông, trao lại cho ông sự sống mà theo luật lệ ông đã bị coi như là người đã chết.

Còn Đức Giê-su thì sao? Đức Giê-su sinh ra và lớn lên trong truyền thống Do Thái; hẳn nhiên Người biết rất rõ khoản luật cấm không được chạm đến người bị phong cùi. Thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã chạm vào người bị phong cùi. Vì sao? Bởi vì Người thương ông ta, không chỉ bằng lời nói, Người còn giơ tay đụng vào người ông và bảo “Tôi muốn”.

Tất cả các cử chỉ: động lòng, giơ tay, chạm vào rồi lên tiếng phán bảo xẩy ra một loạt.  Qua các động tác này, chúng ta nhận ra tính duy nhất trong con người của Đức Giê-su. Không có việc nghĩ trước làm sau. Tất cả xẩy ra đồng loạt để nói cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su thương người bị phong cùi vô cùng. Người không yêu bằng lời nói suông, hay qua các giao uớc dựa trên lý thuyết. Nhưng Đức Giê-su đã yêu bằng các việc làm cụ thể, bằng cuộc sống và sự dấn thân trọn vẹn của Người.

Thật vậy, với Đức Giê-su: Hành động giúp một người bị đau khổ. Việc phục hồi phẩm giá của một con người là ưu tiên số một trong cuộc sống và sứ vụ của Người. Đức Giê-su tự do và thoải mái hành động vì hạnh phúc con người. Luật lệ có tồn tại và được áp dụng cũng vì lợi ích cho con người. Một khi những khoản luật ngăn cản con người thể hiện lòng yêu thương thì không còn giá trị. Không có một điều gì có thể ngăn cản việc Đức Giê-su thực hiện ý định của Thiên Chúa. Tình yêu mà Người dành cho Chúa Cha được mô tả và thể hiện ngay trong cuộc sống. Người động lòng thương tất cả mọi người mà Đức Giê-su đã gặp.

Còn một điều mà chúng ta cần lưu ý, cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay là khi làm cho người phong cùi được sạch, được khỏi bịnh thì chính Đức Giê-su lại bị khó khăn, bị trục xuất và gặp sự đối nghịch của hàng ngũ lãnh đạo, dẫn đến cái chết mà Người sẽ chịu.

Nhưng, thưa quí ông bà và anh chị em. Chính vì việc làm này khiến Đức Giê-su không còn chỗ đứng, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng. Hay nói khác đi, người bị ly khai vì lề luật thì nay, nhờ Đức Giê-su, đã được nối kết lại với các sinh hoạt trước đây; còn Đấng làm cho ông ta được khỏi thì lại bị khai trừ vì tính bướng bỉnh và tự tôn của những kẻ vịn vào lề luật mà trói buộc nhau.

Tuy biết hậu quả mà Đức Giê-su phải lĩnh nhận sẽ là như thế. Nhưng vì yêu thương chúng ta, Người sẵn sàng đánh đổ mọi sự để làm chứng cho chúng ta biết rằng Người là Thiên Chúa thật, không còn ở trên cao, nhưng đã cúi mình xuống để đồng hành và chia sẻ các nỗi khổ đau của con người. Người đã cúi mình thật sâu trong biến cố làm người và trong cái chết trên thập giá. Người cúi xuống để nâng con người lên, miễn là con người nhận ra phẩm giá của chính mình và được cứu độ.

Chính vì thế, Tin Mừng mà Đức Giê-su đem đến mời gọi chúng ta sống bớt nghi kỵ, biết gạt bỏ thành kiến, chấp nhận các nỗi ô uế của nhau, tôn trọng nhau trong phẩm vị con người, rồi cố gắng đến với nhau, đem cho nhau thêm một chút tình người, yêu và thông cảm nhau hơn. Và với Đức Giê-su, chúng ta xác tín rằng không một ai bị phong cùi mà không được chữa lành, không một ai sống trong ô uế mà không được sạch sẽ, không một ai chịu đau khổ mà không tìm được hạnh phúc, và không một ai sống trong tội lỗi mà không tìm được sự tha thứ mà được cứu độ.

Như vậy, chúng ta thật có phúc để sống trọn vẹn ơn gọi mãi mãi là những quà tặng cao quí nhất mà Thiên Chúa ban tặng để hàn gắn các nỗi đau thương mà anh em chúng ta đang phải gánh chịu. Amen.

 

 

No comments:

Post a Comment