Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta
tiếp tục tìm hiểu công việc trong ngày của Đức Giê-su tại Ca-phá-na-um, bao gồm
cầu nguyện, rao giảng và chữa lành. Sau khi giảng dậy và chữa người bị quỷ ám
trong hội đường, Đức Giê-su cùng với các môn đệ đi đến nhà hai ông Si-mon và
An-rê. Việc Đức Giê-su từ hội đuờng về nhà là một việc tự nhiên và bình thường.
Người giống như chúng ta cần nghỉ ngơi sau cơn vất vả, cần được bổ sức mỗi khi
đói hay khát. Tuy nhiên, việc di chuyển từ hội đường về nhà của Đức Giê-su hôm
nay có thể còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn.
Như chúng ta đã biết rằng tất cả các
sách Tin Mừng được soạn tác và hoàn thành sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn
phá. Sau biến cố thật đau thương đó, anh chị em tín hữu tiên khởi, nhất là những
tín hữu gốc Do Thái không còn cơ hội lên đền thờ để thờ phượng nữa. Vì thế, họ
dùng nhà riêng hay các nguyện đường nhỏ để cử hành việc bẻ bánh và các nghi thức
phụng vụ thờ phượng Chúa. Như thế nhà còn có thể coi là một nơi thánh, thu hút
mọi người đến để thờ phượng. Ý niệm giáo hội tại gia chưa được phổ biến nhưng
trên thực tế các anh em tín hữu tiên khởi đã dùng nhà của mình như là một
phương tiện nuôi dưỡng và phát triển cộng đoàn. Trong ý nghĩ đó, giờ đây mời
anh chị em cùng theo Chúa buớc vào nhà của hai ông Simon và An-rê.
Việc đã xẩy ra là bà mẹ vợ của ông
Si-mon Phê-rô cũng có mặt vào lúc đó, nhưng bà lại bị ốm, vì thế việc tiếp đón
Thầy cũng bị gián đoạn. Bà đang lên cơn sốt. Ngày nay người ta cho rằng nóng và
sốt là các triệu chứng gây ra bởi nhiều căn bịnh khác nhau. Đối diện với hòan cảnh
thực tế, những ai bị nhiễm Covid-19 cũng mang trong mình triệu chứng nóng và sốt
này. Nhưng, đối với người xưa, sốt là một căn bệnh và có thể gây ra tử vong. Hơn
nữa, những người Do Thái cùng thời với Đức Giê-su còn cho rằng sốt hay bất cứ một thứ bịnh nào khác đều là những
hình phạt mà Đức Chúa giáng xuống cho những ai không vâng lời Người.
Khi nghe người ta báo rằng bà đang lên
cơn sốt, Đức Giê-su tiến lại giường, cầm lấy tay và đỡ bà trỗi dậy. Bà tức khắc
được khỏi bịnh và phục vụ các ngài. Kiểu nói ‘đỡ bà trỗi dậy’ mà Thánh Mác-cô
dùng ở đây giúp chúng ta nhớ lại việc trỗi dậy từ cõi chết của Đức Giê-su trong
ngày Người phục sinh. Bịnh tật có thể dẫn con người đến cõi chết thế nào thì
hôm nay trong Chúa, Người sẽ cho người đó phục hồi sự sống.
Việc Đức Giê-su chữa cho bà mẹ vợ ông
Si-mon khỏi bịnh thật diệu kỳ. Người không nói điều gì và cũng không ra lệnh
cho bất cứ thần dữ nào, khiến cho bà bị bịnh, thoát ra khỏi bà. Người chỉ đến,
chạm vào tay rồi kéo bà trỗi dậy. Việc đụng chạm này, đem theo một sức mạnh chữa
lành. Qua các cử chỉ này, Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng mỗi khi
Chúa đụng vào ai thì người đó không còn chọn lựa nào khác hơn là thay đổi cách
sống và tham gia vào sứ mạng phục vụ mà chính Đức Giê-su làm mẫu mực như Lời
Người đã phán bảo “Thầy đến để phục vụ.”
Nói một cách khác, tất cả mọi hình thức
phục vụ của người tín hữu đều phải được phát sinh từ sự đụng chạm, các lần gặp
gỡ của Chúa với ta, nếu như chưa có cảm ngiệm đó thì chúng ta nên suy nghĩ và
tìm ra nguyên nhân nào đã thúc đẩy chúng ta đi trên con đường phục vụ. Việc phục
vụ chỉ vững bền và có giá trị đích thực khi cuộc sống của chúng ta được thúc đẩy
bởi Chúa mà thôi, bằng không thì các việc phục vụ mà chúng ta đang tham gia
cũng chẳng được bền lâu!
Thật vậy, sự hiện diện của bà mẹ vợ
ông Si-mon giúp chúng ta khám phá ra một điều: Bà là người phụ nữ đầu tiên
trong Tin Mừng thực hành nhiệm vụ của người môn đệ là phục vụ tha nhân. Điều
này cũng giúp chúng ta nhận ra rằng chỉ vì cơn sốt khiến bà không thể chia sẻ niềm
vui khi phục vụ người khác. Nói khác đi, là người môn đệ, bà đã được trao cho vai
trò phục vụ, thế mà vì bịnh tật mà công việc của bà bị dở dang, bị gián đoạn.
Hôm nay, qua bàn tay của Đức Giê-su, bà đã đuợc phục hồi không chỉ để lo cho
mình mà còn lo cho tha nhân mới là nhiệm vụ chính.
Ngày nay với nền tiến bộ của y học, đã
có nhiều chứng bệnh được chữa khỏi. Tuy nhiên, bịnh hoan tật nguyền vẫn là
nguyên nhân khiến con người bị suy nhược về tinh thần lẫn thể xác. Nó khiến
chúng ta mất tự tin, các sinh hoạt bị đình trệ hoặc tắc nghẽn. Bịnh nhân cần đến
sự giúp đỡ của bác sĩ, y tá và những nhân viên chuyên nghiệp. Nói chung lúc đó
họ không lo đuợc cho bản thân mà phải nhờ đến người khác giúp đỡ.
Như hoàn cảnh của bà mẹ vợ ông Simon, cơn
sốt đã trói bà trên giường thế nào thì bịnh tật cũng cản trở mọi sinh hoạt của
con người như thế. Đức Giê-su không chỉ chữa cho bà và chúng ta khỏi bệnh mà
còn nối kết chúng ta lại với những gì trước đây đã bị tắc nghẽn, bị gián đoạn. Đức
Giê-su hoàn trả lại cho người vừa đuợc khỏi bịnh căn tính của một con người, không
còn bị ngăn trở. Họ tiếp tục các công việc đang bị dở dang. Tinh thần và công
việc phục vụ này nói lên bản chất của người tín hữu. Nó còn bộc lộ quyền năng
và tình yêu của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta trở thành một dân tộc yêu
thương và phục vụ.
Thưa anh chị em,
Sau khi chữa bệnh cho bà mẹ vợ của
Simon Phê-rô, Chúa còn chữa bịnh cho nhiều người khác nữa. Và vào buổi sáng hôm
sau, Người lén rời Ca-pha-na-um đi tới một nơi hoang vắng để cầu nguyện. Đây là
một thói quen tốt lành thường xẩy ra trong cuộc sống của Người. Đức Giê-su thuờng
bắt đầu một ngày mới bằng việc cầu nguyện, liên kết và đàm thoại với Cha. Người
cần sức mạnh và sự hỗ trợ của Cha để chu toàn Thánh ý. Vậy đâu là ý muốn mà
Thiên Chúa muốn Đức Giê-su thực hiện?
Việc chữa cho người ta khỏi các bịnh tật
về phần xác là điều cần thiết, nói lên tình yêu và lòng thương xót của Đức
Giê-su. Nhưng Đức Giê-su đến trần gian không chỉ để chữa cho người ta hết bịnh
về phần xác. Và nếu sứ vụ của Người chỉ thu hẹp trong phạm vi đó thì đến lúc
Người trở về với Thiên Chúa thì bịnh tật và đau khổ vẫn tiếp tục làm khổ con
người. Và nếu như thế thì mọi vấn đề vẫn còn nguyên, không giải quyết đuợc gì hết!
Như vậy, khi chữa bịnh Đức Giê-su cũng không làm để thỏa
mãn nhu cầu của dân chúng, cho bằng vâng lời Cha, công bố một sứ điệp thật quan
trọng là Nước Thiên Chúa đã gần bên. Uy quyền của Satan sẽ bị trục xuất bởi sự
hiện diện của Đức Giê-su, Đấng vừa khai mạc sự hiện diện triều đại của Thiên
Chúa và hoàn lại bản chất đích thực của con người như đã đuợc tạo dựng.
Đó là việc chúng ta phải nhìn ra và tiếp
tục công việc của Người cho đến mọi thời. Hãy để việc chữa bịnh cho những ai đuợc
ơn đó. Phần chúng ta hãy đến với nhau bằng sự cảm thông, yêu thương, hỗ trợ, ủi
an và giúp đỡ nhau. Đó chính là các phương dược hữu hiệu có thể giúp con người
đối diện với bịnh tật và đau khổ. Vì thế, chúng ta hãy đến với Người, ở lại
trong Người và cùng Người làm việc để Uy quyền và Danh Thánh của Thiên Chúa đuợc
cả sáng hơn. Bằng thái độ sống như thế, chúng ta tin rằng mọi tình huống khiến
cho con người bị đau khổ sẽ giảm bớt và được chữa lành. Cầu xin được như thế. Amen.
No comments:
Post a Comment