Trong các tuần vừa qua, chúng ta đã tham dự ngày khai mạc sứ vụ
công khai rao giảng về Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su tại sông Gióc-đan. Sau đó
còn được nghe kể lại việc Đức Giê-su đã gọi và thiết lập nhóm môn đệ đầu tiên.
Đây cũng là cơ hội giúp chúng ta nhớ lại và hâm nóng ơn gọi của chính mình.
Tất cả chúng ta được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào sứ mạng của
Chúa Kitô trong hoàn cảnh sống của mình. Có người tham gia vào chức vụ mục tử coi
sóc và phân phát ân sủng của Thiên Chúa qua các bí tích của Giáo Hội. Có người
diễn tả lòng yêu mến của họ qua các phương thức như chăm sóc bịnh nhân, thăm viếng
những người bị bỏ rơi, an ủi những ai cô đơn, giúp đỡ những người cùng khốn,
binh vực những ai bị áp bức, tham gia vào các công tác truyền giáo và phục vụ
những người khổ đau nghèo đói tại các hang cùng ngỏ hẻm ở khắp mọi nơi.
Nói chung, Thiên Chúa gọi ai là vì yêu thương và trọn niềm tín
thác nơi người đó. Vì thế, lời đáp trả phải diễn tả và bộc lộ lòng mến của người
được gọi dành cho Chúa trước. Lòng mến khi đáp trả không dừng lại ở mặt cảm xúc
nhưng cần được diễn tả bằng cử chỉ và hành động như các môn đệ đầu tiên đã làm.
Họ đã từ bỏ gia đình, đến nơi Chúa ở, lưu lại với Người, chia sẻ cuộc sống và
xây dựng mối thân tình với Thầy.
Như vậy, tất cả mọi ơn gọi xoay quanh bản thân Chúa Giêsu. Chúa gọi
vì yêu con người, và con người đáp trả cũng vì yêu Chúa. Vì thế, trước khi được
gọi để lãnh nhận các tác vụ riêng biệt khác để phục vụ Hội Thánh thì chúng ta đều
được gọi để trở thành môn đệ, tín hữu của Chúa trước.
Thật vậy, qua bí tích rửa tội, chúng ta đã gia nhập vào hàng ngũ của
những người môn đệ, chúng ta là chi thể của Đức Kitô. Để chu toàn vai trò của
người tín hữu, chúng ta phải học để nói như Chúa nói, sống như Chúa sống. Đó chính
là sứ điệp mà Thánh Mác-cô muốn gửi đến cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm
nay.
Truyện kể lại việc rao giảng và chữa lành của Đức Giê-su tại
Ca-phác-na-um. Ngày hôm đó là ngày hưu lễ, giống như bao người khác, Đức Giê-su
vào hội đường. Chúng ta không biết nội dung lời giảng dậy của Đức Giê-su tại hội
đường ở Ca-phác-na-um là gì. Thánh Mác-cô đã ghi lại phản ứng của những người
nghe. Họ ngỡ ngàng và nhận ra uy quyền của Thiên Chúa trong lời Người giảng dậy.
Người đã giảng dậy như một Đấng có uy quyền. Thẩm quyền của Đức Giê-su không dựa
vào truyền thống của tiền nhân như các kinh sư mà dựa trên mối quan hệ giữa Người
và Thiên Chúa Cha. Lời rao giảng của Người lôi cuốn và thu hút những người nghe
trở về mối quan hệ với Thiên Chúa.
Và cũng trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được chứng kiến thêm
cuộc đối thoại, đúng hơn là cuộc chiến bằng Lời của Đức Giê-su và thần ô uế. Truyện
kể về tình trạng của một người bị thần ô uế nhập. Ông tự nguyện đến trình diện
với Đức Giê-su. Đây là cuộc chạm trán đầu tiên giữa Đức Giê-su và thần ô uế, một
thứ quyền lực chống lại Thiên Chúa. Một cách khác, chúng ta có thể đọc câu chuyện
này như một cuộc hiển linh của Đức Giê-su, Đấng được Thiên Chúa sai đến để chiến
đấu với quyền lực của ma quỉ. Cuối cùng, Đức Giê-su đã chiến thắng, và qua đó
Người đã trục xuất thần ô uế ra khỏi người bị ám và đã trả lại phẩm giá và căn
tính làm người cho ông.
Công việc chữa lành và trục xuất thần ô uế ra khỏi ngượi bị sự dữ
ám nói lên tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Thần ô uế và mọi thứ quyền lực
khác đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt nhất là tương quan giữa con người và Thiên
Chúa thế nào thì nay với uy quyền của Đức Giê-su, Đấng muốn chúng ta biết rằng
phẩm giá và căn tính của con người không khi nào bị thống trị bởi quyền lực sự dữ
cả. Vì thế, khi chúng ta thiết lập, nối lại tương quan với Thiên Chúa là lúc
chúng ta để cho quyền lực của Thiên Chúa trở thành hiện thực và giải thoát mình
khỏi quyền lực của sự ác.
Ngày nay, thần ô uế hay các thế lực khác chống lại Thánh ý của
Thiên Chúa mặc mầu áo và xuất hiện dưới hình ảnh khác nhau. Nó có thể là tính tự
mãn, chủ nghĩa tôn sùng tự do cá nhân, tự mình sắp xếp cuộc sống mình mà quên
đi mối giao tiếp và sự hỗ trợ của đồng loại rồi không cần sự trợ lực của Thiên Chúa nữa. Tất cả các
điều đó dần dà kiểm soát cuộc sống khiến cho mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Trong
tình huống đó, Đức Giê-su yêu cầu lối suy nghĩ và quan niệm đi ngược lại với
tính sáng tạo và liên kết mà Thiên Chúa đã thiết lập, thoát ra khỏi chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta vẫn biết rằng không bao giờ chúng ta trở nên và giống Chúa
hoàn toàn. Và không phải tất cả chúng ta đều có năng quyền xua trừ ma quỷ hay
các ảnh hưởng của nó. Chỉ một số người được trao ban cho đặc ân, họ mới có năng
quyền trên các tà thần. Tuy nhiên, nói chung, ai trong chúng ta cũng có thể nói
lời yêu thương, hành động vì lòng mến. Và đó chính là những điều mới lạ, phi
thường mà thế giới này đang cần.
Sau đây là một số chứng từ được ghi nhận để anh chị em cùng suy
nghĩ.
Truyện kể như thế này. Cha Peter Robb là linh mục thuộc tỉnh Dòng
Chúa Cứu Thế Úc, đã cống hiến gần hết cuộc đời linh mục của Ngài cho công cuộc
truyền giáo cho nhóm người dân tộc thiểu số -Dumagat- bên Phi luật Tân. Một lần
kia, trong lúc đi vào buôn làng. Ngài nghe thấy tiếng nói rất hung hăng và cử
chỉ thật dữ tợn của một chàng thanh niên thuộc buôn làng đó. Hình như anh này
đã uống quá chén cho nên không còn kềm chế được bản thân. Có một nhóm nhân viên
công lực đi ngang qua. Nhìn thấy cảnh tuợng như thế, họ tính dùng quyền uy và sức
mạnh để áp chế và đưa anh này về đồn.
Ngay lúc đó, có một ông thầy giáo già, đã về hưu, đi ngang qua. Thấy
hiện tượng đó, ông xin nhân viên cảnh sát cho phép ông gặp để khuyên anh ta. Ông
đến gần và choàng tay qua vai người đó rồi nhỏ nhẹ nói: “Jim, đừng làm những
chuyện quá trớn. Hãy điềm tĩnh và về nhà đi con.” Qua cử chỉ và lời nói thật
thân thương của ông, Jim có vẻ như đã biến thành một người khác. Trông anh
không còn giống như người say rượu nữa, miệng lí nhí nói câu chào thầy. Sau đó,
anh từ từ đi về huớng mấy ông cảnh sát nói lời xin lỗi rồi đi về nhà trước các
cặp mắt đầy ngạc nhiên của các kẻ có quyền. Họ tự hỏi nhau rằng: “Ông thầy này
là ai mà chỉ bằng một câu nói đã có thể biến một người đang hung hăng trở nên
thuần thục như vậy!”
Đó là truyện xẩy ra bên Phi. Còn bên nhà chúng ta thì sao? Truyện
sau đây đã được cố giáo sư Nguyễn Ngọc Lan ghi trong “Chủ nhật hồng giữa mùa tím.”
Sau năm 1975, có một người bị bịnh phong cùi ra ngồi ăn xin tại chợ
Bến Thành. Nhân viên công lực và các chú bảo vệ muốn làm đẹp thành phố, nên đã
yêu cầu anh rời đi nơi khác. Anh ta không nghe theo, ngược lại có vẻ tức giận, xem
ra có vẻ hơi hung hăng và sẵn sàng cắn người nào muốn đụng vào anh. Trước tình
huống đó, không ai dám đến gần, vì sợ bị lây nhiễm. Thấy thế anh ta càng hăng
hơn.
Thấy thế, có người đến báo tin cho văn phòng bịnh xá chuyên trị bịnh
da liễu gần đó. Nhân viên trực ban lúc đó là dì Hai Loan. Thực ra dì là một nữ
tu, nhưng người ta quen gọi là dì cho nên chẳng còn mấy ai nhớ đến thân phận của
sơ nữa, chỉ biết đó là dì Hai Loan. Khi nhận đuợc tin báo, dì lập tức đến hiện
truờng và nhận ra anh là một trong những bịnh nhân do các dì coi sóc. Nhìn thấy
anh, dì tiến đến gần, với một giọng nhỏ nhẹ, cực kỳ dễ thương, dì nói: “Trời
ơi! Tại sao con lại ở đây. Các dì và những người bạn của con đang lo lắng cho
con. Đứng dậy, rồi đi về nhà với dì.” Không một chút phản kháng, anh lập tức đứng
dậy và theo chân dì đi về như một chú chiên con.” Các chú công an, những người
qua đường nhìn hiện tượng đó bằng một cặp mắt ngạc nhiên và kính phục. Họ tự hỏi
nhau rằng: “Bà này là ai mà lại có uy quyền như thế!”
Anh chị em thân mến,
Uy quyền của ông giáo già bên Phi và của dì Hai Loan tại chợ Bến
Thành không lệ thuộc vào vị trí của họ trong xã hội hay phẩm trật trong Giáo Hội.
Họ không thuộc về lớp các đấng các bậc. Bàn tay họ cũng chưa được xức dầu năng
quyền. Họ là những con người bình thường như mọi người chúng ta. Nhưng mối quan
hệ, tình yêu thương của họ dành cho tác nhân đã tạo nên uy quyền khiến lời họ
nói có sức mạnh ảnh hưởng trên người khác. Họ nhận ra rằng sức mạnh biến đổi khiến
người khác phải nghe theo đều xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng mà họ đã gặp gỡ,
tin yêu và phó thác. Mối quan hệ thân thiết này tỏa sáng trên lời họ nói khiến
cho lời trở thành sức mạnh lay chuyển người khác. Còn phản ứng của dân chúng
khi chứng kiến các sự kiện nói trên thì giống như phản ứng của dân thành
Ca-phác-na-um đã dành cho Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thế nghĩa là
gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần
ô uế và chúng phải tuân theo!”
Ước vọng của dân chúng mọi thời đều giống nhau. Họ uớc mong được
nghe những lời giảng dậy thực tế và ích lợi cho cuộc sống, nhưng tốt hơn vẫn cần
có các chứng từ kèm theo để chứng thực những lời nói hay lời giảng đó được xuất
phát từ Chúa. Tôi còn nhớ đã được diễm phúc tham dự cuộc tĩnh tâm do Viện phụ
Vuơng đình Lâm hướng dẫn. Nội dung các bài giảng và cách thức truyền đạt cuả
ngài rất bình dân, câu văn không chải chuốt, thật mộc mạc và đơn sơ. Nhưng mỗi
lời ngài nói đánh động người nghe bằng những dấu ấn khó quên. Lời giảng của
Ngài dường như có sức mạnh của lửa, nhằm sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh như tôi.
Trở lại với ơn gọi môn đệ của người tín hữu, chúng ta xác tín rằng
ai cũng đuợc mời gọi để cổ vũ, hỗ trợ và thi hành sứ mạng của Đức Giê-su mà
chúng ta đã được trao ban. Vẫn biết là còn nhiều ơn gọi và đặc sủng khác để xây
dựng cộng đoàn dân Chúa. Nhưng, trước tiên chúng ta phải chu toàn bổn phận của
người tín hữu bằng lời nói cũng như việc làm. Chỉ có lời rao giảng đi kèm với hành
động yêu thương mới chứng thực rằng chúng ta có uy quyền và uy quyền đó từ
Thiên Chúa. Ai cũng đuợc Chúa yêu thương. Đây là một hồng ân thật cao cả, một chân
lý luôn luôn mới và không bao giờ bị phai lạt. Qua lời nói kèm theo với các chứng
từ, chúng ta đuợc mời gọi làm cho người khác nhận ra điều khác lạ và mới mẻ để
tôn vinh Chúa. Chỉ có ai dám sống cho cái gì tồn tại mãi mới dẫn họ đến sự sống
đời đời. Nói khác đi, thực hiện Lời Chúa, sống yêu thương và sẵn sàng để cho uy
quyền của Thiên Chúa được bộc lộ xung quanh cuộc sống của mình đều là khí cụ xua
trừ quyền lực của sự dữ và dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu. Cầu xin được
như thế, Amen!
No comments:
Post a Comment