Tuesday, 19 January 2021

SÁM HỐI LÀ BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI MÔN ĐÊ.

 

Hôm nay, Đức Giê-su khai mạc sứ vụ công khai, bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa và mời gọi những kẻ đi theo Người rằng “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Tin Mừng ở đây ám chỉ con người Đức Giê-su, Đấng đang hiện diện giữa họ. Sau lời rao giảng là việc Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên tham dự vào việc loan báo Tin Mừng. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của Chúa dành cho việc đào tạo các Tông đồ, nhóm môn đệ đầu tiên, lớp người thừa kế di sản của Người.

Tuần trước, Đức Giê-su đã gọi hai môn đệ đầu tiên. Hôm nay, Người gọi thêm bốn người ở biển hồ Ga-li-lê-a, đó là các ông Si-mon, An-rê, Gia-cô- bê và Gio-an. Cho đến giây phút được gọi, chúng ta không hề biết giữa các ông và Đức Giê-su có mối quan hệ như thế nào? Đây có phải là lần đầu tiên Đức Giê-su gặp họ hay chăng? Chúng ta chỉ biết là hai ông đang quăng lưới còn hai ông kia đang vá lưới. Còn về lai lịch, nguồn gốc, bản tính, chỗ đứng trong xã hội và đền thờ, khả năng chuyên môn, trình độ học vấn của các ông thì chúng ta biết rất ít. Tuy nhiên, có một điều khiến chúng ta phải kinh ngạc đó là trong con người của Đức Giê-su tỏa ra một sức mạnh bí nhiệm thu hút các ông mà các ông không thể cưỡng lại được, cho dù các ông không hề biết Đức Giê-su sẽ dẫn các ông đi đâu.

Hơn thế nữa, dựa trên hoàn cảnh thực tế của xã hội mà các ông đang sống, chúng ta có thể nói nhóm môn đệ đầu tiên, đặc biệt là nhóm mười hai, các Tông đồ của Chúa, đều là những con người bình thường, sinh ra và lớn lên ở Ga-li-lê-a, một tỉnh thuộc phương Bắc của xứ Ít-ra-en. Trong khi đó thủ đô lại ở phía Nam, nơi đền thờ Giê-ru-sa-lem tọa lạc, nơi hàng ngũ các đấng các bậc sinh sống. Vì thế họ, dân phía Bắc bị coi thường và được xếp hạng như dân ngoài luồng. Thế mà họ lại được chọn. Đây không phải là một đặc ân dành riêng cho ai. Người muốn tất cả mọi người trở thành môn đệ. Bản chất của ơn gọi trở thành môn đệ của Chúa thì giống nhau, không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Tất cả đều được mời gọi tham dự vào công cuộc mở mang Nước Chúa.

Trên hành trình theo Chúa và nghe Người rao giảng có vô số người. Đa số là những người tội lỗi, bị áp bức, bị chà đạp, bị tẩy chay bởi những ai có quyền lực. Họ quá nghèo về tinh thần lẫn vật chất nên dễ dàng đón nhận lời mời và các thách đố của Đức Giê-su. Tuy nói như thế, nhưng khi gặp khó khăn không phải tất cả những ai theo Chúa đều kiên tâm ở lại với Chúa cả đâu! Hãy nhìn thái độ của họ trên đường khổ nạn của Đức Giê-su thì biết: chẳng còn vài người. Họ bỏ chạy hết chỉ còn lại vài người phụ nữ, nhưng các bà cũng chỉ đứng đàng xa để nhìn rồi khóc!

Còn những ai tự nhận mình là người công chính thì chúng ta không cần phải bàn! Họ quá giầu công đức. Công nghiệp đã choán hết chổ trong lòng làm cho họ kiêu hãnh, ung dung tự đắc. Từ đó mắt họ không còn mở ra được và tai họ cũng bị che lấp bởi những câu tán dương, ca tụng thành tích cho nên họ còn chỗ nào để nghe Lời Chúa đây. Mỗi khi đến với Chúa là một dịp để họ gài bẫy, bắt bẻ Chúa.  Họ thiếu thành tâm khi gặp Chúa. Họ âm mưu khi theo Chúa.

Sự khác biệt của hai nhóm này cũng dễ hiểu: như những nguời đau yếu cần đến thầy thuốc thế nào thì những người tội lỗi cần đến sự tha thứ của Chúa như thế. Còn người công chính, tự nhận mình là kẻ không có tội thì còn cần đến ai nữa.

Tuy nhiên, việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Cho dù Đức Giê-su yêu thương tội nhân nhưng Người rất ghét tội. Tình yêu và lòng nhân hậu của Người không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Người thấu hiểu và thông cảm cho sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, nhưng con người phải thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Người.

Thưa anh chị em,

Nhìn nhận tội lỗi, bỏ đường gian ác mà trở lại cùng Chúa là sứ điệp mà Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Giô-na nói cho dân thành Ni-ni- vê biết mà ăn năn. Thoạt đầu, Giô-na thoái thác, không dám nhận trách nhiệm còn tìm cách trốn tránh. Tuy nhiên, cuối cùng, trải qua bao gian nan, lịnh truyền của Thiên Chúa cũng được ông thi hành. Thiên Chúa đã chọn và dùng cách thức của Người để gửi Giô-na đến đúng nơi Chúa muốn. Lời tuyên cáo mà Chúa muốn dùng miệng Giô-na thật ngắn gọn, ông nói “còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” Câu này ẩn chứa lời mời dân chúng tại Ni-ni-vê hãy ăn năn. Kết quả là dân chúng đã trở lại, bỏ đường gian ác và Chúa bỏ ý định và không giáng phạt họ nữa.

Thấy hiệu quả của lời rao giảng quá dễ dàng và quá tốt khiến Giô-na bực mình. Ông ca thán và lý luận với Thiên Chúa rằng Người đâu cần sai ông đi, chỉ cần lòng từ bi và thương xót của Thiên Chúa quá đủ để cứu dân thành Ni-ni-vê rồi. Nghe tiếng than van của ông, Thiên Chúa đã dùng hình ảnh ‘sớm nở tối tàn’ của cây thầu dầu để nhắc nhở ông rằng cho dù ông đã thương hại cho thân phận ‘sớm nở chiều tàn’ của cây thầu dầu mà ông đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên. Còn Thiên Chúa, chẳng lẽ Người lại không thương xót và đối xử từ bi với dân chúng thành Ni-ni-vê khi chúng đã ăn năn hay sao! (Giô-na 4:10-11)

Như vậy chủ đề ơn gọi và lòng hối cải cũng được án chỉ trong bài đọc một. Chúa không chỉ mời gọi Giô-na tham gia sứ mạng mà còn ban cho ngôn sứ Giô-na một sứ điệp, đó là kêu gọi dân thành Ni-ni vê sám hối. Nhưng trong bài Phúc Âm hôm nay, bốn người được gọi mà không có bất kỳ một lời chỉ dẫn nào từ Chúa hết. Họ trước tiên cũng được mời sám hối và tin để bước vào một tương lai không nằm trong dự án của họ, hoàn toàn không chắc chắn và lẽ dĩ nhiên sẽ sinh nhiều lo ngại.

Bước đầu tiên mà cả hai bài đọc đều nhấn mạnh đó là tâm tình sám hối của người môn đệ cần có để đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Lòng sám hối này không xẩy ra một lần, nhưng phải lập đi lập lại từng giây từng phút trong sứ vụ. Càng gần Chúa, càng được trọng dụng bao nhiêu thì càng phải sám hối bấy nhiêu.

Và để đáp trả lời kêu gọi và trở nên môn đệ của Chúa, chúng ta phải sám hối, phải từ bỏ cuộc sống cũ, xếp lại các tham vọng, ích kỷ và những ước mơ cũ ở lại sau lưng; rồi tin vào Tin Mừng, chấp nhận theo Đức Giêsu và sống theo các huấn lệnh của Người. Các điều đó sẽ làm cho chúng ta xứng đáng trở nên môn đệ, thành viên của Nước Thiên Chúa.

Sám hối không chỉ là việc nhận ra mình có tội, xưng tội để hòa giải cho được sạch tội mà thôi; nhưng để tin vào Tin Mừng, nghĩa là tin vào lời giảng dậy, việc làm và lối sống của Đức Giêsu, Đấng sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của Người với đời sống của ta, Đấng đã tiêu diệt quyền lực của sự ác trong ta, để nhường chỗ cho sự hiện hiện của Nuớc Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Niềm xác tín này là một yếu tố quan trọng trong hành trình của môn đệ. Thiếu vắng nó thì cuộc sống của chúng ta cũng lâm vào cảnh “bị tắc nghẽn”, giống như trường hợp thiếu niềm tin của dân làng Nazareth trong lần Đức Giêsu về cố hương thăm họ.

Chúng ta không thể tách rời các yếu tố: sám hối, từ bỏ, tin, chấp nhận rồi theo Chúa thành các phần riêng biệt để thực hiện. Các yếu tố này xẩy ra cùng một lúc khi chúng ta đưa ra quyết định. Không ai khác có thể làm thay cho chúng ta. Không có việc từ bỏ trước rồi mới thành môn đệ sau. Không có việc hôm nay quyết định với một quyết tâm rõ ràng, rồi mai này khi gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ làm tiêu hao nguồn năng lực, và việc dấn thân cho ơn gọi cũng bị suy giảm.

Thời gian chờ đợi, các thử thách trước mắt, sự yếu hèn có thể là nguyên nhân khiến cho lời cam kết mang đầy nhiệt huyết của những ngày đầu tiên bị bóp nghẽn và chết đi. Chỉ có nhờ quyền năng và sống trong sức mạnh của Chúa mới giúp chúng ta vực lại tính năng nổ, bầu nhiệt huyết để sống trung tín với các lời cam kết mà chu toàn sứ mạng của người môn đệ.

Sau cùng, anh chị em nhớ rằng: công việc của chúng ta không chỉ là việc ước nguyện cho Nước Cha mau đến, nhưng thật ra Nước Thiên Chúa đã hiện diện, đang tìm cách xâm nhập vào trái tim và biến đổi chúng ta thành những người môn đệ của Đức Giê-su. Vì vậy, hãy để cho các tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa hướng dẫn và chỉ đạo cuộc sống chúng ta. Hãy để cho tiếng gọi của Đức Chúa chuyển hướng, làm chủ và chiếm đoạt tâm hồn mình và từ đó chúng ta từ bỏ con người cũ, quên đi nếp sống tù túng của tội lỗi mà mặc lấy con người mới, con người hồng ân của Đức Ki-tô, Đấng kêu gọi và làm chủ cuộc sống của mình, những người môn đệ chân chính của Đức Chúa. Amen!

No comments:

Post a Comment