Wednesday, 31 March 2021

HÃY TRỖI DẬY VÌ NGƯỜI ĐÃ PHỤC SINH

 


Anh chị em thân mến,

Anh chị em thuộc Giáo Hội Công Giáo bên Đông Phương có thói quen nhắc nhở nhau trong ngày mừng lễ Phục sinh: Chúa đã sống lại thật. Và, ngay cả chúng ta, những người may mắn sống trên đất Úc cũng bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá Phương Tây, nên kể từ sau Lễ Vọng Phục Sinh, mỗi khi gặp nhau, chúng ta cũng trao cho nhau lời chúc mừng Happy Easter. Đây là thói quen tốt. Nhưng tôi e ngại đó chỉ là những công thức, những ngôn từ suông, không chứa đựng một sứ điệp hay một chút cảm xúc gì!

Trong giây phút này, tôi không dám nói thêm về các giáo điều hay giải thích thêm về ý nghĩa của mầu nhiệm mà chúng ta đang mừng. Dù có muốn cũng chẳng biết nói gì!

Tuy nhiên, qua mấy ngày vừa qua, tôi vẫn loay hoay tự hỏi tại sao một người vô tội như Đức Giê-su mà Philato đã không dám kết án lại bị chết như một tử tội. Nói theo ngôn ngữ của các cháu hôm nay ‘it’s not fair – thật là bất công’

Thật vậy làm sao chúng ta có thể nói ‘it is fair’ khi còn biết bao nhiêu người vô tội vẫn bị chết thảm thương. Cụ thể, vào Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 28 tháng 3 vừa qua, một cuộc đánh bom nhắm vào những người Công giáo, họ vừa tham dự Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Thánh Tâm Chúa Giê-su trên đảo Sulawesi làm cho ít nhất 14 tín hữu đã bị thương. Tưởng cũng nên nhắc lại, vào tháng 5 năm 2018, ba năm trước đây, một số nhà thờ bên Indonesia đã bị đánh bom. Số phận của những tín hữu bên Indoneisa và các nước Trung Đông vẫn bị đe dọa. Họ nhận đuợc những lời hăm dọa của một số tổ chức cực đoan, cuồng tín nhằm chống phá các sinh hoạt của Hội Thánh Công Giáo tại một số quốc gia mà số người theo Chúa chỉ là thiểu số.

Gần đây, trên các bản tin chúng ta được nghe về số phận của các thường dân vô tội nhất là các trẻ em vẫn đang bị giết bên Myanmar!

Ngoài ra, trên thế giới vẫn còn những người đang chết dần mòn vì nghèo đói. Vẫn còn những người đang kéo lê cuộc sống vì những căn bệnh hiểm nghèo. Vẫn còn những trẻ thơ đang bị giam kín trong các trại giam của cô đơn; bị bỏ rơi và thiếu tình thương của các bậc sinh thành. Vẫn còn những trái tim đang tan nát vì bị phản bội hay bị lợi dụng. Vẫn còn những con người không còn tương lai, hay tương lai đang bị chôn vùi bởi những nấm mồ đen tối không lối thoát. Và, còn bao nhiêu cái ‘vẫn đang xẩy ra’ như sự hoành hành của Covid-19 vẫn đe dọa cuộc sống của con người tại hầu hết các nơi trên thế giới và còn nhiều chuyện riêng tư ‘đang xẩy ra’ xung quanh chúng ta nữa!

Đó là những câu chuyện lớn. Còn trong cuộc sống, chúng ta đã trải qua các kinh nghiệm bi thương như bị lâm vào cảnh cô đơn, bị ruồng rẫy, bị phản tội, bị lợi dụng, bị phụ tình, nạn nhân của ghen tuông, bị nhạo báng, chịu sỉ nhục, sống trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan… muốn nói ra mà không biết giải thích làm sao. Một sự im lặng, câm nín không lối thoát bao vây đời mình. Và lúc đó chúng ta chỉ thấy cuộc đời chỉ là màn đen, bóng tối đang bao phủ và hầu như không lối thoát.

Trong cảnh ngộ đó, nhiều người đã tìm một giải pháp để thoát; họ không còn đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là việc cần làm, đâu là việc nên tránh; qua việc tìm kiếm để được giải thoát họ chỉ muốn không còn bị đau khổ nữa; nói khác đi họ đã quá đau, trong cơn đau quằn quại của thể xác, tâm trí hoảng loạn, họ chỉ muốn hết khổ. Còn chúng ta, những tín hữu của Chúa biết tìm vào đâu?

Như các Tông đồ và các tín hữu của Giáo Hội tiên khởi, chúng ta tuởng mọi sự như đã kết thúc vào chiều ngày Thứ sáu Tuần Thánh. Đức Kitô trần trụi trên Thập giá tưởng như cũng bị bó tay. Làm như sự ác đã chiến thắng! Nhưng, thật ngạc nhiên! Vì, chính lúc đó, Thiên Chúa lại can thiệp.

Thưa anh chị em, nhất là những ai đã từng trải qua một vài kinh nghiệm nói trên hãy cùng tôi đi thêm một bước nữa, bước mà chúng ta cùng với toàn thể Hội Thánh cử hành hôm nay.

Đức Giê-su đã sống lại ngay trong lúc mà chúng ta tưởng như Người đã bị bí lối. Người vẫn đang sống trong hoàn cảnh bó tay mà chúng ta đang phải đối diện. Nhận ra cảm nhận  như thế, mới biết Phục sinh là ánh sáng soi đường. Có kinh nghiệm như thế mới biết sự sống cần và quan trọng như thế nào.

Sự thinh lặng mà Hội Thánh mời gọi chúng ta đi vào từ khi Chúa chết cho đến bây giờ nhắc cho chúng ta biết về thân phân ‘bị bó tay’ của mình: không đường đi, không lối thoát. Chúng ta bị bó tay, Đức Kitô trần trụi trên Thập giá tưởng chừng như cũng bị bó tay… Nhưng chính lúc đó là lúc Thiên Chúa làm việc và can thiệp vào tình trạng ‘bị bó tay’ của nhân loại và của riêng mỗi người chúng ta.

Ánh sáng Phục Sinh đã bùng lên trong đêm tối của cuộc đời.

Ánh sáng Phục Sinh đã đem đến cho cuộc đời một ý nghĩa mới, mục đích mới. Và chỉ có ai cảm nhận được sự can thiệp đó của Thiên Chúa mới biết niềm vui là gì và từ đó mới có thể đem niềm vui cho người khác.

Chúa Phục sinh không cất đi những bi thảm của cuộc đời tôi; nhưng chính Người đã ôm lấy những bi thảm đó. Tôi không còn cô đơn, ngã gục nhưng Phục sinh đã giúp tội nhận ra rằng Chúa đang hiện diện và ôm tất cả những nghịch cảnh của cuộc đời vào lòng Người và ban cho tôi sức mạnh để nâng tôi dậy.

Chúa Phục Sinh đem đến cho tôi niềm hy vọng. Hy vọng và xác tín rằng ngay lúc đen tối nhất Thiên Chúa không bỏ rơi Con Ngài thì Ngài cũng không bỏ rơi tôi. Can đảm, mạnh dạn mà tiến bước là thái độ sống mà tôi học được qua Phục sinh.

Phục Sinh giúp tôi hiểu rằng sức mạnh oai phong của Thiên Chúa giúp tôi chấp nhận thực tại của đời sống như: bị hiểu lầm, bị đối xử thiếu công bằng; ngay cả lúc tôi trao đi tình yêu của mình, nhưng bù lại bằng sự lạnh nhạt hay phản bội của đối phương; và nhất là không còn sức để đối diện với sự thật về đời mình, về người khác…. Đức Ki-tô Phục sinh giúp tôi chỗi dậy đễ chấp nhận với niềm tin rằng Ngài vẫn sống trong cảnh ngộ của tôi.

Chúng ta đừng nghĩ rằng Người đã rời xa tôi. Không, Người vẫn sống, một cách thật thầm lặng – như hạt lúa gieo vào lòng đất - mục nát – chờ ngày trổ sinh hoa trái

Thưa anh chị em,

Chúng ta không thể tách cuộc khổ nạn của Chúa trong ngày thứ Sáu, sự thinh lặng hầu như quá khó hiểu của ngày thứ Bẩy ra khỏi mầu nhiệm Phục Sinh mà chúng ta đang cử hành. Tất cả được liên kết trong bàn tay thật tuyệt diệu của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và sự sống thật sung mãn để chúng ta vào đời với tâm hồn vui tươi, hân hoan vì có Chúa Phục sinh ở cùng.

Đây không phải là điều mà chúng ta đạt được. Nhưng hoàn toàn là do ân huệ của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Thần, sức riêng sao đạt được. Vậy xin Chúa sai Thần Khí Chúa xua đuổi lối sống bi quan yếm thế để chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa, đấng đang sống trong cảnh ngộ của từng cá nhân, rồi bước đi trong yêu thương.

Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh. Thế giới đang bị ảnh hưởng bởi lối sống vô cảm vẫn cần niềm hy vọng; những người đang trải qua những bi kịch của đời sống đang cần đến ánh sáng. Vậy chúng ta hãy mạnh dạn mà tiến bước vì có Chúa Phục sinh đang ở cùng. Alleluia

Thursday, 25 March 2021

TÂM TÌNH TUẦN THÁNH

 


Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh. Đây vừa là nền tảng vừa là cao điểm trong cuộc sống mà chúng ta cần nhắm đến. Vẫn biết rằng, chúng ta không chỉ được mời gọi để đồng hành và chia sẻ sự chết của Con Chúa mà thôi. Hơn thế nữa, với lòng xác tín, qua sự chết của chính mình, chúng ta sẽ được thông hiệp vào giây phút mà Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Ki-tô trong Mầu Nhiệm Phục Sinh mà chính Người đã lĩnh nhận và chia sẻ cho chúng ta.

Trong tuần này, chúng ta sẽ cùng với Đức Giê-su hiên ngang buớc vào Tuần Thương Khó. Cùng với Đức Giê-su, chúng ta can đảm và mạnh dạn bước vào ‘thời điểm – giờ’ của Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng qua đó, Thiên Chúa sẽ bộc lộ trọn vẹn mối tình của Thiên Chúa cho chúng ta như thế nào! Tất cả mọi việc Người làm đều vì yêu.

Truyện kể rằng: Có ông chồng kia thật là diễm phúc khi đuợc vợ cùng đến văn phòng bác sĩ để khám bịnh. Sau khi kiểm tra sức khỏe cho ông, các bác sĩ mới gọi người vợ vào văn phòng rồi báo cho bà nhà biết rằng: “Thưa bà, chồng của bà đang bị căng thẳng, tình hình rất nghiêm trọng. Nếu bà không làm những điều mà chúng tôi đề nghị sau đây, hẳn nhiên ông nhà nhất định sẽ chết.” Nghe thấy thế, bà ta nhanh chóng nói, “Thưa bác sĩ, hãy nói cho tôi biết những việc mà tôi cần làm”. Bác sĩ trả lời, “mỗi buổi sáng, bà hãy chuẩn bị cho ông một bữa ăn sáng lành mạnh; ban trưa bà cố nấu những món gì mà ông thích và trong bữa ăn tối, bà và con cái hãy tạo cho ông cảm nhận tình yêu và sự hỗ trợ của gia đình qua bữa cơm tối. Bà hãy nhớ là đừng chất thêm gánh năng hay tạo sự căng thẳng trong cuộc sống ông. Quan trọng nhất, đừng cằn nhằn ông nhà. Nếu bà có thể làm các điều này trong khoảng thời gian từ 10 tháng đến một năm thì sức khỏe của ông sẽ hồi phục hoàn toàn.”

Trên đường về nhà, người chồng nhìn thấy vẻ mặt trầm tư và đau khổ của vợ mới hỏi “các bác sĩ đã cho em biết về tình trạng sức khỏe của anh như thế nào?” Bà nhìn chồng mình rồi nói: “Anh yêu ơi! họ nói rằng darling của em ơi, anh sẽ chết. Em và các con phải làm gì cho anh đây?”

Câu chuyện dừng lại ở đó và không có kết luận.

Như người vợ trong câu chuyện, anh chị em chúng mình sẽ chọn lựa thế nào để diễn tả một cách thật cụ thể tình yêu của mình với những người đang chung chia cuộc sống với mình đây?

Yêu mà không thể hiện bằng hành động thì tình yêu đó rồi cũng mai một đi và dẫn con người đến nấm mồ mà thôi.

Lẽ ra, trong cuộc đời và nhất là Tuần Thánh này, chúng ta cố gắng sống và trao ban cho nhau trọn vẹn lòng yêu mến của Đấng đã trao cho chúng ta quà tặng tình yêu đó. Nhưng, thực tế chúng ta lại mang lấy tâm trạng của những kẻ nhút nhát và phản bội như các môn đệ: ông này chối Chúa, ông kia bán Người; lại có ông bỏ rơi Người trong giây phút Nguời cần sự đồng cảm và hỗ trợ của các ông… Rồi chúng ta cũng có thể lại đồng ý với dã tâm và lòng thâm độc của các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã bày mưu giết Người; rồi một cách nào đó, chúng ta cũng đồng ý với các hành động tàn nhẫn của quân lính khi hành hình Chúa tôi!

Những cực hình về mặt thể xác và tinh thần mà Đức Giê-su đón nhận một cách hiên ngang và tự nguyện vì yêu thuơng sẽ không làm cho cảnh vật buồn thảm hơn.

Vào tối thứ Năm, đôi bàn tay của Chúa đã rửa và lau sạch mọi thứ bụi trần còn dính vào đôi chân của những kẻ theo Người. Việc làm này không chỉ nhấn mạnh đến tinh thần phục vụ như một người tôi tớ; nhưng qua nghĩa cử yêu thuơng hạ mình thâm sâu đó, Người muốn phá tan mọi hàng rào ngăn cách giữa thầy và trò, chủ và tôi tớ, người với người.

Rồi sang ngày thứ Sáu, Đức Giê-su đã dâng hiến tinh thần, thân xác và sứ vụ của Người như lễ vật hy sinh vào tay Chúa Cha. Người mở tay ra để trao phó, còn đôi bàn tay của Thiên Chúa, Cha Người cũng mở ra để đón nhận. Một giao uớc được ký kết, giao ước của Tình Yêu nói lên đích điểm của việc trao ban và đón nhận. Giao Uớc này thay thế cho mọi giao ước trước. Vì thế, ngày thứ Sáu sẽ không còn là ngày buồn thảm và tang thương như một số người chủ truơng. Nhưng đó là “Good Friday – Ngày Thứ Sáu Tốt-Đẹp.” Trong ‘ngày và giờ’ đó tình yêu của Chúa được thể hiện một cách thật trọn vẹn qua con đuờng Người đã đi.

Sự thinh lặng trong ngày thứ Bẩy Tuần Thánh nhắc cho chúng ta biết về thân phân ‘bó tay’ của mình: không còn đường nào để đi, không còn lối nào để thoát. Nhưng, chính vào lúc đó Thiên Chúa lại ra tay làm việc và can thiệp vào tình trạng ‘bó tay’ của nhân loại và của riêng chúng ta.

Vì thế, các nghi thức phụng vụ mà chúng ta cử hành trong những ngày này, cách xử thế trong cuộc đời và lối sống đạo của chúng ta rất cần đuợc dẫn dắt bởi mối tình cao cả mà Con Thiên Chúa đã thực hiện.

Vẫn biết là sống đạo như thế mới là sống đích thật. Nhưng trở về để đối diện với thực tế, tôi tự hỏi mình rằng: đã bao lần tham dự các nghi thức trong Tuần Thánh, đã bao lần suy niệm về con đuờng Thập Tự của Đức Giê-su; thế mà các biến cố đã xẩy ra trên con đuờng của Chúa, nhất là sự chết của Người đã có ảnh hưởng gì trên hành trình niềm tin và lối sống đạo của tôi?

Rồi lại, nếu nay mai có người hỏi tôi rằng: anh hay chị đã yêu Chúa như Chúa yêu chưa? Có lẽ, chẳng có mấy người trong chúng ta dám mạnh dạn trả lời ‘có’. Giả như có một số người thật dũng cảm khi trả lời có thì câu trả lời ‘có’ đó cũng chỉ là từ ngữ; bởi vì, sau đó khi được yêu cầu liệt ra các việc làm cụ thể của yêu thương thì chúng ta lại ấp úng, rồi cười xoà cho xong.

Nhưng nếu nói về việc phê phán hay nhận định về cách thế bộc lộ tình yêu và lòng mến của người khác thì chúng ta giỏi lắm. Rồi vẫn còn một số người thường ‘suy bụng ta ra bụng người’ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để tìm ra ý nghĩa sâu sắc của viêc làm nào đó của tha nhân!

Hãy nhớ lại. Mary, chị của Lazarô, người đã dùng dầu thơm hảo hạng để xức chân Đức Giêsu; thế mà cũng có người cảm thấy bị xúc phạm rồi phê phán hành động của Maria thật là hòai của và lãng phí, tại sao chị lại không dùng tiền đó mà cho người nghèo! Với Chúa thì khác, Người nhìn thấy tấm lòng của chị ta. Chúa xác định một cách thật chắc chắn rằng, hãy để chị ta làm việc của chị ấy, đừng xía miệng vào chuyện của người khác. Việc làm của chị thật tuyệt diệu; qua hành vi này Maria đã bộc lộ tấm lòng quí mến của chị dành cho Thầy.

Chúng ta nên đến với nhau bằng tấm lòng độ luơng và đôi tay mở ra, chứ đừng hoài nghi hay phê phán các việc tốt của người khác đã và đang làm. Trái lại, chúng ta cũng không nên quá cẩn thận và e dè khi cần làm một điều thiện cho tha nhân. Tất cả đều đuợc đánh giá bằng lòng yêu mến. Hành vi của lòng nhân hậu phát sinh bởi ý ngay lành đều là những hành vi Thánh Thiện. Những gì càng nhỏ bé và dấu kín và một khi được bộc lộ thì giá trị càng cao. Sự thánh thiện đích thật thường được giấu trong cái vỏ bình thường bên ngòai. Và với lòng yêu mến, việc phục vụ tha nhân chính là phụng sự Thiên Chúa vậy.

Với tâm tình như thế, cầu chúc anh chị em buớc vào Tuần Thánh với tấm lòng yêu mến để múc thêm năng luợng mà phục vụ và trở thành của lễ cho Thiên Chúa và sinh nhiều ích lợi cho nhau.

 

 

Thursday, 18 March 2021

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠT GIỐNG TRỔ SINH HOA TRÁI?

 

Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Trong bài Tin Mừng tuần trước, Thánh Gio-an đã nói “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Và đây chính là toát yếu của toàn bộ Tin Mừng và cũng là trọng tâm của đời sống tín hữu. Chúng ta còn được mời gọi suy gẫm và thực thi giao uớc Tình Yêu này trong cuộc sống. Tình yêu là cho đi, là ban phát. Thật vậy, Đức Giê-su là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại. Người đã đến để làm chứng cho Tình Yêu, không bằng chữ viết hay ngôn từ, nhưng còn bằng chính cuộc sống của Người. Cả cuộc đời của Người huớng về đích điểm đó, đích điểm diễn tả một cách thật cụ thể Tình Yêu Của Thiên Chúa, mà hôm nay theo Tin Mừng của Thánh Gio-an gọi là ‘giờ’.

Trong khi thi hành sứ vụ, bao nhiêu người đã ngộ nhận về mục tiêu, đích điểm, ‘giờ’ của Đức Giê-su; nhưng Người luôn luôn nói: “Giờ Ta chưa đến”. Giờ mà Đức Giê-su đã tiên báo lần đầu tiên tại tiệc cưới Cana. Giờ mà Người đến để Chúa Cha được thành toàn và tôn vinh. Nhưng, trước tiên ngay bây giờ và cũng như trong mọi khoảnh khắc của sứ vụ, Người cần vâng phục trọn vẹn ý định của Chúa Cha. Nói như thế có nghĩa là mọi cử chỉ của Người, mọi thái độ và cách hành xử của Người đều hướng về giờ đó. Đức Giê-su ý thức và biết rất rõ các việc Người làm dẫn Người đến giờ chết. Nhưng vì giờ này mà Người đã đến.

Thật can đảm cho ai biết rõ việc mình làm sẽ đem đến tai họa cho bản thân; nhưng vì lợi ích của người khác mà Người vẫn hân hoan thực hiện chỉ để làm chứng rằng Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho chúng ta được sống.

Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Người cuối cùng cũng phải xác định giờ đó sắp diễn ra. Người muốn nói ở đây là giờ nào vậy? Và, làm thế nào tâm tình của chúng ta có thể biến chuyển từ quan điểm cho rằng đó là thời điểm của thất bại. Tệ hại hơn, người ta còn coi như đó là giây phút của ô nhục và đáng khinh miệt. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì làm sao chúng ta có thể nhìn nhận giờ chết của một người sắp bị hành hình trên ghế điện hay là bị xử tử lại có thể là giây phút đem lại vinh quang cho người đó. Lối suy nghĩ và đặt vấn đề như thế cũng không xa lạ gì với cách nhìn vấn đề về cái chết trên Thập Gía của những người cùng thời với Đức Giê-su. Đó là án chết dành cho các tử tội. Đức Giê-su bị treo trên thập giá giữa 2 tên trộm cướp, nằm trên một ngọn đồi đầy sọ người mà người ta gọi là núi sọ.

Chết như thế mà dám gọi là vinh quang hay sao?

Để đáp trả cho câu hỏi này và cũng là câu trả lời của Đức Giê-su dành cho những người Hy Lạp muốn tìm kiếm và gặp Người. Họ muốn giáp mặt Người. Nhưng Người lại nhân cơ hội này bộc lộ cho họ và chúng ta biết làm thế nào để gặp được Người. Đức Giê-su đã không tiếp tục giải thích về sự nối kết giữa ‘giờ vinh quang’ và cái chết mà Người sắp đón nhận. Người dùng ví dụ mà nguời đuơng thời hay những ai có kinh nghiệm trong việc trồng cấy đều hiểu ngay điều Chúa muốn nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”

Ý nghĩa của ví dụ về sự phát triển của hạt giống trở nên rõ nghĩa hơn khi Đức Giê-su nhấn mạnh đến việc yêu thương và hy sinh cuộc sống mình vì lợi ích của người khác. Ai trong chúng ta cũng có trải nghiệm này là sống cho bản thân, chỉ lo cho mình là một lối sống tự diệt. Tình Yêu chỉ được thăng hoa khi người đó dám yêu và dám sống cho người khác. Tuy đó là hy sinh nhưng sự hy sinh như thế là việc rất cần thiết vì chúng ta biết rằng các việc làm tự nguyện đó sẽ đem lại ích lợi cho tha nhân.

Trong cuộc sống gia đình, có vợ chồng nào đã không buông bỏ ý riêng mình, thay đổi lối tư duy để sao cho hòa hợp với người mình yêu, không chỉ một vài lần mà hàng vạn lần. Lối sống chết đi cho ý riêng, sống lại với ý nghĩ mới để cùng nhau nở sinh hoa trái là khuôn mẫu trong mọi mối tương quan đã thấm nhuần vào trong cuộc sống của chúng ta. Một hình ảnh khác, cũng trong môi trường gia đình, có bậc phụ huynh nào không yêu con khi hy sinh cho con cái, từ bỏ ý riêng để chấp nhận ý định của các cháu và mong cho các cháu có một cuộc sống đổi mới. Đó cũng là việc chết đi cho ‘cái tôi’, sống cho người khác để họ được sinh hoa kết trái trong cách chọn lựa mới.

Nói chung, lối sống như thế tạo cho chúng ta một lối sống giầu có và luôn được thăng hoa, vì nó có thể chạm đến nguồn suối yêu thuơng của Thiên Chúa. Tất cả những điều đó đã được Đức Giê-su thể hiện qua cuộc sống từ bỏ, chấp nhận trong hân hoan để được chết đi, trở thành Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng những ai đang đói khát nguồn ơn cứu thoát. Thật, đúng như thế, vì Thiên Chúa đã không sai Con của Ngài đến để luận tội và xét xử thế gian, nhưng nhờ Con của Ngài mà thế gian được cứu thoát.

Như vậy, thưa anh chị em,

Qua tấm lòng vâng phục, ngay cả sự chết cũng không làm Đức Giêsu chùn bước; cho nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người vuợt lên trên mọi sự. Nhưng, sao mà Đức Giê-su có thể vượt qua mọi sự, ngay cả nỗi cô đơn, vuợt qua muôn vàn thử thách, ngay cả sự chối bỏ của những người bạn cùng đồng hành với Người, để trung thành và chấp nhân sự chết như thế? Chỉ có một câu trả lời xác đáng rằng sức mạnh mà Đức Giê-su có được, hoàn toàn phát sinh từ mối dây hiệp thông mật thiết với Chúa Cha, chỉ muốn làm hài lòng Cha. Có nghĩa là cái chết của Đức Giê-su cho thấy tình yêu vô biên của Thiên Chúa trong Người, bởi vì Người sống hoàn toàn cho Chúa Cha và hoàn toàn cho thế gian.

Còn một điều khác vừa kỳ diệu vừa thách thức bản thân khi chúng ta lại được nghe qua môi miệng của Chúa, Đấng tha thiết mời gọi chúng ta cùng tham dự vào sự chết của Người. Lúc đó, chúng ta giống như những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo trồng: cần bị mục nát, cần bị chết đi để sinh hoa lợi cho người khác. Đây là giây phút cao quí nhất của những ai theo và noi gương để chết đi như Đức Giê-su. Đây là giây phút tập trung lại tất cả những gì Đức Giê-su đã thực hiện khi còn sống và được tiếp tục qua lối sống tự hạ của chúng ta là những người sẵn sàng chấp nhận chết đi cho nhau được sống. Và, như Đức Giê-su, trong giây phút quên mình đó, cuộc đời của chúng ta cũng đựơc Thiên Chúa tôn vinh.

Và trong tâm tình đó, xin mời anh chị em cùng ôn lại một vài gương sáng.

Trước hết là cuộc đời của mục sư Martin Luther King. Ông là một con người đã dùng cả cuộc đời để tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da đen; và sau cùng, ông đã bị ám sát chết vào ngày 4 tháng 4 năm 1968. Truớc cái chết vô cùng tang thương, trước sự mất mát thật to lớn của nhân loại; có ai trong chúng ta dám nói lúc ông bị ám sát là giây phút vinh quang của đời ông? Hay là chúng ta chỉ biết than khóc cho một con người đã hết lòng vì người khác. Đây phải chăng là một sự thảm bại mà ông phải chịu khi dám đứng ra để chống lại một thế lực quá lớn không hỗ trợ cho phép người da đen được bình đẳng. Tuy nhiên, ngày hôm nay sau hơn 50 năm, chúng ta đều nhận ra một điều là qua sự chết, ông đã đạt được giấc mơ đem lại quyền bình đẳng giữa người da mầu và da trắng. Đó chính là giây phút vinh quang mà ông muốn nhắm đến. Qua sự chết, ông đã truyền sức sống cho những hạt giống ở các thế hệ kế tiếp.

Qua sự chết của cố mục sư Martin Luther King làm chúng ta nhớ lại cái chết của vị cha già dân tộc Ấn là Mahatma Gandhi.

Người ta cũng không thể quên cái chết của linh mục dòng Phan-xi-cô, cha Ma-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê đã tình nguyện chết thay cho người bạn tù. Hoa quả của cái chết mà Ngài để lại là tình thân ái, yêu thương và chia sẻ của những người bạn tù còn sống sót trong trại giam. Ai cũng cảm phục và muốn noi gương vị Linh mục dòng Phanxicô, đã hy sinh mạng sống để cứu một người anh em.

Đó là những mẫu gương phi thuờng đòi hỏi một cố gắng đem đến kết quả cũng phi thường. Nhưng đối với chung ta, hãy nhìn vào cuộc sống gia đình, chúng ta vẫn nhận ra rằng còn có những người cha và mẹ sẵn sàng hy sinh bản thân, chấp nhận là người thua cuộc chỉ vì họ yêu con cái của họ và người bạn đuờng hơn yêu chính bản thân. Còn bao nhiêu người đang âm thầm chết để bộc lộ tình yêu và gầy dựng tương lai cho các thế hệ mai sau. Trong Chúa, họ rất đáng được ca ngợi và tôn vinh.

Vì thế trong giây phút chuẩn bị bước vào Tuần Thương Khó, chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì lối sống chứng nhân của bao nhiêu con người đang chết đi cho chính mình để sự chết của họ như mầm giống trổ sinh hoa trái cho các thế hệ mai sau. Họ là chứng nhân Tình Yêu. Cùng với họ chúng ta ngợi khen Tình Yêu của Thiên Chúa, Đấng mãi yêu thương chúng ta và thế gian đến nỗi hy sinh Con Một, Ngài cũng vui lòng. Amen.

 

Thursday, 11 March 2021

THIÊN CHÚA YÊU TẤT CẢ, CÒN CHÚNG TA?

 

Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin mừng hôm nay có một câu được nhiều người biết và cũng  được yêu thích nhất trong Tân Ước. Câu nói đó được coi như là toát yếu toàn bộ Tin Mừng mà Đức Giê-su đem đến và cũng bộc lộ bản chất đích thật của Thiên Chúa: Người chính là Tình Yêu. Tình Yêu của Người dành cho thế gian và mọi kẻ thuộc về nó. Tình yêu đó là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Gio-an 3: 16)

Tình yêu của Thiên Chúa đã trải dài qua muôn thế hệ. Tình yêu đó đã xuất hiện ngay khi Người tạo dựng. Mọi sự Người tạo dựng đều tốt đẹp và thiện hảo. Trong khi đó thế gian chưa bao giờ tùng phục và tuân theo ý của Người. Quyền lực của thế gian luôn là thế lực chống đối Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà thế gian có thể làm giảm uy lực Tình yêu của Thiên Chúa, trái lại Người càng yêu mến thế gian hơn.

Sự tích sa ngã trong sách Sáng thế ký không chỉ cho ta thấy sự thất bại của con người cho bằng đề cao lòng thành tín và yêu thương của Thiên Chúa, Đấng luôn đi bước trước để tìm kiếm con người cho dù vì tội mà con người luôn tìm cách trốn tránh Thiên Chúa. Còn hơn thế, và để chuẩn bị cho muôn thế hệ nhận ra Tình yêu của Người, Thiên Chúa đã chọn một dân tộc để diễn tả lòng thương yêu, sự quan tâm của Ngài dành cho đám dân được tuyển chọn đó.

Đúng vậy! Tình yêu của Thiên Chúa không phải là mớ giáo thuyết, cũng không lệ thuộc vào các trải nghiệm của con người. Nhưng, tất cả đều diễn tiến qua các biến cố lịch sử, trong đó con người có thể nhận ra bàn tay can thiệp của Thiên Chúa. Một cách cụ thể, trong bài đọc một mà chúng ta nghe hôm nay kể lại việc vua Ky-rô phóng thích, cho phép dân Israel được hồi hương, trở về tái thiết xứ sở, xây dựng lại Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã bị sụp đổ. Qua hành động của Vua Ky-rô, xứ Ba-tư này, dân Do Thái và chúng ta nhận ra lòng yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện trong việc Ngài đã can thiệp để cứu thoát dân riêng của Ngài.

Sau đó, trên đường về đất hứa, trong sa mạc, trước các thử thách, họ than van và chẳng còn nhớ đến ơn Ngài, lại còn đòi quay về Ai cập, cho dù ở đó, cuộc sống có khó khăn, thân phận bị ngược đãi như những kẻ nô lệ, nhưng lại có thịt để ăn; bây giờ được tự do, lại lâm vào cảnh chết đói ở sa mạc thì hơn gì.

Dân chúng mọi thời vẫn thế. Được voi đòi tiên. Đến với Thiên Chúa theo ước muốn của riêng mình. Đến khi gặp thử thách thì lại trách móc. Tuy nhiên, Thiên Chúa của chúng ta luôn trung tín, không bao giờ thất hứa. Ngài ban cho họ Man-na để khỏi bị chết đói, cho họ nuớc uống để khỏi chết khát.

Sau khi được no nê và không bị chết khát, họ lại nổi loạn đòi giết chết cả ông Mai-sen. Với thái độ bất trung và phản bội như thế, một hiện tuợng đã xẩy ra cho dân, đó là biến cố rắn lửa bò ra cắn chết một số người trong họ. Trong nguy cơ đó, họ mới biết sợ và năn nỉ tổ phụ Mai-sen xin Chúa cứu họ. Chúa dạy ông Mai-sen làm một con rắn bằng đồng treo lên cao. Ai nhìn lên con rắn đồng mà sám hối thì sẽ được cứu khỏi chết.

Hôm nay, trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su đã nhắc lại sự tích con rắn đồng để ám chỉ đến việc Người sẽ bị giương cao trên Thập Giá để cứu độ con người, Đức Giêsu nói tiếp: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, được cứu độ”. Nghĩa là Thiên Chúa chỉ biết thương và muốn cứu, chứ không bao giờ muốn lên án hay trừng phạt ai cả. Chỉ có con người tự lên án và tự trừng phạt mình.

Thiên Chúa luôn yêu thương, kiên tâm chờ đợi việc quay về nẻo chính đường ngay của con người. Các câu chuyện trở về đuợc kể lại trong Thánh Kinh cho chúng ta thấy rằng: Khi trở về, Thiên Chúa không hạch tội bất trung của con người. Trở về với giao ước để đầu phục Ngài là Thiên Chúa duy nhất và chúng ta là thần dân của Ngài là vui rồi. Về trong nhà của Thiên Chúa, con người sẽ tìm thấy tất cả những gì đã đánh mất trong thời gian đi hoang.

Sau cùng, chương trình cứu độ đã được hoàn tất bởi sự vâng phục và trao hiến của người Con, Đức Giê-su Ki-tô. Người đã bộc lộ cho thế gian nhận biết Tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian đến dường nào. Nhưng, tất cả những gì mà Đức Giêsu đã làm, thì Người chỉ làm có một lần duy nhất, nhưng hiệu quả kéo dài đến mọi nơi mọi thời. Cho dù chúng ta không có mặt cùng thời với Đức Giêsu, nhưng không vì thế mà lợi ích của chúng ta nhận được lại thua kém những người cùng thời với Người.

Thật ra, các môn đệ và những ai sống cùng thời với Đức Giê-su cũng giống như chúng ta, phải chờ đến ánh sáng Phục Sinh, và nhất là duới quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần rồi họ mới nhận ra rằng nơi Người ơn cứu độ chứa chan cho những ai Tin vào Đức Giê-su. Đó là hồng ân của đức tin, một sự đáp trả không chỉ bằng lời nói, nhưng qua cách sống, một lối sống hoàn toàn phụ thuộc vào quyền năng của Đức Ki-tô, mà với lòng tin, chúng ta tôn vinh Người là Chúa. Còn những ai không tin, họ không bị kết án bởi Thiên Chúa, mà chính họ tự kết án chính mình, bởi vì họ ngoan cố, bướng bỉnh, chỉ muốn tự mình làm chủ và loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống của họ.

Còn đối với những ai tin thì cuộc sống của họ lệ thuộc vào Đấng mà họ tin thờ. Niềm tin của họ là một sự đáp trả không dựa vào ngôn từ mà còn bằng việc làm. Thật đúng như lời của Thánh Gia-cô-bê: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.” Nghĩa là một đức tin đúng nghĩa phải đuợc biểu lộ bằng hành động, qua lối sống của một con người đến để phục vụ.

Nói cho cùng thì Tin rồi Yêu và càng Yêu thì càng Tin. Đó chính là lối sống của người môn đệ. Chúng ta không bộc lộ, không diễn tả tình yêu của riêng mình. Nhưng, tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trong mọi tình huống, trong mọi giai đoạn, ngay cả những lúc yếu đuối nhất… để mà buớc đi và quảng bá cho thế gian biết rằng Tình yêu của Chúa vẫn trường tồn trong lối sống của mình.

Thật vậy, trong thân phận của những người môn đệ, chúng ta hãnh diện và xác tín rằng: chỉ có tình yêu mới làm cho con người sống trong hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn những gì mà chúng ta, cùng với mọi thành phần trong Hội Thánh, đang phải đối diện. Bởi vì,

Tình yêu luôn mở ra các cơ hội cho con người đến và giao tiếp với nhau.

Tình yêu là cánh cửa mở ra cho con người bước vào.

Tình yêu là động lực giúp chúng ta cùng bước để loan báo, không chỉ bằng lời mà còn bằng cuộc sống chứng từ của mình rằng: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng sống vì người mình yêu".

Thật vậy, Đức Giêsu đã tuyên bố như thế và Người đã sống chính Lời Người nói ra bằng việc đi đến cùng con đường Người tự chọn để thể hiện Tình Yêu của Người. Cái chết trên thập giá diễn tả mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng... Chết cho Tình Yêu để rồi sống mãi cho Tình Yêu.

Ngày hôm nay, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn cho thật vui để mừng đón mầu nhiệm Vượt Qua mà Đức Giê-su, Đấng đã dâng hiến chính mình, mở cửa Nước Trời cho chúng ta bước vào mà vui hưởng niềm vui được hòa giải với Thiên Chúa. Đó chính là điều mà Thánh Gio-an nói với chúng ta hôm nay rằng Thiên Chúa đã cho đi tất cả mà không hề do dự hay nuối tiếc, ngay kể người Con yêu dấu của Ngài. Còn niềm vui nào cao trọng và tuyệt vời hơn niềm vui của Thiên Chúa, Đấng vui sướng khi làm cho chúng ta được sống lại, khôi phục mối dây yêu thương của chúng ta với Ngài và với nhau.

Vì thế, với niềm tin vào sự hiện diện của Đức Kitô, cảm nhận được tình yêu nồng cháy của Thiên Chúa, Đấng đã trao ban cho chúng ta người Con duy nhất của Ngài. Chúng ta hãy tự hỏi mình đã làm gì cho Chúa và tha nhân? Người đang chờ đợi và mong muốn lối sống hy sinh, yêu thương và phục vụ hết mình của Người được tiếp tục qua cuộc sống của mỗi tín hữu, trong đó có bạn và tôi, tất cả mọi người không loại trừ một ai. Cầu xin cho nhau thực hiện được điều mong ước của Chúa, Amen.

Thursday, 4 March 2021

CHÚNG TA LÀ ĐỀN THỜ CHÚA NGỰ?

 

Anh chị em thân mến,

Sự kiện Đức Giê-su đuổi quân mua bán, đổi tiền, lật đổ bàn ghế của những kẻ bán bồ câu ra khỏi Đền thờ Giê-ru-sa-lem hôm nay đều được bốn Tin Mừng thuật lại. Tuy nhiên, việc sắp xếp biến cố này theo thứ tự thời gian sứ vụ của Đức Giê-su lại khác nhau. Tin Mừng Nhất Lãm đặt biến cố này vào lúc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng. Việc tẩy uế đền thờ coi như là giọt nước tràn ly, bởi vì sau biến cố này thì hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo Do Thái quyết định tiêu diệt Người. Trong khi đó, Tin Mừng theo Thánh Gio-an lại đặt biến cố này nằm trong một loạt dấu lạ xẩy ra vào lúc Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ.

Theo như chúng ta được biết, các dấu lạ trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an bao giờ cũng ám chỉ một ý nghĩa nào đó. Sự hiện diện cùng các dấu lạ kèm theo thường nói đến sự đổi mới, một sự bắt đầu lại mà Đức Giê-su đem đến. Thật vậy, trong Đức Giê-su, Thiên Chúa muốn gửi đến một điều gì mới mẻ và sâu sắc, một sự thay đổi không để phá hủy nhưng kiện toàn những cái cũ. Việc Đức Giê-su lật đổ bàn ghế của dân buôn tại Đền Thờ nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa của Đức Giê-su muốn phá bỏ những rào cản, các qui chế, tập tục và thay vào đó một điều gì đó sâu sắc và mới mẻ hơn.

Như chúng ta được biết, đền thờ Giê-ru-sa-lem là trung tâm, giữ một vai trò quan trọng trong việc thiết lập và phát triển đạo Do Thái. Đó còn là dấu chỉ nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa và với sự tồn tại của đền thờ, những người Do Thái còn hãnh diện được làm dân riêng của Thiên Chúa, dòng giống mà Thiên Chúa đã tuyển chọn.

Theo thông lệ, hàng năm, vào dịp lễ Vượt qua, mọi công dân Do Thái buộc lên đền thờ Giê-ru-sa-lem tham dự các nghi lễ theo luật dậy. Mỗi gia đình phải dâng tế phẩm cho Thiên Chúa, nộp vào đền thờ các phần hoa lợi trong năm, đồng thời thi hành các tục lệ và mừng Đại Lễ Vuợt qua, làm sống lại việc can thiệp của Thiên Chúa cứu thoát dân vượt qua Biển Đỏ.

Một điều đáng cho chúng ta lưu tâm là dân từ khắp nơi tuôn về, và các phương tiện di chuyển thời đó không nhanh chóng và thuận tiện như chúng ta ngày nay. Nói chung, họ phải đi bộ mấy ngày đuờng thì làm sao có thể mang theo của lễ theo như luật dậy. Vì thế, người ta buôn bán những vật liệu cần thiết cho việc tế tự và xử dụng các loại tiền riêng để nộp thuế đền thờ. Nghĩa là, dịch vụ buôn bán và đổi chác là các phương tiện cần thiết giúp cho dân thực hành việc tế lễ.

Nhưng, thay vì xử dụng chức vụ để phục vụ nhu cầu tế tự của dân chúng. Trái lại, để kiếm lợi, các thầy thượng tế và hàng ngũ lãnh đạo đã tổ chức các bàn đổi tiền ngay tại sân đền thờ, đồng thời buôn bán những con vật để làm của lễ như chiên, bò và chim câu. Họ độc quyền trong việc áp dụng bảng giá thật khắt khe để thu lợi nhiều hơn. Dân đen vẫn là đám thua thiệt và bị chèn ép.

Đó là điều Đức Giêsu không thể chấp nhận, Nguời nổi giận vì tâm địa tàn ác, óc não vụ lợi, xử dụng chức quyền vào mục đích riêng tư của cá nhân và phe nhóm họ. Khi xua đuổi những người đổi tiền và những người buôn bán ra khỏi đền thờ là lúc Đức Giêsu đã đụng chạm đến quyền lợi, uy danh của tầng lớp thế lực là các thượng tế và luật sĩ. Thiên Chúa không còn là đối tượng của việc thờ phượng cho nhóm họ, trái lại Thiên Chúa đã trở thành bình phong cho các mưu đồ riêng tư của cá nhân và phe nhóm họ.

Đức Giê-su đã không vì uy tín cá nhân, sự an toàn của bản thân mà làm ngơ trước hành vi sai trái của họ. Người còn biết rất rõ là họ sẽ chống đối và sẽ tìm cách tiêu diệt Người. Nhưng vì lòng yêu mến Thiên Chúa và những người dân vô tội, Đức Giêsu đã hành động quyết liệt:  xô đổ bàn ghế, lấy dây làm roi xua đuổi chiên bò và còn ra lịnh cho họ: hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi nơi đây và đừng biến nhà Cha Người thành hang trộm cướp.

Thưa anh chị em,

Qua hành động rất quyết liệt của Đức Giêsu khiến chúng ta có thể nghĩ rằng: Người làm như thế không chỉ đơn giản là việc xua đuổi mấy con buôn; nhưng Người muốn thay đổi một quan điểm, lật nhào một hệ thống tôn giáo đã mất gốc và đem đến một luồng gió mới, phục hồi lại bản chất đích thực của việc thờ phượng, tái tạo một lối sống đạo, trong đó Thiên Chúa là gốc và cùng đích của mọi sinh hoạt. Và, không có một tà thần nào có thể thay thế Thiên Chúa. Không có một kiểu thờ ngẫu tượng nào thay thế một tâm hồn chân chính trong việc phụng thờ Thiên Chúa được. Điều này đã đuợc thể hiện thật rõ ràng qua Lời Người phán “các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người nói như thế để ám chỉ đến Đền Thờ mới là Thân Thể Người. Nhưng, họ đã không hiểu. Làm thế nào họ có thể hiểu đuợc khi con tim và đôi mắt của họ chỉ nhắm đến việc thu vén tiền của và củng cố uy quyền mà thôi.

Theo tinh thần của Đức Giê-su thì tôn giáo hay đạo không chỉ dựa trên một hệ thống giáo điều và các việc tế tự tập trung vào trong tay của giai cấp lãnh đạo đền thờ mà thôi. Đạo chính là con đuờng, là lối sống đuợc xây dựng trên các mối tương quan giữa những kẻ tin với nhau. Và trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta nhớ lại lời dậy bảo của Chúa: Người muốn việc làm của chúng ta được phát sinh bởi lòng mến, lòng thương xót đối với người khác chứ không bằng hy lễ hay các nghi thức tế tự mà thôi. Hy lễ tuy cần thiết, nhưng nếu các điều đó không được phát sinh bởi tình yêu và lòng thương xót thì các nghi thức tế lễ cũng chỉ có tính chất trình diễn, nặng về mặt hình thức và chúng ta vẫn bị luẩn quẩn trong các nghi thức chết và không có sức sống.

Đền thờ tuy cần thiết cho tôn giáo, nhưng nếu đền thờ không còn mang ý nghĩa là tụ điểm của yêu thương, không còn là nơi để con người thờ phượng Chúa và chia sẻ tình huynh đệ thì cho dù đền thờ có nguy nga, tráng lệ và bền vững đến đâu cũng chẳng còn ích lợi gì cho lối sống đạo của chúng ta nữa. Ngoài ra, nếu cách biểu lộ việc sống đạo của chúng ta chỉ còn được diễn tả bằng các hình thức tế tự tại các đền thờ và quên đi tình yêu và lòng thương xót mà Đức Giê-su đã làm gương, thì lối sống đạo hình thức đó còn đem lại giá trị và hậu quả gì nữa đây!

Thật vậy, lối sống của Chúa là lối sống mở ra để đón nhận mọi người. Người yêu thương đón nhận mọi người, không phân biệt một ai, nam hay nữ, giầu hay nghèo, da trắng hay da mầu. Như vậy, trong các sinh hoạt của Hội Thánh, Thân thể của Đức Ki-tô và cũng là đền thờ đích thật của Thiên Chúa, nơi không có sự loại trừ, chỉ có yêu thương và tha thứ. Tại nơi đó, con người không còn bị giới hạn hay bị trói buộc bởi hệ thống giáo điều, cơ cấu khi đến với nhau. Hãy buông bỏ thể chế, buông bỏ guồng máy điều khiển làm cho con người xa cách nhau. Thay vào đó, chúng ta hãy nhìn sâu vào trong tâm khảm và cõi lòng của nhau để nhận ra rằng chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là anh em. Chúng ta hiện diện nơi đây, trong giây phút này, là vì Chúa và vì nhau.

Sau cùng, hãy học lối sống chia sẻ và ban phát của Đức Giê-su. Người đã sống cho và sống với người khác; đặc biệt là những ai bị bỏ rơi, những ai bị liệt vào hạng tội lỗi. Tất cả đều được mời gọi đồng bàn với Người; và khi đồng bàn với Người thì Người ban cho họ sức mạnh đổi mới, mời gọi họ chia sẻ con đường và lối sống của Người. Và một khi, chúng ta học được lối sống của Người là lúc chúng ta hãnh diện làm chứng rằng chính thật chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa vậy. Amen.