Thursday, 11 March 2021

THIÊN CHÚA YÊU TẤT CẢ, CÒN CHÚNG TA?

 

Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin mừng hôm nay có một câu được nhiều người biết và cũng  được yêu thích nhất trong Tân Ước. Câu nói đó được coi như là toát yếu toàn bộ Tin Mừng mà Đức Giê-su đem đến và cũng bộc lộ bản chất đích thật của Thiên Chúa: Người chính là Tình Yêu. Tình Yêu của Người dành cho thế gian và mọi kẻ thuộc về nó. Tình yêu đó là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Gio-an 3: 16)

Tình yêu của Thiên Chúa đã trải dài qua muôn thế hệ. Tình yêu đó đã xuất hiện ngay khi Người tạo dựng. Mọi sự Người tạo dựng đều tốt đẹp và thiện hảo. Trong khi đó thế gian chưa bao giờ tùng phục và tuân theo ý của Người. Quyền lực của thế gian luôn là thế lực chống đối Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà thế gian có thể làm giảm uy lực Tình yêu của Thiên Chúa, trái lại Người càng yêu mến thế gian hơn.

Sự tích sa ngã trong sách Sáng thế ký không chỉ cho ta thấy sự thất bại của con người cho bằng đề cao lòng thành tín và yêu thương của Thiên Chúa, Đấng luôn đi bước trước để tìm kiếm con người cho dù vì tội mà con người luôn tìm cách trốn tránh Thiên Chúa. Còn hơn thế, và để chuẩn bị cho muôn thế hệ nhận ra Tình yêu của Người, Thiên Chúa đã chọn một dân tộc để diễn tả lòng thương yêu, sự quan tâm của Ngài dành cho đám dân được tuyển chọn đó.

Đúng vậy! Tình yêu của Thiên Chúa không phải là mớ giáo thuyết, cũng không lệ thuộc vào các trải nghiệm của con người. Nhưng, tất cả đều diễn tiến qua các biến cố lịch sử, trong đó con người có thể nhận ra bàn tay can thiệp của Thiên Chúa. Một cách cụ thể, trong bài đọc một mà chúng ta nghe hôm nay kể lại việc vua Ky-rô phóng thích, cho phép dân Israel được hồi hương, trở về tái thiết xứ sở, xây dựng lại Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã bị sụp đổ. Qua hành động của Vua Ky-rô, xứ Ba-tư này, dân Do Thái và chúng ta nhận ra lòng yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện trong việc Ngài đã can thiệp để cứu thoát dân riêng của Ngài.

Sau đó, trên đường về đất hứa, trong sa mạc, trước các thử thách, họ than van và chẳng còn nhớ đến ơn Ngài, lại còn đòi quay về Ai cập, cho dù ở đó, cuộc sống có khó khăn, thân phận bị ngược đãi như những kẻ nô lệ, nhưng lại có thịt để ăn; bây giờ được tự do, lại lâm vào cảnh chết đói ở sa mạc thì hơn gì.

Dân chúng mọi thời vẫn thế. Được voi đòi tiên. Đến với Thiên Chúa theo ước muốn của riêng mình. Đến khi gặp thử thách thì lại trách móc. Tuy nhiên, Thiên Chúa của chúng ta luôn trung tín, không bao giờ thất hứa. Ngài ban cho họ Man-na để khỏi bị chết đói, cho họ nuớc uống để khỏi chết khát.

Sau khi được no nê và không bị chết khát, họ lại nổi loạn đòi giết chết cả ông Mai-sen. Với thái độ bất trung và phản bội như thế, một hiện tuợng đã xẩy ra cho dân, đó là biến cố rắn lửa bò ra cắn chết một số người trong họ. Trong nguy cơ đó, họ mới biết sợ và năn nỉ tổ phụ Mai-sen xin Chúa cứu họ. Chúa dạy ông Mai-sen làm một con rắn bằng đồng treo lên cao. Ai nhìn lên con rắn đồng mà sám hối thì sẽ được cứu khỏi chết.

Hôm nay, trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su đã nhắc lại sự tích con rắn đồng để ám chỉ đến việc Người sẽ bị giương cao trên Thập Giá để cứu độ con người, Đức Giêsu nói tiếp: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, được cứu độ”. Nghĩa là Thiên Chúa chỉ biết thương và muốn cứu, chứ không bao giờ muốn lên án hay trừng phạt ai cả. Chỉ có con người tự lên án và tự trừng phạt mình.

Thiên Chúa luôn yêu thương, kiên tâm chờ đợi việc quay về nẻo chính đường ngay của con người. Các câu chuyện trở về đuợc kể lại trong Thánh Kinh cho chúng ta thấy rằng: Khi trở về, Thiên Chúa không hạch tội bất trung của con người. Trở về với giao ước để đầu phục Ngài là Thiên Chúa duy nhất và chúng ta là thần dân của Ngài là vui rồi. Về trong nhà của Thiên Chúa, con người sẽ tìm thấy tất cả những gì đã đánh mất trong thời gian đi hoang.

Sau cùng, chương trình cứu độ đã được hoàn tất bởi sự vâng phục và trao hiến của người Con, Đức Giê-su Ki-tô. Người đã bộc lộ cho thế gian nhận biết Tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian đến dường nào. Nhưng, tất cả những gì mà Đức Giêsu đã làm, thì Người chỉ làm có một lần duy nhất, nhưng hiệu quả kéo dài đến mọi nơi mọi thời. Cho dù chúng ta không có mặt cùng thời với Đức Giêsu, nhưng không vì thế mà lợi ích của chúng ta nhận được lại thua kém những người cùng thời với Người.

Thật ra, các môn đệ và những ai sống cùng thời với Đức Giê-su cũng giống như chúng ta, phải chờ đến ánh sáng Phục Sinh, và nhất là duới quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần rồi họ mới nhận ra rằng nơi Người ơn cứu độ chứa chan cho những ai Tin vào Đức Giê-su. Đó là hồng ân của đức tin, một sự đáp trả không chỉ bằng lời nói, nhưng qua cách sống, một lối sống hoàn toàn phụ thuộc vào quyền năng của Đức Ki-tô, mà với lòng tin, chúng ta tôn vinh Người là Chúa. Còn những ai không tin, họ không bị kết án bởi Thiên Chúa, mà chính họ tự kết án chính mình, bởi vì họ ngoan cố, bướng bỉnh, chỉ muốn tự mình làm chủ và loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống của họ.

Còn đối với những ai tin thì cuộc sống của họ lệ thuộc vào Đấng mà họ tin thờ. Niềm tin của họ là một sự đáp trả không dựa vào ngôn từ mà còn bằng việc làm. Thật đúng như lời của Thánh Gia-cô-bê: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.” Nghĩa là một đức tin đúng nghĩa phải đuợc biểu lộ bằng hành động, qua lối sống của một con người đến để phục vụ.

Nói cho cùng thì Tin rồi Yêu và càng Yêu thì càng Tin. Đó chính là lối sống của người môn đệ. Chúng ta không bộc lộ, không diễn tả tình yêu của riêng mình. Nhưng, tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trong mọi tình huống, trong mọi giai đoạn, ngay cả những lúc yếu đuối nhất… để mà buớc đi và quảng bá cho thế gian biết rằng Tình yêu của Chúa vẫn trường tồn trong lối sống của mình.

Thật vậy, trong thân phận của những người môn đệ, chúng ta hãnh diện và xác tín rằng: chỉ có tình yêu mới làm cho con người sống trong hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn những gì mà chúng ta, cùng với mọi thành phần trong Hội Thánh, đang phải đối diện. Bởi vì,

Tình yêu luôn mở ra các cơ hội cho con người đến và giao tiếp với nhau.

Tình yêu là cánh cửa mở ra cho con người bước vào.

Tình yêu là động lực giúp chúng ta cùng bước để loan báo, không chỉ bằng lời mà còn bằng cuộc sống chứng từ của mình rằng: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng sống vì người mình yêu".

Thật vậy, Đức Giêsu đã tuyên bố như thế và Người đã sống chính Lời Người nói ra bằng việc đi đến cùng con đường Người tự chọn để thể hiện Tình Yêu của Người. Cái chết trên thập giá diễn tả mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng... Chết cho Tình Yêu để rồi sống mãi cho Tình Yêu.

Ngày hôm nay, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn cho thật vui để mừng đón mầu nhiệm Vượt Qua mà Đức Giê-su, Đấng đã dâng hiến chính mình, mở cửa Nước Trời cho chúng ta bước vào mà vui hưởng niềm vui được hòa giải với Thiên Chúa. Đó chính là điều mà Thánh Gio-an nói với chúng ta hôm nay rằng Thiên Chúa đã cho đi tất cả mà không hề do dự hay nuối tiếc, ngay kể người Con yêu dấu của Ngài. Còn niềm vui nào cao trọng và tuyệt vời hơn niềm vui của Thiên Chúa, Đấng vui sướng khi làm cho chúng ta được sống lại, khôi phục mối dây yêu thương của chúng ta với Ngài và với nhau.

Vì thế, với niềm tin vào sự hiện diện của Đức Kitô, cảm nhận được tình yêu nồng cháy của Thiên Chúa, Đấng đã trao ban cho chúng ta người Con duy nhất của Ngài. Chúng ta hãy tự hỏi mình đã làm gì cho Chúa và tha nhân? Người đang chờ đợi và mong muốn lối sống hy sinh, yêu thương và phục vụ hết mình của Người được tiếp tục qua cuộc sống của mỗi tín hữu, trong đó có bạn và tôi, tất cả mọi người không loại trừ một ai. Cầu xin cho nhau thực hiện được điều mong ước của Chúa, Amen.

No comments:

Post a Comment