Kính thưa quí ông bà và anh chị em,
Hôm nay, trong bài Tin Mừng chúng ta chứng kiến
cảnh Đức Giê-su bị chối từ bởi những người bà con trong lần Người về thăm cố
hương Na-da-rét. Dân trong làng vẫn nhận ra sự khôn ngoan trong lời giảng dậy của
Người. Nhưng khi nhớ lại gốc tích và các kinh nghiệm mà họ đã từng trải qua với
Đức Giê-su trong thời thơ ấu thì không một ai trong họ còn nhận ra quyền năng của
Thiên Chúa đang hoạt động trong và với Người nữa. Đối với họ, Đức Giê-su vẫn chỉ
là con bà Maria. Thân nhân và anh chị em của Người, họ đều biết rõ.
Đức Giê-su sinh ra và lớn lên trong một gia
đình nghèo. Cha Người là bác thợ mộc quê mùa. Người thuộc về tầng lớp không được
trọng vọng, chẳng có địa vị gì. Và như vậy, dù Người có nổi tiếng và làm được
nhiều điều kỳ diệu tại các nơi khác, thì truớc mặt họ, Chúa của chúng ta vẫn chỉ
là con bác thợ mộc Giu-se. Với gốc tích bần cùng và nghèo hèn như thế thì Đức
Giê-su có thể làm được gì tại Na-da-rét để cho họ khâm phục!
Nói khác đi, Đức Giê-su không có quyền trở
thành một người khác hơn là một con người do họ nghĩ ra và tạo nên. Có nghĩa là
Đức Giê-su bị nhốt trong lối suy nghĩ và cách nhìn của họ. Người bị giam lỏng
như một số người trong chúng ta vẫn thường xuyên nhốt Người trong các cơ sở vật
chất, cho dù nguy nga và tráng lệ đến đâu; nhưng thiếu tình yêu, bác ái và lòng
thương xót thì các đền đài đó còn có ý nghĩa gì hay không?
Với ngần ấy lý do, chúng ta có thể thông cảm với
cách hành xử thiếu tin tưởng của dân làng Na-da rét. Họ từ chối đón nhận sứ điệp
của Người. Vì với lối suy nghĩ rất giới hạn và đầy thành kiến như thế thì làm
sao họ có thể nhận ra chân tướng đích thật của Đức Giê-su! Làm thế nào họ có thể
đón nhận Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến để loan báo sứ điệp giải thoát
và đem tin vui đến cho họ! Đó là các nguyên nhân đã làm mờ mắt họ khiến họ không
còn nhận ra vẻ kỳ diệu và phi thường mà Thiên Chúa muốn tỏ bầy qua con người của
Đức Giê-su nữa. Đức Giê-su đối với họ vẫn là con người Na-da-rét.
Truớc tình hình đó, Đức Giê-su còn biết nói gì
hơn! Người chỉ biết trích một câu ngạn ngữ rất phổ thông để làm cho tình hình bớt
căng thẳng, và đây cũng là dịp nhắc lại cho họ biết về sứ mạng và thân phận của
một ngôn sứ. Đó là: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương
mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”
Thưa anh chị em,
Công việc mà Đức Giêsu cần làm trong hoàn cảnh
này là thẳng thắn đối diện với tình trạng thiếu niềm tin của họ. Không thể để
cho thái độ tiêu cực của họ làm cho Người bị nản chí hay bị gục ngã. Họ không
tin. Nhưng các môn đệ cần nhìn vào gương sáng của Thầy. Gương sáng đó là niềm
tin và tâm tình phó thác tuyệt đối vào Cha của Người, Đấng hiện diện trong mọi
tình huống, nhất là trong những lúc Đức Giê-su cần đến Cha của Người. Bài học
là như thế. Đức Giê-su đã trở thành gương sáng cho các môn đệ noi theo. Chu
toàn ý định của Thiên Chúa hơn là đi tìm sự chấp thuận của thế gian, cho dù thế
gian vẫn không tin Người.
Trạng thái thiếu niềm tin này có thể được cụ
thể hoá qua lối sống của những người trẻ trong xã hội mà chúng ta đang sống hôm
nay. Biết bao bậc làm cha làm mẹ đã và đang ngao ngán trước lối sống xa cách với
niềm tin tôn giáo của con cái họ. Chính Đức Giêsu, dù là Đấng đuợc Cha sai đến cũng
đã gặp những người không tin, nhất là những người đó lại là thân nhân của Người.
Đứng trước thái độ không tin của những người đồng hương, Đức Giê-su dường như bị
bất lực. Thật ra, không hẳn là như thế. Sự im lặng của Chúa có thể cho chúng ta
biết rằng Người hoàn toàn tôn trọng quyền tự do mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Cho dù con người đã nhiều lần xử dụng sai cái
thẩm quyền đó. Nhưng vì yêu thương, Người vẫn tôn trọng và tìm cách khác để lôi
kéo họ về nẻo chính đuờng ngay.
Có một sự thật vô cùng hiển nhiên mà chúng ta
không thể chối bỏ được là Đức Tin tuy là điều cần thiết để nhận ra uy quyền của
Thiên Chúa. Nhưng đức tin đó không phải là thành quả phát sinh từ sự cố gắng của
con người, cho bằng đó chính là hồng ân cao quí của Thiên Chúa ban cho.
Và, với bản chất mỏng dòn và yếu đuối của con
người như thế nào thì niềm tin của chúng ta cũng mỏng dòn và yếu đuối như thế.
Chính vì thế, chúng ta cần có sự trợ lực. Sự hỗ trợ này không phát xuất bất cứ từ
một sức mạnh nào, cho bằng nhìn nhận sự yếu đuối của bản thân, rồi để cho sức mạnh
của Thiên Chúa được tỏ hiện. Đó chính là kinh nghiệm đã được san sẻ bởi Thánh
Phao-lô trong bài đọc thứ hai mà chúng ta vừa nghe hôm nay.
Những gì mà Thiên Chúa đã nói với Thánh Phao-lô
khi xưa, cũng là Lời mà Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay. Đó là “Ơn của Thầy
đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Và
Thánh nhân đã rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của mình, để sức mạnh của
Đức Ki-tô được biểu dương.
Đây, chính là bài học vô cùng quý giá cho những
yếu đuối, thất bại và bị chối bỏ bởi người thân và những ai mà chúng ta quan
tâm và hết lòng yêu mến. Chúng ta cần vững tin tiếp tục bước về phía trước, miễn
sao chúng ta làm đẹp lòng Chúa là đủ rồi.
Vì thế, đứng trước sự từ khước của thân nhân
và bà con lối xóm, Đức Giê-su đã không chấp nhận ngã gục hay thua cuộc, nhưng lại
tiếp tục lên đuờng hoàn tất sứ mạng. Thánh Mác-cô nhận xét là Người ngạc nhiên
vì họ thiếu lòng tin. Nhưng cũng chính vì ngạc nhiên mà Người tiếp tục tìm kiếm
câu trả lời bằng cách thi hành sứ vụ. Câu trả lời đã đến qua việc Người đón nhận
sự gục ngã toàn diện trên Thập Giá để củng cố niềm tin cho những ai đi theo Người. Và, đó cũng là cách mà Đức Giê-su muốn tỏ bầy
để biểu lộ trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa thành toàn nơi bản thân Người. Và
chúng ta, hôm nay, đang được mời gọi để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa chứ
không phải sự đồng thuận hay hỗ trợ của thế gian. Xin cho những suy nghĩ, hành
động và từng bước chân của chúng ta luôn ở trong kế hoạch vẹn toàn của Thiên
Chúa. Amen!