Wednesday, 16 June 2021

SAO LẠI NHÁT ĐẢM NHƯ THẾ! HÃY TIN VÀO THẦY.


Trước khi suy ngẫm về trình thuật Tin Mừng hôm nay, tôi mời gọi anh chị em cùng ôn lại hành trình vuợt biển năm nào. Tôi tin rằng hầu hết những người Việt Nam đang sống ở Nước ngoài đều trải qua những tháng ngày đau thương trong hành trình vượt biên. Tôi không dám và không muốn gợi lại những chuỗi ngày đau khổ đó. Bản thân tôi muốn quên mà vẫn không quên được. Nó là một phần trong cuộc sống. Đối với tôi, biến cố ra đi tìm sự sống qua cõi chết vẫn là một sự cố kinh hoàng mà mỗi khi nhớ đến tôi vẫn còn run sợ.

Trong chuyến vượt biên vào năm 1982, thuyền của chúng tôi đã bị mắc kẹt trong cơn bão (thật ra là gần cuối cơn bão). Chúng tôi đã trải qua những giây phút thật kinh sợ. Hầu như tất cả đều bất lực trước sức mạnh của bão táp và sự tàn phá của thiên tai. Có khoảng chừng tám mươi người trên tầu. Ngọai trừ gia đình chủ tầu, tài công là những người quen biết nhau từ trước; còn chúng tôi hòan tòan xa lạ đối với nhau. Một số gốc Công giáo; những người khác theo Phật giáo và còn một số là tín đồ của các giáo phái như Cao Đài… Nói chung, trong giây phút nguy hiểm đó, tất cả chúng tôi không cần biết mình thuộc tôn giáo nào nữa. Tất cả đều qui huớng về Đấng Chí Tôn, Đấng Tạo Hóa để cầu xin. Chỗ này lần hạt cầu nguyện, chỗ kia niệm kinh Nam Mô. Chúng tôi cùng chia sẻ một niềm tin vào Đấng Tạo Dựng và điều khiển vũ trụ. Chúng tôi tin rằng chỉ có sức mạnh tối cao từ Đấng Tạo Hóa, Đấng có thể cứu chúng tôi khỏi cơn gian nan đầy nguy hiểm này.

Thời gian cứ thế trôi qua. Sóng biển vẫn tiếp tục gầm thét như muốn ăn tươi nuốt sống chúng tôi vào lòng biển. Tất cả đều quá mệt mỏi và đuối sức đến độ ngay cả lời cầu nguyện cũng im dần. Tất cả đều chờ đợi sự chộp bắt của Thần Chết.

Thật may mắn, sau đó cơn bão đã suy yếu dần. Thuyền của chúng tôi tiếp tục lênh đênh trên biển cả. Năm ngày sau, chúng tôi được sự hướng dẫn của các nhân viên trên dàn khoan dầu, con thuyền từ từ đến đảo Ku-ku, một trong những hòn đảo rất quen thuộc đối với các thuyền nhân tạm cư tại các trại tỵ nạn bên In-đô.

Sau này, tôi đã được nghe anh tài công cho hay khi đi qua cửa biển, con tầu của chúng tôi đã bị các chú công an biên phòng rượt bắt, nhưng họ đã bỏ cuộc, bởi vì họ nghĩ rằng con tầu của chúng tôi, sớm hay muộn, cũng bị đắm chìm khi phải chống chọi với cơn bão. Đúng là vận may đã đến trong cơn hoạn nạn.

Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng không có ai trong chúng ta còn đủ can đảm để đi trên biển trong hoàn cảnh như thế! Và, cho đến hôm nay, mỗi lần đi dạo trên bờ biển, nhất là vào buổi tối, đứng nhìn sự bao la và cũng rất đáng sợ của biển cả, cảm giác sợ hãi vẫn ám ảnh. Tôi nhận ra cuộc vượt biên ra đi tìm sự sống trong cái chết của chúng ta quả thật đáng sợ; và việc đến được bến bờ tự do quả thật diệu kỳ, chỉ còn biết coi đó là hồng ân mà thôi.

Cơn bão vượt biên đã xẩy ra chỉ một lần khiến cho con người khiếp sợ. Trong khi đó bão tố cuộc đời không chỉ xẩy ra một lần mà có thể nhiều lần trong đời. Vậy, chúng ta đối diện thế nào đây?

Thưa anh chị em,

Như anh chị em đã biết, đối với những người sống cùng thời với Chúa Giêsu. Họ tin rằng, sự kết hợp của biển cả và bão tố là biểu tượng của sự tàn phá và hỗn loạn; nó không chỉ làm cho con người khiếp sợ mà còn đe dọa mạng sống của họ nữa. Hơn thế nữa, chúng ta nên để ý đến bối cảnh mà sự việc xẩy ra hôm nay là vào lúc chiều đến. Chi tiết này làm tăng nỗi sợ hãi của các môn đệ trước trận cuồng phong bất chợt ập đến. Thế mà, Đức Giê-su vẫn ngủ yên trên thuyền. Người ngủ vì mệt hay vì say sóng. Có lẽ cả hai lý do nêu trên đều không đúng. Người có được sự bình an, một sự bình an mà ai trong chúng ta cũng mơ ước, bởi vì Chúa Giê-su đặt trọn niềm tin, phó thác sự sống vào tay Cha Người.

Tương tự như thế, nhiều lần chúng ta thấy mình ở nơi đầy tràn hoan lạc và bình an như thế. Chúng ta cảm thấy được yêu thương và dường như đang nằm thu gọn trong vòng tay yêu dấu kề cận Trái Tim Chúa. Trong khoảnh khắc đó, chúng ta có cảm giác là hiểm nguy nào cũng vượt qua, thử thách nào chúng ta cũng có thể đối diện được… Nhưng sau đó, mọi sự rồi cũng qua đi, mọi cảm xúc cũng biến mất để nhường chỗ cho một thực tại, mình trở về với chính mình, lại muốn độc lập, lại muốn làm chủ và tự mình định liệu cho cuộc sống đầy tham vọng của bản thân. Cái ‘tôi’ được vuốt ve và sự tin cậy và lệ thuộc của chúng ta vào Chúa cũng yếu dần.

Đó là cách phản ứng của các môn đệ. Họ thiếu lòng tin. Dù ngủ hay thức thì Chúa đang ở trên thuyền với họ, nhưng mắt họ chỉ nhìn thấy sóng gió và cuồng phong nên không nhận ra Chúa. Phản ứng thiếu lòng tin của các môn đệ được diễn tả qua câu than vãn “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi mà Thầy không quan tâm gì sao?” Họ cho rằng Chúa không để ý đến sự sống chết mà họ đang đối diện. Có ai quan tâm đến các môn đệ và mỗi người chúng ta bằng Chúa. Cho dù người mẹ có nhẫn tâm bỏ con, Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúa nói như thế, thế mà vì lo sợ và hoảng hốt quá nên chúng ta lại quên. Chúa vẫn đồng hành với các môn đệ trên đường về Em-mau, thế mà vì buồn và thất vọng nên các môn đệ không nhìn thấy Chúa. Chúa yêu thương thế gian đến độ hy sinh người Con yêu dấu, thế mà chúng ta lại nói với nhau rằng Chúa chẳng lo cho chúng ta. Một câu nói làm tổn thương Trái Tim Chúa.

Điều này còn xẩy ra trong các mối quan hệ. Hai người đang yêu nhau thắm thiết, thế mà có một hôm chị nói rằng: “Em thấy anh chẳng còn yêu và quan tâm hay để ý gì đến em nữa! Anh đã quên em rồi sao!” Thật là đau lòng! Anh đang mong từng giờ từng phút được ở bên em thế mà chị lại nói một câu làm anh buồn rười rượi. Trong gia đình cũng thế, bố mẹ nào mà lại chẳng thương con! Thế mà, có một hôm người con yêu dấu của họ than rằng: “Bố mẹ chẳng thương con gì hết.”

Thật vậy, “chúng ta chết đến nơi” là tiếng kêu van của các môn đệ về tình trạng bất lực của họ trước sự đe dọa của cơn bão. Nhưng hôm nay, khi nghe câu nói này tôi lại nhớ đến lời mời gọi được chết với Chúa. Chúng ta cùng chết với Người. Chết cho nỗi hoảng sợ của mình. Chết đi cho cái tôi đang giam hãm và trói buộc chúng ta. Chết đi cho các nhu cầu của cá nhân. Chết đi cho chính mình. Chết đi cho tội lỗi. Chết đi rồi chỗi dậy với Chúa mà đối diện với các sóng gió cuộc đời bằng chính quyền năng của Chúa, Đấng đã ra lịnh cho biển như đã ra lịnh cho các thần dữ rằng: “Hãy im đi! Hãy câm đi!” tức thì biển lặng yên và gió ngừng thổi.

Vì thế, là những tín hữu, những người có niềm tin, chúng ta thực sự sống cuộc đời của mình như có Chúa, khắc sâu các lịnh truyền của Người vào tâm can và đem ra thực hành thì cuộc sống của mình sẽ không còn giống như cũ nữa. Biển cả vẫn gầm thét. Sóng gió cuộc đời vẫn xẩy ra. Bão tố làm bật tung những thứ bị che đậy để con người có thể nhìn thấy rõ nhu cầu của nhau mà giúp đỡ. Chúng ta thật đã thay đổi. Cái cũ đã qua đi để nhường chỗ cho tái tạo mới. Chúng ta rời bỏ chính mình để “Duc In Altum – Ra Khơi” vào vùng nước sâu, nơi dễ bị phong ba bão táp, nhưng lại có nhiều cá. Tại chỗ đó, chúng ta không còn sống cho chính mình mà là trong Chúa, với Chúa chúng ta sống. Sống trong mầu nhiệm hiệp nhất với Chúa và tha nhân để mọi sự trở nên mới hơn. Không còn sợ hãi, không còn âu lo chỉ còn hoan lạc và bình an để cùng nhau “Ra Khơi” thôi.

Như vậy, sứ điệp mà bài Tin Mừng hôm nay đến thật đúng lúc. Nó tiếp tục giúp chúng ta sống tin tưởng hơn để đối diện với các khó khăn do đại dịch Covic-19 gây ra hơn một năm qua. Thiên Chúa vẫn còn ở trên con thuyền cuộc đời chúng ta. Người ở với chúng ta trong mọi cảnh huống. Hãy tin rằng chúng ta được Chúa yêu thuơng. Chúa yêu ta vô bờ bến. Tuy Chúa ngủ, nhưng con tim Chúa vẫn không ngừng tuôn đổ máu huyết để nuôi sống chúng ta. “Đừng nhát đảm! Nhưng hãy tin!”

Thật vậy, con người chỉ thắng được các nỗi sợ hãi nhờ tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã nên một với Thiên Chúa vì Người đã Tin vào quyền năng của Thiên Chúa lúc nào cũng họat động trong Người và với Người. Người đã không ngã gục vì sợ hãi mà đã đi tới cùng cho dù là cái chết, miễn là làm hài lòng Thiên Chúa. Chúng ta sẽ được như thế. Hãy tin và trao tay lái cuộc đời chúng ta cho Người rồi Người sẽ điều khiển và lèo lái con thuyền của chúng ta đến bến bờ bình an. Amen!

No comments:

Post a Comment