Thursday, 28 October 2021

ĐIỀU CẦN NHẤT: ĐÓ LÀ YÊU

 

            Hôm nay, chúng ta nghe nói về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và vị kinh sư. Ông này dường như có thiện cảm với Chúa hơn các kinh sư khác, cho nên câu chuyện hôm nay không căng thẳng như các câu chuyện khác. Một câu chuyện có hậu, một cuộc gặp gỡ duy nhất trong đó ông kinh sư đã đồng ý với quan điểm của Đức Giê-su. Kết quả câu chuyện là vị kinh sư đã công khai ca ngợi về những gì Đức Giê-su đã nói.

            Trước hết, ông biết danh tiếng và sự khôn ngoan của Người qua các cuộc tranh luận với các nhóm khác, cụ thể là những người thuộc nhóm Xa-đốc. Vì thế, hôm nay với bổn phận của một người chuyên môn nghiên cứu, ông đã đến gặp Đức Giê-su để tìm hiểu và đào sâu giáo lý nên đã hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều nào đứng đầu.” Đây là một câu hỏi quan trọng mà ông cần biết để giảng dậy cho dân tuân theo mà sống.

            Thật ra, không có gì mới lạ trong việc ông tìm hiểu. Các kinh sư đã tìm tòi và nghiên cứu các khoản luật trong Cựu Ước để tìm ra điều quan trọng nhất. Họ biết tất cả mọi khoản luật đều xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn họ tuân giữ giới luật để mãi mãi là đàn chiên thuộc về Người. Ngay từ đầu Thiên Chúa đã muốn cho họ biết rằng tình yêu là nền tảng của mọi sự. Và trong trình thuật hôm nay, khi trả lời câu hỏi của kinh sư, Đức Giê-su đã nhắc lại khoản luật quan trọng trong Cựu Ước mà những người dân Ít-ra-en đã được dậy bảo ngay từ thủa bé, đó là “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." Như vậy, Tình Yêu là phương châm, là sức mạnh, là nền tảng, là ý định và là phương tiện để con người sống theo đúng tinh thần mà Thiên Chúa truyền ban.

Trong phần đáp trả, Đức Giê-su không chỉ nhắc lại cho chúng ta nhớ rằng Tình yêu là yếu tố chính, là nền tảng xây dựng lên các khoản luật, mà Người còn đem đến một điều mới, không có trong truyền thống Cựu Ước, là việc nối kết hai khoản luật lại với nhau. Người khẳng định rất rõ rằng không có điều răn nào khác và lớn hơn hai điều răn đó. Như vậy, Yêu mến Chúa là nền tảng, căn nguyên dẫn chúng ta đến chỗ yêu nhau.

Thật vậy, đó không chỉ là giáo huấn của Chúa mà còn là con đường mà Đức Giê-su muốn nhắm đến nữa. Và Người cũng muốn cho những kẻ theo Người sống theo con đường yêu thương đó. Đạo là như thế, là các nẻo yêu thương phát sinh và qui chiều về tình yêu của Thiên Chúa. Đó là căn nguyên, là nền tảng để chúng ta sống đạo.

Trước khi yêu Chúa, việc đầu tiên chúng ta cần làm là cởi mở cõi lòng để nhận ra có một Thiên Chúa duy nhất là đối tượng để chúng ta yêu, chứ không có một thần tượng nào khác ngoài Người ra. Một khi đã nhận Người là Thiên Chúa duy nhất là lúc chúng ta đầu phục Người.

Bước kế tiếp là yêu Chúa. Tình yêu Chúa trong ta và tình của ta dành cho Chúa là căn nguyên, là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta sẵn sàng ra đi để yêu tha nhân. Chỉ có ai cắm rễ sâu trong Tình yêu của Chúa thì mối tình của người đó dành cho tha nhân mới bền lâu; bằng không cũng chỉ là những cảm xúc nhân loại, nhất thời và chóng qua.

Yêu Chúa thế nào thì yêu tha nhân như thế; bởi tình yêu dành cho tha nhân phải đuợc phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa. Đây chính là mẫu mực, là tiêu chuẩn của những ai muốn trở thành môn đệ Chúa. Đây là giới răn mới mà Đức Giê-su ban thêm. Ông kinh sư đến gặp Chúa để xin Người ban cho ông giới răn quan trọng nhất; cuối cùng ông và chúng ta nhận đuợc hai điều bằng nhau và chẳng có điều răn nào khác lớn hơn hai điều ấy. Qua việc yêu thương tha nhân, chúng ta đi vào chương trình và ý muốn của Thiên Chúa.

Vẫn biết là như thế. Nhưng chúng ta cũng nên cụ thể hóa tình yêu của chúng ta dành cho những người lân cận bằng hành động. Đây không phải là việc dễ làm. Cho nên chúng ta cần Chúa. Chỉ những ai yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực thì sẽ biết diễn tả tình yêu của họ một cách cụ thể cho tha nhân. Chúng ta không yêu và trao ban cho người khác những gì mình dư thừa, cũng không chỉ là việc trao ban những gì mình đang nắm giữ; mà là việc trao ban mang ý nghĩa dâng hiến như Đức Giê-su đã thực hiện, bởi vì chúng ta nhận ra hình ảnh của Đức Giê-su nơi người đó. Như chúng ta đã được đón nhận việc phục vụ và dâng hiến của Đức Giê-su thế nào thì tha nhân cũng vậy. Họ thật xứng đáng đón nhận quà tặng của Chúa qua việc chia sẻ của chúng ta. Như vậy, khi chúng ta trao cho nhau điều gì thì đó không phải việc bố thí, nhưng đó là đáp ứng nhu cầu của nhau. Khi làm như thế, chúng ta tôn trọng và giúp cho họ được phát triển toàn diện. Vì thế, yêu mến Chúa và yêu người là hai điều gắn chặt với nhau, không gì có thể tháo gỡ và tách biệt hai giới răn này ra khỏi nhau.

Nhưng trên thực tế, yêu mến Chúa là Đấng mà chúng ta không nhìn thấy thì dễ, còn thương tha nhân mà chúng ta gặp hàng ngày thật khó. Đã nhiều lần chúng ta lạm dụng cụm từ yêu thương khi mạnh dạn tuyên xưng mình rất yêu Chúa mà lại không nhìn thấy hay làm ngơ trước các nhu cầu của tha nhân là những người đang sống gần bên ta, thế nghĩa là làm sao! Để minh họa cho ý nghĩ nói trên, xin mời anh chị em theo dõi câu chuyện. Ý chính của truyện kể này được trích dẫn trong câu chuyện của bài suy niệm hàng ngày mà tôi nhận được từ Cha Minh Anh, thuộc Tổng Giáo Phận Huế. Truyện được kể lại như sau:

“Vào một mùa đông lạnh giá, có người hành khất đi từ nhà nầy sang nhà nọ xin bố thí nhưng không ai tỏ lòng thương xót hoặc quan tâm đến hoàn cảnh của anh. Người ta đóng sầm cánh cửa, cũng như đóng cõi lòng, trước mặt anh, kèm theo những lời miệt thị. Ít ai tự hỏi người ăn xin ấy có thất vọng trước lối đối xử của những người đồng loại hay không! Ông tiếp tục kéo dài cuộc sống trong nỗi bất hạnh của chính mình và của đời ban cho!  

Thế rồi vào một buổi sáng tuyết giá, lạnh thấu xương, người hành khất đó được tìm thấy bên vệ đường với ống chân bị gẫy. Nguyên do không lẽ vì thời tiết quá lạnh, rồi ông bị vấp té khiến ống chân bị gẫy chăng! Một cụ già nhìn thấy và tìm cách đưa anh vào bệnh viện. Khi dân chúng trong thị trấn được tin một người nghèo túng, ăn xin bị gẫy chân, họ cảm thấy ân hận với lối hành xử trước đây đối với anh. Giờ đây, trước hoàn cảnh mới anh thật đáng thương. Vài người đến bịnh viện thăm viếng, an ủi và làm bạn với anh, người khác còn đem thức ăn và áo xống cho anh.

Đến ngày anh rời bệnh viện, người trong thị trấn đã quyên góp được một số tiền cho anh làm lộ phí. Họ còn cho anh thêm ít quần áo ấm để chống chọi với cơn lạnh của mùa đông lạnh giá. Đến bây giờ họ mới biết cái lạnh của con tim tác hại ra sao!

Trước khi rời thị trấn, người hành khất điện tín cho vợ, “Em yêu, hãy ngợi khen Chúa, vì một phép lạ đã xảy đến với anh, anh bị gẫy chân”.

Lối hành xử của dân chúng trong thị trấn nói trên nhắc cho chúng ta nhìn lại cách sống của chính mình. Thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa qua các nghi thức phụng vụ, dù là trực tuyến, để diễn tả lòng mến Chúa của chúng ta thì siêng và không dám bỏ một Chúa Nhật nào. Nhưng trong cuộc sống chúng ta lại thường xuyên quên vế thứ hai, quan trọng như vế thứ nhất. Tuy thờ phượng và yêu mến Chúa là điều tốt, nhưng quên yêu thương anh em mình thì xem ra mình là kẻ nói dối, “vì ai không yêu thương người anh chị em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Gio-an 4: 20b) Vì thế, chúng ta phải tìm cách để cho các ân huệ của Chúa có chỗ thoát ra thì Chúa mới có cơ hội bù đắp vào. Nói khác đi, chúng ta đừng sợ khi trao ban, đừng sợ yêu vì khi yêu và trao ban là lúc chúng ta cho Chúa cơ hội để Người ban nhiều hơn mà làm cho cuộc sống chúng ta được sung mãn và tràn đầy tình của Chúa hơn. Amen!

 

 

Wednesday, 20 October 2021

LẬY CHÚA, XIN CHO CON NHÌN THẤY.


Anh chị em thân mến,

Trình thuật nói về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và anh mù Ba-ti-mê làm tôi nhớ đến câu chuyện của anh Nguyễn Quốc Phong, người mà tôi đã gặp và đem lòng kính phục.

Anh vốn là một thanh niên đang theo đuổi ơn gọi để trở thành tu sĩ Dòng Salesian và đã bị mù qua một tai nạn giao thông. Và dĩ nhiên, với hoàn cảnh như thế anh không thể tiếp tục ơn gọi để trở thành linh mục. Anh đã xin về nhà. Thoạt đầu, anh không chấp nhận và sống trong nỗi phẫn uất qua biến cố kinh hoàng đã xẩy ra làm biến đổi toàn bộ dự định và nỗi ước mơ của anh. Trước đây còn đôi mắt để được nhìn thấy mọi sự, nay anh tự học để mò mẫm bằng cây gậy dò đường, thường xuyên bị vấp ngã. Nói chung, anh không còn biết diễn tả thế nào để nói lên tâm trạng và nỗi chán đời của một kẻ bị mù. Thậm chí, đôi khi anh đã có ý nghĩ tự tử. Nhưng sau này anh mới một điều là Chúa không muốn anh chết thì anh phải sống, sống cho có ý nghĩa, sống để hoàn thành lý tưởng mà anh đã theo đuổi, đó là giáo dục giới trẻ.

Anh bắt đầu lại, bước ra khỏi những suy nghĩ tối tăm. Tuy anh không còn đôi mắt để nhìn đời, nhìn người, thì giờ đây anh nhìn cuộc sống bằng con tim, bằng trí tưởng tượng. Anh không còn mắt để nhìn thấy người thì nhìn họ bằng đôi tai. Anh tập lắng nghe để thấu hiểu và thông cảm những nỗi khó khăn của họ. Thời gian cứ thế trôi qua, nhất là với ơn nghĩa của Chúa, Đấng không hề bỏ rơi anh. Người vẫn hiện diện và làm ánh sáng soi đường cho anh bước tới.

Từ đó, “Mái ấm Thiên Ân” hay còn gọi là trung tâm hướng nghiệp dành cho các trẻ em bị khiếm thị được thành hình. Tại nơi đó, anh không chỉ nuôi các em bị mù, mà còn tạo cho các em tay nghề hợp với năng khiếu của các em. Đến khi lớn khôn, chính các em này là những người thầy dậy các em khác. Có nhiều em đến tuổi trưởng thành, đã lập gia đình, vẫn thường xuyên trở về mái nhà Thiên Ân để cùng đồng hành với anh trong công việc nuôi nấng và tạo ra các công ăn việc làm khác cho các trẻ em bị mù lòa. Anh thật xứng đáng là người thầy, người cha kính yêu của gia đình ‘Mái Ấm Thiên Ân’.

Qua truyện kể về mẫu gương sáng lạng của Thầy Phong, tôi khám phá rằng những người mà thân thể của họ tuy bị khiếm khuyết, nhưng nghị lực, ý chí và tấm lòng của họ dành cho các công tác giáo dục, việc bác ái đem lại ích lợi và hạnh phúc cho tha nhân, có thể vuợt xa chúng ta là những kẻ tưởng rằng mình sáng mắt, ai ngờ lại bị khiếm thị. Dành cho họ tấm lòng thán phục và ngưỡng mộ là việc cần; nhưng còn hơn thế nữa, chúng ta nên khám phá nơi họ sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng hiện diện và thường xuyên hoạt động nơi họ.

Anh chị em thân mến.

Trước khi gặp Đức Giê-su, anh Ba-ti-mê không chỉ bị mù mà còn là người ăn xin nữa. Cuộc sống của anh hoàn toàn lệ thuộc vào lòng tốt, sự bố thí của khách qua đường. Việc Đức Giê-su chữa lành cho anh không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Bởi vì, cho đến hôm nay không ai trong chúng ta có thể phủ nhận uy quyền của Thiên Chúa hoạt động nơi Người. Tuy nhiên, ý định của Thánh Mác-cô khi sắp xếp trình thuật này khiến chúng ta ngạc nhiên và cần tìm hiểu.

Trong bài Tin Mừng tuần trước, Đức Giê-su đã hỏi Gia-cô-bê và Gio-an: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Hôm nay, Người lại hỏi anh Ba-ti-mê: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Hai câu hỏi cùng một ý nhưng cách trả lời lại khác nhau. Lẽ ra, câu trả lời của anh Ba-ti-mê “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” phải là câu trả lời của các môn đệ. Trái lại, các ông đã không xin Chúa ơn soi sáng để nhận biết về con người của Thầy mà lại xin chỗ ngồi tốt, địa vị cao.

Vẫn chưa hết. Sau đây là câu chuyện của Si-môn Phê-rô. Ông đã theo Thầy, vượt qua bao cạm bẫy, nhận được bao lời huấn giáo để có thể tuyên xưng Thầy là Đức Ki-tô; thế mà sau khi nghe thầy loan báo về cuộc khổ nạn, ông lại đứng ra ngăn cản Thầy thực hiện ý định của Thiên Chúa, không chấp nhận cho Thầy mình đi vào vinh quang qua cuộc khổ nạn. Vì thế, ông đã bị Chúa khiển trách là ‘Xatan, lui lại đàng sau Thầy.’

Trong khi đó, một con người bị khuyết tật, cuộc sống lệ thuộc vào lòng thương xót của người khác như anh Ba-ti-mê hôm nay, lại đạt được đích điểm khi đã tuyên xưng không chỉ bằng miệng mà còn bằng cuộc sống, là sẵn sàng theo Thầy đi vào Giê-ru-sa-lem, không phải để đón nhận hào quang, mà là để chịu thương khó.

Hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là những người tưởng mình sáng mắt lại trở thành mù tối, còn anh Ba-ti-mê lại trở thành người sáng mắt qua việc gặp gỡ Đức Giê-su. Chính anh đã trở thành gương mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ. Tin và theo Chúa.

Đức tin của anh đã được xây dựng từ cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su, người mà anh chỉ nghe người ta nói chứ chưa bao giờ được nhìn thấy vì anh bị mù. Chính điều này giúp anh đào sâu niềm tin của anh vào Đấng mà anh kêu xin. Anh không xin những đồng tiền bố thí từ Đức Giê-su. Anh nhận ra nơi Người có một quyền năng có thể giúp anh. Anh xin Người dủ lòng thương đến thân phận của anh. Trong khi đó những người sáng mắt theo Chúa như các môn đệ lại không nhận ra điều mà họ cần. Trái lại họ lại hành động như một thứ rào cản, ngăn chận người khác đến với Chúa.

Như vậy có một nghịch lý ở đây là người mù đã thấy được nhiều hơn là người sáng mắt. Và những gì đã xẩy đến cho Ba-ti-mê hôm nay cũng là lời mời gọi mà các môn đệ cần phải tìm cho ra câu trả lời trên đường theo Chúa của các ông. Hành trình và nỗ lực để được gặp Chúa của anh Ba-ti-mê cũng là bài học dành cho những ai muốn trở thành môn đệ của Thầy. Sau đây là các bước nhẩy trong hành trình niềm tin của anh.

Trước tiên, chúng ta hãy hình dung ra cảnh anh mù Ba-ti-mê đang ngồi ăn xin. Nơi anh ngồi là vệ đuờng. Không ai chọn các nơi hẻo lánh. Họ phải chọn chỗ đông người qua lại như giữa phố xá, rất nhộn nhịp và là nơi tập trung các khách từ bốn phương tuôn về. Ngày hôm đó, anh Ba-ti-mê nghe thấy nhiều tiếng ồn ào, anh nhận ra có đám đông đi qua chỗ anh đang ngồi. Anh nghe người ta nói rằng trong đám đông, có một người tên là Giê-su, đến từ Na-za-rét, Người đã thực hiện nhiều việc lạ lùng và kỳ diệu. Chỉ cần biết ngần ấy, anh liền la thật to để xin Đức Giêsu giúp đỡ.

Trước hoàn cảnh của anh lẽ ra các môn đệ và đám đông nên nhường đường mở lối dẫn anh vào gặp Chúa. Họ đã không làm như thế, trái lại còn ngăn cản, thậm chí có một số người muốn đuổi anh đi. Tuy nhiên, sự ngăn cản của đám đông không làm cho anh nản lòng. Anh quyết tâm hơn, gào thét to hơn, cho đến khi Đức Giê-su để ý đến anh. Cuối cùng, Người nhận ra anh. Người dừng lại và yêu cầu người ta đưa anh đến.

Nghe đuợc những lời cho phép của Đức Giê-su, anh không cần đợi người ta giúp. Tuy bị mù, nhưng đôi tai của anh rất thính; anh đã nhận ra hướng của Đức Giê-su đang đứng. Lập tức, anh quăng chiếc áo choàng, đang khoác trên người của anh lại đàng sau, rồi đứng phắt dậy để tiến về phía Chúa. Hành động này cho chúng ta nhận ra một điều là anh sẵn sàng buông bỏ tất cả, buông cả chiếc áo hộ thân đã bao bọc anh bấy lâu nay để gặp Chúa.

Nhu cầu đuợc xót thương và niềm tin là động lực và sức mạnh giúp anh vuợt qua mọi trở ngại để gặp Chúa. Đến lúc này, câu hỏi của Đức Giê-su “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” và câu trả lời: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” của anh Ba-ti-mê xem ra hơi dư thừa. Bởi Chúa biết anh đang cần gì rồi. Quả thật cả câu hỏi lẫn câu trả lời không dư thừa chút nào. Bởi vì, với câu trả lời, anh đã trở thành gương mẫu cho những ai muốn trở thành nhìn thấy Chúa và trở thành môn đệ của Người.

Sau cùng, câu hỏi của Đức Giê-su dành cho anh mù năm xưa cũng là câu hỏi của Chúa dành cho chúng ta hôm nay: Chúng ta muốn Đức Giê-su làm gì? Và lời đáp trả xin cho chúng con được thấy cũng cần đuợc lập đi lập lại trong cuộc sống của những người môn đệ của Chúa. Chúng ta không xin Chúa ban cho chúng ta nhìn thấy về mặt thể lý cho bằng nhìn ra việc Chúa làm gì trong và cho chúng ta, để mãi mãi chúng ta nhìn ra sứ mạng mà Chúa muốn chúng ta thực hiện.

Xin cho chúng con được nhìn thấy các kỳ công, những việc lạ lùng của Chúa thực hiện trong thân phận mỏng dòn, trong lúc chúng con yếu đuối và cuộc sống bị bao phủ bởi bóng tối và sự dữ. Chúng con tin rằng Chúa là ánh sáng và chỉ có ai để Chúa hướng dẫn thì mắt người đó mới nhìn ra sứ mạng mà Chúa đã trao, và hoàn thành sứ mạng theo như ý định của Chúa mà thôi. Amen!

Wednesday, 13 October 2021

PHỤC VỤ LÀ QUÌ XUỐNG!


Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy chúng ta bài học về quyền lãnh đạo. Người nói rất rõ ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ. Sứ điệp này nghe quen tai, nhưng xét về mặt thực hành thì nó vẫn là một thách đố lớn đối với Hội Thánh mọi thời nói chung, gia đình nhỏ bé và các nhóm của chúng ta nói riêng.

Thật ra, trên hành trình theo Chúa, không mấy ai trong chúng ta nhìn thấy rõ vì sao mà mình dấn thân. Có linh mục kia muốn đi tu vì thấy Cha Cố trong xứ của mình được ăn chuối. Lại có một chú bé nọ thích mặc phẩm phục linh mục, nhìn mấy ông cha ăn mặc cao sang và quí phái nên cậu ước ao làm thầy cả. Có người nghĩ rằng mình phải dấn thân để thay đổi nếp sống và các sinh hoạt trong xứ cậu đang sống, thế mà sau gần 50 năm cho đến hôm nay ông đã gần 70 tuổi mà vẫn chưa thay đổi được gì, ngay cả chính mình. Rồi lại có những người phải tiếp tục nằm gai nếm mật trong sứ vụ linh mục để làm vui lòng ông bà cố. Thậm chí có nhiều người muốn chia sẻ uy quyền như ước muốn của hai ông môn đệ, tên là Gia-cô-bê và Gio-an, vốn làm nghề đánh cá thế mà dám nổ khi xin hai chỗ ngồi cao trọng nhất trong nội các chính phủ mà các ông nghĩ rằng Đức Giê-su đang muốn thành lập tại Giê-ru-sa-lem. Quả thật hai ông rất xứng với cái tên ‘con của sấm sét hay con của thiên lôi.’

Tuy rằng các lý do theo Chúa rất mực con người và chất chứa một chút khát vọng cho bản thân, gia đình và dòng tộc mình. Nhưng Đức Giê-su không vì thế mà khiển trách hay dùng nó như một tiêu chuẩn để sàng lọc các môn đệ. Người kiên nhẫn trong cách hành xử. Người nhìn thấy nỗi bất toàn, các yếu đuối, thậm chí sự thất bại của họ. Người muốn dậy bảo họ bằng chính các kinh nghiệm mà họ có thể sẽ phải kinh qua.

Ngoài ra, nội dung giáo huấn của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay gắn liền với lời loan báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn tại Giê-ru-sa-lem mà Đức Giê-su đang hướng về. Đức Giê-su không tiến về Thánh Đô Giê-ru- sa-lem để đón nhận vinh quang, mà là khổ nạn và cái chết! Trong khi đó các môn đệ và những người theo Chúa lại tưởng rằng Người lên đó để khôi phục vương quyền, đuổi bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi và phục hồi quyền làm chủ đất nước lại cho họ. Nói chung, quan niệm và chủ thuyết về một Đấng Mê-si-a theo nghĩa chính trị đã là một trong những nguyên nhân thúc đẩy họ theo Đức Giê-su. Họ mải mê trong các tham vọng rất mực con người và mang tính trần tục. Cho nên hai ông Gia-cô-bê và Gio-an, mau mắn hơn các ông kia, đã xin với Chúa điều mà các ông mơ ước: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”

Còn các môn đệ kia không ‘sấm sét’ bằng tiếng nổ của Gia-cô-bê và Gio-an cho nên đâm ra tức tối. Dường như, giữa các ông đã có một cuộc chiến quyền lực, tranh dành địa vị, ai cũng muốn trèo lên ghế cao, và khi trèo lên cao thì phải đạp kẻ bên dưới mình. Trong các ông, ai sẽ là kẻ lớn hơn? Và dĩ nhiên, khi con người có ghế, có địa vị thì dễ sinh ra quyền lực và bị quyền lực cám dỗ hầu bảo vệ vị trí và quyền lợi.

Trước tình hình của các môn đệ khi xưa và trong hàng ngũ của các vị lãnh đạo hôm nay, Đức Giêsu cần hành động ngay. Người dậy bảo các ông về sự khác biệt về vai trò lãnh đạo trong Vương quốc của Thiên Chúa và các vuơng triều thế tục.

Trong các vương quốc tại trần gian thì người ta dùng quyền để cai trị. Như một hoàng đế, ông ta muốn làm gì thì làm, ông có quyền trên sự sống chết của thần dân và thuộc hạ. Như vậy, quyền sinh ra lực và những ai có quyền thì thường dùng quyền để bảo vệ lợi ích của mình. Và như thế họ luôn bị quay cuồng bởi việc nắm giữ quyền lực để phát triển quyền lợi rồi củng cố điạ vị còn nói gì đến việc phục vụ tha nhân.

Trong khi đó, đối với Đức Giê-su, vương quốc mà Người khai mạc là triều đại hồng ân của Thiên Chúa. Hiến chương là Tình yêu và tiêu chuẩn là phục vụ. Sự cao trọng không bao gồm việc mong đợi người khác phục vụ mình, nhưng là mình phục vụ người khác, như Lời Đức Giê-su phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Bài học phục vụ nói lên giao ước Tình yêu của Thiên Chúa đã được khai mạc nơi Đức Giêsu. Người đến để mở ra một con đuờng, một lối sống yêu thương, vô vị lợi. Nếu tình yêu mà còn mong đáp trả thì còn có thể là tình yêu được hay sao! Lúc đó, tình yêu đã biến thành phương tiện cho bản thân. Như vậy có nghĩa là tôi yêu người khác vì tôi; và người khác có đáp trả tình yêu cho tôi cũng vì cái lợi mà họ có thể thu hoạch được; như vậy họ cũng yêu chính họ chứ không hề yêu tôi. Một tình yêu cho đi, không cần đáp trả mới là mối tình của Chúa và thuộc về Chúa.

Dựa vào lời dậy bảo của Đức Giê-su thì những ai được mời gọi là Con Chúa, trở thành môn đệ của Người là những con người biết cho đi, biết san sẻ và cùng chung chia sứ mạng của Người. Đó chính là điều mà Đức Giê-su yêu cầu Gia-cô-bê và Gio-an hôm nay: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Chén mà Đức Giê-su sắp uống và phép rửa mà Người sắp chịu là hành trình Thập Giá mà Người sắp đón nhận. Đức Giêsu muốn nói đến sự chọn lựa của Người. Với quyền năng sẵn có, Người có thể sắp xếp cuộc sống hoàn toàn phù hợp với chính Người, nhưng Người đã không làm thế, sẵn sàng dâng hiến, ngay cả bản thân và tất cả những gì Người có chỉ để phục vụ người khác. Có nghĩa là luôn đi tìm và tạo hạnh phúc cho người khác như hành động quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Phục vụ là quì xuống, là hiến dâng để phục hồi tình trạng làm con Thiên Chúa và qua đó chúng ta cũng có thể chia sẻ cuộc sống thần linh với Người.

Đấy là con đuờng của Đức Giê-su, và đó cũng là con đường của người môn đệ; có nghĩa là giống Đức Giê-su, chúng ta sinh ra để phục vụ, mong làm đầy tớ mọi người. Đây không phải là một điều luật trong những điều luật khác nhưng đó là “hiến chương” của Giáo Hội, tiêu chuẩn sống của người môn đệ: Mỗi người phải trở nên đầy tớ của mọi người.

Trong Giáo Hội, chỉ có một nguyên tắc mà thôi: Đó là phục vụ. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta coi thường năng quyền được trao ban trong Hội Thánh. Chúa không hủy bỏ vai trò của người lãnh đạo; nhưng làm đầu là để phục vụ người khác thì khác với tinh thần làm lớn để bắt người khác cúc cung quì gối phục vụ mình.

Vì thế, cho hàng giáo sĩ, những người được mời gọi vào các vai trò đặc biệt trong Hội Thánh mà chúng ta thường gọi họ là các thừa tác viên: linh mục hay phó tế. Họ cũng nên nhớ rằng năng quyền mà họ đang có đã được Hội Thánh trao ban vì lợi ích chung của cộng đoàn, chứ không thuộc về riêng họ. Họ là những kẻ lãnh nhận quyền thừa tác của Đức Giê-su trong gia đình Hội Thánh. Uy quyền lãnh đạo sau cùng và tối cao vẫn thuộc về Đức Giê-su. Như vậy, làm gì có lãnh tụ theo nghĩa thế gian trong cơ chế của Giáo Hội. Chỉ có những “thừa tác viên”, những người “phục vụ”.

Trong thời gian gần đây, chúng ta được nghe rất nhiều về ý định của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong việc cải tiến cơ cấu của giáo triều bên Rô-ma. Ngài cũng muốn các vị lãnh đạo tại các Giáo hội địa phương áp dụng đường lối cải cách này. Đã đến lúc Giáo Hội phải trở về nguồn, trở về với yêu sách của Đức Giê-su trong Tin Mừng.

Nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, chúng ta phải nhìn nhận rằng Hội Thánh đã từng trải qua các mối nguy cơ gây ra bởi việc lạm dụng uy quyền, cố gắng ngoi lên các vị trí hàng đầu của các vị lãnh đạo hay cách xử dụng các đặc quyền đặc lợi để vinh thân mình mà quên đi vai trò tôi tớ của người môn đệ. Lối sống giáo sĩ trị vẫn là mối nguy hại cho việc canh tân Hội Thánh theo tinh thần của Tin Mừng.

Một cách cụ thể, chúng ta phải kể đến các tin buồn về cách hành xử của vài vị lãnh đạo gây ảnh hưởng không mấy tốt đẹp trong các cơ cấu và tổ chức, trong đó có cơ chế của Hội Thánh Công Giáo. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhắc nhở cho chúng ta thấy tầm nguy hại của lối sống ‘giáo sĩ trị’ hay là sự ‘lạm dụng của các bậc quyền thế’. Các hành vi lạm dụng uy quyền này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có những trường hợp dẫn họ đến các hành vi tội ác, để lại các vết sẹo trên thân thể và cuộc đời của các nạn nhân. Quả thật, chúng ta chẳng thể nào hiểu nổi các hành vi của họ!

Tóm lại, những ai đã được Chúa mời gọi chia sẻ quyền lãnh đạo với Người hãy cân nhắc cẩn thận để lời nói và hành động được hợp nhất. Chúng ta ai cũng được mời gọi thực hiện quyền của những kẻ thừa kế, chia sẻ quyền lãnh đạo của Đức Giê-su. Ai được mời gọi sống bậc tu trì thì có trách nhiệm và bổn phận phục vụ cộng đòan. Ai được mời gọi sống bậc đôi bạn thì có trách nhiệm với nhau và gia đình mình. Đừng dùng quyền ra lịnh cho con trẻ điều mà chính các bậc phụ huynh chưa làm được. Người nào có bổn phận của người ấy. Tất cả đều là môn đệ, đều được gọi để phục vụ.

Vì thế, phục vụ không chỉ là bài học mà là cách sống của Chúa muốn chúng ta đem ra thực hành trong cuộc sống mình. Amen!

Wednesday, 6 October 2021

ĐỐI VỚI CHÚA MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ!

 


Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta chứng kiến cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Đức Giê-su và người giầu có. Ông ta thật đáng kính phục và ngưỡng mộ, không vì lối sống đạo đức hay tình trạng giàu có của ông cho bằng sự khao khát tìm kiếm con đường dẫn ông đến sự sống đời đời.

Cử chỉ đầu tiên của ông là chạy đến, quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su rồi hỏi Người về cách thức dẫn ông đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Thấy cử chỉ thật dễ thương của ông Chúa đem lòng yêu mến. Và tuy không nói ra, nhưng Đức Giê-su biết rõ ông cần gì. Ông đến với Chúa bằng con người của lề luật. Giả như ông nghĩ rằng đó là tất cả những gì mà ông cần làm thì hôm nay Đức Giê-su muốn thách thức ông làm điều khó hơn, mới hơn, một tin vui vượt lên trên mọi khoản luật mà ông tuân giữ, đó là điều mà ông đang khao khát kiếm tìm chính là hãy bán gia tài mà ông có, rồi đem tặng cho người nghèo, sau đó ông sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Chúa.

Đề nghị của Chúa mời ông hôm nay gồm ba bước gắn bó với nhau:

Thứ nhất là bán gia tài. Gia tài ở đây không chỉ là tiền bạc, nhưng là tất cả những gì ông ta đang có, những gì ông đang sở hữu, đang quản lý. Nó có thể là tiền bạc, thời giờ, sức khoẻ, tài năng. Bán đi là hành động chứng tỏ ông không thuộc về nó, làm chủ nó. Nói khác đi, ông phải nhận ra rằng những gì mà ông đang có không thể là của riêng ông. Tất cả chỉ là phương tiện giúp ông dễ dàng hơn trong việc theo Chúa. Có nghĩa là ông không được để cho lòng mình vướng bận những điều đó. Tất cả những gì ông có đều là hồng ân của Chúa ban cho. Đó là của chung, còn ông và chúng ta chỉ là những người quản lý. Bởi thế, tất cả những gì chúng ta có, chỉ để làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.

Vì thế, việc kế tiếp mà ông cần nhắm đến là tha nhân, những người nghèo chung quanh ông. Có nghĩa là ông cần chuyên tâm sống nguyên tắc không dính bén và biết chia sẻ. Không nghĩ đến mình, mà còn phải biết nghĩ đến tha nhân, phải mở rộng con tim, giang đôi tay ra để ôm ấp, giúp đỡ nhưng người tất bạt rồi quì xuống mà phục vụ anh em.

Người nghèo không chỉ thiếu tiền thiếu bạc và của cải. Họ còn thiếu tình thương, lời an ủi, niềm khích lệ, sự tôn trọng… Vì thế, chúng ta không chỉ mời gọi trao ban cho họ tiền của, mà còn cho họ thời giờ, sức lực và cả trí tuệ, con người của mình nữa. Nhiều khi, chỉ cần trao cho họ một nụ cười, trả lại cho họ niềm kính trọng như một con người còn cao quí hơn các tặng vật.

Sau khi thực hiện các việc làm đó rồi hãy đi theo Chúa. Lúc này, ông không còn bị vướng bận, thảnh thơi để buớc vào giai đọan sau cùng của người môn đệ là theo Chúa. Tuy gia tài trên trời đã có; nhưng không vì vậy mà ông và chúng ta lại chểnh mảng và không lo làm cho nó giàu có hơn. Theo Chúa là như thế, là làm giàu cho Chúa những gì đã được tặng ban. Như thế, muốn bước theo Đức Giê-su, con người phải để cho mình hết sức nhẹ nhàng và thanh thản, không còn bị dính bén hay bị bận rộn trong việc tính toán theo thói thế gian, mà phải hoàn toàn nhẹ nhàng và thanh thoát.

Đức Giê-su đã đáp ứng điều mà ông nhà giầu đang kiếm tìm bằng cách chỉ cho ông điều mà ông đang thiếu, điều mà ông cần dứt bỏ để có thể tiến vào hạnh phúc đích thật và viên mãn. Tuy nhiên, trước lời mời gọi của Đức Giê-su, người này đã chùn chân và không dám bước tới, ông đã “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải”.

Thái độ buồn rầu của ông giúp chúng ta nhận ra một điều là ông dám mơ ước, nhưng lại không dám hy sinh để đạt được ước mơ của mình. Có lẽ trong cuộc sống, ông ta chưa bao giờ phải chạm trán và đuơng đầu với một cuộc chiến thật gay go như lúc này. Và, ngay trong giây phút đó, ông mới nhận ra rằng tiền bạc là mục tiêu tối hậu cho cuộc sống của ông. Vì thế, ông đã không thể dứt bỏ được của cải. Ông đành để Chúa ở lại và bước về lối cũ.  

Thưa anh chị em,

Như chúng ta đều biết, của cải vật chất không phải là điều xấu. Giầu có là ước mơ của nhiều người. Nhưng nếu cuộc sống của chúng ta chỉ dừng lại ở của cải vật chất, là lúc chúng ta biến của cải thành mục tiêu tối hậu cho cuộc sống. Và, chúng ta sẽ tìm mọi phương thế để đạt cho được nó. Đến lúc đó, ước mơ ban đầu cho dù rất tinh tuyền, như ước mơ làm giàu để phục vụ kẻ khác, có thể sẽ biến dạng thành tham vọng, rồi dẫn chúng ta đi vào con đường sai lạc.

Nói khác đi, một khi chúng ta chỉ đặt mục tiêu cuộc đời vào của cải vật chất, nó sẽ biến chúng ta thành những con người tham lam, sống theo bản năng và thay vì làm chủ nó, chúng ta lại biến thành nạn nhân cho của cải. Lúc đó của cải sẽ biến thành ông chủ sai khiến ta. Ý hướng ngay lành, hướng thượng không còn nữa mà chỉ còn lại là hưởng thụ với những thú vui theo sau. Các điều đó sẽ biến chúng ta thành những con người hoàn toàn lệ thuộc vào sự chỉ huy của tiền của.

Giống như ông nhà giàu hôm nay, các môn đệ cũng nhận ra đuợc sự đòi hỏi thật quyết liệt và gắt gao của Chúa. Bằng vào tài hèn sức mọn và với sức con người thì ai làm đuợc, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.

Đó chính là trọng tâm của sứ điệp: Với Chúa, chúng ta làm đuợc tất cả.

Và đó là điều mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, qua những con người như Thánh Phan Sinh, ngài đã từ bỏ nếp sống quí tộc, ra đi làm bạn với người nghèo; như mẹ Thánh Tê-rê-sa thành Calcuta, đã từ bỏ nếp sống an toàn trong tu viện, ra đi làm bạn với những người hấp hối cần tình thương và ơn bình an. Và còn nhiều gương sáng khác nữa.

Các ngài là những mẫu gương của người môn đệ, luôn sẵn sàng chấp nhận để Thiên Chúa thành toàn trong nếp sống của họ, ở mọi thời, mọi nơi; và hôm nay, ngay tại chỗ này có cả chúng ta nữa.

Hãy để Chúa làm, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được. Amen!