Chúng ta đang sống trong những ngày tháng cuối
của năm phụng vụ. Trong những tuần này, Phụng Vụ Lời Chúa hướng chúng ta về
ngày cùng tận, thường hiểu là của thế giới, nhưng thực ra đó là ngày sau hết của
mỗi người chúng ta. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mác-cô nói cho chúng
ta nghe những lời an ủi của Đức Giê-su dành cho các môn đệ về những biến cố
kinh hoàng sắp xẩy đến mà họ sẽ phải đối diện. Và dĩ nhiên, trong hoàn cảnh đó
thì những điều Chúa nói hôm nay vô cùng quan trọng. Họ cần lắng nghe để chuẩn bị
tinh thần và có thêm sức mạnh mà đối diện.
Đối với chúng ta, sau gần hai năm chiến đấu với
đại dịch do Covid-19 gây ra, và nhờ phương tiện truyền thông, mắt chúng ta nhìn
thấy cảnh người chết nằm la liệt, tai chúng ta nghe tin: cha mất con, vợ mất chồng,
anh mất em, cha mẹ già yếu chết cô đơn trong các viện dưỡng lão, v.v... Tại nhiều
nơi người ta phải chôn tập thể. Sự chết của các nạn nhân trong mùa đại dịch đã
tạo nên một sức ép và ảnh hưởng cách suy nghĩ về lối sống hiện tại của chúng
ta. Chúng có thể làm cho chúng ta bị khủng hoảng, thiếu tự tin và mất đi cảm
giác an toàn nữa. Thấy người ta chết mà lo, không biết khi nào Cô Vy viếng thăm
mình đây!
Với hoàn cảnh như thế thì sứ điệp và những dấu
chỉ báo trước ngày chung thẩm cũng vô cùng quan trọng đối với chúng ta, vì qua
đó chúng ta xác tín rằng rồi có một ngày thế giới này cũng qua đi, nhưng giờ
nào, ngày nào và khi nào việc đó xẩy đến thì không ai biết. Vì đó là “Ngày của
Chúa” thì chỉ mình Chúa biết. Phần chúng ta hãy tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng
cho ngày Chúa đến trong cuộc đời chúng ta. Vì thế, vấn đề mà chúng ta quan tâm
là ‘ngày cùng tận’ của chính mình.
Quả thật là như thế, bởi những gì mà Đức
Giê-su nói cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là sứ điệp của Người
dành cho chúng ta hôm nay. Người muốn chúng ta tiếp tục tin tưởng nơi sự hiện
diện của Người. Người muốn lòng chúng ta an bình, không bị hoang mang bởi những
gì mà chúng ta không thể khống chế được. Người muốn nhắc lại cho chúng ta biết
rằng Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Thần chết đã bị đánh gục bởi Tình
Yêu của Người dành cho thế gian này. Qua
sự chết, Đức Giê-su sẽ đưa nhân loại đến một thế giới mới, một thế giới mà con
người hằng mơ ước.
Hơn thế, trong bài diễn từ về ngày cánh chung
hôm nay có hàm chứa một biến cố lịch sử đã xẩy ra cho dân tộc Do Thái, đó chính
là việc Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã bị huỷ diệt thành bình địa. Nhân dựa vào biến
cố lịch sử này, các Thánh sử đều muốn nhắm đến sứ điệp là một thời đại đã qua
đi để nhường chỗ cho những gì mới sẽ xẩy đến. Giê-ru-sa-lem cũ đã qua đi để nhường
chỗ cho một Giê-ru-sa-lem mới. Và cho dù trời đất này phải qua đi thì Trời mới
đất mới sẽ xuất hiện. Và một cảnh sống hoà bình sẽ đuợc thành hình như lời loan
báo của ngôn sứ I-sa-i-a như sau: “Trong ngày đó, sói sống chung với chiên con;
beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn
dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm
nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ
vui đùa trong hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc.
Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi Thánh của
Ta.”
Hình ảnh mà ngôn sứ I-sa-i-a loan báo quả thật
vô cùng đẹp đẽ và an bình. Qua đó, chúng ta tin rằng Thiên Chúa của chúng ta là
Thiên Chúa của sự bình an, của sáng tạo, của sự sống chứ không phải huỷ diệt và
sư chết. Có nghĩa là từ khởi thủy, Thiên Chúa đã sáng tạo muôn loại, và sẽ đưa
muôn loài đến cùng đích trong sự viên mãn và thành toàn nơi Người. Bởi thế,
trong ngày của Chúa, mọi sự sẽ được đổi mới toàn diện; ngày mà chúng ta thấy rõ
dung nhan vinh hiển của Chúa, mà trong hiện tại chúng ta chỉ thấy mờ mờ.
Vì thế, trạng thái lo âu và sơ hãi không có chỗ
đứng trong hành trang của người tín hữu đang ngóng chờ Ngày Quang Lâm vinh hiển
của Đức Chúa. Nhưng không vì thế, mà chúng ta lại đi vào thái cực khác là coi
thường, thờ ơ rồi sống như không có ngày chung kết, rồi trong hiện tại con người
lại tác oai, tác quái muốn làm gì thì làm, thậm chí kể cả các hành vi vô đạo và bất lương cũng không từ. Trái lại, chúng
ta phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của một người quản lý mà Chúa đã giao phó
cho việc trông coi và phát triển vũ trụ này trở thành Trời Mới và Đất Mới.
Như vậy, thái độ tích cực nhất của chúng ta là
hãy sắp xếp cuộc sống của mình cho phù hợp với các nhiệm vụ đã được giao phó
nơi trần thế. Khi thi hành các trách vụ đó, chúng ta không mong tìm được lợi
ích cho bản thân mình mà thôi, nhưng quyết tâm chu toàn bổn phận của người quản
lý trung tín để phục vụ cộng đồng nhân loại và đổi mới bộ mặt của thế gian. Bởi
vì, chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn chăm sóc cho dân của Ngài.
Ý thức được nhiệm vụ và bổn phận của mình
trong dòng lịch sử nhân loại để ngóng chờ ngày mà Đức Kitô ngự đến trong quang
lâm, mỗi Kitô hữu mang trong mình niềm tin tưởng vào sự hiện diện của Đức Kitô,
Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến, qua những sinh hoạt của mình nơi trần thế. Niềm
tin này không chỉ được qui chiếu vào những sinh hoạt phụng vụ hay các bổn phận
luân lý cần phải chu toàn mà thôi; nhưng chính nó buộc chúng ta phải dấn thân
trọn vẹn vào môi trường, tùy theo ơn gọi của mình, để làm cho môi trường mỗi
ngày một hoàn hảo hơn. Đó là niềm hy vọng và cũng là ước nguyện của chúng ta.
Cầu xin cho đức tin, đức ái của chúng ta cùng
triển nở với niềm cậy trông, chờ ngày sẽ được vinh hiển với Đức Giê-su trong
ngày Người lại đến. Amen!
No comments:
Post a Comment