Anh chị em thân mến,
Phụng vụ Lời Chúa tuần này xoay quanh
chủ đề niềm vui. Đây là một trong các đặc tính tiêu biểu của người Kitô Hữu. Ai
trong chúng ta cũng mong sống vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng thực tế không như thế.
Mang thân phận kiếp người, mấy ai trong chúng ta không trải qua các thử thách,
mấy người thoát được gánh nặng của đau khổ, chẳng mấy ai thoát được những giai
đoạn buồn phiền, sầu khổ và mất mát. Tuy nhiên, cũng có lúc chúng ta sống trong
hạnh phúc và vui sướng. Tất cả các điều đó gắn liền với cuộc sống của chúng ta.
Sống là thế đó!
Tuy nhiên, chúng ta đừng bị đánh lừa
bởi một thứ niềm vui dựa trên cảm xúc, đó là thú vui. Thú vui thì chóng qua. Nó
đến mau bao nhiêu thì đi nhanh bấy nhiêu. Tất cả cần được cảm nghiệm bằng cách
sống suy tư của mình. Đức Trinh nữ Maria là một gương sáng cho chúng ta trong
việc cảm nhận này. Mẹ đón nhận niềm vui một cách chậm nhưng chắc, không chỉ một
lần mà Mẹ thường suy đi nghĩ lại nhiều lần về kinh nghiệm gặp gỡ giữa Mẹ và
Thiên Chúa. Lối sống của Mẹ là mẫu gương mà Hội Thánh mời chúng ta suy tư trong
Mùa Vọng.
Niềm vui của người tín hữu là kết quả
của cuộc gặp gỡ giữa Chúa và mình, không phải chỉ một lần là đủ, nhưng cần được
tái lập, canh tân và nuôi duỡng các lần gặp gỡ đó trong cuộc sống hằng ngày,
trong mọi biến cố và luôn tìm cách để đổi mới. Đó chính là niềm vui đích thực.
Chỉ trong Chúa con người mới đạt đuợc mức độ viên mãn của niềm vui.
Để minh họa cho ý nghĩ nói trên, xin
mời anh chị em cùng nghe một kinh nghiệm. Kinh nghiệm này có lẽ đã đuợc nhiều
người kể hoặc chúng ta đã đuợc nghe nhiều lần. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận ra nét độc
đáo và mới mẻ của câu chuyện mỗi khi được nghe lại. Và mỗi lần như thế, tôi lại
có dịp đặt vấn đề cho niềm tin của mình. Giờ đây, xin san sẻ đến cho bà con
nhé.
Truyện bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa
người tân tòng và người phỏng vấn.
-
Tôi
nghe tin anh mới theo đạo Công Giáo, phải không?
·
Anh
nói đúng. Thật ra tôi mới được rửa tội trở thành môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa
chúng tôi.
-
Anh
có thể kể cho tôi biết về lịch sử về cuộc đời của Người?
·
Rất
tiếc thưa anh. Tôi đã học và đọc qua nhiều cuốn sách về cuộc đời của Người và
giờ này cũng chẳng còn nhớ đuợc bao nhiêu nữa!
-
Số
phận của Đức Giê-su thế nào? Anh có biết tuổi thọ của Người là bao nhiêu không?
·
Tôi
cũng chẳng nhớ rõ. Tôi chỉ biết là Người đã chết và đã sống lại.
-
Vậy
ông ta chết năm bao nhiêu tuổi?
·
Tôi
chẳng nhớ chính xác nên không dám nói bừa.
-
Cảm
ơn anh! Theo sự nhận xét của tôi thì anh chẳng biết gì về Đức Giê-su, Chúa của
ông; thế mà anh lại theo đạo Công Giáo, nghĩa là làm sao?
·
Anh
nói đúng. Tôi xin lỗi đã làm ông thất vọng vì đã không làm cho ông đuợc thỏa
mãn. Thế nhưng, thưa anh, chỉ có một điều tôi và gia đình tôi biết rất rõ. Đó
là điều đang xẩy ra cho tôi và gia đình.
Cách đây mấy năm, tôi là
người hư thân mất nết, cuộc sống bê tha và tồi tệ. Sau giờ tan sở, tôi thường
la cà tại các nơi ăn chơi, rượu chè be bét; đến khi lết về được đến nhà thì tôi
đã say ngất. Vợ con tôi đều lánh xa vì sợ hãi. Họ rất hổ thẹn và xấu hổ vì tôi.
Nhưng kể từ ngày tôi gặp Đức Giê-su và đi theo Người thì mọi
sự đều thay đổi. Tôi
đã cai được rượu, chăm lo cho vợ và các con. Họ không còn sống trong âu lo và sợ
hãi mỗi khi gặp tôi; trái lại giờ đây, chúng tôi sống rất hạnh phúc và vui vẻ.
Tất cả đều là hậu quả của
việc gặp gỡ và biết Đức Giê-su. Ngươì đã làm cho tôi và gia đình trở thành nguồn
vui cho nhau. Anh thấy chưa. Những gì tôi biết về Người như thế thì quá đủ cho tôi
và gia đình rồi.
Kính thưa anh chị em,
Như vậy, niềm vui không phải là một
thứ quà tặng rẻ tiền. Đây chính là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người
nơi mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Đây là cuộc gặp gỡ trọng đại giữa
Thiên Chúa và con người. Qua Đức Giê-su, con người cảm nhận và tiếp xúc với một
vị Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, đến và cư ngụ giữa chúng ta. Người chính là
tin vui mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa qua môi miệng của các ngôn sứ.
Tất cả những ai đã gặp Người đều bị
chất vấn để canh tân cho xứng với các tiêu chuẩn của Người đưa ra trong các mối
phúc thật. Vì thế, việc đổi đời là điều cần thiết. Và đó cũng là điều mà Gio-an
Tẩy Giả công bố để giúp chúng ta chuẩn bị cuộc sống cho xứng đáng để đón tiếp
Người.
Những người đến nghe Gio-an giảng đã
bị đánh động và tha thiết muốn có sự thay đổi không bằng văn tự nhưng bằng
chính việc làm nên họ đã hỏi “chúng tôi phải làm gì đây?” Và, tuỳ vào
nhiệm vụ mà Gio-an đã đưa ra lời mời gọi họ thực hiện.
-
Với
dân chúng, ông yêu cầu họ sống quan tâm và chia sẻ cơm ăn cũng như áo mặc cho
nhau.
-
Với
nhân viên thu thuế, ông mời gọi họ biết sống công bằng, đừng thu quá mức mà bóc
lột và làm khổ dân chúng.
-
Và
đối với binh lính, ông yêu cầu họ đừng dùng quyền lực để thống trị, hà hiếp hay
chà đạp dân chúng; trái lại họ hãy chấp nhận quyền hạn và những gì họ có để phục
vụ.
Thưa anh chị em,
Lời kêu gọi của Gioan hôm nay cho thấy,
mỗi người đều phải nỗ lực canh tân điều chỉnh lại cuộc sống của mình, sống đúng
với ơn gọi và nhiệm vụ đã được trao phó bởi Thiên Chúa thì sẽ tìm được niềm vui
cho mình và cho xã hội.
Gio-an
Tẩy giả, với lối sống khổ hạnh và lời rao giảng có sức lôi cuốn mãnh liệt, có
thể bị ngộ nhận là Đấng Cứu Thế mà tòan dân đang mong chờ. Nhưng ông không hề lợi dụng lòng yêu
mến và sự ủng hộ của dân chúng để tạo thế đứng và uy tín cho mình, trái lại,
ông sống và nói thật cho mọi người về bản thân: Tôi chỉ làm phép rửa cho anh em
bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho
Người.
Gioan
không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là
Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an
phải lu mờ. Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là
ai, và cần phải làm gì trong chương trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở
thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em:
trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả.
Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.”
Vai
trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn
chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời. Đó là giáo
lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối
nhìn và cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời.
Đức Giê-su là Đấng mà tòan dân mong chờ. Người sẽ thay đổi tất cả, đổi mới toàn
thế giới.
Chính
vì thế, phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật thứ ba trong các Mùa Vọng hàng năm
thật quan trọng. Sứ điệp của niềm vui và lòng hân hoan khi gặp Chúa đuợc nhấn mạnh.
Hãy vui lên vì Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Người không dùng vũ lực để biểu
dương uy quyền, nhưng bằng tình thương, sự hy sinh và lòng từ tâm để giải thoát
chúng ta khỏi những mưu toan bất chính, thoát khỏi những cạm bẫy của thế tục bằng
cách sống bác ái, chia cơm sẻ áo, sống liên đới trong yêu thương, tôn trọng và
cổ vũ cho công lý để mọi người có cuộc sống chính trực và an hoà.
Đó
là những công việc mà chúng ta cần làm, không chỉ trong Mùa Vọng này, mà cần được
thể hiện liên tục trong cuộc sống của chúng ta, những người môn đệ chân chính của
Chúa Hài Nhi. Amen!
No comments:
Post a Comment