Wednesday, 13 April 2022

PHỤC SINH NGUỒN HY VỌNG


Anh chị em thân mến,

Anh chị em tín hữu thuộc Giáo Hội Đông Phuơng có một thói quen rất ý nghĩa như sau: Sau khi tham dự Thánh lễ Mừng Chúa Phục Sinh; họ trao cho nhau món quà đã được làm phép, thuờng là quả trứng, biểu tượng của sự sống. Họ chúc mừng nhau bằng cách đập vỡ trái trứng và tung hô ‘Chúa đã sống lại thật rồi, bạn ơi’. Ai cũng làm chung một động tác và cùng chia sẻ với nhau một tin vui như thế. Rồi sau hết, họ cùng cất tiếng ngợi khen “Alleluia-Alleluia! Quả thật, Đức Kitô đã sống lại”.

Có lẽ, ngày nay, thói quen tặng trứng Phục sinh đuợc phát xuất từ truyền thống này. Nói chung, ai trong chúng ta cũng mong niềm vui và hanh phúc mà Đức Kitô đã đem đến trong ngày Người Phục sinh trải dài trong cuộc sống của mình và cho người khác.

Nhưng năm nay anh chị em thuộc Giáo Hội bên Ukraine sẽ mừng Lễ Phục Sinh thế nào? Đất nước và dân tộc Ukraine đang bị tàn phá bởi một cuộc tấn công dã man, tàn nhẫn mà giờ đây qua hệ thống thông tin chúng ta chứng kiến và đang nghe về những hành động tàn bạo của quân xâm lược đối với thường dân vô tội. Người dân Ukraine có niềm tin và quyết tâm cao. Họ quyết tâm bảo vệ tự do, đất nước và lối sống của họ, cho dẫu phải hy sinh.

Chiến tranh đã giết bao nhiêu thường dân vô tội. Vợ mấy chồng, cha mất con, anh em mất nhau. Nhìn cảnh đoàn người, đặc biệt các trẻ em và những người già nua phải ly tán để tránh bom đạn khiến chúng ta bị tổn thương. Ai là người đã tạo nên những tình huống đau khổ và các bi kịch như thế? Chúng ta không thể đổ thừa cho Chúa được! Con người phải có trách nhiệm chăm sóc và quan tâm đến sự sống chết của nhau. Đâu là niềm vui Phuc Sinh trước hoàn cảnh thật đau khổ mà họ đang phải đón nhận?

Trong giây phút này và với hoàn cảnh của những người đau khổ đang phải gánh chịu, việc giải thích ý nghĩa mầu nhiệm mà chúng ta đang mừng đem lại những gì cho họ? Dù muốn Chúc Mừng, tôi cũng chẳng biết nói gì!

Trở về ngày Lễ. Trong mấy ngày vừa qua, cùng với anh chị em cử hành phụng vụ của những nghi thức trong Tam Nhật Thánh. Nghi thức quá nhiều chi tiết, cho nên cần chuẩn bị thật kỹ mới có thể dẫn đưa người tham dự đi sâu vào ý nghĩa đích thực của việc mừng Lễ. Song song với các việc đó, trong những phút thinh lặng, tôi bị đánh thức bởi câu hỏi tại sao số phận của những người vô tội, như Đức Giê-su lại bị kết án và chết như một tử tội. Thế giới này có công bằng hay chỉ là một chuỗi các tình thế bất công vẫn xuất hiện?

Thật vậy làm sao chúng ta có thể nói đến hai chữ an bình khi còn biết bao nhiêu người vô tội vẫn bị chết, bao nhiêu tín hữu vẫn bị những kẻ cuồng tín giết hàng loạt bên Á Châu và Trung Đông. Vẫn còn những người đang chết dần chết mòn vì nghèo đói. Vẫn còn những người đang kéo lê cuộc sống vì những căn bệnh nan y, hiểm nghèo. Vẫn còn những trẻ thơ đang bị giam kín trong các trại giam của cô đơn; bị bỏ rơi và thiếu tình thương của các bậc sinh thành. Vẫn còn những trái tim đang tan nát vì bị phản bội hay bị lợi dụng. Vẫn còn những con người không còn tương lai, hay tương lai đang bị chôn vùi trong những nấm mồ đen tối không lối thoát. Và, còn bao nhiêu cái ‘vẫn đang xẩy ra’ chung quanh chúng ta nữa.

Về mặt cá nhân, đã có bao giờ anh chị em trải qua những bi kịch trong cuộc sống: như nếm cảnh cô đơn, bị ruồng rẫy, bị phản tội, bị lợi dụng, bị phụ tình, nạn nhân của ghen tuông, bị nhạo bang, bị sỉ nhục, mất phương hướng… muốn nói ra mà không biết giải thích làm sao. Một sự im lặng, câm nín không lối thoát bao vây đời mình. Và lúc đó chúng ta chỉ thấy cuộc đời bị che lấp bởi một màn đen, bóng tối đang bao phủ và hầu như không lối thoát.

Trong cảnh ngộ đó, nhiều người đã không còn đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là việc cần làm, đâu là việc nên tránh; qua việc tìm kiếm để được giải thoát họ chỉ muốn không còn bị đau khổ nữa; nói khác đi họ đã quá đau, trong cơn đau quằn quại của thể xác, tâm trí hoảng loạn, họ chỉ muốn hết khổ. Còn chúng ta, những tín hữu của Chúa biết tìm vào đâu? Thật ra, đau khổ và thập giá luôn là chìa khóa giúp ta bước vào sự sống. Chúng ta không cần đi tìm thập giá hay đau khổ. Đó là phần của cuộc sống hay cuộc sống sẽ sản sinh ra đau khổ và thập giá.

Thưa anh chị em, nhất là những ai đã từng trải qua một vài kinh nghiệm nói trên hãy cùng tôi đi thêm một bước nữa; bước mà chúng ta cùng với toàn thể Hội Thánh cử hành hôm nay.

Đức Giê-su đã sống lại ngay trong lúc chúng ta bị bí lối; có cảm nhận đó mới biết Phục sinh là ánh sáng soi đường. Có kinh nghiệm như thế mới biết sự sống cần và quan trọng như thế nào.

Sự thinh lặng mà Hội Thánh mời gọi chúng ta đi vào từ khi Chúa chết cho đến bây giờ nhắc cho chúng ta biết về thân phân ‘bị bó tay’ của mình: không đường đi, không lối thoát. Chúng ta bị bó tay, Đức Kito trần trụi trên Thập giá tưởng chừng như cũng bị bó tay… Nhưng chính lúc đó là lúc Thiên Chúa làm việc và can thiệp vào tình trạng ‘bị bó tay’ của nhân loại và của riêng mỗi người chúng ta.

Quả thật, trong bóng tối đã có ánh sáng, trong bóng đêm đã có hừng đông, trong đau khổ đã có hạnh phúc, qua Thập Gía đã có vinh quang và trong sự chết luôn có sự sống bao trùm. Đó là nguồn hy vọng mà Đức Kitô Phục sinh đã đem đến cho tòan thể nhân lọai nói chung và cho cộng đoàn chúng ta hôm nay.

Ánh sáng Phục Sinh đã bùng lên trong đêm tối của cuộc đời.

Ánh sáng Phục Sinh đã đem đến cho cuộc đời một ý nghĩa mới, mục đích mới. Và chỉ có ai cảm nhận được sự can thiệp đó của Thiên Chúa mới biết niềm vui là gì và từ đó mới có thể đem niềm vui cho người khác.

Chúa Phục sinh không cất đi nỗi đau khổ, những bi thảm của cuộc đời tôi; nhưng chính Người đã ôm lấy những bi thảm đó. Tôi không còn cô đơn, ngã gục nhưng Phục sinh đã giúp tôi nhận ra rằng Chúa đang hiện diện và ôm tất cả những nghịch cảnh của cuộc đời vào lòng Người và ban cho tôi sức mạnh để nâng tôi dậy.

Chúa Phục Sinh đem đến cho tôi niềm hy vọng. Hy vọng và xác tín rằng ngay lúc đen tối nhất Thiên Chúa không bỏ rơi Đức Giê-su, Con Ngài thì Ngài cũng không bỏ rơi tôi. Can đảm, mạnh dạn mà tiến bước là thái độ sống mà tôi học được qua Phục sinh.

Sức mạnh của Thiên Chúa qua biến cố Phục Sinh giúp tôi chấp nhận thực tại của đời sống như: bị hiểu lầm, bị đối xử thiếu công bằng; ngay cả lúc tôi trao đi tình yêu của mình, nhưng bù lại bằng sự lạnh nhạt hay phản bội của đối phương; và nhất là không còn sức để đối diện với sự thật về đời mình, về người khác…. Đức Ki-tô Phục sinh giúp tôi chỗi dậy đễ chấp nhận với niềm tin rằng Ngài vẫn sống trong cảnh ngộ của tôi.

Chúng ta đừng nghĩ rằng Người đã rời xa tôi. Không, Người vẫn sống, một cách thật thầm lặng – như hạt lúa gieo vào lòng đất - mục nát – chờ ngày trổ sinh hoa trái

Thưa anh chị em,

Chúng ta không thể tách cuộc khổ nạn của Chúa trong ngày thứ Sáu, sự thinh lặng hầu như quá khó hiểu của ngày thứ Bẩy ra khỏi mầu nhiệm Phục Sinh mà chúng ta đang cử hành. Tất cả được liên kết trong bàn tay thật tuyệt diệu của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và sự sống thật sung mãn để chúng ta vào đời với tâm hồn vui tươi, hân hoan vì có Chúa Phục sinh ở cùng.

Đây không phải là điều chúng ta đạt được. Nhưng hoàn toàn là do ân huệ của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Thần, sức riêng sao đạt được. Vậy xin Chúa sai Thần Khí Chúa xua đuổi lối sống bi quan yếm thế để chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa, Đấng đang sống trong cảnh ngộ của từng cá nhân, rồi bước đi trong yêu thương.

Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh. Thế giới đang bị ảnh hưởng bởi lối sống vô cảm cần niềm hy vọng. Những người dân Ukraine vẫn hăng say chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong hy vọng. Những ai đang chăm sóc người thân bị bịnh nan y, vẫn hy vọng người thân của họ được bình an, can đảm chấp nhận và chiến đấu, cho dẫu biết rằng căn bịnh nan y này đã không còn thuốc chữa. Những ai đang bị áp bức, lạm dụng, đối diện với những bi kịch của đời sống đang cần đến ánh sáng.

Tuy họ bị bí lối nhưng chưa cùng đường. Chúng ta cùng với họ mạnh dạn tiến bước, vì Chúa nay thật đã Phục sinh và đang ở cùng với chúng ta trong mọi nẻo đường và hoàn cảnh sống. Alleluia!

 

No comments:

Post a Comment