Wednesday, 11 May 2022

YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA YÊU


Bài Tin Mừng hôm nay, tuy vỏn vẹn chỉ có bốn câu, nhưng chất chứa một sứ điệp thật quan trọng.

Trong hai câu đầu, Thánh sử trình bầy việc ra đi của Giu-đa. Hành động của ông báo hiệu giờ của đêm tối đã đến. Vẫn biết rằng, việc Đức Giê-su bị giao nộp sẽ xẩy ra. Nhưng đối với Thiên Chúa thì việc làm của Giu-đa hôm nay lại là cơ hội để Đức Giê-su làm trọn vai trò của Người. Do đó, một cách nào đó chúng ta có thể nhìn việc ra đi của ông giống như hình ảnh của bóng tối. Một khi bóng tối khuất đi thì ánh sáng sẽ xuất hiện.

Đức Giê-su nói “giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.” Hành vi nộp Người của Giu-đa lại biến thành giờ để Đức Giê-su thực hiện và sống ơn gọi của Người một cách trọn vẹn nhất. Giờ ra đi để hoàn tất ý định của Chúa Cha. Cả cuộc đời của Người, bao gồm mọi khoảnh khắc trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giê-su luôn hướng về giờ mà Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. 

Và hôm nay, trước lúc ra đi và trong giây phút thân tình với các môn đệ, Người đã tâm sự cho các ông biết ý nghĩa về việc được tôn vinh trong vâng phục của Người. Đức Giê-su cảm thấy bị xúc động khi Người phải từ giã các ông. Người trăn trối cho các môn đệ những điều mà Người đã ưu tư, ôm ấp và khát khao thực hiện là anh em hãy yêu thương nhau; hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương. Đây là điều mới lạ. Và tình yêu mà chúng ta trao ban chco nhau chứng tỏ anh em là môn đệ của Thầy.

Điều Đức Giê-su ban cho các môn đệ đêm nay vô cùng quan trọng.

Trước tiên, Chúa không chỉ truyền lịnh. Nhưng Người đã trao cho những người bạn thiết nghĩa của Thầy chính cử chỉ và hành động mà Thầy đã thực hiện trong một bữa ăn. Chúa trỗi dậy, rời bàn ăn, múc nước rửa và lau khô chân cho các môn đệ. Chứng kiến việc Thầy làm, các môn đệ không chỉ xúc động mà còn khiến cho các ông ngạc nhiên. Thấy thế, Chúa bèn giải thích rằng “nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Gio-an 13: 14) Đây là điều vô cùng mới mẻ. Điều Chúa truyền dậy khác với cách hành xử mà con người dành cho nhau.

Thật vậy, chúng ta vẫn biết rằng, đạo nào cũng dậy con người làm lành tránh dữ và yêu thương nhau. Nhưng, điều đặc sắc và mới mẻ mà Đức Giê-su tỏ bầy hôm nay, đó là yêu người như Chúa yêu. Đức Giê-su gọi việc làm đó là giới răn, điều luật để trở nên thành viên cho một nhóm; có nghĩa là từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, bằng chứng, bản chất và danh xưng của những người thuộc về nhóm mà người ta gọi là nhóm môn đệ được Chúa yêu thương.

Như vậy, yêu thương là bổn phận và là dấu chỉ chính thức của người môn đệ Chúa. Yêu thương theo mẫu mực của Chúa. Yêu thương như Chúa đã làm là quì xuống rửa chân cho kẻ kém hơn mình, rửa những vết thương hôi thối, rửa những lỗi lầm, xóa bỏ những hận thù ghen ghét đã tạo nên sự nghi kỵ và chia rẽ trong cộng đồng. Rửa chân không nhằm nói đến việc tự hạ cho bằng đó là dịp để Chúa sống trọn vẹn ơn gọi mà Người đã lãnh nhận từ Cha; và trao ban cho các môn đệ. Những việc làm này là bổn phận của mỗi Kitô hữu, môn đệ của Chúa.

Thật vậy, đạo mà chúng ta đang theo là con đường mà Chúa đã đi. Đó không chỉ bao gồm những điều phải tin, và những điều khoản phải giữ; nhưng là con đường yêu thương. Vì thế, cách sống đạo đích thật mà chúng ta cần thực hiện là hãy trao ban và đón nhận tình yêu như cách thức của Chúa. Nhưng trên thực tế, mấy ai trong chúng ta đã thực hiện được gương sáng và giới lịnh của Chúa hôm nay. Tôi còn nhớ một mẩu chuyện ngắn như sau:

Mahatma Gandhi được dân Ấn Độ ca tụng như một Thánh nhân. Khi còn trẻ, ông say mê đọc Kinh Thánh, nhất là bài giảng trên núi. Ông nghĩ rằng Kitô giáo sẽ là câu trả lời chính đáng và thích hợp nhất để giải quyết các xung đột giữa các giai cấp ở Ấn.

Một ngày nọ ông đến dự lễ tại một nhà thờ. Nhưng người giữ cửa ngăn ông lại, và bảo ông nên đến dự lễ ở một nhà thờ khác dành cho người da đen. Ông đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.

Vì sự phân biệt chủng tộc và mầu da của một người tín hữu đã làm mất một Ki-tô hữu tốt lành như Gandhi. Thật vậy, làm thế nào chúng ta có thể làm chứng cho tình yêu khi chúng ta không sống điều mà chúng ta tuyên xưng.

Lời trăn trối của Đức Giê-su “Thầy ban cho anh em một điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" khiến chúng ta phải xét mình. Yêu thương nhau trở thành điều răn mới, mới vì Chúa đòi chúng ta phải yêu nhau như Người đã yêu họ. Vấn đề then chốt không nằm ở nơi chúng ta yêu nhau mà tình yêu của chúng ta phải được xuất phát từ tình yêu của Chúa.

Và, anh chị em hãy nhớ rằng tình yêu cần có đối tượng; bởi vì không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình đang yêu nếu đối tượng mình yêu không thật sự hiện hữu. Sự hiện hữu của đối tượng cũng mang nhiều mức độ và nằm trong nhiều cảnh huống khác nhau. Nhưng, tất cả đều có một mẫu số chung, đó là nếu muốn thể hiện tình yêu thì chúng ta cần từ bỏ tháp ngà, ý riêng của chính bản thân, ra đi để gặp gỡ họ.

Họ là ai? Họ là anh, là chị hoặc tôi, những người thân quen trong gia đình, xóm giáo, các nhóm cầu nguyện và đặc biệt hơn nữa, Thiên Chúa còn hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở ngoài đường hay gầm cầu, phố chợ, v.v… Thiên Chúa và tha nhân đang chờ đợi bàn tay yêu thương, vỗ về, săn sóc và an ủi của chúng ta. Qua viêc làm trong yêu thương, chúng ta sẽ xoa dịu một phần những vết hằn mà người khác đang phải gánh chịu. Yêu thương là thế đấy.  

Và để kết thúc phần chia sẻ hôm nay, xin anh chị em nghe một câu chuyện.

Có một gia đình kia có hai người con trai. Hai an hem cùng nhau cày chung một thủa ruộng do cha mẹ chết đi để lại.

Người anh đã có vợ và đông con, người em còn ở một mình. Ngày mùa đến, hai anh em gặt xong, bó lúa chất thành hai đống bằng nhau và để cả ở ngoài giữa cánh đồng.

Đêm hôm ấy, người em suy nghĩ: “Anh mình còn phải nuôi vợ, nuôi con. Nếu phần lúa của mình mà cũng ngang với phần của anh thì thật là không công bằng. Ta hãy đi ngay ra đồng, lấy mấy bó lúa của mình, kín đáo đem bỏ thêm vào phần của anh. Anh mình không thể nào biết được việc này, và đương nhiên không thể từ chối.”

Và người em đã trỗi dậy, ra đi làm theo như ý nghĩ của mình.

Cũng trong đêm hôm ấy, người anh thức dậy và nói vợi vợ: “Em ta còn trẻ, chú ấy sống một thân một mình, không có người đỡ đần trong việc đồng áng và an ủi những lúc cực nhọc. Thật là không công bằng nếu chúng ta cũng lấy một phần lúa bằng phần của chú ấy. Chúng ta hãy ra đồng, lấy ở phần của ta mấy bó lúa, bỏ sang vựa lúa của chú ấy. Chúng ta sẽ làm việc này một cách kín đáo, chú ấy làm thế nào biết được mà từ chối.”

Hai anh em tiếp tục làm công việc ấy liền trong mấy đêm. Nhưng vì mỗi bên mang bỏ sang phần bên kia số bó lúa tương đương nhau, thành thử hai đống lúa dường như vẫn bằng nhau như cũ.

Hai anh em ngạc nhiên, cho đến một đêm kia, không ai bảo ai, họ đều ra đồng rình xem nguyên nhân của sự kỳ lạ đó. Họ bắt gặp nhau, mỗi người còn đang ôm trong tay những bó lúa của mình, định đem bỏ thêm cho nhau. Xúc động ứa nước mắt, họ chạy lại ôm hôn nhau thắm thiết.

Đó chính là ý nghĩa của câu chuyện mà cha ông chúng ta muốn truyền tải. Và theo tương truyền, những người dân trong làng, khi biết nghĩa cử của hai anh em thì họ đã dựng lên một nhà nguyện nhắc nhở họ nhớ đến cử chỉ yêu thương này.

Sau cùng, xin anh chị em hãy luôn luôn nghĩ tới nhau, quan tâm giúp đỡ nhau, dành cho nhau những điều vui sướng và nhường cho nhau những thuận lợi… Tình nghĩa anh em như thế thật thiêng liêng và cao đẹp biết bao.

Điều này không chỉ dành riêng cho anh chị em trong gia đình, mà còn được mời gọi lan tỏa cho những người khác không cùng giai cấp, phe nhóm, niềm tin với chúng ta nữa. Và khi chúng ta đối đãi với nhau như thế, chắc chắn chúng ta là môn đệ của Chúa. Amen. Alleluia.

 

No comments:

Post a Comment