Wednesday, 28 September 2022

HÃY THÊM LÒNG TIN CHO CON


Với bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Lu-ca đã đưa chúng ta trở lại cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem với Đức Giê-su. Người biết ngày hoàn tất sứ vụ đang đến gần, nên từ giờ phút này trở đi, Người dành nhiều thời gian để hướng dẫn các môn đệ.

Đức Giê-su nhìn nhận rằng việc gặp thử thách, bị vấp ngã rồi phạm lỗi là các điều thường xẩy ra trong cuộc sống của người môn đệ. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có thể nại vào sức yếu đuối rồi làm gương mù, gương xấu khiến cho các thành viên khác trong cộng đoàn bị vấp ngã. Đức Giê-su xem ra có vẻ nghiêm khắc khi lên án những ai làm cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn, Người nói rằng chẳng thà người đó bị đá cột và xô xuống biển thì hơn. Lời Đức Giê-su vừa phán có vẻ khá gay gắt, nhưng Người không có ý khuyến khích chúng ta có những hành vi bạo động đối với những ai làm gương xấu cho kẻ khác. Thật ra, Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta nên nhớ đến bổn phận của mình. Đó là: hãy cẩn thận trong lời nói và hành động. Đừng làm cho người khác bị lầm đường lạc lối, bị vấp ngã hay lòng tin bị lung lay.

Đức Giê-su không dừng lại ở lời cảnh báo nghiêm khắc đó. Người tiếp tục khuyên các môn đệ phải giúp nhau nhận ra lỗi lầm mà sửa đổi, không chỉ bẩy lần mà là bẩy mươi lần bẩy. Con số bẩy mươi lần bẩy không ám chỉ đến số lần phải tha, nhưng muốn nhấn mạnh đến việc tha thứ vô hạn định, tha liên tục, tha không điều kiện và điều quan trọng hơn cả là chúng ta tha cho nhau vì chúng ta yêu nhau.

Hẳn chúng ta còn nhớ rằng, mọi hình thức đổ vỡ thường xẩy ra ở nơi khi con người không biết tha thứ, khi con người sống vô tâm, sống ích kỷ và không để ý đến nhu cầu trong cuộc sống của nhau. Trong khi đó, chúng ta được mời gọi sống bên nhau như một gia đình. Chúng ta là phần tử của một thân thể, nối kết và được nuôi dưỡng bởi Đức Ki-tô. Chúng ta được mời gọi sống và chia sẻ cho nhau, chăm sóc lẫn nhau và xây dựng nhau trong gia đình đức tin.

Đó là tâm trạng và cảm nhận của các môn đệ khi họ nghe Chúa ban các chỉ dẫn về việc làm gương sáng và tha thứ cho nhau. Đây quả thật là một lịnh truyền vô cùng trọng đại và vượt quá sức của họ. Tự mình họ rất khó thực hiện. Vì thế, các tông đồ, thay mặt cho các môn đệ, xin Chúa: “Hãy thêm lòng tin cho chúng con.”

Các môn đệ đang cầu xin Chúa Giêsu thêm lòng tin cho họ, nghĩa là làm cho họ biết sống phó thác hơn, biết lệ thuộc và nương tựa vào Chúa nhiều hơn nữa, biết cố gắng sống trung tín với ơn gọi của người môn đệ. Họ biết rằng nếu họ tuân theo mệnh lệnh của Người để tha thứ như Chúa thì họ cần Chúa giúp đỡ. Hành vi tha thứ này không tự nhiên đến với bất cứ ai, phải được phát sinh từ Chúa. Họ thấy mình yếu đuối, trong khi đó giới lịnh của Chúa thì cao cả. Họ chỉ có thể hoàn thành với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Vì thế, họ đã xin thêm lòng tin.

Đó cũng là lời van xin của chúng ta. Đã có nhiều lúc chúng ta đối diện với các khó khăn, những trở ngại vượt quá sức mình. Tôi muốn thay đổi nhưng dường như cảm thấy bất lực trong việc sửa chữa vì vậy tôi, không chỉ một lần mà rất nhiều lần, đã cầu xin: Chúa ơi, con cần Ngài, xin hãy thêm sức mạnh và lòng tin cho chúng con.

Ngay lúc đó, Lời Chúa phán hôm nay vang vọng trong tai tôi: “Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh chị em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh chị em.” Lòng tin ở đây là sự phó thác và vâng lời mệnh lệnh mà Chúa muốn. Nó ẩn chứa tấm lòng cậy trông và tín thác vào Chúa là mình sẽ thực hiện các việc làm gương sáng, mình sẽ quan tâm, chấp nhận lỗi lầm và sẵn sàng tha thứ cho họ nữa. Lòng tin như thế không chỉ chứng tỏ mình đã trưởng thành, mà còn trở thành gương sáng cho người khác nữa.

Thưa anh chị em,

Như thế, cuộc sống của người môn đệ trước tiên phải được đặt trên căn bản của lòng tin, sự phó thác và lòng yêu mến vào Đấng mà chúng ta tin tưởng sẽ bảo vệ và săn sóc cho chúng ta. Ý nghĩ này được mô tả qua câu chuyện sau đây. Truyện kể như sau:

Mỗi khi có dịp đi xem xiếc, chúng ta thấy có màn đu bay nhào lộn rất hồi hộp. Một lần kia cha Henri Nouwen, một thần học gia chuyên về tu đức, đi xem xiếc. Đến màn biểu diễn đu bay. Ngài chăm chú theo dõi và đặc biệt ghi lại những động tác của các diễn viên khi thực hiện màn xiếc này. Nhiệm vụ của người bay là bung người ra khỏi xà ngang, đôi tay duỗi thẳng. Ông ta bay về hướng người đu, rồi để người đu lo phần chộp bắt. Người bay đặt trọn niềm tin và phó thác nơi bạn diễn của mình. Ông ta không hề có ý định nắm chụp tay của người đu; bởi vì, nếu ông ta phạm phải lỗi lầm đó thì sẽ gây ra tai nạn cho cả hai.

Sau buổi trình diễn, cha Nouwen đến hỏi người bay ra khỏi xà ngang rằng: “Vai trò của ông có phải chỉ cần bung người mình ra mà thôi và không cần làm bất cứ một động tác nào khác chứ?” Đúng vậy, tôi không được phép làm bất cứ chuyện gì khác, ngoài việc bung người ra và duỗi thẳng đôi tay để cho bạn tôi là người đu chộp lấy”. Cha cũng như mọi khán giả đều nghĩ tôi là một diễn viên xuất sắc. Thật ra thì không phải như thế, chính người đu và chộp vào đôi tay của tôi mới là diễn viên chính, anh bạn diễn của tôi cần bay ra, chụp vào cườm tay của tôi và đưa tôi về lại xà ngang đúng lúc. Tất cả mọi động tác anh làm cần đúng thời điểm và chuẩn xác bằng không thì tai nạn sẽ xẩy ra cho chúng tôi. 

Anh chị em thân mến,

Cuộc sống của chúng ta cũng thế, giống hệt như nhiệm vụ của người bay trong màn đu bay của đoàn xiếc. Chúng ta được sinh ra và sống trong thế gian này với tất cả mọi thứ tự do bay lượn và thực hiện những ước mơ, nhưng chúng ta cần bay lượn trong sự phó thác, bay trong niềm xác tín vào Đấng sẽ chụp bắt và đưa chúng ta vào trong vũ trụ của Ngài.

Như người bay trong đoàn xiếc chúng ta hãy bung ra khỏi xà ngang và đặt trọn vẹn niềm tin vào Đấng đang đu và luôn trông chờ để chộp bắt chúng ta. Hãy để cho người chộp lo toan mọi sự cho chúng ta.

Hãy từ bỏ mọi ước vọng, mọi toan tính, mọi ước muốn có thể thay thế vai trò và nhiệm vụ của người đu bắt.

Trên hết mọi sự hãy sống vui tươi, sống phó thác, sống tin tưởng và đặt mình vào bàn tay yêu thương của Đấng nắm giữ vận mạng cuộc đời của ta.

Cuối cùng, hãy thân thưa cùng Chúa rằng: “Trong tay Ngài, Lậy Chúa, con xin phó thác thần trí, hơi thở, sức sống và mọi sinh hoạt trong đời sống của con.” Amen!

Wednesday, 21 September 2022

BỔN PHẬN VỚI NGƯỜI NGHÈO


Bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này nói về lối sống nhung lụa của ông phú hộ và cảnh nghèo hèn đói khát của La-da-rô. Chúa không hề nói đến cách làm giàu của ông phú hộ; và cũng không hề ca tụng cảnh nghèo hèn của La-da-rô. Không có chỗ nào nói La-da-rô là một con người nhân đức, anh chỉ được giới thiệu là một người nghèo. Cũng vậy, không có chỗ nào nói ông nhà giầu là kẻ ác ôn, đã vơ vét của cải một cách mờ ám, đã chiếm đoạt, đã bóc lột một cách bất chính, đã lợi dụng La-da-rô. Chúa cũng không bảo La-da-rô là người đức hạnh và ông nhà giầu là người xấu xa. Chỉ đơn giản, ông nhà giầu là người giầu, La-da-rô là người nghèo.

Ông nhà giầu đã không nhìn thấy La-da-rô nghèo đói khốn cùng, đang nằm ở ngoài cổng. Giữa họ có một khoảng cách. Khoảng cách không phát sinh từ hoàn cảnh sống hay địa vị của họ, cho bằng thái độ sống và cách chọn lựa, đó là lòng vô cảm, không quan tâm đến người khác của ông nhà giầu. Như vậy, chúng ta mới nhận ra trọng tâm mà dụ ngôn muốn gửi đến, đó là: nếu chúng ta không quan tâm, giúp đỡ, thương yêu nhau, đặc biệt những ai nghèo hèn thì chúng ta không còn là bạn của Đức Giê-su nữa.

Vẫn biết sứ điệp thật rõ ràng. Nhưng áp dụng vào hoàn cảnh thực tế không dễ dàng.

Khi còn làm việc tại trung tâm Hoan Thiện, một cơ sở công giáo để phục vụ người Việt tại Keysborough và các vùng phụ cận thuộc về phía nam của thành phố Melbourne. Tôi thuờng gặp những hoàn cảnh thật khó xử. Có những người đến xin được giúp đỡ. Dân Việt mình thì xin chứng giấy tờ, bảo đảm đức hạnh. Còn những nguời khác, người thì xin tiền, kẻ khác đổ xăng hay trả tiền thiếu hụt thuê nhà, v.v.

Lòng thì muốn giúp, thế nhưng đầu óc, kinh nghiệm và những lời khuyên của các vị lão luyện trong việc mục vụ làm tôi chần chừ. Cuối cùng, tôi cũng tìm cách thoái thác và gửi họ đến các văn phòng xã hội lo cho người nghèo, như văn phòng của hội bác ái St. Vincent de Paul. Tuy giải quyết xong vấn nạn. Nhưng lòng tôi cảm thấy không thoải mái khi tiễn chân họ ra khỏi trung tâm. Cách hành xử như thế, tuy có chút khôn khéo nhưng chưa hẳn là khôn ngoan.

Thưa anh chị em, như đã trình bầy ở trên, trọng tâm và sứ điệp của dụ ngôn là việc chia sẻ mối dây yêu thuơng và lòng quan tâm của chúng ta dành cho người nghèo. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên để ý đến đối tượng mà dụ ngôn muốn gửi đến, đó là những người biệt phái hay có tinh thần biệt phái. Họ nghĩ rằng cuộc sống nhung lụa mà họ đang thụ huởng là phần thuởng mà Thiên Chúa phải trao ban vì những ông đức, nhất là việc chu tòan lề luật một cách chu đáo của phe nhóm họ. Còn đám dân ngọai kia biết gì về Chúa. Không biết gì về Chúa thì làm sao hiểu và chu toàn luật Chúa được. Và như thế làm sao Chúa ban ơn cho họ được. Nghèo là phần số dành cho những ai không tuân giữ lề luật của Chúa thôi! Một điều đáng buồn là trong con mắt và dưới cái nhìn của những người biệt phái thì đám dân nghèo đó thật đáng khinh. Họ giống như La-da-rô, ngồi tại cổng ra vào để chờ chực phần ăn rơi rớt từ trên bàn tiệc của những nguời biệt phái vậy.

Quan niệm của những người biệt phái thật sai lầm. Thiên Chúa của Đức Giê-su không hành động như thế. Tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Người nào cũng đáng yêu và đáng mến cả. Không có việc lọai trừ hay phân chia giai cấp dựa trên tiêu chuẩn giầu hay nghèo, sang hay hèn. Tất cả đều bình đẳng trong tương quan với Thiên Chúa. Ai trong chúng ta cũng được Chúa yêu thương. Không có một quyền lực nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giê-su.

Vì vậy, chúng ta được mời gọi để nhận ra, để nhìn thấy Chúa Giê-su trong nhau, và cũng nhận ra các giá trị thiêng liêng qua việc chia sẻ vật chất dành cho người khác. Và chỉ trong mối dây tuơng quan mật thiết luôn nghĩ đến nhau, luôn quan tâm cho nhau mới giúp chúng ta lắp đầy các hố sâu ngăn cách vì vô tâm, vị kỷ để nối kết con người lại gần nhau hơn, và trở thành một gia đình mà chính Chúa là nguời Cha duy nhất. Đó là mối quan hệ mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta xây dựng.

Vì vậy, bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta buớc ra khỏi tình trạng an tòan trong cuộc sống để ra đi bằng việc làm hàn gắn các hố sâu ngăn cách và kết nối con người lại với nhau. Chúng ta không cần chờ đến sau khi chết mới thấy hậu quả của cuộc sống “vô cảm, vô tâm” của ông phú hộ trong dụ ngôn hôm nay. Ngay đời này. Mấy ai sống trong nhung lụa mà thấy hạnh phúc. Họ đang tự chôn mình trong nỗi cô đơn mà chính họ tạo ra.

Như vậy, dụ ngôn không hề có ý mô tả cuộc sống mai sau. Dụ ngôn muốn nói rằng cuộc sống hiện tại của mấy ông nhà giầu cho dù có sướng thật, nhưng chưa hẳn là một cuộc sống có giá trị và thật sự sướng. Sự hiện diện của người nghèo không phải là một gánh nặng trong cuộc sống của ông; trái lại qua những người nghèo, mấy ông nhà giầu phải nhận ra rằng cuộc sống của họ đang thụ hưởng chỉ đem lại hạnh phúc đích thật nếu họ biết chia sẻ, xây dựng mối dây thân ái, tạo sự hiệp thông bằng việc làm như những lời vàng ngọc mà chúng ta đã nghe trong phần Lời Chúa của tuần trước là hãy dùng tiền của bất chính mà gây nhân nghĩa. Nhân nghĩa là xây dựng đền thờ trong tâm hồn con người… Nhưng hình như, uớc muốn của các người nghèo như La-da-rô trong bài Tin Mừng hôm nay không được mấy vị giầu có trong xã hội và giáo hội quan tâm đến, và như thế thì tự việc chọn lựa cách sống vô cảm, vô tâm của mấy ông nhà giầu đã quyết định cho số phận của họ rồi.  

Còn chúng ta thì sao?

Trong bài Tin Mừng, Chúa nói thật rõ rằng không có ai, kể cả người chết sống lại, có thể buộc chúng ta phải yêu mến. Lời Chúa, lề luật và các ngôn sứ đã được gửi đến. Mặc khải đã có sẵn. Đức Giê-su đã đến. Việc đón nhận để áp dụng vào trong cuộc sống là bổn phận của chúng ta. Vì thế, là người tín hữu, môn đệ của Chúa Cứu Thế, chúng ta tin rằng: chỉ có việc quan tâm, để ý đến nhu cầu của người khác mới có thể tạo nên những nhịp cầu, những lối đi dẫn con người đến sự hiệp thông, đến tình liên đới. Khi biết để ý đến người khác, dù chỉ là nụ cười, đôi lời tâm sự, vài phút bên nhau…tất cả các cử chỉ nói trên đều là những dấu chỉ mà Thiên Chúa muốn chúng ta trao cho nhau. Và, trong Chúa tất cả đều dễ thương, tất cả đều trở thành cơ hội để chúng ta yêu thương. Vì thế, đừng sống vô tâm, đừng đến với nhau như những người vô cảm. Còn rất nhiều La-da-rô trong xã hội, trong lòng Hội Thánh. Họ đang chờ chúng ta băng bó, suởi ấm để cho thế giới bớt băng giá hơn.

Anh chị em hãy nhớ rằng, ai trong chúng ta cũng nghèo. Nhận ra tình trạng nghèo của bản thân để biết rằng: chỉ có trong Chúa chúng ta mới giàu có, chỉ có trong Chúa chúng ta mới làm được những gì mà Chúa muốn. Vì thế, hãy san sẻ cho nhau bởi vì chỉ có như thế Chúa mới có cơ hội ban của đầy dư để chúng ta có mà tiếp tục chia sẻ cho nhau. Amen!

Wednesday, 14 September 2022

XỬ DỤNG TIỀN CỦA THẾ NÀO?


Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần này mời gọi chúng ta đối diện với một vấn đề rất quen thuộc và vô cùng quan trọng trong lối sống của người môn đệ. Chúng ta cần học để xử dụng của cải như thế nào?

Tiền của có đó. Nhưng cách làm ra tiền và cách xử dụng luôn là những vấn đề then chốt. Tiền của có thể là đầy tớ, khi khác lại là ông chủ chi phối cuộc sống của người môn đệ. Nó gần gũi và gắn liền với cuộc sống của chúng ta đến độ đã có nhiều người nói “đồng tiền liền khúc ruột.”  Chúng ta không thể coi thường nó.

Nhìn lại lịch sử và xem lối sống của những người chung quanh, chúng ta khám phá ra một điều thật lạ. Bởi vì có hàng triệu, triệu người đã và đang tin vào tình thương cứu độ của Chúa; rồi lại có hàng hàng lớp lớp những người trẻ có, già có nối đuôi nhau ra đi tham gia vào các công tác thiện nguyện, cứu trợ người nghèo… Thế mà số người chết đói và sống trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc vẫn không thuyên giảm! Tài sản mà Thiên Chúa trao ban cho con người thuộc về ai? Chúng ta đã xử dụng nó vào mục tiêu nào? Cho cá nhân hay cho việc chung?

Đối với các tín hữu, chúng ta được dậy là cuộc sống của chúng ta không chỉ lệ thuộc vào tiền của, và tiền bạc cũng không là mục đích tối hậu mà chúng ta nhắm đến. Toàn bộ con người và cuộc sống của chúng ta là để và dành cho việc phục vụ Nước Trời.

Nói thì dễ, làm rất khó. Nhưng đó là bổn phận. Nói chưa đủ, phải làm vì không làm không được.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tiếp tục thách thức những người tham lam và những ai chỉ biết đến tiền và tiền. Trước tiên chúng ta nghe một dụ ngôn tuy đơn giản, nhưng lại đưa ra nhiều điều hơi khó hiểu. Dụ ngôn nói về tình trạng của một vị quản lý bị tố cáo đã phản bội và không xử lý tốt tài sản của chủ nhân. Ông ta bị chủ cho nghỉ việc. Trước khi bị đuổi việc, ông có thời gian để hoàn bị sổ sách với chủ của mình. Trước quyết định như bị sét đánh, ông quản lý không một chút hoảng hốt, bình tĩnh ngồi lại để suy nghĩ và tính toán tương lai cho mình. Ông bèn nghĩ đến việc thực hiện một vài cuộc giao dịch với các con nợ của chủ ông.

Theo luật Môi-sen và để bảo vệ cho nhóm người nghèo thì người Do Thái không được phép cho cho vay ăn lãi. Tuy nhiên, nếu họ tìm ra được chứng cớ công nhận những khoản cho vay là những vật liệu mà người vay không nằm trong tình trạng cấp bách để dùng thì được quyền tính lời. Vì thế, trong dụ ngôn hôm nay chúng ta thấy dầu và lúa được đề cập; vì nhà nào mà không còn chút ít dầu và lúa để dùng; đây là những thứ dùng để dự trữ, không phải là những vật liệu cứu đói; nên ông quản lý được quyền tính lời và số lợi lộc này được coi như hoa hồng, bonus riêng mà người quản lý được thu nhận. Như vậy, việc giảm thu lãi mà người quản lý làm trong dụ ngôn không làm thiệt hại tài sản của ông chủ.

Bằng cách tính toán này, ông quản lý đã chuẩn bị cho giai đoạn hoạn nạn sau khi bị chủ đuổi; ông sẽ có thêm nhiều bạn hữu, họ sẽ nhớ đến ân tình mà cư xử tốt với ông sau này. Còn phía ông chủ, khi phát hiện ra điều này, khen ngợi sự khôn khéo của viên quản lý.

Đức Giê-su kết thúc dụ ngôn bằng lời khẳng định rằng những người tội lỗi của thế hệ này trong cách cư xử với nhau thì khôn khéo hơn con cái của ánh sáng. Sau đó, Người khuyên chúng ta hãy xử dụng tiền của, tự nó đã là vật bất chính, như một cách để tạo lấy bạn bè, phòng lúc bất trắc, khi lâm vào cảnh cùng cực, thì có người sẽ đưa tay ra để đón rước và dẫn chúng ta vào nơi vĩnh cửu.

Tiền của, tự nó đã có mãnh lực như một vị thần, nhưng khi chúng ta biết làm chủ thì nó không thể điều khiển tâm trí và lối sống của chúng ta; lúc đó tiền của lại có thể làm nên những điều lợi và tuyệt vời. Con cái ánh sáng là những người cố gắng sống theo hướng tốt lành và thiện hảo. Là những người con của sự sáng, chúng ta được mời gọi sống khôn ngoan và chân thật về cách xử dụng những hồng ân đã được ban tặng hầu mưu cầu ích lợi bền vững và lâu dài sau này. Hãy luôn ghi nhớ rằng chúng ta, tất cả, đều là những đầy tớ vô dụng chỉ biết thực hiện nhưng điều chủ sai khiến.

Quả thật, câu chuyện trong dụ ngôn tuy có nhiều điểm khó giải thích, nhưng lại nêu lên một vấn đề căn bản trong cuộc sống của người tín hữu là cần phải khôn ngoan khi dùng những ân huệ mà chúng ta đã lĩnh nhận. Làm giầu bằng cách cho đi thì ích lợi hơn là lối sống ích kỷ và đầu cơ tích trữ ân sủng cho bản thân mình mà thôi.

Viên quản lý đã bất chính trong việc xử dụng tài sản của ông chủ. Nhưng theo Đức Giê-su thì ông lại khôn khéo khi dùng việc giảm thiểu phân lời để tạo thêm tình bạn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phương thức giải quyết khó khăn tạm thời. Người môn đệ của Chúa phải học để biết cách xử dụng tiền của cho mục tiêu dài hạn theo ý của chủ. Đây mới là điều quan trọng mà chúng ta cần đạt được.

Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta quyền trông coi tài sản của Ngài. Chúng ta chỉ thi hành bổn phận của người quản lý. Một người quản lý trung tín là người biết coi sóc và lệ thuộc vào ông chủ. Chúng ta không xử dụng tài nguyên, năng lực như của riêng, nhưng phải theo ý của chủ. Phải biết tính lời cho chủ chúng ta. Như thế, không chỉ tiền của mà là mọi sự chúng ta có được nhằm cho người khác. Chúng ta chỉ là những tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng nên thừa nhận rằng lòng tham là sức mạnh cám dỗ chúng ta trở thành những kẻ lệ thuộc thay vì làm chủ tiền của. Không ai có thể làm tôi hai chủ được. Chúng ta cần học để biết mà sử dụng các ân huệ của Chúa sao cho được sung túc và sinh nhiều hoa lợi, không cho bản thân, mà là cho Chúa và tha nhân. Nói cách khác, một khi chúng ta dấn thân vì nước Trời thì tiền của, năng lực, con người và toàn bộ cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là dụng cụ cho việc phục vụ tha nhân theo tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa mà thôi.

Việc làm này rất khó! Vì thế, chúng ta hãy cầu xin cho nhau sống được điều Chúa dậy bảo hôm nay. Amen!

Wednesday, 7 September 2022

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TỒN TẠI MUÔN ĐỜI


Ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay nói về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, Đấng đến làm bạn và kêu gọi những kẻ tội lỗi ăn năn trở lại. Tuy nhiên hành động của Người lại làm cớ vấp phạm cho những người tự nhận mình là người công chính. Đức Giê-su muốn nhắc cho họ nhớ lại rằng: Trước mặt Thiên Chúa, ai cũng đáng được coi trọng. Người không coi thường ai, xem ra kẻ có tội lại đáng thương hơn. Không ai có thể thay thế ai. Chín mươi chín con chiên đang sống yên lành cũng không được coi trọng hơn một con chiên bị lạc. Chưa kể khi chiên được chăn theo bầy thì sức ảnh hưởng của con chiên đi lạc có thể tạo thành mối nguy hiểm cho cả đàn chiên rồi kéo các con khác cùng đi theo. Lòng thương xót của Người bao la hơn việc tính toán giữa số một và số chín mươi chín xem số nào lớn hơn!

Tương tự như thế, cách cư xử của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su thì giống như bà nhà quê trong dụ ngôn hôm nay. Bà bị mất chỉ một đồng xu; thế mà đã thắp đèn, quét nhà, lục lọi để tìm kiếm cho được đồng tiền mà bà ấy đã bị mất. Không lẽ đồng xu này lại có giá trị hơn các đồng xu khác chăng? Không hẳn như thế; nhưng chắc một điều là nếu bà không tìm thấy đồng tiền bị mất thì các đồng xu kia cũng chỉ là những đồng tiền rời rạc trong một sâu chuỗi bị đứt. Vì thế, bà phải tìm, không chỉ vì giá trị của đồng xu, cho bằng sự nối kết của các đồng xu và tâm tình hân hoan và vui mừng khi bà tìm thấy.

Và điều này cũng thật xác đáng khi chúng ta áp dụng vào hoàn cảnh của gia đình mà một thành viên bỏ nhà ra đi. Gia đình sẽ mất đi bầu khí gia đình mỗi khi nhớ đến hình ảnh và dáng vẻ của người đã ra đi. Lòng thương xót của Chúa là như thế. Lúc nào cũng ngóng trông và chờ đợi sự hiện diện bằng xương bằng thịt của người vắng mặt. Có tâm tình như thế, chúng ta mới hiểu được nỗi vui mừng khi gặp lại người đã bị mất.

Chúa Giê-su xử dụng các câu chuyện này để giải thích cho những người Pha-ri-siêu và cho mỗi người chúng ta hiểu rõ lý do tại sao mà Người lại mở lòng ra đón nhận những người tội lỗi và đồng bàn với họ. Tất cả đều có kinh nghiệm này, con chiên bị lạc, đồng xu bị mất và việc đi lạc của cậu con thứ đều không quan trọng bằng việc tìm kiếm và niềm vui của Thiên Chúa khi tìm thấy họ.

Vì thế, thưa anh chị em,

Sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay giúp cho chúng ta tin tưởng và sống trong hy vọng rằng cho dù bản thân và cuộc sống của mình có ra sao, Chúa vẫn yêu thương và săn sóc ta. Chúng ta không bị ruồng bỏ, cho dù đã phạm lỗi lầm. Trái lại hãy nhận ra ngay trong giây phút bị mất hướng, đi lạc hay bị đổ vỡ Chúa vẫn đang ôm ấp chúng ta trong tình yêu và lòng thương xót của Người.

Các dụ ngôn hôm nay còn mời gọi chúng ta cộng tác với Thiên Chúa trong việc tìm kiếm những người bị lạc, không cần biết họ là ai và cuộc sống của họ ra sao. Thương xót vì đã được xót thương. Giống như thế, niềm vui khi được Chúa ôm ấp vỗ về sẽ trở thành động lực thúc đẩy chúng ta chia sẻ niềm vui đó cho nhau. Trong giây phút đó, niềm vui tăng gấp bội. Vui vì được Chúa yêu và còn gì vui hơn khi biết người thân đang đi lạc cũng được Chúa yêu qua mình. Thật vậy, đây là một kinh nghiệm sống thật tuyệt vời mà không ai có thể giữ cho riêng mình mà cần phải san sẻ cho nhau.

Còn một chi tiết, đó là giống như hai dụ ngôn đầu, nếu dụ ngôn người cha nhân hậu dừng lại ở bữa tiệc mừng ngày trở về với gia đình của cậu con thứ thì vui biết mấy. Nhưng không phải như thế, Đức Giê-su tuy vui, nhưng niềm vui vẫn chưa trọn vẹn, Người vẫn còn nhớ rằng cậu con cả vẫn đang đứng bên ngoài. Anh chưa cảm nhận được niềm vui của cha anh! Đó là thách đố mà cậu con cả và chúng ta cần phải đáp trả.

Hình ảnh của người con cả tượng trưng cho chín mươi chín người công chính. Họ là nhóm người đề cao lối sống hoàn hảo dựa vào lề luật như là con đường duy nhất để nên thánh. Từ đó, họ mải mê khoe khoang về bản thân họ là những người tốt, về việc đối xử đại lương và rộng tay ban phát của họ, và việc thường xuyên tham dự các nghi thức phụng tự và đóng góp công sức của họ vào nhà thờ như thế nào. Họ nghĩ và chủ quan cho rằng chỉ có họ mới là người hoàn hảo và làm gương cho những người khác noi theo. Nhưng họ lại quên rằng trước mặt Chúa, mọi người đều là những kẻ khó nghèo. Sự giầu có và hoàn hảo giả như có đạt được cũng là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa ban cho. Bởi vì họ không biết việc đó nên họ mới ngạo mạn; họ là những người sống trong nhà mà không biết mình thuộc về nhà. Họ đã mất mối dây hiệp thông gia đình ngay khi còn ở trong nhà.

Anh con cả là đại diện cho nhóm người này. Anh chưa bao giờ có cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa cho nên không hề biết xót thương và thông cảm cho chú em! Cho dù là như thế, Thiên Chúa vẫn yêu thương anh. Anh vẫn được chào mừng qua cử chỉ của người cha khi ông không đứng ở cửa chính mà từ trong nhà chạy ra để đón tiếp anh. Chúng ta cũng thế, hãy sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận kẻ đi lạc khi họ trở về với Chúa. Bởi vì đó là sự vui mừng của Chúa khi chào đón sự trở về của chúng ta.

Vì thế qua các dụ ngôn hôm nay, chúng ta khám phá sự khờ dại của Thiên Chúa khi thể hiện tình yêu và lòng thương xót. Ai trong chúng ta lại dại dột bỏ chín mươi chín con chiên để chỉ đi tìm một con chiên lạc, biết đâu khi tìm được con này lại mất con kia. Ai mà chịu hao phí thời gian có khi đáng giá hơn một đồng xu chỉ để tìm lại có một đồng thôi, rồi còn chịu tốn kém trong việc tổ chức tiệc tùng mời người khác chia vui. Nhưng Thiên Chúa của Đức Giê-su và cũng là Thiên Chúa của chúng ta lại cư xử một cách dại dột như thế.

Đức Giê-su muốn công bố rằng Thiên Chúa, Cha của Ngài là Đấng giầu lòng thương xót, chậm bất bình và tràn đầy ân sủng. Đức Giê-su vô cùng vui mừng khi người tội lỗi biết ăn năn hối cải, trở về đường ngay nẻo chính. Về nhà, tức là trở về tổ ấm yêu thương – đâu có tình yêu thương thì đó là nhà của Thiên Chúa.

Vì thế, khi tiếp xúc và đồng bàn với những người tội lỗi, kết bạn với những con người bị bỏ rơi, nghèo đói và những ai bị luật lệ lên án và loại bỏ…, Đức Giê-su đã không đi ngược lại với giáo huấn của Người, nhưng còn làm sáng tỏ lời giảng dậy bằng chính lối sống của Người nữa.

Cuối cùng, chúng ta phải xác tín và nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ quên con người. Lòng thương xót của Thiên Chúa trường tồn qua muôn thế hệ. Có trải nghiệm như thế, chúng ta mới không đối xử hẹp hòi với nhau, trái lại sẽ thương xót nhau như Chúa hằng xót thương và không muốn một ai trong chúng ta bị hư mất. Amen!