Wednesday, 28 December 2022

THÁNH MARIA, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI CẦU CHO CHÚNG CON…


Trong niềm hân hoan chào đón năm mới, chúng ta cùng dâng lên Chúa và Mẹ Maria tâm tình tạ ơn về những hồng ân mà các Ngài đã trao ban trong năm qua. Chúng ta cũng không quên dâng cho các Ngài niềm tín thác và cậy trông của chúng ta trong năm mới 2023 này.

Và thật là chính đáng, khi phụng vụ của Hội Thánh trong ngày đầu năm nhấn mạnh đến vai trò Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Thật là một niềm vinh dự khi chúng ta bắt đầu một năm mới  bằng việc nhắc nhở cho nhau nhớ rằng Mẹ không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu mà còn là Mẹ của chúng ta nữa.

Thật ra, chúng ta cần Mẹ, một người nữ thật đặc biệt, không chỉ vào dịp mừng Mâu Nhiệm nhập thể của con Mẹ trong mùa Giáng sinh mà thôi, nhưng còn được trải dài trong suốt cả năm nữa! Tuy nhiên, hôm nay, tôi nhận thấy Tình mẫu tử của Mẹ là tâm điểm và lý do cho mọi chú ý của chúng ta. Mẹ được Thiên Chúa mong muốn và trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc hạ sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Nói cách khác, Chúa Giêsu đã được Mẹ sinh ra, được Mẹ chào đón, ôm ấp, chăm sóc, dậy dỗ và Người đã trưởng thành trong vòng tay yêu thương của cha mẹ mình. Như mọi người mẹ trần thế, thức khuya dậy sớm để chăm lo cuộc sống cho con mình thế nào thì Mẹ của Đức Giê-su cũng thế, nuôi dưỡng Chúa về phần xác, lo cơm ăn, áo mặc cho Người, hiếu khách với những bạn bè của con mình và sau đó, theo đuổi Người trên con đường sứ vụ với sự quan tâm và tận tâm.

Và trong tinh thần của ngày lễ, chúng ta cùng tìm kiếm các gương sáng, những mẫu mực mà Mẹ đã thu hút tôi. Tưởng là tìm được những điều cao siêu, nhưng ai ngờ tâm trí tôi lại bị cuốn hút vào gương sáng của Đức Maria trong vai trò của một người Mẹ trong gia đình của Chúa tại Na-za- rét khi xưa và cả trong lòng Hội Thánh hôm nay.

Trước tiên chúng ta cùng nhìn nhận rằng, Đức Maria vốn chỉ là một tạo vật, cô thiếu nữ Do Thái, giản dị, bình thường như tất cả các cô gái thời đó. Khi nhìn nhận điều này, chúng ta không bất kính đối với Mẹ. Nhưng nhờ vậy mà chúng ta biết rằng Mẹ đã trải qua những bước thăng trầm trong cuộc sống gia đình như chúng ta. Mẹ đã vượt qua những giây phút đau thương và gian nan khi chu toàn vai trò làm vợ, làm mẹ trong cuộc sống gia đình. Mẹ ý thức rằng công việc chuẩn bị cho con của Mẹ sống theo ý Chúa, chứ không sống theo ý Mẹ là ưu tiên một trong cuộc sống của Mẹ. Như vậy Mẹ cần khám phá và tuân phục ý của Thiên Chúa truớc.

Trong trình thuật ghi lại việc Đức Giê-su lần đầu tiên lên đền thờ Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua. Sau khi mọi nghi lễ đã xong, “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Ðức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (Luca 2:51-52).

Chỉ bằng hai câu vắn tắt, Thánh Luca đã ghi lại cho chúng ta thấy rõ thái độ và cách ứng xử của Đức Giê-su và Mẹ Maria trong vai trò riêng của từng người. Tuy nhiệm vụ riêng biệt; nhưng cả hai đều hỗ tương và giúp nhau hoàn thành ý định của Thiên Chúa hơn là sống và hành động theo ý riêng của mình. Đức Giê-su vâng phục cha mẹ, càng lớn càng thêm khôn ngoan và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Người làm gì có được điều này nếu cha mẹ Người không chuẩn bị trước cho Người.

Thật vậy, Mẹ đã phải cố gắng tìm kiếm ý định của Thiên Chúa mà vâng phục. Ý định của Thiên Chúa không dễ dàng khám phá; rất khó hiểu. Vì thế, Mẹ ghi nhớ, ôn đi nghĩ lại những gì đã xẩy ra, những điều con mình nói và làm rồi trong khả năng Mẹ cố gắng chấp nhận – cho dù đôi lúc không hiểu – Mẹ đã nỗ lực giúp Đức Giêsu hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Nói khác đi, Mẹ đã có một cuộc sống chiệm niệm thật thâm sâu. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và Mẹ thật thắm thiết. Vì thế, Mẹ sẵn sàng vâng phục và trở thành gương sáng về đức vâng phục cho con mình: Đức Giê-su.

Sau cùng, vào giờ tử nạn của Chúa, Mẹ là một trong số ít môn đệ chứng kiến cái chết của Người trên đồi Canvê. Trong giây phút hấp hối, Chúa Giêsu đã trao Thánh Gio-an cho Mẹ bằng lời lẽ thật cảm động “Thưa bà, đây là con trai của bà,” và nói với Thánh Gio-an, đây là Mẹ con. Mẹ đã là Mẹ của Chúa Giêsu thế nào thì cũng là Mẹ của chúng ta như thế. Thật vậy, chúng ta cần Mẹ! Và chúng ta được mời để trở nên giống như Mẹ vậy.

Là con của Mẹ Maria, Chúa Giêsu tuy là con người nhưng rõ ràng cò nhiều điều kỳ diệu hơn bất kỳ một ai khác. Nơi Người không có sự tội. Chính vì điều kỳ diệu này mà Chúa sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng ta về Mẹ, Đấng Trung gian, kiểu mẫu (role model) và là một người bạn thiết nghĩa và vô cùng thân mật trong cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta nhớ rằng Mẹ đã ghi nhớ tất cả những điều Chúa nói, không bỏ quên một điều nào. Mẹ nghe. Mẹ nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Noi gương Mẹ, chúng ta hãy ghi nhớ những điều Chúa nói, thường là khó hiểu cho nên phải suy đi nghĩ lại rồi đem ra thực hiện cho nhớ luôn.

Sau cùng, nhân dịp đầu năm, cùng với những người con khác trong gia đình Hội Thánh, chúng ta hãy “chào mừng” Mẹ, ca ngợi Mẹ và thân thưa với Mẹ rằng Mẹ thật có phúc vì Con lòng Mẹ thật có phúc. Sau đó, chúng ta nhờ lời Mẹ chuyển cầu cho chúng ta là những kẻ tội lỗi ngay trong lúc dâng lời cầu, và trong giờ phút sau cùng, khi chúng ta hấp hối nữa. Chúng con cần đến sự trợ giúp của Mẹ ngay bây giờ, mỗi ngày và cho đến khi kết thúc cuộc lữ hành trần thế này.

Chúng ta cùng cầu nguyện: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Amen!

Wednesday, 21 December 2022

CHÚA ĐÃ ĐẾN, HÃY MỜI NGƯỜI THAM DỰ TIỆC SINH NHẬT


Sau hai mùa Giáng Sinh chiến đấu với dại dịch và may mắn còn được sống và nhìn thấy nhau, năm nay chúng ta được tự do và thoải mái hơn cho nên việc mừng Lễ Giáng Sinh dường như nhộn nhịp và hòanh tráng hơn. Tuy nhiên, cũng có vài nơi xem ra hơi quá lố. Họ chỉ chuẩn bị phần tiệc tùng và tặng qùa cho nhau mà quên đi món quà của ngày đại lể. Không có món quà đó từ Thiên Chúa thì làm gì có Giáng Sinh. Thiên Chúa làm người, ở cùng chúng ta là món quà cao trọng nhất của Thiên Chúa ban cho nhân loại, đó là lý do chính của việc mừng lễ vậy.

Tuy nhiên, có một điều rất thực tế mà tôi xin anh chị em để ý, đó là lễ này không chỉ dành riêng cho những người theo truyền thống Ki-tô giáo mà thôi, nhưng nay là lễ hội chung cho mọi người. Dù giầu hay nghèo, sang hay hèn, luơng hay giáo, già hay trẻ… Ai ai cũng nô nức đón chào Mầu Nhiệm thật cao cả này.

Vì thế, trong niềm vui chungcủa ngày Đại Lễ, tôi xin gửi đến quí ông bà và anh chị em lời nguyện chúc bình an và yêu thương. Ước mong sứ điệp niềm vui mà sứ thần đã loan báo trong đêm Hồng Phúc sẽ hiện diện và giúp quí vị vượt qua mọi khó khăn trong năm mới 2023 bằng một tâm hồn vui tươi và an bình.

Còn riêng cho những ai theo truyền thống Ki-tô giáo, thì đây là Lễ mừng ngày Sinh Nhật của Đức Giê-su, Chúa chúng ta.

Trong các tuần qua, chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn và cuộc sống để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm Thiên Chúa Giáng trần. Việc tham dự các nghi lễ phụng vụ để mừng việc Chúa giáng trần thật cần thiết. Nhưng, theo tôi, việc sống mầu nhiệm đó nơi bản thân của mỗi người mới là điều quan trọng. Thiên Chúa không còn hiện diện ở một nơi xa xăm nào đó. Người đã làm người và ở cùng chúng ta. Người cũng chẳng cần nói với chúng ta qua môi miệng của các ngôn sứ nữa. Người đã đến và đang đứng bên cửa để chờ lời mời của chúng ta; ai nghe tiếng và mở cửa tâm hồn đón nhận Người thì Người sẽ đến để dùng bữa với họ.

Trong tâm tình đó, thay vì tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm vượt quá mức hiểu biết của con người. Năm nay, xin mời anh chị em nghe tâm sự của một người tên là Giê-su trong tâm thư của Người gửi cho chúng ta như sau:

Anh chị em thân mến,

Cũng như mọi năm, hôm nay là ngày sinh nhật của tôi và như thường lệ, người ta dành cho tôi một ngày. Tôi ít khi tổ chức sinh nhật cho chính tôi. Người ta tổ chức cho tôi. Thật là một niềm vinh dự khi được mọi người nhớ đến và còn tổ chức tiệc sinh nhật cho tôi nữa. Năm nào cũng thế, ít là một lần, người ta nhớ đến tôi, điều đó cũng không tệ vì anh chị em biết, sinh nhật của tôi được mừng từ lâu rồi. 

Những năm đầu tiên, xem ra người ta cũng hiểu ý nghĩa của ngày lễ và cũng tỏ lòng biết ơn về những gì tôi đã làm cho họ; nhưng càng ngày, xem ra không ai còn nhớ đến lý do của ngày lễ.

Tôi nhớ rất rõ, cách đây vài năm, trước khi đại dịch xẩy ra, tại một gia đình nọ, người ta tổ chức một bữa tiệc lớn mừng sinh nhật tôi. Bàn tiệc đầy thức ăn đồ uống, bánh trái đủ các loại… nào kẹo, nào mứt, nào chocolate. Và này, người ta trang hoàng phòng tiệc thật lộng lẫy, nào cây giáng sinh, nào những quả bóng xinh xắn lủng lẳng trên đó; nào hoa, nào những dây đèn rực rỡ… và ở đó, cũng có rất nhiều hộp quà được gói thật đẹp… Nhưng anh chị em biết không, hôm đó, tôi không được mời.

Tôi là khách danh dự, thế mà, người ta không nhớ để gửi cho tôi một tấm thiệp.  

Bữa tiệc dành cho tôi, nhưng khi ngày trọng đại ấy đến, thì tôi phải đứng ngoài. Họ đóng sầm cánh cửa trước mặt tôi… đang khi tôi những ước ao đồng bàn với họ.

Thực ra, điều đó không khiến tôi quá ngạc nhiên, vì trong những năm gần đây, mọi cửa nhà đều đóng lại khi tôi đến. Bởi không được mời, nên tôi đã quyết định lẻn vào mà không gây một tiếng động nào. Tôi nhẹ nhàng đi vào và đứng lớ ngớ trong một góc. Mọi người đều uống, vài người bắt đầu có dấu hiệu say, họ nói năng nghịch ngợm và cái gì cũng có thể khiến họ cười, họ cười mọi chuyện. Họ có một buổi tối thật thú vị.

Đến nửa đêm, mọi người bắt đầu ôm nhau; tôi cũng dang rộng đôi tay đợi một ai đó đến ôm hôn mình, và anh chị em biết, không ai đến hôn tôi cả.

Rồi thì, mọi người bắt đầu trao cho nhau những món quà. Lần lượt, từ món này đến món khác, những gói quà được mở ra và ai ai cũng nô nức muốn biết cái gì bên trong. Khi tất cả quà tặng đã được mở ra, tôi cũng lo lắng không biết liệu mình có nhận được một món nào không. Này anh chị em, anh chị em nghĩ thế nào nếu như vào ngày sinh nhật của anh chị em, khi mọi người trao quà cho nhau đang khi tự bản thân, anh chị em không có lấy một món quà nào cả.

Vậy là tôi hiểu, họ không thích sự có mặt của tôi ở đó, nên cuối cùng, tôi lẳng lặng… ra đi. 

Mỗi năm, sự việc càng trở nên tồi tệ hơn. Ai ai cũng chỉ nhớ đến những món quà, những bánh trái, đồ ăn thức uống và không ai còn nhớ đến tôi.

Năm nay, nhân dịp sinh nhật của tôi. Cho dù cuộc sống của anh chị em vẫn còn nhiều khó khăn. Thế gian mà tôi yêu mến vẫn còn đối diện với chiến tranh, dịch bệnh và nhiều tai ương khác. Nhưng tôi vẫn muốn anh chị em cho phép tôi được cùng sống với anh chị em, cùng đồng hành với anh chị em và đi vào cuộc đời anh chị em.

Tôi muốn mỗi người trong anh chị em ý thức rằng, đã hơn 2000 năm, tôi đã đến trần gian này để trao tặng cho mỗi người một quà tặng là chính cuộc sống của tôi, từ khi lọt lòng Mẹ cho đến lúc bị treo trên cây Thánh giá, để cứu chuộc anh chị em. Hôm nay, tôi chỉ muốn một điều là anh chị em hãy tin điều đó, hãy ghi khắc điều đó vào lòng mình.

Còn một chuyện nữa, tôi cũng muốn nói nhỏ với anh chị em, vì không được mời vào dự tiệc, thì tôi phải liệu tổ chức cho mình một bữa tiệc của tôi, một bữa tiệc lớn… không ai có thể tưởng tượng được, một bữa tiệc tráng lệ huy hoàng mà chính tôi định đoạt và sắp đặt tất cả.

Hôm nay, tôi gửi đi rất nhiều thiệp mời và mỗi người trong anh chị em đều có một tấm thiệp của tôi. Tôi muốn biết, anh chị em có đến tham dự để tôi giữ chỗ bằng cách ghi tên của anh chị em vào sổ các thực khách. Chỉ những ai có tên trong sổ vàng ấy mới được mời vào dự tiệc.

Ai không trả lời thiệp mời, sẽ tự loại mình ra ngoài. Vậy, anh chị em hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho mình, vì khi mọi sự đã sẵn sàng, anh chị em sẽ bước vào tham dự bữa tiệc lòng mến với tôi.

Hẹn gặp anh chị em trong bữa tiệc do tôi tổ chức,

Hết lòng yêu mến anh chị em,

Tôi, Giêsu, người bạn lòng của anh chị em.

 

Wednesday, 14 December 2022

HÃY ĐẾN! HÃY ĐẾN! EM-MA-NU-EN.

 

Chúng ta bước sang tuần thứ Tư Mùa Vọng. Chỉ còn một tuần nữa là đến Lễ Giáng Sinh. Sau hai mùa Giáng Sinh thinh lặng bởi Covid-19, năm nay chúng ta hình như mừng lễ bù. Không khí thật nhộn nhịp. Các buổi hội diễn thánh ca đang diễn ra thật tưng bừng và náo nhiệt. Các ca đoàn thi đua tiếng hát dâng lời ca khen và chúc tụng Thiên Chúa. Nói chung, người người nô nức vui mừng trong niềm hy vọng mà Đấng Cứu Thế đã đem đến cho nhân loại hơn 2000 năm qua.

Bên cạnh vẻ huy hoàng tráng lệ hầu như ngược lại với hoàn cảnh nghèo hèn, bị xua đuổi, không có chỗ trú thân khi hài nhi Giê-su được sinh ra. Chúng ta còn nghe thoảng thoảng đâu đó vẫn còn những cảnh đời thật thương tâm, vẫn còn nhiều cảnh đời bất hạnh. Không thiếu những trẻ em sống cô đơn, thiếu vắng tình thương trước sự đổ vỡ của cha mẹ mà hậu quả là mà các cháu phải gánh chịu. Những nạn nhân bị lạm dụng về tinh thần lẫn thể xác bởi việc lạm dụng quyền uy của một số vị lãnh đạo. Còn có những cụ già trong các viện dưỡng lão kiên trì ngồi bên khung cửa để trông chờ và đón đợi con cháu đến thăm. Những ngày như thế này chỉ đem lại cho họ nỗi buồn và tâm trạng tủi thân.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Chúa đã đến và vẫn còn đến trong hoàn cảnh riêng của từng người.  Khi bước vào trần gian, Người đã không ngần ngại bước đến với con người trong hoàn cảnh mỏng dòn, bội ước và đầy tham vọng của họ. Đây là sáng kiến của Thiên Chúa. Chính Người đã đi bước trước để làm gương cho con cháu Người. Thiên Chúa không còn ở xa, nhưng đã đồng hình đồng dạng để chia sẻ mọi hoạn nạn khổ đau của con người. Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Em-ma-nu-en chính là thế.

Giống như mọi hài nhi, Con Thiên Chúa khởi đầu là một thai nhi, tuỳ thuộc và lớn lên trong cung lòng một trinh nữ, mang tên Maria, Mẹ Người. Sự cộng tác trọn vẹn và phó thác của Mẹ đã khiến một biến cố phi thường xẩy ra một cách thật bình thường. Mẹ là người đã sẵn sàng vuợt qua mọi rào cản để Con Thiên Chúa bước vào cuộc đời Mẹ và bước vào thế giới qua cung lòng của Mẹ. Như mọi bào thai,  Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã đón nhận sự nuôi dưỡng, chăm sóc từ những giọt máu đào và dòng sữa yêu thương của Mẹ. Không ai hiểu thân phận của Chúa bằng Mẹ. Mẹ là mẫu gương mà Hội Thánh muốn cho con cái mình noi theo. Ngoài Mẹ ra, Hội Thánh giới thiệu cho chúng ta một nhân vật khác, tuy thầm lặng và ít được nhắc đến nhưng vai trò không kém quan trọng như vai trò của Mẹ. Đó chính là Thánh Giu-se. Thật vậy, ngoài Mẹ ra, thì không có ai hiểu thấu và quan tâm cho Chúa bằng Thánh Giu-se.

Bản tính thầm lặng và hầu như không một lời nói nào của Thánh Giu-se được các Thánh Sử lưu trữ, lại là một yếu tố giúp chúng ta quên đi những ánh mầu rực rỡ, không khí tưng bừng của ngày đại lễ rồi cùng nhau ngồi xuống, trong thinh lặng để suy gẫm về mầu nhiệm mà chúng ta sắp cử hành.

Anh chị em thân mến,

Con đường của Thiên Chúa dành cho Giu-se bước đi cũng không dễ dàng. Thánh Kinh mô tả ngài là một người công chính, đã đính hôn với cô gái trạc tuổi trăng tròn, tên là Maria. Bên nhà gái khoảng mười sáu tuổi thì lẽ nào Giu-se lại là một cụ già lụ khụ. Giu-se hẳn nhiên là một cậu thanh niên khôi ngô và tuấn tú như vậy mới xứng đôi với cô Maria trẻ trung và mỹ miều.

Vào một ngày kia, Giu-se phải đối diện với một biến cố thật trọng đại khiến anh bị sốc. Vị hôn thê của anh vừa báo cho anh biết là nàng đã có thai, và điều duy nhất Giu-se biết chắc chắn là thai nhi đó không phải là của mình. Anh biết làm sao đây? Làm sao anh có thể tin được lời của Maria nói là nàng ta mang thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần?

Xuất phát từ lòng đạo đức, Giu-se chỉ biết âm thầm tâm sự với Chúa. Chúng ta không biết Giu-se đã cầu nguyện như thế nào? Hẳn nhiên là anh xin Chúa soi sáng, giúp anh tỉnh thức để khỏi bị kéo vào đêm đen và có những quyết định mất lòng Chúa. Giu-se định âm thầm lìa bỏ Maria. Đó cũng không phải là giải pháp tốt, bởi thai nhi sẽ lớn lên và nếu anh bỏ nàng thì ai sẽ chịu trách nhiệm về bào thai đó. Anh bị bao phủ bởi màn đêm và cứ thế Giu-se đã thiếp đi trong giấc ngủ.

Trong giấc ngủ anh mơ thấy thiên thần. Trong trình thuật truyền tin cho Maria thì thiên thần Chúa hiện đến, trấn an Maria đừng sợ. Nhưng ở đây, Thánh Mát-thêu đã mô tả Giu-se vượt qua trạng thái sợ hãi khi đối diện với thiên thần. Chính nhờ điều này mà Giu-se, con người của niềm hy vọng, đã dễ dàng tin vào sứ điệp của thiên thần nói với ông như sau: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1:21)

Khi giật mình thức dậy, Giu-se đã tuân phục ý định của Thiên Chúa qua lịnh truyền của sứ thần và đón vợ về nhà. Và hai người vẫn không ăn ở với nhau, cho đến khi Ma-ri-a sinh một con trai, và Giu-se đã đặt tên cho con trẻ là Giê-su. Theo tục lệ của người thời bấy giờ thì ai đặt tên cho con trẻ thì người đó là cha hợp pháp của đứa trẻ vậy.

Vẫn biết Giu-se một lòng tuân phục và thực hiện ý định của sứ thần. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua tình huống mà Giu-se và Ma-ri-a đang đối diện. Khó khăn vẫn còn. Trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, khi đi đến quyết định đón vợ về nhà, Giu-se vẫn không tránh khỏi giây phút hoang mang về danh tiếng của anh cũng như hậu quả có thể xuất phát từ vụ xì căng đan bởi việc thụ thai của Ma-ri-a, người vợ mà anh hết lòng yêu thương và tin tưởng. Làm sao mà anh và Maria có thể chứng minh cho người ta biết là bào thai mà vợ anh đang mang là do tác động của Chúa Thánh Thần?

Chúng ta hãy nghe đôi bạn trẻ Giu-se và Ma-ri-a tâm sự với nhau. Maria đã nói với Giu-se: sứ thần nói với em rằng con trẻ em đang mang trong người sẽ được gọi là Con Đấng Tối cao, và chúng mình sẽ đặt tên cho con là Giê-su. Giu-se đáp lại: đúng đấy em ơi, anh cũng được báo mộng bởi sứ thần là như thế, vì vậy chúng mình sẽ đặt tên cho con là Giê-su. Sau đó Giu-se nói thêm rằng con chúng mình sẽ được gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Giu-se biết rõ tâm tính và lòng đạo đức của Ma-ri-a, nàng không bội ước với anh. Sứ điệp anh nhận được từ sứ thần cũng là những gì mà Ma-ri-a đã nói cho anh. Sao có sự trùng hợp đến thế. Phải chăng đây là việc làm của Thiên Chúa.

Cuối cùng Giu-se cũng đã kết hợp được sức mạnh của niềm tin với tinh thần khiêm cung trước Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Anh và Maria tin rằng, Thiên Chúa sẽ hướng dẫn các ngài vượt qua tất cả. Nhưng ngây bây giờ, trong giây phút này anh phải lựa chọn. Hẳn nhiên sự lựa chọn của anh không phát xuất từ một giây phút bồng bột và bốc đồng. Cả đời Giu-se đã chuẩn bị cho giây phút chọn lựa này, và hơn thế nữa, Giu-se sẽ phải sống với quyết định này cho đến cuối đời Ngài.

Có một điều mà Giu-se có nằm mơ cũng không nghĩ ra rằng quyết định của ngài lại mang tầm ảnh hưởng thật sâu xa đối với lịch sử của thế giới đến như thế. Con Thiên Chúa làm người và cư ngụ giữa thế gian. Gương sáng của Giu-se thật đáng kính trọng và lưu truyền cho muôn thế hệ.

Noi theo gương sáng của thánh Giu-se, chúng ta cầu xin có được một con tim rộng mở cho các dự án mà Thiên Chúa thực hiện nơi mình và nơi người khác, mà không một ai trong chúng ta có thể lường trước hay biết rõ được. Nguyện xin lời tuyên xưng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống chứng nhân của chúng ta cho thế giới này. Amen!

 

Wednesday, 7 December 2022

AI CHỜ, AI ĐỢI AI ĐÂY!



                Truyện kể rằng, vào một Chúa nhật cuối năm phụng vụ, linh mục quản xứ long trọng nói cho bà con trong xứ đạo biết về các thành quả mà Giáo Xứ đã đạt được. Ngài rất hài lòng vì số người tham dự các sinh hoạt phụng vụ như tham dự các Thánh Lễ, chia sẻ lời Chúa, tham gia các đoàn thể, phong trào và các sinh hoạt giới trẻ, chầu Thánh Thể tăng nhanh. Ngoài ra, bà con còn hết lòng tham gia các công tác từ thiện như giúp đỡ người nghèo, thăm người đau yếu trong các bịnh viện, nhà dưỡng lão… Nói chung, qua việc làm của anh chị em trong giáo xứ thì vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện cho mọi người nhận biết chúng ta quả thật xứng đáng là đoàn chiên của Người.

                Trong lúc cha xứ đang hân hoan chia sẻ với các tín hữu, bỗng nhiên có một giọng nói rất chậm rãi của một cụ già phát lên từ hàng ghế phía sau của hội trường nhà xứ như sau: “Tạ ơn Chúa, vì các thành quả của chúng ta đã làm để tôn vinh Chúa, thế mà sao chẳng có ma nào trở lại để gia nhập vào Đạo Chúa và học theo lối sống của chúng ta thế này!”

                Lời than van của cụ già trong giáo xứ phản ảnh lời chất vấn của các môn đệ mà Gio-an Tẩy Giả đã phái đến để hỏi về thân thế của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay. Câu hỏi “Thầy có phải là đấng mà chúng tôi mong đợi?” có thể được đổi thành chúng ta có phải là hiện thân của Đấng Cứu Thế mà thế giới đang mong đợi hay không?

                Thưa anh chị em,

                Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mát-thêu đã trình bầy cho chúng ta thấy con người thật của Gio-an Tẩy Giả. Lúc này ông đang bị ngồi tù vì dám khiển trách nhà vua đã cả gan cướp vợ của người anh trai lấy làm vợ của mình. Gioan đã cả gan động tới long nhan và đời sống của thiên tử. Nhưng, đứng trước và nhất là khi cần binh vực cho sự thật và công chính, Gio-an đã không một chút kiêng dè và sợ hãi một uy quyền nào hết.

                Dù đang bị giam trong tù, nhưng Gio-an vẫn được nghe nói về các việc mà Đức Giê-su đã làm. Ông cảm thấy hoang mang và tự hỏi mình rằng những gì ông loan báo về Đức Giê-su có ứng nghiệm bởi các việc làm của Chúa hay chăng. Bởi vì, mới tuần trước chúng ta nghe Gio-an giảng khi Đức Giê-su đến, Người sẽ cầm nia trong tay để sàng lọc thóc, thóc tốt thì thu vào kho, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi. Hình ảnh sàng lọc mà Gio-an nói ở đây ám chỉ đến ngày phán xét. Thế mà những gì Gio-an được nghe về Chúa thì dường như chẳng thấy có sự phán xét hay thẩm tội ai từ Chúa cả; cũng chẳng thấy chỗ nào người ta nói đến việc Đức Giê-su ném những người có tội vào lửa cả. Thay vào đó, về mặt giảng dậy thì Đức Giê-su nhấn mạnh đến thời đại hồng ân của Thiên Chúa, còn lối sống của Người thì chẳng ra thể thống hay có lớp lang gì, lang thang ăn uống, binh vực và làm bạn với người tội lỗi. Lời giảng dậy và công việc của Đức Giê-su như thế làm cho Gio-an bị ngộ nhận. Để làm cho sự thật được sáng tỏ, Gio-an đã không ngần ngại sai các môn đệ đến hỏi Chúa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?“

                Đức Giê-su nhẹ nhàng nói cho các môn đệ của Gio-an về các điều mà Người đã làm và họ đã chứng kiến, đó chính là người mù được sáng mắt, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết được sống lại và những người nghèo được nghe Tin Mừng, như đã được loan báo bởi ngôn sứ I-sa-i-a mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một. Sau đó, Đức Giê-su còn nhắc khéo cho Gio-an biết rằng ông thật là có phúc, nếu không bị vấp ngã vì các công việc mà Đức Giê-su đã làm. Ở đây, Đức Giê-su muốn nói với Gio-an rằng: qua lời tường trình về các công việc Đức Giê-su đã làm thì ông có tin Người là Đấng Thiên Sai hay không?

Anh chị em thân mến,

Chúng ta không hề hay biết Gio-an có đón nhận lời chúc phúc của Đức Giê-su danh cho ông hay không mà chỉ biết rằng sau đó Đức Giê-su ca ngợi lối sống chứng nhân của Gio-an. Qua cách nói gián tiếp này chúng ta thấy được vị trí của Gioan trong con mắt của Đức Chúa. Ông đuợc ví như cây sậy phất phơ trước gió, nhưng đã không ngã gục trước quyền lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân chúng. Ngài can đảm làm chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Ngài đã bị xử tử, bị giết chết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự thật cho dù phải chết.

Gio-an không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. Cũng như Gio-an, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về mình, sự giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về mình cái mà mình không có, điều mà mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những con người bất mãn và chỉ biết đòi hỏi.

Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chuơng trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” Bởi vì, vai trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời.

Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối nhìn và cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời. Với Đức Giêsu, trong triều đại của Người, chúng ta hãy cứ để cho ‘cỏ lùng và lúa tốt” cùng mọc lên, cho ‘chiên và dê’ cùng sống chung. Việc phân xử là của Chúa. Thời gian phân xử cũng thuộc về Ngài. Còn bây giờ, chúng ta hãy noi gương Chúa Cứu Thế, đi trên con đuờng mà Người đã đi, chiếu hy vọng đến những nơi tăm tối, đem tin vui đến tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới; loan báo năm hồng ân, rao giảng và làm nhân chứng cho Đức Giê-su, Đấng có quyền làm cho kẻ què được đi (trên con đường của Chúa), người điếc được nghe (tin vui từ Chúa), người mù được nhìn thấy (ánh sáng của Chúa) và kẻ chết được sống lại từ cõi chết.

                Tóm lại, vai trò của Gio-an là giới thiệu và dọn đường cho Đấng Cứu Thế; còn Chúa Giêsu và chúng ta là niềm hy vọng, nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa cho người khác. Có như thế, viêc chúng ta mừng lễ Giáng Sinh không phải là việc tưởng niệm biến cố đã xẩy ra trong quá khứ; nhưng là tiếp tục công việc của Thiên Chúa qua Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Giê-su, Đấng đã đến trong kiếp người để chia sẻ cuộc sống với những người nghèo khổ, bất hạnh mang đầy thương tích, những nạn nhân của bất công, những con người đang khao khát công lý và an bình. Nguyện xin ân huệ của Ngôi Hai Thiên Chúa luôn biến đổi cuộc đời của chúng ta thành những con đường đem Chúa đến cho người khác. Amen!

Friday, 2 December 2022

SÁM HỐI ĐỂ SẴN SÀNG


Chúng ta đang sống trong mùa vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa giáng trần. Đây cũng là thời gian đặc biệt nhắc nhở chúng ta về việc Chúa sẽ đến lần thứ hai trong quang lâm để chào đón chúng ta vào vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Muốn được như thế, chúng ta phải sẵn sàng và tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong các nghi lễ phụng vụ, qua các dấu chỉ của thời đại và nhất là qua con người, bởi Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta.

Việc Thiên Chúa viếng thăm để cứu chuộc dân Người nằm trong dự án của Thiên Chúa. Đó chính là sứ mạng của Thiên Chúa. Còn Người thực hiện chương trình cứu độ như thế nào thì hãy nghe Thánh Phao-lô nói rất rõ như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1:1-2) Có nghĩa là, Thiên Chúa luôn đồng hành với nhân loại. Người hoạt động để thực hiện lời hứa với cha ông chúng ta. Người soi sáng và dùng miệng lưỡi các ngôn sứ để thực hiện sứ mạng và sau cùng Người đã sai Thánh Tử Giê-su đến và ở giữa chúng ta. Nói chung Thiên Chúa toàn tâm toàn ý thực hiện và hoàn tất kế hoạch cứu rỗi nhân loại.

Để cho kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được thể hiện nơi cuộc sống, mỗi người chúng ta hãy nghe lời cảnh báo của Gio-an Tẩy Giả hôm nay: Hãy dọn đường và sửa lối để đón chào Đức Chúa và hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Sau này khi bắt đầu sứ vụ, Đức Giê-su đã loan báo: “Anh em hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng.” Như vậy, xem ra việc dọn đường, sửa lối, thay đổi cách sống để diễn tả tâm tình sám hối hầu nhận ra Nước Thiên Chúa hiện diện trong bản thân của Đức Giê-su là một lời cảnh báo rất khẩn thiết và quan trọng.

Chúng ta vẫn biết rằng, Thiên Chúa yêu thương và làm bạn với những người tội lỗi. Điều này không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Người thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Người.

Trong cùng một tinh thần đó, Hội Thánh mượn lại lời kêu gọi của Gio-an Tẩy Giả để kêu gọi chúng ta sám hối. Sám hối là gì?

Sám hối là cơ hội giúp ta đổi mới. Muốn đổi mới, con người cần có can đảm để đối diện với các khuyết điểm của chính mình. Sự can đảm này thật cần thiết, bởi vì theo lẽ thường thì con người thích đi trên lối cũ, sống với những thói quen đã ăn sâu trong cuộc sống, cho nên rất khó thay đổi.

Sám hối là hồng ân, vì tự chính bản thân, ta có thể thấy được gì! Và, chỉ ở trong tình yêu và ánh sáng của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, ta mới thấy các yếu kém của mình để đổi mới. Đó là hồng ân mà Chúa chiếu soi để ta nhận biết mình. Muốn được như thế, chúng ta phải thường xuyên để cho giá trị của Tin Mừng và các tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa chất vấn chúng ta.

Sám hối không chỉ là việc nhận ra mình có tội rồi đi xưng tội để được hòa giải cho được sạch tội mà thôi; nhưng để tin vào Tin Mừng, nghĩa là tin vào lời giảng dậy, việc làm và lối sống của Đức Giêsu, Đấng đã tiêu diệt quyền lực của sự ác trong ta, để nhường chỗ cho sự hiện hiện của Nuớc Thiên Chúa qua Đức Giêsu, Đấng sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của Người với đời sống của ta. Trong niềm hiệp thông đó, chúng ta diễn tả việc sám hối bằng cách sinh hoa kết quả theo lời yêu cầu của Gio-an hôm nay bằng việc đền bù thiệt hại cho những ai mà chúng ta đã xúc phạm và chia sẻ tiền của cho những người nghèo khổ và khốn khó như gương sáng của ông Da-kêu đã làm thủa xưa.

Như vậy, cuộc sống, việc làm và lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả hôm xưa cũng là của chúng ta hôm nay. Gio-an đã xuất hiện như một ngôn sứ cuối cùng để chuẩn bị con đường cho Đức Me-si-a, Đấng thiên sai ngự đến thế nào thì chúng ta cũng thế. Noi gương Ngài chúng ta được mời gọi ra đi để công bố cho những người chung quanh hãy sống ăn năn, hãy dọn đuờng chào đón Chúa Cứu Thế và tin theo Người.

Giống như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta đến để giới thiệu và chỉ cho người ta thấy con đường của Chúa. Từ bỏ vinh dự cao quí và lui về phía sau để Thiên Chúa thực hiện dự án của Ngài qua sứ mệnh mà chúng ta đã lĩnh nhận là điều tuy cần thiết nhưng rất khó thực hiện. Qua hành động như thế, chúng ta không hoạt động cho vinh quang của mình mà làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn.

Như vậy, con đuờng mà chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến là con đuờng đức tin, con đuờng của niềm vui; một niềm vui phát xuất từ bên trong phần sâu thẩm của tâm hồn và chỉ dành cho những ai đã đuợc Chúa chiếm đoạt. Trong sự tự do chúng ta đành mất tất cả để dành phần ích lợi cho anh em.

Tóm lại, trong tinh thần của Mùa Vọng và với gương sáng trong việc chu toàn sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả giúp cho chúng ta nhớ lại ơn gọi của chính mình. Chúng ta không chỉ được kêu gọi ăn năn và sám hối để chuẩn bị tâm hồn Mừng Lễ Giáng Sinh mà thôi đâu. Người đã đến trong hoàn cảnh của từng người, với tất cả giới hạn của thân phận gắn liền với đổ vỡ và tội lỗi của mình. Chính trong vùng đất khô cằn như hoang địa như thế, Thiên Chúa đã cất nhắc chúng ta lên, cho phép chúng ta tham dự vào sứ vụ của Người. Vì thế, chúng ta phải ra đi, không chỉ là tiền thân của Đấng Cứu Thế mà còn là hiện thân của Người, Đấng đã từ bỏ và chấp nhận mất tất cả để đem lại ơn cứu độ cho mọi người, không loại trừ một ai.

Nhiệm vụ ‘dọn đường và giới thiệu Đức Ki-tô cho người khác’ thật nặng nề. Gio-an đã làm được. Đức Giê-su đã mở đường. Tin tưởng vào sự trợ giúp của các ngài, chúng ta sẽ làm được. Vì thế, không chỉ trong Mùa Vọng này, mà trong mọi giây mọi phút của cuộc sống, chúng ta không chỉ dọn đường cho Người đến mà hãy cùng bước trên con đường của Người. Con đuờng yêu thương và đón nhận. Con đường tự hiến và hy sinh. Con đuờng tha thứ và chấp nhận. Con đuờng của sự thật để nhận ra tất cả là của Người. Và, khi cùng dắt nhau đi trên con đuờng của Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở để đón nhận nhau, nhận ra sự hiện diện của Chúa Cứu Thế nơi tha nhân. Người đã đến giữa chúng ta, trong lòng người và giữa lòng đời. Và nếu chúng ta không nhận ra Người trong cuộc sống của nhau thì việc dọn đuờng để chuẩn bị cho việc mừng Lễ Giáng Sinh cũng là việc làm chiếu lệ, theo thói quen.

Xin hãy mở mắt chúng con nhận ra Người nơi anh em không chỉ trong Mùa Vọng này, nhưng là trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời và nhất là trong các bữa tiệc Lòng Mến mà chúng con đến để trao gửi Chúa cho nhau. Amen!