Truyện
kể rằng, vào một Chúa nhật cuối năm phụng vụ, linh mục quản xứ long trọng nói
cho bà con trong xứ đạo biết về các thành quả mà Giáo Xứ đã đạt được. Ngài rất
hài lòng vì số người tham dự các sinh hoạt phụng vụ như tham dự các Thánh Lễ,
chia sẻ lời Chúa, tham gia các đoàn thể, phong trào và các sinh hoạt giới trẻ,
chầu Thánh Thể tăng nhanh. Ngoài ra, bà con còn hết lòng tham gia các công tác
từ thiện như giúp đỡ người nghèo, thăm người đau yếu trong các bịnh viện, nhà
dưỡng lão… Nói chung, qua việc làm của anh chị em trong giáo xứ thì vinh quang
của Thiên Chúa được tỏ hiện cho mọi người nhận biết chúng ta quả thật xứng đáng
là đoàn chiên của Người.
Trong
lúc cha xứ đang hân hoan chia sẻ với các tín hữu, bỗng nhiên có một giọng nói rất
chậm rãi của một cụ già phát lên từ hàng ghế phía sau của hội trường nhà xứ như
sau: “Tạ ơn Chúa, vì các thành quả của chúng ta đã làm để tôn vinh Chúa, thế mà
sao chẳng có ma nào trở lại để gia nhập vào Đạo Chúa và học theo lối sống của
chúng ta thế này!”
Lời
than van của cụ già trong giáo xứ phản ảnh lời chất vấn của các môn đệ mà Gio-an
Tẩy Giả đã phái đến để hỏi về thân thế của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm
nay. Câu hỏi “Thầy có phải là đấng mà chúng tôi mong đợi?” có thể được đổi
thành chúng ta có phải là hiện thân của Đấng Cứu Thế mà thế giới đang mong đợi
hay không?
Thưa
anh chị em,
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mát-thêu đã trình bầy cho chúng ta thấy con người
thật của Gio-an Tẩy Giả. Lúc này ông đang bị ngồi tù vì dám khiển trách nhà vua
đã cả gan cướp vợ của người anh trai lấy làm vợ của mình. Gioan đã cả gan động
tới long nhan và đời sống của thiên tử. Nhưng, đứng trước và nhất là khi cần binh
vực cho sự thật và công chính, Gio-an đã không một chút kiêng dè và sợ hãi một
uy quyền nào hết.
Dù
đang bị giam trong tù, nhưng Gio-an vẫn được nghe nói về các việc mà Đức Giê-su
đã làm. Ông cảm thấy hoang mang và tự hỏi mình rằng những gì ông loan báo về Đức
Giê-su có ứng nghiệm bởi các việc làm của Chúa hay chăng. Bởi vì, mới tuần trước
chúng ta nghe Gio-an giảng khi Đức Giê-su đến, Người sẽ cầm nia trong tay để sàng
lọc thóc, thóc tốt thì thu vào kho, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà
đốt đi. Hình ảnh sàng lọc mà Gio-an nói ở đây ám chỉ đến ngày phán xét. Thế mà
những gì Gio-an được nghe về Chúa thì dường như chẳng thấy có sự phán xét hay
thẩm tội ai từ Chúa cả; cũng chẳng thấy chỗ nào người ta nói đến việc Đức
Giê-su ném những người có tội vào lửa cả. Thay vào đó, về mặt giảng dậy thì Đức
Giê-su nhấn mạnh đến thời đại hồng ân của Thiên Chúa, còn lối sống của Người
thì chẳng ra thể thống hay có lớp lang gì, lang thang ăn uống, binh vực và làm
bạn với người tội lỗi. Lời giảng dậy và công việc của Đức Giê-su như thế làm cho
Gio-an bị ngộ nhận. Để làm cho sự thật được sáng tỏ, Gio-an đã không ngần ngại sai
các môn đệ đến hỏi Chúa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải
đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?“
Đức
Giê-su nhẹ nhàng nói cho các môn đệ của Gio-an về các điều mà Người đã làm và họ
đã chứng kiến, đó chính là người mù được sáng mắt, kẻ què được đi, người cùi được
sạch, kẻ điếc được nghe, người chết được sống lại và những người nghèo được
nghe Tin Mừng, như đã được loan báo bởi ngôn sứ I-sa-i-a mà chúng ta vừa nghe
trong bài đọc một. Sau đó, Đức Giê-su còn nhắc khéo cho Gio-an biết rằng ông thật
là có phúc, nếu không bị vấp ngã vì các công việc mà Đức Giê-su đã làm. Ở đây,
Đức Giê-su muốn nói với Gio-an rằng: qua lời tường trình về các công việc Đức
Giê-su đã làm thì ông có tin Người là Đấng Thiên Sai hay không?
Anh chị em
thân mến,
Chúng ta
không hề hay biết Gio-an có đón nhận lời chúc phúc của Đức Giê-su danh cho ông hay
không mà chỉ biết rằng sau đó Đức Giê-su ca ngợi lối sống chứng nhân của
Gio-an. Qua cách nói gián tiếp này chúng ta thấy được vị trí của Gioan trong con mắt
của Đức Chúa. Ông đuợc ví như cây sậy phất phơ trước gió, nhưng đã không ngã gục
trước quyền lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân
chúng. Ngài can đảm làm chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Ngài đã bị xử tử, bị
giết chết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự thật cho
dù phải chết.
Gio-an không phải
là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa
Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải
lu mờ. Cũng như Gio-an, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về mình, sự giới hạn
của mình, không giả tạo, không qui công về mình cái mà mình không có, điều mà
mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những con người bất mãn
và chỉ biết đòi hỏi.
Đây là sự cao trọng
trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong
chuơng trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời
ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng
mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước
trời còn cao trọng hơn ông.” Bởi vì, vai trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu
thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về
Người mới thuộc về Nước Trời.
Đó là giáo lý mới,
tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối nhìn và
cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời. Với Đức
Giêsu, trong triều đại của Người, chúng ta hãy cứ để cho ‘cỏ lùng và lúa tốt”
cùng mọc lên, cho ‘chiên và dê’ cùng sống chung. Việc phân xử là của Chúa. Thời
gian phân xử cũng thuộc về Ngài. Còn bây giờ, chúng ta hãy noi gương Chúa Cứu
Thế, đi trên con đuờng mà Người đã đi, chiếu hy vọng đến những nơi tăm tối, đem
tin vui đến tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới; loan báo năm hồng ân, rao giảng
và làm nhân chứng cho Đức Giê-su, Đấng có quyền làm cho kẻ què được đi (trên
con đường của Chúa), người điếc được nghe (tin vui từ Chúa), người mù được nhìn
thấy (ánh sáng của Chúa) và kẻ chết được sống lại từ cõi chết.
Tóm
lại, vai trò của Gio-an là giới thiệu và dọn đường cho Đấng Cứu Thế; còn Chúa
Giêsu và chúng ta là niềm hy vọng, nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa cho người
khác. Có như thế, viêc chúng ta mừng lễ Giáng Sinh không phải là việc tưởng niệm
biến cố đã xẩy ra trong quá khứ; nhưng là tiếp tục công việc của Thiên Chúa qua
Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Giê-su, Đấng đã đến trong kiếp người để chia sẻ cuộc
sống với những người nghèo khổ, bất hạnh mang đầy thương tích, những nạn nhân của
bất công, những con người đang khao khát công lý và an bình. Nguyện xin ân huệ
của Ngôi Hai Thiên Chúa luôn biến đổi cuộc đời của chúng ta thành những con đường
đem Chúa đến cho người khác. Amen!
No comments:
Post a Comment