Wednesday, 22 February 2023

TRONG CHÚA TA VƯỢT QUA!


“Quyến rũ, cám dỗ, sa ngã, bất trung rồi bội phản” là các chọn lựa hay thái độ sống của con người trong mọi thời đại, từ A-dong, E-và cho đến chúng ta ngày nay. Nhìn nhận một sự thật như thế sẽ giúp chúng ta dễ dàng đón nhận các thử thách trong cuộc sống và cùng với Đức Ki-tô chúng ta chiến đấu và chiến thắng các cạm bẫy của “tên cám dỗ” bầy ra. Đó là nội dung của các bài đọc được trích dẫn vào Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay năm nay.

Trong bài đọc một trích trong sách Sáng Thế Ký, tác giả đã thuật lại sự kiện sa ngã của A-dong và E-và. Sau khi bất tuân, A-dong và E-và đã không chết. Họ nhận ra sự thật đã xẩy ra đúng theo lời dụ dỗ của con rắn là họ trở nên khôn ngoan, biết rõ trắng đen, biết mình trần truồng và trơ trụi.

Thấy được thân phận nghèo khó tột cùng, đến nỗi không có mảnh vải để che thân mà quay trở về với Thiên Chúa là một việc lẽ ra ông bà nguyên tổ phải làm. Trái lại, ông bà đã không làm như thế! A-dong và E-và muốn có sự khôn ngoan để tự mình sắp xếp cuộc đời mình, không cần Chúa nữa. Họ đã sai lại càng sai thêm khi trốn chạy và đã lầm khi không dám đối diện với Thiên Chúa.

Việc bất tuân và sa ngã của A-dong và E-và là các thử thách mà ông bà nguyên tổ và con người ở mọi thời đại đang phải chống trả.

Vì thế, Thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai, đã chia sẻ suy tư của ngài về sứ vụ của Đức Giê-su như một “A-dong mới,” một A-dong chiến thắng và vượt qua mọi cạm bẫy để làm gương cho chúng ta; đó là những gì chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng.

Thánh Mát-Thêu thuật lại các cơn cám dỗ mà Đức Giê-su phải trải qua trong hoang địa. Tuy Đức Giê-su đã vượt qua và chiến thắng các thử thách để bước vào giai đoạn công khai rao giảng và loan truyền sứ vụ của Người; nhưng không phải vì thế mà các cám dỗ đó biến mất; tất cả vẫn hiện diện như lời Thánh Lu-ca nói ma quỷ chờ cơ hội để tiếp tục cám dỗ Người. Cuối cùng và cũng là đích điểm các cám dỗ mà Đức Giê-su phải đối diện và vượt qua là Satan, quyền lực chống đối Thiên Chúa.

Thoáng nhìn thì chúng ta có thể cho rằng các thử thách mà Đức Giê-su phải đương đầu đều qui về căn tính của Đức Chúa, về mối quan hệ giữa Người với Thiên Chúa. Tên cám dỗ đã thử thách Chúa bằng lối đặt câu hỏi có tính khiêu khích: “Nếu ông là Con Thiên Chúa.” Có nghĩa là nếu ông đã biết mình là Con Thiên Chúa thì hãy làm theo lời tôi, tên cám dỗ, làm phép lạ biến đá thành của ăn mà nuôi thân xác, nhất là trong lúc đang đói, thì chúng tôi tin. Nghe lời của tên cám dỗ hay nghe lời thiên Chúa là thử thách mà Đức Giê-su đang phải đói diện

Thật vậy, Đức Giê-su biết rõ chân tướng làm Con Thiên Chúa của mình; đó là điều mà Chúa Cha đã công bố trong ngày Đức Giê-su đón nhận phép rửa bên bờ song Gióc-đan. Khi vừa ở dưới nước bước lên thì tiếng Chúa Cha đã phán “Này là Con yêu dấu của Ta.” Thế mà, hôm nay ‘tên cám dỗ’ lại muốn gieo vào trong lòng Chúa tính nghi ngờ và lối nói khích bác: Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy chứng minh bằng cách làm theo đề nghị của chúng đưa ra.

A-dong và E-và sa vào cạm bẫy làm theo ý chúng. Còn Đức Giê-su đã không làm như thế. Người đi tìm ý của Cha Người để tỏ bầy cho nhân loại biết về mối quan hệ Cha Con của Thiên Chúa và Người. Đức Giê-su là người con yêu dấu và chỉ thực hiện ý muốn của Cha, không tìm và làm theo ý riêng; vì thế Người đã quay lưng lại với lời cám dỗ. Và bằng các cách thức khác nhau, Đức Giê-su đã bộc lộ niềm tin tưởng tuyệt đối của Người vào Thiên Chúa, Cha Người.

Là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su chấp nhận tất cả mọi sự từ Thiên Chúa, Cha của Người và chỉ từ Cha mà thôi. Cuộc sống của Người bao gồm cả sứ vụ mà Người thi hành. Tất cả đều xuất phát từ Cha, nên Người phải lệ thuộc vào Ngài; không tự động biến đá thành bánh theo ý mình. Vẫn biết bánh là của ăn thì cần thiết cho việc nuôi dưỡng cơ thể; nhưng sự sống của con người hoàn toàn không chỉ lệ thuộc vào của ăn mà thôi. Nói như thế, có nghĩa là cho dù phải đói khát, Người vẫn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ lo cho Người, Cha Người sẽ cung cấp lương thực nuôi dưỡng Người. Phần Người hãy lo tìm kiếm và thực hiện ý Cha trước.

Anh chị em đừng quên rằng Đức Giê-su đã thể hiện quyền năng của Thiên Chúa trong phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi dưỡng cho những kẻ đi theo Người. Đó là việc làm bộc lộ lòng yêu thương và sự quan tâm của Chúa dành cho những ai thuộc về Người. Đức Giê-su không tự động làm phép lạ theo lời khích bác của kẻ khác để bộc lộ “cái tôi –ta đây” cho người khác khen tặng.

Hôm nay, khi suy niệm về các cuộc cám dỗ mà Đức Giê-su đã trải qua, chúng ta nên can đảm nhìn nhận rằng Đức Chúa còn bị thử thách phương chi là chúng ta. Thử thách là điều không thể thiếu vắng trong đời sống của các kẻ tin nói riêng và đời sống cộng thể nói chung. Và, bằng vào sức mình, không một ai trong chúng ta có thể tránh thoát được các cạm bẫy của ma quỷ hay các quyền lực của sự dữ ẩn núp duới các chiêu bài khác nhau để lôi kéo chúng ta đi ngược lại Ý Chúa. Cạm bẫy đó xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh của cuộc sống.

Có một điều mà chúng ta nên nhìn nhận rằng không ai là người hoàn hảo. Chúng ta có thể giỏi mặt này nhưng lại yếu kém mặt khác. Phàm ai đã có sở trường thì sẽ có sở đoản. Những điều này giúp chúng ta nhận ra sự hèn yếu của thân phận làm người mà cần sự trợ giúp. Sau đây là một kinh nghiệm.

Vào các năm gần đây, nhờ sống chung với các cha giáo, nay đã về hưu, tôi mới khám phá ra điều này. Khi còn trẻ các ngài là những con người khôn ngoan, nhiều vị đã nắm giữ các nhiệm vụ thật quan trọng trong việc hướng dẫn và lãnh đạo người khác, bao nhiêu phương án đã được đưa ra và thi hành bởi sự lãnh đạo khôn ngoan và tài ba của các ngài; thế mà những việc cơ bản để chăm sóc bản thân như cột dây giầy hay luộc quả trứng thì các ngài lại mù tịt.

Không ai là người hoàn hảo. Có một khoảng trống trong cuộc sống mà chúng ta phải nỗ lực để lấp đầy. A-dong và E-và đã lầm tưởng họ có thể lấp đầy khoảng trống, lỗ hổng trong cuộc sống bằng trái cây ở giữa vườn. Vậy mà sau khi ăn thì cuộc sống của họ lại càng trống rỗng hơn; điều mà họ nhìn ra cũng chỉ là nỗi cơ đơn, tránh né nhau và tránh né Thiên Chúa.

Điều này vẫn còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Đã nhiều người lầm tưởng và tìm cách lấp đầy khoảng trống bằng nỗ lực đánh bóng chân tướng của mình bằng các phương tiện như ráng tậu cho được một chiếc xe mới, một ngôi nhà đẹp khang trang xứng hợp với vị trí ông kia bà nọ của họ. Nhưng sau những lầm than, hy sinh và vất vả để có được những điều này, sự trống vắng và nỗi cô đơn vẫn còn. Không ai có thể lấp đầy nỗi cô đơn và khoảng vắng đó trong cuộc đời mình ngoại trừ Chúa, như tâm tình mà Thánh Au-gút-ti-nô đã chia sẻ: “Tâm hồn chúng con luôn khăc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”

Để cho mình đủ sức đối diện với muôn ngàn thử thách trong cuộc sống, chúng ta nên nhận ra sự giới hạn của chính bản thân. Nhận ra không phải để cầu xin Chúa cất đi các giới hạn; cho bằng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các ước muốn và nhu cầu của chính mình; giúp cho chúng ta can đảm đối diện với các thử thách trong niềm xác tín vào sức mạnh cần thiết của ơn Chúa như lời Thánh Phao-lô đã cảm nhận khi xưa “Ơn Ta thì đủ cho con.”

Với ơn Chúa, chúng ta sẽ vượt qua các thử thách như Chúa đã trải qua hôm nay. Trong tâm tình đó chúng ta hiên ngang bước vào Mùa Chay để đối diện và vượt qua các thử thách luôn luôn đi liền với cuộc sống của chúng ta. Amen!

Wednesday, 15 February 2023

HÃY YÊU NHƯ CHÚA ĐÃ YÊU!


Tuần này, chúng ta tiếp tục lắng nghe giáo huấn của Đức Giê-su trong bài giảng trên núi với hai phân đoạn thật khó để áp dụng vào cuộc sống. Làm sao chúng ta có thể đưa má bên trái cho người ta vả, trong khi má bên phải còn bị đau bởi cú tát trước. Tha thứ cho những ai gây ra các điều tác hại đã khó, phương chi còn phải yêu những kẻ ngược đãi mình là điều khó gấp bội. Thế mà đó lại là những huấn lịnh mà Đức Giê-su muốn chúng ta thực hành hôm nay.

Nếu chúng ta không yêu thương kẻ thù hay không yêu những kẻ làm hại chúng ta thì chúng ta cũng giống như những kẻ không có niềm tin. Điều mà Chúa Giê-su muốn chúng ta thực hiện hôm nay là phải sống khác họ, nghĩa là họ có quyền ghét chúng ta. Nhưng, phần chúng ta là công dân của Nước Thiên Chúa, con cái của Cha trên trời, chúng ta không được phép ghét họ. Sự thù ghét là mầm móng của nhiều sự ác có thể xẩy ra sau này. Nó có thể hủy diệt cả người ghét lẫn người bị ghét. Nó có thể được ví như mầm móng của các tế bào ung thư, sinh sôi nẩy nở và phá hủy các cơ năng khác trong cơ thể mình. Bởi thế cho nên, Chúa mới khuyên chúng ta phải sống yêu thương

Thật vậy, chúng ta nên yêu kẻ thù của mình vì tình yêu có sức mạnh cứu rỗi. Đó là nguồn năng lực biến đổi thế giới, trong đó có bạn và tôi. Đây là ý nghĩa của sự phục sinh mà Đức Giê-su đem lại. Có nghĩa là Người đã chết cho ý riêng để đầu phục ý muốn của Thiên Chúa là bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa và cầu xin Cha tha thứ cho những ai đã kết án Người.

Tuy nhiên, đây quả là một việc khó khăn để hoàn thiện như Đức Giê-su đã yêu cầu. Việc nên hoàn thiện mà Đức Chúa yêu cầu hôm nay không dựa vào việc chu toàn lề luật mà là sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa giới thiệu; đó là nên hoàn thiện theo gương của Cha trên trời.

Nói như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng, cho đến cuối đời, người tín hữu vẫn còn bị chất vấn để thay đổi, để làm mới cuộc sống mình sao cho phù hợp với các yêu cầu của Đức Giê-su trong bài giảng trên núi. Có nghĩa là trong mọi giây mọi phút của cuộc sống chúng ta được mời gọi hoàn thành một cách hoàn hảo những yêu sách của Tin Mừng, đó là thực hiện giới răn yêu thương một cách trọn vẹn nhất. Nói khác đi chúng ta được gọi, được chọn để yêu tất cả mọi người, không loại trừ một ai, nhất là những kẻ bách hại và làm nhiều điều tổn hại đến chúng ta.

Muốn thực hiện được các điều này, chúng ta phải ý thức rằng tình yêu là động lực thúc đẩy mọi hành vi của con người. Và tất cả mọi người đều là người thân của ta. Việc nhìn nhận này không lệ thuộc vào mối quan hệ mà người đó dành cho chúng ta, cho dù người đó không ưa hay không cùng phe nhóm, thậm chí họ là kẻ thù của chúng ta thì theo Lời Chúa dậy hôm nay, chúng ta cũng phải yêu họ. Không có họ, tính cộng đoàn, mối dây hiệp thông hình như không được trọn vẹn. Sự hoàn hảo chỉ tìm thấy trong tình yêu của chúng ta dành cho mọi người, không có sự khác biệt; tất cả đều là anh chị em với nhau.

Trên thực tế, cuộc sống của chúng ta rất tệ trong lãnh vực này. Chúng ta có khuynh hướng chỉ yêu những người có chung một cái nhìn, một lối suy nghĩ và một cách thức hành động giống như mình; ngoài ra đều là khách lạ và có thể là kẻ thù nữa. Ở đây, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta bỏ luôn quyền được tự vệ, từ chối mọi cách đối kháng, cũng chẳng kháng cự và thậm chí còn đồng ý đi xa hơn mức độ giới hạn mà đối phương đề ra nữa. Làm sao chúng ta có thể thực hiện được các điều này!

Thưa anh chị em,

Một điều mà chúng ta cần nhìn ra là khả năng thực hiện điều Đức Giê-su dậy bảo hôm nay hoàn toàn tùy thuộc vào sự kết hiệp giữa ta và Chúa, có nghĩa là Chúa làm trong ta thì ta mới nên hoàn thiện được. Đức Giê-su đã không ban cho chúng ta một mớ lý thuyết suông hay một cẩm nang, cho dù đó là ‘khuôn vàng thước ngọc’ chỉ đạo cuộc sống của môn đệ. Nhưng chính Đức Giê-su đã thể hiện trong cuộc sống và sứ vụ của Người các huấn lịnh trong Bài Giảng trên Núi này.

Thật vậy, đời sống người tín hữu là sự tham dự vào sứ mạng và con người của Đức Giê-su. Chính Thần khí và sức sống của Đức Ki-tô hoạt động và thúc đẩy để chúng ta sống đúng tinh thần của Chúa hơn. Nơi Đức Giê-su mọi mầm mống gây ra chia rẽ được liên kết lại với nhau. Mọi thù hận được hòa giải trong bản thân Người. Chỉ trong Chúa, con người mới tìm được sức mạnh để tha cho nhau, không còn coi nhau như kẻ thù và sự tha thứ sẽ đạt đến mức trọn hảo như lòng Chúa mong muốn.

Nói đến đây, tôi nhớ một mẩu chuyện ngắn xẩy ra tại thành phố Munich bên Đức năm nào. Số là trong một buổi gặp gỡ khoáng đại, chị Corrie Ten Boom được mời để chia sẻ về sức mạnh của niềm tin trong thời gian chị bị giam cầm trong trại tâp trung do các nhân viên mật vụ của Đức Quốc Xã trông coi. Ngày qua ngày, sống trong cảnh thập tử nhất sinh, chị chỉ còn biết dựa vào Chúa là đấng ban cho chị sức mạnh để vượt qua các ngày khổ nạn này.

Trong lúc đang hăng say làm chứng, mắt chị ngừng lại trước một cử tọa viên đang ngồi ngay trước mắt chị. Chị không tin vào đôi mắt mình. Toàn thân chị bất động. Chị lấy khăn lau mắt và nhận ra người đang ngồi trước mặt chị là viên sĩ quan mật vụ, người đã từng hành hạ chị và các bạn trong thời gian đó.

Trước phản ứng của chị, ông cựu sĩ quan đứng dậy và tiến đến trước mặt chị và nói: “Thưa cô, tôi rất biết ơn những lời chia sẻ và cuộc sống chứng tá của cô. Tôi tin  rằng Chúa Ki-tô đã rửa sách mọi tội lỗi của tôi.” Sau đó ông đưa đôi bàn tay ra để nhận sự tha thứ của chị.

Nghe tới đó, chị Corrie tiếp tục đứng bất động, mắt chăm chú nhìn vào đôi tay đang dang rộng của người đã từng hành hạ mình. Cuối cùng, chị cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, con không thể tha thứ cho anh ta. Xin Chúa, hãy cho con sự tha thứ của Người.” Khi thì thầm nói những lời đó, chị cảm thấy có một sức mạnh đẩy đôi tay của chị về phía trước, và rất tự nhiên chị đã vươn ra nắm lấy đôi tay của ông sĩ quan mật vụ này. Chị viết, “điều tuyệt vời nhất đã xảy ra. Từ trên đôi vai, dọc theo cánh tay và qua bàn tay, dường như có một dòng điện truyền từ tôi sang ông ấy. Ngay lúc đó, trong trái tim tôi nảy sinh một tình yêu dành cho ông này khiến cả tôi cũng bị choáng ngợp và không còn có phản ứng nào khác hơn là trao cho ông sự tha thứ và yêu thương từ Chúa.

Những gì xẩy ra cho chị Corrie Ten Boom nói cho chúng ta biết rằng: tất cả chúng ta đều là chi thể trong một thân thể duy nhất là Đức Ki-tô. Và chỉ có trong Người, với Người, các lịnh truyền trong bài Tin Mừng hôm nay mới được thi hành một cách triệt để và đạt đến ý nghĩa trọn lành của nó. Amen!

Wednesday, 8 February 2023

CÕI LÒNG CHỈ ĐẠO LỀ LUẬT


Đức Giê-su đã mở đầu bài giảng trên núi bằng việc loan báo các mối Phúc dành cho các môn đệ, những người đã chọn Nước Trời làm gia nghiệp. Dù cho hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, thậm chí cần phải đánh đổi cả mạng sống thì vai trò nhân chứng về Nước Thiên Chúa vẫn dành cho họ là những kẻ đã được Thiên Chúa chúc phúc. Họ được chúc phúc không phải vì được trao ban cho một cuộc sống sung túc và đầy thuận lợi cho bằng đang thi hành sứ mạng là muối cho đời và làm ánh sáng cho nhân loại. Và, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su tiếp tục quảng diễn các việc làm cụ thể mà người môn đệ, công dân của Nước Trời cần thi hành.

Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng những lịnh truyền của Đức Giê-su hôm nay giúp chúng ta thiết lập và xây dựng mối dây tương quan giữa người và người theo đúng tinh thần của Chúa hơn. Người không đến để bãi bỏ lề luật và sự hướng dẫn của các ngôn sứ; nhưng Người hoàn thành và kiện toàn nó. Điều mà Đức Giê-su quan tâm ở đây không phải là sống rập khuôn theo các tập tục hay các khoản luật đã bị áp dụng cứng ngắc, đôi khi mất đi mối tương quan giữa người với người. Đức Giêsu quan tâm đến sự thay đổi trái tim, thay đổi lối sống để cho cuộc sống của mình luôn xoay quanh tâm điểm chính là Thiên Chúa. Lối sống này đem lại cho con người sự công chính không dựa trên lề luật, nhưng được xuất phát từ mối quan hệ giữa Thiên Chúa và ta. Từ đó, Đức Giê-su yêu cầu sự công chính của các môn đệ phải vượt trên sự công chính của những người thuộc nhóm Biệt Phái và các ông kinh sư thì mới vào được Nước Trời. Một cách cụ thể, Đức Giê-su yêu cầu các ông phải kiện toàn các điều như: đừng giận ghét, chớ ngoại tình, đừng ly dị và đừng thề thốt.

Đừng giận ghét: Trong cuộc sống, chúng ta không được phép giết người, mà ngay cả việc giận dữ, nóng giận cũng không được chấp nhận. Dường như các hành vi giết người được xuất phát bởi sự tức giận, như những câu chuyện mà các cô các cậu trẻ tuổi thố lộ trên các báo chí và các trang mạng xã hội. Điều này làm tôi nhớ lại kinh nghiệm mà tôi đã ghi nhận được trong khi làm việc tại các trại giam tại tiểu bang Victoria. Thoạt tiên, tôi vô cùng ngỡ ngàng trước vẻ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn của một số tù nhân đã phạm tội giết người. Tôi không thể hiểu tại sao họ có thể giết người được. Sau này, qua nhiều lần tiếp xúc, tôi mới nhận ra được một điều là hình như họ không kiểm soát và kềm chế được cơn nóng giận. Và tất cả các việc làm xẩy ra trong lúc tức giận đều đem lại những kết quả không lường trước được. Cha ông chúng ta đã có câu nói “giận hóa mất khôn!”

Để giúp chúng ta đối phó và diệt trừ tận căn mối nguy hiểm này, Đức Giê-su thúc dục chúng ta cần phải có biện pháp dứt khoát để đối phó với việc giận dữ. Bởi vì nó sẽ trở lại và gây nhiều hậu quả tai hại hơn. Người còn mời gọi chúng ta không chỉ đối diện với việc chúng ta giận ai mà là ai giận chúng ta thì chúng ta cũng cần đi bước trước đến để làm hòa với họ rồi sau đó tiếp tục tế lễ. Thật ra, chúng ta không thể giải thích và áp dụng điều Đức Giê-su nói ở đây theo nghĩa đen. Ai có thể để lễ vật tại đền thờ rồi đi mấy ngày đường trở về làm hòa với anh em, rồi trở lại để dâng của lễ. Bởi vì, đến khi trở lại thì của lễ có còn nguyên vẹn hay là đã bị hư thối mất rồi!

Phải quan tâm đến việc hòa giải và thay đổi cách sống rồi mới nói đến việc tế lễ. Tính cộng đoàn, tình anh em cùng một Cha trên trời được thiết lập và củng cố bằng đời sống. Như vậy, mối quan hệ hiệp nhất, yêu thương và tha thứ giữa người và người là điều mà Đức Giê-su muốn cho các công dân của Nước Thiên Chúa áp dụng trong cuộc sống. Đây là hành động của những con người đã được đổi mới và chỉ có ai được Chúa chúc phúc mới có thể làm được yêu cầu này. Yêu thương nhau là giới lịnh căn bản của người môn đệ, công dân của Nước Trời.

Chớ ngoại tình: Tương tự như vậy, khi nói đến ngoại tình, chúng ta phải đối phó với bất cứ điều gì khơi dậy lòng ham muốn, hành vi chiếm đoạt để thỏa mãn nhu cầu cá nhân hơn là việc tôn trọng và yêu thương mà chúng ta dành cho nhau. Xã hội hôm nay cho chúng ta đầy đủ dữ kiện, với những mẩu chuyện đang hiện ra nhan nhản trong các trang mạng làm chúng ta lo sợ; lại chưa kể đến sự tiến bộ vượt bực, ngoài tầm kiểm soát do các máy ‘điện thoại thông minh-smartphones’ đem đến. Người ta dùng nó để ‘chài mồi-grooming’. Hầu như nếu thiếu cảnh giác thì chúng ta sẽ dễ dàng đi lạc lối.

Giống như cách giải quyết mỗi khi nổi cơn giận dữ, ở đây Đức Giê-su truyền chúng ta cần đối diện với hiểm nguy này và có thái độ dứt khoát. Anh chị em hãy nhớ lại kiểu trình bầy của tác giả sách Sáng Thế khi trình bầy tiến trình dụ dỗ, sự tác động và ảnh hưởng trên E-và: Trước tiên nhìn thì khoái, sau đó thèm thuồng và nghĩ đến nó cảm thấy tưng tưng, bèn hái xuống và rủ chồng cùng ăn. Trình tự đó cũng được ám chỉ ở đây, nhìn người nữ với tâm hồn trong sạch và tôn trọng thì không sao, nhưng nhìn với vẻ thèm thuồng, chảy rãi ra là dấu hiệu không tốt cần phải đối phó và được điều trị đúng cách. Bởi vì từ cái nhìn như thế dẫn đến hành động chẳng xa bao nhiêu. Vì thế, Đức Giê-su yêu cầu khi Người dùng ngôn ngữ móc nó ra, chặt nó xuống hay cắt nó đi. Tất cả kiểu dùng chỉ nói đến yêu cầu dứt khoát mà Đức Giê-su muốn người môn đệ phải thi hành.

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên phân tích quá tỉ mỉ để tìm ra điều gì được phép làm, điều nào không được phép hay cái gì nặng cái gì nhẹ. Cuối cùng chúng ta sẽ trở thành những con người sống vị luật, làm theo luật. Vấn đề quan trọng mà Đức Giê-su muốn cho các môn đệ của Người phải có, đó là sự thay đổi của con tim, hướng về Chúa để thanh luyện lối suy nghĩ, sửa lại cách nhìn, điều chỉnh ý hướng và ước muốn sao cho mọi sự được trong sạch như Lời chúc phúc của Đức Giê-su: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch.”

Đừng ly dị và đừng thề thốt: Về vấn đề ly dị, Đức Giê-su không truyền dậy một ngoại lệ. Một cuộc hôn nhân bất hợp pháp, dù chiếu theo luật, vẫn không được coi là cuộc hôn nhân thì đâu cần nói đến việc ly dị. Khi nhắc lại khoản luật này, Đức Giê-su không nói về tính hợp pháp của hôn nhân cho bằng đưa con người đi về ý định ban đầu của Thiên Chúa, nơi đó nói đến việc kết hợp, cam kết và gắn bó trọn đời bên nhau trong cuộc sống vợ chồng. Chung thủy vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng của hôn nhân. Vì thế, chúng ta hãy nối điều dậy bảo đừng ly dị này với việc đừng thề thốt sẽ tìm ra ý muốn của Đức Giê-su, Người muốn các môn đệ, nam và nữ, đàn ông cũng như đàn bà, phải sống chính trực, trung thành với lời thề hứa. Họ không cần thề hứa rằng đang nói sự thật vì cuộc sống của họ là bằng chứng của sự thật mà họ không cần phải hứa nữa. Họ nên tôn trọng và cam kết sống chung thủy với người khác một cách bình đẳng. Họ không được phép coi người nữ là sở hữu, rồi muốn bỏ hay giữ tùy theo ý muốn của họ. Tất cả đều là con cái của Cha trên trời, là môn đệ của Đức Ki-tô và là công dân của Nước Thiên Chúa.

Tóm lại, trong các phân đoạn của bài giảng trên núi hôm nay, Đức Giê-su truyền ban các giáo huấn, tuy mới mẻ, nhưng Đức Giê-su không có ý chống lại các tập tục đã được gầy dựng bởi truyền thống tiền nhân và các lời dậy bảo của các ngôn sứ. Người cũng không đến để phá hủy hệ thống luật lệ; trái lại kiện toàn và đưa chúng trở về với ý nghĩa nguyên thủy; có nghĩa là đem các khoản luật trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Tất cả các lề luật và việc thi hành phải được xuất phát từ trong tâm hồn của người môn đệ. Cõi lòng là nơi quyết định cho các hành vi tôn giáo và con người được mời gọi cố gắng hoàn thiện theo mẫu mực của Đấng mà chúng ta yêu mến.

Trong tình yêu thì không còn khoản luật nào trở thành gánh nặng nữa. Và dựa trên kinh nghiệm và cách thế chúng ta đối xử với nhau thì có ai lại đi so bì và tính toán thua thiệt với người mình yêu bao giờ. Đó cũng là điều cần được áp dụng trong cuộc sống của các kẻ tin. Ước mong mối dây liên kết giữa ta với người được mãi bền chặt và thăng hoa trong mối tương giao với Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng hoàn thiện và muốn cho mọi người được trọn lành như Người. Amen!

Wednesday, 1 February 2023

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG ĐỂ LÀM GÌ?


Trong các câu cuối của phần loan báo Tám mối Phúc, Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh đến hoàn cảnh của các tín hữu thời tiên khởi. Họ đang bị cấm cách, bắt bớ, xỉ nhục và vu khống. Vì thế trong cộng đoàn đã có những kẻ tháo lui và trốn chạy. Còn những ai trung thành, Đức Giê-su trấn an và nhắc cho họ biết rằng hoàn cảnh họ đang trải qua là một ân phúc mà không mấy ai có diễm phúc trải qua.

Anh chị em thân mến,

Nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, chúng ta nhận ra một điều là Hội Thánh được sinh sôi nẩy nở và sinh nhiều hoa lợi trong các hoàn cảnh cấm cách và bị bắt bớ. Và những ai bền chí và trung kiên nên nhớ rằng họ đang làm chứng trong sứ mạng là muối cho đời và ánh sáng cho người khác.

Muối và ánh sáng là hai hình ảnh mà Đức Giê-su dùng để nói lên ước vọng của Người dành cho các môn đệ. Muối và ánh sáng không tự nó tồn tại. Cả hai vật dụng này được tạo thành và được dùng theo ý muốn của người đã tạo ra chúng. Có lẽ ngày nay chúng ta coi thường muối và ánh sáng. Tuy nhiên, những sống trước khi ông Ê-đi-son phát minh ra ánh sáng của dòng điện thì họ mới biết ánh sáng quí trọng dường bao.

Trong trình thuật tạo dựng, việc đầu tiên của Thiên Chúa làm là tạo ra ánh sáng. Ánh sáng thật quan trọng đối với Người. Đức Giê-su đã nhiều lần tỏ bầy rằng chính Người là ánh sáng. Và trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su truyền ban nhiệm vụ và vinh dự cao cả đó cho các môn đệ khi phán dậy rằng: “Chính anh (chị) em là ánh sáng cho trần gian.”

Đây là một lịnh truyền thật trọng đại, chúng ta chỉ có thể thực hiện được bổn phận này khi tiếp nhận nguồn ánh sáng từ Đấng đã tạo ra ánh sáng. Tự bản thân chúng ta không tạo ra ánh sáng. Ánh sáng phát sinh từ Chúa và được chiếu giải qua việc làm của chúng ta để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời.

Chúa nói rất rõ rằng ánh sáng của chúng ta phải được chiếu giải. Người nhấn mạnh đến lịnh truyền bằng động từ ‘PHẢI’, chứ không phải là việc làm theo hứng, thích thì làm còn không thích thì thôi. Nhiệm vụ này được trao ban cho những kẻ mới đón nhận các mối phúc làm gia nghiệp thì PHẢI có bổn phận san sẻ vinh dự cao quí này cho nhân loại.

Đức Giê-su tiếp tục lịnh truyền bằng cách dùng hình ảnh rất quen thuộc mà dân chúng thường áp dụng trong cuộc sống ngày thường. Thời của Đức Giê-su làm gì có điện. Thay vào đó, họ đốt đèn để phát ra ánh sáng. Dựa trên kinh nghiệm của cuộc sống, Đức Giê-su khẳng định không ai đốt đèn cho có ánh sáng, rồi sau đó để đèn (dầu) dưới cái thùng rồi úp lại, như thế ánh sáng của đèn làm sao chiếu tỏa cho mọi nơi trong nhà, chưa kể đèn có thể bị tắt vì thiếu không khí!

Qua việc xử dụng hình ảnh với lời khuyến cáo như thế, Đức Giê-su muốn nhắc nhở rằng ánh sáng đã được đốt lên, trao ban và hiện diện trong cuộc sống của người môn đệ. Nhưng chính cách sống của chúng ta làm cho phạm vi mà ánh sáng có thể chiếu tỏa bị thu gọn lại, như việc để đèn dưới đáy thùng vậy.

Còn về muối thì sao?

Muối được đánh giá cao trong thế giới ngày xưa. Tôi được nghe kể lại, đã có thời người ta coi muối như hàng hiếm, hàng quốc cấm. Vì thế, có nhiều người đi bán muối, ai lọt thì giầu còn ai bị bắt thì bị xử tử; từ đó mới có cụm từ ‘đi bán muối’ để ám chỉ những người quá cố.

Muối được sử dụng như một loại gia vị, chất bảo quản, chất khử trùng và được xem như là một thành phần của lễ vật trong các nghi thức tiến dâng; ngoài ra muối còn được dùng như là một đơn vị trao đổi.

Những người sống cùng thời với Đức Giê-su đã coi muối là vật quí hiếm và rất thông dụng trong cuộc sống. Họ còn dùng muối để hòa trộn với phân bón làm cho thủa đất tốt hơn, sinh nhiều hoa lợi hơn. Cho đến nay, muối được dùng để ướp làm cho thực phẩm khỏi bị ôi, giữ cho thức ăn tươi lâu hơn. Muối còn được dùng làm giảm cơn đau răng, đau cổ họng, v.v…

Tuy nhiên, vị mặn nằm ngay trong muối. Muối không có độ nhạt. Đã ngậm muối thì chúng ta sẽ cảm thấy vị mặn trong miệng. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói đến vị nhạt của muối bao giờ. Nhưng nếu chúng ta dùng quá liều lượng sẽ ảnh hưởng đến thực phẩm và sức khỏe. Ngày nay, bác sĩ thường khuyên những bịnh nhân bị bịnh cao huyết áp hãy ăn nhạt hơn, vì độ mặn có thể làm tăng huyết áp.

Khi dùng hình ảnh muối để ám chỉ đến thân phận của người môn đệ, Đức Giê-su nhắc chúng ta nhớ bổn phận của mình là thêm mùi vị cho đời thêm mặn nồng hơn. Nói khác đi, chúng ta là những dụng cụ, các chất xúc tác mà Thiên Chúa dùng để làm cho hương vị của đời sống nhân loại thêm mặn mà và nồng ấm hơn.

Một cách cụ thể, chúng ta được mời gọi đem niềm vui và sự an hòa đến cho những ai đang sống trong sầu khổ, đem bình an đến cho những người có cuộc sống đang bị xáo trộn, đem lại ý nghĩa tích cực cho những ai đang chán nản và bi quan. Nói tóm lại, sự hiện diện của chúng ta sẽ mang lại điều tốt nhất cho xã hội mà chúng ta đang sống trong mọi tình huống.

Để kết thúc phần suy niệm của bài Tin Mừng nói về muối và ánh sáng mà người môn đệ của Đức Ki-tô cần đem đến cho thế giới hôm nay, chúng ta cùng nghe một trong muôn ngàn truyện tích về đời sống gương sáng của Mẹ Thánh Tê-rê-sa thành Calcutta và các nữ tu của mẹ đang miệt mài đem đến cho thế giới buồn tẻ ngày nay những mặn nồng của tình người môn đệ. Truyện kể như sau:

Vào một ngày kia, có một người đàn ông trung niên đến thăm nhà của Mẹ Thánh Tê-rê-sa dựng nên cho những người nghèo và những người sắp chết ở Calcutta. Ông ta vào nhà và chứng kiến cảnh các nữ tu đang chăm sóc cho một số người sắp chết, mà các sơ mang về từ các vỉa hè và lề đường. Trong số đó, có một người đàn ông được khiêng về từ máng xối, thân mình của ông ta đầy lở loét. Các nữ tu không hề để ý đến sự hiện diện của người khách lạ đang chăm chú theo dõi các việc làm của họ. Ông khách nhà ta chăm chú nhìn cử chỉ của một sơ trong nhóm các sơ đang phục vụ trong căn nhà đó. Ông thấy sự dịu dàng của chị nữ tu này khi săn sóc cho bịnh nhân. Ông nhìn ra nụ cười của sơ khi rửa và băng bó các vết thương hôi thối trên thân xác của người đàn ông đang hấp hối đó. Ông ta không bỏ qua một chi tiết hay một hành động nào của vị nữ tu đó. Tất cả đều phát xuất từ con tim của một con người chỉ biết quan tâm và sống cho người khác.

Sau khi chứng kiến các việc làm của các sơ, ông quay sang Mẹ Thánh Tê-re-sa và thưa rằng: Thưa Mẹ, khi đến thăm Mẹ, tôi hoàn tòan không tin vào Thiên Chúa, trái tim của con chứa đầy thù hận. Nhưng bây giờ tôi đã thấy và tôi đã tin. Ông đã thấy tình yêu của Thiên Chúa được chiếu sáng qua các cử chỉ vô cùng trìu mến và mặn nồng mà các nữ tư của Me Thánh đã làm. Thưa Mẹ, giờ này con tin!

Giống như vậy, chúng ta hãy để cho ánh sáng của Chúa chiếu tỏa trong các việc làm của chúng ta, để mỗi người, mỗi việc làm của chúng ta trở thành muối và là chất xúc tác làm cho đời thêm vị nồng thắm của tình Chúa hơn. Amen!

 

 

PHÚC CHO AI NGHÈO KHỔ MÀ BIẾT DỰA VÀO CHÚA


Các mối phúc thật trong bài Tin Mừng hôm nay là sứ điệp mà chúng ta đã lắng nghe trong Thánh Lễ Giao Thừa tuần vừa qua. Phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ liên tục trong cuộc sống lẽ nào chúng ta không đón nhận!

Trình thuật này được ban ra trong bối cảnh và lối sống của các cộng đoàn sơ khai, đặc biệt cộng đoàn do Thánh Mát-thêu coi sóc, và dĩ nhiên cũng được áp dụng cho hoàn cảnh của chúng ta nữa.

Như anh chị em đã biết, vào các thế kỷ đầu tiên, đời sống và các sinh hoạt tôn giáo của các tín hữu trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. Họ bị khước từ, bắt bớ, giam cầm và rất nhiều người trong nhóm họ đã trải qua một cuộc sống rất cơ cực, nghèo đói, bị ngược đãi thậm chí còn bị giết chết. Trong bối cảnh đó, các tín hữu tiên khởi được nâng đỡ bởi các lời chúc phúc của Chúa. Họ cảm nhận rằng cho dù những gì họ đang phải đối diện là những điều khó chấp nhận, nhưng cuộc sống như thế lại đem đến cho hạnh phúc đích thật và lâu bền.  

Hoàn cảnh sống của chúng ta tuy đã khá hơn xưa, cuộc sống không còn bị chèn ép hay bị giết vì danh Đức Ki-tô một cách công khai nữa; nhưng con người ngày nay lại đi tìm và xây dựng hạnh phúc cho cuộc sống của mình khác xa với những yêu sách của Tin Mừng. Và cũng chính vì lối tìm hạnh phúc của chúng ta khác với hạnh phúc Nước Trời nên chúng ta khó chấp nhận giáo huấn và những lời chúc phúc của Đức Giê-su và mỗi khi nghe liền cảm thấy bị chói tai.

Anh chị em thân mến,

Thật ra ai cũng biết rằng nghèo và khổ, đói và khát thường đi đôi với nhau. Sống trong cảnh nghèo, chúng ta mới thấy được các nỗi khó khăn. Và thật tâm mà nói thì không ai trong chúng ta cứ muốn sống mãi trong hoàn cảnh cơ cực như thế. Họ cần vươn lên, cố gắng vượt qua mọi gian nan để tìm cơ hội phát triển và khẳng định chính bản thân. Nhưng làm thế nào để vươn lên là cách ứng xử và lựa chọn của từng người.

Có người chọn các phương tiện bất chính, trái với lương tâm, thiếu đạo đức, thiếu công bằng … nói chung là họ sẵn sàng làm mọi sự để thoát khỏi cảnh nghèo. Và khi thoát khỏi cảnh cơ cực về mặt vật chất họ lại rơi vào một vũng lầy của tham lam, tư lợi và cuộc sống cũng chẳng được hạnh phúc. Đó không phải là cách lựa chọn đúng đắn.

Trái lại, nếu chúng ta biết chấp nhận cảnh nghèo, sống ngay thẳng và lương thiện rồi tìm cách vươn lên bằng các cố gắng của bản thân để bước đi từ những bước nhỏ nhất thì cho dù chúng ta không thành công, vẫn có thể thành nhân và được mọi người quí mến.

Hạnh phúc là ở đó, không tùy thuộc vào cảnh sống nhưng bằng chính thái độ trong các hoàn cảnh của cuộc sống khiến cho các phúc lành của Thiên Chúa được biểu lộ trong cách sống của mình.

Nói như thế, chúng ta không coi thường người nghèo và ca tụng những người có của; bởi vì giàu có cũng không là điều tất nhiên đem lại hạnh phúc cho con người. Tiền của có thể mua cho họ đủ thứ, nhưng họ khó mua được hạnh phúc đích thật. Dựa vào một số thống kê mà chúng ta biết được con số những người giàu đi tìm cái chết để giải thoát những nỗi cô đơn, trạng thái trầm cảm đông hơn bọn dân nghèo mà biết chấp nhận. Đối với ai giầu có thì hạnh phúc đích thật vẫn còn xa tầm với.

Vấn đề hạnh phúc chủ yếu ở tâm hồn; hạnh phúc không hoàn toàn lệ thuộc vào vật chất hay của cải mà người đó làm ra. Như vậy, mối phúc thứ nhất có thể nói là mối phúc căn bản, bao gồm các mối phúc khác là “Phúc cho ai có tâm hồn hay tinh thần nghèo khó”.

Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta nhận thấy ‘người nghèo’ được Thiên Chúa quan tâm nhiều hơn. Vì trong cảnh nghèo, con người có thể dễ làm bạn với Thiên Chúa hơn. Theo truyền thống của Thánh Kinh thì những “người nghèo của Thiên Chúa” không phải là người có đời sống vật chất khó khăn túng quẫn, mà là kẻ trước hết hoàn toàn tin tưởng phó thác cậy trông nơi Chúa, lấy Chúa làm gia nghiệp, và luôn luôn sống trong tình liên đới với anh em đồng loại.

Hơn thế nữa, căn cứ vào những lời giảng dậy của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra rằng hoàn cảnh của “người nghèo của Thiên Chúa” là một cơ hội giúp họ nhận ra họ mới thật là người có phúc, là người may mắn, vì chính Thiên Chúa sẽ là hạnh phúc của họ.

Nói chung, các mối phúc thật xét về mặt nội dung thì cũng chỉ là mối phúc duy nhất: “Phúc cho những người sống tinh thần nghèo khó”. Và, chỉ có những người nào sống nghèo mới cảm nhận được sự cần thiết phải nương tựa vào Chúa như thế nào.

Thưa anh chị em,

Vì chúng ta, Đức Giê-su đã trở thành người nghèo nhất. Trong cảnh nghèo tột cùng đó, Người đã để cho quyền năng, sức mạnh và sự giầu có của Thiên Chúa được tỏ hiện. Như vậy, sau cùng các mối phúc hôm nay đều quy về một mối: Phúc cho ai có lối sống như Đức Giêsu.

Thật ra, phúc lành của Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, không phân biệt và cũng không loại trừ một ai. Tuy nhiên, với những ai đang sống cảnh nghèo đói và bị ngược đãi thì họ dễ dàng nhận ra lời chúc phúc của Thiên Chúa dành cho mình hơn. Nhờ nhận ra niềm hạnh phúc đó họ mới cảm nhận được sự an ủi để buớc đi tiếp.

Ước mong chúng ta có thể tuyên xưng hay nói với nhau rằng: những điều chúc phúc của Đức Giê-su trong các mối phúc thật mà tai chúng ta vừa nghe đã được ứng nghiệm một cách thật hữu hiệu trong cuộc sống nghèo nhưng biết lệ thuộc vào Thiên Chúa của chúng ta. Amen!