Wednesday, 15 February 2023

HÃY YÊU NHƯ CHÚA ĐÃ YÊU!


Tuần này, chúng ta tiếp tục lắng nghe giáo huấn của Đức Giê-su trong bài giảng trên núi với hai phân đoạn thật khó để áp dụng vào cuộc sống. Làm sao chúng ta có thể đưa má bên trái cho người ta vả, trong khi má bên phải còn bị đau bởi cú tát trước. Tha thứ cho những ai gây ra các điều tác hại đã khó, phương chi còn phải yêu những kẻ ngược đãi mình là điều khó gấp bội. Thế mà đó lại là những huấn lịnh mà Đức Giê-su muốn chúng ta thực hành hôm nay.

Nếu chúng ta không yêu thương kẻ thù hay không yêu những kẻ làm hại chúng ta thì chúng ta cũng giống như những kẻ không có niềm tin. Điều mà Chúa Giê-su muốn chúng ta thực hiện hôm nay là phải sống khác họ, nghĩa là họ có quyền ghét chúng ta. Nhưng, phần chúng ta là công dân của Nước Thiên Chúa, con cái của Cha trên trời, chúng ta không được phép ghét họ. Sự thù ghét là mầm móng của nhiều sự ác có thể xẩy ra sau này. Nó có thể hủy diệt cả người ghét lẫn người bị ghét. Nó có thể được ví như mầm móng của các tế bào ung thư, sinh sôi nẩy nở và phá hủy các cơ năng khác trong cơ thể mình. Bởi thế cho nên, Chúa mới khuyên chúng ta phải sống yêu thương

Thật vậy, chúng ta nên yêu kẻ thù của mình vì tình yêu có sức mạnh cứu rỗi. Đó là nguồn năng lực biến đổi thế giới, trong đó có bạn và tôi. Đây là ý nghĩa của sự phục sinh mà Đức Giê-su đem lại. Có nghĩa là Người đã chết cho ý riêng để đầu phục ý muốn của Thiên Chúa là bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa và cầu xin Cha tha thứ cho những ai đã kết án Người.

Tuy nhiên, đây quả là một việc khó khăn để hoàn thiện như Đức Giê-su đã yêu cầu. Việc nên hoàn thiện mà Đức Chúa yêu cầu hôm nay không dựa vào việc chu toàn lề luật mà là sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa giới thiệu; đó là nên hoàn thiện theo gương của Cha trên trời.

Nói như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng, cho đến cuối đời, người tín hữu vẫn còn bị chất vấn để thay đổi, để làm mới cuộc sống mình sao cho phù hợp với các yêu cầu của Đức Giê-su trong bài giảng trên núi. Có nghĩa là trong mọi giây mọi phút của cuộc sống chúng ta được mời gọi hoàn thành một cách hoàn hảo những yêu sách của Tin Mừng, đó là thực hiện giới răn yêu thương một cách trọn vẹn nhất. Nói khác đi chúng ta được gọi, được chọn để yêu tất cả mọi người, không loại trừ một ai, nhất là những kẻ bách hại và làm nhiều điều tổn hại đến chúng ta.

Muốn thực hiện được các điều này, chúng ta phải ý thức rằng tình yêu là động lực thúc đẩy mọi hành vi của con người. Và tất cả mọi người đều là người thân của ta. Việc nhìn nhận này không lệ thuộc vào mối quan hệ mà người đó dành cho chúng ta, cho dù người đó không ưa hay không cùng phe nhóm, thậm chí họ là kẻ thù của chúng ta thì theo Lời Chúa dậy hôm nay, chúng ta cũng phải yêu họ. Không có họ, tính cộng đoàn, mối dây hiệp thông hình như không được trọn vẹn. Sự hoàn hảo chỉ tìm thấy trong tình yêu của chúng ta dành cho mọi người, không có sự khác biệt; tất cả đều là anh chị em với nhau.

Trên thực tế, cuộc sống của chúng ta rất tệ trong lãnh vực này. Chúng ta có khuynh hướng chỉ yêu những người có chung một cái nhìn, một lối suy nghĩ và một cách thức hành động giống như mình; ngoài ra đều là khách lạ và có thể là kẻ thù nữa. Ở đây, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta bỏ luôn quyền được tự vệ, từ chối mọi cách đối kháng, cũng chẳng kháng cự và thậm chí còn đồng ý đi xa hơn mức độ giới hạn mà đối phương đề ra nữa. Làm sao chúng ta có thể thực hiện được các điều này!

Thưa anh chị em,

Một điều mà chúng ta cần nhìn ra là khả năng thực hiện điều Đức Giê-su dậy bảo hôm nay hoàn toàn tùy thuộc vào sự kết hiệp giữa ta và Chúa, có nghĩa là Chúa làm trong ta thì ta mới nên hoàn thiện được. Đức Giê-su đã không ban cho chúng ta một mớ lý thuyết suông hay một cẩm nang, cho dù đó là ‘khuôn vàng thước ngọc’ chỉ đạo cuộc sống của môn đệ. Nhưng chính Đức Giê-su đã thể hiện trong cuộc sống và sứ vụ của Người các huấn lịnh trong Bài Giảng trên Núi này.

Thật vậy, đời sống người tín hữu là sự tham dự vào sứ mạng và con người của Đức Giê-su. Chính Thần khí và sức sống của Đức Ki-tô hoạt động và thúc đẩy để chúng ta sống đúng tinh thần của Chúa hơn. Nơi Đức Giê-su mọi mầm mống gây ra chia rẽ được liên kết lại với nhau. Mọi thù hận được hòa giải trong bản thân Người. Chỉ trong Chúa, con người mới tìm được sức mạnh để tha cho nhau, không còn coi nhau như kẻ thù và sự tha thứ sẽ đạt đến mức trọn hảo như lòng Chúa mong muốn.

Nói đến đây, tôi nhớ một mẩu chuyện ngắn xẩy ra tại thành phố Munich bên Đức năm nào. Số là trong một buổi gặp gỡ khoáng đại, chị Corrie Ten Boom được mời để chia sẻ về sức mạnh của niềm tin trong thời gian chị bị giam cầm trong trại tâp trung do các nhân viên mật vụ của Đức Quốc Xã trông coi. Ngày qua ngày, sống trong cảnh thập tử nhất sinh, chị chỉ còn biết dựa vào Chúa là đấng ban cho chị sức mạnh để vượt qua các ngày khổ nạn này.

Trong lúc đang hăng say làm chứng, mắt chị ngừng lại trước một cử tọa viên đang ngồi ngay trước mắt chị. Chị không tin vào đôi mắt mình. Toàn thân chị bất động. Chị lấy khăn lau mắt và nhận ra người đang ngồi trước mặt chị là viên sĩ quan mật vụ, người đã từng hành hạ chị và các bạn trong thời gian đó.

Trước phản ứng của chị, ông cựu sĩ quan đứng dậy và tiến đến trước mặt chị và nói: “Thưa cô, tôi rất biết ơn những lời chia sẻ và cuộc sống chứng tá của cô. Tôi tin  rằng Chúa Ki-tô đã rửa sách mọi tội lỗi của tôi.” Sau đó ông đưa đôi bàn tay ra để nhận sự tha thứ của chị.

Nghe tới đó, chị Corrie tiếp tục đứng bất động, mắt chăm chú nhìn vào đôi tay đang dang rộng của người đã từng hành hạ mình. Cuối cùng, chị cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, con không thể tha thứ cho anh ta. Xin Chúa, hãy cho con sự tha thứ của Người.” Khi thì thầm nói những lời đó, chị cảm thấy có một sức mạnh đẩy đôi tay của chị về phía trước, và rất tự nhiên chị đã vươn ra nắm lấy đôi tay của ông sĩ quan mật vụ này. Chị viết, “điều tuyệt vời nhất đã xảy ra. Từ trên đôi vai, dọc theo cánh tay và qua bàn tay, dường như có một dòng điện truyền từ tôi sang ông ấy. Ngay lúc đó, trong trái tim tôi nảy sinh một tình yêu dành cho ông này khiến cả tôi cũng bị choáng ngợp và không còn có phản ứng nào khác hơn là trao cho ông sự tha thứ và yêu thương từ Chúa.

Những gì xẩy ra cho chị Corrie Ten Boom nói cho chúng ta biết rằng: tất cả chúng ta đều là chi thể trong một thân thể duy nhất là Đức Ki-tô. Và chỉ có trong Người, với Người, các lịnh truyền trong bài Tin Mừng hôm nay mới được thi hành một cách triệt để và đạt đến ý nghĩa trọn lành của nó. Amen!

No comments:

Post a Comment