Wednesday, 29 March 2023

VINH QUANG CỦA THÁNH GIÁ LÀ NIỀM VUI PHỤC SINH

 

Anh chị em thân mến,

Cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta khai mạc Tuần Thánh bằng việc đón tiếp Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Với những nhành lá vạn tuế kèm theo những lời tán tụng, chúng ta đón tiếp Chúa như một quân vương. Nhưng vài ngày sau, trên con đường khổ nạn chỉ còn lại có mình Người. Mẹ của Người và các người thân tín chỉ dám đi xa xa để trông chừng. Chúa Giêsu hoàn toàn cô đơn. Không còn những lời tung hô; thay vào đó là những lời lên án. Cũng chẳng còn những nhành lá biểu lộ sự vui mừng, mà là cây thập giá. Gia tài mà Chúa để lại cho chúng ta là thế: một cái chết cô đơn, tủi nhục như một phạm nhân trên thập giá.

Thưa anh chị em,

Vào thời Đức Giê-su, chết trên thập giá là một án tử hình dành cho các tội nhân. Và án này được chính quyền Roma đặt ra để áp dụng cho người Do thái. Hàng năm có rất nhiều người bị treo trên thập giá. Nhưng tại sao chỉ có mình việc Chúa bi treo và chết trên thập giá lai được lưu truyền cho đến ngày nay. Sự chết của Đức Giêsu đã có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của anh em tín hữu tiên khởi, đến nỗi qua bao thế hệ, hàng hàng lớp lớp vẫn vui vẻ dấn thân vì lợi ích của người khác cho dù phải hy sinh chính bản thân mình.

Chúng ta cần tìm ra những giá trị đích thực của con đường Thánh Giá mà Chúa đã đi qua. Điều đó có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng ta.

Sau nhiều lần chuyện vãn với anh chị em về những khó khăn trong đời sống gia đình. Tôi thường được nghe anh chị em phàn nàn là cha đâu có biết là chúng con đang vác thánh giá bùn. Ý của anh chị em là thánh giá thì dễ vác; nhưng bùn lại trươn chượt nên rất khó vác. Phàn nàn là bản tính của con người. nhưng một điều đáng mừng là anh chị em chưa quăng cây thánh giá bùn đó. Dù người nào muốn quăng hay có ý định quăng đi, thì tôi xin có một lời khuyên là nên suy nghĩ lại. Bởi vì, quăng cây này anh chị lại tìm được cây khác giống như hệt cây đã quăng đi. Hãy học noi gương Chúa.

Người cũng than van, lo sợ… Và chắc một điều là Thập Giá mà Người đã vác khi xưa, không chỉ nặng về phần thể lý mà thôi. Đau khổ về phần xác không sánh gì với nỗi thống khổ của sự cô đơn, bị bỏ rơi trơ trọi một mình. Nhưng cuối cùng là một sự đón nhận trong yêu thương khi nhận biết đó là ý muốn của Cha Người, Đấng mà Người hết lòng tùng phục trong yêu thương.

Thập giá là đích điểm của mọi đau khổ mà Chúa đã chịu, nhưng bề sâu của Thập giá là một sự hòa hợp nên một trong Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi đó sự chết và tội lỗi bị phá hủy để nhường lại sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thập giá còn biểu lộ sự bất lực của con người và biểu dương sức mạnh vô song của Thiên Chúa. Nhìn vào thánh giá ta thấy bình minh của ngày Phục sinh đã hiện tỏ.

Thưa anh chị em,

Đã hơn 2000 năm qua đi, tất cả những gì xảy ra thời Đức Giêsu vẫn còn tiếp diễn. Mỗi người chúng ta cũng được Đức Giêsu mời theo Người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Vác thập giá hôm nay chính là đón nhận những thử thách như bệnh tật, thất bại, bị bỏ rơi, những lời sỉ nhục đầy bất công... Đó là những thập giá do Chúa gửi đến để thanh luyện lòng tin của chúng ta được kiên vững mà trung tín với ơn gọi đi theo con đường của Chúa. Con đường tuy hẹp nhưng lại thênh thang vì có nhiều bạn hữu cùng đi. Con đường tuy khiêm tốn nhưng biểu lộ sức mạnh và lòng quyết tâm phục vụ tha nhân.

Con đường Thập Giá mời gọi chúng ta đi vào cái chết – cái chết cho chính mình, cái chết cho tính kiêu ngạo, chết cho cái tôi đáng ghét của mình. Khi nói đến con đường Thập giá mà đích điểm là sự chết, tôi nghĩ đến đời sống cộng đoàn. Và cụ thể là cuộc sống gia đình. Sau đây là vài nét suy tư về mối liên hệ giữa hôn nhân và Thánh giá.

Hôn nhân là trường học mà những ai đã bước vào thì không mong có ngày ra trường. Cha mẹ con cái chuyên cần học tập luôn mãi, học cách lắng nghe nhau, học cách phục vụ, học tôn trọng và đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân.

Điều gì sẽ xảy ra nếu trong hôn nhân, chúng ta luôn tôn trọng và đặt nhu cầu của người phối ngẫu trên nhu cầu của cá nhân mình. Hẳn nhiên là một nếp sống an bình và vui tươi sẽ bao trùm những ai đã chọn lối sống như thế. Trên thực tế, chúng ta đã áp dụng lối sống thua cuộc trong việc giáo dục con cái thì tại sao chúng ta lại không làm được với người bạn đường của mình. Phải chăng là cái tôi đã quyến rũ và làm chủ khiến chúng ta mất phương hướng!

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dành thời gian còn lại của cuộc sống để tôn trọng và đặt nhu cầu của người phối ngẫu lên trên nhu cầu của mình?

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ngừng tính toán mà chỉ biết cho đi bằng những lời nói và cử chỉ yêu thương và tha thứ cho những lỗi lầm của nhau!

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chết đi cho những nhu cầu của chính mình và yêu thương người khác tha thiết hơn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu trong Tuần Thánh này, chúng ta cùng vác Thánh Giá bùn bằng cách buông bỏ lối sống cũ mà chúng ta đã sống trong hôn nhân của mình?

Đây không phải là điều vợ làm cho chồng hay chồng làm cho vợ. Đây là cách Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta sống trong hôn nhân. Nếu chúng ta làm đi làm lại điều này, với sự kiên nhẫn và dũng cảm cần thiết, chúng ta thấy sự khác biệt sẽ xẩy ra trong cuộc sống chung.

Vì thế, trong tuần này chúng ta cùng với toàn thể giáo hội suy niệm về mầu nhiệm Thập giá không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm nếm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn vui tươi và bình an hơn. Suy gẫm về hành trình thương khó và thập giá để cảm nếm được ơn tha thứ của Người. Như thế, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa hơn.

Và sau cùng, qua hành trình Thập giá, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đang hiện diện để yêu thương và mời gọi chúng ta ra đi để trao ban tình yêu đó cho tha nhân. Ước gì Thập giá của năm nay không còn là những gánh nặng của cuộc đời nhưng chúng ta vui và tiến bước vì biết rằng chúng ta thật diễm phúc được Chúa mời gọi để chia sẻ hồng ân cao quí này. Amen!

Wednesday, 22 March 2023

SỐNG HAY CHẾT, CHÚNG TA THUỘC VỀ CHÚA.


Thưa anh chị em,

Trong mấy tuần vừa qua, chúng ta đã được nghe tường thuật về các cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-a, qua câu chuyện đó, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết Người là nước truờng sinh, ai đến với Người sẽ không khát nữa. Bởi vì, khi gặp gỡ Đức Giê-su mọi nỗi khát vọng của con người đều được Đức Giê-su lấp đầy và họ sẽ không còn khao khát thêm điều gì nữa.

Sau đó, trong cuộc gặp gỡ với người mù từ thủa mới sinh, Đức Giê-su làm cho ông ta nhìn thấy. Việc làm này khẳng định điều Người đã phán ‘Ta là ánh sáng thế gian.’ Ánh sáng chiếu soi và dẫn con người đến sự sống.

Các cuộc gặp gỡ này nhắc nhở cho chúng ta nhớ lại các kinh nghiệm thực tế trong cuộc đời mình và Chúa. Đến và gặp gỡ Chúa là những trải nghiệm trong cuộc sống của những kẻ tin. Đó là những kinh nghiệm thực tế, không dựa vào sách vở hay kiến thức. Nhưng là cuộc gặp gỡ bằng xuơng bằng thịt giữa những người khao khát và yêu mến lấp đầy sự thiếu thốn của nhau.

Hôm nay qua dấu lạ làm cho La-da-rô hồi sinh, Đức Giê-su trao ban một sứ điệp là chúng ta không cần chờ đến ngày sau hết, khi thân xác được sống lại, chúng ta mới nhận được vinh quang của Thiên Chúa, mà ngay lúc này, trong giây phút này, Chúa đã là sự sống và sự sống lại của chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết rằng sự chết là kẻ thù cuối cùng mà chúng ta cần chiến đấu và triệt hạ. Và chỉ có Chúa, Đấng chiến thắng và đè bẹp sự chết mới giúp chúng ta đạt được điều đó. Vì thế, trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là điều mà Chúa nói với Martha “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?”

Tôi tin! Nhưng trong cuộc sống, tôi phải thể hiện niềm tin đó như thế nào.

Khi dấn thân vào cuộc sống theo chân Đức Giê-su là lúc chúng ta được mời gọi đi con đường hẹp, con đường chết đi cho ‘cái tôi’, chết đi cho ý riêng, chết đi cho tính ích kỷ, rồi ra đi để quan tâm và lo lắng cho người khác. Nói chung, chúng ta được gọi ra từ ngôi mộ để bước ra cuộc sống tự do của những người làm con Thiên Chúa.

Vấn đề chính yếu, đối với chúng ta là những người theo chân Chúa, trước hết không phải là việc chúng ta sẽ ra khỏi mồ một ngày kia, mà ngay từ bây giờ, chúng ta đuợc mời gọi đi từ sự chết sang sự sống bằng một đức tin gắn bó vào bản thân Đức Giêsu.

Tin vào sự sống lại không chỉ là việc nhìn nhận những gì sẽ xẩy đến cho cá nhân mình sau khi chết. Nhưng đó là điều cần được thể hiện ngay trong cuộc sống này. Niềm tin vào sự sống lại đòi buộc chúng ta phải chọn lựa một cách sống phù hợp với niềm tin đó ngay trong lúc này.

Để minh họa cho suy tư nói trên, xin mời anh chị em cùng nghe một chia sẻ tuy có vài điểm riêng biệt nhưng lại rất chung chung, như sau

Ba tôi đã mất cách đây khoảng mười bốn năm. Khi còn sống ba tôi rất ít khi nói về sự chết. Thật ra, ba tôi luôn sợ chết. Ba tôi không dám nghĩ về nó, nhưng cuối cùng sự chết vẫn đến và cướp ba đi khỏi vòng tay yêu thương của mẹ và anh chị em tôi. Có một điều may mắn là sự chết đã đến với ba tôi thật nhẹ nhàng. Vào giai doạn cuối đời, ba tôi đã đi vào trạng thái hôn mê, sự sống thể lý được trợ giúp bởi thuốc men cho đến khi ba tôi trút hơi thở cuối cùng trước sự chứng kiến của mẹ và con cái. Tuy sợ chết nhưng ba tôi rất thư thái và an bình khi ra đi.

Sau này, có dịp suy nghĩ về cuộc đời của ba và quí vị trưởng thượng sống cùng thời với ba, tôi nhận ra một điều là các ngài đã lớn lên dưới một nền giáo dục khiếp sợ Chúa. Các ngài đã được dậy bảo về một vị Thiên Chúa tuy nhân từ nhưng rất công minh trong việc sửa phạt con cái. Các ngài tin rằng cuối cùng, cho dù có cố gắng hoàn thiện đến đâu thì sau khi chết các ngài sẽ bị trừng phạt vì cuộc sống tồi tệ của mình và bởi sự phán xét ngay thẳng của Thiên Chúa.

Tôi đã từng nghĩ ba tôi là một người nghiêm khắc, nhưng đến cuối đời, tôi có duyên được nhìn ba tôi bằng đôi mắt mới, đôi mắt từ bi của Chúa Giêsu. Tôi thấy sự tuyệt hảo trong lối sống của ba. Ba là người bạn đường tốt của mẹ, ba là một người cha đáng kính đã nuôi dậy tám người con bằng hết sức của ba. Đời sống đạo của ba cũng không thể chê. Tôi thấy ba rất trung thành và không bao giờ bỏ lễ ngày Chúa Nhật, siêng năng đọc kinh sáng tối. Sống công bằng và chính trực.

Nhưng tôi không được nghe ba tôi tâm sự hay kể cho chúng tôi nghe về mối quan hệ của ba với Chúa. Hình như, Chúa của các ngài luôn ở trên cao, tuy rằng Chúa đã giáng thế, nhưng vẫn xa lạ. Đến với Chúa phải bái lậy, cúc cung tận tụy và tôn thờ chứ làm gì có chuyện xếp Chúa ngang hàng như người bạn đời bao giờ! Chúa của ba tôi và các cụ cùng thời với ngài là một vị Chúa ở trên cao, luôn xa cách. Xếp Chúa ngang hàng với mình là một việc làm đại bất kính, đáng bị trừng phạt.

Mối quan hệ như thế thì làm thế nào có thể gọi là mối quan hệ nồng ấm và thân mật được! Tôi chủ quan nghĩ rằng ba tôi có thể chưa từng có kinh nghiệm về mối quan hệ cá nhân giữa ba và Chúa. Chúa có yêu thương ba thì vẫn là một khái niệm trừu tượng chứ không sâu sắc và thân mật!

Cuộc sống của ba tôi bị giam giữ trong một kho tàng kiến thức về một vị Thiên Chúa chỉ biết phán xét và trừng phạt! Đã có bao giờ ba tôi được nghe Chúa nói như đã nói với La-za-rô hôm nay: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” Rồi Chúa quay sang nói cho những người lãnh đạo đã chứng kiến phép lạ rằng hãy cởi khăn và vải đã bó cuộc đời anh La-da-rô và để anh được tự do.

Sự chết, ngục tù giam hãm Chúa đã được tháo gỡ, hãy vui sống vì Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống!

Thưa anh chị em,

Không cần phải chờ đến sau khi chết  tôi mới tìm được chỗ tựa bảo đảm đưa tôi đến cuộc sống vĩnh cửu. Hôm nay, ngay bây giờ, điểm tựa ấy được giới thiệu: Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Nhờ tin vào Người, tôi nhận thấy cái chết không còn là một sức mạnh làm tôi phải thất vọng nữa. Tuy đó là định mệnh bi đát mà con người phải gánh chịu. Nhưng chết lúc đó chỉ có tính cách tạm thời và đó là cửa ngõ đưa tôi vào cuộc sống vĩnh cửu.

Trên thực tế, chúng ta vẫn nhìn thấy và nhận ra bao dấu chỉ cho thấy sự chết đang tìm cách lan tràn, nhưng sự sống vẫn mạnh mẽ vươn lên. Ở đâu tội lỗi tràn đầy thì ân sủng gia tăng gấp bội.

Dựa vào mình, sống theo tính ích kỷ, kiêu ngạo và ảo tưởng, con người sẽ rơi vào thất vọng khi đối diện với những giới hạn của thân phận thọ tạo. Đức Giêsu mời gọi chúng ta vượt qua những giới hạn này. Nhờ sức mạnh của Thánh Linh, chúng ta can đảm buớc ra khỏi ngôi mộ đã chôn mình, cởi bỏ những thứ ràng buộc đã trói buộc mình, trỗi dậy, bước ra và đi lo cho người khác.

Chúng ta còn biết rằng lối sống quảng đại và lo cho nhau là cách thức chúng ta làm chứng cho nhận lọai biết chúng ta thuộc về Chúa, chứ không thuộc về ai khác. Mà đã thuộc về Chúa thì làm gì còn chết; dù sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa.

Thuộc về Chúa là lối sống hy sinh, cho đi trong yêu thuơng. Đó là con đường dẫn chúng ta đến sự sống muôn đời. Uớc mong mỗi người chúng ta biết áp dụng cách thức đó vào trong cuộc sống để cùng bước đi với Chúa vào Giê-ru-sa-lem trong Tuần Thánh, cùng nhau bước vào hành trình khổ nạn, hoàn tất ý định của Chúa Cha, Đấng sẵn sàng ban ơn cứu độ cho chúng ta. Amen!

Wednesday, 15 March 2023

AI SÁNG MẮT AI MÙ LÒA!


Trong bài Tin Mừng tuần trước, Thánh Gio-an đã thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-a. Bà đã được biến đổi và tin rằng chỉ có Chúa mới lấp đầy nỗi khát vọng của con người mà thôi. Hôm nay, sau khi tham dự các nghi lễ tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, trên đường đi ra, Đức Giê-su và các môn đệ nhìn thấy người mù từ lúc mới sinh.

Trước ngày hôm nay, người mù ngồi đó không nhìn thấy ai và người ta cũng không nhìn thấy anh như một tạo vật của Thiên Chúa. Người ta coi sự mù lòa của anh là hậu quả của tội lỗi. Hôm nay, với Đức Giê-su, người mù đã trở thành tạo vật mới, một bằng chứng sống để tôn vinh Thiên Chúa. Tuy nhiên, những người hàng xóm, hàng ngũ lãnh đạo và thậm chí cha mẹ anh vẫn không nhìn ra sự thay đổi nơi anh!

Như vậy giữa anh và họ, ai bị mù?

Trước hết chúng ta hãy xem thái độ của các môn đệ. Họ nhìn anh và thấy một câu hỏi thần học: thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này vừa sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? Tầm nhìn của họ đã bị bóp méo bởi họ tin rằng đau khổ, bịnh tật và sự chết là hậu quả của tội lỗi. Còn đối với Đức Giê-su, Người biết phải làm gì. Người đến để đem ánh sáng cho trần gian và ánh sáng đó hôm nay được thể hiện qua một việc làm rất cụ thể là làm cho người mù từ thủa mới sinh được nhìn thấy. Qua dấu lạ này Đức Giê-su đã bộc lộ vinh quang của Thiên Chúa nơi Người.

Sau khi làm cho người mù được sáng mắt, Đức Giê-su biến mất, nhường lại vị trí cho người vừa được sáng mắt có cơ hội làm chứng và tuyên xưng niềm tin của ông. Ông đã trở nên tạo vật mới. Từ trước đến giờ ông chưa nhìn thấy điều gì; đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy ánh sáng. Ánh sáng thể lý mà ông vừa được sáng tạo là bước đầu dẫn ông nhận ra nguồn sáng thiêng liêng mà ông nhận được từ Đức Giê-su, Đấng đã lấy bùn làm thuốc dẫn sai anh đi và anh đã đi, đã rửa và đã nhìn thấy.

Trong khi đó, với những người láng giềng thì anh vẫn bị xem như là người bị mù. Quả thật đây là hai hình ảnh trái ngược nhau: người vừa được sáng mắt đã nhìn thấy, còn những người láng giềng không nhìn thấy diễn tiến của sự việc, nên họ không nhận ra việc anh được sáng mắt. Họ tưởng là mắt của họ sáng, nhưng thực ra họ không nhìn ra sự thay đổi mà Đức Giê-su đã làm cho người mù, cho nên họ vẫn mù tối trong lối suy nghĩ và cái nhìn bị đóng khung của họ.

Sau đó, anh bị dẫn đến trình diện những người lãnh đạo tôn giáo, thuộc phái Pha-ri-sêu. Hai lần họ thẩm vấn anh. Hai lần anh đã làm chứng và tôn vinh Thiên Chúa. Anh đã dõng dạc trả lời cho họ biết rằng “Đức Giê-su là một ngôn sứ.” Một bước tiến trên hành trình đức tin của anh được tỏ hiện khi tuyên xưng Đức Giê-su là ngôn sứ. Trong khi đó, mắt của những người Pha-ri-sêu vẫn bị đóng kín bởi tín niệm dựa vào truyền thống của họ. Họ mù quáng vì đã chọn không nhìn vào các dấu chỉ mà Đức Giê-su đã thực hiện. Họ đã chọn quyền lực, qui tắc, truyền thống, tập tục và giai cấp để đối chọi với sự thật mà Đức Giê-su đem đến; cho nên họ không nhận ra Người là Đấng Cha sai đến, là Ánh Sáng cho trần gian.

Ngay cả cha mẹ anh cũng không muốn xác nhận những gì đã xẩy đến cho anh. Họ không muốn dính vào sự thay đổi mà con của họ vừa mới trải qua. Họ chỉ muốn xác nhận về cuộc sống quá khứ của anh. Con của họ bị mù từ thủa mới sinh, đó không phải là lỗi của họ. Còn những gì xẩy ra trước mắt thì họ chối là không biết. Họ không dám làm chứng cho sự thật vì sợ bị trục xuất khỏi hội đường.

Nói chung, tất cả mọi người, từ cha mẹ anh đến những người hàng xóm và những người lãnh đạo tôn giáo thời đó, đã nhìn nhưng không ai thấy anh. Nếu họ thấy anh thì họ sẽ phải đối diện với sự mù quáng của họ. Sự khác biệt giữa anh và họ là anh biết anh bị mù, còn họ tưởng mình sáng mắt nên họ phải trả lời cho đôi mắt không nhìn thấy của họ, như Đức Giê-su đã phán dậy: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy,’ nên tội các ông vẫn còn.

Sau khi người mù vừa được sáng mắt bị trục xuất thì Đức Giê-su, người đã bị trục xuất trước, đến gặp anh. Trong cuộc gặp gỡ này Đức Giê-su bộc lộ căn tính của Người, lập tức vừa nghe đến đó anh vội vàng quỳ xuống và tôn vinh Người. Anh đã thấy và anh đã tin Đức Giê-su, Người vừa ban ánh sáng cho anh, là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa và để nhờ tin mà anh và chúng ta có sự sống nhờ Danh Người. Anh đã đi đến đích điểm của lòng tin, trong khi đó những người tự nhận mình là sáng mắt lại cứ sống trong u tối vì tự trói mình trong ‘sự khôn ngoan’ của một hệ thống tôn giáo đóng kín của họ!

Thưa anh chị em,

Nhờ tin vào Danh của Đức Giê-su mà chúng ta có sự sống, chúng ta được chiếu sáng. Nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn còn đi trong bóng đêm, vẫn còn sống trong mù lòa. Mù không phải vì tầm nhìn ngắn về mặt thể lý của chúng ta. Mù cũng không phải về bóng tối xung quanh chúng ta. Thật ra chúng ta mù vì bóng tối trong ta che lấp mọi sự. Nó bao gồm cách chúng ta nhìn người khác và những gì chúng ta nhìn thấy chung quanh mình. Chính vì thế nên chúng ta không nhìn thấy Thiên Chúa, con người, sự vật hay hoàn cảnh như đã được xẩy ra như ý muốn của Ngài khi tạo dựng chúng ta và vũ trụ này. Tất cả mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt đẹp!

Nếu chúng ta muốn thấy Chúa, nhìn ra cuộc sống mình và những người khác như họ thực sự hiện diện thì mắt chúng ta phải được Đức Ki-tô mở ra trước. Chúng ta phải thay đổi, không chỉ nhìn bằng đôi mắt, mà bắt đầu tập nhìn bằng trái tim nhân hậu mà Thiên Chúa đặt để trong mình.

Muốn được như thế, chúng ta cần khám phá Đức Giê-su là ai trong cuộc sống của mình trước? Chúng ta có nhận ra tình yêu thương của Đức Giê-su trong tôi không? Bởi vì nếu chúng ta không cảm nhận tình yêu của Người trong cuộc sống mình thì cách cư xử của chúng ta giống như những người láng giềng, như những người lãnh đạo, thậm chí giống như cha mẹ của người mù mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Họ không nhìn nhận các diễn tiến xẩy ra trong cuộc sống của anh.

Tất cả chúng ta đều bị mù trong cuộc sống. Và trong hoàn cảnh bị mù lòa mà cứ tưởng mình sáng mắt, nên chúng ta dần dần đánh mất tình yêu, tiêu hủy dần dần các mối quan hệ khi chúng ta sống trong sự cạnh tranh, luôn ước ao chiếm vị trí đầu trong mọi công tác để tìm sự tán dương và khen thưởng nơi người khác. Chúng ta bị sức ép của danh vọng, uy quyền và tiếng khen chi phối. Chúng ta lầm tưởng rằng những gì chúng ta có được là do cố gắng và năng lực của bản thân mà quên đi bao đóng góp, hy sinh của nhiều người đã gầy dựng và hình thành trong cuộc sống mình.

Sau cùng, chúng ta hãy xin Chúa mở mắt để nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su trong cuộc sống mình và có cái nhìn như cái nhìn của Chúa trong cách cư xử với nhau. Amen!

Wednesday, 8 March 2023

CUỘC GẶP GỠ ÂN TÌNH


Bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay năm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ xứ Samaria tại bờ giếng Gia-cóp. Cuộc gặp gỡ được đặt trong bối cảnh của một buổi trưa. Không ai đi lấy nước giữa trưa trong một ngày nóng bức cả, trừ phi người đó chọn đúng thời điểm để không gặp ai hết.

Sau này dựa vào tình tiết của câu chuyện, chúng ta biết bà đã từng sống chung với năm người đàn ông khác nhau và không có người đàn ông nào là chồng của chị cả. Đó là sự thật bà cần phải đối diện chứ không được phép trốn tránh. Xét cho cùng, không lẽ một người phụ nữ, do hoàn cảnh, đã phải chung sống với năm ông khác nhau mà không một ông nào là chồng của chị, cuối cùng lại bị kết án là do tội của chị gây ra hay sao?

Người ta dùng luật để lên án, buộc tội rồi xa lánh chị. Chị bị coi thường và sống rất cô độc. Chị cố gắng giành lấy tình yêu để lắp đầy nỗi trống vắng và tâm hồn cô đơn của chị. Rồi cũng chính chị lại bóp nghẹt và giết chết tình yêu bằng lối sống ‘mò mẫm, vụng về trong yêu thương’ của chị.

Sau cùng, giống như tất cả chúng ta, trong nỗi đau khổ tột cùng của cuộc sống, chị chán nản và lâm vào tình trạng ‘trầm cảm’, không còn nhận ra giá trị con người trong cuộc sống của chị nữa.

Cho đến hôm nay, lần đầu tiên trong đời, chị gặp một người đàn ông tên là Giê-su, một con người chỉ biết yêu và cho đi. Còn về phần Đức Giê-su, Người muốn dùng cuộc gặp gỡ này để mở cho chị một con đường mới, con đường của sự thật, con đường dẫn chị đến việc nhận ra Chúa là Đấng Cứu Độ. Đàng sau quá khứ của chị, Đức Giê-su đã nhìn thấy hình ảnh xinh đẹp của một con người. Người mong muốn hình ảnh đó được tái tạo và không cần chị đền đáp hay trả ơn. Người trao ban cho chị món quà tặng nhưng không.

Đức Giêsu bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách ngỏ lời xin nước để uống cho đỡ khát. Một lời xin rất thực tế và phù hợp với hoàn cảnh của Đức Giê-su. Đức Giê-su chuyển vai rất khéo, thay vì ban ơn thì Người lại xin chị. Bằng cách này Đức Giê-su tự đặt bản thân của Người vào một mối quan hệ với người phụ nữ đó. Điều này giúp chị nhận ra rằng sự hiện diện của chị thật có giá trị. Không lẽ đây là lần đầu tiên chị có cảm giác rằng mình thật đáng quí; có người cần đến chị. Đức Giê-su đang ở trước mặt chị. Người không ở xa. Người đang hiện diện và mời chị bước vào mối tương quan do Người thiết lập. Người biết rõ và chấp nhận quá khứ của chị. Không cần phải lo lắng hay tìm cách để bào chữa nữa. Người thương yêu chị và chính tình yêu này là cánh cửa mở cho chị một cuộc sống mới. Chúa không lên án. Mời chị nhìn nhận sự thật, tạo cho chị thêm can đảm để đối diện với nỗi khao khát chân thật, xuất phát từ cõi lòng của chị. Chỉ có như thế, Chúa mới có dịp để lấp đầy.

Anh chị em thân mến,

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người đàn bà xứ Sa-ma-ri-a được công bố trong Mùa Chay nhằm nhắc cho chúng ta nhớ rằng Đức Giê-su mong muốn gặp chúng ta. Hy vọng chúng ta mở cửa lòng để đón nhận lời mời của Chúa hôm nay.

Thật vậy, Mùa Chay là cơ hội đặc biệt mà Thiên Chúa dùng để thu hút chúng ta trở về với nguồn suối tình yêu của Người. Chúng ta không ngồi đó, dán mắt nhìn vào cuộc sống của quá khứ, ân hận, than trách rồi để cho mặc cảm tội lỗi đè nén khiến chúng ta không vươn ra khỏi chính mình. Trái lại, khi tập trung cuộc sống vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta thấy rõ hơn tình Chúa thương yêu ta đến dường nào. Người yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân. Chúa đang nói với mỗi người rằng: hãy nhìn Thầy! Đừng tập trung và dán mắt nhìn vào cảm giác tội lỗi rồi làm cho chúng ta sợ hãi! Hãy nhảy vào vòng tay yêu thương của Người để cảm nhận tình yêu thương chan chứa của Người dành cho ta! Thiên Chúa chờ đợi và mời chúng ta đi vào mối quan hệ gắn kết và yêu thương của Người. Chúng ta đuợc dựng lên cho Chúa và chỉ có Chúa mới thỏa lấp đuợc nỗi khát khao trong cuộc sống của chúng ta mà thôi!

Thiên Chúa chọn ta trước khi ta đáp trả lời mời gọi của Người. Đức Giê-su chủ động trong việc thiết lập quan hệ với chúng ta. Quá khứ tội lỗi, cuộc sống lộn xộn của chúng ta không làm cho Người thay đổi ý định. Trái lại, cuộc sống của chúng ta càng lộn xộn, chúng ta càng cần tình yêu của Người và Người càng muốn yêu chúng ta hơn.

Đức Giê-su khao khát được ở bên chúng ta, để chúng ta nói chuyện và chia sẻ cuộc sống của mình với Người. Đó là những gì mà người đàn bà xứ Sa-ma-ri-a đã trải qua và ngày hôm Đức Giê-su cũng muốn cho chúng ta bước vào hành trình tìm kiếm để gặp gỡ và cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúa đang đợi ta bên các giếng nuớc của cuộc đời. Tại nơi đó, còn bao nhiêu người đang khát khao chờ đợi uống nước hằng sống mà Thiên Chúa muốn chúng ta san sẻ cho họ.

Như người đàn bà xứ Sa-ma-ri-a, chúng ta cũng đuợc mời gọi đi gặp Chúa, để từ nay sẽ không còn vất vả băn khoăn tìm nước và của ăn hay hư nát, vì Chúa chính là suối nguồn ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, là cùng đích mà cuộc đời chúng ta nhắm đến. Và một khi đã được no thỏa ân tình vô biên của Chúa, chúng ta mau mắn và hân hoan ra đi chia sẻ ân tình này cho người khác. Amen!

Wednesday, 1 March 2023

VINH QUANG CHÚA ĐỠ NÂNG TÔI!


Thưa anh chị em,

Vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay, chúng ta cùng với Đức Giê-su lên một ngọn núi. Lần này, Người không lên núi một mình mà dẫn theo ba môn đệ thân tín trong đó có Phê-rô là người lãnh đạo và vừa mới tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Đến khi Đức Giê-su tỏ cho các ông biết con đường phải đi để chu toàn bổn phận làm Con Thiên Chúa của Người thì Phê-rô, với bản tính cương trực đã thẳng thắn can ngăn Người. Còn các ông khác đều kinh hoàng khi nghe Đức Giê-su cảnh báo họ rằng con đường theo Người là con đường Thập Giá. Các ông tưởng rằng Thầy lên Giê-ru-sa-lem để khôi phục vương quyền và xua đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi để dành lại độc lập và sức mạnh uy hùng của dân Thiên Chúa. Ai ngờ, Người lại loan báo về những ngày khổ nạn sắp bắt đầu tại Thánh đô Giê-ru-sa-lem!

Như vậy, biến cố hiển dung của Đức Giê-su không chỉ nâng đỡ và hỗ trợ cho các môn đệ đủ can đảm để đối diện với các thử thách và đau khổ trong khi thi hành sứ vụ; nó còn chất chứa một lời mời gọi dành cho tất cả những ai tin vào Chúa là hãy sẵn sàng tham dự vào những gì mà Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc sống. Chúng ta không được phép ngồi đó mà thụ hưởng, cho dù đó là những giây phút tuyệt diệu nói lên mối dây thân tình giữa ta và Chúa. Nhưng chúng ta phải ra đi, phải xuống núi mà san sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa cho mọi người.

Thật vậy, kinh nghiệm hiển dung hôm nay cho các môn đệ và chúng ta sức mạnh để xuống núi và tiếp tục thi hành bổn phận tuy cao quí nhưng thật gian nan. Đó là việc làm của Đức Tin. Đức tin không ngừng thách thức, lôi kéo và mời gọi chúng ta đi về phía trước. Muốn đi về phía trước chúng ta cần định hướng. Vì thế, chúng ta không thể quên giây phút hiện tại và biết mình đang ở đâu.

Hẳn anh chị em vẫn còn nhớ điều mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta là hãy vác thập giá của mình và đi theo Người khi Đức Giê-su cũng đang đi đến thập giá của chính Người. Chúng ta còn được mời gọi yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chúng ta. Chúng ta được lệnh phải hoạt động cho công lý và mưu cầu an bình. Chúng ta buộc phải nuôi ăn những kẻ đói khát và chăm lo cho những ai đang bị tổn thương.

Các điều nói trên, không có điều gì là điều dễ dàng đối với người tín hữu. Con đường của chúng ta đi là con đường hẹp dẫn đến đau khổ và sự chết. Làm thế nào chúng ta có thể làm được các điều đó nếu không có sự phù hộ của Thiên Chúa. Và sự trợ giúp của Thiên Chúa phải được chúng ta cảm nghiệm bằng chính kinh nghiệm gặp gỡ Người trong cuộc sống. Nhưng trên thực tế, những kinh nghiệm gặp gỡ đó lại rất hiếm xẩy ra và nếu có xẩy ra thì cũng rất ngắn ngủi. Vì thế, chúng ta nên trân trọng chúng. Chúng ta nên cố gắng ôn đi ôn lại càng nhiều càng tốt. Chúng ta không nên ốn ào, phô trương thanh thế; trái lại cần bầu khí linh thánh để lắng nghe tiếng nói của Chúa. Những khoảnh khắc đó rất cần thiết để cho chúng ta có thêm sức mạnh cho cuộc hành trình.

Sau này, biến cố hiển dung của Đức Giê-su còn đóng một vai trò thật quan trọng trong hành trình đức tin và đời sống của các tín hữu thuộc các cộng đoàn tiên khởi và chúng ta ngày hôm nay. Quả thật, chúng ta không nên quên thực trạng đời sống của các tín hữu thời sơ khai. Họ đã để lại cho chúng ta một mẫu gương gắn bó với Đức Giê-su và với nhau. Cho dù họ bị chối từ, bị coi thường, bị theo dõi, bị săn lùng và thậm chí bị giết chết; nhưng vẫn quyết tâm và thành tín trao đổi cho nhau những câu chuyện của Đức Giê-su. Trong số những san sẻ đó có chuyện tích hiển dung hôm nay.

Khi nói về biến cố này, họ đã cảm nghiệm có một sự thay đổi nơi con nguời của họ. Ánh vinh quang cuả Thiên Chúa đã chiếu toả để cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi các tín hữu được rõ ràng hơn. Một con người có Chúa là như thế, dung mạo của họ sẽ toát lên một sức mạnh mà chỉ có nhưng ai ở trong Chúa mới có được. Sự hiện diện của Thiên Chúa là thế!

Sau đây là một kinh nghiệm, có thể gọi đó là ‘kinh nghiệm hiển dung,’ kinh nghiệm mà người bạn tôi đã chia sẻ. Anh là một tín hữu nhiệt thành và ngoan đạo. Trong suốt 30 năm qua, anh đã tham gia các đoàn thể và phong trào trong Giáo xứ như: Hội Đạo Binh Đức Mẹ, phong trào Cursillo, Thánh Linh, Thăng Tiến Hôn Nhân và Hội Đồng Giáo Xứ.

Với lòng nhiệt thành và hy sinh, anh đã được đề cử vào các chức vụ như hội trưởng hội Legio của Giáo xứ, thư ký cấp Giáo Phận; ủy viên các phong trào và sau cùng là thành viên của Ban Chấp Hành của Giáo xứ. Mọi công tác anh đều chu toàn. Anh là người thành công và được nhiều người kính trọng trong Giáo xứ. Thế mà, tự trong thâm tâm, anh vẫn khắc khoải và cảm thấy như vẫn còn thiếu vắng một điều gì cho cuộc sống.

Anh đã ví hành trình tìm Chúa của anh giống như của Gia-kêu. Anh tưởng rằng việc tham gia các đoàn thể, từ hội này đến phong trào khác là con đường gặp Chúa của anh. Giống như Gia-kêu, anh nghĩ rằng các vị trí mà anh đạt được là những điểm thuận lợi cho anh nhìn thấy Chúa! Nhưng anh đã lầm!

Gia-kêu đã nhìn thấy Chúa khi ở trên cây, nhưng Gia-kêu chỉ gặp Chúa khi ông ta xuống đất. Và trường hợp của anh bạn tôi cũng thế, anh không nhận ra sự hiện diện của Chúa trong các chức vụ anh đã đạt được. Thế mà, khi trở về cuộc sống bình thường của người tín hũu, không còn bị vướng bận bởi các công tác, không còn bị trói buộc bởi các nhiệm vụ và cũng không còn bị áp lực phải làm gương sáng cho ai nữa. Anh tham gia nhóm gia đình cầu nguyện, khoảng chừng năm đến bẩy gia đình. Hàng tuần họ họp và cầu nguyện chung với nhau. Họ dùng các lời Thánh Vịnh, lập đi lập lại các điệp ca để cho tâm hồn thư thái và chìm đắm trong bầu khí thật linh thánh đó. Và anh đã gặp Chúa.

Cuộc gặp gỡ Chúa của anh và những người bạn trong nhóm cầu nguyện đã thay đổi cuộc đời anh một cách sâu sắc. Nhờ sự gặp gỡ này, anh đã khám ra con đường dẫn anh đi vào mối tương quan mới với Thiên Chúa và những người khác. Anh tôn trọng, hiểu và yêu họ nhiều hơn. Chúa đã tỏ mình cho anh, Chúa đã hiển dung với anh.

Anh chị em thân mến,

Suy niệm về biến cố hiển dung giúp cho chúng ta nhận ra một điều là chúng ta hạnh phúc với những gì đang xẩy ra nhưng vẫn mong chờ việc sắp xẩy đến. Hiển dung là như thế. Giây phút chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển mà Đức Giê-su ban cho tuy ngắn ngủi nhưng lại tác động và đòi buộc chúng ta phải thay đổi. Là người tín hữu, chúng ta liên tục được mời gọi bước vào những cuộc phiêu lưu mới mà chưa thấy kết quả. Chúng ta được mời gọi trở thành các môn đệ chân chính và hoàn hảo hơn. Chúng ta được mời gọi cho đi nhiều hơn, yêu thương quảng đại hơn. Chúng ta luôn được thúc đẩy trở thành môn đệ mà Chúa yêu thương. Tuy nhiên, với bản tính tự nhiên, chúng ta chỉ muốn giữ lấy những gì thật quen thuộc, không dám hay không muốn thay đổi. Nhưng, cuộc sống của người tín hữu không được phép dừng lại như thế, chúng ta được mời gọi tham dự vào khoảnh khắc biến hình đổi dạng để thay đổi mà trở nên tinh tuyền và thánh thiện hơn.

Vì vậy, hãy ôn đi và ôn lại những kinh nghiệm đã nhìn thấy Chúa hiển dung, Đấng đã tỏ mình cho ta được chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển của Người. Giữ lấy kinh nghiệm gắn bó và kết hiệp với Chúa mà mình đã trải qua. Tuy nhiên, chúng ta lại được mời gọi sẵn sàng quay đầu xuống núi và tiếp tục chu toàn bổn phận của người con mà Thiên Chúa ưu ái, bởi vì đó là điều mà Chúa kêu gọi chúng ta làm. Amen!