Trong bài Tin Mừng tuần trước, Thánh Gio-an đã thuật lại cuộc
gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-a. Bà đã được biến đổi và tin
rằng chỉ có Chúa mới lấp đầy nỗi khát vọng của con người mà thôi. Hôm nay, sau
khi tham dự các nghi lễ tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, trên đường đi ra, Đức Giê-su
và các môn đệ nhìn thấy người mù từ lúc mới sinh.
Trước ngày hôm nay, người mù ngồi đó không nhìn thấy ai và người
ta cũng không nhìn thấy anh như một tạo vật của Thiên Chúa. Người ta coi sự mù
lòa của anh là hậu quả của tội lỗi. Hôm nay, với Đức Giê-su, người mù đã trở
thành tạo vật mới, một bằng chứng sống để tôn vinh Thiên Chúa. Tuy nhiên, những
người hàng xóm, hàng ngũ lãnh đạo và thậm chí cha mẹ anh vẫn không nhìn ra sự
thay đổi nơi anh!
Như vậy giữa anh và họ, ai bị mù?
Trước hết chúng ta hãy xem thái độ của các môn đệ. Họ nhìn
anh và thấy một câu hỏi thần học: thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này vừa
sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? Tầm nhìn của họ đã bị bóp méo bởi họ
tin rằng đau khổ, bịnh tật và sự chết là hậu quả của tội lỗi. Còn đối với Đức
Giê-su, Người biết phải làm gì. Người đến để đem ánh sáng cho trần gian và ánh
sáng đó hôm nay được thể hiện qua một việc làm rất cụ thể là làm cho người mù từ
thủa mới sinh được nhìn thấy. Qua dấu lạ này Đức Giê-su đã bộc lộ vinh quang của
Thiên Chúa nơi Người.
Sau khi làm cho người mù được sáng mắt, Đức Giê-su biến mất,
nhường lại vị trí cho người vừa được sáng mắt có cơ hội làm chứng và tuyên xưng
niềm tin của ông. Ông đã trở nên tạo vật mới. Từ trước đến giờ ông chưa nhìn thấy
điều gì; đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy ánh sáng. Ánh sáng thể lý mà ông vừa
được sáng tạo là bước đầu dẫn ông nhận ra nguồn sáng thiêng liêng mà ông nhận
được từ Đức Giê-su, Đấng đã lấy bùn làm thuốc dẫn sai anh đi và anh đã đi, đã rửa
và đã nhìn thấy.
Trong khi đó, với những người láng giềng thì anh vẫn bị xem
như là người bị mù. Quả thật đây là hai hình ảnh trái ngược nhau: người vừa được
sáng mắt đã nhìn thấy, còn những người láng giềng không nhìn thấy diễn tiến của
sự việc, nên họ không nhận ra việc anh được sáng mắt. Họ tưởng là mắt của họ
sáng, nhưng thực ra họ không nhìn ra sự thay đổi mà Đức Giê-su đã làm cho người
mù, cho nên họ vẫn mù tối trong lối suy nghĩ và cái nhìn bị đóng khung của họ.
Sau đó, anh bị dẫn đến trình diện những người lãnh đạo tôn
giáo, thuộc phái Pha-ri-sêu. Hai lần họ thẩm vấn anh. Hai lần anh đã làm chứng và
tôn vinh Thiên Chúa. Anh đã dõng dạc trả lời cho họ biết rằng “Đức Giê-su là một
ngôn sứ.” Một bước tiến trên hành trình đức tin của anh được tỏ hiện khi tuyên
xưng Đức Giê-su là ngôn sứ. Trong khi đó, mắt của những người Pha-ri-sêu vẫn bị
đóng kín bởi tín niệm dựa vào truyền thống của họ. Họ mù quáng vì đã chọn không
nhìn vào các dấu chỉ mà Đức Giê-su đã thực hiện. Họ đã chọn quyền lực, qui tắc,
truyền thống, tập tục và giai cấp để đối chọi với sự thật mà Đức Giê-su đem đến;
cho nên họ không nhận ra Người là Đấng Cha sai đến, là Ánh Sáng cho trần gian.
Ngay cả cha mẹ anh cũng không muốn xác nhận những gì đã xẩy đến
cho anh. Họ không muốn dính vào sự thay đổi mà con của họ vừa mới trải qua. Họ
chỉ muốn xác nhận về cuộc sống quá khứ của anh. Con của họ bị mù từ thủa mới
sinh, đó không phải là lỗi của họ. Còn những gì xẩy ra trước mắt thì họ chối là
không biết. Họ không dám làm chứng cho sự thật vì sợ bị trục xuất khỏi hội đường.
Nói chung, tất cả mọi người, từ cha mẹ anh đến những người
hàng xóm và những người lãnh đạo tôn giáo thời đó, đã nhìn nhưng không ai thấy
anh. Nếu họ thấy anh thì họ sẽ phải đối diện với sự mù quáng của họ. Sự khác biệt
giữa anh và họ là anh biết anh bị mù, còn họ tưởng mình sáng mắt nên họ phải trả
lời cho đôi mắt không nhìn thấy của họ, như Đức Giê-su đã phán dậy: “Nếu các
ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng
tôi thấy,’ nên tội các ông vẫn còn.
Sau khi người mù vừa được sáng mắt bị trục xuất thì Đức
Giê-su, người đã bị trục xuất trước, đến gặp anh. Trong cuộc gặp gỡ này Đức
Giê-su bộc lộ căn tính của Người, lập tức vừa nghe đến đó anh vội vàng quỳ xuống
và tôn vinh Người. Anh đã thấy và anh đã tin Đức Giê-su, Người vừa ban ánh sáng
cho anh, là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa và để nhờ tin mà anh và chúng ta có sự sống
nhờ Danh Người. Anh đã đi đến đích điểm của lòng tin, trong khi đó những người
tự nhận mình là sáng mắt lại cứ sống trong u tối vì tự trói mình trong ‘sự khôn
ngoan’ của một hệ thống tôn giáo đóng kín của họ!
Thưa anh chị em,
Nhờ tin vào Danh của Đức Giê-su mà chúng ta có sự sống, chúng
ta được chiếu sáng. Nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn còn đi trong bóng đêm, vẫn
còn sống trong mù lòa. Mù không phải vì tầm nhìn ngắn về mặt thể lý của chúng
ta. Mù cũng không phải về bóng tối xung quanh chúng ta. Thật ra chúng ta mù vì
bóng tối trong ta che lấp mọi sự. Nó bao gồm cách chúng ta nhìn người khác và
những gì chúng ta nhìn thấy chung quanh mình. Chính vì thế nên chúng ta không
nhìn thấy Thiên Chúa, con người, sự vật hay hoàn cảnh như đã được xẩy ra như ý
muốn của Ngài khi tạo dựng chúng ta và vũ trụ này. Tất cả mọi sự Thiên Chúa dựng
nên đều tốt đẹp!
Nếu chúng ta muốn thấy Chúa, nhìn ra cuộc sống mình và những
người khác như họ thực sự hiện diện thì mắt chúng ta phải được Đức Ki-tô mở ra
trước. Chúng ta phải thay đổi, không chỉ nhìn bằng đôi mắt, mà bắt đầu tập nhìn
bằng trái tim nhân hậu mà Thiên Chúa đặt để trong mình.
Muốn được như thế, chúng ta cần khám phá Đức Giê-su là ai
trong cuộc sống của mình trước? Chúng ta có nhận ra tình yêu thương của Đức
Giê-su trong tôi không? Bởi vì nếu chúng ta không cảm nhận tình yêu của Người
trong cuộc sống mình thì cách cư xử của chúng ta giống như những người láng giềng,
như những người lãnh đạo, thậm chí giống như cha mẹ của người mù mà chúng ta vừa
nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Họ không nhìn nhận các diễn tiến xẩy ra trong
cuộc sống của anh.
Tất cả chúng ta đều bị mù trong cuộc sống. Và trong hoàn cảnh
bị mù lòa mà cứ tưởng mình sáng mắt, nên chúng ta dần dần đánh mất tình yêu, tiêu
hủy dần dần các mối quan hệ khi chúng ta sống trong sự cạnh tranh, luôn ước ao
chiếm vị trí đầu trong mọi công tác để tìm sự tán dương và khen thưởng nơi người
khác. Chúng ta bị sức ép của danh vọng, uy quyền và tiếng khen chi phối. Chúng
ta lầm tưởng rằng những gì chúng ta có được là do cố gắng và năng lực của bản
thân mà quên đi bao đóng góp, hy sinh của nhiều người đã gầy dựng và hình thành
trong cuộc sống mình.
Sau cùng, chúng ta hãy xin Chúa mở mắt để nhận ra sự hiện diện
của Đức Giê-su trong cuộc sống mình và có cái nhìn như cái nhìn của Chúa trong cách
cư xử với nhau. Amen!
No comments:
Post a Comment