Wednesday, 26 April 2023

CHÚA CHIÊN LÀNH LÀ SỰ SỐNG CỦA TA!


Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng chúng ta suy niệm hôm nay là phần đầu của diễn từ ‘Chúa Chiên Lành’ trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Trong phần này, Đức Giê-su đã công bố Người là cửa ràn chiên và con chiên nào ở trong ràn chiên của Người thì có sự sống, và cuộc sống của chúng thật phong phú và dồi dào.

Đức Giê-su, khi loan báo như thế, có ý cho chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa người chăn chiên và kẻ trộm cướp. Người chăn chiên chăm sóc, bảo vệ và quan tâm đến sự sống của chiên, còn kẻ trộm cướp thì hủy diệt. Người chăn chiên dắt chiên từ cửa để ra và vào ràn, còn kẻ trộm cướp thì không làm như thế, chúng vượt rào để ăn cắp chiên.  

Với nhiệm vụ của người chăn chiên, Đức Giêsu chỉ có một mối bận tâm duy nhất, đó là làm cho các con chiên sống bằng sự sống của Thiên Chúa, cuộc sống của các con chiên trong ràn thuộc về Người càng ngày càng dồi dào và phong phú hơn. Cuộc sống phong phú của các con chiên không lệ thuộc vào số lượng, sự giầu có, thành công hay được người khác tán thưởng và công nhận; nhưng cuộc sống phong phú mà chúng ta nói ở đây là một cuộc sống có chất lượng như Đức Giê-su đã làm gương. Điều mà Đức Giê-su đã sống và muốn dậy chúng ta theo gương Người là: quan tâm, yêu thương, ban phát, lo lắng, bảo vệ, săn sóc cho những người thuộc về Người, cho những ai mà Chúa Cha đã ban cho Người.

Thưa anh chị em,

Như vậy, chúng ta nhận ra hình ảnh của người mục tử mà chúng ta gọi là lãnh đạo. Trách nhiệm của người lãnh đạo không lệ thuộc vào con số những người thuộc về họ, nhưng đời sống của những người thuộc về họ mới là mối quan tâm hàng đầu của người lãnh đạo. Muốn được như thế, người lãnh đạo cần học hỏi từ những người được phục vụ. Một nhà lãnh đạo giỏi hãy nhớ rằng lãnh đạo không phải là thực thi quyền lực mà là trao quyền và thúc đẩy những người thuộc về họ cùng nhau thi hành bổn phận đã được trao ban.

Sự thèm khát quyền lực, tài sản và uy tín là kẻ thù của người mục tử. Thế gian tìm những điều này. Những người làm chính trị hay kinh doanh thì lấy lợi nhuận làm tiêu chuẩn, là thước đo của thành công. Cho nên họ phải cẩn thận bằng không họ sẽ bị sa vào vòng xoáy của những thử thách khiến họ biến thành các mục tử xấu, chỉ biết lợi dụng đàn chiên để làm thỏa mãn cho cái tham vọng của mình. Mục tử theo tinh thần của Đức Giê-su thì không được phép hành động như thế.

Một cách thực tế, chúng ta cũng nên can đảm nhìn nhận rằng có một số người, tuy rằng rất nhỏ, bậc cha mẹ không phải là người chăn chiên tốt vì họ chỉ tìm kiếm vinh quang cho bản thân qua con cái. Họ sử dụng quyền lực để ngăn cấm hay bộc lộ cho con cái biết mình có uy quyền hầu che dấu cái tôi được chứa đựng trong sự yếu đuối của chính họ. Họ thống trị hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho con cái phát triển hầu có thể đối thoại và tìm ra phương thức tốt nhất trong việc giáo dục mà mục tiêu là sự lớn khôn của con cái họ. Họ sợ con cái của họ sẽ hư hỏng hay là vấp phải những sai lầm mà chính họ đã trải nghiệm, rồi chính vì nỗi lo sợ đó họ dùng quyền để dọa nạt, ngăn cấm thay cho đối thoại, thông cảm và yêu thương. Cuối cùng là sự xa cách có thể dẫn đến đổ vỡ trong gia đình, giữa hai thế hệ.

Các giáo sĩ và tu sĩ cũng có thể thất bại trong vai trò lãnh đạo nếu họ không hành xử như hình ảnh của Chúa Chiên Lành. Đôi khi họ có thể còn tệ hơn cả những "chính trị gia" mà chúng ta lên án. Các mục tử trong đạo Chúa đôi khi đã sai lầm khi che đậy tham vọng, ước mong thành công của mình bằng cụm từ “nhu cầu mục vụ” hay “chúng tôi vẫn là con người” hay “đó cũng chỉ là lỗi nhỏ, mới phạm lần đầu,” hay một lời biện minh, nói dối khiêm tốn để che đậy cái tôi. Thậm chí, các nhà lãnh đạo có thể kêu gọi những người cộng tác thảo luận về một dự án đã được quyết định bởi họ vì tôi có quyền. Như vậy, họ đã lợi dụng uy quyền một cách đáng xấu hổ khi bắt mọi người phải chấp thuận quyết định của họ vì họ có quyền!

Thưa anh chị em,

Sau cùng, chúng ta nên nhớ rằng, các nhà lãnh đạo trong dân về đời cũng như đạo đều được gọi là mục tử. Mục tử tốt lo cho đoàn chiên. Mục tử xấu lợi dụng chức vụ để thu lợi cho mình thì có ai nghe theo bao giờ! Nếu có người hùa theo thì cũng vì lợi nhuận, đến khi tan đàn thì lại cấu xé nhau.

Chỉ có mình Chúa Giê-su phục sinh mới là vị mục tử nhân hậu. Tất cả chúng ta là cộng sự của Người. Muốn hoàn tất sứ mạng được trao phó, trong vị trí riêng của từng người, chúng ta được mời gọi kết hợp với Chúa là đấng chủ chăn duy nhất, là mục tử nhân hậu. Còn chúng ta tuy được ban tặng cho danh hiệu đó; nhưng chúng ta vẫn còn và luôn luôn là những con chiên trong ràn chiên của Chúa.

Hẳn anh chị em còn nhớ khi trao quyền cho Thánh Phê-rô, Chúa Phục Sinh đã ba lần hỏi Phê-rô có yêu mến Người không. Và cũng ba lần Người nói hãy chăn dắt các chiên của Thầy. Chiên thuộc về Chúa còn Phê-rô chỉ là người cộng tác. Ý thức và biết rõ nhiệm vụ cũng như vị trí của mình, nên Thánh Phê-rô đã chia sẻ như sau: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (1Pet 5:2-4)

Tóm lại, chỉ mình Đức Giê-su là Đấng chăn chiên tốt lành, nhân ái và thiện hảo. Cả thế giới và mọi người sống trong đó là ràn chiên thuộc về tay Người. Người đã chết để bảo vệ và trao ban cho ràn chiên sự sống, một cuộc sống phong phú và dồi dào; và không ai có thể lấy mất được.

Còn chúng ta, mỗi người đều là những người chăn dắt ràn chiên, nhỏ hay lớn, trong gia đình, ngoài xã hội, hay trong bất kỳ một cơ cấu hay tổ chức nào mà Thiên Chúa trao phó. Nói cách khác, khi chúng ta được mời gọi chăm sóc, hướng dẫn, nuôi sống và bảo vệ cuộc sống của người khác là lúc chúng ta thực hiện nhiệm vụ mục tử. Các công việc đó không chỉ là hành động mà còn được phát xuất từ mối quan hệ yêu thương và quan tâm của chúng ta dành cho nhau. Cao cả và khó khăn.

Chúng ta không thể nào chu toàn trọn nhiệm vụ cao cả của mình, nếu không sống theo gương mẫu của Người Chăn Chiên duy nhất là Đức Ki-tô, Đấng đã chấp nhận mọi đau khổ, sẵn sàng hy sinh thân mình để mở cánh cửa và ban cho các con chiên trong ràn được một cuộc sống phong phú và tràn đầy. Còn chúng ta, ngày hôm nay, trong nhiệm vụ đã được trao phó, cũng phải sống sao cho vơi đi những đau khổ mà thế gian đang phải gánh chịu để làm cho cuộc sống của người khác được thăng hoa hơn.  

Cầu chúc anh chị em chu toàn ơn gọi đã được kêu mời, tiếp tục ra đi và làm như Chúa Chiên Lành đã làm. Amen!

Wednesday, 19 April 2023

EM-MAU, ĐƯỜNG ĐI KHÔNG ĐẾN


Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại các việc xẩy ra cho hai môn đệ trên đường đi Em-mau. Câu chuyện này rất thú vị, giống như một tin vui xuất hiện để cất đi những phiền muộn có thể dẫn đến tuyệt vọng. Nó đã như một luồng sáng chiếu tỏa và làm tan đi lớp mây mù ngăn cản các môn đệ nhận ra Thầy mình. Nó không chỉ nói đến việc nhận ra Đức Giê-su phục sinh của hai môn đệ mà còn của mỗi người chúng ta nữa.

Thật thú vị khi nhận ra việc Thánh sử chỉ nhớ tên một môn đệ, Clê-ô-pát, còn tên người môn đệ thứ hai thì không được nhắc đến. Phải chăng đây là chủ ý của Thánh sử để mỗi người chúng ta có thể tự đặt mình vào vị trí của người môn đệ thứ hai này. Nói khác đi, kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh của các môn đệ trên đường Em-mau mãi mãi là kinh nghiệm cần phải có của mỗi người chúng ta, môn đệ của Chúa trong mọi thời.

Đối với những môn đệ trên đường đi Em-mau, tương lai của họ thực sự rất đen tối. Trước đây, trên hành trình theo Chúa, họ đã nhìn nhận Người là một ngôn sứ đầy uy quyền. Họ đã không sai lầm khi đặt trọn niềm hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Thế mà Người lại chết, và cho đến nay đã sang ngày thứ ba rồi! Dù có mấy phụ nữ ra thăm mộ về báo tin là họ đã không còn thấy xác của Thầy đâu nữa nhưng họ vẫn không tin. Tin tức về sự xuất hiện của Thầy chỉ làm cho họ càng thêm hoang mang. Chính mắt họ đã nhìn thấy cảnh người ta chôn xác Chúa. Thế là hết! Bao nhiêu hy vọng ở nơi Chúa giờ này bị chôn vào ngôi mộ của Người. Đối với họ thế là hết.

Sau cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, họ cảm thấy tất cả đã mất. Họ đã mất thời gian và nỗ lực trong mấy năm qua, giấc mơ đã tan thành mây khói. Họ cần làm lại từ đầu. Họ cần hoạch định một dự án cho tương lai. Tuy rằng như thế, có một chi tiết thật thú vị mà chúng ta không nên bỏ qua, đó là hai môn đệ vừa đi vừa nói về những gì vừa xẩy ra cho Đức Giê-su. Như vậy, tuy không còn hy vọng nhưng hai môn đệ trên đường Em-mau vẫn khao khát tìm kiếm một lời giải thích cho tất cả sự việc vừa mới xẩy ra.

Trong khi hai môn đệ đang bàn tán thì Đức Giê-su đến và cùng đi với họ. Theo Thánh Luca cho biết thì đó là Đức Giê-su, còn các môn đệ lại không nhận ra Người. Khi Đức Giê-su lên tiếng thì họ dừng lại và với vẻ buồn phiền họ đã kể cho Người biết về những chuyện vừa xẩy ra.

Chúng ta hiểu được nỗi buồn phiền của các môn đệ. Nỗi buồn phiền về những gì vừa xẩy ra. Tất cả đều diễn ra không theo ý muốn của họ. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ không nhận ra người đang đi với họ là Đức Giê-su. Người đã đến và mở lời trước để trò chuyện với họ. Cách hành xử của Clê-ô-pát rất thật khi ông đã nói cho người khách lạ biết về những ý nghĩ và tâm tư của họ về những việc vừa xẩy ra tại Giê-ru-sa-lem. Họ đã bị bí lối.

Đến đây, người khách lạ mà hai môn đệ nghĩ rằng ông ta không biết những gì vừa xây ra lại là người cầm chìa khóa mở cho họ nhận biết những điều bí nhiệm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa muốn Đức Giê-su thực hiện. Bắt đầu từ Mai-sen, người khách lạ trích dẫn các lời tuyên bố của các ngôn sứ, từ từ tiết lộ kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

Kinh thánh có sức mạnh như một dòng điện và được Thần khí kích hoạt và hướng dẫn. Có lẽ những gì mà người khách lạ nói hôm nay cũng không khác gì những gì mà Đức Giê-su đã giảng dậy khi còn sống với các ông. Nhưng hôm nay các ông nghe và đón nhận bằng một chiều kích mới cho nên lòng các ông mới được bừng cháy lên. Ngọn lửa của Thánh linh đã thiêu đốt tâm hồn và xóa tan đi những u mê để họ nhận ra ý nghĩa của Lời Chúa. Từ đó, họ bắt đầu hiểu con đường đau khổ và thập giá của Đức Giê-su dưới ánh sáng hoàn toàn mới. Họ thấy đó không phải là một thảm họa, một sự thất bại mà là khởi đầu của một thời đại ân sủng mới.

            Đang say mê nghe giảng giải, lòng trí của họ được khai sáng thì trời đã tối. Hai môn đệ nài ép Đức Giê-su ở lại với họ. Việc này nói lên lòng quảng đại và say mê lắng nghe lời Chúa của các môn đệ. Về phần Đức Giê-su, sau khi sống lại, Người hiện diện theo cách thức của Người. Người không ép buộc ai nhưng chờ một lời mời. Như một khách lạ, Người đứng bên cửa rồi gõ, ai mở ra đón nhận thì Người bước vào và dùng bữa với họ.

Sau đó, để đáp lại lòng quảng đại và tâm hồn hiếu khách của hai môn đệ, Đức Giê-su trong khi đồng bàn, Người đã cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ. Tất cả các cử chỉ này quá quen thuộc làm cho các môn đệ nhớ lại việc Thầy mình đã làm phép lạ Bánh Hóa Nhiều để nuôi ăn 5000 người, nhớ lại cử chỉ của Chúa trong bữa Tiệc Ly. Nhìn thấy các cử chỉ đó, mắt họ liền mở ra và lập tức nhận ra Người. Cử chỉ của Chúa Giê-su lúc Người bẻ bánh là một chi tiết khá hấp dẫn, mang một nét đặc thù mà chỉ có Chúa mới làm được. Cử chỉ nhắc lại tinh thần tự hiến của Chúa mà các môn đệ đã trải nghiệm. Vì thế, hai môn đệ nhận ra Người.

Anh chị em thân mến,

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau có thể áp dụng cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Chúng ta có thể thấy mình trong hai người khách lạ, mệt mỏi đi về Em-mau. Niềm tin và hy vọng đã mất, tương lai mà họ hy vọng bây giờ đã sụp đổ. Tuy nhiên, họ đã gặp một người bạn vô danh đang đi trên đường với họ, người lữ khách mà họ chưa từng quen biết đã cho họ một cái nhìn sâu sắc và kết nối thế giới mới với thế giới mà họ biết.  

Em-mau không còn là đích điểm mà họ nhắm đến. Với lòng vui sướng, thanh thoát họ hân hoan trở về nơi mà các bạn của họ đang chờ, đó chính là Giê-ru-sa-lem. Nghĩ đến đó, họ lập tức lên đường trở về.

Giống như tâm trạng của người con đi hoang, chỉ nghĩ đến nhà nơi có hình ảnh của Cha khiến anh không thể chần chừ được nữa, cần lên đường về nhà ngay. Các môn đệ cũng thế, nhận ra Thầy là niềm vui cả thể. Họ không còn muốn nán ở lại Em-mau thêm một giây, một phút nào nữa. Họ khởi hành và trên đường về Giê-ru-sa-lem, tâm tư của họ không còn nặng chĩu và buồn chán nữa. Trái lại, họ nhận ra trong khi chia sẻ của ăn với Chúa tại Em-mau, họ nhớ lại một trải nghiệm trước đây họ đã chứng kiến khi Chúa nuôi ăn 5000 người trong bữa tiệc bẻ bánh ra nhiều. Họ nhận ra Người.

Thật vậy, sự hiện diện của Chúa đã chạm đến cơn đói sâu thẳm nhất của họ, và của ăn mà Chúa chia sẻ tại Em-mau không chỉ là của ăn vật chất mà là thức ăn giúp họ mở rộng tâm hồn và thân xác để đón nhận. Và, tất nhiên, đó là cách thức Người hiện diện, trong Bí tích Thánh Thể, nơi việc bẻ bánh. Và đây chính là ý nghĩa mà việc bẻ bánh của Chúa Giêsu muốn dành cho họ sau khi Người phục sinh. Người sẽ hiện diện một cách thức như thế cho đến ngày Người lại đến trong vinh quang.

Trong tâm tình đó, những lời của Người nói, cử chỉ Người làm trong bài Tin Mừng hôm nay chạm đến trái tim chúng ta, cho chúng ta thêm can đảm, kiên tâm, hy vọng và tiếp tục kéo chúng ta lại gần Chúa và gần nhau nhiều hơn nữa. Như vậy, tại bất cứ nơi nào mà chúng ta lắng nghe Lời Chúa và cùng nhau chia sẻ bữa tiệc lòng mến thì có Chúa hiện diện, không hẳn chỉ tại các nơi thờ phượng. Thiết yếu là niềm tin và lòng mến mà chúng ta noi gương Đức Giê-su sẵn sàng san sẻ cuộc đời cho nhau thì sẽ gặp Chúa. Amen!

 

Wednesday, 12 April 2023

CHÚA PHỤC SINH VÀ CÁC NỖI ĐAU.


Anh chị em thân mến,

Không ai hiểu trò bằng thầy, Đức Giê-su thấu hiểu lòng trí hoang mang và các nỗi sợ hãi của các môn đệ sau khi Người bị giết chết. Vì thế, trong hai lần hiện ra hôm nay việc đầu tiên Người làm là trao ban cho họ sự bình an. Sau đó Chúa cho họ thấy tay và cạnh sườn của Người. Đây là một điều thật đặc biệt, Chúa muốn cho các ông nhận ra rằng thân xác của Chúa Phục Sinh và con người đã trải qua khổ nạn, chết trên Thập Giá là một người. Khi thấy những chứng tích đó, các môn đệ đã vui mừng và tin rằng Người đang ở trước mặt họ là Đức Giê-su, vị Thầy đáng kính của họ. Sau đó, Chúa Giêsu một lần nữa lại ban bình an và Thánh Thần cho các ông để các ông ra đi hoàn thành sứ mạng mà chính Người vừa hoàn tất.

Trong lần hiện ra lần thứ nhất này không có mặt Tô-ma. Các môn đệ khác đã kể lại cho ông biết về việc này: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Nhưng Tô-ma đã không tin vào lời loan báo của các bạn mình.

Thật ra, các bạn của ông cũng chẳng làm chứng được gì. Họ vẫn đóng kín vì sợ người Do Thái. Cho dù Thần khí đã đuợc trao ban, nhưng các bạn của Tô-ma vẫn chưa ra khỏi vùng an toàn, vẫn dựa vào các cánh cửa đã đuợc đóng kín để bảo vệ, chưa sẵn sàng để cho Thần khí thúc đẩy ra đi chu toàn sứ vụ nhân chứng. Trái lại, các ông vịn cớ là không biết đi đâu! Lời loan báo của họ không đi đôi với việc làm như thế thì làm sao các môn đệ có thể truyền lửa cho bạn mình là Tô-ma được.

Còn Tô-ma, ông muốn niềm tin của ông phải dựa trên kinh nghiệm của cá nhân. Ông muốn chạm vào thân thể của Chúa, nên đáp rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

Thưa anh chị em, 

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, lần này có mặt Tô-ma. Trước tiên, Người cũng ban bình an cho các môn đệ rồi quay sang Tô-ma và nói: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Tô-ma đã đáp trả bằng một niềm xác tín thật cao độ rằng Người là CHÚA và là THIÊN CHÚA của ông.

Sau đó qua Tô-ma, Chúa đã thể hiện tình thương của Người dành cho chúng ta bằng cách trao ban cho chúng ta thêm mối phúc nữa là “Phúc thay những người không thấy mà tin.”

            Trước khi xem xét cách biểu lộ niềm tin của Tô-ma, chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng ông không phải là trung tâm của bài Tin Mừng. Trình thuật diễn tả cách thức Chúa hiện ra thì Chúa phải là trọng tâm. Khi nhìn như thế, chúng ta mới khám phá ra lòng đại lượng phát sinh từ tình yêu của Chúa. Chúng ta vẫn thường đuợc dậy bảo niềm tin vào Chúa phải là một niềm tin vô điều kiện, phó thác hoàn toàn theo Chúa. Nhưng hôm nay, Chúa hành xử với Tô-ma quả thật khác hẳn với lối suy nghĩ cầu toàn của chúng ta. Chúa chấp nhận điều kiện mà Tô-ma đưa ra. Cho dù đã đuợc tôn vinh, nhưng Chúa vẫn không che dấu các thương tích. Đó chính là chứng tích của Tình yêu thì làm sao phải che dấu! Các vết thương đó cần đuợc bộc lộ hơn là che dấu.

            Tô-ma cũng có nỗi đau của riêng mình. Ông cũng là nguời đang mang thương tích. Chúa Giê-su, Thầy đáng kính của ông đã chết. Cái chết của Người để lại trong ông một tâm trạng buồn rầu và mất mát. Biết trông cậy và nương tựa vào ai nữa đây! Ông đi trốn, cần có một không gian và nơi ẩn nấp để đối diện với niềm đau này. Vì thế ông đã hụt mất một cơ hội khi Chúa hiện ra lần trước.

Các bạn của ông cũng thế, họ cũng có niềm đau rồi sinh ra chán nản và thất vọng. Nhưng họ đã chọn cách đối diện với bi kịch mà họ đang đón nhận bằng cách liên đới, chia sẻ, an ủi và hỗ trợ nhau.

Nói chung là chỉ có ai đã kinh qua đau khổ mới thông cảm cho những người đồng cảnh ngộ. Chúa đã bị thương tích và Người cũng nhìn thấy các nỗi đau khổ mà Tô-ma đang đối diện; vì thế Người cũng muốn cho ông biết là Người rất thông cảm với yêu cầu của ông. Qua sự tiếp xúc, thầy trò gặp và nhận ra nhau. Chúa chữa lành thuơng tích cho Tô-ma. Còn ông nhận ra thầy mình là Chúa và là Thiên Chúa của ông. Ông đầu phục hoàn toàn trước quyền năng của thầy mình, Đấng mới bị giết và treo trên Thánh Giá mấy ngày qua.

Còn chúng ta thì sao?

Anh chị em thân mến,

Phần chúng ta hãy nhớ rằng: Chúa Phục Sinh không xoá đi dấu vết của thập giá. Vết thương vẫn là vết thương. Thập giá vẫn còn đó nhưng nay mang một giá trị mới. Thập giá, án phạt dành cho tội nhân nay đã biến thành Thánh Giá, nguồn ơn cứu độ cho các kẻ tin. Đó không còn là án phạt mà là hồng ân. Vì thế, cho dù hiện nay thế giới của chúng ta vẫn chứa đầy những vết thương, cụ thể là các vết thương gây ra bởi chiến tranh bên Ukraine, bởi đại dịch Covid-19 và nhiều tai ương khác, đã giết đi bao nhiêu sinh mạng, khiến cho thân nhân của họ bị tan nát cõi lòng; chưa kể đến niềm đau thương còn kéo dài trên cuộc sống của những người thất nghiệp, các trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, v.v… Chiến tranh, hoạn nạn và các tai ương vẫn xẩy đến khiến cho thế giới bị đảo lộn, sinh mạng con người bị đe dọa. Con người chìm đắm trong đau khổ và không biết nương tựa vào đâu cả!

Trước hiện tình của thế giới đầy thương tích như thế, làm sao người tín hữu có thể nhắm mắt, làm ngơ trước những vết thương của tha nhân rồi tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Cho dù, họ có nói trăm lần, vạn lần thì lời tuyên xưng đó cũng chỉ là tuyên xưng bằng môi miệng. Con người cần chạm vào những vết thương của nhau, và đó là việc làm cần thiết cho một đức tin đúng theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.

Như vậy, khi đối diện với các thương tích, đau khổ đang hoành hành khiến chúng ta tuy còn hoang mang và lo sợ; nhưng niềm lo sợ đó không làm cho chúng ta quên đi ân huệ bình an mà Chúa dành cho những ai tin cậy ở nơi Người. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hãnh diện về niềm tín thác: đó là tuy sống giữa tâm bão của hoang mang và lo sợ, nhưng không ai trong chúng ta được phép đánh mất niềm hy vọng vì ‘bình an của Chúa ‘ vẫn đang ở cùng chúng ta.

Bình an là sứ mạng mà Đức Ki-tô Phục Sinh đã đem đến.

Bình an là hồng ân của Chúa Phục Sinh đã trao ban.

Ngay trong lúc này, chúng ta hãy ra đi mà an ủi và tạo cho nhau niềm hy vọng vào Chúa Phục Sinh, Đấng vẫn đồng hành và ban cho muôn dân muôn nước ơn bình an để đón nhận và vượt qua các nỗi thống khổ vẫn đang đè nặng và đe dọa cuộc sống của chúng ta.

Sau cùng, Đức Giê-su với các dấu đinh và các vết thương còn trên thân xác, đã chết thật. Nay Người đã sống lại thật rồi anh chị em ơi! Và bình an của Chúa Phục Sinh ở cùng chúng ta luôn mãi. Alleluia, Alleluia!

Wednesday, 5 April 2023

TÂM TÌNH PHỤC SINH

 Anh chị em than mến,

Các tín hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo Đông Phuơng có một thói quen rất ý nghĩa như sau: Sau khi tham dự Thánh lễ Mừng Chúa Phục Sinh; họ trao cho nhau món quà đã được làm phép, thuờng là quả trứng. Sau đó họ chúc mừng nhau bằng cách đập vỡ trái trứng và tung hô ‘Chúa đã sống lại thật rồi, bạn ơi’. Ai cũng làm chung một động tác và cùng chia sẻ với nhau một tin vui như thế. Rồi sau hết, họ cùng cất tiếng ngợi khen “Alleluia-Alleluia! Quả thật, Đức Kitô đã sống lại”.

Có lẽ, ngày nay, thói quen tặng trứng Phục sinh đuợc phát xuất từ truyền thống này. Nói chung, ai trong chúng ta cũng mong niềm vui và hanh phúc mà Đức Kitô đã đem đến trong ngày Người Phục sinh trải dài trong cuộc sống của chúng mình.

Nhưng thực tế có được như vậy không? Sau đây là vài kinh nghiệm:

Có ông chồng kia. Sau khi tham dự Lễ vọng phục sinh, hân hoan chạy đến để chia sẻ niềm vui với bà, “em ơi, Chúa sống lại thật rồi! Hãy vui lên!” Người phụ nữ Việt Nam e dè, kín đáo, tế nhị cho nên thường mau mắn nhận hơn là cho đi. Không thấy vợ trả lời. Ông đến tủ lạnh cầm chai bia rồi tự mình mừng lễ; sau đó bèn phán ‘Bà ơi! có gì dọn ra cho tôi mừng lễ. Sao mà bếp núc nhà mình hôm nay lạnh và nguội thế này?’ Bà nhà mình đang bận rộn trong phòng, chưa kịp mừng lễ chồng mình đã nghe thấy lịnh truyền, bèn tiu nghỉu rồi nghĩ thầm ‘lại cái cảnh chồng chúa vợ tôi’, và không muốn buớc ra nữa. Bác trai của chúng mình lại đuợc phép phát lịnh tiếp; và như anh chị em tuởng tuợng thì biết rằng cuờng độ của những lịnh truyền sau không còn ngọt ngào nữa. Thế là niềm vui Phục sinh biến mất.

Chuyện của anh chị em là như thế. Giờ đến chuyện trong nhà dòng. Năm nay, tôi và các cha đã về hưu mừng lễ Phục Sinh trong tu viện. Nhà dòng chúng tôi có gần 20 cụ. Tôi phải dùng từ ‘cụ’; bởi vì ngọai trừ tôi, người trẻ nhất trong nhà cũng trên 80 tuổi xuân và ba cụ già trên 90 tuổi rồi. Các ngài đã từng đi khắp các tiểu bang, từ nông thôn đến thành thị để ‘giảng đại phúc – làm phúc’ trong các mùa chay. Và, theo thông lệ thì sau khi giảng xong, các ngài trở về nhà dòng để cùng nhau mừng lễ.

Và sau đây là một trong những kinh nghiệm mà các cha đã kể lại để nhớ lại thời còn sức khỏe ra đi chu tòan sứ vụ.

Sau khi đi giảng đại phúc Mùa chay của năm nọ, anh em trở về tu viện để mừng lễ Phục sinh. Sau khi cử hành Thánh lễ xong; trong khi chờ đợi xuống phòng ăn, anh em tụ họp trong phòng chung, ngồi ‘tám’ và chia sẻ cho nhau đủ chuyện xẩy ra trong muà đại phúc. Tay bắt mặt mừng, trên mặt anh em hiện rõ niềm vui mỗi khi có dịp gặp nhau. Cả nhà tràn ngập tiếng cuời như pháo nổ, nhôn nhịp như đại lễ (phải rồi, lễ Phục sinh mà). Anh em cứ vui cho đến lúc cha bề trên xuất hiện truớc của chính của phòng chung. Ngài đứng đó im lặng và quan sát cho đến khi phát hiện ra là chẳng ai để ý đến sự hiện hiện của mình; ngài liền phán ‘be quiet, please – xin anh em im lặng’. Giọng ngài hơi lớn khiến một số anh em cũng giật mình và đương nhiên bầu khí đang vui vẻ biến thành nặng nề. Sau đó, Ngài mới công bố “This is the day that the Lord has made; let us rejoice and be glad – Đây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan.” Anh em đáp Amen; nhưng bầu khí vẫn nặng nề.

Niềm vui của ngày lễ là những cảm nghiệm sống của mỗi người. Không ai có thể trao ban và áp đặt trên người khác điều họ không có hay là chưa có.

Làm sao tôi có thể đến với vợ chồng anh bạn đang ngồi ôm xác con để trao cho họ lời chúc là hãy vui lên vì Chúa đã sống lại thật rồi! Cuộc sống hiện tại của họ là những ngày buồn thảm của đồi Can-vê!

Khi suy nghĩ đến hòan cảnh của họ, tôi chợt nhận ra rằng ‘nếu không tiến vào sự chết thì làm thế nào biết sống lại là gì! Nếu không cảm nhận đuợc niềm vui của Chúa Phục sinh thì những lời chúc cho nhau mãi mãi chỉ là lời cầu chúc suông; chưa dám nói đến hai chữ ‘sáo ngữ’.

Tuy nhiên trong những lần đi mục vụ thăm viếng và ruớc Mình Thánh Chúa cho các người già cả, đau ốm trong các viện duỡng lão. Tôi nhận ra được một điểm là dù tình trạng sức khỏe của họ như thế nào: bị bịnh lãng trí; bị tê liệt hay mất khả năng giao tiếp vì hậu quả của các cơn stroke… Nhưng khi chúng tôi tôn vinh Mình Thánh Chúa để mời họ đón nhận thì hầu hết mắt của họ sáng ngời niềm tin. Điều này giúp cho chúng tôi biết rằng Thân Thể Chúa Phục Sinh chính là nguồn hy vọng của họ.

Rồi có những cụ, truớc đây rất sợ chết, nay hòan tòan đổi khác. Họ huớng về tương lai – tuơng lai gì trong hòan cảnh sống của họ; phải chăng chỉ là một nấm mồ - bằng niềm hy vọng. Họ hết sợ rồi, sẵn sàng và hân hoan ra đi. Phục sinh là ở đó.

Cụ thể, tôi biết hai cụ kia sống và quen nhau trong viện duỡng lão. Thấy sự liên kết và gắn bó của họ, chúng tôi mới tự hỏi nhau rằng, không biết cuộc sống còn lại của họ sẽ ra sao sau khi 1 trong 2 người bị cất đi. Không ngờ, đó cũng là điều trăn trở của họ truớc đây… Nhưng mới gần đây, họ đã thay đổi và xác tín rằng ai đi truớc cũng không sao, vì họ biết rằng người đi truớc sẽ chờ người đến sau. Họ sẽ gặp lại nhau. Niềm tin vào sự sống lại giúp họ đạt đuợc niềm xác tín như thế.

Bản thân tôi, mỗi khi cử hành hay tham dự các nghi thức phụng vụ trong Tuần Thánh và Phục sinh, tôi tự hỏi mình rằng các biến cố đó đã ảnh huởng, tác động và làm cho cuộc sống tôi thay đổi ra sao? Tạ ơn Chúa là tôi không có những thay đổi nào đáng kể; vẫn còn bị bám víu bởi các đam mê; vẫn còn cảm thấy thích thú khi đuợc trao quyền (chẳng biết để phục vụ hay chỉ huy – miễn có quyền là thích rồi); vẫn bực tức khi ý định của mình không đuợc đón nhận; vẫn còn muốn làm tôi sự tội và còn bao nhiêu lầm lỗi phát sinh từ sự mỏng dòn của thân phận làm người; vẫn còn đủ mọi thứ tham! Tuy nhiên, tôi không mất hy vọng và vẫn hiên ngang tiến về phía truớc với niềm cậy trông vững vàng là cho dù cuộc sống của tôi sẽ tiếp tục như thế hay tệ hơn thế nữa thì Chúa vẫn thương yêu tôi.

Sau cùng, tôi xác tín rằng Chúa đã đến để chúng ta có sự sống và được sống dồi dào. Người đã thắp lên trong cõi lòng chúng ta niềm vui mừng và hy vọng, bởi vì thập giá của Người là nguồn ơn cứu độ và cách sống của Người là con đường dẫn tới phục sinh.

Hãy hân hoan bước theo Người và hãy vui mừng được thuộc về Người. Chính trong chiều hướng đó mà tôi xin cầu chúc cho anh chị em, mỗi người một lễ phục sinh đầy vui mừng và hy vọng.

Sống lại là đổi mới, là vui tuơi, là hy vọng… Vì vậy, chúng mình hãy vui lên! Vì Chúa đã sống lại trong cách thức sống của mình rồi - Alleluia, Alleluia.