Anh chị em thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại các việc xẩy ra
cho hai môn đệ trên đường đi Em-mau. Câu chuyện này rất thú vị, giống như một
tin vui xuất hiện để cất đi những phiền muộn có thể dẫn đến tuyệt vọng. Nó đã như
một luồng sáng chiếu tỏa và làm tan đi lớp mây mù ngăn cản các môn đệ nhận ra
Thầy mình. Nó không chỉ nói đến việc nhận ra Đức Giê-su phục sinh của hai môn đệ
mà còn của mỗi người chúng ta nữa.
Thật thú vị khi nhận ra việc Thánh sử chỉ nhớ
tên một môn đệ, Clê-ô-pát, còn tên người môn đệ thứ hai thì không được nhắc đến.
Phải chăng đây là chủ ý của Thánh sử để mỗi người chúng ta có thể tự đặt mình
vào vị trí của người môn đệ thứ hai này. Nói khác đi, kinh nghiệm gặp gỡ Đức
Giê-su phục sinh của các môn đệ trên đường Em-mau mãi mãi là kinh nghiệm cần phải
có của mỗi người chúng ta, môn đệ của Chúa trong mọi thời.
Đối với những môn đệ trên đường đi Em-mau,
tương lai của họ thực sự rất đen tối. Trước đây, trên hành trình theo Chúa, họ
đã nhìn nhận Người là một ngôn sứ đầy uy quyền. Họ đã không sai lầm khi đặt trọn
niềm hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Thế mà Người lại
chết, và cho đến nay đã sang ngày thứ ba rồi! Dù có mấy phụ nữ ra thăm mộ về
báo tin là họ đã không còn thấy xác của Thầy đâu nữa nhưng họ vẫn không tin.
Tin tức về sự xuất hiện của Thầy chỉ làm cho họ càng thêm hoang mang. Chính mắt
họ đã nhìn thấy cảnh người ta chôn xác Chúa. Thế là hết! Bao nhiêu hy vọng ở
nơi Chúa giờ này bị chôn vào ngôi mộ của Người. Đối với họ thế là hết.
Sau cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, họ
cảm thấy tất cả đã mất. Họ đã mất thời gian và nỗ lực trong mấy năm qua, giấc
mơ đã tan thành mây khói. Họ cần làm lại từ đầu. Họ cần hoạch định một dự án cho
tương lai. Tuy rằng như thế, có một chi tiết thật thú vị mà chúng ta không nên
bỏ qua, đó là hai môn đệ vừa đi vừa nói về những gì vừa xẩy ra cho Đức Giê-su. Như
vậy, tuy không còn hy vọng nhưng hai môn đệ trên đường Em-mau vẫn khao khát tìm
kiếm một lời giải thích cho tất cả sự việc vừa mới xẩy ra.
Trong khi hai môn đệ đang bàn tán thì Đức
Giê-su đến và cùng đi với họ. Theo Thánh Luca cho biết thì đó là Đức Giê-su,
còn các môn đệ lại không nhận ra Người. Khi Đức Giê-su lên tiếng thì họ dừng lại
và với vẻ buồn phiền họ đã kể cho Người biết về những chuyện vừa xẩy ra.
Chúng ta hiểu được nỗi buồn phiền của các môn
đệ. Nỗi buồn phiền về những gì vừa xẩy ra. Tất cả đều diễn ra không theo ý muốn
của họ. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ không nhận ra người đang đi với họ là
Đức Giê-su. Người đã đến và mở lời trước để trò chuyện với họ. Cách hành xử của
Clê-ô-pát rất thật khi ông đã nói cho người khách lạ biết về những ý nghĩ và
tâm tư của họ về những việc vừa xẩy ra tại Giê-ru-sa-lem. Họ đã bị bí lối.
Đến đây, người khách lạ mà hai môn đệ nghĩ rằng
ông ta không biết những gì vừa xây ra lại là người cầm chìa khóa mở cho họ nhận
biết những điều bí nhiệm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa muốn Đức
Giê-su thực hiện. Bắt đầu từ Mai-sen, người khách lạ trích dẫn các lời tuyên bố
của các ngôn sứ, từ từ tiết lộ kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.
Kinh thánh có sức mạnh như một dòng điện và được
Thần khí kích hoạt và hướng dẫn. Có lẽ những gì mà người khách lạ nói hôm nay
cũng không khác gì những gì mà Đức Giê-su đã giảng dậy khi còn sống với các
ông. Nhưng hôm nay các ông nghe và đón nhận bằng một chiều kích mới cho nên
lòng các ông mới được bừng cháy lên. Ngọn lửa của Thánh linh đã thiêu đốt tâm hồn
và xóa tan đi những u mê để họ nhận ra ý nghĩa của Lời Chúa. Từ đó, họ bắt đầu
hiểu con đường đau khổ và thập giá của Đức Giê-su dưới ánh sáng hoàn toàn mới.
Họ thấy đó không phải là một thảm họa, một sự thất bại mà là khởi đầu của một
thời đại ân sủng mới.
Đang
say mê nghe giảng giải, lòng trí của họ được khai sáng thì trời đã tối. Hai môn
đệ nài ép Đức Giê-su ở lại với họ. Việc này nói lên lòng quảng đại và say mê lắng
nghe lời Chúa của các môn đệ. Về phần Đức Giê-su, sau khi sống lại, Người hiện
diện theo cách thức của Người. Người không ép buộc ai nhưng chờ một lời mời. Như
một khách lạ, Người đứng bên cửa rồi gõ, ai mở ra đón nhận thì Người bước vào
và dùng bữa với họ.
Sau đó, để đáp lại lòng quảng đại và tâm hồn
hiếu khách của hai môn đệ, Đức Giê-su trong khi đồng bàn, Người đã cầm lấy
bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ. Tất cả các cử chỉ này
quá quen thuộc làm cho các môn đệ nhớ lại việc Thầy mình đã làm phép lạ Bánh
Hóa Nhiều để nuôi ăn 5000 người, nhớ lại cử chỉ của Chúa trong bữa Tiệc Ly.
Nhìn thấy các cử chỉ đó, mắt họ liền mở ra và lập tức nhận ra Người. Cử chỉ của
Chúa Giê-su lúc Người bẻ bánh là một chi tiết khá hấp dẫn, mang một nét đặc thù
mà chỉ có Chúa mới làm được. Cử chỉ nhắc lại tinh thần tự hiến của Chúa mà các
môn đệ đã trải nghiệm. Vì thế, hai môn đệ nhận ra Người.
Anh chị em thân mến,
Câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau có thể
áp dụng cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Chúng ta có thể thấy mình trong hai người
khách lạ, mệt mỏi đi về Em-mau. Niềm tin và hy vọng đã mất, tương lai mà họ hy
vọng bây giờ đã sụp đổ. Tuy nhiên, họ đã gặp một người bạn vô danh đang đi trên
đường với họ, người lữ khách mà họ chưa từng quen biết đã cho họ một cái nhìn
sâu sắc và kết nối thế giới mới với thế giới mà họ biết.
Em-mau không còn là đích điểm mà họ nhắm đến.
Với lòng vui sướng, thanh thoát họ hân hoan trở về nơi mà các bạn của họ đang
chờ, đó chính là Giê-ru-sa-lem. Nghĩ đến đó, họ lập tức lên đường trở về.
Giống như tâm trạng của người con đi hoang, chỉ
nghĩ đến nhà nơi có hình ảnh của Cha khiến anh không thể chần chừ được nữa, cần
lên đường về nhà ngay. Các môn đệ cũng thế, nhận ra Thầy là niềm vui cả thể. Họ
không còn muốn nán ở lại Em-mau thêm một giây, một phút nào nữa. Họ khởi hành
và trên đường về Giê-ru-sa-lem, tâm tư của họ không còn nặng chĩu và buồn chán
nữa. Trái lại, họ nhận ra trong khi chia sẻ của ăn với Chúa tại Em-mau, họ nhớ
lại một trải nghiệm trước đây họ đã chứng kiến khi Chúa nuôi ăn 5000 người
trong bữa tiệc bẻ bánh ra nhiều. Họ nhận ra Người.
Thật vậy, sự hiện diện của Chúa đã chạm đến
cơn đói sâu thẳm nhất của họ, và của ăn mà Chúa chia sẻ tại Em-mau không chỉ là
của ăn vật chất mà là thức ăn giúp họ mở rộng tâm hồn và thân xác để đón nhận. Và,
tất nhiên, đó là cách thức Người hiện diện, trong Bí tích Thánh Thể, nơi việc bẻ
bánh. Và đây chính là ý nghĩa mà việc bẻ bánh của Chúa Giêsu muốn dành cho họ
sau khi Người phục sinh. Người sẽ hiện diện một cách thức như thế cho đến ngày
Người lại đến trong vinh quang.
Trong tâm tình đó, những lời của Người nói, cử
chỉ Người làm trong bài Tin Mừng hôm nay chạm đến trái tim chúng ta, cho chúng
ta thêm can đảm, kiên tâm, hy vọng và tiếp tục kéo chúng ta lại gần Chúa và gần
nhau nhiều hơn nữa. Như vậy, tại bất cứ nơi nào mà chúng ta lắng nghe Lời Chúa
và cùng nhau chia sẻ bữa tiệc lòng mến thì có Chúa hiện diện, không hẳn chỉ tại
các nơi thờ phượng. Thiết yếu là niềm tin và lòng mến mà chúng ta noi gương Đức
Giê-su sẵn sàng san sẻ cuộc đời cho nhau thì sẽ gặp Chúa. Amen!
No comments:
Post a Comment