Wednesday, 27 September 2023

GIỮA CÓ VÀ KHÔNG, TA CHỌN LỐI SỐNG NÀO?


Trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu trình bầy hai hình ảnh tương phản của hai người con. Cả hai người con đều được người cha đối xử thật thân tình. Ông cha đã cho cả hai cậu con một cơ hội tham gia vào sứ mạng làm cho vườn nho được phát triển. Tuy nhiên, đáp trả của hai người con lại không giống nhau. Người con thứ nhất, miệng thơn thớt thưa vâng nhưng lại không làm, còn người thứ hai, tuy đã nói không nhưng sau đó anh ta nghĩ lại và đã hồi tâm, thay đổi cách sống mà ra làm việc cho cha.

Đối với Thánh Matthew, sự tuơng phản trong lối sống của hai người đuợc thể hiện trong cộng đoàn của Ngài: Một bên là quí vị có chức tước, miệng nói có nhưng tâm hồn lại đóng kín với những giáo huấn mới của Chúa Giê-su. Còn người con thứ hai là hình ảnh của những người bị xếp vào hạng tội lỗi, đã nói không nhưng nay được thay đổi và xin vâng theo lời dậy bảo của Chúa. Họ là những người tuy miệng nói không nhưng lòng vẫn tìm kiếm để vâng nghe tiếng Chúa.

Mở đầu bài Tin Mừng, Chúa Giêsu hỏi các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao?” Lối đặt vấn đề của Chúa nhằm nhắc nhở họ phải thay đổi cách sống. Họ hãnh diện về lối sống mẫu mực của họ. Họ chủ truơng rằng những gì mà họ đang có như tiền tài, danh vọng, vị trí trong cộng đoàn là phần thuởng và dấu chỉ mà Thiên Chúa phải trao ban để tưởng thưởng cho các việc lành phúc đức và lối sống chu tòan lề luật của họ. Và, với lối sống tuân phục mọi điều khoản trong lề luật dậy bảo thì họ đã trở thành guơng sáng cho nguời khác. Cuộc sống của họ đã đạt đến mức hòan hảo, đâu còn khiếm khuyết mà cần phải thay đổi.

Theo quan niệm và mẫu mực sống đạo của họ thì người cần đuợc thay đổi trước tiên là chính Đức Giê-su. Người xưng mình là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa mà chẳng hề tuân theo luật lệ và các tập tục của cha ông dậy bảo thì nói ai tin; do đó theo quan niệm của họ thì Chúa cần sửa đổi và noi guơng họ!

Nhưng Chúa đã phản đối lối sống vụ luật, dựa vào hình thức của họ và xác định rằng: Trong Nước Thiên Chúa, những ngươì thu thuế, hạng tội lỗi mà họ đã khai trừ ra khỏi cộng đoàn lại là những người chọn lựa đúng. Đám dân đen ít học này đã mở lòng ra để đón nhận lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả và của Chúa, hối cải và trở về đường ngay nẻo chính. Còn họ thì không, cố giữ và ôm chặt lấy truyền thống để bảo đảm cho ngai vàng và nguồn lợi của họ.

Thay đổi lối sống để trở về nẻo chính đường ngay không phải là việc dễ dàng! Nếu có cơ hội, anh hay chị hãy nghiệm lại trong cách sống, chúng ta đã thay đổi đuợc gì! Giả như, nếu có thì cũng chỉ là các thay đổi đem lại lợi ích riêng cho bản thân và gia đình mình. Sau đây là một kinh nghiệm.

Cách đây mấy năm, trong chuyến về thăm thân nhân bên Việt Nam, tôi đã gặp lại gia đình người bạn, sau bao năm xa cách, đời sống của anh chị khá giả và sung túc hơn xưa. Tuy nhiên, cuộc sống mà họ đang thụ huởng cũng phải trả một giá rất đắt và thật chua xót. Anh chị biết điều đó và thản nhiên chia sẻ rằng: Xin cha thông cảm cho cuộc sống của gia đình tôi. Sống đạo trong hoàn cảnh của chúng tôi là điều một điều thật khó khăn; vì nếu phải thay đổi lối sống sao cho phù hợp với niềm tin thì cuộc sống của chúng tôi sẽ khó khăn hơn, sẽ nghèo lắm. Tiêu chuẩn và nếp sống của thế gian thì khác xa đòi hỏi của Nước Thiên Chúa.

Nghe xong tâm sự và trăn trở của người bạn, tôi nhận ra mình cũng như thế. Anh bạn đã nói ra tâm tư của cõi lòng, khó khăn trong việc sống đạo, những điều anh nói thật đáng quí, đáng trân trọng vì anh dám nói thật. Cho dù cuộc sống chưa kiện toàn, nhưng nhìn nhận vị trí của chính mình là bước đầu của sự thay đổi rồi, còn khi nào anh mới đổi thay là việc của Chúa. Anh chị biết điều cần làm. Anh chị còn biết nỗi yếu đuối của bản thân. Hy vọng, một ngày nào đó, với ơn Chúa, anh chị can đảm thực hiện điều mà anh chị xác tín. Ước nguyện của tôi chỉ có thế!

Anh chị em thân mến,

Thái độ của hai người con trong câu chuyện hôm nay nhắc nhở thêm cho tôi một hiện tuợng đang xẩy ra cho các gia đình công giáo. Tôi được nghe kể lại rằng: các bậc phụ huynh thuờng than phiền về việc các cháu bê trễ trong việc phụng tự. Các cháu ít hay hầu như không đọc kinh sáng tối! Các cháu cũng ít tham dự các Thánh Lễ Chúa nhật; may ra một năm được l hay 2 lần. Nói đến ‘lễ buộc’ thì các cháu phản ứng khá gay gắt như ‘xã hội hôm nay, làm gì còn việc ép buộc. Tự nguyện mới có giá trị, tham dự chỉ vì bị bắt buộc thì còn có ích lợi gì!’

Tôi thông cảm cho các nỗi lo âu của quí phụ huynh. Tôi cũng không bàn bạc về những suy nghĩ của các cháu là đúng hay sai? Vẫn biết lo lắng cho tương lai của con cái là bổn phận và ước mơ của cha mẹ. Nhưng, điều chúng ta lo có thay đổi gì trong cuộc sống của các cháu! Nhiều khi, chúng ta lo quá, lo đến mức làm mất đi niềm tin nơi các cháu. Điều đó có ích lợi cho các cháu hay không?

Ngoài các mặt tiêu cực mà các cháu đang làm cho bố mẹ phải đau đầu nhức óc nói trên, tôi lại đuợc nghe quí phụ huynh kể lại việc các cháu tham gia các đoàn bác ái, các nhóm y tế … đi đến các nuớc nghèo thăm hỏi, cứu trợ và làm các việc thiện nguyện hầu giúp đỡ và xoa dịu các vết thuơng của những nguời thiếu may mắn hơn con cái của quí vị. Một điều đáng quí và đáng ngưỡng mộ là tiền vé máy bay và những khoản chi tiêu cần thiết cho chuyến đi thiện nguyện cũng do bàn tay của các cháu làm và để dành.

Tham gia vào các công tác xã hội, quan tâm và giúp đỡ người nghèo của các cháu thật đáng khích lệ và tán thuởng. Phải chăng các cháu là những người con đã trả lời không với kiểu sống nhàm chán của lề luật, những nghi thức máy móc của các nghi lễ và lối sống đạo hoành tráng và phô truơng thanh thế của chúng ta. Việc làm của các cháu thực tế và phù hợp với tấm lòng của các cháu: lo và quan tâm cho kẻ khác. Các cháu có thể là hạng người, tuy miệng nói KHÔNG, cuối cùng lại làm CÓ; từ bỏ để bước ra ‘ngoài đồng’ làm các việc tông đồ giúp đỡ những kẻ khốn cùng.

Lắng nghe, đón nhận Tin Mừng rồi hối cải ra ngoài đồng thực hiện ý Chúa là tiến trình cần theo. Còn nếu chỉ biết dựa vào công nghiệp, hệ thống lề luật mà đòi thuởng công thì quả giống như người con chỉ biết nói vâng vâng dạ dạ, còn lòng đã bị đóng kín. Lòng đã đầy ‘CÁI TÔI’ thì còn chỗ nào trống để mở ra cho tha nhân và làm thế nào đón nhận đuợc Tin Mừng. Trong khi đó, bọn dân đen ít học, có thể là nạn nhân của hệ thống giáo điều mà hàng ngũ lãnh đạo đặt ra, tuy nghèo nàn và thiếu thốn tất cả; nhưng lại dễ mở lòng ra để đón nhận CHÚA VÀ TIN VUI CỨU ĐỘ CỦA NGUỜI.

Ðức Giêsu không có cái nhìn như chúng ta. Người yêu thương những người tội lỗi biết sám hối trở về. Người thường nói: "Ta không đến để kêu gọi những người công chính mà là người tội lỗi. Và “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” Người kiên tâm chờ đợi và hy vọng chúng ta hối cải. Dù đã nói KHÔNG nhiều lần, nhưng chỉ cần một lần thưa CÓ và cố gắng thể hiện trong cuộc sống thì cũng thật xứng đáng để được Cứu độ.

Như vậy, việc sống đạo và chu toàn Thánh ý của Thiên Chúa không chỉ dựa vào lời nói; nhưng bằng hành động. Một trong những việc làm quan trọng mà chúng ta cần thực hiện là nhận biết chính mình, sửa đổi để lệ thuộc vào quyền năng của Thiên Chúa. Đây chính là hồng ân. Chỉ có hồng ân và tình thương của Chúa mới giúp con người thay đổi, nên hoàn thiện và sống đúng giáo huấn của Chúa mà thôi. Amen!

Wednesday, 20 September 2023

BẠN GHEN VÌ LÒNG TỐT CỦA CHÚA SAO?


Anh chị em thân mến,

Dụ ngôn thợ làm vườn nho là một trong những hình ảnh về Nước Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã dùng lối kể truyện để giảng dậy cho người cùng thời với Người. Họ nghe xong câu chuyện liền hiểu ý của Chúa. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Một vài chi tiết về văn hóa, phong tục và thói quen của những người cùng thời với Chúa sẽ giúp chúng ta trong việc suy niệm bài Tin Mừng hôm nay.

Trước tiên, theo thống kê chúng ta được biết tỷ lệ con số những người không có công ăn việc làm rất cao vào thời Đức Giê-su. Tình trạng này kéo dài đến khi Tin Mừng được biên soạn. Họ thường tụ họp tại các trung tâm thương mại hay các ngã tư đường để chờ được thuê mướn. Đúng như cách thức mà dụ ngôn mô tả, công việc của họ thường bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Và tiền công của họ nhận được trong một ngày là một quan tiền. Số tiền này đủ trang trải chi phí cho một gia đình.

Về phía ông chủ, ông có cần phải chia ra nhiều thời điểm trong ngày để mướn thợ như trong dụ ngôn đã mô tả hay không? Bởi vì, theo lẽ thường tình thì một ông chủ khôn ngoan trong việc kinh doanh là một con người biết tính toán số thợ cần làm trong ngày chứ không chia nhiều giai đoạn để thuê nhân công như thế. Vậy, việc thuê mướn thợ theo từng giai đoạn như trong dụ ngôn này mang ý nghĩa đặc biệt gì? Có lẽ chúng ta nên chờ đến lúc ông chủ trả lương sẽ thấy rõ ý định của ông hơn.

Việc trả lương theo thứ tự của ông chủ cũng buộc người nghe có phản ứng khác. Giả như ông gọi nhóm đầu tiên đến và trả cho họ theo đúng hợp đồng, rồi họ ra về thì chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng ông lại trêu chọc người nghe bằng cách trả một quan tiền cho những người được thuê sau cùng, thì những người thuộc nhóm được mướn trước phải có ý nghĩ là họ sẽ được đối xử một cách công bằng và thỏa đáng so với công sức mà họ đã vất vả đổ ra từ lúc 3g chiều, 12 giờ trưa, 9 giờ và 6 giờ sáng. Họ căn cứ vào cách đối xử của ông chủ với nhóm sau cùng và suy luận rằng họ làm nhiều thì sẽ được tiền công nhiều hơn. Sau cùng, họ giận vì ước muốn và ý nghĩ của họ không được đáp trả.

Thứ tự trả lương và việc thuê nhân công của ông chủ khiến chúng ta phải suy nghĩ rằng không có một ông chủ nào lại làm như thế cả. ‘Nhưng như thường lệ, các tình tiết trong câu chuyện mà Đức Giê-su kể thường có yếu tố khác lạ để kích thích phản ứng của người nghe. Như thế, những tín hữu mà Thánh Mát-thêu nhắm đến, cả chúng ta nữa khi nghe dụ ngôn này thì sẽ nhận ra sứ điệp của dụ ngôn: Thiên Chúa rất công bằng, tuy nhiên sự công bằng của Thiên Chúa không bị bó buộc theo lối tính toán của con người và cũng không làm giảm bớt sự rộng lượng của Thiên Chúa. Người muốn ban cho ai tùy theo ý muốn của Ngài. Và không có luật nào buộc Thiên Chúa phải tuân thủ theo ý muốn của con người.

Thật vậy, ngay từ ngày đầu tiên được đón nhận Tin Mừng, cộng đoàn của Thánh Mát-thêu bao gồm các tín hữu gốc Do Thái và dân ngoại. Họ đã phải đối diện với các vấn đề như được trình bầy trong bài Tin Mừng hôm nay. Những người tín hữu đạo gốc, cậy mình có tổ phụ là A-bra-ham, I-sa-ac và có một truyền thống lâu dài được xây dựng, bồi dưỡng bởi các ngôn sứ thì đương nhiên họ phải được phần thưởng cao hơn và nhiều hơn nếu so với đám dân ngoại mới nhập đạo chứ. Thế mà những người mới gia nhập lại được hứa hẹn là sẽ có phần thưởng như những người đã vất vả từ lúc tảng sáng đến giờ thì làm gì có công bằng! Ai mà chịu được lối cư xử như thế!

Ngày nay, lối suy nghĩ dựa trên tiêu chuẩn so sánh rồi phân bì và ghen tỵ này vẫn còn. Mình là đạo gốc, được sinh ra và thuộc dòng giống của các Thánh Tử Đạo, thế mà giờ đây lại bị xếp ngang hàng với những người mới nhập đạo, thậm chí còn có cả những người mang tiếng là “đạo vợ” hay “đạo gạo” như câu mà chúng ta nghe dạo nào “theo đạo có gạo mà ăn!” thì ai chịu nổi! Nhưng thật là trớ trêu, kết quả cho thấy những người tân tòng lại có niềm tin sâu sắc và bền vững hơn dân đạo gốc chúng mình!

Anh chị em thân mến,

Câu chuyện trong dụ ngôn hôm nay còn nhắc cho chúng ta nhớ rằng sự thèm muốn và ghen tị gắn liền với cuộc sống của con người. Chúng ta thèm muốn những gì Chúa ban cho người khác hơn mình. Vì thế, khi suy tư trình thuật hôm nay, tôi nhìn ra chính mình trong câu chuyện. Tôi vẫn còn phân bì, ước muốn và ghen tỵ trong cách cư xử và lối sống của tôi. Nhiều lần không nói ra, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn bực bội, đố kỵ và ghen tương với những gì mà người khác nhận được từ Chúa. Như vậy, không phải chỉ có một CÓ mà là BA CÓ: CÓ đố kỵ, CÓ ghen tương và CÓ phân bì.

Tôi chủ trương viết hoa chữ CÓ để nhắc nhở mình phải dè chừng, đừng để cuộc sống bị tính phân bì và đố kỵ làm chủ. Môt cách cụ thể, tôi xin phép thú nhận rằng: tôi, đã nhiều lần, chứng kiến sự thành công và thăng cấp của người khác, ngoài miệng nói lời chúc mừng mà trong lòng vẫn không được vui chút nào, thậm chí lại nghĩ rằng tôi mới là người xứng đáng để đứng vào vị trí đó! Không chỉ có thế, còn mong cho người đó thất bại để thỏa tính ghen tị và không muốn ai hơn mình của tôi.

Tuy nhiên, Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay không lên tiếng khiển trách hay phản đối cách suy nghĩ của những người cằn nhằn lối cư xử của Người. Đức Giê-su nhẹ nhàng và tế nhị nhắc cho họ biết là ông chủ chưa hề đối xử bất công với họ. Ông có quyền và tự do trong cách quản lý và phân chia tài sản. 

Thật vậy, Chúa chưa hề đối xử bất công với ai trong chúng ta. Chúa thật quảng đại khi rộng ban cho chúng ta hơn những điều chúng ta dám ước mong hay cầu xin. Câu hỏi “Tôi không được phép làm những gì tôi chọn với những gì thuộc về tôi? Hay bạn ghen tị vì tôi rộng lượng?” làm nổi bật điểm chính của dụ ngôn, đó là ân huệ, lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa là sở hữu của Ngài và Ngài muốn sử dụng như thế nào thì tùy ý Ngài, chúng ta lấy quyên gì mà so sánh, phân bì, đố kỵ và ghen tương!

Thưa anh chị em,

Chúng ta hãy nhớ rằng được kêu gọi là thành viên trong gia đình của Thiên Chúa là một vinh dự, là một hồng ân được trao ban từ Thiên Chúa. Người không trả công cho chúng ta để làm việc cho Người. Trái lại, những gì chúng ta có, toàn là quà tặng của Người trao ban.

Hẳn anh chị em còn nhớ lời cầu xin của người anh cả trong dụ ngôn Tình phụ tử trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca ‘xin hãy đối xử với con như người làm công của Cha’ đã được Đức Giê-su sửa thành ‘con không biết mọi sự của Cha là của con hay sao.’ Anh chỉ muốn là người làm công còn Chúa lại muốn anh nhớ rằng, tương quan Cha - con mới là mối dây đích thật mà Thiên Chúa muốn anh thiết lập và xây dựng.

Từ đó chúng ta biết rằng Thiên Chúa không trả công cho chúng ta khi cho phép chúng ta làm việc để mở mang Nước Chúa. Bổn phận đó là một hồng ân, một sự tín thác trong yêu thương, phát sinh từ lòng rộng rãi của Thiên Chúa, Người muốn ban cho chúng ta những gì mà Chúa muốn chúng ta đón nhận. Và chúng ta gọi đó là quà tặng.

Nếu anh hay chị muốn tặng một thứ gì đó cho người khác với kỳ vọng hoặc hy vọng rằng họ sẽ làm điều gì đó cho anh chị để đổi lại thì đó không phải là một món quà mà đó là một khoản đầu tư; thậm chí và tệ nhất có thể coi là hối lộ.

Quà tặng được trao ban nhưng không, hoàn toàn miễn phí. Nếu anh hay chị nghĩ rằng mình xứng đáng nhận được thứ gì đó và sau đó nhận được nó thì đó không phải là một món quà mà là một khoản thanh toán mà mình được hưởng hay có thể coi như hoàn trả lại một thứ mà chúng ta đã khẳng định trong lòng từ trước.

Quà tặng không mang tính chất giao dịch. Chúng ta không thể kiếm được quà tặng, chúng ta chỉ có thể nhận được chúng.

Như vậy, chúng ta có quyền gì mà ghen tị khi Thiên Chúa thể hiện lòng tốt lành và rộng lượng trong việc trao ban tặng vật cho con người hay sao?

Tốt nhất là chúng ta không nên so sánh, phân bì rồi ghen tương. Hãy noi gương tấm lòng quảng đại, nhân từ, yêu thương và luôn tha thứ của Thiên Chúa. Hãy nhớ lại cách cư xử của ông chủ trong dụ ngôn. Ông đã không làm thiệt hại đến ai và cũng không ăn bớt của ai. Trái lại, ông đã quan tâm đến từng người, bằng cách cung cấp cho họ và gia đình những gì họ cần để sống. Chỉ có như thế, chúng ta mới chấp nhận, không ghen tương và không phân bì với nhau. 

Vì vậy, với tâm tình tạ ơn, chúng ta tán dương và ca tụng lòng rộng ban của Thiên Chúa, Đấng đã ban phát cho chúng ta, không chỉ đủ dùng, còn dư dật để làm quà cho người khác nữa. Amen!

Wednesday, 13 September 2023

THA NHƯ CHÚA THA!


Trong lúc suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ lại vụ tai nạn đã xẩy ra tại Sydney khoảng hơn ba năm trước đây. Mời anh chị em cùng ôn lại biến cố tang thương đó. Vào chiều tối Thứ Bẩy, ngày 1 tháng 2 năm 2020, tại thị trấn Oatlands, thành phố Parramatta, phía Tây Sydney. Một ông tài xế đã uống rượu quá chén, không kiểm soát được tay lái nên đã đâm vào đám trẻ em đang đi trên vệ đường khiến cho ba em nhỏ của gia đình Abdallah, Anthony lớn nhất 13 tuổi, Angelina 12 tuổi và Sienna, em nhỏ nhất mới được 8 tuổi bị chết thảm; cô em họ, Veronique Sakr cũng bị chết tức tưởi trong vụ tại nạn đó.

Tôi thật bàng hoàng và xúc động khi nghe đến biến cố tang thương này. Với lòng kính trọng, tôi cảm phục tấm lòng can đảm, vị tha và bao dung của người mẹ, chị Leila Abdallah, đang đau khổ vì sự mất mát quá tang thương khi mất đi ba người con. Chị đã tuyên xưng: “Từ tận đáy lòng, tôi sẵn sàng tha thứ cho người gây ra tai nạn. Tôi không ghét anh.” Và Daniel chồng của chị, cha của ba em nhỏ, trong nước mắt thổn thức nói: “Các con của chúng tôi đã đến một nơi tốt hơn!”

Chị đã trở thành tấm gương sáng lạng với một con tim thật vĩ đại khi tha cho kẻ đã giết ba người con của chị. Một đứa con chết thảm đã như một lưỡi gươm đâm vào trái tim của chị, thế mà chỉ trong một khoảnh khắc ba người con và một đứa cháu của chị đã chết thảm khốc. Còn niềm đau nào hơn nỗi đau mà chị đang phải gánh chịu. Thế mà, chị đã không oán thù, trái lại đã tha thứ cho kẻ đã gây ra nỗi đau đoạn trường mà gia đình chị đang phải gánh chịu. Vì thế, tôi khâm phục tấm lòng bao dung và sự tha thứ của chị, nó xuất phát từ mối quan hệ giữa gia đình chị với Chúa, như lời chị nói “tôi có thể làm được như thế vì tôi và gia đình luôn có mối quan hệ thân mật với Thiên Chúa, Đấng mà tôi mến yêu.”

Thưa anh chị em,

Tha thứ là chủ đề mà chúng ta cùng nhau suy niệm hôm nay. Tha thứ cần được áp dụng trong mọi tầng lớp của xã hội mọi thời. Hơn bao giờ hết, con người ngày hôm nay cần tha thứ cho các lỗi lầm của nhau.

Tha thứ là một trong các môn học mà chúng ta đã học từ thủa ấu thơ, bây giờ đang học và sẽ còn học cho đến hết đời. Khi còn nhỏ, chúng ta dễ dàng tha thứ cho nhau. Trẻ con nô đùa nghịch ngợm đụng đến nhau là chuyện thường tình. Đau quá, nổi nóng chỉ muốn quại vào mặt nhau. Nhưng khi nghe thấy tiếng “tôi xin lỗi” từ trong miệng của bạn phát ra thì chúng ta sẽ nguôi cơn giận và sẵn sàng đáp trả “không sao hết, tôi tha thứ cho cậu.” Thế là huề cả làng.

Đến khi lớn lên, học khôn đủ thứ. Nhưng chỉ có việc tha thứ là học mãi không xong. Học mãi mà vẫn chưa thực hiện được. Chúng ta có biết đâu khi tha cho tha nhân là tha cho chính mình. Giận hờn và ghen ghét chỉ làm cho mình thêm đau khổ. Đã bao nhiêu đêm mất ngủ, trằn trọc chỉ vì giận hờn, ghen ghét rồi tính kế nhằm trả thù và triệt hạ nhau.

Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng, việc tha thứ rất tốt cho người ban phát nó, tha thứ cho kẻ hại mình sẽ làm giảm bớt cơn tức giận, ít nguy cơ bị trầm cảm, không còn lo lắng và sợ hãi. Hiệu quả này còn mang lại lợi ích cho hệ thống miễn dịch và tim mạch nữa. Thật vậy, một khi đã tha cho họ rồi lòng sẽ cảm thấy thật thư thái và bình an. Tất cả đều là người thân.

Nhưng trên thực tế, cuộc sống không dễ dàng một chút nào. Chừng ta dễ bị tổn thương, về tinh thần cũng như thể xác. Và khi chúng ta hay người mà chúng ta yêu thương bị tổn thương thì việc tha thứ thường là điều mà chúng ta ít nghĩ tới. Chúng ta đòi quyền được lắng nghe, được bồi thường hay đòi sự thông cảm của những ai có trách nhiệm. Tuy nhiên, tất cả chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng là tha cho chính mình và tha cho kẻ làm mình bị tổn hại

Chắc chắn về mặt lý thuyết, chúng ta nghe vô số các hướng dẫn cụ thể để tha thứ, nhưng khi bắt đầu áp dụng vào cuộc sống thì chúng ta lại chùn bước. Bởi vì chúng ta chưa biết tha thứ và cũng chẳng biết bắt đầu tha thứ như thế nào?

Đó cũng là điều mà Phê-rô hỏi Đức Giê-su trong phần mở đầu bài Tin Mừng hôm nay. Không đợi câu trả lời của Thầy mình, Phê-rô lau chau và ra vẻ ta đây đã gợi ý rằng có phải bẩy lần không? Gợi ý của Phê-rô khi dùng con số bẩy không phải là tình cờ, đó là con số biểu thị sự hoàn hảo. Phê-rô không chỉ muốn được khen là trả lời đúng, mà còn muốn được số điểm tuyệt đối từ Đức Giê-su nữa. Nhưng Đức Giê-su cũng thật hài hước khi trả lời cho Phê-rô biết rằng tuy con số bẩy thật hoàn hảo, nhưng quá ít, phải là bẩy mươi lần bẩy cơ! Mức độ hoàn hảo của Đức Giê-su buộc Phê-rô hôm nay vượt quá mức hoàn hảo mà ông đề ra. Có nghĩa là tha thứ liên tục, tha thứ là điều không thể đếm được, tha vô hạn định, tha liên miên, tha không ngừng, tha cho đến hết đời, tha tuyệt đối!

Quá khó, thảo nào, chúng ta chưa làm được. Tạ ơn Chúa, vì câu trả đã được tìm thấy trong câu chuyện rất quen thuộc sau đây. Truyện kể như sau: Có một người giúp việc kia nợ ông chủ mười ngàn nén vàng, một khoản nợ mà ông ta và gia đình có làm lụng cả đời cũng không sao trả hết. Thế mà với cử chỉ sấp mình van xin lòng nhân từ hay thương xót của ông chủ mà ông đã được tha và không phải trả nợ nữa.

Thế mà, vừa từ trong nhà chủ bước ra, ông gặp người bạn chỉ thiếu nợ ông một trăm quan tiền. Một khoản nợ quá nhỏ so với mười ngàn nén vàng mà ông vừa được chủ tha. Thế mà, không cần hỏi thăm và cũng không tìm hiểu nguyên do, anh liền tóm cổ người bạn đòi trả nợ. Người bạn của anh cũng nằm trong hoàn cảnh giống như anh là không có gì để trả nợ. Nhưng bạn anh chỉ xin hoãn lại, chứ không xin tha bổng, rồi anh ta sẽ trả hết. Nhưng anh ta không chịu, cứ tống bạn mình vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Đã bị tống vào ngục thì làm sao có cơ hội trả xong nợ, kết quả sẽ chết rục tù mà nợ vẫn còn.

Thấy sự việc xẩy ra như thế, các bạn của anh ta mới trình sự kiên cho ông chủ. Chủ gọi anh đến và trao cho anh đúng án phạt mà anh đã áp dụng cho người mắc nợ anh. Sau cùng, trong phần kết luận, Đức Giê-su đã nói: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18:35)

Như vậy qua câu chuyện này, Đức Giê-su trách những ai đã được tha thứ mà không biết tha thứ cho đồng loại mình. Tha thứ là việc làm chứ không bằng lời nói. Tha thứ không chỉ là điều kiện để được tha thứ mà còn là hành vi chia sẻ tình yêu, lòng thương xót và việc tha thứ của Thiên Chúa. Còn hơn thế nữa, khi tha cho nhau là lúc chúng ta làm chứng và tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa, Cha trên trời, Đấng hằng quan tâm, săn sóc và sẵn lòng tha thứ, ngay cả trước khi chúng ta van xin Người.

Tha thứ các lỗi lầm của nhau vì chính mình đã được tha trước là chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay. Tha thứ là hiệu quả của lòng thương xót mà Thiên Chúa đặt trong con tim của mỗi người, đó là hành vi phát nguồn từ Thiên Chúa. Và đó là nét đặc trưng của người môn đệ. Nói khác đi, tha thứ phải là lối sống của người môn đệ.

Sau cùng, chúng ta nên nhớ rằng: những gì chúng ta đang thụ hưởng hoàn toàn phát sinh từ lượng ân sủng vô biên của Thiên Chúa. Nhất là, trong lúc chúng ta còn là tội nhân mà Thiên Chúa đã không ngần ngại sai Con duy nhất của Ngài đến tự hiến, xóa bỏ món nợ, một món nợ mà thế gian không bao giờ có thể trả được.

Sau cùng, tuy biết tha thứ không phải là việc dễ làm, nhưng chúng ta phải làm. Đó là trọng tâm mà sứ điệp Tin Mừng hôm nay đòi hỏi. Tha thứ sẽ dẫn chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa. Càng tha càng thiếu, tha bao nhiêu thiếu bấy nhiêu và càng thiếu càng cần đến ân huệ của Thiên Chúa để tha thứ cho nhau nhiều hơn nữa.

Cầu cho anh chị em biết tha thứ như gương sáng của chị Leila Abdallah khi tha cho kẻ đã gây ra cái chết cho ba người con của chị. Hy vọng lời tuyên xưng của chị Leila Abdallah: “Từ tận đáy lòng, tôi sẵn sàng tha thứ cho người gây ra tai nạn. Tôi không ghét anh” cũng là lối cư xử của chúng ta dành cho nhau.

Hãy tha thứ cho nhau vì Chúa đã tha cho ta trước. Amen!

Wednesday, 6 September 2023

GIÚP NHAU CÙNG TIẾN BƯỚC


Tin Mừng hôm nay giới thiệu bài học ‘ba bước’ giúp nhau cùng tiến trong việc xây dựng cộng đoàn, đó là làm thế nào giúp nhau hoàn thiện? Làm thế nào giúp người khác nhận ra lỗi lầm của mình để sửa đổi? Đây là những việc cần làm chứ không cần nói. Tuy nhiên, trên thực tế của cuộc sống, chúng ta vẫn còn bị vấp ngã để thực hiện lời chỉ dẫn của Chúa hôm nay. Vì thế, chúng ta cần lưu tâm để tập luyện, không nên trì hoãn, không nên chán nản. Trong Chúa, chúng ta tiến bước, mỗi ngày một bước. Tuy chậm, nhưng chắc chắn vì có Chúa cùng bước.

Đức Giê-su giới thiệu một tiến trình kêu gọi kẻ có tội, người có lỗi trở về hòa giải với Chúa và gia đình của Người. Đức Giê-su không nói rõ đây là tội gì hay lỗi xúc phạm đến ai. Nhưng trong thân phận làm người, có ai lại không có tội! Tội cá nhân nhiều vô kể. Tội với cộng đoàn cũng không thiếu, ví dụ như tội biển thủ công quỹ, lợi dụng chức vụ hà hiếp người khác về mặt tinh thần hay thể xác. Nói chúng tội nào cũng đáng cho chúng ta quan tâm mà sửa chữa. Và tiến trình sửa chữa theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay là đưa người có tội trở về hiệp thông với Chúa và cộng đoàn chứ không nhằm kết án họ. Muốn đạt được thành quả này, con người phải yêu thương và tha thứ cho nhau chứ đừng xét đoán vì tất cả chúng ta đều đã từng bị vấp ngã, từng là tội nhân thì chúng ta dựa vào tiêu chuẩn nào để xét đoán. Hãy giúp nhau sửa đổi để hoàn thiện hơn! Nào, chúng ta cùng bước nhé.

Chúa nói, nếu ai đó phạm tội, trước tiên bạn nên gặp người đó và chỉ ra lỗi cho họ để họ hối cải mà trở về chứ không phải kể tội rồi lên án. Giả như ta là người đầu tiên biết, thì cũng không đuợc phép nói cho nguời khác biết. Trong tình bác ái, đừng chờ người đã phạm lỗi đến với ta; nhưng hãy đi bước trước đến và đối thọai với họ; giúp họ nhận ra việc làm sai trái; rồi nhẹ nhàng đưa họ về với Chúa, về với cộng đòan. Giả như họ nhận ra lỗi lầm và nghe ta thì ta đã lợi được người anh em rồi.

Trên thực tế, chúng ta thường quên nguyên tắc này. Khi khám phá ra lỗi lầm của ai, thay vì đối thọai với họ, chúng ta lại đi nói nhỏ cho người khác biết. Cứ vài lần ‘nói nhỏ’ như thế thì chẳng bao lâu cả làng, cả xóm đều biết. Đến khi cả làng, cả xóm đã biết thì cơ may giúp họ nhận ra lỗi lầm để hối cải dường như không còn. Như anh chị em biết là chẳng ai muốn người khác biết những điều xấu của mình; thì cũng đừng bao giờ nói về những điều xấu của họ cho người khác. Cộng đòan Kitô- hữu không có lối sống “vạch lá tìm sâu” hay “bới lông tìm vết.”

Giả như bước thứ nhất không thành công thì kêu thêm một hay hai nhân chứng nữa, điều này có thể hiểu rằng tội mà người đó phạm đã được nhiều người biết đến. Chúng ta gọi nhân chứng đến để chinh phục chứ không tạo áp lực. Nếu bước thứ hai cũng không làm cho người có tội thức tỉnh thì trình cho cộng đoàn và nếu người đó vẫn không nghe thì chúng ta sẽ coi họ như những người thu thuế hoặc người ngoài cuộc. Nhưng, cho dù là như thế, chúng ta đừng quên rằng những người thu thuế, những ai sống bên lề xã hội vẫn là những người bạn tốt của Chúa, được Chúa thương yêu.

Các bước trong diễn trình nói trên quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn hết là mục tiêu của toàn bộ tiến trình không phải để lên án hay kết tội mà là phục hồi. Tuy nhiên, muốn cho hối nhân trở về thì người có tội phải nhận ra sự nguy hiểm của tội và mức độ ảnh hưởng và tác hại của tội trong việc xây dựng và sinh hoạt cộng đoàn mà người đó là thành viên.

Anh chị em thân mến,

Đã là người môn đệ của Chúa, chúng ta không được phép mất đi niềm hy vọng nơi chính mình và tha nhân. Chúa không thích, đúng hơn là Chúa ghét tội, nhưng Người lại thích làm bạn với kẻ có tội. Người có tội luôn được Chúa thương yêu và quan tâm một cách đặc biệt để họ biết quay về. Thật vậy, chúng ta đừng bao giờ mất hy vọng cho bản thân và cho cả những tội nhân tồi tệ nhất. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, mọi người đều có thể ăn năn, được tha thứ, được hòa giải với Thiên Chúa và trở về với gia đình Hội Thánh.

Trong Kinh Lậy Cha, chúng ta thường kêu cầu: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người cò lỗi với chúng con.” Nói khác đi, chúng ta chỉ có thể tha thứ cho nhau khi chúng ta cảm nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, và nhờ vào sự tha thứ mà chúng ta lĩnh nhận từ Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau. Hai điều này nối kết chặt chẽ với nhau. Hành động tha thứ vừa là nguyên nhân để chúng ta có thể tha thứ cho nhau, đó cũng là hậu quả của việc Thiên Chúa tha thứ cho mình. Chúng ta không thể giữ điều này và bỏ điều kia.

Tóm lại, Chúa ban cho chúng ta những bước đi rất thực tế để giúp nhau hoàn thiện và xây dựng cộng đòan. Tất cả các tín hữu đều có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau. Chúng ta được gửi đến để sống cho nhau, chứ không sống cho riêng mình. Mỗi người, dù sống trong ơn gọi nào cũng đều được mời gọi sống cho nhau. Và như vậy, thì ngày hôm nay, anh hay chị giúp tôi nhận ra lỗi lầm để sửa đổi, ngày mai sẽ đến phiên tôi giúp anh chị. Ai là nguời không phạm tội. Vì vậy, truớc tiên hãy nhận ra các nỗi yếu đuối của bản thân, rồi với trải nghiệm được Thiên Chúa tha thứ và thương yêu đó chúng ta sẽ khiêm nhường hơn trong việc sửa sai và góp ý để giúp người khác kiện tòan. Amen!