Wednesday, 6 September 2023

GIÚP NHAU CÙNG TIẾN BƯỚC


Tin Mừng hôm nay giới thiệu bài học ‘ba bước’ giúp nhau cùng tiến trong việc xây dựng cộng đoàn, đó là làm thế nào giúp nhau hoàn thiện? Làm thế nào giúp người khác nhận ra lỗi lầm của mình để sửa đổi? Đây là những việc cần làm chứ không cần nói. Tuy nhiên, trên thực tế của cuộc sống, chúng ta vẫn còn bị vấp ngã để thực hiện lời chỉ dẫn của Chúa hôm nay. Vì thế, chúng ta cần lưu tâm để tập luyện, không nên trì hoãn, không nên chán nản. Trong Chúa, chúng ta tiến bước, mỗi ngày một bước. Tuy chậm, nhưng chắc chắn vì có Chúa cùng bước.

Đức Giê-su giới thiệu một tiến trình kêu gọi kẻ có tội, người có lỗi trở về hòa giải với Chúa và gia đình của Người. Đức Giê-su không nói rõ đây là tội gì hay lỗi xúc phạm đến ai. Nhưng trong thân phận làm người, có ai lại không có tội! Tội cá nhân nhiều vô kể. Tội với cộng đoàn cũng không thiếu, ví dụ như tội biển thủ công quỹ, lợi dụng chức vụ hà hiếp người khác về mặt tinh thần hay thể xác. Nói chúng tội nào cũng đáng cho chúng ta quan tâm mà sửa chữa. Và tiến trình sửa chữa theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay là đưa người có tội trở về hiệp thông với Chúa và cộng đoàn chứ không nhằm kết án họ. Muốn đạt được thành quả này, con người phải yêu thương và tha thứ cho nhau chứ đừng xét đoán vì tất cả chúng ta đều đã từng bị vấp ngã, từng là tội nhân thì chúng ta dựa vào tiêu chuẩn nào để xét đoán. Hãy giúp nhau sửa đổi để hoàn thiện hơn! Nào, chúng ta cùng bước nhé.

Chúa nói, nếu ai đó phạm tội, trước tiên bạn nên gặp người đó và chỉ ra lỗi cho họ để họ hối cải mà trở về chứ không phải kể tội rồi lên án. Giả như ta là người đầu tiên biết, thì cũng không đuợc phép nói cho nguời khác biết. Trong tình bác ái, đừng chờ người đã phạm lỗi đến với ta; nhưng hãy đi bước trước đến và đối thọai với họ; giúp họ nhận ra việc làm sai trái; rồi nhẹ nhàng đưa họ về với Chúa, về với cộng đòan. Giả như họ nhận ra lỗi lầm và nghe ta thì ta đã lợi được người anh em rồi.

Trên thực tế, chúng ta thường quên nguyên tắc này. Khi khám phá ra lỗi lầm của ai, thay vì đối thọai với họ, chúng ta lại đi nói nhỏ cho người khác biết. Cứ vài lần ‘nói nhỏ’ như thế thì chẳng bao lâu cả làng, cả xóm đều biết. Đến khi cả làng, cả xóm đã biết thì cơ may giúp họ nhận ra lỗi lầm để hối cải dường như không còn. Như anh chị em biết là chẳng ai muốn người khác biết những điều xấu của mình; thì cũng đừng bao giờ nói về những điều xấu của họ cho người khác. Cộng đòan Kitô- hữu không có lối sống “vạch lá tìm sâu” hay “bới lông tìm vết.”

Giả như bước thứ nhất không thành công thì kêu thêm một hay hai nhân chứng nữa, điều này có thể hiểu rằng tội mà người đó phạm đã được nhiều người biết đến. Chúng ta gọi nhân chứng đến để chinh phục chứ không tạo áp lực. Nếu bước thứ hai cũng không làm cho người có tội thức tỉnh thì trình cho cộng đoàn và nếu người đó vẫn không nghe thì chúng ta sẽ coi họ như những người thu thuế hoặc người ngoài cuộc. Nhưng, cho dù là như thế, chúng ta đừng quên rằng những người thu thuế, những ai sống bên lề xã hội vẫn là những người bạn tốt của Chúa, được Chúa thương yêu.

Các bước trong diễn trình nói trên quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn hết là mục tiêu của toàn bộ tiến trình không phải để lên án hay kết tội mà là phục hồi. Tuy nhiên, muốn cho hối nhân trở về thì người có tội phải nhận ra sự nguy hiểm của tội và mức độ ảnh hưởng và tác hại của tội trong việc xây dựng và sinh hoạt cộng đoàn mà người đó là thành viên.

Anh chị em thân mến,

Đã là người môn đệ của Chúa, chúng ta không được phép mất đi niềm hy vọng nơi chính mình và tha nhân. Chúa không thích, đúng hơn là Chúa ghét tội, nhưng Người lại thích làm bạn với kẻ có tội. Người có tội luôn được Chúa thương yêu và quan tâm một cách đặc biệt để họ biết quay về. Thật vậy, chúng ta đừng bao giờ mất hy vọng cho bản thân và cho cả những tội nhân tồi tệ nhất. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, mọi người đều có thể ăn năn, được tha thứ, được hòa giải với Thiên Chúa và trở về với gia đình Hội Thánh.

Trong Kinh Lậy Cha, chúng ta thường kêu cầu: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người cò lỗi với chúng con.” Nói khác đi, chúng ta chỉ có thể tha thứ cho nhau khi chúng ta cảm nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, và nhờ vào sự tha thứ mà chúng ta lĩnh nhận từ Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau. Hai điều này nối kết chặt chẽ với nhau. Hành động tha thứ vừa là nguyên nhân để chúng ta có thể tha thứ cho nhau, đó cũng là hậu quả của việc Thiên Chúa tha thứ cho mình. Chúng ta không thể giữ điều này và bỏ điều kia.

Tóm lại, Chúa ban cho chúng ta những bước đi rất thực tế để giúp nhau hoàn thiện và xây dựng cộng đòan. Tất cả các tín hữu đều có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau. Chúng ta được gửi đến để sống cho nhau, chứ không sống cho riêng mình. Mỗi người, dù sống trong ơn gọi nào cũng đều được mời gọi sống cho nhau. Và như vậy, thì ngày hôm nay, anh hay chị giúp tôi nhận ra lỗi lầm để sửa đổi, ngày mai sẽ đến phiên tôi giúp anh chị. Ai là nguời không phạm tội. Vì vậy, truớc tiên hãy nhận ra các nỗi yếu đuối của bản thân, rồi với trải nghiệm được Thiên Chúa tha thứ và thương yêu đó chúng ta sẽ khiêm nhường hơn trong việc sửa sai và góp ý để giúp người khác kiện tòan. Amen!

No comments:

Post a Comment