Anh chị em thân mến,
Dụ ngôn thợ làm vườn nho là một trong
những hình ảnh về Nước Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã dùng lối kể truyện để giảng dậy
cho người cùng thời với Người. Họ nghe xong câu chuyện liền hiểu ý của Chúa. Còn
chúng ta hôm nay thì sao? Một vài chi tiết về văn hóa, phong tục và thói quen của
những người cùng thời với Chúa sẽ giúp chúng ta trong việc suy niệm bài Tin Mừng
hôm nay.
Trước tiên, theo thống kê chúng ta được
biết tỷ lệ con số những người không có công ăn việc làm rất cao vào thời Đức
Giê-su. Tình trạng này kéo dài đến khi Tin Mừng được biên soạn. Họ thường tụ họp
tại các trung tâm thương mại hay các ngã tư đường để chờ được thuê mướn. Đúng
như cách thức mà dụ ngôn mô tả, công việc của họ thường bắt đầu từ 6 giờ sáng đến
6 giờ chiều. Và tiền công của họ nhận được trong một ngày là một quan tiền. Số
tiền này đủ trang trải chi phí cho một gia đình.
Về phía ông chủ, ông có cần phải chia
ra nhiều thời điểm trong ngày để mướn thợ như trong dụ ngôn đã mô tả hay không?
Bởi vì, theo lẽ thường tình thì một ông chủ khôn ngoan trong việc kinh doanh là
một con người biết tính toán số thợ cần làm trong ngày chứ không chia nhiều
giai đoạn để thuê nhân công như thế. Vậy, việc thuê mướn thợ theo từng giai đoạn
như trong dụ ngôn này mang ý nghĩa đặc biệt gì? Có lẽ chúng ta nên chờ đến lúc
ông chủ trả lương sẽ thấy rõ ý định của ông hơn.
Việc trả lương theo thứ tự của ông chủ
cũng buộc người nghe có phản ứng khác. Giả như ông gọi nhóm đầu tiên đến và trả
cho họ theo đúng hợp đồng, rồi họ ra về thì chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng ông lại
trêu chọc người nghe bằng cách trả một quan tiền cho những người được thuê sau
cùng, thì những người thuộc nhóm được mướn trước phải có ý nghĩ là họ sẽ được đối
xử một cách công bằng và thỏa đáng so với công sức mà họ đã vất vả đổ ra từ lúc
3g chiều, 12 giờ trưa, 9 giờ và 6 giờ sáng. Họ căn cứ vào cách đối xử của ông
chủ với nhóm sau cùng và suy luận rằng họ làm nhiều thì sẽ được tiền công nhiều
hơn. Sau cùng, họ giận vì ước muốn và ý nghĩ của họ không được đáp trả.
Thứ tự trả lương và việc thuê nhân
công của ông chủ khiến chúng ta phải suy nghĩ rằng không có một ông chủ nào lại
làm như thế cả. ‘Nhưng như thường lệ, các tình tiết trong câu chuyện mà Đức
Giê-su kể thường có yếu tố khác lạ để kích thích phản ứng của người nghe. Như
thế, những tín hữu mà Thánh Mát-thêu nhắm đến, cả chúng ta nữa khi nghe dụ ngôn
này thì sẽ nhận ra sứ điệp của dụ ngôn: Thiên Chúa rất
công bằng, tuy nhiên sự công bằng của Thiên Chúa không bị bó buộc theo lối tính
toán của con người và cũng không làm giảm bớt sự rộng lượng của Thiên Chúa. Người
muốn ban cho ai tùy theo ý muốn của Ngài. Và không có luật nào buộc Thiên Chúa
phải tuân thủ theo ý muốn của con người.
Thật vậy, ngay từ ngày đầu tiên được
đón nhận Tin Mừng, cộng đoàn của Thánh Mát-thêu bao gồm các tín hữu gốc Do Thái
và dân ngoại. Họ đã phải đối diện với các vấn đề như được trình bầy trong bài
Tin Mừng hôm nay. Những người tín hữu đạo gốc, cậy mình có tổ phụ là A-bra-ham,
I-sa-ac và có một truyền thống lâu dài được xây dựng, bồi dưỡng bởi các ngôn sứ
thì đương nhiên họ phải được phần thưởng cao hơn và nhiều hơn nếu so với đám
dân ngoại mới nhập đạo chứ. Thế mà những người mới gia nhập lại được hứa hẹn là
sẽ có phần thưởng như những người đã vất vả từ lúc tảng sáng đến giờ thì làm gì
có công bằng! Ai mà chịu được lối cư xử như thế!
Ngày nay, lối suy nghĩ dựa trên tiêu
chuẩn so sánh rồi phân bì và ghen tỵ này vẫn còn. Mình là đạo gốc, được sinh ra
và thuộc dòng giống của các Thánh Tử Đạo, thế mà giờ đây lại bị xếp ngang hàng
với những người mới nhập đạo, thậm chí còn có cả những người mang tiếng là “đạo
vợ” hay “đạo gạo” như câu mà chúng ta nghe dạo nào “theo đạo có gạo mà ăn!” thì
ai chịu nổi! Nhưng thật là trớ trêu, kết quả cho thấy những người tân tòng lại
có niềm tin sâu sắc và bền vững hơn dân đạo gốc chúng mình!
Anh chị em thân mến,
Câu chuyện trong dụ ngôn hôm nay còn nhắc
cho chúng ta nhớ rằng sự thèm muốn và ghen tị gắn liền với cuộc sống của con
người. Chúng ta thèm muốn những gì Chúa ban cho người khác hơn mình. Vì
thế, khi suy tư trình thuật hôm nay, tôi nhìn ra chính mình trong câu chuyện.
Tôi vẫn còn phân bì, ước muốn và ghen tỵ trong cách cư xử và lối sống của tôi.
Nhiều lần không nói ra, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn bực bội, đố kỵ và ghen tương
với những gì mà người khác nhận được từ Chúa. Như vậy, không phải chỉ có một CÓ
mà là BA CÓ: CÓ đố kỵ, CÓ ghen tương và CÓ phân bì.
Tôi chủ trương viết hoa chữ CÓ để nhắc
nhở mình phải dè chừng, đừng để cuộc sống bị tính phân bì và đố kỵ làm chủ. Môt
cách cụ thể, tôi xin phép thú nhận rằng: tôi, đã nhiều lần, chứng kiến sự thành
công và thăng cấp của người khác, ngoài miệng nói lời chúc mừng mà trong lòng vẫn
không được vui chút nào, thậm chí lại nghĩ rằng tôi mới là người xứng đáng để đứng
vào vị trí đó! Không chỉ có thế, còn mong cho người đó thất bại để thỏa tính
ghen tị và không muốn ai hơn mình của tôi.
Tuy nhiên, Đức Giêsu trong bài Tin Mừng
hôm nay không lên tiếng khiển trách hay phản đối cách suy nghĩ của những người
cằn nhằn lối cư xử của Người. Đức Giê-su nhẹ nhàng và tế nhị nhắc cho họ biết
là ông chủ chưa hề đối xử bất công với họ. Ông có quyền và tự do trong cách quản
lý và phân chia tài sản.
Thật vậy, Chúa chưa hề đối xử bất
công với ai trong chúng ta. Chúa thật quảng đại khi rộng ban cho chúng ta hơn
những điều chúng ta dám ước mong hay cầu xin. Câu hỏi “Tôi không được phép làm
những gì tôi chọn với những gì thuộc về tôi? Hay bạn ghen tị vì tôi rộng lượng?”
làm nổi bật điểm chính của dụ ngôn, đó là ân huệ, lòng thương xót và sự tha thứ
của Thiên Chúa là sở hữu của Ngài và Ngài muốn sử dụng như thế nào thì tùy ý
Ngài, chúng ta lấy quyên gì mà so sánh, phân bì, đố kỵ và ghen tương!
Thưa anh chị em,
Chúng ta hãy nhớ rằng được kêu gọi là
thành viên trong gia đình của Thiên Chúa là một vinh dự, là một hồng ân được
trao ban từ Thiên Chúa. Người không trả công cho chúng ta để làm việc cho Người.
Trái lại, những gì chúng ta có, toàn là quà tặng của Người trao ban.
Hẳn anh chị em còn nhớ lời cầu xin của
người anh cả trong dụ ngôn Tình phụ tử trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca ‘xin hãy
đối xử với con như người làm công của Cha’ đã được Đức Giê-su sửa thành ‘con
không biết mọi sự của Cha là của con hay sao.’ Anh chỉ muốn là người làm công
còn Chúa lại muốn anh nhớ rằng, tương quan Cha - con mới là mối dây đích thật
mà Thiên Chúa muốn anh thiết lập và xây dựng.
Từ đó chúng ta biết rằng Thiên Chúa không
trả công cho chúng ta khi cho phép chúng ta làm việc để mở mang Nước Chúa. Bổn
phận đó là một hồng ân, một sự tín thác trong yêu thương, phát sinh từ lòng rộng
rãi của Thiên Chúa, Người muốn ban cho chúng ta những gì mà Chúa muốn chúng ta
đón nhận. Và chúng ta gọi đó là quà tặng.
Nếu anh hay chị muốn tặng một thứ gì
đó cho người khác với kỳ vọng hoặc hy vọng rằng họ sẽ làm điều gì đó cho anh chị
để đổi lại thì đó không phải là một món quà mà đó là một khoản đầu tư; thậm chí
và tệ nhất có thể coi là hối lộ.
Quà tặng được trao ban nhưng không, hoàn
toàn miễn phí. Nếu anh hay chị nghĩ rằng mình xứng đáng nhận được thứ gì đó và
sau đó nhận được nó thì đó không phải là một món quà mà là một khoản thanh toán
mà mình được hưởng hay có thể coi như hoàn trả lại một thứ mà chúng ta đã khẳng
định trong lòng từ trước.
Quà tặng không mang tính chất giao dịch.
Chúng ta không thể kiếm được quà tặng, chúng ta chỉ có thể nhận được chúng.
Như vậy, chúng ta có quyền gì mà ghen
tị khi Thiên Chúa thể hiện lòng tốt lành và rộng lượng trong việc trao ban tặng
vật cho con người hay sao?
Tốt nhất là chúng ta không nên so
sánh, phân bì rồi ghen tương. Hãy noi gương tấm lòng quảng đại, nhân từ, yêu
thương và luôn tha thứ của Thiên Chúa. Hãy nhớ lại cách cư xử của ông chủ trong
dụ ngôn. Ông đã không làm thiệt hại đến ai và cũng không ăn bớt của ai. Trái lại,
ông đã quan tâm đến từng người, bằng cách cung cấp cho họ và gia đình những gì họ
cần để sống. Chỉ có như thế, chúng ta mới chấp nhận, không ghen tương và không
phân bì với nhau.
Vì vậy, với tâm tình tạ ơn, chúng ta
tán dương và ca tụng lòng rộng ban của Thiên Chúa, Đấng đã ban phát cho chúng
ta, không chỉ đủ dùng, còn dư dật để làm quà cho người khác nữa. Amen!
No comments:
Post a Comment