Wednesday, 31 January 2024

CÔNG VIỆC TRONG NGÀY CỦA ĐỨC GIÊ-SU

 

Anh chị em thân mến,

Trình thuật Tin Mừng hôm nay thuật lại một ngày làm việc của Đức Giê-su tại Ca-pha-na-um, bao gồm cầu nguyện, giảng dậy và chữa lành. Sau khi giảng dậy và chữa người bị quỷ ám trong hội đường, Đức Giê-su cùng với các môn đệ đi đến nhà hai ông Si-mon và An-rê. Việc Đức Giê-su từ hội đuờng về nhà là một việc tự nhiên và bình thường. Người giống như chúng ta cần nghỉ ngơi sau cơn vất vả, cần được bổ sức mỗi khi đói hay khát. Tuy nhiên, việc di chuyển từ hội đường về nhà của Đức Giê-su hôm nay có thể còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn.

Như chúng ta đã biết rằng tất cả các sách Tin Mừng được soạn tác và hoàn thành sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Sau biến cố thật đau thương đó, anh chị em tín hữu tiên khởi, nhất là những tín hữu gốc Do Thái không còn cơ hội lên đền thờ để thờ phượng nữa. Vì thế, họ dùng nhà riêng hay các hội đường để cử hành việc bẻ bánh và các nghi thức phụng vụ thờ phượng Chúa. Như thế nhà còn có thể coi là một nơi thánh, thu hút mọi người đến để thờ phượng. Ý niệm giáo hội tại gia chưa được phổ biến nhưng trên thực tế các anh em tín hữu tiên khởi đã dùng nhà của mình như là một phương tiện nuôi dưỡng và phát triển cộng đoàn.

Hình thức sinh hoạt ‘giáo hội tại gia’ rất thích hợp cho hoàn cảnh cấm cách mà anh em tín hữu tiên khởi đã trải qua. Và điều này vẫn còn được áp dụng tại các nơi mà giáo hội không được phép sinh hoạt công khai. Nhà vẫn là nơi an toàn nhất để các nhà thừa sai gặp gỡ, giảng dậy, ban phát các bí tich hầu nuôi dưỡng niểm tin cho các kẻ tin.

Trong ý nghĩ đó, giờ đây mời anh chị em cùng theo Chúa buớc vào nhà của hai ông Simon và An-rê.

Việc đã xẩy ra là bà mẹ vợ của ông Si-mon Phê-rô cũng có mặt vào lúc đó, nhưng bà lại bị ốm, vì thế việc tiếp đón Thầy cũng bị gián đoạn. Bà đang lên cơn sốt. Ngày nay người ta cho rằng nóng và sốt là các triệu chứng gây ra bởi nhiều căn bịnh khác nhau. Nhưng, đối với người xưa, sốt là một căn bệnh và có thể gây ra tử vong. Hơn nữa, những người Do Thái cùng thời với Đức Giê-su còn cho rằng  sốt hay bất cứ một thứ bịnh nào khác đều là những hình phạt mà Đức Chúa giáng xuống cho những ai không vâng lời Người.

Khi nghe người ta báo rằng bà đang lên cơn sốt, Đức Giê-su tiến lại giường, cầm lấy tay và đỡ bà trỗi dậy. Bà tức khắc được khỏi bịnh và phục vụ các ngài. Kiểu nói ‘đỡ bà trỗi dậy’ mà Thánh Mác-cô dùng ở đây giúp chúng ta nhớ lại việc trỗi dậy từ cõi chết của Đức Giê-su trong ngày Người phục sinh. Bịnh tật có thể dẫn con người đến cõi chết thế nào thì hôm nay trong Chúa, Người sẽ cho người đó phục hồi sự sống.

Việc Đức Giê-su chữa cho bà mẹ vợ ông Si-mon khỏi bịnh thật diệu kỳ. Người không nói điều gì và cũng không ra lệnh cho bất cứ thần dữ nào, khiến cho bà bị bịnh, thoát ra khỏi bà. Người chỉ đến, chạm vào tay rồi kéo bà trỗi dậy. Việc đụng chạm này, đem theo một sức mạnh chữa lành. Qua các cử chỉ này, Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng mỗi khi Chúa đụng vào ai thì người đó không còn chọn lựa nào khác hơn là thay đổi cách sống và tham gia vào sứ mạng phục vụ mà chính Đức Giê-su làm mẫu mực như Lời Người đã phán bảo “Thầy đến để phục vụ.”

Nói một cách khác, tất cả mọi hình thức phục vụ của người tín hữu đều phải được phát sinh từ sự đụng chạm, các lần gặp gỡ của Chúa với ta, nếu như chưa có cảm ngiệm đó thì chúng ta nên suy nghĩ và tìm ra nguyên nhân nào đã thúc đẩy chúng ta đi trên con đường phục vụ. Việc phục vụ chỉ vững bền và có giá trị đích thực khi cuộc sống của chúng ta được thúc đẩy bởi Chúa mà thôi, bằng không thì các việc phục vụ mà chúng ta đang tham gia cũng chẳng được bền lâu!

Thật vậy, sự hiện diện của bà mẹ vợ ông Si-mon giúp chúng ta khám phá ra một điều: Bà là người phụ nữ đầu tiên trong Tin Mừng thực hành nhiệm vụ của người môn đệ là phục vụ tha nhân. Điều này cũng giúp chúng ta nhận ra rằng chỉ vì cơn sốt khiến bà không thể chia sẻ niềm vui khi phục vụ người khác. Nói khác đi, là người môn đệ, bà đã được trao cho vai trò phục vụ, thế mà vì bịnh tật mà công việc của bà bị dở dang, bị gián đoạn. Hôm nay, qua bàn tay của Đức Giê-su, bà đã đuợc phục hồi không chỉ để lo cho mình mà còn lo cho tha nhân mới là nhiệm vụ chính.

Ngày nay với nền tiến bộ của y học, đã có nhiều chứng bệnh được chữa khỏi. Tuy nhiên, bịnh hoan tật nguyền vẫn là nguyên nhân khiến con người bị suy nhược về tinh thần lẫn thể xác. Nó khiến chúng ta mất tự tin, các sinh hoạt bị đình trệ hoặc tắc nghẽn. Bịnh nhân cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ, y tá và những nhân viên chuyên nghiệp. Nói chung lúc đó họ không lo đuợc cho bản thân mà phải nhờ đến người khác giúp đỡ.

Như hoàn cảnh của bà mẹ vợ ông Simon, cơn sốt đã trói bà trên giường thế nào thì bịnh tật cũng cản trở mọi sinh hoạt của con người như thế. Đức Giê-su không chỉ chữa cho bà và chúng ta khỏi bệnh mà còn nối kết chúng ta lại với những gì trước đây đã bị tắc nghẽn, bị gián đoạn. Đức Giê-su hoàn trả lại cho người vừa đuợc khỏi bịnh căn tính của một con người, không còn bị ngăn trở. Họ tiếp tục các công việc đang bị dở dang. Tinh thần và công việc phục vụ này nói lên bản chất của người tín hữu. Nó còn bộc lộ quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta trở thành một dân tộc yêu thương và phục vụ.

 Thông thường khi được chữa lành khỏi bịnh hoạn tật nguyền thì chúng ta thường hay tạ ơn cho Người đã ban ơn. Nhưng việc xẩy ra cho bà mẹ vợ của ông Phê-rô lại khác. Thay vì cảm ơn Chúa thì bà lại phục vụ Người. Hành vi phục vụ của bà diễn tả tâm tình tạ on một cách thật sâu xa của bà. Đó là việc chúng ta phải làm. Noi gương phục vụ của Chúa.

Thưa anh chị em,

Sau khi chữa bệnh cho bà mẹ vợ của Simon Phê-rô, Chúa còn chữa bịnh cho nhiều người khác nữa. Và vào buổi sáng hôm sau, Người lén rời Ca-pha-na-um đi tới một nơi hoang vắng để cầu nguyện. Đức Giê-su co1 thói queen bắt đầu một ngày mới bằng việc cầu nguyện, liên kết và đàm thoại với Cha. Người cần sức mạnh và sự hỗ trợ của Cha để chu toàn Thánh ý. Vậy đâu là ý muốn mà Thiên Chúa muốn Đức Giê-su thực hiện? 

Việc chữa cho người ta khỏi các bịnh tật về phần xác là điều cần thiết, nói lên tình yêu và lòng thương xót của Đức Giê-su. Nhưng Đức Giê-su đến trần gian không chỉ để chữa cho người ta hết bịnh về phần xác. Và nếu sứ vụ của Người chỉ thu hẹp trong phạm vi đó thì đến lúc Người trở về với Thiên Chúa thì bịnh tật và đau khổ vẫn tiếp tục làm khổ con người. Và nếu như thế thì mọi vấn đề vẫn còn nguyên, không giải quyết đuợc gì hết!

Như vậy, khi  chữa bịnh Đức Giê-su cũng không làm để thỏa mãn nhu cầu của dân chúng, cho bằng vâng lời Cha, công bố một sứ điệp thật quan trọng là Nước Thiên Chúa đã gần bên. Uy quyền của Satan sẽ bị trục xuất bởi sự hiện diện của Đức Giê-su, Đấng vừa khai mạc triều đại của Thiên Chúa và hoàn lại bản chất đích thực của con người như đã đuợc tạo dựng.

Vì vậy, hãy để việc chữa bịnh cho những ai đuợc ơn đó. Phần chúng ta hãy đến với nhau bằng sự cảm thông, yêu thương, hỗ trợ, ủi an và giúp đỡ nhau. Đó chính là các phương dược hữu hiệu có thể giúp con người đối diện với bịnh tật và đau khổ. Bằng thái độ sống như thế, chúng ta tin rằng mọi tình huống khiến cho con người bị đau khổ sẽ giảm bớt và được chữa lành.

Cầu xin cho mọi người làm được như thế. Amen!

Thursday, 18 January 2024

SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiếp tục bổ sung cho chủ đề ơn gọi mà chúng ta đã tìm hiểu trong các bài đọc của Chúa Nhật tuần trước. Thiên Chúa không thiên vị, tất cả đều được mời gọi tham dự vào việc xây dựng và thay đổi thế giới mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Việc tham dự này không phát sinh từ sáng kiến hay nằm trong chủ đích của con người; nhưng đó là sáng kiến của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có bổn phận đáp trả. Chúa gọi và chúng ta đáp trả. Việc gọi và đáp trả như thế được đặt trên nền tảng của những cuộc gặp gỡ giữa Chúa và ta. Mỗi lần gặp gỡ như thế đều làm ta đổi mới.

Chúng ta có thể nói, cuộc sống và hành trình của người môn đệ được kết nối bởi những cuộc gặp gỡ và đổi mới không ngừng. Muốn đổi mới chúng ta cần nhận ra chính mình mà từ bỏ. Từ bỏ là việc mà các môn đệ của Chúa cần ghi nhớ và thực hiện luôn luôn. Môn đệ của Chúa cần từ bỏ nếp sống cũ và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Con người mới của Đức Ki-tô là một con người vâng phục và thi hành ý muốn của Cha.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa, mời gọi những ai đang nghe Lời Người: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Tin Mừng là Đức Giê-su, Người đang hiện diện giữa họ. Tiếp theo sau đó là việc Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên tham dự vào việc loan báo Tin Mừng. Điều này cho chúng ta nhận ra sự quan tâm của Chúa trong việc đào tạo các môn đệ. Đây không phải là một đặc ân dành riêng cho ai. Người muốn tất cả mọi người trở thành môn đệ. Bản chất của ơn gọi trở thành môn đệ của Chúa thì giống nhau, không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Tất cả đều được mời gọi tham dự vào công cuộc mở mang Nước Chúa.

Chính vì thế trước khi kêu gọi Si-mon, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an trở nên những môn đệ, Chúa đã công bố về sự hiện diện của Triều Đại Nước Thiên Chúa. sau đó Người yêu cầu chúng ta hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Vì thế, xin đề nghị với anh chị em dành đôi phút để tìm hiểu về lệnh truyền sám hối và tin vào Tin Mừng của Chúa trong Chúa nhật hôm nay. Lịnh truyền là sám hối. Sám hối như thế nào?

Thưa anh chị em,

Trong sự tích sa ngã của con người trong sách Sáng Thế. Chúng ta nhận thấy sự tội đã hiện diện trước khi con người bất tuân. Con người không tạo ra tội, nhưng tiếp tục sự hiện hữu của nó bằng việc ưng thuận và để cho quyền lực của sự tội thống trị. Tội có nguồn gốc riêng, luôn luôn đối nghịch với uy quyền của Thiên Chúa, và con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân cho sự hoành hành và phát triển đó.

Bằng kinh nghiệm sống, chúng ta cảm nghiệm được sự thống trị này: con người khó khăn trong việc thiện và dễ dàng chiều theo sự xấu. Chúng ta thường sống theo ý muốn của mình hơn là ý định của Thiên Chúa. Và như vậy tương quan giữa Thiên Chúa và ta cũng bị đứt đoạn. Từ sự đứt đoạn đó, như Adam, chúng ta đi trốn: trốn Thiên Chúa, trốn nhau và trốn chính mình.

Từ sự rạn nứt trong tương quan với Thiên Chúa, con người đi đến sự đổ vỡ khác. Câu nói ngọt ngào “phen này nàng là xương bởi xương tôi thịt bởi thịt tôi” của giây phút thân tình, đã biến thành kiểu nói gay gắt: tại cái người đàn bà mà Chúa đã đặt bên con nên con đã ra nông nỗi này. Con người không dám nhìn nhận việc mình đã làm, lại đổ thừa cho người khác và gián tiếp đổ thừa cho Chúa: giả như không có người đàn bà đó thì đời con đâu có đen đến thế này.

Từ sự rạn nứt nghĩa phu thê kéo đến tình anh em cũng chẳng còn: giết nhau chỉ vì ghen tương như trường hợp của Cain và Abel. Và lối cư xử đó như vết dầu loang, cứ thế lan rộng ra, bao trùm cả xã hội và toàn thế giới.

Trong hoàn cảnh đó, nhất là lúc mà con người nhận ra rằng mình không còn lối thoát thì chúng ta mới thấy được điều mới lạ trong lời công bố của Đức Giêsu hôm nay. Nước Thiên Chúa hiện diện nói lên uy quyền và sức mạnh của Thiên Chúa nơi bản thân Người, Đấng chiến thắng và thống trị quyền lực đó. Đấng ban cho con người niềm vui, sự hoan lạc và ơn cứu độ. Để được hưởng lợi ích này con người đòi buộc phải ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng.

Nhìn vào cuộc đời của Đức Giêsu, chúng ta thấy đa số những ai thành tâm đi theo Chúa, trở thành bạn hữu của Người là những người tội lỗi, bị áp bức, bị chà đạp, bị tẩy chay bởi những ai có quyền lực. Họ không tạo một khó khăn hay rắc rối nào cho Chúa. Họ quá nghèo về tinh thần lẫn vật chất nên dễ dàng đón nhận lời mời và các thách đố của Đức Giê-su. Trái lại, những người tự nhận mình là công chính thì khác. Họ quá giầu công đức. Công nghiệp đã choán hết chổ trong lòng họ, khiến mắt họ không còn mở ra được và tai họ cũng bị che lấp. Họ đến với Chúa để gài bẫy. Họ thiếu thành tâm khi gặp Chúa. Họ âm mưu khi theo Chúa.

Sự khác biệt của hai nhóm này cũng dễ hiểu: như những nguời đau yếu cần đến thầy thuốc thế nào thì những người tội lỗi cần đến sự tha thứ của Chúa như thế. Còn người công chính, tự nhận mình là kẻ không có tội thì còn cần đến ai nữa.

Tuy nhiên, việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Người dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Người thấu hiểu và thông cảm cho sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, nhưng con người phải thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Người.

Như vậy, để đáp trả lời kêu gọi và trở nên môn đệ của Chúa, việc đầu tiên chúng ta phải làm là sám hối, phải từ bỏ cuộc sống cũ, xếp lại các tham vọng, ích kỷ và những ước mơ cũ ở lại sau lưng; rồi tin vào Tin Mừng, chấp nhận theo Đức Giêsu và sống theo các huấn lệnh của Người. Các điều đó sẽ làm cho chúng ta xứng đáng trở nên môn đệ, thành viên của Nước Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta không thể tách rời các yếu tố: sám hối, từ bỏ, tin, chấp nhận rồi theo Chúa thành các phần riêng biệt để thực hiện. Các yếu tố này xẩy ra trong lúc chúng ta đưa ra chọn lựa và quyết định. Không ai khác có thể làm thay cho chúng ta. Không có việc từ bỏ trước rồi mới thành môn đệ sau. Không có việc hôm nay quyết định dấn thân, rồi mai này khi gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ làm tiêu hao nguồn năng lực, và việc dấn thân cho ơn gọi cũng bị suy giảm.

Nhưng, thực tế cho biết rằng các yếu tố như: thời gian chờ đợi, các thử thách trước mắt, sự yếu hèn của bản thân đều có thể là nguyên nhân khiến cho lời cam kết mang đầy nhiệt huyết của những ngày đầu tiên trong hành trình làm môn đệ của chúng ta bị bóp nghẽn và chết đi. Chỉ có nhờ quyền năng và sống trong sức mạnh của Chúa mới giúp chúng ta vực lại tính năng nổ, bầu nghiệt huyết trong việc sống trung tín với các lời cam kết để hoàn thành sứ mạng của người môn đệ.

Sau cùng, anh chị em nhớ rằng: công việc của chúng ta không chỉ là việc cầu nguyện cho Nước Cha mau đến, nhưng thật ra Nước Thiên Chúa đã hiện diện, đang tìm cách xâm nhập vào trái tim và biến đổi chúng ta thành những người môn đệ của Đức Giêsu. Vì vậy, hãy để cho Chúa biến đổi chúng ta liều lĩnh tin theo Chúa, Đấng hướng dẫn và chỉ đạo cuộc sống chúng ta sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa đã được loan báo bởi Đức Giê-su, Amen!

Wednesday, 10 January 2024

CHÚA GỌI.

 


Anh chị em thân mến,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật tuần này xoay quanh chủ đề ơn gọi. Ai cũng được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào công việc rao giảng của Chúa Kitô trong hoàn cảnh sống của mình. Có người được gọi sống bậc gia đình; có người được gọi sống độc thân để trở thành các bậc thầy hay trở thành giáo sĩ và tu sĩ. Nói chung lời mời gọi từ Chúa và phần đáp trả là của chúng ta.

Bài đọc thứ nhất kể lại việc Chúa gọi Sa-mu-en nhưng cậu không hiểu ai đang gọi mình. Mỗi lần nghe thấy tiếng gọi, Sa-mu-en lầm tưởng là Thầy Ê-li gọi cho nên cậu đã chạy đến bên Thầy để trả lời. Cuối cùng Thầy Ê-li đã ghép mọi chi tiết lại với nhau và với tư cách là người cố vấn tinh thần, hướng dẫn linh đạo, thầy đã giúp Sa-mu-en nên biết trả lời như thế nào. Thầy đã góp ý cho Sa-mu-en câu trả lời thật tuyệt vời như sau: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Và từ đó, Thiên Chúa ở cùng Sa-mu-en. Phần cậu, cậu đã không để rơi mất lời nào của Chúa mà không sinh hoa kết trái khi trở về với Người.

Và, trong bài Tin Mừng hôm nay, để mời gọi, Đức Giêsu hình như không nói trực tiếp. Người chỉ trả lời cho nỗi khát vọng tìm kiếm khi hỏi những ai đi theo Người rằng “các ông tìm gì?” Thật là một điều ngạc nhiên cho chúng ta khi nghe họ hỏi lại: “Thầy ở đâu?” Câu hỏi của họ có thể hiểu theo nghĩa bình thường là ám chỉ đến nơi cư ngụ của Đức Giêsu. Nhưng, theo nghĩa của Tin Mừng, thì câu hỏi này còn có thể quảng diễn như: Chúng tôi sẽ gặp Thầy ở đâu? Làm thế nào chúng tôi có thể gặp Thầy để được biến đổi? Làm thế nào chúng tôi có thể tiếp cận và chia sẻ cuộc sống với Thầy?

Đứng trước yêu cầu chính đáng của họ, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ. Người tiếp tục mời họ “Hãy đến mà xem”. Đến đâu? Đến với Chúa. Xem điều gì? Xem cách thức Người sống. Có nghĩa là Chúa mời gọi họ thiết lập và xây dựng mối dây hiệp thông với Người. Muốn đạt được nguyện ước này các môn đệ không được phép đóng vai quan sát viên, đứng bên lề. Họ cần dấn thân, chia sẻ cuộc sống và buớc đi với Người, cùng Nguời đi trên các nẻo đường khác nhau mà đến với mọi người.

Tiến trình của việc tìm kiếm, đón nhận và đáp trả này không thể xẩy ra trong một giây một phút; nhưng đó chính là hành trang của cả đời kiếm tìm. Đến rồi gặp, gặp rồi lại nhớ. Vòng tròn gặp rồi nhớ, nhớ rồi gặp cứ thế thôi thúc khiến chúng ta đã nhớ lại càng nhớ thêm và cứ như thế tình của Chúa càng gặp càng cắm rễ sâu đậm hơn trong cuộc sống của chúng ta, những người môn đệ của Chúa. Sau đây là diển tiến của một tiến trình, mời anh chị em lắng nghe.

Chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa gọi bằng trái tim, bởi vì cuối cùng Lời mà Đức Giê-su giao tiếp với chúng ta là chính bản thân Người. Khi chúng ta lắng nghe Người, gặp Người rồi thì cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi. Chúa không truyền đạt sự kiện, tin tức hay dữ kiện mà Người truyền ban cho chúng ta chính bản thân Người, tình yêu của Chúa, sự sống và lòng thương xót của Chúa. Và khi chúng ta lắng nghe Lời mời gọi của Chúa, để cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa chạm vào chúng ta, tức khắc chúng ta sẽ được biến đổi.

Thật vậy, Thiên Chúa có trăm phương nghìn cách để nói với con người. Mỗi người là một cá thể riêng biệt. Và có bao nhiêu cá thể thì có bấy nhiêu cách qua đó Thiên chúa dùng để tiếp cận với ta. Và có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu vì sao Thiên Chúa dùng để soi dẫn mở đường cho ta nhận biết và vâng nghe tiếng Ngài.

Cách thức của Thiên Chúa thật diệu kỳ và khó hiểu. Có nhiều trường hợp con người phải kinh qua những đau khổ, những mất mát và đổ vỡ rồi mới nhận ra tiếng Chúa. Như trường hợp của hai anh em mà chúng ta thường được nghe trong Tin Mừng của thánh Luca. Người con thứ trải qua trăm cay nghìn đắng mới nhận ra ý Chúa. Còn ông con cả thì thế nào? Anh chưa bao giờ làm trái lịnh cha. Anh sống trong khuôn mẫu, kích thước của chính anh. Cuộc sống của anh quá êm đềm; êm đềm đến độ anh cũng chẳng cần biết người khác nghĩ gì về anh, và anh cũng chẳng thèm nghĩ đến nhu cầu của người khác. Phải chăng anh chỉ là ‘một xác chết biết đi’. Nhưng mọi sự đều đổi khác khi em anh trở về. Quả thật, anh không có trách nhiệm gì về sự sai lầm của chú em. Nhưng với sự đỗ vỡ của chú ta, qua đó Thiên Chúa dùng để đánh thức anh! Nếu muốn sống thật mối tương quan cha con, anh cần chọn lựa một lối đi mới. Một lối đi khác hẳn lối đi cũ. Lối đi không bị bao vây bởi giáo điều và kinh kệ. Nhưng được phát xuất từ mối dây liên kết giữa anh và Cha.

Như vậy, để khám phá ra ý định của Thiên Chúa, chúng ta cần sống mật thiết với Người. Chính trong sự kết hợp của tình yêu này chúng ta sẽ được giải thóat để sống với điều đôi khi không giống với sự kỳ vọng của đám đông. Nhưng, chắc hẳn một điều là quyết định hay chọn lựa phát sinh từ lòng yêu mến của chúng ta với Chúa và dĩ nhiên điều đó rất phù hợp với ý Chúa, Đấng không ngừng yêu mến, họat động và cùng ta dấn bước.

Thiên Chúa thăm viếng và nói với ai lắng nghe Người. Để đạt được mục tiên này, Thiên Chúa còn dùng những con người đang sống cùng thời với ta giúp ta nhận ra tiếng của Người. Cụ thể, trong các bài đọc hôm nay, chúng ta đã nhìn ra hai gương mẫu giúp người khác nhận ra ý Chúa. Thầy của Samuel đã giúp cho cậu nhận ra và đáp trả lời mời của Chúa. Các môn đệ của Gio-an cũng thế, nhờ lời giới thiệu của Thầy mà họ nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a rồi đi theo Người. Họ là những người thầy về mặt tâm linh, hướng dẫn và giúp chúng ta nhận ra ý của Chúa mà đáp trả. Chúng ta biết ơn họ.

Hơn thế nữa, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa vì yêu thương đã ẩn mình trong những từ ngữ và tiếng nói của con người. Vì thế, trong cuộc sống, chúng ta cần mở ra để đón nhận nhau vì ai cũng được Thiên Chúa dùng để sinh ích lợi cho người khác. Thật vậy, không ai có thể nghe được Thiên Chúa nếu người ấy tự khép mình lại, sống cô độc, xa lánh người khác. Và, cho dù chúng ta biết rằng Chúa không hề ép buộc ai. Tuy nhiên, những ai đã nghe lời Chúa thì không thể cưỡng lại ý Chúa được.

Tóm lại, sống với Đức Giêsu, chia sẻ mối thâm tình của Người sẽ đem đến cho ta niềm vui, để rồi lại đến lượt chúng ta, trong vai trò của những chứng nhân, chúng ta mời gọi người khác cùng chia sẻ niềm vui với mình. Có nghĩa là qua cuộc sống chúng ta mời gọi những người trong cộng đoàn, xóm giáo, gia đình của chúng ta hãy đến mà xem cuộc sống của chúng ta rồi qua đó họ sẽ thấy Chúa!

Thật sự, đây là một thách đố cho chúng ta là các môn đệ của Chúa, không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Tất cả đều được mời gọi để sống thân tình với Chúa và với kinh nghiệm sống thân mật với Chúa, chúng ta sẽ can đảm tuyên xưng rằng: Hãy đến mà xem chúng tôi, những người môn đệ của Chúa Cứu Thế, yêu thương nhau đến dường nào. Bởi vỉ, tình yêu là lời chứng sống động và hiệu quả nhất để minh chứng Chúa đã Nhập Thể và đang hiện diện với chúng ta. Amen!