Monday, 26 February 2024

CHÚNG TA LÀ ĐỀN THỜ CHÚA NGỰ?

 

Anh chị em thân mến,

Sự kiện Đức Giê-su đuổi quân mua bán, đổi tiền, lật đổ bàn ghế của những kẻ bán bồ câu ra khỏi Đền thờ Giê-ru-sa-lem hôm nay đều được bốn Tin Mừng thuật lại. Tuy nhiên, việc sắp xếp biến cố này theo thứ tự thời gian trong sứ vụ của Đức Giê-su lại khác nhau. Tin Mừng Nhất Lãm đặt biến cố này vào lúc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng. Việc tẩy uế đền thờ coi như là giọt nước tràn ly, bởi vì sau biến cố này thì hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo Do Thái quyết định tiêu diệt Người. Trong khi đó, Tin Mừng theo Thánh Gio-an lại đặt biến cố này nằm trong một loạt dấu lạ xẩy ra vào lúc Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ.

Theo như chúng ta được biết, các dấu lạ trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an bao giờ cũng ám chỉ một ý nghĩa nào đó. Sự hiện diện cùng các dấu lạ kèm theo thường nói đến sự đổi mới, một sự bắt đầu lại mà Đức Giê-su đem đến. Thật vậy, trong Đức Giê-su, Thiên Chúa muốn gửi đến một điều gì mới mẻ và sâu sắc, một sự thay đổi không để phá hủy nhưng kiện toàn những cái cũ. Việc Đức Giê-su lật đổ bàn ghế của dân buôn tại Đền Thờ nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa của Đức Giê-su muốn phá bỏ những rào cản, các qui chế, tập tục và thay vào đó một điều gì đó sâu sắc và mới mẻ hơn. Muốn biết rõ điều mới lạ Đức Giê-su đem đến, chúng ta hãy tìm hiểu vị trí của đền thờ Giê-ru-sa-lem trong đời sống tôn giáo của người Do Thái.

Như chúng ta được biết, đền thờ Giê-ru-sa-lem là trung tâm, giữ một vai trò quan trọng trong việc thiết lập và phát triển đạo Do Thái. Đó còn là dấu chỉ nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa và với sự tồn tại của đền thờ, những người Do Thái còn hãnh diện được làm dân riêng của Thiên Chúa, dòng giống mà Thiên Chúa đã tuyển chọn.

Theo thông lệ, hàng năm, vào dịp lễ Vượt qua, mọi công dân Do Thái buộc lên đền thờ Giê-ru-sa-lem tham dự các nghi lễ theo luật dậy. Mỗi gia đình phải dâng tế phẩm cho Thiên Chúa, nộp vào đền thờ các phần hoa lợi trong năm, đồng thời thi hành các tục lệ và mừng Đại Lễ Vuợt qua, làm sống lại việc can thiệp của Thiên Chúa cứu thoát dân vượt qua Biển Đỏ.

Một điều đáng cho chúng ta lưu tâm là dân từ khắp nơi tuôn về, và các phương tiện di chuyển thời đó không nhanh chóng và thuận tiện như chúng ta ngày nay. Nói chung, họ phải đi bộ mấy ngày đuờng thì làm sao có thể mang theo của lễ theo như luật dậy. Vì thế, người ta buôn bán những vật liệu cần thiết cho việc tế tự và xử dụng các loại tiền riêng để nộp thuế đền thờ. Nghĩa là, dịch vụ buôn bán và đổi chác là các phương tiện cần thiết giúp cho dân thực hành việc tế lễ.

Đứng trước lối sống lạm dụng chức vụ để mưu cầu ích lợi cho riêng mình của các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng thời với Đức Giê-su, phản ứng của Người thế nào?

Đức Giêsu không thể chấp nhận, Nguời nổi giận vì tâm địa tàn ác, óc não vụ lợi, xử dụng chức quyền vào mục đích riêng tư của cá nhân và phe nhóm họ. Khi xua đuổi những người đổi tiền và những người buôn bán ra khỏi đền thờ là lúc Đức Giêsu đã đụng chạm đến quyền lợi, uy danh của tầng lớp thế lực là các thượng tế và luật sĩ. Thiên Chúa không còn là đối tượng của việc thờ phượng cho nhóm họ, trái lại Thiên Chúa đã trở thành bình phong cho các mưu đồ riêng tư của cá nhân và phe nhóm họ.

Đức Giê-su đã không vì uy tín cá nhân, sự an toàn của bản thân mà làm ngơ trước hành vi sai trái của họ. Người còn biết rất rõ là họ sẽ chống đối và sẽ tìm cách tiêu diệt Người. Nhưng vì lòng yêu mến Thiên Chúa và những người dân vô tội, Đức Giêsu đã hành động quyết liệt:  xô đổ bàn ghế, lấy dây làm roi xua đuổi chiên bò và còn ra lịnh cho họ: hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi nơi đây và đừng biến nhà Cha Người thành hang trộm cướp.

Việc Đức Giê-su làm ngày hôm nay không chỉ đơn giản là việc xua đuổi mấy con buôn; nhưng Người muốn thay đổi một quan điểm, lật nhào một hệ thống tôn giáo đã mất gốc và đem đến một luồng gió mới, phục hồi lại bản chất đích thực của việc thờ phượng, tái tạo một lối sống đạo, trong đó Thiên Chúa là gốc và cùng đích của mọi sinh hoạt. Người phán “các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người nói như thế để ám chỉ đến Đền Thờ mới là Thân Thể Người.

Đền thờ tuy cần thiết cho tôn giáo, nhưng nếu đền thờ không còn mang ý nghĩa là tụ điểm yêu thương, không còn là nơi để con người thờ phượng Chúa và chia sẻ tình huynh đệ thì cho dù đền thờ có nguy nga, tráng lệ và bền vững đến đâu cũng chẳng còn ích lợi gì cho lối sống đạo của chúng ta nữa. Ngoài ra, nếu chúng ta quá lệ thuộc vào các hình thức tế tự mà quên đi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong Đức Giê-su, thì lối sống đạo hình thức đó còn đem lại giá trị và hậu quả gì nữa đây!

Thưa anh chị em,

Theo tinh thần của Đức Giê-su thì tôn giáo hay đạo không chủ yếu lệ thuộc vào các việc tế tự tập trung vào trong tay của giai cấp lãnh đạo đền thờ mà thôi. Đạo chính là con đuờng, là lối sống đuợc xây dựng trên các mối tương quan giữa những kẻ tin với nhau. Hy lễ tuy cần thiết, nhưng nếu các điều đó không được phát sinh bởi tình yêu và lòng thương xót thì các nghi thức tế lễ cũng chỉ có tính chất trình diễn, nặng về mặt hình thức và chúng ta vẫn bị luẩn quẩn trong các nghi thức chết và không có sức sống.

Thật vậy, lối sống của Chúa là lối sống mở ra để đón nhận mọi người. Người yêu thương đón nhận mọi người, không phân biệt một ai, nam hay nữ, giầu hay nghèo, da trắng hay da mầu. Như vậy, trong các sinh hoạt của Hội Thánh, Thân thể của Đức Ki-tô và cũng là đền thờ đích thật của Thiên Chúa, nơi không có sự loại trừ, chỉ có yêu thương và tha thứ. Tại nơi đó, con người không còn bị giới hạn hay bị trói buộc bởi hệ thống giáo điều, cơ cấu khi đến với nhau. Hãy buông bỏ thể chế, buông bỏ guồng máy điều khiển làm cho con người xa cách nhau. Thay vào đó, chúng ta hãy nhìn sâu vào trong tâm khảm và cõi lòng của nhau để nhận ra rằng chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là anh em. Chúng ta hiện diện nơi đây, trong giây phút này, là vì Chúa và vì nhau.

Sau cùng, hãy học lối sống chia sẻ và ban phát của Đức Giê-su. Người đã sống cho và sống với người khác; đặc biệt là những ai bị bỏ rơi, những ai bị liệt vào hạng tội lỗi. Tất cả đều được mời gọi đồng bàn với Người; và khi đồng bàn với nhau để cử hành bữa tiệc Thánh Thể của Chúa Ki-tô là lúc Người ban cho chúng ta sức mạnh đổi mới, mời gọi chúng ta chia sẻ con đường và lối sống của Người. Và một khi, chúng ta học được lối sống của Người là lúc chúng ta hãnh diện làm chứng rằng chính thật chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa vậy. Amen.

 

HIỂN DUNG: KINH NGHIÊM CHO HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

 

Cuộc đời Đức Giê-su là một cuộc hành trình di động không ngừng nghỉ. Người là đường như Lời Người đã phán: Thầy là đường. Người còn là con đường dẫn người ta đến với Cha. Con đường Người đi là cuộc sống Người. Đó không phải là con đường rộng thênh thang với nhiều cạm bẫy, mà là con đường hẹp, con đường hy sinh, con đường khổ nạn, con đường Thánh Giá. Vì thế, khi loan báo về con đường đó, các môn đệ của Người đã không tài nào có thể đón nhận được.

Trong tình huống đó, cảnh tượng được mô tả trong trình thuật Hiển Dung hôm nay đem đến cho các môn đệ nguồn sáng, sức mạnh để các ông có thể bước đi trên con đường mà Đức Giê-su, Thầy của các ông đã loan báo và tự nguyện đi vào. Đức Giêsu cho các môn đệ ‘nếm một chút’ ánh sáng vinh hiển của Người. Ánh sáng đích thật này chỉ đuợc tỏ bầy trọn vẹn qua biến cố Phục sinh. Nhưng trong phút giây này, trước mắt Người vẫn là hành trình khổ nạn chứ chưa phải là vinh quang.

Nhìn như thế, chúng ta mới nhận biết rằng Chúa yêu thuơng, săn sóc và lo lắng cho các môn đệ và chúng ta đến độ nào. Người hiểu các nỗi yếu đuối của họ, Người biết lòng trí không ngay thẳng của những ai đang theo Nguời, Người còn rõ ý định sai lạc muốn tìm kiếm địa vị như Gioan và Giacôbê, v.v... Nhưng Người lại không thất vọng về họ. Vì thế, Người chuẩn bị cho các môn đệ đủ sức để đối diện và đồng hành với cuộc khổ nạn của Nguời bằng cách cho họ ‘nếm một chút’ vinh quang của Con Thiên Chúa. Kinh nghiệm độc nhất vô nhị này vô cùng quí giá, nó sẽ nâng đỡ các môn đệ trên đường Thương Khó.

Thật vậy, kinh nghịệm ‘hiển dung’ đã giúp cho các môn đệ thế nào thì ngày nay cũng giúp cho chúng ta như thế, miễn là chúng ta hân hoan đón nhận đường Thương Khó và sau cùng là sự chết của Người. Vì chúng ta tin rằng tất cả không dừng lại ở đó, nhưng còn mở ra một chân trời hạnh phúc và vinh hiển trong ngày Phục Sinh.

Cho nên, trong hành trình đức tin, chúng ta rất cần những trải nghiệm ‘Chúa hiển dung’ hôm nay. Một cách cụ thể, xin thưa với anh chị em một vài chứng tích tuy rất bình thường nhưng lại đem đến những cảm nghiệm thật cần thiết cho hành trình sống của chúng ta.

Có những bà mẹ đã nhận ra ơn gọi thật cao quí mà Chúa đã trao ban cho bà qua những công việc thường nhật mà các bà thường làm trong công tác của một người nội trợ. Nhìn thấy cảnh chồng con ăn ngon, hạnh phúc đầm ấm bên bàn cơm do công sức của bà chuẩn bị, khiến cho cơn mệt nhọc duờng như biến mất, còn lại trong phần sâu thẳm của tâm hồn bà là niềm vui, một niềm vui không sao diễn tả được. Bà đã phải quay mặt đi để dấu những giọt lệ hạnh phúc đang sẵn sàng trào ra trong đôi mắt ngập tràn hạnh phúc của bà.  Bà hãnh diện và nhận ra rằng nhờ sự hy sinh của bà mà gia đình mới vui như thế. Rõ ràng đó là một việc làm bình thường như mọi ngày của cuộc sống, thế mà đến hôm đó bà mới nhận ra sự diệu kỳ và phi thường của nó. Một khoảnh khắc, một kinh nghiệm thật diệu kỳ đã đến với bà qua công việc rất bình thường.

Về đời sống thiêng liêng cũng thế, đã có thời điểm chúng ta trải qua những kinh nghiệm thật đặc biệt, nhận ra sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa qua các việc rất bình thường. Trong những cuộc tĩnh tâm, nội dung các bài giảng, sự tận tâm phục vụ và huớng dẫn của các anh chị em giúp khóa; đều là các yếu tố giúp ta khám phá ra bàn tay và sự tác động của Thiên Chúa. Tác động của Chúa mạnh đến độ chúng ta không cầm được nuớc mắt. Trong nỗi vui suớng được thay đổi đó, chúng ta đã từng hứa như ý định của Phêrô, xin được ở luôn bên Chúa trên núi, trong bài Tin Mừng hôm nay.

Nhưng, chúng ta đuợc mời gọi đi xa hơn, không dừng lại ở các kinh nghiệm về những lần gặp gỡ mang nặng chất tình cảm đó. Việc chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển của Đức Giêsu không làm chúng ta bị chóa mắt, hay quáng gà rồi không còn nhìn thấy những thực tại ở trần gian nữa. Người mời chúng ta xuống núi.

Chúa không còn thường xuyên Thần Hiện để con người nhận ra sự hiện diện của Người như kinh nghiệm của Maisen và dân Israel xưa kia, Người cũng không biến hình đổi dạng cho các Tông đồ nhìn thấy vinh quang cuả Người như trong bài Tin Mừng hôm nay. Người đã trở thành con người như chúng ta và cư ngụ giữa chúng ta. Người chính là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta mọi nơi mọi lúc. Đó là một điều thật diệu kỳ mà chúng ta cần khám phá luôn mãi. Một sự đổi thay mà chỉ có ai ở trong Chúa mới nhận ra. Rồi từ đó, chúng ta nhận ra ai ai cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, và mọi sự Người tác tạo đều tốt đẹp, rất dễ thương. Như thế thì cuộc đời đáng sống và đáng yêu hơn.

Vì thế, với những kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa - qua cầu nguyện, các biến cố xẩy đến trong đời - đều là hồng ân giúp chúng ta trở về với đời sống hàng ngày, đối diện với muôn ngàn thử thách, đắng cay bằng ánh sáng và con tim mới. Với sự hiện diên của Đức Giêsu, không chỉ ở trên núi (Thánh), nhưng ở mọi giây phút của cuộc đời; chúng ta sẽ chấp nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan, sẵn sàng chiến đấu mà không ngại gian khổ, chấp nhận những bất tòan của chính bản thân để có thể thông cảm các nỗi yếu đuối và không hòan hảo của nhau, rồi cùng đồng hành với nhau trên con đuờng mà Chúa đã đi qua.

Sau cùng, xin dung nhan của Chúa Hiển Dung hôm nay và nhất là Ánh Sáng Phục sinh của Đức Chúa luôn dẫn lối chỉ đuờng cho chúng ta, để chúng ta biết đón nhận và sống trọn vẹn mọi giây, mọi phút trong cuộc sống và tiếp tục ‘buớc theo’ và ‘cùng buớc’ vào dấu chân của Đức Kitô đã bước qua. Amen.

Wednesday, 7 February 2024

NĂM MỚI: ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA ĐẾN VỚI NGƯỜI PHONG CÙI

 

Đối với Hội Thánh hoàn vũ, hôm nay là Chúa Nhật thứ sáu Mùa Thường Niên. Phụng vụ Lời Chúa tuần này trình bầy Đức Giê-su là Đấng có quyền trên các tai ương và dịch bệnh. Người không chỉ chữa cho người bị phong cùi được khỏi bịnh mà còn đưa ông trở về với cộng đoàn, nơi không còn nghị kỵ chỉ có hiệp nhất, tin yêu với bình an.

Và, trong niềm hân hoan đón chào năm mới Giáp Thìn 2024, Mẹ Hội Thánh Việt Nam mời gọi chúng ta dành vài ngày đầu năm để dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn, cầu bình an cho năm mới, kính nhớ tiên nhân và dâng mọi sinh hoạt trong năm mới lên Chúa. Tuy lòng chúng ta rộn rã đón chào năm mới, nhưng chúng ta vẫn không quên nhiệm vụ mà Chúa đã trao phó. Đó là lắng nghe và áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống của những môn đệ chân chính của Đức Chúa. Trong niềm ước mong đó, mời anh chị em cùng suy niệm. 

Anh chị em thân mến,

Để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm do bịnh phong cùi gây ra, người ta khuyên chúng ta cẩn thận khi tiếp xúc với họ. Đó cũng là cách thức mà con người sống cùng thời với Đức Giê-su đã cư xử với những ai bị bịnh phong cùi. Họ phải sống cô lập, không được phép tiếp xúc với ai. Bất cứ ai chạm đến họ đều bị coi là ô uế. Thậm chí khi đi ra ngoài, họ phải lên tiếng báo cho những người chung quanh biết để mà tránh né.

Với hoàn cảnh cuộc sống của những ai bị phong cùi như thế, chúng ta có thể nhận ra được nỗi đau khổ về tinh thần cũng như thể xác của họ. Họ bị ngược đãi và coi như thành phần cùi hủi của xã hội nói gì đến yêu thương. Ai trong chúng ta khi gặp họ mà lại không né tránh, sợ bị lây!

Ngoài lối cư xử thiếu tình bác ái như đã nói ở trên, người  Do Thái còn coi họ là những người tội lỗi, đáng bị Chúa phạt. Họ phải sống cách ly, không được phép lên Đền thờ Giêrusalem, và nếu có được tham dự lễ nghi phụng vụ, họ phải ở trong một căn phòng đặc biệt dành riêng cho họ. Họ bị đối xử như người ngoài luồng.

Trong hoàn cảnh như thế, tôi ngạc nhiên khi người bị bịnh phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay dám liều lĩnh đến gặp Đức Giê-su. Thái độ liều lĩnh này của ông kèm theo lời cầu khẩn, không mang tính ép buộc, ông nói “nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Khi nói “nếu Chúa muốn”, ông biểu lộ thái độ tin tưởng vào Đức Giê-su. Ông tin rằng Đấng đang hiện diện trước mặt ông là người có đầy uy quyền làm cho ông được sống. Tiếp cận Đức Giê-su là gặp gỡ Đấng trả lại vinh dự làm người cho ông, trao lại cho ông sự sống mà theo luật lệ ông đã bị coi như là người đã chết.

Còn Đức Giê-su thì sao?

Đức Giê-su sinh ra và lớn lên trong truyền thống Do Thái; hẳn nhiên Người biết rất rõ khoản luật cấm không được chạm đến người bị phong cùi. Thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã làm một việc mà luật cấm. Người tiếp xúc và chạm vào người bị phong cùi.

Tất cả các cử chỉ: động lòng, giơ tay, tiếp xúc và ra lịnh xẩy ra một loạt.  Qua các động tác này, chúng ta nhận ra tính duy nhất trong con người của Đức Giê-su. Không có việc nghĩ trước làm sau. Tất cả xẩy ra đồng loạt để nói cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su thương người bị phong cùi vô cùng. Người không yêu bằng lời nói suông, hay qua các giao uớc dựa trên lý thuyết. Nhưng Đức Giê-su đã yêu bằng các việc làm cụ thể, bằng cuộc sống và sự dấn thân trọn vẹn của Người.

Thật vậy, với Đức Giê-su, giúp một người bị đau khổ, phục hồi phẩm giá của một con người là ưu tiên số một trong cuộc sống và sứ vụ của Người. Đức Giê-su tự do và thoải mái hành động vì hạnh phúc con người. Luật lệ có tồn tại và được áp dụng cũng vì lợi ích cho con người. Một khi những khoản luật ngăn cản con người thể hiện lòng yêu thương thì không còn giá trị. Không có một điều gì có thể ngăn cản việc Đức Giê-su thực hiện ý định của Thiên Chúa. Đức Giê-su yêu thương mọi người.

Còn một điều mà chúng ta cần lưu ý, đó là khi làm cho người phong cùi được sạch, được khỏi bịnh thì chính Đức Giê-su lại bị khó khăn, bị trục xuất và gặp sự đối nghịch của hàng ngũ lãnh đạo, dẫn đến cái chết mà Người sẽ chịu.

Tuy biết hậu quả mà Đức Giê-su phải lĩnh nhận sẽ là như thế. Nhưng vì yêu thương, Người sẵn sàng đánh đổ mọi sự để làm chứng cho chúng ta biết rằng Người là Thiên Chúa thật, không còn ở trên cao, nhưng đã cúi mình xuống để đồng hành và chia sẻ các nỗi khổ đau của con người. Người đã cúi mình thật sâu trong biến cố làm người và trong cái chết trên thập giá. Người cúi xuống để nâng con người lên, miễn là con người nhận ra phẩm giá của chính mình và được cứu độ.

Chính vì thế, Tin Mừng mà Đức Giê-su đem đến trong ngày Chúa Nhật thừ 6 Mùa Thường Niên. Đó là hãy sống bớt nghi kỵ, biết gạt bỏ thành kiến, chấp nhận các nỗi ô uế của nhau, tôn trọng phẩm vị con người, rồi cố gắng đến với nhau, đem cho nhau thêm một chút tình người, yêu và thông cảm nhau hơn. Vì trong Đức Giê-su, chúng ta xác tín rằng không một ai bị phong cùi mà không được chữa lành, không một ai sống trong ô uế mà không được sạch sẽ, không một ai chịu đau khổ mà không tìm được hạnh phúc, và không một ai sống trong tội lỗi mà không tìm được sự tha thứ mà được cứu độ.

Đó cũng là mục tiêu mà chúng ta cần đạt tới trong năm Giáp Thìn này. Nhưng ơn lành và sự chúc phúc của Chúa chỉ trở nên trọn vẹn khi chúng ta lĩnh nhận, không cho riêng mình mà là khí cụ đem đến hạnh phúc cho nhau. Có nghĩa là chúng ta chỉ được hạnh phúc khi sống trọn vẹn ơn gọi là những quà tặng cao quí nhất mà Thiên Chúa ban tặng để hàn gắn các nỗi đau thương mà anh em chúng ta đang phải gánh chịu.

Sau cùng, xin gửi đến anh chị em niềm vui và hạnh phúc trào dâng trong năm mới, Giáp Thìn. Xin Chúa ban cho anh chị em thêm tuổi, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và ngập tràn hạnh phúc trong nguồn suối ân nghĩa của Thiên Chúa cho tha nhân. Amen!