Đối với Hội Thánh hoàn vũ, hôm nay là Chúa
Nhật thứ sáu Mùa Thường Niên. Phụng vụ Lời Chúa tuần này trình bầy Đức Giê-su
là Đấng có quyền trên các tai ương và dịch bệnh. Người không chỉ chữa cho người
bị phong cùi được khỏi bịnh mà còn đưa ông trở về với cộng đoàn, nơi không còn
nghị kỵ chỉ có hiệp nhất, tin yêu với bình an.
Và, trong niềm hân hoan đón chào năm mới
Giáp Thìn 2024, Mẹ Hội Thánh Việt Nam mời gọi chúng ta dành vài ngày đầu năm để
dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn, cầu bình an cho năm mới, kính nhớ tiên nhân
và dâng mọi sinh hoạt trong năm mới lên Chúa. Tuy lòng chúng ta rộn rã đón chào
năm mới, nhưng chúng ta vẫn không quên nhiệm vụ mà Chúa đã trao phó. Đó là lắng
nghe và áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống của những môn đệ chân chính của Đức
Chúa. Trong niềm ước mong đó, mời anh chị em cùng suy niệm.
Anh chị em thân mến,
Để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm do bịnh phong cùi gây ra, người
ta khuyên chúng ta cẩn thận khi tiếp xúc với họ. Đó cũng là cách thức mà con
người sống cùng thời với Đức Giê-su đã cư xử với những ai bị bịnh phong cùi. Họ
phải sống cô lập, không được phép tiếp xúc với ai. Bất cứ ai chạm đến họ đều bị
coi là ô uế. Thậm chí khi đi ra ngoài, họ phải lên tiếng báo cho những người
chung quanh biết để mà tránh né.
Với hoàn cảnh cuộc sống của những ai bị phong cùi như thế, chúng
ta có thể nhận ra được nỗi đau khổ về tinh thần cũng như thể xác của họ. Họ bị
ngược đãi và coi như thành phần cùi hủi của xã hội nói gì đến yêu thương. Ai
trong chúng ta khi gặp họ mà lại không né tránh, sợ bị lây!
Ngoài lối cư xử thiếu tình bác ái như đã nói ở trên, người Do Thái còn coi họ là những người tội lỗi,
đáng bị Chúa phạt. Họ phải sống cách ly, không được phép lên Đền thờ
Giêrusalem, và nếu có được tham dự lễ nghi phụng vụ, họ phải ở trong một căn
phòng đặc biệt dành riêng cho họ. Họ bị đối xử như người ngoài luồng.
Trong hoàn cảnh như thế, tôi ngạc nhiên khi người bị bịnh phong
cùi trong bài Tin Mừng hôm nay dám liều lĩnh đến gặp Đức Giê-su. Thái độ liều
lĩnh này của ông kèm theo lời cầu khẩn, không mang tính ép buộc, ông nói “nếu
Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Khi nói “nếu Chúa muốn”, ông biểu
lộ thái độ tin tưởng vào Đức Giê-su. Ông tin rằng Đấng đang hiện diện trước mặt
ông là người có đầy uy quyền làm cho ông được sống. Tiếp cận Đức Giê-su là gặp
gỡ Đấng trả lại vinh dự làm người cho ông, trao lại cho ông sự sống mà theo luật
lệ ông đã bị coi như là người đã chết.
Còn Đức Giê-su thì sao?
Đức Giê-su sinh ra và lớn lên trong truyền thống Do Thái; hẳn
nhiên Người biết rất rõ khoản luật cấm không được chạm đến người bị phong cùi.
Thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã làm một việc mà luật cấm. Người
tiếp xúc và chạm vào người bị phong cùi.
Tất cả các cử chỉ: động lòng, giơ tay, tiếp xúc và ra lịnh xẩy ra
một loạt. Qua các động tác này, chúng ta
nhận ra tính duy nhất trong con người của Đức Giê-su. Không có việc nghĩ trước
làm sau. Tất cả xẩy ra đồng loạt để nói cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su thương
người bị phong cùi vô cùng. Người không yêu bằng lời nói suông, hay qua các
giao uớc dựa trên lý thuyết. Nhưng Đức Giê-su đã yêu bằng các việc làm cụ thể,
bằng cuộc sống và sự dấn thân trọn vẹn của Người.
Thật vậy, với Đức Giê-su, giúp một người bị đau khổ, phục hồi phẩm
giá của một con người là ưu tiên số một trong cuộc sống và sứ vụ của Người. Đức
Giê-su tự do và thoải mái hành động vì hạnh phúc con người. Luật lệ có tồn tại
và được áp dụng cũng vì lợi ích cho con người. Một khi những khoản luật ngăn cản
con người thể hiện lòng yêu thương thì không còn giá trị. Không có một điều gì
có thể ngăn cản việc Đức Giê-su thực hiện ý định của Thiên Chúa. Đức Giê-su yêu
thương mọi người.
Còn một điều mà chúng ta cần lưu ý, đó là khi làm cho người phong
cùi được sạch, được khỏi bịnh thì chính Đức Giê-su lại bị khó khăn, bị trục xuất
và gặp sự đối nghịch của hàng ngũ lãnh đạo, dẫn đến cái chết mà Người sẽ chịu.
Tuy biết hậu quả mà Đức Giê-su phải lĩnh nhận sẽ là như thế. Nhưng
vì yêu thương, Người sẵn sàng đánh đổ mọi sự để làm chứng cho chúng ta biết rằng
Người là Thiên Chúa thật, không còn ở trên cao, nhưng đã cúi mình xuống để đồng
hành và chia sẻ các nỗi khổ đau của con người. Người đã cúi mình thật sâu trong
biến cố làm người và trong cái chết trên thập giá. Người cúi xuống để nâng con
người lên, miễn là con người nhận ra phẩm giá của chính mình và được cứu độ.
Chính vì thế, Tin Mừng mà Đức Giê-su đem đến trong ngày Chúa Nhật
thừ 6 Mùa Thường Niên. Đó là hãy sống bớt nghi kỵ, biết gạt bỏ thành kiến, chấp
nhận các nỗi ô uế của nhau, tôn trọng phẩm vị con người, rồi cố gắng đến với
nhau, đem cho nhau thêm một chút tình người, yêu và thông cảm nhau hơn. Vì
trong Đức Giê-su, chúng ta xác tín rằng không một ai bị phong cùi mà không được
chữa lành, không một ai sống trong ô uế mà không được sạch sẽ, không một ai chịu
đau khổ mà không tìm được hạnh phúc, và không một ai sống trong tội lỗi mà
không tìm được sự tha thứ mà được cứu độ.
Đó cũng là mục tiêu mà chúng ta cần đạt tới trong năm Giáp Thìn
này. Nhưng ơn lành và sự chúc phúc của Chúa chỉ trở nên trọn vẹn khi chúng ta
lĩnh nhận, không cho riêng mình mà là khí cụ đem đến hạnh phúc cho nhau. Có
nghĩa là chúng ta chỉ được hạnh phúc khi sống trọn vẹn ơn gọi là những quà tặng
cao quí nhất mà Thiên Chúa ban tặng để hàn gắn các nỗi đau thương mà anh em
chúng ta đang phải gánh chịu.
Sau cùng, xin gửi đến anh chị em niềm vui và hạnh phúc trào dâng
trong năm mới, Giáp Thìn. Xin Chúa ban cho anh chị em thêm tuổi, thêm vững mạnh,
đầy khôn ngoan và ngập tràn hạnh phúc trong nguồn suối ân nghĩa của Thiên Chúa
cho tha nhân. Amen!
No comments:
Post a Comment