Wednesday, 31 July 2024

CHÚA LÀ CỦA ĂN NUÔI SỐNG CHÚNG TA


Kính thưa anh chị em,

Có câu nói rằng: “Thiên Chúa chỉ cần một ngày để đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập; nhưng Ngài lại dùng đến bốn mươi năm để đưa sinh hoạt, văn hoá, và lối sống của người Ai Cập ra khỏi người Do Thái.” Ý nghĩa của câu nói trên là đoạn đường về đất hứa tuy ngắn, nhưng Thiên Chúa cần bốn mươi năm để thanh luyện và giáo dục họ thoát khỏi các tập tục, lề thói mà họ đã bị nhiễm bên Ai Cập mà trở về với đặc tính dân riêng của Thiên Chúa và nhận ra sự chăm sóc của Ngài. Chúng ta cũng thế, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi và hiện diện với chúng ta trong mọi tình huống của cuộc sống để giáo dục và giúp chúng ta nhận ra Chúa là Tình Yêu, là của ăn nuôi sống con người.

Hôm nay trong bài đọc thứ nhất, chúng ta nhận ra tính hờn dỗi và hay kêu trách của dân Do Thái. Cái gì cũng muốn. Họ chỉ muốn Thiên Chúa làm theo ý của họ. Khi còn bị làm nô dịch bên Ai Cập thì cầu xin Thiên Chúa giải thoát họ, đến khi đối diện với cơn đói khát trong sa mạc thì lại kêu trách, chẳng thà chết no bên nồi thịt tại xứ Ai Cập còn hơn là chết đói ở nơi hoang vu này.

Tâm tình đó dường như cũng xuất hiện trong bài Tin Mừng hôm nay. Sau khi được chứng kiến dấu lạ Chúa làm và bụng được no nê, đám đông bèn đi tìm Người. Khi tìm thấy Người và nghe qua cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và họ, chúng ta mới thấy rõ lý do thầm kín bên trong cuộc săn tìm này. Họ tìm Chúa không phải để ca tụng vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa qua việc Người vừa làm. Họ tìm Người vì nhu cầu được thỏa mãn, vì bụng được no nê. Họ chỉ dán mắt vào của ăn vật chất cần cho thân xác, cho nên đã không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa qua dấu lạ Bánh hóa nhiều mà chúng ta mới nghe tuần trước. Thiên Chúa đã ban bánh cho họ để nuôi dưỡng thân xác thể lý của họ, nhưng nhu cầu của thân xác không phải là tất cả những gì họ và chúng ta cần quan tâm; còn một điều cao quí hơn, đó chính là tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua từng biến cố của cuộc sống.

Phần Đức Giê-su, tuy Người đã chạnh lòng, tâm hồn Người rối bời trước cảnh tất bật, lang thang trong cuộc tìm kiếm người chăn chiên của đám đông. Nhưng, không vì thế mà Người chiều theo các yêu cầu vật chất của họ. Người có thể làm thêm vài phép lạ ‘bánh hoá nhiều’ khiến họ khỏi đói. Rồi sau này họ sẽ ra sao! Bánh ăn rồi sẽ phải đói. Nuôi ăn một vài bữa chứ ai nuôi cả đời. Vì thế, Đức Giê-su muốn dậy họ nhớ rằng thay vì tìm bánh nuôi ăn tạm thời thì hãy nỗ lực tìm bánh hằng sống, đó chính là Đức Giê-su. Người đến để thực hiện ý định của Cha Người. Ý của Cha Người là qua Đức Giê-su, Thiên Chúa muốn họ tìm những gì sâu xa và trường tồn hơn. Người nói: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

Thưa anh chị em,

Như thế, điều duy nhất mà Đức Giê-su muốn là chúng ta hãy tin vào Người. Tin ở đây không chỉ tóm gọn như một nhân đức hay là chấp nhận một số tín điều nào đó trong Hội Thánh. Nhưng niềm tin cần được thể hiện bằng công việc mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm.

Tin Đức Giê-su là Đấng nuôi sống chúng ta. Tin vào Lời Người phán hôm nay rằng ‘ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!’ Vì chính Người là Bánh trường sinh, là nguồn sống cho chúng ta đến với nhau. Muốn đến với nhau thì chúng ta cần đến với Chúa truớc. Đến với Chúa là một hành động của niềm tin. Tin rằng Chúa ở trong ta. Tin rằng việc siêng năng đón nhận ‘Mình Thánh Chúa’ không làm cho mình thánh thiện hơn, mà là trở nên giống Chúa, nên một với Chúa. Nên một với Chúa không phải để cho mình trọn hảo, nhưng đó là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta đến với nhau như là anh chị em một nhà, cùng chia sẻ một niềm tin, cùng đến và trao cho nhau một lòng mến. Có như thế, chúng ta mới đủ can đảm và dũng mạnh chia sẻ cuộc đời mình cho nhau.

Nhưng, nhìn vào thực tế và với lòng can đảm chúng ta phải nhận định rằng đã có bao nhiêu người sống đúng lời mời gọi của Chúa hôm nay! Đến với Chúa qua việc siêng năng đón nhận ‘Mình Thánh Chúa’ thì nhiều, nhưng mấy ai trong chúng ta đã để cho ‘Bánh’ mà chúng ta lĩnh nhận biến đổi chúng ta giống Chúa Ki-tô, để trở thành của lễ hiến dâng cho Thiên Chúa và san sẻ cuộc đời cho nhau và cho thế giới; hay là chúng ta lại hành xử giống như người Do Thái, chỉ biết đến với Người nhằm thỏa mãn nhu cầu riêng của mình. Thậm chí, có một số người lập ra các bảng thông kê, những bó hoa thiêng ghi lại bao nhiêu lần họ đã rước lễ để báo cáo thành tích và cùng tôn vinh nhau. Như vậy, liệu chúng ta có khác người Do Thái cùng thời với Đức Giê-su hay không?

Tuy nhiên, không vì các hiện tượng tiêu cực đó mà chúng ta quên đi các giá trị cao siêu mà Mình Thánh Chúa đã đem lại cho chúng ta. Tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính phục thái độ của một số người khi đón nhận Thánh Thể Chúa. Chúng ta không cần biết họ là ai? Quá khứ họ ra sao? Nhưng chỉ nhìn thái độ cung kính với lòng mến yêu khi đón nhận, chúng ta cũng nhận ra sức mạnh của Đức Ki-tô trong tấm bánh đã tác động và ảnh hưởng trong cuộc sống họ ra sao.

Đó là chưa kể đến một số trường hơp ngoại lệ mà tôi nghe đuợc trong các trại cải tạo. Cho dù vẫn biết rằng việc cử hành và đón nhận Thánh Thể Chúa sẽ đem lại thêm nhiều nguy hiểm cho anh chị em đang bị giam cầm tại các nơi đó. Nhưng nếu họ không nhận ra đó là nguồn sống đích thật thì mấy ai trong anh chị em có đủ can đảm để làm những việc liều lĩnh như thế. Tôi luôn dành cho họ lòng mến yêu và cảm phục.

Thật vậy, cùng với họ, chúng ta tin Đức Giê-su, Đấng không chỉ làm ra bánh nuôi chúng ta, nhưng chính Người là của ăn đích thật, không chỉ bẻ ra một lần mà từng giây từng phút đã trở thành mảnh vụn nuôi sống và hoà tan vào trong cuộc sống của những người môn đệ, những kẻ đặt trọn niềm tin và cuộc sống vào tay Người cho tha nhân.

Khi xưa, Đức Giê-su đã dùng cả cuộc đời để chỉ dâng một Thánh Lễ! Hôm nay, từng giây từng phút trong lòng Hội Thánh đang có hiến lễ được dâng. Vì vậy, anh chị em hãy tin rằng, trong từng hơi thở sống động của Hội Thánh, hoà chung với mọi diễn biến xẩy ra trong vũ trụ này, ngay cả sự bấp bênh mà chúng ta phải đối diện trong cuộc sống đều là những cơ hội mà Đức Giệ-su muốn dùng và biến chúng ta thành những miếng bánh, do chính Người bẻ ra, để nuôi sống nhau, đặc biệt cho những ai tin Người là Bánh Trường Sinh, là Đấng ban sự sống. Amen!

Thursday, 25 July 2024

HÃY TRAO RỒI CHÚA SẼ BAN


Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay là một trong những dấu lạ, được trích dẫn từ Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Và trong các Chúa Nhật của những tuần kế tiếp, chúng ta sẽ được nghe Đức Giê-su giải thích ý nghĩa về dấu lạ mà chúng ta hay gọi đó là diễn từ bánh hằng sống. Nói khác đi, trong phần phụng vụ Lời Chúa của thời gian này, chúng ta được Thánh Gioan mời gọi, cùng với ngài, một lần nữa đào sâu phần suy niệm về Bí Tích Thánh Thể và về cách thức đáp trả bằng đức tin về Mầu nhiệm do chính Đức Giêsu cử hành và diễn giải.

Truớc tiên, trình thuật phép lạ Bánh hóa nhiều dường như đã đuợc lưu truyền bằng cách kể truyện cho nhau nghe, trước khi các Thánh sử ghi lại trong sách Phúc âm. Trong khi các sách Tin Mừng nhất lãm (Mat-thêu, Mác-cô và Lu-ca) đều ghi lại việc Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể thì Thánh Gio-an lại không có trình thuật này; nhưng để bù lại, ngài đã dành nguyên một đoạn, đó là đoạn 6 để bàn về chủ đề: Đức Giê-su là sự sống đích thật cho những ai tin vào Người.

Không giống như các sách Tin Mừng khác, Thánh Gio-an không dùng từ phép lạ, thay vào đó ngài dùng cụm từ ‘dấu lạ-sign’ để nói về biến cố này. Theo ngài, phép lạ tuy quan trọng, nhưng diễn từ giải thích ý nghĩa của dấu lạ ‘bánh hoá nhiều’ thì quan trọng hơn. Người chính là Bánh Hằng Sống.

Tấm bánh mà Người nhận được từ bàn tay của em bé, một chú trẻ con không có địa vị và tiếng nói trong xã hội thời đó, có thể là dịp để Chúa thể hiện quyền năng của Người. Tấm bánh đó không chỉ nhắc lại cho dân Do Thái nhớ lại tình yêu thương săn sóc của Thiên Chúa, Đấng đã ban Manna nuôi sống họ trong hoang địa qua sự dẫn dắt của Mai-sen. Tấm bánh đó còn là dấu chỉ hướng họ về Thân Thể của Đức Ki-tô, Đấng sẽ dùng chính thân xác mình làm của ăn nuôi toàn dân.

Như vậy, dấu lạ hôm nay là một cơ hội để Đức Giê-su loan báo một sứ điệp quan trọng. Sứ điệp không chỉ đem lại sự sống cho thân xác; nhưng toàn diện, từ thân xác đến tâm linh, từ tư tưởng đến lối suy nghĩ, từ lời nói đến hành động của con người.

Kính thưa anh chị em,

Ý nghĩa thần học về bí tích Thánh Thể rất sâu xa và không thể nào có thể hiểu thấu một cách trọn vẹn. Con người ở các thời đại khác nhau có cách diễn tả khác nhau về mầu nhiệm mà họ đã lĩnh nhận. Mỗi giai đoạn lịch sử và qua từng thế hệ, con người bầy tỏ và sống niềm tin của mình cách khác nhau. Nhưng nói chung, niềm tin đó đều phải được trao ban và xuất phát từ Hội Thánh. Vì thế, đứng trước mọi mầu nhiệm trong đạo, cho dù cao siêu đến đâu, hay là đã đuợc giải thích tường tận và rõ ràng đến độ nào, rồi sau cùng chúng ta cũng quay về để đón nhận và sống chung một niềm tin với gia đình Mẹ Hội Thánh.

Nói như thế để xin anh chị em tạm dừng bàn về các điều sâu thẳm của mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta hãy tự đặt mình trong vị trí và phản ứng của đám đông đứng trước biến cố này, rồi suy nghĩ và tìm ra cho mình một bài học. Phản ứng của họ trước tiên là thán phục, muốn tôn Chúa lên làm vua; thế mà sau khi nghe Chúa giải thích, họ liền bỏ đi hết, nghĩa là sao?

Đối với người Do Thái, dấu lạ bánh hoá nhiều hôm nay làm cho họ nhớ lại bàn tay Chúa đã dẫn dắt họ vuợt qua biển đỏ duới sự lãnh đạo của Mai-sen trong thời xuất hành. Từ đó, cho dù chứng kiến các việc Chúa làm khiến họ nhận ra vai trò ngôn sứ của Đức Giê-su. Nhưng, với hoàn cảnh đất nuớc đang bị đô hộ, dân chúng trải qua muôn vàn đau khổ, mọi đắng cay đang dầy xéo thân xác và tâm can họ, thì làm sao họ có thể nhận ra và đánh giá đúng việc làm và chân tướng của Đức Giê-su được. Tầm nhìn của họ tuy thực tế, nhưng lại thiển cận, bị ước vọng chính trị che khuất. Họ chỉ nghĩ đến những gì có thể xẩy ra trước mắt.

Trong tâm tình và lối suy nghĩ đó, họ có thể nghĩ rằng Đức Giê-su là vị lãnh đạo mà Thiên Chúa sai đến để cứu thoát và giải phóng họ như Thiên Chúa đã làm qua bàn tay của Mai-sen khi xưa. Vì thế, họ muốn ép Đức Giê-su lên làm vua để Người thực hiện ý muốn và yêu cầu của họ. Họ đã để cho ước muốn và các ý nghĩ sai lầm hướng dẫn cách nhìn của họ. Thay vì tìm ra ý nghĩa của dấu lạ để tìm ra chân tướng đích thật của Đức Giê-su như là Đấng được Thiên Chúa sai đến, thì mắt họ lại chỉ dán vào bánh, của ăn chóng qua nuôi sống nhất thời cho thân xác của họ mà thôi.

Đức Giê-su đã sinh ra, lớn lên và sống cùng thời với họ; cho nên Người hiểu lối suy nghĩ mang tính phù phiếm ấy. Hơn nữa, cũng vì lối suy nghĩ này cho nên đã phát sinh ra các nhóm bạo động nổi lên chống lại chính quyền, hậu quả là bị đế quốc Rô-ma tiêu diệt; cho nên Đức Giê-su không muốn bị dính líu vào các phong trào đấu tranh cực đoan và mang sắc thái chính trị như thế. Cho nên, Người tìm cách né tránh các lối hiểu lầm có thể làm sai đi ý nghĩa của sứ vụ mà Chúa Cha đã tín thác và trao vào tay Người.

Chúng ta nên thông cảm cho các nhận định sai lầm của họ. Rồi ra và suy cho cùng thì lối suy nghĩ và thái độ cư xử của chúng ta cũng như họ mà thôi! Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta hãy quên đi bổn phận xây dựng trời mới, nghĩa cử yêu thương và giúp đỡ những ai đói kém hay sao? Không phải thế, tất cả chúng ta đuợc mời gọi đi vào các cơ cấu của trần gian mà làm cho nó tươi đẹp hơn, công bằng hơn. Nhưng hãy nhớ rằng, vinh quang của chúng ta không dừng lại ở các công việc đó. Hướng về Thiên Chúa bằng con tim mở rộng để nhận biết rằng chỉ có Chúa thì chúng ta mới hoàn thành đuợc các dự án mục vụ, không phải theo ý mình mà là theo ý Chúa.

Xin hãy để cho Chúa làm việc của Người. Chỉ có Đức Giê-su mới đủ uy quyền giúp chúng ta thực hiện kế hoạch và các dự án của Người mà thôi. Chúng ta chỉ là những chú bé với vài chiếc bánh và mấy con cá để trao tặng lại cho Người. Phần làm cho mọi người khỏi đói, trong đó kể cả chúng ta, là việc của Người.

Anh chị em thân mến.

Khi xưa Người đã cầm trên tay tấm bánh cuộc đời mà chia sẻ cho mọi nguời được no nê mà còn dư thừa thế nào, thì ngày nay, Lời của Chúa vẫn còn đủ năng lực và uy quyền như thế; miễn là chúng ta, đừng ai làm thay Người, tự đưa ra một phương án chính trị rồi lôi Người vào. Hãy làm việc để Nước Cha trị đến, Vương Quyền Cha bao phủ trên mọi cách cư xử của chúng ta trước, rồi mọi sự sẽ được cho thêm và trở thành hoàn hảo hơn.

Tóm lại, cuộc sống và những gì chúng ta có không bao giờ thuộc về chúng ta. Trước hết, tất cả đều thuộc về tài sản của Thiên Chúa. Chúng ta là những món quà trân quí đến từ Thiên Chúa cho thế giới này. Và Đức Giê-su, qua dấu chỉ hôm nay, đã đến để mở tấm lòng và bàn tay của chúng ta cho những người xung quanh. Giống như Người, chúng ta hãy cố gắng sống để trở thành nguồn trợ lực và giúp nhau hoàn thành sứ mạng trở thành món quà như ‘tấm bánh của Thiên Chúa’ ban cho thế gian đầy bão tố này. Amen!

Wednesday, 17 July 2024

HÃY NGHỈ NGƠI CHO LẠI SỨC.


Kính thưa quí ông bà và anh chị em.

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc các môn đệ trở về, ngồi chung quanh Chúa. Các ông tranh nhau kể cho Chúa nghe về các việc các ông đã làm. Với tâm hồn của một người cha, Chúa biết các ông rất mệt cho nên Người đã khuyên họ lánh vào nơi hoang vắng để nghỉ ngơi cho lại sức. Nhưng đám đông dân chúng, khi nghe biết nơi Chúa và các môn đệ chuẩn bị đến thì họ đã đến đó trước. Thấy lòng khao khát của họ, Chúa động lòng thương, buông bỏ ý định nghỉ ngơi và tiếp tục giảng dậy cho những ai tìm đến với Người.

Trình thuật Tin Mừng tuần này tuy ngắn gọn nhưng diễn tả dung mạo của Đức Giê-su thật thân tình, gần gũi và đầy tình người. Người cho chúng ta biết tâm tình của một tôn sư, một ông thầy vĩ đại, một vị thầy luôn lo cho việc học và sự phát triển của học sinh lên hàng đầu, dù phải hy sinh thời gian và công sức của mình.

Khi trao cho các Tông đồ quyền tham gia vào sứ mạng của Người, Đức Giê-su không chỉ tin mà còn muốn họ nhớ rằng không ai có thể trao cho người khác điều mà họ không có. Muốn lo cho người khác thì các ông phải lo cho bản thân mình trước. Trong tâm tình yêu mến, với một thái độ rất ân cần trong việc chăm sóc toàn bộ cuộc sống của các Tông đồ, cho nên Chúa mới khuyên họ tìm một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi cho lại sức.

Khi đưa cho họ lời khuyên này, Đức Giê-su nói lên lòng quan tâm của Người đến toàn bộ con người của người môn đệ hơn là công việc, Người muốn các ông noi gương Người khi yêu cầu họ nghỉ ngơi. Cả các con nữa hãy dành những giây phút để lắng đọng tâm hồn, để múc lấy nguồn năng lực rồi mới có thể trao ban. Có nghĩa là, muốn cho công việc rao giảng đuợc bền lâu các Tông đồ cần ý thức rằng nghỉ ngơi cũng là một phần của sứ vụ. Trong giây phút đó họ không hưởng thụ, nhưng nạp thêm sức lực để công việc phục vụ được hữu hiệu và lâu dài hơn.

Tuy ý định của Đức Giê-su thật tốt, nhưng mọi nỗ lực, cố gắng để tìm một giây phút cho tâm hồn đuợc thư dãn và thân xác được nghỉ ngơi cũng không thực hiện được, bởi vì đám đông dân chúng đã chạy đến trước nơi Thầy trò sắp đến.

Trước cảnh tượng đó, lòng dạ của Đức Giê-su rối bời. Người sững sờ nhìn họ, nhìn những khuôn mặt mệt nhọc, những buớc chân lê thê trên đường theo Người. Đứng trước cảnh tượng như thế, lòng Chúa bị quặn đau, ruột gan Chúa như bị đứt ra từng khúc một. Người biết họ đang khao khát điều gì. Người không thể bỏ rơi khiến họ phải bơ vơ và lạc bước. Với tấm lòng của người cha nhân hậu, trái tim Chúa đau nhói vì đám đông theo Người như bầy chiên không người chăn dắt. Người không đành để họ bơ vơ, nên đành buông bỏ ý định đi nghỉ ngơi và tiếp tục lo lắng và giảng dậy cho họ.

Thưa quí ông bà và anh chị em,

Khi nghĩ đến điều này, tôi nhớ đến các gương sáng của các đấng đã noi gương Đức Giê-su, sẵn sàng hy sinh buông bỏ tất cả để lo cho đàn chiên, nhất là lo cho những ai bị bỏ rơi, không người chăm sóc. Và trong tâm tình chuẩn bị mừng lễ Thánh Tổ, xin mời anh chị em cùng ôn lại sự can thiệp của Thiên Chúa đã làm thay đổi hướng đi của một người cha, Đấng đã sáng lập một hội dòng mà chúng tôi diễm phúc được là thành viên, dù thuộc về tuyến nào. Ngài chính là cha Thánh An Phong.

Cha Thánh An Phong là một trong những mẫu mực điển hình. Trước khi sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, ngài là một linh mục triều, dấn thân phục vụ giáo hội tại các giáo xứ. Với lòng hăng say và nhiệt thành, ngài đã miệt mài phục vụ giáo dân, khiến ngài bị kiệt sức. Vì thế bác sĩ đề nghị với ngài nên dành thời gian để nghỉ ngơi và dưỡng sức. Ngài chấp nhận lời đề nghị này và chọn đi nghỉ tại Scala, thuộc xứ Naples.

Nói là đi nghỉ, nhưng phong cảnh trữ tình và không khí trong lành tại Scala cũng không lôi cuốn được ngài. Trái lại, vừa đến Scala, Thánh An Phong đã nhận thấy những người nông dân, kẻ chăn chiên và dân chúng tại nơi đó đã sống trong cảnh bơ vơ, không ai đoái hoài, không ai quan tâm, không người chăm sóc! Như Đức Giê-su và các Tông đồ, thay vì nghỉ ngơi và dưỡng sức, cha An-Phong và các bạn lập tức mở lớp giáo lý buổi tối tại tư gia để dậy dỗ và chuẩn bị cho họ lĩnh nhận các bí tích. Nghe tiếng ngài, dân chúng thuộc các vùng lân cận lũ lượt kéo đến để nghe giảng dậy. Trông thấy họ, ngài chạnh lòng thương vì họ như những con chiên bị tan tác và không được chăm sóc. Với cảm nghiệm như thế, ngài nhận ra con đường Chúa muốn ngài phải đi, nên đã cùng với các bạn cùng chí hướng ngồi lại với nhau để sáng lập một nhà dòng mà ngày nay chúng ta gọi là Dòng Chúa Cứu Thế, một hội dòng chuyên lo cho những người bị bỏ rơi, bơ vơ không nơi nương tựa, những người nghèo khó.

Lại có một câu chuyện khác kể về gương sáng về sự từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa trong việc phục vụ tha nhân. Truyện kể như sau.

Tại một ngôi trường ở một thôn làng kia, có một cô giáo được đồng nghiệp tôn trọng, phụ huynh và học trò mến thương. Cô rất tận tâm trong công việc dạy dỗ học sinh của mình, không chỉ trong giờ học mà cả ngoài giờ. Tương lai của học sinh vừa là bổn phận và cũng là niềm vui của cô.

Vào một ngày kia, sau giờ tan học, có một nhóm học sinh đến tìm cô vì các trò gặp khó khăn trong việc làm bài tập. Dù đã rất mệt mỏi sau một ngày dài, cô vẫn kiên nhẫn giảng giải và hướng dẫn học sinh.

Noi gương Chúa Giê-su, cô giáo làng quê đã đặt việc học và sự thăng tiến của học sinh lên hàng đầu, dù phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi và công sức của mình.

Lại có một ông bác sĩ kia, làm việc trong một bệnh viện lớn. Sau một ngày dài khám bệnh và phẫu thuật, ông rất mệt mỏi và muốn về nhà nghỉ ngơi. Nhưng, trong khi ông chuẩn bị ra về thì nhân viên trực báo tin cho ông biết rằng hiện có một bịnh nhân đang được xe cứu thương chở đến khẩn cấp, rất cần bàn tay tài hoa của ông. Cho dù rất mệt, ông bác sĩ quyết định ở lại để khám và nếu cần thì ông sẽ phụ trách chữa trị cho bệnh nhân.

Giống như Chúa Giê-su, bác sĩ này thể hiện lòng thương xót và trách nhiệm của mình đối với bệnh nhân.

Từ các trải nghiệm nói trên, tôi chợt nhớ lại tâm sự của một cha cố, tuy ngài đã qua đời, nhưng điều ngài nói vẫn lưu lại như sau: “Muốn công việc phục vụ người tất bạc, bơ vơ, nghèo khổ được hữu hiệu, anh em chúng mình, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, không cần biết thuộc tuyến nào, cần phải có con tim rung cảm, con tim bị bốc cháy bằng trái tim nhân hậu và rực cháy lửa yêu mến của Chúa.” Và điều này cần đuợc áp dụng cho anh em có chung một đặc sủng với cha Thánh, rằng chúng ta không được phép bỏ rơi ai và đừng để ai bị bơ vơ!

Còn chúng ta thì sao? Tôi không phải là Chúa. Tôi không thuộc về nhóm 12. Và tôi cũng chẳng phải là Thánh An-Phong. Tôi không phải là cha, thầy hay một tu sĩ nào đó. Tôi không bằng cô giáo và thua xa vị bác sĩ tài hoa nói trên. Tôi chỉ là một người thật bình thường.

Đúng vậy, xin bạn đừng lo! Bởi vì Chúa không đòi chúng ta trao ban hơn điều chúng ta đã nhận. Vì thế, với niềm vinh dự được làm môn đệ của Chúa, được Chúa sai thì hãy nhân danh Chúa mà ra đi. Và, trước khi ra đi, chúng ta hãy tập để đôi mắt của chúng ta nhận ra dấu chân của những con người đang bơ vơ, lạc bước và không ai đoái hoài bằng đôi mắt từ bi, nhân hậu và luôn thương xót của Chúa trước. Amen!

Thursday, 11 July 2024

HÃY CHO CHÚA TẤT CẢ!

 


Tuần trước, trong lần về thăm cố hương Na-da-rét, Đức Giê-su đã không nhận được nhiều thuận lợi như tại các nơi khác. Họ chào đón Người bằng môi miệng, nhưng lòng trí của họ không hề bị đánh động bởi Lời giảng của Người. Họ còn không tin. Đức Giê-su rất đỗi kinh ngạc về thái độ không tin của họ, nhưng thái độ bất cộng tác và không tin của họ lại giúp Người nhận ra rằng Người phải ra đi, vì còn nhiều người tại các nơi khác cần được nghe Người giảng dậy.

Hôm nay, Đức Giê-su rời Na-da-rét, tiếp tục lên đường để hoàn tất nhiệm vụ mà Cha đã trao phó cho Người. Trong lần ra đi này, Đức Giê-su bắt đầu sai các Tông đồ ra đi làm nhân chứng, thay mặt Người kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Còn phần các ông thì được trao ban cho quyền trừ quỷ và chữa lành bịnh nhân.

Vì đây là chuyến đi đầu tiên của các Tông đồ, cho nên Đức Giê-su đã căn dặn các ông những lời chỉ dẫn rất cụ thể như không mang gì đi đường, ngoại trừ cây gậy; không mang của ăn thức uống, không mang tiền trong túi; chân được đi dép nhưng không được mang hai áo. Nói chung, chỉ thị của Đức Giê-su ban cho các Tông đồ và các môn đệ là phải sống nghèo, ra đi cũng nghèo. Cuộc sống và hành trang của người môn đệ chỉ lệ thuộc vào sự giầu sang và phong phú của Thiên Chúa, Đấng sai các ông ra đi. Muốn được như thế, các môn đệ cần ghi nhớ rằng chúng ta được sai đi để tiếp nối sứ vụ của Chúa, chứ sứ vụ không hẳn là của chúng ta.

Thật vậy, Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến; và chúng ta, giống như các Tông đồ và các môn đệ khi xưa, là những người được sai. Người đuợc sai không thể cao trọng hơn kẻ sai phái, và những ai được sai đi cũng không thể tiếm quyền kẻ sai mình. Xin anh chị em hãy nhìn lại sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử.  

Thưa anh chị em,

Nhìn vào lịch sử cứu độ, trong những ngày đầu tiên và trải dài theo dòng lịch sử, Thiên Chúa đã không ngừng sai các sứ giả của Người đến với chúng ta; và sau cùng qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người mà lưu ngụ giữa chúng ta. Vì thế, chúng ta có thể xác tín rằng Thiên Chúa không hề bỏ rơi con người, dù hành vi và cách ứng xử của chúng ta có như thế nào vẫn không làm lay chuyển lòng thương xót của Người. Và, giống như Đức Giê-su, Đấng đã được Chúa Cha sai đến như thế nào, thì hôm nay Người cũng muốn sai các Tông đồ ra đi như vậy. Vì thế, hiệu quả sứ vụ của các Tông Đồ nói riêng và chúng ta nói chung hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự gắn bó của chúng ta với Chúa.

Có Chúa trên hành trang là có tất cả, và đó cũng là điều mà Đức Giê-su căn dặn các Tông đồ hôm nay. Để nhẹ nhàng mà lo việc Chúa, các Tông đồ tuy sống vào lòng hiếu khách và rộng rãi của tha nhân, nhưng không được dính bén với bất kỳ môt ai. Các ông cũng không để cho bất kỳ một quyền lực nào ảnh hưởng trên hành trang của người môn đệ. Ngay cả cơm ăn, áo mặc và nơi cư trú là những điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng các ông cũng không nên lo lắng thái quá. Mọi sự đó Chúa sẽ ban tặng. Phần các ông, hãy trao hết mọi sự cho Người và chỉ cần ra đi với một lòng tín thác vào Người là đủ.

Nói khác đi, yêu cầu mà Chúa mời gọi các môn đệ hôm nay là biết chấp nhận thân phận nghèo của mình. Nghèo ở đây không chỉ thu tóm vào đời sống vật chất hay tinh thần cho bằng nhấn mạnh đến việc chúng ta phải lệ thuộc vào Chúa như thế nào! Điều này có nghĩa là người được Chúa sai đi luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng, bằng lòng từ bỏ dần dần và trọn vẹn để cho sự giầu có và phong phú của Thiên Chúa được biểu lộ.

Như vậy, sống nghèo là sống dựa vào Chúa chứ không dưạ vào bất cứ một thứ quyền lực nào, cho dù đó là thứ thần quyền của một tổ chức, ngay cả tổ chức đó là giáo hội. Sống nghèo là mệnh lệnh mà Chúa dành cho ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Người. Với lối sống như thế thì lời rao giảng của người môn đệ sẽ trở thành Tin Vui cho mọi người. Đó đích thực là lối rao giảng của Chúa.

Trái với các điều ấy có thể là sự giàu có của giáo hội; lòng tham lam thích vơ vét của hàng giáo sĩ; sự bủn xỉn, thiếu đại lượng, không đủ bao dung của những ai làm môn đệ… tất cả đều làm cho lời rao giảng trở nên cằn cỗi, nghèo nàn, thiếu sức thuyết phục và không đủ sức để chữa lành các vết hằn hoặc không đủ hấp lực để thu hút tâm hồn người nghe.

Tuy nhiên, có một sự thật mà chúng ta không thể chối cãi đó là thân phận mỏng dòn với muôn ngàn yếu đuối đã là nguyên nhân khiến các môn đệ của Chúa muốn tháo lui. Thật ra thân phận và ơn gọi của chúng ta, xuất phát từ Chúa, cho nên giống như Chúa, chúng ta sẽ bị khước từ. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta hãy nhớ lại chính Đức Giê-su đã bị ruồng rẫy trước. Người đã bị khước từ. Nhưng không vì sự khước từ đón nhận của họ lại có thể ngăn cản Người chu toàn sứ mạng. Chúng ta, các môn đệ của Chúa cũng thế, cần được đổi mới và chính tâm tình đổi mới này sẽ là nguồn động lực giúp chúng ta tiếp tục tiến bước vượt qua mọi khó khăn, ngay cả việc chấp nhận thất bại, miễn sao sứ vụ được chu toàn.

Muốn được như vậy, người môn đệ cần sống điều mình sẽ công bố. Đức Ki-tô phải là tin vui cho người môn đệ trước khi họ giới thiệu và chia sẻ cho người khác. Triều đại Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã rao giảng phải là vương quốc của người môn đệ trước khi họ ra đi loan báo cho người khác.

Đây cũng chẳng phải là điều gì mới lạ, vì chính Đức Giê-su, khi bắt đầu sứ vụ đã kêu gọi các Tông đồ và các môn đệ tham gia vào sứ mạng của Người. Lời mời gọi đó vẫn còn khẩn thiết và có thể đuợc minh hoạ trong câu chuyện sau đây.

Số là, trong cuộc chiến tại Hàn Quốc, có một ngôi làng nhỏ nằm ngay trên làn mưa đạn của các trận pháo kích. Trong làng, có một ngôi nhà thờ. Bên ngoài nhà thờ, có một bức tượng Chúa Giê-su Kitô đuợc đặt trên một cái bệ. Và, sau cuộc chiến, người ta chỉ thấy cảnh tang hoang và đổ nát. Bức tượng cũng không ngoại lệ. Nó nằm chung số phận, bị đổ xuống và vỡ thành từng mảnh vụn tung tóe trên nền nhà thờ.

Xẩy ra là có một nhóm lính Mỹ đến thu dọn. Thấy cảnh tượng như thế, một cách thận trọng, họ đã thu thập các mảnh vụn rồi ráp lại thành gần như một pho tượng, chỉ thiếu đôi tay. Họ đề nghị với cha sở của họ đạo đó cho phép họ đem pho tượng về Mỹ để gắn thêm đôi tay vào cho hoàn chỉnh. Nhưng vị linh mục đó đã từ chối. Người nói: Tôi nghĩ chúng ta cứ để nguyên pho tượng thiếu hai tay như thế, rồi ghi dưới bệ của bức tượng hàng chữ “bạn ơi, làm ơn cho Tôi mượn đôi tay của bạn”. Với cách thức đó, pho tượng thiếu đôi tay của Chúa sẽ loan báo cho những ai đi qua nơi này nhớ lại rằng giờ đây Chúa đang cần đôi tay của bạn để nâng dậy những ai bị vấp ngã, những ai đang cần bạn ôm ấp để bớt cô đơn và vơi đi nỗi phiền sầu.

Không chỉ có thế, Chúa còn cần đôi chân bạn để đi tìm những ai bị lạc lối. Chúa lại cần bờ vai của bạn để làm chỗ dựa cho những ai lao đao và vất vả. Chúa cần đôi mắt của bạn để nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những con người bé mọn và bị coi thuờng. Chúa cần con tim của bạn để cảm thông nỗi thất vọng của người tội lỗi.  Sau cùng, Chúa rất cần mọi chi thể của bạn để nối kết những nguời mà bạn đã gặp và cùng nhau xây dựng Nước Trời, nơi đó chỉ có bình an, hoan lạc, niềm vui và tất cả những gì Chúa muốn dựng xây.

Quả thật, đó là niềm vinh dự dành cho những ai đuợc tham gia vào việc rao giảng của Đức Giê-su, kiến tạo trời mới đất mới! Và, hạnh phúc thay cho ai đã được Thiên Chúa trao ban cho nhiệm vụ cao quí như thế!

Trong tâm tình đó, hãy dâng lời ngợi khen với tâm tình cảm tạ vì lòng tín thác của Đức Giê-su, khi Người trao ban cho chúng ta được phép tham gia vào sứ mạng của Người, dù chúng ta còn chưa xứng đáng. Amen!