Wednesday, 17 July 2024

HÃY NGHỈ NGƠI CHO LẠI SỨC.


Kính thưa quí ông bà và anh chị em.

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc các môn đệ trở về, ngồi chung quanh Chúa. Các ông tranh nhau kể cho Chúa nghe về các việc các ông đã làm. Với tâm hồn của một người cha, Chúa biết các ông rất mệt cho nên Người đã khuyên họ lánh vào nơi hoang vắng để nghỉ ngơi cho lại sức. Nhưng đám đông dân chúng, khi nghe biết nơi Chúa và các môn đệ chuẩn bị đến thì họ đã đến đó trước. Thấy lòng khao khát của họ, Chúa động lòng thương, buông bỏ ý định nghỉ ngơi và tiếp tục giảng dậy cho những ai tìm đến với Người.

Trình thuật Tin Mừng tuần này tuy ngắn gọn nhưng diễn tả dung mạo của Đức Giê-su thật thân tình, gần gũi và đầy tình người. Người cho chúng ta biết tâm tình của một tôn sư, một ông thầy vĩ đại, một vị thầy luôn lo cho việc học và sự phát triển của học sinh lên hàng đầu, dù phải hy sinh thời gian và công sức của mình.

Khi trao cho các Tông đồ quyền tham gia vào sứ mạng của Người, Đức Giê-su không chỉ tin mà còn muốn họ nhớ rằng không ai có thể trao cho người khác điều mà họ không có. Muốn lo cho người khác thì các ông phải lo cho bản thân mình trước. Trong tâm tình yêu mến, với một thái độ rất ân cần trong việc chăm sóc toàn bộ cuộc sống của các Tông đồ, cho nên Chúa mới khuyên họ tìm một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi cho lại sức.

Khi đưa cho họ lời khuyên này, Đức Giê-su nói lên lòng quan tâm của Người đến toàn bộ con người của người môn đệ hơn là công việc, Người muốn các ông noi gương Người khi yêu cầu họ nghỉ ngơi. Cả các con nữa hãy dành những giây phút để lắng đọng tâm hồn, để múc lấy nguồn năng lực rồi mới có thể trao ban. Có nghĩa là, muốn cho công việc rao giảng đuợc bền lâu các Tông đồ cần ý thức rằng nghỉ ngơi cũng là một phần của sứ vụ. Trong giây phút đó họ không hưởng thụ, nhưng nạp thêm sức lực để công việc phục vụ được hữu hiệu và lâu dài hơn.

Tuy ý định của Đức Giê-su thật tốt, nhưng mọi nỗ lực, cố gắng để tìm một giây phút cho tâm hồn đuợc thư dãn và thân xác được nghỉ ngơi cũng không thực hiện được, bởi vì đám đông dân chúng đã chạy đến trước nơi Thầy trò sắp đến.

Trước cảnh tượng đó, lòng dạ của Đức Giê-su rối bời. Người sững sờ nhìn họ, nhìn những khuôn mặt mệt nhọc, những buớc chân lê thê trên đường theo Người. Đứng trước cảnh tượng như thế, lòng Chúa bị quặn đau, ruột gan Chúa như bị đứt ra từng khúc một. Người biết họ đang khao khát điều gì. Người không thể bỏ rơi khiến họ phải bơ vơ và lạc bước. Với tấm lòng của người cha nhân hậu, trái tim Chúa đau nhói vì đám đông theo Người như bầy chiên không người chăn dắt. Người không đành để họ bơ vơ, nên đành buông bỏ ý định đi nghỉ ngơi và tiếp tục lo lắng và giảng dậy cho họ.

Thưa quí ông bà và anh chị em,

Khi nghĩ đến điều này, tôi nhớ đến các gương sáng của các đấng đã noi gương Đức Giê-su, sẵn sàng hy sinh buông bỏ tất cả để lo cho đàn chiên, nhất là lo cho những ai bị bỏ rơi, không người chăm sóc. Và trong tâm tình chuẩn bị mừng lễ Thánh Tổ, xin mời anh chị em cùng ôn lại sự can thiệp của Thiên Chúa đã làm thay đổi hướng đi của một người cha, Đấng đã sáng lập một hội dòng mà chúng tôi diễm phúc được là thành viên, dù thuộc về tuyến nào. Ngài chính là cha Thánh An Phong.

Cha Thánh An Phong là một trong những mẫu mực điển hình. Trước khi sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, ngài là một linh mục triều, dấn thân phục vụ giáo hội tại các giáo xứ. Với lòng hăng say và nhiệt thành, ngài đã miệt mài phục vụ giáo dân, khiến ngài bị kiệt sức. Vì thế bác sĩ đề nghị với ngài nên dành thời gian để nghỉ ngơi và dưỡng sức. Ngài chấp nhận lời đề nghị này và chọn đi nghỉ tại Scala, thuộc xứ Naples.

Nói là đi nghỉ, nhưng phong cảnh trữ tình và không khí trong lành tại Scala cũng không lôi cuốn được ngài. Trái lại, vừa đến Scala, Thánh An Phong đã nhận thấy những người nông dân, kẻ chăn chiên và dân chúng tại nơi đó đã sống trong cảnh bơ vơ, không ai đoái hoài, không ai quan tâm, không người chăm sóc! Như Đức Giê-su và các Tông đồ, thay vì nghỉ ngơi và dưỡng sức, cha An-Phong và các bạn lập tức mở lớp giáo lý buổi tối tại tư gia để dậy dỗ và chuẩn bị cho họ lĩnh nhận các bí tích. Nghe tiếng ngài, dân chúng thuộc các vùng lân cận lũ lượt kéo đến để nghe giảng dậy. Trông thấy họ, ngài chạnh lòng thương vì họ như những con chiên bị tan tác và không được chăm sóc. Với cảm nghiệm như thế, ngài nhận ra con đường Chúa muốn ngài phải đi, nên đã cùng với các bạn cùng chí hướng ngồi lại với nhau để sáng lập một nhà dòng mà ngày nay chúng ta gọi là Dòng Chúa Cứu Thế, một hội dòng chuyên lo cho những người bị bỏ rơi, bơ vơ không nơi nương tựa, những người nghèo khó.

Lại có một câu chuyện khác kể về gương sáng về sự từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa trong việc phục vụ tha nhân. Truyện kể như sau.

Tại một ngôi trường ở một thôn làng kia, có một cô giáo được đồng nghiệp tôn trọng, phụ huynh và học trò mến thương. Cô rất tận tâm trong công việc dạy dỗ học sinh của mình, không chỉ trong giờ học mà cả ngoài giờ. Tương lai của học sinh vừa là bổn phận và cũng là niềm vui của cô.

Vào một ngày kia, sau giờ tan học, có một nhóm học sinh đến tìm cô vì các trò gặp khó khăn trong việc làm bài tập. Dù đã rất mệt mỏi sau một ngày dài, cô vẫn kiên nhẫn giảng giải và hướng dẫn học sinh.

Noi gương Chúa Giê-su, cô giáo làng quê đã đặt việc học và sự thăng tiến của học sinh lên hàng đầu, dù phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi và công sức của mình.

Lại có một ông bác sĩ kia, làm việc trong một bệnh viện lớn. Sau một ngày dài khám bệnh và phẫu thuật, ông rất mệt mỏi và muốn về nhà nghỉ ngơi. Nhưng, trong khi ông chuẩn bị ra về thì nhân viên trực báo tin cho ông biết rằng hiện có một bịnh nhân đang được xe cứu thương chở đến khẩn cấp, rất cần bàn tay tài hoa của ông. Cho dù rất mệt, ông bác sĩ quyết định ở lại để khám và nếu cần thì ông sẽ phụ trách chữa trị cho bệnh nhân.

Giống như Chúa Giê-su, bác sĩ này thể hiện lòng thương xót và trách nhiệm của mình đối với bệnh nhân.

Từ các trải nghiệm nói trên, tôi chợt nhớ lại tâm sự của một cha cố, tuy ngài đã qua đời, nhưng điều ngài nói vẫn lưu lại như sau: “Muốn công việc phục vụ người tất bạc, bơ vơ, nghèo khổ được hữu hiệu, anh em chúng mình, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, không cần biết thuộc tuyến nào, cần phải có con tim rung cảm, con tim bị bốc cháy bằng trái tim nhân hậu và rực cháy lửa yêu mến của Chúa.” Và điều này cần đuợc áp dụng cho anh em có chung một đặc sủng với cha Thánh, rằng chúng ta không được phép bỏ rơi ai và đừng để ai bị bơ vơ!

Còn chúng ta thì sao? Tôi không phải là Chúa. Tôi không thuộc về nhóm 12. Và tôi cũng chẳng phải là Thánh An-Phong. Tôi không phải là cha, thầy hay một tu sĩ nào đó. Tôi không bằng cô giáo và thua xa vị bác sĩ tài hoa nói trên. Tôi chỉ là một người thật bình thường.

Đúng vậy, xin bạn đừng lo! Bởi vì Chúa không đòi chúng ta trao ban hơn điều chúng ta đã nhận. Vì thế, với niềm vinh dự được làm môn đệ của Chúa, được Chúa sai thì hãy nhân danh Chúa mà ra đi. Và, trước khi ra đi, chúng ta hãy tập để đôi mắt của chúng ta nhận ra dấu chân của những con người đang bơ vơ, lạc bước và không ai đoái hoài bằng đôi mắt từ bi, nhân hậu và luôn thương xót của Chúa trước. Amen!

No comments:

Post a Comment