Wednesday, 18 September 2024

SỨ MẠNG CỦA MÔN ĐỆ LÀ PHỤC VỤ


Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Thomas Merton, nhà thần học chuyên về tu đức và đời sống thiêng liêng rất nổi tiếng người Mỹ, đã nói một câu thật chí lý như sau: “Không ai là một hòn đảo.” Có nghĩa là chúng ta chỉ thật sự sống như một con người khi sống nối kết với người khác. Người khác đó không ai khác hơn là những người ta gặp hàng ngày, thậm chí có thể là những người không cùng ‘phe’ mình. Nói chung, người khác mà chúng ta đề cập ở đây là tất cả mọi người trong cộng đòan.

Còn gì hạnh phúc hơn khi chúng ta được sống trong một cộng đòan, nhỏ bé như gia đình hoặc rộng lớn như Giáo hội, mà trong đó mọi thành viên đều sống cho nhau, vì nhau và thương yêu nhau. Muốn được như thế thì mọi thành viên trong cộng đòan cần có trách nhiệm xây dựng và hoàn thành mục tiêu sống và nghĩ đến nhu cầu của nhau. Trái lại, nếu các thành viên trong cộng đoàn chỉ nghĩ và sống cho quyền lợi riêng, thì chúng ta không cần đi tìm ‘hỏa ngục’ đâu xa nữa; nó hiện diện ngay trong môi trường và lối sống ích kỷ mà chúng ta đang dành cho nhau đó. Và hậu qủa của lối sống ích kỷ là những va chạm, bất hòa và đổ vỡ. Một thực tế đáng buồn là chúng ta quá dễ dàng hòa hợp với lối sống đó. Và như cơn bịnh ung thư, nó cứ thế lan rộng và ăn dần vào từng bộ phận và giết dần giết mòn các chức năng khác của thân thể.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chia rẽ trong cộng đoàn, nhưng một trong những nguyên nhân gây ra chia rẽ trong cộng đoàn lại xẩy ra bởi lòng ước muốn của những người lãnh đạo. Như các Tông đồ, các nhà lãnh đạo cũng bị cám dỗ về quyền lực.

Hẳn anh chị em vẫn còn nhớ lời cầu xin của Gia-cô bê và Gio-an. Các ông chỉ xin Chúa cho ngồi hai bên Chúa mà thôi. Điều đó có nghĩa là nếu Chúa là chủ tể (Tổng Thống) thì một ông là Thủ Tướng và ông kia là Tổng trưởng quốc phòng. Còn vị trí nào cao hơn điều mà các ông xin. Các tông đồ kia cũng có tham vọng như thế, nhưng không ‘nhanh miệng’ bằng hai anh em ông Gio-an, vì thế đâm ra tức tối (Mk: 10:41).

Nói tóm lại, nhìn lại các chứng cứ và các hiện tượng đã xẩy ra trong quá khứ, chúng ta nhận ra rằng quyền bính để thống trị, quyền lực để áp bức thường là những nguyên nhân khiến cộng đòan - nhỏ bé như gia đình, hay rộng như Giáo hội - bị chia rẽ và phân tán. Ai trong chúng ta cũng có trải nghiệm này.

Anh chị em thân mến,

Gia đình ít khi bị đổ vỡ vì con cái. Các cháu có thể là nguyên nhân gây ra sự bất đồng trong việc giáo dục. Nhưng nguyên nhân chính yếu thường xẩy ra bởi cha mẹ. Thay vì dùng khả năng, ân phúc để xây dựng và phục vụ lẫn nhau, nương tựa và cùng giúp nhau chu toàn nghĩa vụ được trao ban; trái lại chúng ta lạm dụng uy quyền để áp bức và thống trị nhau. Thậm chí có những tình huống bạo lực xẩy ra trong gia đình. Chỉ vì không ai chịu thua ai. Ai cũng dành phần thắng, phần nhất về cho mình. Trong khi dùng quyền bính để sai bảo người khác, chúng ta đã quên đi một điều là ai nói mà chẳng đuợc, ai cũng bảo vệ lập trường và lý luận của mình. Lắng nghe nhau mới là điều khó mà chúng ta cần học.

Nói tới đây, tôi nhớ lại những lời khuyên của các bậc trưởng thượng, trải qua bao thử thách trong cuộc sống chung. Các ngài đã chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình của họ như sau. Họ nói rằng, thua là nghệ thuật sống chung trong gia đình. Khi bạn thua là lúc bạn thắng. Thắng chính mình để sống cho nguời khác hầu đem lại bầu khí an vui và hạnh phúc cho gia đình.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nào loại bỏ các khuynh hướng xấu đang lan tràn và ảnh hưởng cuộc sống của chúng ta, đó là lối sống thống trị, ăn trên ngồi trốc. Trước hoàn cảnh đó, đặc biệt để giải quyết các tranh cãi của các Tông đồ hôm nay, Đức Giê-su đã đưa ra một giải pháp luôn luôn mới lạ và vô cùng hiệu quả nếu chúng ta biết áp dụng, và đây cũng là một thách đố cho Giáo Hội trong mọi thời đại.

Trong quá khứ quyền bính của các vị lãnh đạo Giáo Hội được công nhận về mặt thế quyền nữa. Thần quyền và thế quyền hòa trộn với nhau. Các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội quá nhiều quyền bính và được tôn vinh quá mức. Vinh quang mà họ thụ hưởng phản ảnh quyền lực của thế gian hơn là cách thức mà Chúa Giê-su dậy bảo trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người.” Không chỉ có thế, sau đó Người đem một em nhỏ đến và đặt cháu đứng giữa các môn đệ, rồi ôm lấy cháu rồi nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy.”

Như anh chị em đã biết, vào thời Đức Giê-su, thân phận của người phụ nữ và trẻ con không được tôn trọng và quí mến. Đối với họ thì hai hạng người này bị coi là thành phần không có chỗ đứng trong xã hội. Theo luật thì các cháu phải chờ đến lúc lên mười hai tuổi mới đuợc tham dự các nghi thức phụng vụ tại Đền Thờ.

Đối với Đức Giê-su thì khác, khi đem em nhỏ đến và đặt giữa các ông là lúc Người muốn căn dặn các ông và chúng ta rằng: em nhỏ này là hình ảnh tượng trưng cho những người thấp cổ bé miệng, nghèo hèn, bị coi thường và không có tiếng nói về mặt đạo cũng như mặt đời. Như vậy, qua cử chỉ đón tiếp thật ân cần mà Đức Giê-su dành cho em bé hôm nay, Người muốn dậy các ông bài học quan tâm và đón tiếp nhau.

Không ai trong chúng ta là người giầu có hết. Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là người nghèo. Chúng ta chẳng có gì trao cho nhau cả. Tất cả đều lệ thuộc vào Thiên Chúa, Đấng trao vào tay chúng ta những món quà cho người khác. Vì thế, khi chúng ta đón tiếp người nghèo, người tất bạt, người đói khát, trần truồng, bịnh hoạn, những người không có địa vị như trẻ em thì đó không phải là một hành vi bố thí, thương xót về thân phận của họ bị coi thường, cho bằng nhận ra sự hiện diện của Đức Chúa nơi những người đó. Chúa hiện diện trong con người và cuộc sống của họ, cho nên khi chúng ta đón tiếp, yêu thương và giúp đỡ những người như thế là giúp đỡ và yêu thương chính Chúa.

Lời khuyên của Chúa được kèm theo việc làm của Người. Cử chỉ của Đức Giêsu khi ôm em nhỏ vào lòng là lúc Người biểu lộ lòng quí mến, yêu thương và tiếp nhận. Tiếp nhận một em nhỏ như thế chắc chắn không phải để em nhỏ phục dịch mình, nhưng là cơ hội mà Người muốn dậy cho các môn đệ bài học phục vụ. Hãy nhớ lại Lời Người đã nói “ai phục vụ ta thì hãy theo Ta”. Chúng ta đã là môn đệ của Người, vì thế chúng ta không còn chọn lựa nào khác hơn là phục vụ. Đó chính là lẽ sống và niềm vui của người môn đệ.

Như vậy, điều Chúa khuyên: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” quá rõ ràng. Có nghĩa là ai muốn làm lớn, theo tinh thần của Đức Ki-tô, phải là người phục vụ trước. Phục vụ là chìa khóa, là nguyên tắc của quyền lãnh đạo. Uy quyền có được trao ban cũng là do Thiên Chúa. Địa vị, quyền cao chức trọng cốt để phục vụ mọi người, chứ không phải để thống trị, như Chúa phán: "Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ." Chúa đã đảo ngược cách hiểu thông thường về sự vĩ đại, vị trí của người làm lớn. Trong Nước Trời, người lớn nhất không phải là người có quyền lực, địa vị cao, mà là người hạ mình, phục vụ người khác.

Như vậy, qua trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đảo ngược những giá trị mà thế gian thường đề cao, thay vào đó là tấm lòng phục vụ và quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Bởi vì, chỉ có Chúa mới là ông chủ, còn tất cả chúng ta chỉ là những người thừa hành và phục vụ lẫn nhau. Nói cách khác, cuộc sống của những kẻ có niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sinh là cuộc sống phục vụ, sẵn sàng hiến mạng mình vì ích lợi của người khác. Amen!

No comments:

Post a Comment