Trong bài Tin Mừng, Chúa hỏi các môn đệ: “Còn
các con, các con bảo Thầy là ai?” cũng là câu hỏi mà Chúa đặt ra cho tôi hôm
nay. Tôi xin thú nhận rằng tôi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Chúa là ai
trong cuộc sống? Lắm lúc tôi thấy Chúa thật gần gũi, thật dễ thương và dường
như Chúa đã làm chủ đời tôi rồi. Nhưng, lúc khác tôi lại chẳng thấy Chúa đâu cả.
Người hiện diện mà tôi chưa được thấy nên Người vẫn xa vắng. Tuy nhiên, tôi
không dám bỏ cuộc, vẫn cố gắng tìm kiếm với niềm hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ
biết Người như Người đã biết tôi.
Sau khi đã trải qua hơn hai phần ba hành
trình của đời người, với mọi nỗ lực và cố gắng, đối diện và nhiều lần ngã gục
trước các thử thách… tôi nhận ra rằng mình chưa làm được gì để chứng minh Chúa
là chủ tôi… Vẫn như ngày đầu tiên… Tâm nguyện vẫn còn… Nhưng sức lực yếu dần, đèn
trong nguời cũng sắp cạn hết dầu … Tôi vẫn loay hoay đi tìm câu trả lời cho câu
hỏi ‘Thầy là ai?’
Ở đây cũng vậy! Số là sau phần tuyên tín của
Phê-rô là lúc Đức Giêsu bộc lộ con đuờng mà Con Thiên Chúa phải đi thì ông lại ngăn
cản Người. Lòng của Phêrô thật tốt, ông lo lắng và không muốn Thầy bị đau khổ.
Nhưng ông đâu biết rằng ý tưởng và suy nghĩ của ông hòan tòan sai với ý định của
Thiên Chúa, cho nên đã bị Chúa khiển trách "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy!
Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."
Không chỉ có thế, trên đường thương khó Phêrô đã chối Thầy đến ba lần… Tuy
nhiên, Phêrô cũng là người đã bộc lộ tình yêu và lòng mến dành cho Thầy…
Thánh nhân cũng có nhiều tài năng để trở
thành một môn đồ tốt. Ngài thẳng thắn, tự tin, chăm chỉ, không che đậy, không
tính tóan hơn thiệt giống như các bạn của ông tìm cách để tìm kiếm địa vị cao
hơn… và nhất là lúc nào cũng muốn và trở
thành một người bạn thiết nghĩa với Thầy mình. Chính vì thế mà Chúa tín nhiệm
ông. Nói khác đi, vì nhận ra mình là người còn đầy khiếm khuyết và tội lỗi nên
Phê-rô quyết tâm lệ thuộc vào Chúa. Đối với Phê-rô, Chúa làm chủ đời ông.
Thưa anh chị em, còn anh chị em nói Thầy là
ai?
Chúng ta có thể tìm thấy muôn vàn câu trả lời
dựa trên sách vở và kiến thức về Đức Giêsu; nhưng tất cả những câu trả lời đó sẽ
đem lại gì cho chúng ta! Hãy tìm câu trả lời bằng chính lối sống mình.
Có thật chúng ta tin nhận Người là Đức Ki-tô,
là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ
và mở lối chỉ đuờng cho chúng ta về với Cha hay không? Và, nếu chúng ta đã hãnh
diện tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa thì trong cuộc sống chúng ta đã đầu phục vị
Chúa đó hay là vẫn dùng Người như là khí cụ để phục vụ tham vọng của mình? Niềm tin và cuộc sống của những ai tin vào
Chúa phải đồng nhất nên một. Không thể nào miệng tuyên xưng một đường, rồi chọn
lối sống theo ngã khác. Chúng ta cứ làm như đời và đạo vẫn là hai mặt tách biệt
của cuộc sống, không gắn bó và ăn nhập gì với nhau.
Vậy, Đức Giêsu là ai?
Tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này không phải
là việc dễ dàng. Có thể, trong suốt cuộc sống chúng ta cũng chỉ thấy mờ mờ mà
thôi. Câu chuyện sau, xẩy ra mọi nơi, có thể giúp chúng ta phần nào. Truyện kể
như sau:
Trong một lớp giáo lý, dựa vào bài Tin Mừng
hôm nay, ma-sơ hỏi các em: Còn các con nói Đức Giêsu là ai? Cả lớp nhao nhao, có
cháu nói Nguời là Thiên Chúa, cháu khác lại nói là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu,
Ngôi Hai Thiên Chúa… v.v. Gom chung lại thì các cháu nói đúng như văn bản trong
Kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng với nhau trong các Thánh Lễ Chúa Nhật.
Trong khi đó, ma-sơ để ý thấy một bé trai ngồi
ở góc lớp, im lặng, mắt nhìn ra cửa sổ, đăm đăm như có chuyện gì khó giải quyết.
Sơ đến gần, chăm chú nhìn cháu rồi một lần nữa rồi nhắc lại câu hỏi. Cháu thẫn
thờ trả lời: Thưa sơ, con không biết! Con chỉ biết là hiện nay em con đang bị ốm,
trong nhà không có tiền mua thuốc. Ba con là một quân nhân, hiện đóng quân ở một
vùng rất xa. Mẹ đang chạy ngược chạy xuôi ngoài chợ… Nếu Đức Giêsu là Chúa thì
sao Người không săn sóc cho em con! Mọi người đều ngạc nhiên trước câu trả lời
của bạn mình. Chẳng ai biết làm gì! Sau cùng, bà sơ lấy ra một túi nhỏ, tự mình
bỏ vào đó vài đồng cắc và chuyền túi đó cho cả lớp, rồi trao cho em.
Qua hành động và chứng từ như thế, chúng ta sẽ
làm chứng Đức Giêsu là ai, không chỉ bằng lời nói, cho dù đó là bản kinh Tin
Kính, lời tuyên xưng của Hội Thánh; nhưng đó chính là những trải nghiệm của cuộc
sống. Người đến để mời gọi chúng ta hy sinh, quan tâm, yêu thuơng và thỏa mãn
các nhu cầu của nhau.
Nói đến hy sinh là phải nhớ đến từ bỏ. Đây
không phải là việc làm dễ dàng. Từ bỏ một nết xấu, thói quen đã khó. Thế mà, trong
bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su mời gọi chúng ta từ bỏ mình, vác Thánh giá rồi
đi theo Người, có nghĩa là khi chọn đi trên con đường của Chúa là lúc chúng ta
bị thế gian loại bỏ.
Ai trong chúng ta có thể làm đuợc điều đó! Chúa
mới là cội nguồn của sự việc. Chúa làm trong chúng ta. Chúa không làm thay vì
Người đã ban và muốn dùng chúng ta như những khí cụ để thể hiện uy quyền của
Người. Đúng thế, người tín hữu, dù được gọi sống trong bậc nào, âm thầm nhỏ bé
như hạt cải văng vãi ở một góc nào trong xứ đạo hay đứng đầu một địa phận hoặc ở
một vị thế cao hơn thế nữa, v.v… Cuộc sống của người môn đệ phải là mục tiêu
cho những người chung quanh đặt vấn đề và họ phải tìm kiếm câu trả lời. Có
nghĩa là, cuộc sống của chúng ta, bao gồm từ lời nói đến việc làm, sẽ là một
câu hỏi cho những người chung quanh. Họ phải tìm hiểu xem chân tướng của chúng
ta là ai? Thế gian sẽ không biết Chúa, nhưng qua cuộc sống của chúng ta thế
gian sẽ có câu trả lời Chúa là ai?
Chúa là Đấng cứu chuộc. Người đã ban ơn cứu độ
cho chúng ta. Người đã hoàn tất ý định và chương trình của Cha, phần còn lại là
của chúng ta. Hãy đón nhận Chúa và ơn cứu độ của Người vào trong cuộc sống để
ơn cứu độ trở thành hiện thực. Và đây là chứng từ. Hy vọng bạn và tôi sẽ là những
nhân vật trong câu chuyện sau:
Truyện
kể về một người thanh niên có cuộc sống phóng đãng, đã phung phí tài sản của
gia đình vào rượu chè, ma túy, phụ nữ, cờ bạc và lãng phí cuộc đời mình. Các
nhân viên cảnh sát trong vùng đều biết mặt anh ta. Mọi người trong xóm đều nghe
và biết về những hành vi đồi trụy của anh. Thậm chí, cha anh cũng không muốn
nhìn nhận anh. Chán nản vì bị xua đuổi nên anh chọn cuộc sống ly hương và hứa sẽ
không bao giờ quay trở lại chốn cũ.
Ngày này qua tháng nọ. Thời gian cứ trôi và không
ngừng để chờ đợi anh. Mọi người trong xóm ngõ, ngay cả cha anh cũng quên sự hiện
diện của anh trên cõi đời này. Duy nhất chỉ còn một người không bao giờ quên
anh, đó là mẹ anh. Tính từ ngày anh ra đi đến nay đã tròn hai năm, mẹ anh sống
trong buồn chán và nhớ thương cho nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà. Bà vốn là
một phụ nữ yếu đuối, lại thêm buồn chán cho nên càng ngày càng tiều tụy cho đến
một ngày kia khi thấy sức khỏe yếu dần bà mới ngỏ ý với chồng là muốn gặp cậu
con đang trôi dạt ngoài chợ đời lần sau cùng trước khi bà chết. Chồng bà miễn
cưỡng nhận lời. Tuy không biết anh đang ở nơi nào, nhưng họ cố gắng nhờ các
phương tiện truyền thông đại chúng kêu gào và nói lên ý nguyện của người mẹ. Bằng
cách này và cách khác, người cha cuối cùng cũng nhắn được mẫu tin báo cho anh
biết về tình trạng và ước mơ của mẹ anh.
Nhận được tin, cậu vội vàng về nhà và ngay lập
tức chạy vội vào phòng ngủ của mẹ và bàng hoàng khi thấy hình ảnh và dáng vóc
tiều tụy của mẹ. Anh không cầm được nước mắt, nhào vào ôm choàng lấy mẹ, nức nở
nghẹn ngào, vừa khóc vừa nói: “Thưa mẹ, con thật đáng chết, vì con mà mẹ phải
đau khổ đến dường này, chẳng còn dáng người nữa, thà mẹ đừng sinh ra con thì
hơn.” Chờ cho anh nói xong, bà mới nhấc đầu anh dậy, ôn tồn và nói: “Mẹ không hề
giận hờn con, mẹ cũng có lỗi vì để con sống đầu đường xó chợ. Mẹ chưa bao giờ trách
con. Mẹ luôn tha thứ cho con. Mẹ yêu thương con vô ngần và mẹ biết rằng Chúa
còn yêu thương, săn sóc và giữ gìn con giúp mẹ nữa.”
Nghe đến đó, mắt anh bừng sáng lên nhìn mẹ
không chớp mắt. Nhìn vào cặp mắt sáng long lanh đang chăm chú nhìn bà, người mẹ
nhớ câu Chúa nói “Ta là sự sáng thế gian!” Sự sáng của Chúa chiếu soi từ đôi mắt
anh và bà nhận ra có một sự thay đổi trong con người anh. Bà tin rằng, những gì
bà cầu xin hay khấn nguyện cho anh, nay đã được Chúa nhận lời.
Ngay lúc đó, ba của anh bước vào phòng. Bà
nhìn ông và nói: “Xin ông hay đón nhận và giúp con thay đổi. Em không còn sống
được bao lâu nữa. Hãy giúp em làm cho con sống tốt hơn.” Ông bất đắc dĩ nhận lời
vợ để bà yên tâm ra đi, nhưng trong thâm tâm ông biết rằng cậu con trời đánh của
ông sẽ chẳng bao giờ giữ lời hứa, vì cậu đã hứa bao nhiêu lần trước đây mà nó
có thay đổi đâu. Nhìn thấy thái độ của ông, bà đoán biết ý nghĩ của ông, nên âm
thầm nói tiếp: “Trước đây con của chúng ta đã từng hứa, và nó đã từng thất hứa.
Nhưng hôm nay, con đã gặp Chúa cho nên con chúng ta sẽ thay đổi. Anh hãy giúp
em nhé.”
Nói xong bà cầm tay cậu con trai đặt vào lòng
bàn tay của chồng bà và nhắm mắt lìa đời. Hai người đàn ông nắm chặt tay nhau
và được gắn bó bởi tình yêu của họ dành cho người phụ nữ, người vợ và người mẹ
này. Trong cái chết của bà, họ đã được Thiên Chúa hòa giải từ ngày đó.
Đó là truyện kể minh họa về sự tác động của
Chúa nơi những kẻ tin.
Thật ra, Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta đã
giao hòa thế gian với Người và mọi người với nhau. Thánh sử Gio-an đã loan báo
rằng không ai có thể gặp gỡ Con của Ngài nếu Thiên Chúa không lôi kéo họ. Thật
vậy, chúng ta được qui tụ lại với nhau trong Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ trần gian
để trở thành anh chị em, cùng một chi thể với Đức Ki-tô là đầu của chúng ta.
Bởi thế, khi tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, là
đầu của thân thể, là Đức Ki-tô là lúc chúng ta đầu phục vị Chúa Tể, Đấng muốn
cho mọi người được cứu độ, được giao hòa với Chúa và trở thành anh chị em với
nhau. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết dùng cả cuộc sống nhân chứng của mình để
đáp trả lời chất vấn của Đức Giê-su: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”
Amen!
No comments:
Post a Comment