Thursday, 28 November 2024

HÃY HIÊN NGANG ĐỨNG ĐỢI NGÀY CHÚA ĐẾN!

Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Chúa Nhật vừa qua, chúng ta đã kết thúc năm phụng vụ, chu kỳ của năm B. Đã có kết thúc thì có khởi điểm; và khởi điểm của năm phụng vụ thường bắt đầu bằng Chúa Nhật tuần này, tuần thứ nhất Mùa Vọng. Trong năm phụng vụ mới 2025, chúng ta sẽ được nghe nhiều bài Tin Mừng trích dẫn trong sách Tin Mừng theo Thánh Luca, Tin Mừng của Lòng Thương Xót.

Trong Đức Giê-su Ki-tô, Thánh sử Luca đã cảm nhận lòng thương xót và tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa; Đấng yêu thương hơn là oán phạt. Cụ thể, trong chương 15, chúng ta nhận ra đặc tính của Thiên Chúa: Người tìm kiếm, tha thứ, yêu thương, đón nhận, vui mừng và hân hoan đón tiếp chúng ta hơn là án phạt. Giả như, có chỗ nào nói đến án phạt và sự công minh của Thiên Chúa thì cũng chỉ là kiểu nói giáo dục để giúp chúng ta sống ngay thẳng và tốt lành hơn mà thôi. Vì thế việc khám phá Thiên Chúa là tin vui, nhân từ và hay thương xót là việc mà chúng ta cần làm trong năm nay.

Khi viết tới đây, tôi nhớ đến một sự kiện xẩy ra trong lớp giáo lý trẻ em như sau. Trong khi ma-sơ đang thao thao bất tuyệt giảng giải về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, thì ở cuối lớp có một em bé dường như đang bị chia trí với bản vẽ trước mặt. Tò mò sơ tiến lại gần và hỏi em đang vẽ gì? Em trình bầy bản vẽ và thưa với sơ rằng con đang vẽ hình ảnh của Thiên Chúa. Sơ ngạc nhiên hỏi lại em đã nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ đâu mà vẽ. Em bé nhìn ma sơ, với niềm xác tín rồi trả lời rằng chỉ còn vài phút nữa ma sơ sẽ thấy hình của Thiên Chúa.

Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ. Câu trả lời của em nhỏ cũng là câu trả lời của mỗi người chúng ta. Anh chị em cảm nhận Thiên Chúa là ai? Chúng ta nhận như thế nào sẽ trao ban như thế. Người có phải là tin vui, nguồn ơn tha thứ, lòng thương xót, nguồn ơn cứu độ của Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta hay không? Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội trở lại các chủ đề này trong năm nay, để đào sâu lòng sùng mộ và yêu mến của chúng ta về một vị Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót.

Thưa anh chị em,

Giờ đây, chúng ta hãy trở lại với ý nghĩa của Mùa Vọng. Hầu hết những người tín hữu đều biết về ý nghĩa của mùa vọng. Đây là thời gian chuẩn bị đón mừng sự hiện diện của Đức Giê-su. Sự hiện diện này đươc diễn tả qua 3 thời điểm: Người đã đến trần gian này hơn 2000 năm, mà lễ mừng là Lễ Giáng Sinh hàng năm. Người sẽ đến trong quang lâm đón chúng ta đi về nhà Cha và Người đang hiện diện giữa lòng đời và trong lòng người.

Nhìn cách trang hòang tại các trung tâm thương mại và những màn quảng cáo, không cần nhắc, anh chi em cũng biết lễ Giáng Sinh đã gần đến. Và Mùa vọng là thời gian để chúng ta chuẩn bị cho việc mừng Lễ.

Việc Chúa đến lần thứ hai cho dù đã được tiên báo, tuy nhiên những lời tiên báo đó cũng chẳng khẳng định chính xác được điều gì. Chúng ta tin ngày đó sẽ đến. Ngày mà trời mới đất mới sẽ đến để thay thế trời cũ đất cũ. Ngày mà sự sống vĩnh cửu sẽ hiển trị và vuợt thắng sự chết. Ngày mà con người sẽ đuợc đổi mới toàn diện. Thật ra, sự  biến đổi đã bắt đầu bởi cuộc giáng hạ và nhất là bởi sự sống lại của Con Thiên Chúa và trong hiện tại chúng ta đang sống để chờ đợi việc hòan tất cuộc biến đổi ấy trong “Ngày Chúa Đến”. Và không ai trong chúng ta biết ngày đó sẽ xẩy ra khi nào, nên chúng ta chỉ biết chờ đợi. Mong đợi với niềm hy vọng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài những điểm diễn tả việc tàn phá sẽ xẩy ra trên trái đất làm cho con người phải khiếp sợ, chúng ta cần ghi nhớ điểm quan trọng là sau cùng Thiên Chúa vẫn hiển trị. Cho dù các tai uơng trong hiện tại có xẩy ra như thế nào; nhưng cuối cùng vẫn là sự toàn thắng của Thiên Chúa. Vì giờ cứu chuộc mà Đức Giê-su đã khai mạc sắp hoàn tất. Vì thế, Kẻ sợ hãi thì lẩn trốn còn kẻ tin thì hiên ngang đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì giờ cứu chuộc đã gần kề.

Sau đó Đức Giê-su lại còn khuyên bảo chúng ta phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chèn chén say sưa hay lo lắng sự đời quá sức rồi ngày ấy sẽ như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu chúng ta.

Đó là lời cảnh báo rất thực tế vì không ai trong chúng ta biết ngày và giờ nào Chúa đến cả. Người sẽ đến bất thình lình. Vì thế, trong phần sau của bài Tin Mừng, Đức Giê-su khuyên bảo chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Bởi vì, nếu không tỉnh thức và cầu nguyện thì lòng chúng ta sẽ chai đá. Rồi những lo âu thái quá làm cho cuộc sống của chúng ta bị quay như chóng chóng, mất đi phương hướng và quên đi mục tiêu và các ưu tiên trong cuộc sống.

Tỉnh thức không phải là thái độ thụ động như người lính canh đồn, thức trắng đêm để đợi chờ; rồi thời gian chờ đợi quá lâu, họ đâm chểnh mảng rồi ngủ gà ngủ gật; chỉ mất sức mà chẳng được việc gì! Nhưng là người tín hữu, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất,  rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn.

Vì thế, chúng ta nên lập ra một chương trình làm việc trong Mùa Vọng này. Đây là thời gian hồng ân, đây là thời điểm mà chúng ta làm cho cuộc sống bớt bị ràng buộc và trở thành nhẹ nhàng hơn; tập sống buông bỏ không bị dính bén để cho lòng mình được nhẹ nhàng thanh thản chờ đợi Ngày Chúa đến. Ngày ấy sẽ như một chiếc lưới, ập xuống trên mọi cư dân trên khắp mặt đất.

Trước lời cảnh báo như thế, chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. Chúng ta đừng để mình bị "chộp bắt" bất thình lình, như con thú bị sa lưới.

Hãy tỉnh thức, luôn sẵn sàng, luôn cảnh giác. Việc không biết ngày nào sẽ xảy đến, không đặt chúng ta nằm trong trạng thái thụ động , lười biếng, trễ nải, nhưng làm cho chúng ta trở thành những con người hiên ngang đứng thẳng người trong trạng thái sẵn sàng!

Qua những lời trên, Đức Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi ngày đều có thể là ngày Chúa đến! Và cầu nguyện là cách thức chuẩn bị tốt nhất. Qua đó con người gặp gỡ Thiên Chúa, càng gặp càng yêu và càng yêu lại càng muốn gặp; bằng không thì giống như cá thiếu nuớc, con người thiếu dưỡng khí. Như vậy, tỉnh thức và cầu nguyện là khí cụ để con người gặp Chúa và gặp nhau.

Vì thế, đừng ngủ mê nữa. Đức Chúa đang đứng ngoài cửa, Ngài gõ và chờ đợi chúng ta mở cửa đón tiếp Người. Vì, Người hằng ước ao được dùng bữa tối với chúng ta. Đó là điều Người mong đợi. Vậy còn chần chờ gì nữa, hãy mở cửa lòng để Chúa ngự đến. Nhất là qua các bữa tiệc tạ ơn, bữa ăn lòng mến, những cuộc gặp gỡ thân tình … tất cả đều là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho Ngày gặp Chúa và anh em, cho đến khi Chúa vinh hiển ngự đến.

Hiện tại, Ma-ra-na-tha, Lậy Chúa xin hãy đến, vì chúng con đang đợi Người. Amen!

Wednesday, 20 November 2024

HIÊN NGANG CHỜ NGÀY CHÚA ĐẾN.


Khởi đầu bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su loan báo cho các môn đệ về ngày quang lâm của Đức Chúa, ngày Người đến qui tụ muôn dân. Trước khi ngày đó xẩy đến sẽ có những biến cố kinh hoàng. Trái đất sẽ bị bao phủ bởi màn đêm tăm tối, mặt trăng sẽ không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống. Nói chung rằng sẽ có những dấu chỉ báo cho chúng ta biết về ngày đó, còn khi nào ngày đó thật sự sẽ xẩy đến thì Chúa lại nói: “… không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người, có nghĩa là chính Đức Giê-su cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.

Tuy nhiên, con người luôn cố gắng tìm cách giải thích ý nghĩa của các dấu chỉ cho nên mỗi khi thấy những biến cố hay các tai ương, dịch bệnh xẩy ra trên thế giới thì không thiếu những người tín hữu vội vàng tiên đoán đó là các dấu chỉ của ngày tận thế. Lối suy đoán này đã từng xẩy ra trong lịch sử. Mỗi một giai đoạn trong dòng lịch sử, người ta lại có các kiểu đoán khác nhau.

Ở đây chúng ta nên nhớ lại lời của Thánh Augustinô đã nói như sau: “Chúng tôi cũng không biết bao giờ sẽ tận thế. Bởi vì, đó không phải là việc của chúng ta biết khi nào ngày đó sẽ xẩy đến; việc đó nằm trong quyền hạn của Chúa Cha.” Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại cuối cùng. Thời đại đó đã được bắt đầu từ thời các Thánh Tông Đồ, và sẽ còn tiếp tục sau cả thời của chúng ta nữa. Ngày tận thế còn cách xa chúng ta bao lâu, điều đó tôi cũng chẳng hề biết. Nhưng trong lúc này chúng ta hãy cứ sống trong niềm mong đợi về ngày đó. Và Ngài nhận thấy hiện có ba cách nhìn đã gây ảnh hưởng trên lối sống của các tín hữu thời đó trước những tin đồn về ngày tận thế như sau:

Có một số người quan niệm là hãy sống trong tỉnh thức và cầu nguyện, vì ngày Chúa đến sắp xẩy ra.

Một nhóm khác lại chủ trương là hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì đời sống của con người thì quá ngắn ngủi và bấp bênh và ngày Chúa đến hãy còn xa lắm.

Vì thân phận con người rất là yếu đuối và mỏng giòn, nên chúng ta hãy sống trong tỉnh thức và cầu nguyện trong niềm mong chờ ngày Chúa đến sẽ xẩy ra vào bất cứ lúc nào.

Đối với Thánh Augustinô thì lối sống thứ ba này là thích hợp nhất.

Dù rằng các lời tiên đoán về ngày tận thế đều không xẩy ra như người ta đoán già đoán non. Vì thế, chúng ta không nên quá chú trọng đến việc tiên đoán ngày nào sẽ là ngày tận thế. Nhưng hãy lưu ý đến nội dung của sứ điệp mà họ muốn nói đến là thời đại mà chúng ta đang sống là thời cuối cùng của lịch sử nhân loại, rồi đây vũ trụ sẽ bị tàn phá và sụp đổ để nhường cho việc Chúa đến trong quyền năng; và ngày đó có thể đang gần đến. Tuy nhiên, khi nào ngày ấy đến thì đó không phải là việc của chúng ta. Bởi vì, ngày đó là “Ngày của Chúa” và những gì của Chúa thì hãy để cho Chúa định liệu.

Chúng ta thường có quan niệm nhìn ngày tận thế rất tiêu cực. Ngày tận diệt, ngày phá hủy. Ngày khiến con người sống trong lo âu và sợ hãi. Thật là mâu thuẫn, bởi vì chúng ta đều gọi ngày đó là ngày quang lâm; không lẽ trong ngày hiển thắng của Đức Chúa quang lâm lại chỉ bao trùm chết chóc, sợ hãi và huỷ diệt hay sao! Đâu là sứ điệp vui mừng trong bữa tiệc cánh chung, đâu là hình ảnh ngóng đợi chàng rể đến để hợp hoan, đem vui mừng đến cho mọi người.

Quả thật, trong bài diễn từ về ngày cánh chung hôm nay có hàm chứa một biến cố lịch sử đã xẩy ra cho dân tộc Do Thái, đó chính là việc Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã bị huỷ diệt thành bình địa. Nhân dựa vào biến cố lịch sử này, các Thánh sử đều muốn nhắm đến sứ điệp là một thời đại đã qua đi để nhường chỗ cho những gì mới sẽ xẩy đến. Giê-ru-sa-lem cũ đã qua đi để nhường chỗ cho một Giê-ru-sa-lem mới. Và cho dù trời đất này phải qua đi thì Trời mới đất mới sẽ xuất hiện. Và một cảnh sống hoà bình sẽ đuợc thành hình như lời loan báo của ngôn sứ I-sa-i-a như sau: “Trong ngày đó, sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta.”

Hình ảnh mà ngôn sứ I-sa-i-a loan báo quả thật vô cùng đẹp đẽ và an bình. Qua đó, chúng ta tin rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự bình an, của sáng tạo, của sự sống chứ không phải huỷ diệt và sư chết. Có nghĩa là từ khởi thủy, Thiên Chúa đã sáng tạo muôn loại, và sẽ đưa muôn loài đến cùng đích trong sự viên mãn và thành toàn nơi Người. Bởi thế, trong ngày của Chúa, mọi sự sẽ được đổi mới toàn diện; ngày mà chúng ta thấy rõ dung nhan vinh hiển của Chúa, mà trong hiện tại chúng ta chỉ thấy mờ mờ.

Trạng thái lo âu và sơ hãi không có chỗ đứng trong hành trang của người tín hũu đang ngóng chờ Ngày Quang Lâm vinh hiển của Đức Chúa. Nhưng không vì thế, mà chúng ta lại đi vào thái cực khác là coi thường, thờ ơ rồi sống như không có ngày chung kết, rồi trong hiện tại con người lại tác oai, tác quái muốn làm gì thì làm, thậm chí kể cả các hành vi vô đạo  và bất lương cũng không từ. Trái lại, chúng ta phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của một người quản lý mà Chúa đã giao phó cho việc trông coi và phát triển vũ trụ này trở thành Trời Mới và Đất Mới.

Như vậy, thái độ tích cực nhất của chúng ta là hãy sắp xếp cuộc sống của mình cho phù hợp với các nhiệm vụ đã được giao phó nơi trần thế. Khi thi hành các trách vụ đó, chúng ta không mong tìm được lợi ích cho bản thân mình mà thôi, nhưng quyết tâm chu toàn bổn phận của một chứng nhân cho dẫu hy sinh mạng sống để thể hiện lòng mến của Thiên Chúa nơi mình.

Khi nói tới đây, chúng ta không quên việc cử hành lễ trọng tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào cuối tuần này. Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận gương can đảm, chấp nhận mọi khổ hình mà cha ông chúng mình đã trải qua. Sử sách đã ghi lại bao nhiêu loại cực hình khác nhau đã đuợc dùng để tra tấn các ngài như: nhẹ thì gông cùm, giam tù, bỏ đói; nặng hơn một chút là cho voi dầy, phơi nắng và ném xuống sông; quyết liệt hơn thì bị chặt đầu, bị thắt cổ hay bị đốt cháy; man rợ và hiểm độc nhất là bị phân thây ra từng mảnh hay là tùng sẻo… Chỉ cần tuởng tượng những cực hình nói trên cũng khiến cho con người ngày nay run sợ hãi hùng.

 Tất cả các cực hình đó không nhắm đến các nỗi thống khổ về phần xác; nhưng tất cả đuợc áp dụng để thử lòng trung tín với Chúa của các ngài. Vì thế, thật là thiếu sót, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến những nét hào hùng, những tấm gương can đảm, những cực hình mà cha ông chúng ta đã phải gánh chịu mà quên đi động lực chính đã giúp tổ tiên mình đi đến cùng; đó chính là lòng yêu mến Chúa Giê-su của các ngài. Vì yêu mến mà cha ông chúng ta đã từ khước tất cả và chấp nhận chết cho tất cả.

Thật vậy, sự hiểu biết giáo lý hay những tín điều về Thiên Chúa của các ngài thật nông cạn. Các ngài cũng không có những suy tư cao siêu về thần học. Nhưng khi trở thành tín hữu, các ngài đã yêu Chúa bằng tất cả con người của các ngài. Đỉnh cao của tình yêu nơi các ngài được thể hiện qua việc chấp nhận cái chết không vì phần thưởng đã dành sẵn cho những ai trung tín với Chúa mà thôi; nhưng qua hành vi tự hiến các ngài đã noi gương Chúa Giê-su, Đấng đã hiến thân để bày tỏ lòng mến tuyệt vời của Thiên Chúa cho nhân lọai. Tiến ra pháp truờng bằng niềm tin và lòng mến cho nên tâm hồn cha ông của chúng ta rất thư thái và bình an, miệng các ngài vang lên những lời tha thứ và trên môi là nụ cuời hân hoan của niềm vui sắp đuợc đoàn tụ với Chúa Giêsu, Đấng mà các ngài cả đời yêu mến và trông đợi.

Hôm nay chúng ta cũng được mời gọi sống trọn vẹn và sống cho đến giây phút cuối cùng bằng lòng mến. Đó chính là tâm huyết của cuộc sống. Và đó cũng là bổn phận để làm giàu các ân huệ và khả năng mà Chúa đã trao ban để sinh lợi cho Chúa. Rồi, cũng giống như cha ông mình, các bậc tiền bối đã sống trọn vẹn lòng mến vì danh Chúa Kitô, mỗi người chúng ta đến lúc đó, sẽ nhận đuợc Lời Chúa phán rằng: “Hỡi con yêu dấu, hãy vào mà hưởng niềm vui với Ta.”

 Như vậy, chủ đề “Ngày Chúa đến” trong phần phụng vụ Lời Chúa tuần thứ 33 của Mùa Thường Niên và việc tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam có một mối liên hệ thật sâu sắc. Sự chết của cha ông chúng ta phản ánh niềm tin mạnh mẽ của các ngài vào sự sống vĩnh cửu, công lý và sự cứu rỗi trong Ngày Chúa Đến. Các Ngài đã hiến dâng mạng sống như của lễ hy sinh để minh chứng sự can trường của một niềm tín sâu sắc và một lòng mến tha thiết với Chúa. Ngoài ra, các Ngài còn đại diện cho toàn thể Hội Thánh hy vọng vào sự thay đổi của thế giới này trong Ngày Chúa đến.

Sau cùng, cha ông chúng ta, các Thánh Tử Đạo thật đáng tôn vinh và chúng ta nguyện noi gương niềm tin sắt son và lòng mến thiết tha của các Ngài nơi tình yêu Chúa trong ngày Chúa đến, Amen!

CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO

Trình thuật Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này chia ra hai phần rõ rệt.

Trong phần thứ nhất, Đức Giê-su nói cho dân chúng về cách sống và lối hành xử quyền bính của mấy ông kinh sư. Thánh Mác-cô nói rất vắn gọn, không dài dòng, đi thẳng vào mục tiêu mà Ngài muốn nhắm đến. Thánh sử khuyên họ thay đổi, nếu không thì sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn các người khác, bởi vì họ đã được ban cho nhiều hơn.

Khi trình bầy sự đối nghịch giữa lối sống và lời giảng dậy của giới kinh sư và các thầy thuộc phái Pha-ri-sêu, Chúa khuyên các môn đệ đừng noi gương bắt chước họ, mà hãy nhìn vào lối sống của họ mà né tránh rồi tìm ra bài học về con đường mới, về lối sống mới mà chính Nguời là chứng nhân. Vì thế, trong phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã trình bầy hình ảnh và việc hiến dâng lễ vật của bà goá như là gương mẫu mà các môn đệ cần noi theo.

Trưóc khi tìm hiểu việc làm của bà góa và cách đánh giá của Đức Giê-su về việc bà làm, chúng ta cùng nghe một truyện kể được tìm thấy trong kho tàng truyện tích tại các trang mạng. Truyện kể như sau:

Có một ông kia tuy nghèo, nhưng lại có thú chơi xe. Ông đã phải dành dụm trong một thời gian rất lâu mới có đủ tiền để mua được chiếc xe mà ông yêu thích. Sau khi tậu nó về. Ông không ngại cực khổ, cặm cụi rửa xe, đánh bóng, rồi dành thời gian để ngắm nghía thành quả của mình. Ông coi công việc chăm sóc xe như một sở thích trong đời. Cậu con trai tuy còn nhỏ tuổi, nhưng lại đồng cảm với bố. Cậu thấy bố yêu thích chiếc xe như vậy nên cũng thường xuyên phụ bố rửa xe. Hai bố con làm việc rất vui vẻ.

Một ngày kia, người bố lái xe về nhà sau một trận mưa lớn, chiếc xe dính đầy bùn đất, nhưng ông lại quá mệt, nên nói với con trai: “Hôm nay bố hơi mệt, thôi để hôm khác chúng mình rửa xe nhé con yêu!” Cậu con trai thấy mình đang rảnh rỗi, liền xung phong muốn thay bố rửa xe, và được đồng ý. Tuy nhiên, người bố này lại quên là con trai mình chưa được muời tuổi đời. Ông thản nhiên trở về phòng nghỉ ngơi mà quên không chuẩn bị dụng cụ gì cho cậu bé cả.

Cậu quí tử hào hứng xông ra rửa xe, nhưng lại không tìm thấy khăn lau. Cậu bé chạy vào trong bếp, đột nhiên cậu nghĩ tới cái miếng chùi xoong mà mẹ vẫn thường dùng để chà nồi rất sạch sẽ, cậu liền lấy ngay miếng thép ấy để dùng. Cậu cầm miếng chùi xoong, chạy tới chạy lui chung quanh xe, ra sức chà, hết lần này tới lần khác. Sau khi chà xong, cậu phát hiện trên xe có những vết nguệch ngoạc, cậu sờ lên chỗ đó, lại thấy sần sùi, lồi lõm.

Thấy như thế, cậu sợ quá bèn khóc rống lên và chạy ngay vào phòng ngủ của bố, vừa khóc vừa nói: “Bố ơi, con xin lỗi, bố mau tới xem đi!” Ông bố vội vàng theo con trai chạy ra ngoài, chứng kiến chiếc xe “cưng” của mình mang một bộ dạng thê thảm như vậy. Ông không dám tin vào mắt mình. Nhưng, đó vẫn là sự thật! Ông ngẩn người ra, chết lặng đến cả nửa ngày mà vẫn chưa nói nên lời, mãi sau này ông mới thét lên: “Ối trời ơi! Chiếc xe của tôi, chiếc xe của ta ơi!”

Ông vô cùng tức giận, xông ngay vào trong phòng, ngửa mặt lên trời mà than van rằng: “Hỡi Thượng Đế, Thiên Chúa của tôi! Chúa biết, đây là chiếc xe mà con đã dùng hết tài sản sau khi dành dụm mới mua được; thế mà chưa đầy một tháng, giờ này nó đã biến thành như vậy, xin Người cho con biết, con nên làm sao? Con nên xử phạt đứa con này như thế nào đây?”

Lời than xin vừa chấm dứt, đầu óc ông đột nhiên trở nên sáng suốt, và này một tư tưởng vừa lóe lên trong đầu: “Trong cuộc sống, mọi chuyện đều không thể nhìn vào cái vẻ bên ngoài mà phải nhìn vào trái tim.”

Trong khi đó, cậu con trai vẫn còn nước mắt đầm đìa. Nhìn thấy con mình như thế, bao nhiêu giận dữ của ông bố từ từ biến mất, ông buớc lại gần để trấn an con mình, nhưng cậu vừa thấy bố đến gần lại càng run sợ hơn. Ông ôm đứa con trai nhỏ bé của ông vào lòng rồi ôn tồn nói: “Cảm ơn con đã giúp bố rửa xe; bố yêu con nhiều hơn yêu chiếc xe này nữa!”

Anh chị em thân mến,

Câu chuyện nói trên nhắc chúng ta nhận ra cách hành xử của Đức Giê-su trước hành động của bà goá trong bài Tin Mừng, đúng hơn là hai bà góa trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

Trước tiên, việc làm của hai bà nhắc cho tôi nhớ lại lời dậy bảo của cha ông. Các ngài thường khuyên rằng “của cho không bằng cách cho.” Có nghĩa là, khi san sẻ cho ai điều gì thì hãy trao cho họ bằng cả tấm lòng, nghĩa cử trân trọng và cung kính thì người nhận sẽ cảm thấy vui hơn. Đừng trao ban bằng thái độ kẻ cả, trịch thượng, coi thường kẻ khác thì cho dù món quà có quí giá đến đâu, nhưng thái độ khi trao ban như thế chỉ làm tha nhân bị tổn thương vì bị coi thường!

Bà goá ở Sa-rép-ta trong bài đọc thứ nhất đã nói: “Tôi chỉ có trong hũ một nắm bột, và trong bình một chút dầu thôi”. Đó là của ăn đường cho bà và gia đình trước khi chết. Thế mà bà và gia đình sẵn lòng hy sinh phần ăn này để cứu ngôn sứ Elia khỏi bị chết đói. Hy sinh như thế nói lên tâm tình dâng hiến của bà. Hiến dâng những gì mình có tức là cho đi chính con người của mình, sự sống của mình. Mấy ai làm đuợc điều này, thế mà bà góa ở Sa-rép-ta lại làm được. Bà đã trở nên một tấm gương cho chúng ta noi theo.

Tương tự như thế, ngày hôm nay tại cửa trước của đền thờ Giê-ru-sa-lem và trước mặt bao nhiêu người giầu có đã dâng cúng vào hòm tiền phần dư thừa, bà góa vô danh của chúng mình lại dâng cúng ít nhất, chỉ vỏn vẹn có hai đồng kẽm. Nhưng đó lại là tất cả những gì bà có. Bà dâng trọn vẹn những gì còn lại để nuôi sống bà. Bà cho đi tất cả.

Đức Giêsu nhìn thấy, không chỉ nhìn vẻ bề ngoài mà còn nhận ra phần sâu thẳm nơi tâm hồn của những người dâng cúng nữa. Người nói “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

Hơn nữa, bà góa trong Tin Mừng là hình ảnh của một lớp người nghèo, cô thân cô thế. Như vậy, lẽ ra bà là đối tượng được các môn đệ quan tâm, chăm lo và săn sóc. Thế mà, qua việc dâng cúng rất nhỏ bé hôm nay, bà lại trở thành gương sáng, mẫu mực cho những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa.

Việc làm của hai bà góa thật đáng ngợi khen. Họ đã cho đi tất cả những gì mà họ có để nuôi sống hai bà và gia đình. Có nghĩa là, họ đã cho đi chính cuộc sống của họ và gia đình. Hành động của họ không chỉ mang tính quảng đại, mà còn nói lên tính liễu lĩnh, biểu lộ một niềm tin vô cùng vững chắc vào Đấng có quyền trên việc sống chết của họ nữa. Việc làm của bà góa có thể ám chỉ việc làm của Đức Giê-su sau này. Lễ vật dâng trong đền thờ của bà góa hôm nay loan báo việc tự hiến của Đức Giê-su dâng cho Chúa Cha đấy thôi!

Phần chúng ta, theo Chúa để dâng hiến tất cả những gì mình có. Như bà goá, khi dâng cúng số tiền tuy ít, nhưng đó là tất cả những gì bà có. Các môn đệ và chúng ta cũng được mời gọi và khuyến khích dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì mình có qua việc phục vụ tha nhân vì cũng như mình, anh chị em là đền thờ của Thiên Chúa vậy. Amen!

ĐIỀU CẦN NHẤT: ĐÓ LÀ YÊU.


            Hôm nay, chúng ta nghe nói về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và vị kinh sư. Ông này dường như có thiện cảm với Chúa hơn các kinh sư khác, cho nên câu chuyện hôm nay không căng thẳng như các câu chuyện khác. Một câu chuyện có hậu, một cuộc gặp gỡ duy nhất trong đó ông kinh sư đã đồng ý với quan điểm của Đức Giê-su. Kết quả câu chuyện là vị kinh sư đã công khai ca ngợi về những gì Đức Giê-su đã nói.

            Trước hết, ông biết danh tiếng và sự khôn ngoan của Người qua các cuộc tranh luận với các nhóm khác, cụ thể là những người thuộc nhóm Xa-đốc. Vì thế, hôm nay với bổn phận của một người chuyên môn nghiên cứu, ông đã đến gặp Đức Giê-su để tìm hiểu và đào sâu giáo lý nên đã hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều nào đứng đầu.” Đây là một câu hỏi quan trọng mà ông cần biết để giảng dậy cho dân tuân theo mà sống.

            Thật ra, không có gì mới lạ trong việc ông tìm hiểu. Các kinh sư đã tìm tòi và nghiên cứu các khoản luật trong Cựu Ước để tìm ra điều quan trọng nhất. Họ biết tất cả mọi khoản luật đều xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn họ tuân giữ giới luật để mãi mãi là đàn chiên thuộc về Người.

Ngay từ đầu Thiên Chúa đã muốn cho họ biết rằng tình yêu là nền tảng của mọi sự. Và trong trình thuật hôm nay, khi trả lời câu hỏi của kinh sư, Đức Giê-su đã nhắc lại khoản luật quan trọng trong Cựu Ước mà những người dân Ít-ra-en đã được dậy bảo ngay từ thủa bé, đó là “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." Như vậy, Tình Yêu là phương châm, là sức mạnh, là nền tảng, là ý định và là phương tiện để con người sống theo đúng tinh thần mà Thiên Chúa truyền ban.

Trong phần đáp trả, Đức Giê-su không chỉ nhắc lại cho chúng ta nhớ rằng Tình yêu là yếu tố chính, là nền tảng xây dựng lên các khoản luật, mà Người còn đem đến một điều mới, không có trong truyền thống Cựu Ước, là việc nối kết hai khoản luật lại với nhau. Người khẳng định rất rõ rằng không có điều răn nào khác và lớn hơn hai điều răn đó. Như vậy, Yêu mến Chúa dẫn chúng ta đến chỗ yêu nhau.

Thật vậy, đó không chỉ là giáo huấn của Chúa mà còn là con đường của Đức Giê-su nữa. Và Người cũng muốn cho những kẻ theo Người sống theo con đường yêu thương đó. Đạo là như thế, là các nẻo yêu thương phát sinh và hướng về tình yêu của Thiên Chúa. Đó là căn nguyên, là nền tảng để chúng ta sống đạo.

Trước khi yêu Chúa, việc đầu tiên chúng ta cần nhận ra có một Thiên Chúa duy nhất. Người là đối tượng để chúng ta yêu, chứ không có một thần tượng nào khác ngoài Người ra. Một khi đã nhận Người là Thiên Chúa duy nhất là lúc chúng ta đầu phục Người.

Bước kế tiếp là yêu Chúa. Tình yêu Chúa trong ta và tình của ta dành cho Chúa là động lực thúc đẩy chúng ta yêu tha nhân. Chỉ có ai cắm rễ sâu trong Tình yêu của Chúa thì mối tình của người đó dành cho tha nhân mới bền lâu; bằng không cũng chỉ là những cảm xúc nhân loại, nhất thời và chóng qua.

Yêu Chúa thế nào thì yêu tha nhân như thế. Đây là giới răn mới mà Đức Giê-su ban thêm. Ông kinh sư đến gặp Chúa để xin Người ban cho ông giới răn quan trọng nhất; cuối cùng ông và chúng ta nhận đuợc hai điều bằng nhau và chẳng có điều răn nào khác lớn hơn hai điều ấy. Qua việc yêu thương tha nhân, chúng ta đi vào chương trình và ý muốn của Thiên Chúa.

Vẫn biết là như thế. Nhưng chúng ta cũng nên cụ thể hóa tình yêu của chúng ta dành cho những người lân cận bằng hành động. Đây không phải là việc dễ làm. Cho nên chúng ta cần Chúa. Chỉ những ai yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực thì sẽ biết diễn tả tình yêu của họ một cách cụ thể cho tha nhân.

Chúng ta không yêu và trao ban cho người khác những gì mình dư thừa mà việc trao ban của chúng ta phải mang ý nghĩa dâng hiến như Đức Giê-su đã thực hiện. Như chúng ta đã được đón nhận việc phục vụ và dâng hiến của Đức Giê-su thế nào thì tha nhân cũng vậy. Họ thật xứng đáng đón nhận quà tặng của Chúa qua việc chia sẻ của chúng ta.

Như vậy, khi chúng ta trao cho nhau điều gì thì đó không phải việc bố thí, nhưng đó là đáp ứng nhu cầu của nhau. Khi làm như thế, chúng ta tôn trọng và giúp cho họ được phát triển toàn diện. Vì thế, yêu mến Chúa và yêu người là hai điều gắn chặt với nhau, không gì có thể tháo gỡ và tách biệt hai giới răn này ra khỏi nhau.

Nhưng trên thực tế, yêu mến Chúa là Đấng mà chúng ta không nhìn thấy thì dễ, còn thương tha nhân thật khó. Đã nhiều lần chúng ta lạm dụng cụm từ yêu thương khi mạnh dạn tuyên xưng mình rất yêu Chúa mà lại không nhìn thấy hay làm ngơ trước các nhu cầu của tha nhân là những người đang sống gần bên ta, thế nghĩa là làm sao!

Để minh họa cho ý nghĩ nói trên, tôi xin sao chép lại câu chuyện mà ý chính của câu chuyện này đã được trích dẫn trong bài suy niệm hàng ngày mà tôi nhận được từ Cha Minh Anh, thuộc Tổng Giáo Phận Huế. Truyện có thể quảng diễn như sau:

“Vào một mùa đông lạnh giá, có người hành khất đi từ nhà nầy sang nhà nọ xin bố thí nhưng không ai tỏ lòng thương xót hoặc quan tâm đến hoàn cảnh của anh. Người ta đóng sầm cánh cửa, cũng như đóng cõi lòng, trước mặt anh, kèm theo những lời miệt thị. Ít ai tự hỏi người ăn xin ấy có thất vọng trước lối đối xử của những người đồng loại hay không! Ông tiếp tục kéo dài cuộc sống trong nỗi bất hạnh của chính mình và của đời ban cho!  

Thế rồi vào một buổi sáng tuyết giá, lạnh thấu xương, người hành khất đó được tìm thấy bên vệ đường với ống chân bị gẫy. Nguyên do không lẽ vì thời tiết quá lạnh, rồi ông bị vấp té khiến ống chân của ông bị gẫy chăng! Một cụ già nhìn thấy và tìm cách đưa anh vào bệnh viện.

Khi dân chúng trong thị trấn được tin một người nghèo túng, ăn xin bị gẫy chân, họ cảm thấy ân hận với lối hành xử trước đây đối với anh. Giờ đây, trước hoàn cảnh mới anh thật đáng thương. Vài người đến bịnh viện thăm viếng, an ủi và làm bạn với anh, người khác còn đem thức ăn và áo xống cho anh.

Đến ngày anh rời nhà thương, nhà mà ông đã nhận được sự yêu thương. Những người trong thị trấn đã quyên góp được một số tiền cho anh làm lộ phí. Họ còn cho anh thêm ít quần áo ấm để chống chọi với cơn lạnh của mùa đông lạnh giá. Đến bây giờ họ mới biết cái lạnh của con tim tác hại ra sao!

Trước khi rời thị trấn, người hành khất gửi điện tín cho vợ như sau “Em yêu, hãy ngợi khen Chúa, vì một phép lạ đã xảy đến với anh, anh bị gẫy chân”.

Lối hành xử của dân chúng trong thị trấn nói trên nhắc cho chúng ta nhìn lại cách sống của chính mình. Thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa qua các nghi thức phụng vụ để nói lên lòng mến Chúa của chúng ta và không dám bỏ một Chúa Nhật nào là một việc làm đáng khích lệ, nhưng quên yêu thương anh em mình thì xem ra mình là kẻ nói dối, “vì ai không yêu thương người anh chị em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Gio-an 4: 20b)

Vì thế, chúng ta phải tìm cách để cho các ân huệ của Chúa có chỗ thoát ra thì Chúa mới bù đắp được. Nói khác đi, chúng ta đừng sợ khi trao ban, đừng sợ yêu vì khi yêu và trao ban là lúc chúng ta cho Chúa cơ hội để Người ban nhiều hơn mà làm cho cuộc sống chúng ta được sung mãn và tràn đầy tình của Chúa hơn. Amen!