Hôm nay, chúng ta nghe nói về cuộc
gặp gỡ giữa Đức Giê-su và vị kinh sư. Ông này dường như có thiện cảm với Chúa
hơn các kinh sư khác, cho nên câu chuyện hôm nay không căng thẳng như các câu
chuyện khác. Một câu chuyện có hậu, một cuộc gặp gỡ duy nhất trong đó ông kinh
sư đã đồng ý với quan điểm của Đức Giê-su. Kết quả câu chuyện là vị kinh sư đã
công khai ca ngợi về những gì Đức Giê-su đã nói.
Trước hết, ông biết danh tiếng và sự
khôn ngoan của Người qua các cuộc tranh luận với các nhóm khác, cụ thể là những
người thuộc nhóm Xa-đốc. Vì thế, hôm nay với bổn phận của một người chuyên môn
nghiên cứu, ông đã đến gặp Đức Giê-su để tìm hiểu và đào sâu giáo lý nên đã hỏi
Người rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều nào đứng đầu.” Đây là một câu
hỏi quan trọng mà ông cần biết để giảng dậy cho dân tuân theo mà sống.
Thật ra, không có gì mới lạ trong
việc ông tìm hiểu. Các kinh sư đã tìm tòi và nghiên cứu các khoản luật trong
Cựu Ước để tìm ra điều quan trọng nhất. Họ biết tất cả mọi khoản luật đều xuất
phát từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn họ tuân giữ giới luật để mãi mãi là
đàn chiên thuộc về Người.
Ngay
từ đầu Thiên Chúa đã muốn cho họ biết rằng tình yêu là nền tảng của mọi sự. Và
trong trình thuật hôm nay, khi trả lời câu hỏi của kinh sư, Đức Giê-su đã nhắc
lại khoản luật quan trọng trong Cựu Ước mà những người dân Ít-ra-en đã được dậy
bảo ngay từ thủa bé, đó là “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng
ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là:
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn
hơn các điều răn đó." Như vậy, Tình Yêu là phương châm, là sức mạnh, là
nền tảng, là ý định và là phương tiện để con người sống theo đúng tinh thần mà
Thiên Chúa truyền ban.
Trong
phần đáp trả, Đức Giê-su không chỉ nhắc lại cho chúng ta nhớ rằng Tình yêu là
yếu tố chính, là nền tảng xây dựng lên các khoản luật, mà Người còn đem đến một
điều mới, không có trong truyền thống Cựu Ước, là việc nối kết hai khoản luật
lại với nhau. Người khẳng định rất rõ rằng không có điều răn nào khác và lớn
hơn hai điều răn đó. Như vậy, Yêu mến Chúa dẫn chúng ta đến chỗ yêu nhau.
Thật
vậy, đó không chỉ là giáo huấn của Chúa mà còn là con đường của Đức Giê-su nữa.
Và Người cũng muốn cho những kẻ theo Người sống theo con đường yêu thương đó.
Đạo là như thế, là các nẻo yêu thương phát sinh và hướng về tình yêu của Thiên
Chúa. Đó là căn nguyên, là nền tảng để chúng ta sống đạo.
Trước
khi yêu Chúa, việc đầu tiên chúng ta cần nhận ra có một Thiên Chúa duy nhất.
Người là đối tượng để chúng ta yêu, chứ không có một thần tượng nào khác ngoài Người
ra. Một khi đã nhận Người là Thiên Chúa duy nhất là lúc chúng ta đầu phục Người.
Bước
kế tiếp là yêu Chúa. Tình yêu Chúa trong ta và tình của ta dành cho Chúa là động
lực thúc đẩy chúng ta yêu tha nhân. Chỉ có ai cắm rễ sâu trong Tình yêu của
Chúa thì mối tình của người đó dành cho tha nhân mới bền lâu; bằng không cũng
chỉ là những cảm xúc nhân loại, nhất thời và chóng qua.
Yêu
Chúa thế nào thì yêu tha nhân như thế. Đây là giới răn mới mà Đức Giê-su ban
thêm. Ông kinh sư đến gặp Chúa để xin Người ban cho ông giới răn quan trọng
nhất; cuối cùng ông và chúng ta nhận đuợc hai điều bằng nhau và chẳng có điều
răn nào khác lớn hơn hai điều ấy. Qua việc yêu thương tha nhân, chúng ta đi vào
chương trình và ý muốn của Thiên Chúa.
Vẫn
biết là như thế. Nhưng chúng ta cũng nên cụ thể hóa tình yêu của chúng ta dành
cho những người lân cận bằng hành động. Đây không phải là việc dễ làm. Cho nên
chúng ta cần Chúa. Chỉ những ai yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết
sức lực thì sẽ biết diễn tả tình yêu của họ một cách cụ thể cho tha nhân.
Chúng
ta không yêu và trao ban cho người khác những gì mình dư thừa mà việc trao ban của
chúng ta phải mang ý nghĩa dâng hiến như Đức Giê-su đã thực hiện. Như chúng ta
đã được đón nhận việc phục vụ và dâng hiến của Đức Giê-su thế nào thì tha nhân
cũng vậy. Họ thật xứng đáng đón nhận quà tặng của Chúa qua việc chia sẻ của
chúng ta.
Như
vậy, khi chúng ta trao cho nhau điều gì thì đó không phải việc bố thí, nhưng đó
là đáp ứng nhu cầu của nhau. Khi làm như thế, chúng ta tôn trọng và giúp cho họ
được phát triển toàn diện. Vì thế, yêu mến Chúa và yêu người là hai điều gắn
chặt với nhau, không gì có thể tháo gỡ và tách biệt hai giới răn này ra khỏi
nhau.
Nhưng
trên thực tế, yêu mến Chúa là Đấng mà chúng ta không nhìn thấy thì dễ, còn
thương tha nhân thật khó. Đã nhiều lần chúng ta lạm dụng cụm từ yêu thương khi
mạnh dạn tuyên xưng mình rất yêu Chúa mà lại không nhìn thấy hay làm ngơ trước
các nhu cầu của tha nhân là những người đang sống gần bên ta, thế nghĩa là làm
sao!
Để
minh họa cho ý nghĩ nói trên, tôi xin sao chép lại câu chuyện mà ý chính của câu
chuyện này đã được trích dẫn trong bài suy niệm hàng ngày mà tôi nhận được từ Cha
Minh Anh, thuộc Tổng Giáo Phận Huế. Truyện có thể quảng diễn như sau:
“Vào
một mùa đông lạnh giá, có người hành khất đi từ nhà nầy sang nhà nọ xin bố thí
nhưng không ai tỏ lòng thương xót hoặc quan tâm đến hoàn cảnh của anh. Người ta
đóng sầm cánh cửa, cũng như đóng cõi lòng, trước mặt anh, kèm theo những lời
miệt thị. Ít ai tự hỏi người ăn xin ấy có thất vọng trước lối đối xử của những
người đồng loại hay không! Ông tiếp tục kéo dài cuộc sống trong nỗi bất hạnh
của chính mình và của đời ban cho!
Thế
rồi vào một buổi sáng tuyết giá, lạnh thấu xương, người hành khất đó được tìm
thấy bên vệ đường với ống chân bị gẫy. Nguyên do không lẽ vì thời tiết quá
lạnh, rồi ông bị vấp té khiến ống chân của ông bị gẫy chăng! Một cụ già nhìn thấy
và tìm cách đưa anh vào bệnh viện.
Khi
dân chúng trong thị trấn được tin một người nghèo túng, ăn xin bị gẫy chân, họ
cảm thấy ân hận với lối hành xử trước đây đối với anh. Giờ đây, trước hoàn cảnh
mới anh thật đáng thương. Vài người đến bịnh viện thăm viếng, an ủi và làm bạn
với anh, người khác còn đem thức ăn và áo xống cho anh.
Đến
ngày anh rời nhà thương, nhà mà ông đã nhận được sự yêu thương. Những người trong
thị trấn đã quyên góp được một số tiền cho anh làm lộ phí. Họ còn cho anh thêm
ít quần áo ấm để chống chọi với cơn lạnh của mùa đông lạnh giá. Đến bây giờ họ
mới biết cái lạnh của con tim tác hại ra sao!
Trước
khi rời thị trấn, người hành khất gửi điện tín cho vợ như sau “Em yêu, hãy ngợi
khen Chúa, vì một phép lạ đã xảy đến với anh, anh bị gẫy chân”.
Lối
hành xử của dân chúng trong thị trấn nói trên nhắc cho chúng ta nhìn lại cách
sống của chính mình. Thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa qua các nghi thức phụng vụ để
nói lên lòng mến Chúa của chúng ta và không dám bỏ một Chúa Nhật nào là một
việc làm đáng khích lệ, nhưng quên yêu thương anh em mình thì xem ra mình là kẻ
nói dối, “vì ai không yêu thương người anh chị em mà họ trông thấy thì không
thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Gio-an 4: 20b)
Vì
thế, chúng ta phải tìm cách để cho các ân huệ của Chúa có chỗ thoát ra thì Chúa
mới bù đắp được. Nói khác đi, chúng ta đừng sợ khi trao ban, đừng sợ yêu vì khi
yêu và trao ban là lúc chúng ta cho Chúa cơ hội để Người ban nhiều hơn mà làm
cho cuộc sống chúng ta được sung mãn và tràn đầy tình của Chúa hơn. Amen!
No comments:
Post a Comment